Dịch giả: Phan Tất Đắc
Quảng Trường Chúc Phúc

    
Đó là một khoảng đất rộng, đông nghịt người. Cũng như trên đại lộ Dấu phép tính, ở đây trật tự hết chỗ nói.
Trên quảng trường, ngay cạnh cổng vào sừng sững một công trình kiến trúc kỳ lạ. Mấy người bạn đường của tôi mê quá cứ ngắm mãi, rồi trèo lên các bậc nhòm vào bên trong qua các ô cửa tròn đủ màu.
- Bệ phóng tên lửa hay sao ý nhỉ?
- Không, con tàu vũ trụ đấy.
- Theo mình, có lẽ là nhà máy điện nguyên tử.
Tôi cứ lặng thinh để mặc các em tự phân tích với nhau.
Bỗng thấy cô Số Tám béo phục phịch từ đâu đi tới, tay dắt một bé Số Không.
- Chào các bạn! - Cô đon đả chào chúng tôi.
- Chào các bạn! - Bé Số Không bắt chước mẹ nói theo rồi ngáp một cái đến là điệu.
Cô Số Tám lắc đầu:
- Không biết làm thế nào bây giờ đây! Mãi gần sáng mới chịu ngủ cho, để bây giờ ngáp.
Ta-nhi-a bèn hỏi:
- Đêm hôm qua chính cô ru “Ngủ đi con, ngủ đi con, bé Số Không của mẹ”
phải không ạ?
- Còn ai vào đấy nữa? Chỉ có cô mới biết ru bài ấy thôi, vì chính cô đặt ra mà. Thế ra đêm qua các cháu đi qua nhà cô đấy nhỉ? - Cô Số Tám hỏi lại.
- Đúng rồi, đúng rồi, đêm qua các anh chị ấy đi qua nhà mình đấy. - Bé Số Không mừng rỡ - Đúng cái chị kia, - chú bé chỉ vào Ta-nhi-a, - chị ấy hỏi nhà nào cũng tuyền một số thì người đưa thư xoay xở ra sao.
- Ai nhận thư mà chẳng thế, - cô Số Tám không đồng tình với cách đặt vấn đề như vậy. - thư gửi cho bất kỳ ai trong chúng tôi thì cũng đều có quan hệ với tất cả mọi người.
- Đến cả con nữa! Đến cả con nữa! - Số Không reo lên.
- Thằng bé khôn thật! - Cô Số Tám âu yếm nói. Xê-va hỏi:
- Thưa cô Số Tám kính mến, cô làm ơn cho cháu hỏi một câu nhé: tại sao con trai cô lại là Số Không? Cháu cứ tưởng con cô cũng phải là Số Tám chứ.
- Dĩ nhiên rồi, con cô cũng như con của tất cả các cô Số Tám khác. Còn con của các cô Số Năm đều là Số Năm, con các cô Số Hai đều là Số Hai… Nhưng cô nào cũng có con là Số Không nữa. Số Không là con nuôi. Nhưng các cô đều yêu chúng như con đẻ, có lẽ còn yêu hơn nữa. Vì chúng bé bỏng và yếu đuối lắm. Nếu không có các cô thì chúng chẳng làm nên trò trống gì hết.
- Thế chúng ở đâu ra ạ? - Xê-va ngạc nhiên hỏi.
- À, chuyện này dài lắm! Chắc các cháu đã biết, ở quê hương Ấn Độ của các cô cả thảy chỉ có chín chữ số thôi. Đó là chín người già cả nhất, các cụ đã lập nên quốc gia Số học. Hiện nay các cụ đang họp Hội đồng Bô lão và đang nắm quyền điều khiển ở đây. Chẳng bao lâu người ta nhận thấy không có số không thì bất tiện lắm. Các cháu thử nghĩ xem: cần viết số 205 mà chỉ có chín chữ số, không có số không. Các cháu làm thế nào? Các cháu viết số hai ở hàng trăm, viết số năm ở hàng đơn vị. Còn ở hàng chục thì viết gì đây? Vì trong số này chẳng có chục nào cả! Không thể viết số 205 là 2KHÔNG5 được! Viết như thế trông đến khiếp!
 Và người ta quyết định dùng “số không” thay cho tiếng “không”. Thế là ở nước các cô đã xuất hiện những chú bé kháu khỉnh, đáng yêu này và cô có thằng con trai tròn như hạt mít này… Nhưng thôi, ta đi nào, bé ngoan của mẹ, kẻo lại nhỡ chuyến tên lửa. Con chào tạm biệt các anh chị đi.
- Xin tạm biệt! - Chú bé Số Không thỏ thẻ nói rồi rảo cẳng bước theo bà mẹ phục phịch.
Vừa lúc đó chúng tôi nghe giọng ai quen quen:
- Các bạn ấy đây rồi! Tôi đã tưởng không bao giờ còn gặp lại các bạn nữa - Cô bé Số Bốn cài nơ đã đứng trước mặt chúng tôi. - Xin lỗi nhé, vì tôi còn phải dắt bọn trẻ lên chuyến xe tốc hành. Chẳng là hôm nay lần đầu tiên chúng được đi máy bay mà.
- Lạ nhỉ, - Xê-va nói - thế các bạn đáp máy bay đi đâu?
- Sao, còn đi đâu nữa, - Số Bốn ngạc nhiên. - Đi đến chỗ các bạn, đến với con người đấy thôi! Đến các nhà máy, công xưởng, nông trường. Đến với các chú công nhân, đến với các cô cán bộ máy tính, các nhà khoa học. Và dĩ nhiên cũng đến với cả các bạn học sinh nữa. Nơi nào cũng đều chờ đón chúng tôi: ở các thôn trang miền Trung Á, ở các trạm Bắc cực, trên các con tàu chạy đường dài, trong các tên lửa vũ trụ. Cứ mỗi năm lại càng cần đến chúng tôi nhiều hơn. Chúng tôi tỏa đi khắp mọi nơi. Nói đúng ra là đi khắp năm châu: chúng tôi được mời đến châu Á, đến châu Phi…
Cô bé Số Bốn chưa kịp nói hết thì đã nghe hàng chục cái loa phóng thanh nói oang oang:
- Đồng bào Tí Hon chú ý! Chỉ còn một phút nữa thôi các bạn sẽ viễn du tới xứ sở con người. Đồng bào hãy lắng nghe lời chúc mừng của Hội đồng Bô lão. Vị thủ lĩnh của chúng ta có mấy lời nói với đồng bào.
- Thưa các bạn thân mến, những nhà du hành dũng cảm, những người lao động không hề mệt mỏi. Hội đồng Bô lão chúc các bạn lên đường bình an và trở về mạnh giỏi. Chúng tôi tin tưởng rằng các bạn sẽ không làm mất danh dự đất nước vinh quang của chúng ta, các bạn sẽ lao động trung thực vì lợi ích của loài người. Trong tay người tốt các bạn sẽ đem lại hạnh phúc, trong tay kẻ xấu các bạn sẽ đem lại sự hủy diệt. Hãy phục vụ những người nhân hậu, hãy đề phòng những kẻ độc ác. Chúc các bạn lên đường may mắn!
Âm nhạc nổi lên, và những cái máy bay khổng lồ sáng lấp lánh theo nhau vút lên không trung. Nhiều máy bay lắm, mỗi cái chở hàng triệu người. Cảnh tượng thật là kỳ vĩ!
Chúng tôi ngây ngất, say sưa, cứ ngẩng đầu lên mãi nhìn bầu trời lúc này chỉ có những đám mây trắng trôi bồng bềnh.
Một lúc Xê-va mới lên tiếng:
- Lạ thật. Cơ man là người đã bay đi rồi mà trên quảng trường vẫn đông như trước. Có lẽ mình tưởng thế chăng?
- Ồ, không đâu, bạn nhận xét tinh đấy! - Số Bốn nói. - Quả thực số người trên quảng trường không giảm đi chút nào cả.
- Sao thế? - Xê-va thắc mắc. - Một hộp kẹo dù to đến đâu mà chốc chốc lại nhón một cái thì rồi cũng phải hết chứ.
Số Bốn mỉm cười:
- Kẹo thì dĩ nhiên là phải hết, nhưng người Tí Hon thì không bao giờ hết cả.
- Chỉ bốc thôi! - Xê-va cắt lời.
- Sao bạn phát biểu hồ đồ thế! - Số Bốn nghiêm khắc nói. - Trong những trường hợp thế này đáng ra tôi chẳng thèm tranh cãi nữa đâu. Nhưng riêng lần này thì cũng nhân nhượng bạn. Tôi lấy làm tiếc là tại sao bạn lại không biết vô tận là gì.
- Sao tôi không biết? - Xê-va chạm tự ái. - Vô tận là rất nhiều, nhiều hết sức. Nhiều khủng khiếp!
- Không đúng, không đúng! - Số Bốn lắc đầu. - Hoàn toàn sai. Ở đây ngay mấy chú bé Số Không cũng chẳng lập luận như thế đâu. Vô tận là không có tận cùng. Không bao giờ hết cả.
- Nhưng nhất định cũng phải tận cùng ở chỗ nào chứ? - Xê-va không chịu nhượng bộ.
- Không tận cùng ở chỗ nào hết, thế mới nên chuyện! Bạn tưởng là đã đến được chỗ tận cùng, nhưng nhìn ra xa hơn… thì vẫn thấy vô tận. Và cứ vô tận thế mãi. Bạn đến được chỗ tận cùng thì nó lại chạy xa hơn rồi. Cứ đi, đi mãi, qua đám đông người Tí Hon, cứ đi mãi, không lúc nào dừng chân, thế mà trước mặt vẫn đông nghịt những người, trước thế nào bây giờ vẫn nguyên như thế. Dù bạn có đi bao nhiêu thôi đường thì bạn vẫn cứ ở chính giữa đám đông. Dù bạn có đi lâu một trăm năm, một nghìn năm, một triệu năm chăng nữa cũng thế thôi! Đấy, vô tận là như thế đấy! Thôi, bạn đừng cãi nữa! - Số Bốn nghiêm nghị ngăn Xê- va lại khi anh chàng này vừa há miệng định nói. - Nếu bạn chưa hiểu thì lúc khác ta sẽ bàn, vì vấn đề “vô tận” có thể nói là vô tận, không bao giờ hết chuyện.
- Này, cái gì to lù lù thế kia nhỉ? - Ô-lếch lảng sang chuyện khác để cho Xê- va bớt lúng túng. Cậu ta lấy tay chỉ vào cái công trình kiến trúc kỳ lạ mà ngay từ lúc mới bước vào quảng trường chúng tôi đã chú ý đến.
- Một cái máy đấy, máy tính điện tử. - Số Bốn nói. - Đây là người bạn lớn của chúng tôi. Ở nước Tí Hon có nhiều máy này lắm, mỗi cái làm một việc.
- Thế cái máy này làm việc gì? - Xê-va hỏi. Cậu ta đã quên phắt đi câu chuyện lúng túng khi nãy.
- Cái máy này làm những phép tính chính xác nhất. Nó có thể đếm được bao nhiêu người tí hon đã lên đường, có thể tính được họ cần bay với vận tốc bao nhiêu để đến nơi kịp giờ. Nó còn chọn đường bay ngắn nhất, nó điều khiển chuyến bay và giúp tên lửa vòng tránh mọi chướng ngại vật dọc đường. Đó là một cái máy rất thông minh.
- Chắc hẳn phải có nhiều người Tí Hon phục vụ cái máy này lắm?
- Cả thảy chỉ có hai chữ số, hai chữ số bé nhỏ nhất: số không và số một. Nhưng chúng thạo việc lắm. Các bạn hãy thử tưởng tượng xem, chúng có một trí nhớ siêu phàm. Chỉ cần cho chúng biết một điều gì đấy là các bạn có thể tin chắc rằng chúng không bao giờ quên cả.
- Hạnh phúc quá! - Xê-va thở dài.
- Nhưng tại sao lại chỉ có số không và số một làm việc ở cái máy này thôi? - Ta-nhi-a thắc mắc.
- Không cần thêm ai nữa cả. Bởi vì các bạn đã biết rằng số không tức là không có gì hết. Cho nên nó dùng để ký hiệu tiếng “không”, còn số một dùng để ký hiệu tiếng “có”. Thế mà hai tiếng đó lại hoàn toàn đủ để giải bất kỳ bài toán nào.
Xê-va ngờ vực hỏi:
- Sao lại thế được nhỉ? Số Bốn bèn đề nghị:
- Ta hãy chơi một trò chơi này nhé. Các bạn hãy thử đoán xem trong túi tôi có cái gì đi. Tùy các bạn muốn hỏi thế nào thì hỏi, miễn là hỏi làm sao cho tôi chỉ phải trả lời “có” hoặc “không” thôi. Ta bắt đầu chứ?
Bọn trẻ tranh nhau hỏi hết câu này đến câu khác:
- Trong túi bạn có cái gì ăn được không?
- Không.
- Có một đồ dùng của học sinh không?
- Có.
- Đồ dùng ấy có là chất lỏng không?
- Không.
- Có rắn không?
- Không.
- Có mềm không?
- Có.
- Có dài không?
- Không.
- Có tròn không?
- Không.
- Có hình chữ nhật không?
- Có.
- Người ta có viết lên đó không?
- Không.
- Người ta có dùng nó để thấm mực không?
- Không.
- Người ta có dùng nó để tẩy không?
- Có.
- Thôi, đúng là cái tẩy rồi. - Ô-lếch nói.
- Đúng! - Số Bốn trả lời. - Các bạn thấy đấy, các bạn đã giải được bài toán chỉ dựa theo các câu trả lời “có” hay “không” của tôi mà thôi. Máy tính cũng làm việc như thế. Có điều nó làm việc rất nhanh, nhanh ghê gớm. Cho nên người ta gọi nó là máy tính “hoạt động nhanh”. Ở nước chúng tôi có một cung điện tuyệt đẹp, tại đó có rất nhiều chiếc máy thông minh này đang làm việc. Đó là cung điện Điều khiển học. Các bạn nhất định phải thăm cung điện ấy mới được. Bây giờ tôi mời các bạn đến sân vận động dự cuộc vui. Ở đấy sắp có biểu diễn múa trên băng! Các bạn nên xem.
Chẳng cần phải nói cũng biết chúng tôi đã rảo cẳng đi đến sân vận động với niềm phấn khởi như thế nào.