"- À này, bác Thuật tử tế với cô Tép đáo để!...". Câu Dương nói đùa không hiểu tại sao cứ văng vẳng bên tai Tép. Nó hình như chen lẫn trong tiếng máy chuyển sình sình, tiếng sắt va lủng củng và tiếng các chị em nói cười như chợ vỡ ở quanh mình thiếu nữ. Cô thẫn thờ làm việc, mắt nhiều khi nhìn bâng khuâng hàng giờ lâu đằng trước như theo dõi một hình ảnh nào. - Bác Thuật tử tế với cô Tép đáo để!... Tép lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại câu nói ấy hai ba lượt và, mỗi lần như thế, cô càng tỏ ra vẻ nghĩ ngợi vô cùng. Trạc độ tuổi mười bảy mười tám, Tép là một cô gái quê xinh xắn, với một gương mặt trái xoan màu da trắng hồng, một cặp mắt trong, cái miệng nhỏ và tươi như cái nụ hoa tầm xuân và cái dáng người tầm thước. Cha mẹ cô nghèo khổ nên Tép đã phải làm lụng vất vả ngay từ ngày bé. Nhưng, ngay từ ngày bé, cô đã nghiệm thấy rằng ngoài cha mẹ cô ra, chẳng có ai tử tế với cô hết. Nhất là từ khi xảy ra câu chuyện ấy, Tép càng thấy ở quanh mình nhiều tiếng mỉa mai cay độc, nhiều cái nhìn trộm cay độc, nhiều cái mỉm cười xỏ xiên của chúng bạn. Bọn phu con trai đối với cô lại càng thô tục hơn, hình như họ cho rằng đối với một người con gái đã bị hà hiếp thì họ có quyền đểu giả thế nào cũng được. Sống ở giữa sự bất công thô tục ấy, Tép yên chí một cách ngây thơ rằng người ta đã hẹn nhau để ác nghiệt và tàn nhẫn với cô nên Tép vẫn hết sức thu mình lại, lủi như con cuốc để họa may người ta có quên Tép đi chăng. Nhưng bao giờ sự hà hiếp độc ác lại có thể quên đi được một người con gái yếu mềm, không ai che chở và không có cả cách tự vệ nữa! Mà câu chuyện xảy ra có phải lỗi tại Tép đâu. Cô bị nhem nhuốc mà thực ra không phải tự cô đã làm ố mình cô. Nguyên từ sau khi cha cô bị lò sập đè chết, ông chủ đền mạng cho được dăm đồng vừa đủ mua cỗ săng gạo và cái nhà táng thì cảnh nhà cô lại càng túng bấn khổ sở. Tuy cô vẫn có việc, vẫn đi làm mà tiền công ít ỏi, không đủ nuôi mẹ già. Đã thế, mẹ cô lại thường hay ốm đau luôn. Ngoài tiền gạo, tiền thức ăn, tiền dầu đèn, cô còn phải lo tiền thuốc cho mẹ nữa. Một hôm, mẹ cô thốt nhiên bị ốm nặng, mà trong nhà thì không còn một đồng một chữ nào nữa. Cô lo quá, chẳng biết làm thế nào, sau đành lại nhà cai Tứ, là người cô vẫn tránh mặt vì thấy lão xưa nay không chính đính, để van nài lão cho vay đồng bạc. Cũng là không may cho cô mà cô gặp ngay lão chủ ở đấy. Lúc vào, cô vô tình nhưng khi nhìn rõ trong nhà cai Tứ có chủ, cô sợ hãi muốn lui ra thì đã không kịp. Cô luống cuống chắp tay vái chào ông chủ thì thấy ông này cười mủm mỉm và đáp lại bằng tiếng An Nam: - Không dám, chào cô! Sự lễ phép không ngờ ấy làm cho Tép hơi yên lòng. Cô nhìn cai Tứ đoạn lấy một vẻ mặt khốn khó và một giọng nói van nài, bảo với hắn: - Thưa ông cai, cháu muốn nhờ ông một việc. Cai Tứ hách dịch hỏi: - Việc gì? - Bu cháu bị ốm nặng, cháu lại nhờ ông cho cháu vay đồng bạc để về mua thuốc cho bu cháu rồi cuối tháng này ông trừ vào công cháu cũng được. Cai Tứ nhìn Tép từ đầu đến chân và nhại: - Cuối tháng trừ vào công cháu cũng được!... Cô nói mới dễ nghe làm sao! Tép nước mắt chạy quanh, vừa lo lắng vừa hổ thẹn: - Ông làm phúc cho cháu... - Hừ! Làm phúc!... Nếu tất cả ngót nghìn phu cùng bắt tôi làm phúc cho họ thì tôi bán thần xác tôi đi sớm!... - Cháu chưa dám vay lần nào... - Mặc chứ! Tép uất lên tận cổ; đành lủi thủi bước ra vì cô biết nếu cô nói nữa thì thế nào cô cũng bật tiếng khóc. Trong này, ông chủ ghé tai bảo thầm cai Tứ mấy câu. Bỗng, hắn mỉm cười, đầu gật gật, miệng uẩy rối rít đoạn to tiếng gọi: - Này, chị Tép! Tép quay lại. - Vào đây mà lấy tiền! Tép ngờ rằng ông chủ động lòng thương bắt cai Tứ phải cho vay nên mừng rỡ vội quay trở lại. Tứ vờ móc ví, rút ra một tờ giấy năm đồng. - Lại không có giấy lẻ thì làm thế nào bây giờ? Đoạn, quay lại người Tây, hắn lễ phép hỏi: - Quan lớn có tiền giấy một đồng làm ơn đổi cho... Người Tây lắc đầu: - Làm gì có! Tứ càu nhàu: - Thế mới lại rắc rối nữa! Và, chân bước ra cửa, hắn bảo Tép: - Chờ đấy, tôi đi đổi đã. Tép gọi với: - Ông cai, hay là cháu đi theo ông... Cai Tứ gắt: - Thì chờ đấy không được à? Ai nợ nần gì nhà chị! Trong lúc ấy, người Tây đã đứng chắn ở cửa, cái thân hình to lớn không để hở một tí nào cho Tép có thể chui lọt mà ra ngoài được. Ngoài sân, cai Tứ chạy như ma bắt. Khi hắn đã khuất sau một búi lan, người Tây bèn quay trở vào và khép cửa lại. Tép lo lắng như con thỏ bị sa vào cạm. Trống ngực cô đánh như trống hộ đê. Toàn thân cô run cầm cập. Người Tây lại gần Tép, hỏi đến hai bận cô mới nghe rõ: - Mẹ cô ốm nặng à? - Bẩm quan lớn, vâng! - Cô làm ở đâu? - Con gánh đất thuê cho ông cai. - Công mỗi ngày được bao nhiêu? - Bẩm, hào rưỡi một ngày. Hôm nào n!!!13308_3.htm!!!
Đã xem 28028 lần.
http://eTruyen.com