Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan & Nguyễn Tường Minh
Chương sáu

     ôm sau, đi đánh cá trở về, Shinji đem hai con cá hổ, mỗi con dài khoảng năm sáu tấc, buộc dây xâu qua mang, đến nhà ông trưởng đài hải đăng. Trèo lên phía sau Thần xã Yashiro rồi, anh chàng mới nhớ ra là mình chưa làm lễ tạ vị thần đã ban ân sủng cho mình một cách sớm sủa, mau mắn như thế. Anh chàng đi vòng ra phía trước ngôi thần xã và kính cẩn làm lễ.
Khi cầu nguyện xong, Shinji phóng tầm mắt nhìn qua vịnh Ise đang lấp lánh dưới trăng rồi thở mạnh một hơi dài. Phía xa xa nơi chân trời, những đám mây đang bồng bềnh trôi trông giống như những vị thần linh thời cổ.
Chàng thanh niên cảm thấy có một sự điều hòa toàn vẹn giữa chính mình và cảnh thiên nhiên phong phú này. Anh chàng hít mạnh một hơi dai và cảm thấy như một phần của cái gì nhìn mà không thấy cấu thành thiên nhiên đã thẩm nhập vào tận bên trong thân thể mình. Anh nghe tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ và cảm thấy hình như dòng máu trai trẻ dào dạt trong con người mình đang hòa điệu theo nhịp chuyển động của những làn sóng thủy triều. Hẳn vì thiên nhiên đã thỏa mãn những đòi hỏi của Shinji nên chàng cảm thấy không hề có một sự khác biệt nào giữa tiếng nhạc của thiên nhiên với tiếng nhạc trong sinh hoạt thường nhật của chính mình.
Shinji giơ hai con cá hổ lên ngang tầm mắt rồi le lưỡi trước cái bộ mặt sù sì, xấu xí của chúng. Hai con cá vẫn còn sống nhăn nhưng không hề cựa quậy, vì thế anh chàng đã nghịch ngợm móc mép một con để xem nó giẫy giụa trong không khí.
Thế rồi chàng thanh niên một mình lững thững lên đường, lẩn thẩn tiếc rằng cuộc gặp gỡ đầy hạnh phúc làm sao lại xảy ra quá sớm như vậy.
Cả ông trưởng đài hải đăng lẫn bà vợ ông ta đều vồn vã đón tiếp Hatsue, người con gái mới tới. Đúng vào lúc nàng ngồi ngậm miệng thủ khẩu như bình đến độ hai ông bà tưởng rằng cô bé này thực ra cũng chẳng lấy gì làm yêu kiều cho lắm thì bất chợt nàng phá ra cười, tiếng cười con gái thực thơ ngây, duyên dáng. Và nếu đôi khi nàng có vẻ như mơ mơ màng màng như ở trên mây thì trái lại, nàng cũng lại là người có ý tứ nhất. Chẳng hạn sau mỗi giờ học về nghi thức xã giao, Hatsue thường nhanh nhẩu đứng dậy thu dọn tách chén mà mọi người vừa dùng để uổng trà xong - một cử chỉ thực ý tứ mà các cô gái khác có lẽ chẳng bao giờ có được - và trong khi rửa tách chén như vậy, nàng thường rửa luôn cả những bát đĩa dơ bẩn còn lại trong bếp.
Đôi vợ chồng viên trưởng đài có một cô con gái đang theo học đại học Tokyo. Cô bé này chỉ về nhà trong dịp nghỉ hè nên trong lúc con gái vắng nhà, hai ông bà vẫn coi các cô gái trong thôn thường qua lại nhà mình như là con cái của mình vậy. Hai ông bà hết sức để tâm nghĩ đến tương lai các cô gái này, và mỗi khi có cô nào trong bọn gặp được may mắn thì cả hai ông bà cũng hớn hở vui mừng như thể chính con gái mình gặp may vậy.
Ông trưởng đài hải đăng làm việc ở đây đã được ba mươi năm rồi. Trẻ con trong thôn làng rất sợ ông vì cái nhìn nghiêm nghị và giọng nói oang oang như sấm rền mỗi khi ông quát tháo, mắng mỏ lũ nhóc con quỷ quái hay lẻn vào trong ngọn hải đăng mà nghịch ngợm phá phách; tuy nhiên trong thâm tâm, ông lại là người tốt bụng, đáng yêu. Cuộc sống cô đơn đã khiến cho ông không sao nghĩ được rằng con người lại có thể có những ý nghĩ ti tiện, tầm thường. Tại ngôi hải đăng, thực không còn gì quý hóa cho bằng khi có khách đến chơi. Tất nhiên chẳng ai lại cuốc bộ từ xa đến thăm ngọn hải đăng hẻo lánh như thế mà lại mang trong lòng một ác ý thầm kín; giả như có ác ý đi nữa thì những ác ý cũng phải tiêu tan trước sự tiếp đón vồn vã, ân cần của hai vợ chồng ông chủ. Thật đúng như lời ông trưởng đài thường nói: “Ác ý thường không thể đi xa bằng thiện ý”.
Cả bà vợ ông nữa cũng là người thực tốt bụng và ham đọc sách. Chẳng những trước kia đã có thời dạy học tại một trường con gái ở miền quê mà còn vì sống mãi tại ngôi hải đăng này, bà lại càng ham mê đọc sách nhiều hơn đến độ bây giờ, bà có được sự hiểu biết của một bộ bách khoa toàn thư. Bà biết ở Milan có hí viện La Scala, bà lại còn biết cả những chuyện như một minh tinh màn bạc này nọ ở Tokyo vừa mới bị trẹo mắt cá chân phải ở nơi này nơi khác nữa. Mỗi khi hai vợ chồng tranh luận, bà thường dồn chồng vào chân tường để rồi sau đó, làm lành bằng cách đem hết tinh thần mà trổ tài vá bít tất và nấu cơm tối cho ông. Mỗi khi có khách đến chơi, bà thường nói chuyện liên hồi, không sao dứt ra được. Bọn đàn ông trong thôn thường mải mê lắng nghe nữ chủ nhân thao thao bất tuyệt, một vài người đã có ý so sánh bà một cách bất lợi với những người vợ ít lời của mình và thường cảm thấy một sự đồng tình, một mối thiện cảm khó nói với viên trưởng đài hải đăng. Nhưng về phần ông trưởng đài thì chính ông lại hết sức tôn kính, quý trọng mớ học thức của bà vợ.
Nhà ở của ông trưởng đài là một căn nhà ba gian không có gác. Đồ đạc trong nhà đều được giữ gìn sạch sẽ, bóng lộn như là chính ngọn hải đăng. Trên cột, treo một tấm lịch của công ty hải thuyền, trong lò sưởi sâu hoắm tại phòng khách, tro than luôn luôn được vun gọn quanh chỗ đốt than. Ngay cả khi cô con gái vắng nhà, bàn học của cô ta vẫn kê trong một góc phòng khách, mặt bàn bóng lộn phản ánh màu thủy tinh trong xanh của cái hộp cắm bút rỗng không, trên có bầy một con búp bê của Pháp cho đẹp mắt. Phía sau nhà có một thùng nước tắm hình tròn, chân vạc, đang được đun nóng bằng nhiên liệu chê biến từ thứ dầu máy vẫn được dùng để chùi bóng ngọn đèn hải đăng. Khác hẳn tình trạng trong những căn nhà nhớp nhúa của các ngư phủ, nơi đây ngay cả chiếc khăn lau tay có hình vẽ màu lam treo gần bể nước bên của nhà vệ sinh lúc nào cũng sạch bóng, trắng phau.
Ông trưởng đài quanh quẩn gần hết ngày bên cái lò sưởi lún sâu xuống đất; ông hút thuốc lá hạng thường, nhãn hiệu Tân Sinh; để hà tiện, ông còn đem điếu thuốc cắt ra thành nhiều mẩu ngắn mà lắp vào cái tẩu dài dài, thon thon bằng đồng thau. Ban ngày, ngọn hải đăng im lìm như chết, chỉ có một người phụ tá trẻ tuổi làm việc trong phòng quan sát để báo cáo sự qua lại của các tàu bè.
Tối hôm ấy, mặc dù không có giờ học về nghi thức xã giao, Hatsue cũng đến ngọn hải đăng, đem theo một ít hải thử gói kín trong tờ giấy báo, để làm quà biếu. Phía dưới chiếc váy nỉ xanh, cô nàng đi đôi bít tất dài này lại có đôi bít tất ngắn. Tấm áo chẽn vẫn là cái áo màu đỏ thắm nàng mặc thường ngày.
Hatsue vừa bước chân vào nhà thì bà chủ nhà đã lên tiếng khuyên ngay:
“Này, này Hatsue, cháu phải nhớ đi bít tất dài màu đen khi nào mặc váy màu xanh nhé. Bác biết là cháu có thứ bít tất ấy vì hôm nọ cháu vừa mang mà”.
“Vâng...”, Hatsue hơi đỏ mặt, ngồi xuống bên lò sưởi.
Vào những buổi học gia chính và xã giao thường lệ, các cô gái đều ngồi chăm chú lắng nghe và bà giáo nói với giọng giảng giải, nhưng bây giờ ngồi bên lò sưởi với Hatsue, bà bắt đầu chuyện trò với giọng cởi mở, dễ dàng. Vì khách đến chơi là một cô gái trẻ tuổi nên thoạt tiên, bà bàn luận tổng quát về tình yêu và cuối cùng, mới đặt những câu hỏi trực tiếp như “Con đã thấy có người nào làm con thích ý chưa?” Nhiều khi thấy cô gái có vẻ ngại ngần, ông trưởng đài lại chen vào một câu bông đùa, giễu cợt.
Lúc trời bắt đầu nhá nhem tôi, hai vợ chồng ông hỏi đi hỏi lại Hatsue liệu cô bé có phải về nhà ăn cơm và liệu ông bố già có chờ đợi cô về hay không. Rút cuộc, chính Hatsue phải tỏ ý là nàng sẽ ở lại giúp ông bà làm bữa cơm chiều.
Cho đến lúc này, Hatsue cứ ngồi ì ra đó, mặt mũi đỏ gay, mắt dán chặt xuống san nhà, chẳng hề mó tới cốc nước ở ngay trước mặt mình. Tuy nhiên, một khi đã xuống bếp, cô nàng liền lấy lại được sự tự nhiên, vui vẻ. Thế rồi trong khi thái mấy con hải thử, cô nàng bắt đầu ngân nga bài hát dân miền Ise vẫn thường phụ họa với vũ điệu Bon Odori (Bồn-dũng) trong ngày hội hoa đăng - bài hát một bà bác đã dạy nàng hôm trước:
Tiền bạc trong ngăn vét sạch rồi
Cho con làm của đây, con ơi,
Vậy nên chớ nghĩ chuyện về con nhé.
Nhưng, mẹ hỡi, mẹ ép con nhiều quá!
Khi phương Đông vần vũ, người ta bảo gió sắp nổi lên;
Khi phương Tây vần vũ, người ta bảo mưa rồi đổ xuống.
Ối! A! Ngay con tàu chồng chất đầy hàng
Cũng đuổi theo gió quay về bến cũ.
“Ô! Hatsue yêu quý, con đã học thuộc bài ca ấy rồi ư?” bà chủ nói “Bác đến đảo này đã ba năm tròn mà vẫn chưa thuộc bài ca đó đấy!”
“Dạ, bài này giống hệt bài chúng cháu thường hát ở Oizaki”, Hatsue trả lời.
Đứng lúc đó, có tiếng chân người đứng ở ngoài cửa và từ bên ngoài tối om, có tiếng người nói lớn:
“Chào ông bà”.
“Hẳn là chú Shinji rồi”, bà chủ nhà vừa nói vừa thò đầu ra ngoài cửa bếp, rồi tiếp:
“Ô! Lại có cá ngon nữa kìa. Cảm ơn chú nhé! Bố nó ơi! Chú Kubo lại mang cho mình mấy con cá đây này”.
“Cảm ơn, cảm ơn chú nhé”, ông trưởng đài hải đăng từ bên bếp lò nói vọng ra. “Shinji ơi, hãy vào đây cái nào, vào đây tí đã!”
Giữa những lời chào hỏi và cảm ơn tíu tít Shinji và Hatsue đưa mắt nhìn nhau. Anh chàng mỉm cười và cô nàng cũng mỉm cười. Bất chợt bà chủ nhà quay lại bắt gặp nụ cười của hai cô cậu.
“Ồ! Thế ra hai cô cậu đã biết nhau rồi đấy ư? Hừm! Thôn này thực nhỏ bé quá mà. Như vậy lại càng hay. Shinji ơi, chú hãy vào đây đi! Ồ mà này, Chiyoko mới gửi từ Tokyo về cho vợ chồng tôi một lá thư. Con bé gửi lời hỏi thăm riêng chú Shinji đấy. Bác đoán là chuyện Chiyoko thích ai thì chẳng còn gì nghi ngờ được nữa, có phải vậy không? Nó sắp sửa về nghỉ đầu xuân, vậy nhớ lại chơi với em nó nhá, chú Shinji nhé”.
Shinji vừa định bụng bước vào nhà một lát, nhưng những lời này dường như đã ghìm chân chàng lại. Hatsue quay về chỗ chậu rủa bát và không quay nhìn lại nữa. Chàng thanh niên lại thu mình vào bóng tối. Hai vợ chồng ông trưởng đài gọi với ra nhiều lần song anh chàng không hề quay lại. Từ xa, anh cúi đầu chao rồi cất bước đi thẳng một mạch.
“Cái anh chàng Shinji này thực là một thằng cả thẹn quá đi thôi, phải không Bố nó?” Bà chủ vừa cười vừa nói với chồng.
Chỉ có tiếng cười của bà ta vang dội căn phòng, cả ông trưởng đài hải đăng lẫn Hatsue không ai cười theo dù chỉ là nhếch mép một cái.
Shinji đứng đợi Hatsue ở khúc đường rẽ quanh Dốc Bà.
Tại chỗ đó, bóng chiều bao quanh ngọn hải đăng nhường chỗ cho tia nắng yếu ớt cuối cùng hãy còn rơi rớt lại khi mặt trời lặn. Tuy thế, bóng những cây thông đã tối sầm lại, mặt biển phía dưới đang tràn ngập ánh vàng vọt của chiều tàn. Suốt ngày hôm ấy, những đợt gió xuân đầu tiên từ hướng đông xa tít ngoài biển cứ lùa mãi vào đảo, và cho đến lúc này, dù màn đêm đang buông xuống, làn gió vẫn không làm cho người ta thấy lạnh lẽo thịt da.

*

Lúc Shinji vòng theo Dốc Bà thì làn gió nhẹ ấy cũng tắt luôn; và trong bóng chiều, chẳng còn gì ngoại trừ làn ánh sáng chìm lặng rọi qua các đám mây.
Cúi xuống, anh nhìn thấy mỏm đất nho nhỏ nhô mãi ra biển tạo thành phía bên kia hải cảng Uta-jima. Thỉnh thoảng mũi nhọn của mỏm đất chỗ đứt chỗ nối lại nhún đôi vai lỏm chỏm một cách ngạo mạn khiến những đợt sóng bạc đầu va vào vách đá lại tung tóe tan tành. Vùng chung quanh mỏm đất lại sáng rực. Chót vót trên đỉnh có một cây xích tùng cô đơn; thân cây tắm ánh hoàng hôn vàng vọt hiện rõ dưới cặp mắt trong sáng của người trẻ tuổi. Bất chợt, tia nắng cuối cùng biến mất khỏi thân cây. Trên trời cao, những đám mây biến màu thành đen và trên đỉnh núi Higashi, các vì sao bắt đầu lấp lánh.
Shinji áp tai vào một mỏm đá nhô ra ngoài và anh nghe thấy tiếng chân người bước những bước mau và ngắn tiến lại gần, dọc theo con đường đá tảng dẫn từ những bậc thềm đá cổng ngoài tới nhà viên trưởng đài hải đăng. Anh chàng đang định nấp vào một chỗ để bất thình lình nhẩy xổ ra cho Hatsue hoảng sợ thì cô nàng cũng vừa đi tới. Tuy nhiên, những bước chân đáng yêu đó đi tới mỗi lúc một gần hơn thì anh chàng lại đâm ra ngại ngần, không muốn làm cô nàng hoảng sợ nữa. Thay vì thế, anh chàng con cẩn thận báo cho cô nàng biết chỗ mình đang đứng bằng cách huýt sáo theo điệu một đoạn trong bài hợp xướng ở Ise mà lúc nãy cô nàng vừa hát trong ngôi hải đăng.
... Khi phương Đông vần vũ, người ta bảo gió sẽ nổi lên,
Khi phương Tây vần vũ, người ta bảo mưa rồi đổ xuống.
Ôi! A! Ngay con tàu đầy hàng chồng chất
Cũng đuổi theo gió quay về bến cũ.
Hatsue vòng theo Dốc Bà đi tới nhưng không hề dừng lại. Cô nàng cứ tiếp tục đều đặn cất bước dường như không hề biết là có Shinji đang ở ngay bên. Anh chàng chạy theo sau, gọi lớn:
“Này, này!”
Nhưng cô nàng vẫn không quay nhìn lại. Anh chàng chỉ còn một nước là cứ lẽo đẽo cất bước theo sau.
Đến chỗ dẫn vào rừng thông, con đường bỗng tối om và dốc tuột. Thiếu nữ cầm chiếc đèn bấm nhỏ soi đường trước mặt. Cô nàng bước chậm lại và trước khi nhận ra sự thể thì Shinji đã bước lên đằng trước rồi.
Bất thình lình, người thiếu nữ khẽ kêu lên một tiếng. Ánh đèn bấm như một con chim giật mình hoảng hốt, bay vút từ dưới gốc lên tới ngọn cây thông.
Chàng thanh niên quay ngoắt lại. Thế rồi chàng đưa tay ôm choàng lấy người thiếu nữ đang nằm sóng soài trên mặt đất và nâng nàng đứng lên.
Trong lúc đỡ nàng đứng lên, chàng mới thẹn thùng xấu hổ mà nhớ lại là lúc nãy mình đã nằm rình rập đợi chờ, huýt sáo ra hiệu và lẽo đẽo theo sau nàng ra làm sao: dù cho có bị hoàn cảnh thôi thúc đến đâu đi nữa, anh chàng vẫn thấy hành động của mình có vẻ bất lương làm sao ấy. Anh chàng không có ý định lặp lại sự vỗ về ve vuốt như hôm trước mà chỉ nhẹ nhàng phủi sạch bụi đất bám trên áo nàng như một người anh trai phủi bụi cho đứa em gái. Đất ở chỗ này quá nửa là đất cát khô khan nên phủi bụi cũng dễ. Thực may là nàng không hề bị sây sát gì cả.
Hatsue đứng lặng im, giống như một đứa trẻ, đặt tay lên đôi vai vạm vỡ của Shinji trong lúc anh chàng phủi bụi cho mình. Rồi nàng đưa mắt nhìn quanh tìm cái đèn bấm. Cái đèn nằm trỏng trơ trên mặt đất sau lưng hai cô cậu rọi một nguồn ánh sáng nhạt mờ hình nan quạt trên khoảng đất phủ đầy lá thông. Bóng chiều trên đảo đang nặng nề dồn về điểm xám mờ duy nhất này.
“Nhìn chỗ nó rơi kìa! Hẳn là lúc ngã xuống, em đã quăng nó ra đằng sau”. Thiếu nữ nói với giọng tươi cười vui vẻ.
“Có gì mà em giận dữ đến thế?” Shinji nhìn chăm chăm vào mặt nàng dò hỏi.
“Cái câu chuyện về Anh với Chiyoko”.
“Vớ vẩn”.
“Vậy là chẳng có gì hết phải không?”
“Chẳng có quái gì cả”.
Hai cô cậu sánh vai nhau mà đi. Shinji cầm đen bấm soi đường cho Hatsue suốt đoạn đường gồ ghề khúc khuỷu làm như mình là một hoa tiêu thủy lộ vậy. Chẳng có chuyện gì mà nói nên anh chàng Shinji vốn vẫn ít lời, bắt đầu lên tiếng một cách rời rạc đứt đoạn:
“Riêng anh, thế nào một ngày kia anh cũng mua được một chiếc tàu máy chạy ven biển bằng số tiền anh kiếm ra và dành dụm; sau đó, anh sẽ cùng với thằng em trai, hai anh em bước hẳn vào ngành hàng hải, chở gỗ từ Kishu, chở than từ Kyushu về... Rồi anh sẽ làm cho mẹ anh được vui sướng lúc về già và khi có tuổi, anh sẽ trở về sống nhàn nhã, an vui trên đảo... Dù có trôi dạt đến đâu, anh cũng chẳng bao giờ quên được hải đảo của chúng ta... cảnh sắc nơi này đẹp hơn bất kỳ nơi nào khác trên toàn cõi Nhật Bản - mọi người ở Utajima đều tin chắc như vậy -đồng thời anh sẽ cố gắng hết sức để làm cho cuộc sống trên đảo của chúng ta được an bình hơn ở bất cứ nơi nào khác, hạnh phúc hơn ở bất cứ nơi nào khác... Bởi vì nếu chúng mình không chung sức cố gắng người ta sẽ quên mất đảo này, sẽ rời bỏ nó ra đi mà không thèm trở lại. Dù cho thời thế có đổi thay đến đâu đi nữa, những điều xấu xa, những thói quen xấu xa thế nào cũng phải tiêu tan trước khi tới đảo của chúng mình. Mặt biển chỉ mang lại những gì tốt lành, những gì mà hòn đảo cần có, và giữ lại những gì tốt đẹp chúng ta đã có sẵn nơi đây. Đó là lý do khiến khắp đảo này không hề có một tên ăn trộm, chỉ có những con người chịu thương chịu khó, sẵn lòng chịu đựng, những con người không bao giờ phản phúc trong tình yêu, những con người can đảm không bao giờ hèn hạ khiếp nhược ở bất cứ nơi nào...”
Thường ngày anh chàng nói năng không được rành rẽ, gọn gàng cho lắm, trái lại còn có vẻ lúng túng vụng về; nhưng đại khái đó là tất cả những gì anh đã nói cho Hatsue nghe, với giọng điệu trôi chảy hiếm có vào lúc này.
Nàng không đáp lời anh nhưng nghe anh nói điều gì, cũng gật đầu biểu đồng tình, chẳng lúc nào có vẻ chán chuông mệt mỏi, ngược lại nét mặt nàng còn biểu lộ một mối thiện cảm to lớn và tin tưởng chân thành khiến lòng Shinji tràn ngập niềm vui. Shinji không muốn nàng nghĩ mình là kẻ trai lơ nên lúc gần chấm dứt câu chuyện nghiêm trang đó anh chàng chủ tâm không đả động gì đến câu nói trọng yếu cuối cùng trong những lời cầu nguyện hải thần mấy đêm trước. Đường đi không còn mấp mô gập ghềnh nữa nhưng vẫn tiếp tục che khuất hình dáng họ dưới bóng tối dầy đặc của những hàng cây. Tuy nhiên, lúc này Shinji chẳng những đã không cầm tay Hatsue mà còn không nghĩ cả đến việc ôm hôn nàng nữa. Những gì đã xảy ra hôm qua trên bãi biển chiều tối, đối với họ, hình như không phải là một hành động phát xuất từ ý chí. Đó là một việc tình cờ do một sức mạnh bên ngoài gây ra. Một việc như thế mà đã xảy ra, thực không sao hiểu nổi. Lần này hai người chỉ ước hẹn sẽ gặp lại nhau ở ngọn tháp quan sát vào buổi chiều sắp tới, vào hôm nào thuyền nghỉ nhà không ra khơi đánh cá.
Khi hai người nhô ra phía sau thần xã Yashiro, Hatsue dừng lại suýt soa trầm trồ ngắm nghía. Shinji cũng dùng lại theo.
Ngôi làng bỗng rực sáng ánh đèn. Thật y như là vừa khai mạc một đại hội hoa đăng linh đình mà thầm lặng nào đó; mọi khung cửa sổ đều có ánh đèn sáng choang, thứ ánh sáng rạng rỡ khác hẳn cái ánh sáng tù mù của những ngọn đèn dầu. Cả thôn làng dường như đã được làm sống lại và đang bồng bềnh trồi lên khỏi bóng đêm tăm tối. Cái máy phát điện hỏng từ bao lâu đến nay đã được sửa lại xong xuôi.
Trước khi vào thôn, chàng và nàng mỗi người đi sang một ngả. Hatsue tiếp tục cất bước một mình xuống các bậc thềm đá mà vào trong thôn, đã bao lâu rồi mới lại có những ngọn đèn ngoài đường chiếu sáng.