Chương 6

    
ọi sinh hoạt trở lại bình thường cũng giống như cơn bão đã đi qua, biển đã lặng và đang thức dậy trong bình minh.
Quán cà phê Hồng lại mở cửa và những môn đồ của Hồng Ðạo ngày ngày vẫn tới để cầu nguyện và để sáng tác ra kinh kệ. Kinh của họ là những bài thơ ngẫu hứng thường là của nhà văn Lê Ðạo làm ra, thỉnh thoảng cũng có một vài bài của Ðắc, đôi câu của Hưng.
Sau gần nửa năm thành lập, Ðạo vẫn chưa có thêm được tín đồ nào ngoài ba vị thánh mà chúng ta đều biết. Vị thánh thứ tư chưa kịp thụ phong thì đã bỏ đi, quy y Phật pháp.
Ðắc nói:
-Dẫu sao thì chúng ta cũng bớt được một mối lo. Anh ta đã trở thành một nhà sư khất thực, tuy ở ngoài Ðạo nhưng còn hơn là ở trong Ðạo mà lại là một tên Judas.
Nhà văn nói:
-Câu chuyện ấy đã trở thành quá khứ, đừng nhắc đến nữa.
Sáng nay gặp nhạc sĩ Phạm Hưng và nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Ðắc, Lê Ðạo thông báo ý định sẽ viết một bộ tiểu thuyết dài về mối tình lý tưởng của ba anh em. Nguyễn Xuân Ðắc góp ý:
-Không nên viết dưới dạng tiểu thuyết.
-Cậu định bảo tôi viết kịch à?
-Kịch lại càng không nên. Anh phải viết một cuốn Kinh Thánh với bút pháp kiểu như Tân Ước. Cuốn kinh thánh này sẽ kể lại sự tích của giáo chủ và của từng môn đồ. Anh sẽ tìm hiểu thêm về trường hợp ra đời của người đẹp, về dòng dõi, gia thế, sau đó chép lại chuyện anh em mình đã yêu nàng như thế nào rồi bàn nhau thành lập Ðạo ra sao. Kể luôn chuyện của anh chàng Trần Hồng Sơn để cho đời sau hiểu được Ðạo ta đã ra đời trong hoàn cảnh gian nan như thế nào, có như thế thì lớp trẻ sau này mới hiểu thế nào là yêu và thế nào là giá trị của tình yêu.
-Ðồng ý. Nhạc sĩ Phạm Hưng vỗ tay lốp đốp. Nhưng Ðắc này, đó là phần việc của nhà văn còn hai anh em mình, cũng phải làm một cái gì chứ?
Ðắc nói:
-Tôi tưởng là từ lâu anh đã suy nghĩ đến điều đó rồi chứ. Khi yêu, trong đầu người ta nghĩ ra được biết bao nhiêu là điều hay ý lạ. Chính vì thế mà tôi rất tin rằng anh Lê Ðạo sẽ viết thành công cuốn Kinh Thánh kia vì chắc anh cũng đã ôm ấp cái mộng ấy từ nhiều năm nay rồi. Tôi cũng vậy thôi có điều là chưa có dịp để thực hiện những mơ ước ấy. Nay Ðạo đã lập, kinh kệ đã có, chỉ còn thiếu những tác phẩm nghệ thuật thôi. Vậy thì phần tôi, tôi sẽ tạc tượng người đẹp. Trong đầu tôi đã có sẵn cả ngàn ý mới lạ về cách thể hiện những đường nét, về những góc độ khác nhau, về những biểu lộ tính cách khác nhau của cùng một nhan sắc. Mà không phải chỉ có góc độ, chỉ có đường nét, còn có cả những sự cách điệu vô cùng táo bạo nữa. Rồi các anh sẽ xem. Tuy tôi không phải là một tài năng lớn lao gì nhưng tình yêu nó kỳ lạ và nó nhiều bất ngờ lắm, điều này có lẽ tôi nói với các anh cũng là thừa thôi.
Nhạc sĩ Phạm Hưng nói:
-Viết thánh ca không phải là sở trường của tôi nhưng tôi rất tin vào những bất ngờ mà anh Ðắc vừa nói. Có lẽ tôi sẽ chú trọng hơn ở thể loại sonate soạn riêng cho piano.
Từ nãy giờ nhà văn có vẻ nghĩ ngợi xa vắng. Anh hút thuốc lá liên tục và gật gù một mình. Lát sau anh nói:
-Khi chúa Giê-su thành lập đạo thì những môn đồ đầu tiên của ngài là những người bình dân được ngài dạy dỗ nên người tốt, chẳng hạn như Phêrô là một dân chài, Giuse là thợ mộc, Philipphê là một kẻ cướp, vòn Giuđa nguyên là kẻ du đãng ở làng Ghétsêmanê. Nay bọn ta đều là những người có học vấn cả, nếu không nói là những người ưu tú trong xã hội, vậy thì không có lý do gì mà đạo ta không lớn mạnh được. Vậy các ngươi hãy về cố gắng thực hiện hoài bão của mình đi, vừa có lợi cho Ðạo, vừa để lại tác phẩm cho đời.
Nói xong Lê Ðạo ra hiệu giải tán. Trên đường về, nhà văn ghé tiệm tạp hóa của lão Hoành Bá giữa lúc ông ta đang cặm cụi xếp mấy cái đồ nhôm gia dụng. Thấy Ðạo đến lão ngừng tay và mời uống trà. Nhà văn hỏi:
-Ông không nghỉ trưa sao?
-Không, ngộ ít ngủ lắm. Bốn giờ sáng đã dậy dồi.
Nhà văn ngó quanh căn phòng, thấy đồ đạc lỉnh kỉnh đủ thứ: đồ nhựa, đồ nhôm, bình trà chén tách bằng sứ loại rẻ tiền… Ðạo lại hỏi:
-Ông ở đây có một mình sao?
-Một mình. Vợ chết mười năm dồi. Ngộ không có con.
-Buồn nhỉ.
-Quen rồi.
-Thế ông có đọc sách không?
Hoành Bá cười:
-Ngộ không biết chữ.
-Ðáng tiếc, vì trong truyện Tàu có nhiều điều hay lắm.
-Anh biết đọc chữ Tàu hả? Hoành Bá hỏi.
-Tôi đọc được.
Hoành Bá có vẻ mừng rỡ, ông lật đật đứng dậy chạy vô trong đem ra một bức thư còn mới tinh:
-Mới nhận hồi sáng của người chị ở bên Hồng Kông gởi về. Anh đọc dùm.
Ðạo bóc thư ra đọc nhưng vì anh không thể phát âm theo tiếng Quan thoại, mà đọc theo âm Hán Việt thì Hoành Bá lại không hiểu vì thế anh chỉ đọc thầm và tóm ý thôi. Qua bức thư anh được biết người chị của Hoành Bá đang bị đau gan phải nằm viện và dường như gia đình của bà ta cũng không khá giả gì lắm.
Nhà văn giải thích xong bức thư, Hoành Bá cảm ơn rối rít và ra ngoài đường mua thuốc lá đãi anh. Hút hết điếu thuốc anh cáo từ ra về.
Hoành Bá lại tiếp tục lau chùi mấy món đồ nhôm. Lau chùi xong thì đã hơn mười hai giờ trưa, ông đóng cửa tiệm đi ra chợ ăn cơm và ghé hàng trái cây mua một trái hồng chín đỏ. Ông tà tà đi bộ lại quán cà phê Hồng kêu một ly xây chừng ngồi nhâm nhi chừng mười lăm phút, lấy chai dầu Nhị Thiên Ðường ra hít mấy cái rồi đứng lên, lại quầy trả tiền. Ông có thói quen mỗi trưa uống cà phê xong ông đều gọi cô chủ quán:
-Hồng ơi!
Hồng biết ý chạy ra và ông cho cô trái hồng lúc nãy mua ở chợ. Hồng nói cám ơn tía. Hoành Bá cười rồi xăm xăm đi ra cổng. Cô gái rất thích trái hồng vì nó đẹp quá. Nó mọng đỏ và ngọt lịm. Hồng ưa cầm nó trong tay, nó tròn đầy, bầu bĩnh và mát như đôi má của trẻ lên ba, hôn hoài không chán. Mỗi ngày cô đều nhận được một trái hồng thật lớn, thật đỏ và thật ngọt ngào như thế. Khi hết mùa hồng thì lão Hoành Bá lại cho cô vú sữa. Nhưng trái màu tím sẫm, no tròn và láng bóng. Cô rất thích những trái cây có da láng vì cầm rất mát tay. Nhưng cô lại chỉ thích có một trái thôi, nhiều quá tự nhiên vẻ đẹp của nó giảm đi hẳn.
Ông Hoành Bá uống cà phê cô vẫn lấy tiền như mọi người nhưng thỉnh thoảng cô cũng mua cho ông một lô dầu Nhị Thiên Ðường. Bao giờ cô cũng đợi ông ra về rồi mới gọi:
-Tía ơi!
Thế là ông biết ý, ghé lại quầy lấy chai dầu Nhị Thiên Ðường và nói:
-Cám ơn cháu.
Sau đó ông về thẳng tiệm tạp hóa, mở cửa lúc một giờ rưỡi, cởi trần, ngồi trên cái ghế gỗ đặt sát vách, tay cầm cây quạt giấy quạt phành phạch. Khoảng hai giờ hơn tiệm mới đông khách. Vì là tiệm tạp hóa nhỏ nên khách của ông gồm đủ loại người: Ðàn bà, trẻ con, thanh niên, thiếu nữ, người lao động cũng có mà dân nhà giàu cũng có. Người thì đến mua cái xô nhựa kẻ lại mua cái nồi nhôm, có người chỉ mua tăm xỉa răng, bọn con nít thì mua vài trăm bạc cước câu cá. Tiền bạc ông thu vô cũng đủ loại: Bạc mười đồng, bạc hai chục, năm chục, tờ trăm cũng có mà năm trăm, một ngàn hai ngàn cũng có, được bao nhiêu ông cứ bỏ đại vô ngăn kéo, buổi chiều ông đóng cửa tiệm lại và vốc tiền ra để một đống trên bộ ván rồi bắt đầu sắp xếp chúng lại theo từng loại. Ðó là giây phút thú vị nhất trong ngày. Bạc giấy rất nhiều nhất là bạc lẻ hai chục, năm chục, có rất nhiều tờ nhăn nheo, xếp góc, có cả những tờ bị rách nhưng ông làm cái công việc ấy không thấy chán. Ông vuốt từng tờ bạc cho thằng ra, xếp chúng lại thành từng xấp mười tờ, rồi cứ mười xấp như thế ông cột thành một cọc. Những tờ giấy bạc rách ông dùng hồ dán lại cẩn thận, vuốt cho thẳng rồi mới xếp lại. Ông làm việc ấy một cách chăm chỉ, quên cả đói. Khi đống bạc đã được xếp gọn gàng thành những cọc tiền ông mới đem bỏ chúng vào tủ, khóa lại rồi đi tắm, tắm xong ông ra tiệm ăn cơm rồi đi vòng quanh phố một lát, sau đó ông về nhà thắp hương bàn thờ ông bà, bàn thờ thần tài và thổ địa xong rồi mới đi ngủ.
Ông sống những ngày đều đặn như thế đã gần mười năm nay kể từ khi vợ ông qua đời.