PHẦN HAI
MỎM ĐÁ TARPEIENNE
Năm
Trận đấu bò đầu tiên trong Mặt Trận Tổ Quốc

    
ôi nằm trong mẻ đầu tiên. Mỗi người bị kết án đều phải trình diện trước một toà án gồm những thành viên trong tổ chức mà người ấy sinh hoạt. Trong khi đạp xe từ nhà đến cơ quan trung ương của Mặt Trận Tổ Quốc, theo lời mời của Đảng, tôi cố gắng suy nghĩ xem buổi xử án tôi sẽ xảy ra như thế nào. Dường như đây là buổi tự phê bình mà tôi phải tự trình bày. Thật vậy, đây là một vụ xét xử chính trị mà tôi phải đối phó. Đảng đã chỉ định một số người ngồi sau cái bàn phủ khăn xanh và giữ vai trò công tố tuy không đưa ra bản cáo trạng nào nhưng chỉ đưa ra những câu hỏi nhằm chứng minh là tôi là kẻ có tội. Buổi thẩm vấn diễn ra công cộng, và nội dung là những lời buộc tội chính mà “hội đồng bồi thẩm” đã thiết lập nên. Kịch bản đã được nghiên cứu đến từng chi tiết nhỏ nhất. Phán quyết vụ án không được đưa ra vào phần chót của buổi xử án. Chính Đảng, sau đó sẽ trở lại quyết định nội dung của phán quyết. Mục tiêu được nhắm đến là “giáo dục” lại kẻ phạm tội sao cho kẻ này có thể chuộc lại những lầm lỡ, và đồng thời giáo dục quần chúng để cho họ tránh không mắc phải những lỗi lầm như những người kia.
Vì thế, người ta tham dự một phiên toà chứ không phải là một buổi tự phê bình mà người ta gọi là một buổi hội nghị. Người cộng sản, bên cạnh những tài năng khác, rất lẻo mép. Luôn luôn chơi trò hàng hai, chẳng những tự lừa dối mình còn lừa dối đến những người khác, bóp méo sự thật, tìm cách làm hoa mắt mọi người. Họ dùng những mánh lới quanh co y như đầu óc bẩm sinh quanh co của họ. Một từ luôn được lập lại trong ngôn ngữ của họ: “Giáo dục”. Một động tác đưa ra, một sinh hoạt được tổ chức đều phải nhắm vào một mục đích giống nhau: dạy cho quần chúng cư xử trong cuộc sống y chang như người cộng sản.
Nhưng khi Mặt Trận được tổ chức như một Toà Án để xét xử đồng nghiệp của mình, tự nó đã là một khó khăn: Mặt Trận bao gồm nhiều thành viên tiếng tăm từ nhiều khuynh hướng xã khác nhau tiêu biểu cho toàn xã hội đa dạng, đa nguồn gốc. Đặc tính chung của những người này là không phải đảng viên, không được chấp nhận vào Đảng. Chỉ có Chủ Tịch của Mặt Trận là một đảng viên cao cấp. Nhưng tất cả những cán bộ thừa hành trong Ban Bí thư đều là những người cộng sản trẻ, năng động, có cái nhìn sắc bén nhưng chỉ biết mở mồm khi báo cáo công việc cho người trách nhiệm Mặt Trận. Bất cứ lúc nào, thể theo đề nghị của Đảng, Mặt Trận sẽ bỏ phiếu ủng hộ một vài quyết định cho một vài chính sách này, chính sách nọ, Đảng tin rằng tất cả nhân dân đều đứng đằng sau Đảng, mặc dù nhân dân chưa bao giờ bầu ra một thành viên nào của Mặt Trận, chưa bao giờ giao phó một nhiệm vụ nào cho Mặt Trận, khác với Quốc Hội được bầu ra nhưng cũng ít nhiều bị điều khiển từ xa. Khi mà người cộng sản là những người có một sở thích không lành mạnh và không kềm chế được là thích phô diễn, và Mặt Trận lại cung ứng cho Đảng cái vẻ như toàn dân tán thành Đảng, cho nên Đảng cũng làm ra vẻ lưu tâm nhiều đến Mặt Trận một cách chính thức và trọng thể. Huống chi Đảng không tác động trực tiềp lên quần chúng, không phải nhận bất cứ than phiền hay chỉ trích nào, thậm chí còn không thèm lưu ý đến họ; vì vậy cho nên Đảng không phải chịu một rủi ro nào bị nhân dân phản đối. Giữa Đảng và Mât Trận là một sự trao đổi lễ phép, lịch sự, ngoại giao bình dân, hình thức suông, tất cả những gì mà cả đôi bên đếu vui lòng với nhau.
Tôi tò mò tự hỏi rồi đây ai là người sẽ đóng vai công tố và phóng ra những lời buộc tội dưới hình thức những câu hỏi liên quan đến những “lỗi lầm” của tôi. Các ông cha Nhà Thờ Công Giáo, các vị sư Phật Giáo đáng tôn kính đều có một chút quyền hành nhưng họ là những người rất khó mà bị nhồi sọ. Những đại biểu của nghiệp đoàn, của chị em phụ nữ, hay các nông dân trẻ thì không có quyền hạn gì thì tỏ ra thiếu tự tin khi đảm nhiệm vai trò của mình. Như thế, chỉ có một trí thức là Bác Sĩ Phạm Khắc Quang, một người tự trọng và có tiếng tăm mà tôi được biết. Thủ đoạn cộng sản là giao thanh đao cho một người mà quan hệ của người này với người bị buộc tội cho phép họ giáng một cú chém chịnh trị có tính quyết định và đầy ý nghĩa. Trong Cải Cách Ruộng Đất, trẻ con đã được động viên để tố cáo cha mẹ, kẻ thuê nhà buộc tội chủ nhà, người trí thức thiên thần kết án người trí thức quỷ quái! Đó là cái logic trong mọi chuyện của cộng sản.
Uỷ Ban Trung Ương của Mặt Trận tổ chức những buổi họp của họ trong căn phòng khách lớn của toà bin đinh mà trước đây là Toà Đại Sứ của Trung Hoa Quốc Gia trên đường Tràng Thi. Tôi đã có khá nhiều dịp đến đây để tham gia những hôi nghị trong thời gian mà tôi nằm trong nhóm đã được chọn đứng bên phải của Chúa Công. Tôi biết tất cả các “đồng sự” ở đó, những người mà ngày nay đang quyết định số phần của tôi.
Lần này tôi đi vào phòng họp như một con bò tót bị đẩy ra đấu trường. Thật như thế, một đấu trường với những hàng ghế xếp sát cạnh các bức tường để trống một vùng ở giữa. Đằng sau những cái bàn là vô số người, một số ngồi nếu là thành viên của Mặt Trận, một số người tò mò đứng bên trong, đa số là ký giả hay những người thuộc những tổ chức quần chúng. Đây là một trận đấu bò trước một công chúng đang thèm khát những cảm giác mạnh, nóng lòng chờ giờ khai mạc một cảnh tượng độc đáo không thể tả được.
Giống như một con bò tót đang tiến vào trường đấu, tôi nhìn quanh toàn thể hội trường. Trong lúc mọi người đang đứng mở to mắt nhìn và vểnh tai để nghe, các “đồng sự” của tôi ngồi sau dãy bàn tỏ ra không được thoải mái trong nhiệm vụ của họ, một nhiệm vụ mà họ chưa hề quen. Mặc dù những câu hỏi để chất vấn tôi đã được những kẻ “có quyền” đánh dấu, họ vẫn không che dấu được sự lúng túng trong giọng nói và cách đọc. Tôi không tránh khỏi thấy tội nghiệp cho họ đã bị đưa vào một hoàn cảnh như thế.
Những câu hỏi xoay quanh vần đề thứ nhất.
- Đồng chí có thấy là đồng chí đã làm tổn hại đến Cách Mạng và hại chính bản thân đồng chí khi đã để bài tham luận của đồng chí trong hội nghị thoát ra nước ngoài?
- Tôi xin bác bỏ sự khẳng định này. Cho đến nay, tôi chưa bao giờ để bài tham luận của tôi thất thoát ra nước ngoài. Đó là chuyện xảy ra ngoài ý muốn và tôi không hề biết có chuyện xảy ra như thế. Khi phong trào Trăm Hoa Đua Nở nổ ra ở Việt Nam, đồng chí Xuân Thuỷ, Tổng Thư Ký của Mặt Trận đã yêu cầu tôi làm một buổi hội thảo về dân chủ ở Âu Châu và ở Pháp. Việc ấy đã xảy ra ngay chính ở phòng họp này, với sự có mặt của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí Thư Đảng và nhiều thành viên của Uỷ Ban Trung Ương của Mặt Trận là những người đang xử tôi ngay giờ này đây, suốt cả ngày, gồm ba giờ vào buổi sáng và ba giờ buổi chiều. Chính vào thời điểm này Đảng đã phải nhận lấy sự sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất và đã đưa ra những biện pháp sắp xếp lại Đảng. Hai chữ Trường Chinh đã rung lên hồi chuông đưa mọi người vào tâm trạng buốn chán và tang tóc: “Chúng ta đã tự tấn công mình bằng cách tấn công người khác!”. Một lỗi lầm vô cùng to lớn đã lấy đi hàng chục ngàn sinh mạng vô tội. Hàng ngàn quả phụ và con côi, dưới bộ đồ tang trắng, đã đến văn phòng Luật Sư của tôi, đến từ mọi nơi trên đất nước, yêu cầu tôi giúp phục hồi lại danh dự của những người đã mất và đưa ra vấn đề trách nhiệm của Đảng và của những người trách nhiệm. Với một niềm ân hận to lớn, tôi phải trả lời cho họ là việc đó ở ngoài khả năng của tôi, vì đây là một vấn đề chính trị, nó không nằm trong vòng luật pháp và những kiện tụng bình thường. Cú sốc như một phát búa tạ vào đầu tôi và tôi phải rất khó khăn mới đứng được. Tôi tự bảo và bảo với tất cả những người đã làm việc với tôi là không thể để chuyện kinh hoàng này lập lại trong tương lai. Chuyện tàn sát ấy không thể nào có thể xảy ra trong một cái gọi là “nền dân chủ tư sản”, nơi có những điều luật để quản lý quyền lực công, có những quy định hiệu quả để rào cản ngăn ngừa những điều khùng điên sinh ra bởi chủ nghĩa duy ý chí một cách trẻ con và bởi thứ chuyên quyền đui mù rập khuôn cư xử với các nước “anh em”.
Trường hợp bi đát mà trong đó tôi được mời đến nói chuyện là sự có mặt của một công chúng đã quen với tư duy dân chủ nhưng lại ít kiến thức về những qui định luật pháp làm nên cái nền móng và cơ cấu của những sinh hoạt dân đã dẫn dắt tôi trong phần trình bày. Từ khi tôi đã nói chuyện trong nhiều hội nghị với sự có mặt của nhiều nhân vật lãnh đạo Đảng hay Mặt Trận, tôi tự kềm chế những xúc động mạnh và ngôn ngữ của mình sao cho không tổn hại đến phong thái lịch sự và phép xử thế là những nguyên tắc hướng dẫn tôi trong những quan hệ với giới cầm quyền.
Tôi không có thói quen hay thời gian để soạn thảo bài nói chuyện, như tôi thường hay giảng bài cho sinh viên hay những lời lẽ tranh cãi trước toà. Vì có lời yêu cầu của hai ông Xuân Thuỷ và Dương Bạch Mai nên tôi đã viết bài tham luận ra giấy những ý mà những người nghe vỗ tay tán thưởng. Người ta muốn đọc bài viết để có nhiều suy nghĩ. Tôi đã đánh máy ra hai bản và đã đưa ngay cho Ban Thư Ký của Mặt Trận. Vì thế tôi xin nhấn mạnh hai điểm cốt yếu: không phải tôi là người đưa ra sáng kiến về hội nghị, cũng không phải tôi là người quyết định có bài tham luận bằng chữ viết. Trong hai trường hợp trên, đều là do lời yêu cầu của lãnh đạo Đảng và Mặt Trận mà tôi đã hành động như đã nêu. Hoàn toàn không một dụng ý. Vì vậy, lòng trung thực của tôi là toàn diện.
Liên quan đến chuyện một trong hai bản đánh máy bị lấy và gửi ra nước ngoài, trong thới kỳ chiến tranh lạnh hiện nay, một chút sai lầm hay lỗi nhỏ nhất của thế giới cộng sản cũng sẽ nổ ra không chút e dè, không thể buộc tội tôi chịu trách nhiệm về chuyện này. Không có một chứng cớ nào đã và chưa bao giờ được đưa ra để buộc tôi là có tội, hay chứng minh là tôi đã có những gặp gỡ bí mật với gián điệp nước ngoài, hay làm rõ là tôi đã đưa một bản sao cho một ai đó. Nhưng, theo những thói quen đã thành nếp của chúng ta, thay vì cố gắng xác minh trách nhiệm của kẻ phạm luật, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu về sự thiếu chu đáo, thiếu thận trọng trong đội ngủ những người của Đảng và Mặt Trận, những người có trách nhiệm nhận và chuyển những hồ sơ hay những người, vô tình hay cố ý, vung vãi lung tung hồ sơ giấy tờ mà họ cho rằng ít quan trọng, thay vì tự hỏi lấy mình để kiếm cách buộc tội người khác. Như thế thì dễ dàng hơn nhưng nó lại đi ngược với những quy định của luật pháp.
Vậy, cho tôi được phép hỏi ông: giữa chuyện những sai lầm của Đảng trong Cải Cách Ruộng Đất mà Đảng đã từng vỗ ngực, và chuyện lơ đễnh của người nào đó đã làm lạc một tài liệu dính đến những sai lầm như thế, hay nói một cách chính xác hơn là ám chỉ những sai lầm đó: chuyện nào nghiêm trọng hơn? Trong cả hai trường hợp, không thể nào tôi phải chịu trách nhiệm về chúng và tôi yêu cầu ông ghi chú đìều này.
- Thôi được, bỏ qua chuyện này và ta sang chuyện khác. Quan điểm của ông đối với Mặt Trận là thế nào? Theo ông, để cải thiện về cơ cấu cũng như hoạt động, Mặt Trận phải theo con đường nào? Chuyện mà chúng tôi rất lấy làm tiếc là có một thành viên của Uỷ Ban Trung Ương đã tung ra những tấn công chống lại Mặt Trận. Trò này không hay lắm. Ông không biết là ông đã làm hại chúng tôi, theo như tục ngữ dân gian, là đã vạch áo cho người xem lưng? Chuyện cãi cọ trong gia đình chớ nên đưa ra sân khấu để người xem.
- Tôi nghĩ rằng điều trách cứ của ông nó đi trật chỗ. Ông phải nói những điều ấy với Đảng. Trong những lần cãi cọ “trong gia đình” trong Cải Cách Ruộng Đất, ông còn nhớ lúc ấy chúng ta đã được lệnh xếp đặt cho trẻ con tố cáo cha mẹ chúng không? Những lời nguyền rủa buộc tội, hoàn toàn dựng đứng, phát ra từ cửa miệng của một đứa con đã được giáo dục chu đáo, là một sự thực không thể chối cãi. Được phong cho những danh vọng bởi nhà cầm quyền và được nhận vào hội đoàn của quý ông, mặc dù đó không phải là do tôi mong muốn, tôi không mất nhiều thời gian để hiểu ra bản chất thật của Mặt Trận, nhiệm vụ được giao phó của nó là phải thi hành thành công rực rỡ những chuyện được giao để làm vui lòng lãnh đạo, mặc dù là những chuyện chả có tí gì tác động đến quần chúng. Đó chỉ là những tấm phông được dựng lên dưới sự chỉ đạo của giám đốc xưởng phim, một khi những đoạn phim được quay thì chúng sẽ được đập bỏ và ném vào hố rác. Một bộ óc nào đó chứa đầy những logic và hình thức, đã có sáng kiến tạo dựng một bức tranh hài hoà, một cơ cấu cân bằng giả tạo với những cánh cửa sổ giả mạo đặt để dưới quyền của Quốc Hội. Quốc Hội tập hợp những người được “bầu” lên từ các khu vực cử tri, thường là giới hạn mình trong nhiệm vụ lập pháp. Thật vậy, công việc lập pháp được chia sẻ bởi Hội Đồng Bộ Trưởng chăm lo việc thực hiện những điều Luật đã được Quốc Hội biểu quyết, mà còn phải thi hành những nghị định, thông tư cũng như chuyện làm luật và quản lý đất nước. Hai tổ chức Quốc Hội và Mặt Trận khác nhau là ở chỗ Quốc Hội gồm có những đại biểu được “bầu” lên từ mọi vùng lãnh thổ trên toàn quốc, Mặt Trận gồm những người được chọn lựa trong các đơàn thể quần chúng để tiêu biểu cho mọi ngành nghề xã hội hay khuynh hướng Tôn Giáo khác nhau. Nhưng cả hai đếu gặp nhau trong cùng một thái độ vì Đảng, trong những lần đưa ra đưa ra ý kiến, đều đồng ý với Đảng trên bất cứ chuyện gì và bất cứ lúc nào, hoàn toàn không có một ý kiến khác hay ồn ào kháo chuyện. Toàn Quốc Hội biểu quyết bằng cách đưa tay lên, Mặt Trận biểu quyết bằng cách cúi đầu và buông thõng hai tay. Nhưng cả hai đếu biều hiện một sự nhất trí với lãnh đạo làm cho mặt lãnh đạo ngửa cao với nụ cười mãn nguyện. Đảng tự cho mình là người nắm sự thật và hai tổ chức kia chỉ có nhiệm vụ là phổ biến và tuyên truyền, mỗi tổ chức lo chuyện trong khu vực ảnh hưởng và trong vùng sinh hoạt của mình. Đó là hai cái nạng giúp Đảng tiến bước.
Thưa các đồng chí, tôi chưa bao giờ được mời nạp đơn ứng cử vào những lần bầu cử lập pháp và, nếu tôi có mặt trong nhóm người đáng kính của quý ngài, không phải vì bất đắc dĩ mà do ngoài ý nguyện của tôi là được rời bỏ tất cả những vinh dự chính trị và mong muốn không chuyện gì khác là được thu mình ở ẩn như một kẻ vô danh bất phùng thời, thích hợp cho những sinh hoạt trí thức của tôi!
Một khi gia nhập Mặt Trận, tôi sớm nhận ra ngay tính giả mạo của vị trí mà tôi bị gán cho cũng như sự vô dụng hoàn toàn của vai trò ấy trong Mặt Trận. Tất cả những Luật Lệ và chính sách mà Nhà Nước tự cho mình có bổn phận phải làm như thế được phổ biến mỗi ngày trên Báo Chí và được phóng thanh suốt ngày trên toàn nước, chỉ có những người vừa câm vừa điếc mới không biết chuyện ấy! Mặt Trận không cần phải họp lại để phổ biến tin đến nhân dân trong khi mọi người đã đọc hay đã nghe chúng. Nhưng nếu Mặt Trận không giữ vai trò cái loa, thì thử hỏi Mặt Trận giúp được gì cho Đảng và nhân dân?
Mặt Trận có thể giữ một vai trò tư vấn cho Đảng trong việc xây dựng Luật và đường lối chính sách. Nhờ tập trung được nhiều thành viên tiêu biểu cho nhiều khuynh hướng xã hội, nó có thể đóng góp những suy nghĩ thiết thực và nghiêm chỉnh về những đề nghị hay dự thảo nhận được. Bất hạnh thay, không biết là vì những chỉ thị nhận được hay vì do tự mình sáng kiến, với những lý do hiểu được trong bất cứ trường hợp nào, và cũng không nên săm soi làm chi, Mặt Trận luôn luôn nhất trí với những lần báo cáo hay những văn bản chính thức được gửi đến để giải thích. Sau một vài lần dự những phiên họp như thế, tôi không khỏi nhớ lại thuở nhỏ khi tôi còn chạy chơi trên đường phố, phố Quảng Châu nằm giữa phố Hàng Tơ và phố Hàng Đường, để nhìn những con nộm bẳng sứ với những cái đầu luôn cúi xuống với đôi tay luôn buông thỏng như đang phê chuẩn chuyện gì. Ý nghĩ gì đã nẩy mầm trong trí của người nghệ sĩ thủ công kia khi hình dung ra toàn những con nộm với chiếc bụng bự với cũng chỉ một cử động duy nhất giống nhau? Nó thể hiện chăng một sự coi thường khinh rẽ, một sự cao hứng để diễu cợt và công kích những ông quan triều đình mà sinh hoạt chỉ là một thái độ duy nhất của vâng lời và thuần phục? Khi mà con người đã trở thành một chiếc máy đều nhịp, một con rô bô, máy móc như một cơ động của giây chuyền sản xuất, người ta bảo đời sống ấy đã khô kiệt nguồn sống, một động tác máy móc lập lại đến vô tận chỉ là đấu hiệu báo trước của sự chết. Bergson đã dạy chúng ta rằng mọi vận động, với nhiều biểu hiện đa dạng là một tiêu chuẩn của sự sống, cái tự động hoá tê liệt trong một tư thế là đặc tính của vật chất. Một mặt, sự vận động, sự thay đổi, sự đa dạng là những dấu hiệu của sự sống. Một mặt khác, sự bất động, quán tính, bất biến báo hiệu cho bước tiến của vật chất. Xung đột giữa sự sống và sự chết, giữa linh hồn và vật thể, là một xung đột giữa những gì đang chuyển động, thay đổi, đa dạng và những gì luôn đứng yên một chỗ, luôn cùng một trạng thái, ù lì và bất biến. Để kềm chế, ngăn chận cái lấn lướt của sự vật bất động, duy trì một sự sống nở hoa và có tinh thần trong mọi sinh hoạt, nụ cười sẽ là một phương thuốc bổ thần hiệu. Tôi không chịu trách nhiệm về việc cười ngạo người khác không đúng chỗ, nhưng tôi tự cười tôi rất nhiều khi tôi phải cúi đầu và buông thỏng hai tay.
Một cuộc xét nghiệm phân tích về cái cấu trúc của Nhà Nước, dù là một phân tích ban đầu sơ khởi, cũng làm cho tôi có suy nghĩ rằng lãnh đạo có hai thái độ để chọn:
Hoặc là chủ nghĩa hình thức, tự làm mình thoả mãn với những phương cách hời hợt về con người và sự vật, tìm lấy sự đắc ý với với cái bề ngoài đầy xu nịnh, chấp nhận sự nhất trí của những kẻ chỉ biết cúi đầu vâng dạ, chỉ vui thú được nghe một tiếng chuông, một bản giao hưởng của tung hô, mùi lư hương thơm phức, mắt nhắm như đang được phúc lớn! Trong những điều kiện đó, Đảng cứ tiếp tục bước đi, để mọi sự đứng yên ở nguyên trạng như cũ, dù việc ấy có ích hay gây tổn hại cho nhân dân và vì thế sẽ gây tổn hại cho Đảng là người đã tuyên bố độc quyền chịu trách nhiệm.
Hoặc là lãnh đạo quan tâm lo lắng đến việc thẩm định lòng người và sự tham gia đóng góp của nhân dân, đi kiếm những sự thật đang dấu mình sau những nụ cười, những chào hỏi săn đón, những lời nói ngoa và những tung hô nhất trí. Nhưng làm sao có thể tìm ra những gì mà người đời cảm thấy và nghĩ suy? Thật ra cũng đơn giản thôi. Họ phải được tự do phát biểu, có khả năng gạt bỏ những gì dấu diếm cho đến nay trong tận sâu thẳm của suy tư. Một khi, nhiều quan điểm khác nhau được phát biểu, lãnh đạo sẽ có khả năng điều chỉnh những cái nhìn sai lầm và chưa đầy đủ của mình, để có thể lấy những quyết định chính xác thích đáng, hợp thời và mang lại lợi ích.
Tôi xin các đồng chí nhớ rằng tôi không biện minh cho dân chủ, khi mà dân Âu Châu phải mất hai trăm năm để đạt được nó, như theo một vài người có thẩm quyền đã nêu ý. Tôi cũng không yêu cầu là đảng Cộng Sản phải rút ra khỏi đời sống chính trị, mặc dù, than ôi, đảng đã mất nhiều uy tín và niềm tin từ khi sự mất đạo đức và tham nhũng đã dính vô nhiều đảng viên đang nắm những vị trí khá cao. Tôi chỉ mong muốn là nhân dân có thể nói lên tiếng nói của mình về những suy nghĩ về những người đang trách nhiệm, về tất cả những gì liên hệ đến số phận của họ trong hiện tại cũng như tương lai. Chỉ đến lúc ấy thì mới có thể có được sự hợp tác chân thành giữa Đảng và nhân dân tạo nên những lợi ích cho Đảng và nhân dân! Không thể dành riêng cho chủ nghĩa tư bản được độc quyền áp dụng những quyền tự nhiên của con người trong xã hội. Nhưng càng hơn thế, chúng ta không nên tự giết mình về chữ nghĩa, bằng cách đi đến một cuộc cãi nhau về chữ nghĩa một cách đáng buồn cười. Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là những từ ngữ tự nó chẳng có ý nghĩa mà là những từ ngữ tuỳ thuộc vào mùi vị và sự chọn lựa của những người dùng nó. Trên cửa miệng của một người “xã hội chủ nghĩa”, với thói quen không tránh được nhưng không ít quái dị và trẻ con, chủ nghĩa tư bản là luôn dính tới bất cứ chuyện kinh khủng và bất cứ ai đã bị gán cho cái chứng nhận bỉ ổi đó, cuộc đời của họ xem như chấm dứt ở đây. Bất cứ khi nào một chính sách ăn thịt đồng loại được áp dụng, sự xung đột không còn nằm ở chỗ tranh luận văn phạm, nói như Montaigne, lúc ấy sẽ có máu đổ và sự chết.
Thói quen luôn cúi đầu để tỏ vẻ sự tán thành, dùng hai bàn tay luôn để vỗ tay, mồm luôn mở chỉ để nói câu đồng ý, tất cả chỉ cho thấy sự tê liệt của lý trí, cái chết tiệt của trí thông minh, chặt bỏ những phản xạ của phê bình. Trong đời sống của chúng ta hiện nay, có nhiều chữ đưa chúng ta vào trạng thái hôn mê, thí dụ như: phản động, chống phản động, phê bình. Đồng chí đã dùng từ “phê bình” để gán ghép cho những đề nghị vô hại mà tôi đã trình bày cho lãnh đạo của Mặt Trận. Đồng chí biết quá rõ chuyện gì sẽ xảy ra: đó là bản án tử hình mà tôi phải đối diện.
- Thôi, đừng thổi phồng chuyện ở đây. Chúng tôi đơn giản chỉ muốn nói là đồng chí cứ luôn phê bình chỉ trích Mặt Trận. Thái độ đó làm chúng tôi ngạc nhiên. Đã khá lâu, chúng ta đã quen sống tôn trọng Đảng, nghe theo lệnh của Đảng vì những thành quả quân sự và chính trị của họ làm chúng ta tin tưởng cũng như toàn thể nhân dân đang tin tưởng nơi Đảng. Chúng ta được đào tạo không phải để nhìn bằng cặp mắt của mình mà bằng cặp mắt của Đảng. Được trang bị bởi chủ nghĩa Marx Lenin, với kinh nghiệm, với sự giúp đỡ của các nước anh em, Đảng chứng minh rằng Đảng có quyền và xứng đáng với niềm tin mà chúng ta giao phó. Sự khôn ngoan của chúng ta là tự rập khuôn những suy xét của mình theo mẫu mực của Đảng và cho tới nay, chúng ta có quyền hãnh diện đã làm như thế. Vì thế, chúng tôi phải thừa nhận rằng chúng tôi không hiểu được đồng chí.
- Về phía tôi, trái lại, tôi hiểu rõ là những nhận định của tôi đã gây sốc cho đồng chí. Vì thế tôi cho rằng số phận đang chờ đợi tôi không phải là cái mà tôi đang mơ ước. Mặc cho dù thế nào, tôi có hai con mắt để nhìn, hai cái tai để nghe. Vì những gì tôi đã thấy và đã nghe làm tôi hãi hùng! Tôi thấy cái tương lai mà chúng ta đang dần đến, và những cái giật mình của lương tâm làm tôi mất ngủ. Để tìm được sự thanh thản trong tâm hồn, tôi đã đi tìm trong những duyên cớ đã gây hại vô cùng cho chúng ta, cái nào là cái cần kíp nhất và đâu là phương thuốc chữa trị hửu hiệu nhất. Tôi muốn lập lại một lần nữa, để mà không ai có thể hiểu lầm tôi và những quan điểm của tôi không bị diễn dịch một cách sai lầm với mục đích để kết án tôi dễ dàng. Tôi chỉ xin một điều là các lãnh đạo, những người theo chủ nghĩa Marx Lenin, cho phép mọi người được quyền mở mồm và nói lên những điều mà họ nghĩ. Các lãnh đạo phải nhớ rằng có nhiều người không dám hé răng, rằng cái hình thức và cái dáng vẻ bề ngoài mang cho họ một niềm hãnh diện, chỉ là một cái mặt nạ để che giấu những ý nghĩ và cảm xúc của họ mà thôi. Lãnh đạo chẳng những phải gạt bỏ những gì không chấp nhận được mà còn phải suy nghĩ đến những chuyện khác còn lại, ngay cả những chuyện cỏn con nhưng nó tố cáo ngược lại những dối trá của những kẻ nịnh bợ hay kẻ vô tâm, và những dối trá làm hại những quan điểm của Đảng.
Trong cuộc đấu tranh nhằm tìm ra sự thật, các đồng chí có một vai trò phải làm. Chính các đồng chí phải tự mình tỉnh cơn mê muội thờ ơ, thoát ra khỏi thái độ im lặng của mình, một khi các đồng chí tự mình lắng nghe tiếng nói của lương tâm mà chúng ta đang cố gạt bỏ, ném một sợ giây cứu hộ cho lương tâm đang bị chết chìm. Các đồng chí lúc ấy sẽ thấy đây là vì lợi ích của chính các đồng chí, của Đảng và của nhân dân, mà tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ tái lập quyền tự do tư tưởng. Các đồng chí có trách nhiệm trước nhân dân và Lịch Sử, cũng như Đảng có trách nhiệm của Đảng, như não bộ mỗi người có những trách nhiệm của nó. Tôi xin được phép nhắc lại điều cốt yếu đó với tất cả các đồng chí, với bản thân của từng đồng chí, với Đảng, và với những người trí thức khác. Chắc chắn là tôi sẽ chịu lãnh những hậu quả không tránh khỏi và đau đớn, những hậu quả sẽ xảy ra và sẽ trừng phạt tôi vì đã mong muốn gìn giữ danh dự và tư cách cùa mình.

5. Trận đấu bò lần thứ hai ở Đại Học

Trên đường trở về nhà, trong sự cô đơn im vắng, tôi cố gắng nhớ lại những gì đã xảy trong những giờ qua để rút ra một bài học. Đây là lần đầu tiên xảy ra một cuộc xung đột giữa tôi và lãnh đạo. Đây cũng là lần đầu tiên chủ nghĩa cộng sản lập một phiên toà để xử một trí thức. Cho đến bây giờ, tôi luôn giữ yên lặng, và những cơn thịnh nộ chống lại chuyện này, dù rất hiển nhiên, vẫn được tôi kềm giữ không để chúng thoát ra khỏi riêng tôi. Ngay cả vào thời đỉnh cao của Cải Cách Ruộng Đất, khi những chuyện dã man đã làm tôi đau đớn khi nhìn thấy, bóp thắt tim tôi, tôi đã có sự khôn ngoan và nghị lực để giữ yên tôi lại, dù biết rằng vụ biến động này đang xảy ra cuồng điên trên toàn nước, và tôi cũng hiểu rằng tiếng nói riêng rẽ của một trí thức nhỏ nhoi không thể nào đến được giới lãnh đạo đang dấu mình kín bưng trong một thế giới bí ẩn không thể nào xuyên qua được! Như một nhân chứng nhiệt tình nhưng yên lặng, tôi đã chứng kiến những lỗi lầm tai hại và những sai lầm của nhà cầm quyền, tôi hiểu rẳng tai của họ chỉ để sẵn sàng nghe những lời a dua nịnh bợ chứ không sẵn sàng nghe những lời bình luận chói tai, nhất là những lời phê bình liên tục bị gán ghép mấy từ “phản động”. Được trang bị cho mình sự cẩn thận và sáng suốt, tôi đã vượt qua những vùng biển đầy san hô, và cho đến nay đã tránh được một vụ chìm tàu. Nếu, trong suốt quãng nữa đời người đầu, tôi đã nổ lực vượt qua những con đồi của nền văn hoá Địa Trung Hải, nữa đời còn lại tôi phải cố gắng đứng thẳng trên đôi chân dưới sức ép của chủ nghĩa Cộng Sản. Đây là cuộc phiêu lưu lớn nhất đời tôi, những suy nghĩ, cả trong hành động lẫn cảm xúc, tôi đã bị điều kiện hoá trong những cơn lốc của những vùng gió lốc đầy may rủi. Tôi đã trở nên bén nhạy trong việc thủ thế giữ mình, nhìn trước nhìn sau để tự bảo vệ mình tránh những bước sụp lỗ chân trâu, tránh những trò gian trá hay những cạm bẩy giăng dưới chân. Tôi biết, trong những trí thức, tôi là người đang nằm trong tầm ngắm và đang bị công an theo dõi. Tôi biết có vài “con chó săn” đang ở những căn phòng cạnh nhà tôi để có thể để mắt xem ai là những người đến thăm hay xem chừng thư tín của tôi, nghe ngóng những câu chuyện hay tìm hiểu đài phát thanh nào mà tôi hay thich mở nghe.
Nhưng lần này, tôi bị dính vào một hoàn cảnh mà tôi đã trở thành một nạn nhân của một sự lừa dối mà cộng sản đã tung ra phong trào Trăm Hoa Đua Nở, không phải để giải phóng họ ra khỏi những xiềng xích mà để lật mặt nạ của những kẻ ngây thơ tin rằng đã đến lúc có tự do ngôn luận đáp ứng những ước vọng dân chủ của mình. Không thể nào có chuyện một đảng cộng sản độc quyền chính trị lại có thể tự mình thích nghi được với những tự do dân chủ. Dù với bất cứ thể loại dân chủ nào, kẻ phạm tội đếu phải chịu những trừng phạt tệ hại nhất của kẻ cầm quyền. Chính trong cái ý nghĩa đó mà những “đồng chí” của tôi trong Mặt Trận hiểu đâu là tội của tôi. Hoặc quần chúng có thể nổi dậy tự đưa mình lên đỉnh cao của dân chủ hay họ phải mất hàng chục năm thậm chí hàng thế kỷ để thấu đạt được ý nghĩa và những nguyên tắc của dân chủ, chả gì là quan trọng. Tôi chỉ đơn giản đòi hỏi quyền tự do tư tưởng và chỉ với thế tôi đã trở thành kẻ phản bội, kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản. Lãnh đạo hiểu vấn đề tế nhị của tôi: Nếu người dân bình thường có thể nói ra những điều họ nghĩ gì về những chính sách và quyết định của Đảng, thì không thể nào có cái gọi là nhất trí của họ được. Và, chắc chắn ở trong thời kỳ ban đầu của dân chủ, chỉ trích sẽ nhiều hơn là tán dương. Lúc ấy, chuyện gì sẽ xảy ra cho sự độc quyền chính trị của Đảng, sự mất niềm tin sẽ lớn tới đâu vì những chuyện điên rồ của một số lãnh đạo?
Khi tuân phục chỉ thị của lãnh đạo, các “đồng chí” của tôi bắn được hai con chim với một viên đạn: họ chẳng những đã giày xéo lên tôi, mà còn tự học cho mình cách kết án tất cả những ai có những định nghĩa về dân chủ chệch hướng với họ.
Tôi thật lòng rất tiếc cho các đồng chí trong Mặt Trận.
Tất cả họ là những người đàng hoàng chưa bao giờ xin gia nhập vào một hội đoàn không đàng hoàng. Họ đã được đưa vào với lời mời gọi của lãnh đạo mà chính sách đoàn kết quốc gia là qui tụ mọi công dân trong Độc Lập và Tự Do và cũng để hưởng mọi phiếu bầu của họ. Khuynh hướng chính trị, xã hội, tình cảm, tôn giáo của họ có thể khác nhau nhưng tất cả đếu chung một ước vọng và thông cảm. Một tập hợp người như thế, với những bản chất khác nhau, đa dạng về quan điểm của các thành viên, những người được chỉ định bởi Nhà Nước nhưng không đại diện cho ai, chắc chắn sẽ thiếu nội lực, thiếu phần dính kết và chỉ có thể giữ vai trò phụ mà thôi. Chủ nghĩa hình thức mà người cộng sản không thể thiếu buộc Nhà Nước nằm yên trong một cấu trúc đồng bộ với một cái vẻ bên ngoài dễ thương, nhưng hoàn toàn trống rỗng trong nội dung và thiếu vắng tất cả những kỷ năng, một tổ chức mà nhà lãnh đạo không đòi hỏi gì hơn là vổ tay tung hô những quyết định của mình.
Được triệu tập đến để kết án một trong những đồng nghiệp của mình, các “đồng chí” trong Mặt Trận cảm thấy họ bị sập trong một hoàn cảnh trái khuấy. Trận đầu bò mà họ bị buộc phải chứng kiến không phải là một trận đấu mang lại thích thú. Tôi không biết nỗi đắng cay nào đang làm gương mặt của họ giá lạnh, làm ánh mắt họ không còn nét sáng. Tôi đã có nhiều dịp tán gẫu với họ, và họ biết tôi là ai, họ đã từng tâm sự với tôi, đặc biệt là những vị trong Nhà Thờ Công Giáo và các Chùa Phật Giáo rằng chủ nghĩa duy tâm không thể nào thích hợp với chủ nghĩa duy vật vô thần của cộng sản. Những lúc còn kháng chiến chống Thực Dân, ở Phát Diệm, xung đột giữa người Công Giáo và những người cộng sản đã đưa đến máu của người đứng đầu trong huyện phải đổ. Sau đó, Liên Tôn Diệt Cộng là một phiên toà gây xúc động mạnh ở Thanh Hoá, chỉ một thời gian ngắn trước trận Điện Biên Phủ.
Trong những thành viên của Mặt Trận và của Đảng, ai cũng biết phía đối phương muốn gì. Vì thế, những thành viên Tôn Giáo của Mặt Trận như trên giàn lửa: quần chúng không thể hiểu họ, xem họ như những kẻ phản đạo, bội giáo vì họ đã đứng chung với cộng sản. Ngược lại, những người cộng sản thay vì tỏ ra tin họ, thì lại nghi ngờ họ đang có những hành vi thù địch tiềm tàng ẩn dấu. Trong những buổi họp của Mặt Trận ở trụ sở Trung Ương trên đường Tràng Thi, không có gì làm tôi thích thú hơn là được quan sát những điệu bộ đang xảy ra trước mắt và những nụ cười giả tạo nơi này nơi kia. Và họ đang ở đây, được gọi tới để giáng một cú chết người lên cái tên trí thức ác ôn mà số phận cũng y chang như họ, giống họ, không được ngửi mùi thánh thần của Đảng vì những khát vọng dân chủ của nó, xử và kết án nó. Họ càng hiểu là họ đang xử và kết án chính mình. Sự vô nhân đạo của Đảng xảy ra như Pontius Pilatus [°]: sự rửa tay chối tội về chuyện tôi bị đồng nghiệp tôi xử và kết án, và màn hài kịch đã tái diễn ở Đại Học và ở Đảng Xã Hội, trong trận đấu bò lần hai và lần ba. Và với một hòn đá, Đảng đã ném trúng hai con chim: kẻ phạm tội bị trừng phạt, và những kẻ đưa ra trừng phạt phải rút bài học cho chính sự an nguy của mình. Không bỏ một cơ hội nào để giáo dục quần chúng.
Tất cả những suy nghĩ đó đến với tôi trong đêm đầu tiên sau trận đấu thứ nhất ở Mặt Trận Tổ Quốc. Ngày kế tiếp, tôi lại phải đến có mặt ở Đại Học cho trận đấu thứ hai. Con bò tót không được phép ngưng để thở. Những kẻ đấu bò đủ mọi vai trò thay phiên nhau chọc, khủng bố con vật trong lúc chờ hạ thủ cú giết cuối cùng. Mặc dù thế, tôi vẫn không cảm thấy mất can đảm hay tuyệt vọng, hay kể cả mệt mỏi. Tôi phải qua những phiên Toà mà không ai nghĩ là có cho đến ngày hôm nay. Dưới cú đánh, tôi có thể đo lại sức chịu đựng của mình, và sự tò mò đã giúp tôi vượt qua những ức chế! Bất chấp các “đồng sự” đang lay động tấm vải đỏ (đấu bò), tôi đang ở tâm trạng một kẻ tấn công.
Với tâm trạng đó tôi đã đến Đại Học.
Khi nhìn thấy vô số xe đạp đang để kín sân trường, tôi chắc số lượng người đến rất đông. Khỏi cần phải tự hỏi. Khác với lần thứ nhất, trận đấu bò lần hai được mở cho công chúng: bất cứ ai cũng có thể đến xem. Hàng ngàn sinh viên, ban giảng huấn của nhiều Phân Khoa, kể cả phân khoa Y và Dược, các phóng viên được hấp dẩn đến để chứng kiến cái chết của một trí thức khá nổi tiếng ở Hà Nội, thêm một đám người tò mò và nông dân đang tập trung ở hành lang, dồn cứng các phòng đến nỗi như không còn không khí để thở và chuyện di chuyển đi lại xem như là không thể được! Lần này, các quan toà không ngồi sau các bàn mà thay phiên nhau đứng trên cái bục giảng, chỗ mà trong thời trướ
Tôi tự hỏi cái động cơ nào mà khiến cho họ tổ chức một hoạt cảnh hoành tráng như thế? Khi mà những yêu cầu cuối cùng xảy ra sau hậu trường được nói ra, bởi những người điều khiển cho những kẻ lo buộc tội, tôi tin rằng tôi đã thấy ra lý do tại sao có một sự công khai ồn ào như thế. Lý do là cho hai mặt: một mặt cho cá nhân người bị kết án, một mặt là cho quyền lợi của những người xử án và những người đến nghe.
Tôi nhớ, trong mười năm bí mật kháng chiến, mỗi tháng tôi đều đi về các tỉnh để bào chữa miễn phí cho những người bị kết án (nhưng không có tiền thuê luật sư) trong những phiên toà có khi quan trọng và kéo dài suốt đêm. Trong ngày, những cái loa, loan báo khai mạc phiên toà vang xa trong vòng 10 đến 20 km. Những kẻ tò mò phải đạp xe hàng chục cây số để đến xem màn trình diễn hiếm hoi, nhiều khi là duy nhất ở nơi họ ở. Những cái chuông xe đạp thật ầm ĩ đinh tai nhức óc. Những kẻ qua đường, đàn bà, trẻ con, thanh niên nam nữ đi thành từng hàng băng qua những cánh đồng, mỗi nhóm mang theo một cái đèn nhỏ. Đấy là một ngày hội phải đi dự.
Ở Hà Nội, báo chí, đài phát thanh, những cái loa được đẩy hết công suất để chọc vào tính tò mò của mọi người. Tên của kẻ bị kết án cũng đóng góp khá nhiều vào chuyên ấy. Vì thế, tôi hiểu rằng lần đấu tổ chức ở Mặt Trận đã có ý định cách nào đó muốn giữ sự nhạy cảm của tôi bằng cách làm trong yên lặng và kín đáo hợp với Mặt Trận. Lần này, với mục đích làm như một vụ tai tiếng nổ lớn ngay từ lúc mở màn để kéo thanh danh tôi xuống bùn, thuyết phục tôi tính nghiêm trọng của cái mà tôi đã phạm, và để biện minh trước cho cái trừng phạt mà họ sẽ áp dụng cho tôi.
Cùng một lúc, họ cũng có ý định dằn mặt quần chúng, “giáo dục” những người này trong hướng phải tuân phục vô điều kiện những chỉ thị và những quyết định của Đảng, và chấp nhận sự chính thống của cộng sản. Bất cứ vi phạm nào đối với nguyên tắc linh thiêng này đều bị trừng phạt hết sức nặng nề, không kể bất cứ những đóng góp xuất sắc nào của kẻ vi phạm cho Tổ Quốc và cho Cách Mạng.
Dưới chân cái bục giảng, nơi mà tôi đã qua những giờ phút đẹp nhất trong đời, nay cũng nơi ấy tôi lại phải chịu những khoảnh khắc tệ hại nhất trong cuộc đời của tôi. Thật vậy, tôi hiểu ra là chuyện được xếp đặt không chỉ để trừng phạt tôi, à quên, xin lỗi là để “giáo dục” tôi, nhưng tất cả là để làm bẽ mặt và hạ nhục tôi bằng hai cách: buộc tôi đứng với tư cách của một kẻ tội phạm, phía dưới bục giảng nơi mà tôi thường đứng đó trong những ngày huy hoàng và buộc tôi phải nghe những lời thoá mạ thậm tệ và những công kích kịch liệt, không phải từ những đồng nghiệp của tôi như trong trường hợp xử tôi ở Mặt Trận, mà từ những khuôn mặt trẻ mới không biết từ đâu đến và có vẻ là sinh viên hay đã từng là trong đám sinh viên của tôi. Tôi không bận tâm lắng nghe những lời điên rồ láo khoét từ những kẻ đang chỉ trích tôi, tôi hoàn toàn quên đi cái ngoại cảnh nơi mà họ đang tiến hành vỡ kịch và đang cố cắm một những mũi tên xuyên qua người tôi, và tôi tự để suy nghĩ của mình trở về thời Cải Cách Ruộng Đất, những ngày mà những địa chủ bị đấu tố, chịu những sỉ nhục và bị xem như là những kẻ thù của nhân dân và cách mạng, y chang như tôi hiện bây giờ.
Nhưng tôi được hưởng một sự đãi ngộ mà tôi rất cám ơn những kẻ đang hành hạ tôi: họ chỉ tra tấn tôi bằng ngôn từ của đạo đức và tránh cho tôi những đớn đau về thể xác. Tôi chưa bị nhốt kín trong tù, tôi chưa phải mặc trên người những bộ đồ lấm lem bùn đất vì phải ngủ trên sàn đất cứng, tôi chưa phải chịu ngữi những mùi gớm ghiếc của những con vật bị nhốt chung chuồng, tôi chưa bị kéo lê thân mình với vòng xích trên cổ và bị cột ở hai cổ chân, dưới những tiếng la ó và khạc nhổ của đám đông đang hận thù chất ngất. Không, tôi được sống cuộc đời bình thường với gia đình.
Nhưng những tra tấn nhục nhã mà tôi phải gánh chịu không chút nào ít hơn những tra tấn nhục nhã mà những địa chủ bị đoạ đầy trước khi bị giết chết.
Chỉ mới hôm qua, trước ngày những người cộng sản tràn vào các nơi, truyền thống của cha ông ta là dạy học trò phải biết kính trọng Thầy mình, thương yêu và kính trọng Thầy còn hơn cả cha ruột. Cái vinh dự được giao phó là chăm lo đào tạo con người, sao cho được đơm hoa kết trái, đã là khuôn thước do tâm hồn và cách sống của các Thầy Cô. Họ có trách nhiệm với chính mình, với các học trò và cả xã hội. Điều đó đã nuôi dưỡng tâm tánh thuần khiết của Thầy Cô. Những sách dạy của tổ tiên về đạo đức con người được cả thế giới công nhận nay bị ném vào giàn lửa. Đạo đức không còn được dạy trong trường, và ở thời buổi này, người ta dạy trẻ nhỏ nhục mạ Thầy Cô. Chủ nghĩa Marx-Lenin đã thay thế đạo đức trong việc dạy dỗ con người, sự còi cọc chỉ cho ra những loài hoa độc: sự vô đạo đức sản sinh ra thói cay độc yếm thế, tội phạm tăng trưởng cả bề rộng lẫn bề sâu, cả xã hội từ này phát ra những mùi thối tha mà từ trước đần nay chưa hề có. Cộng Sản kịch liệt chối bỏ là không phải nhà nước muốn như vậy, và cũng như mọi người, nhà nước cũng phàn nàn về chuyện xảy ra như thế, nhưng cộng sản không thể chối bỏ trách nhiệm về việc đạo đức bị xuống cấp vì những đường lối chính trị và một cơ cấu xã hội do họ đã đưa ra.
Tôi không nhớ, và cũng chẳng muốn nhớ, tên và nét mặt của những thằng nhãi ranh, kẻ nhận lệnh và được điều khiển bởi kẻ cầm quyền, ném những lời tấn công xúc phạm đến danh dự của tôi, như một người đi đường phải dừng chân cúi xuống để đuổi một con chó đang sủa dưới chân mình. Dù sao, những tên cục súc kia đáng thương hơn là đáng chê trách, chúng nó muốn được hưởng những ban bố của các ông lớn và để có một con đường tương lai trong cuộc sống. Tôi sẵn lòng tha thứ cho chúng, nói một cách chi tiết hơn, với những tư cách như thế mà đổ đống lên tôi thì cũng chẳng làm cho hại cho uy tín mà tôi được các bạn đồng nghiệp và quần chúng dành cho. Tôi đang chờ cái ngày mà, - cũng sẽ tới thôi -, Đảng phải nhận là mình sai lầm về những gì mà họ làm trong Cải Cách Ruộng Đất. Tôi tự an ủi và cho rằng nhân dân sẽ không xử kẻ đã tội phạm thượng đến Đảng cùng một cách như những kẻ cuồng si cộng sản đang mơ tưởng một tương lai huy hoàng, cuồng nhiệt lẽo lự trên cửa miệng và dung bản chải để đánh bóng mình. Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn những địa chủ vì đã không bị chính những con của mình đổ lên cha những lời kết án theo lệnh đến từ trên rất cao.
Tôi khinh thường quá sức những kẻ gièm pha đến nỗi không trả lời những tấn công của họ. Tôi chỉ tiến hành trả lời hai người: một là một sinh viên của tôi, còn người kia là một giáo viên tiểu học được nhận làm giảng viên ở Đại Học, và những vấn đề họ nêu lên cũng đáng được xem xét.