Chương 6
Bắc Tiến

Vài trang nhật ký
Ngày... tháng... năm...
“Căn nhà chúng tôi thuê được ở ngoại ô Nam Kinh nhỏ bằng một cái phòng. Mà thực sự nó cũng chỉ có thế. Nó vỏn vẹn là một cái phòng vuông vắn, một cửa ra vào và một cửa sổ. Nhà không có lò sưởi, đã thế, vách ván lại hở, cửa gài thô sơ, gió lọt vào lạnh thấu xương.
Bên cạnh nhà là hồ Huyền Vũ, Cái tên thực đẹp. Người Tàu có tài đặt tên đẹp cho tất cả những gì cần đến tên. Hồ này là để cho tất cả xóm giải quyết vấn đề nước non. Họ dùng nước hồ để nấu nướng, giặt quần áo, rửa rau, vo gạo, tưới mấy luống rau cải chung quanh hồ, chung quanh nhà, ban ngày cho tất cả mọi người, và thêm tắm ban đêm cho chúng tôi.
Những nhà Tàu,nếu không phải là thứ xây cất tối tân thì không bao giờ có phòng tắm. Nhưng họ có cách tắm ngay trong phòng ngủ, nếu cần. Mỗi gia đình đều có một cái thùng gỗ. Họ ngồi trong thùng, pha một chậu nước ấm để bên cạnh, rồi từ từ dội từng gáo nước lên người. Tôi học được cách tắm này trong thời kỳ ở trọ với gia đình Tàu.
Bọn chúng tôi, cũng như tất cả các anh em khác đã nhất quyết “ ra đi không vương thê nhi..” không lẽõ lại đi vương cái thùng tắm kè kè bên hông, thành ra khi muốn tắm, phải cắn răng chạy ra hồ, tắm xong, cắn răng chạy một mạch về nhà. Hàng xóm trông thấy phục lăn, cứ tưởng bọn này võ nghệ siêu quần, nội công thần sầu quỉ khốc, chả biết rét là gì.
Mỗi ngày, ăn điểm tâm xong, chúng tôi cuốc bộ ra thư viện học, Anh Hùng thì lo
chầu chực ở Bộ Giáo Dục về việc giấy tờ cho chúng tôi chính thức vào Đại Học.
Ngày còn ở nhà, tôi chỉ biết ăn mà không biết nấu, “tiểu thư” mà lại! Bây giờ là người nữ độc nhất và đầu tiên của cả bọn, nên phải học nấu cơm với các anh. Đồ ăn thì thực giản dị. Ai cũng học thuộc lòng câu “ thánh kinh:” Muốn cao lương mỹ vị thì về nhà mà ăn”, nên không ai chê tôi nấu ngon nấu dở bao giờ cả. Vì tiền Tầu thụt giá theo với tình hình quân sự, nên khi có tiền, chúng tôi phải tích trữ rau ăn. không có rau gì để dành được lâu bằng hành tây, nên trong bữa cơm bao giờ cũng có hành. Tôi cũng gắng tập đổi món: hành xào, hành luộc, hành nấu canh, nấu xúp, dưa hành..
Được phép nghỉ học một buổi, chúng tôi đi xem thiên hạ sắm sửa. Chúng tôi cũng hòa mình vào với làn sóng người đang đi mua bán như điên, để chung hưởng cái cảm giác say sưa. Xem thiên hạ tiêu tiền xong, chúng tôi về nhà ăn bữa cơm thịnh soạn có thêm một món mới: hành tây trộn dầu dấm.
Bữa cơm thịnh soạn vì lúc về đi ngang qua hồ có một con cá to thực to đang nhẩy chơi, không biết chàng cá có định vây với tiểu thư cá nào không mà hết sức tung mình thực cao thực xa. Cá ta nhẩy tuốt lên bờ. Thực suốt đời cá không bao giờ ngờ mình lại được hoan nghênh nhiệt liệt như thế.
Chiều đến, ông Lữ, một giáo sư đại học, bạn của anh Hùng và cũng là một Mạnh Thường Quân của anh em sinh viên cách mệnh đến thăm. Ôøng bà ở thực xa nhưng cũng chịu khó đi xe ba bánh đến, tặng cho chúng tôi một bao gạo và một số lương khô. Chúng tôi nhất định làm cơm thết ông bà. Các anh chịu khó tỉa rau muống ngâm nước cho nó cuốn cong, trông thực đẹp, để trộn dầu dấm làm món xà lách.
Chỉ tiếc, ông bà Lữ cũng như tất cả những người Tàu cẩn thận khác, không dám ăn rau sống. Phần nhiềù những món rau đều phải xào nấu, và phải có gừng nhiệt để hóa giải tính hàn của rau. Với người Tàu, rau quả gì cũng có một tính chất: lạnh, nóng, mát, độc, lành v.v..Rau sống thuộc hàn, lạnh, rau muống cũng thuộc hàn, đã hai lần hàn,lại ăn vào mùa đông thì eo ôi, hậu quả không biết thế nào mà lường được!
Sau này tôi mới biết là phụ nữ Tàu phần nhiều rất thạo tính chất của các món ăn hàn nhiệt, để chỉ huy sự “hàn, nhiệt” của các đấng trượng phu. Khi nào thấy các ông “ hàn” với mình quá, các bà chẳng cần phải điểm phấn tô son gì cả, chỉ cần nấu mấy món “nhiệt” là các ông thay đổi thái độ ngay. Và trái lại, nếu các ông “ nhiệt “ quá, thì trong bữa cơm lại thấy có những món canh, món hầm đặc biệt. Trên nguyên tắc thì các ông vẫn là chủ động, nhưng chính các bà mới là người chỉ huy, giật giây lúc nào thì các ông được phép “ chủ động” lúc ấy. Thực là tế nhị và hòa bình biết bao! Nếu nghiên cứu kỹ lại thì chắc Hồ Ly Tinh ngày xưa trong truyện Liêu Trai,có lẽ cũng chỉ là những cô nương biết xử dụng các món ăn hàn nhiệt.
Cơm xong, anh Thành, một sĩ quan Việt Nam trong quân đội Trung Hoa. Mang đến cho chúng tôi một gói mứt gừng, mứt sen, trà Tàu, hạt dưa. Chúng tôi vớt vát lại, mời khách tráng miệng mứt gừng, món nhiệt để cứu vãn cái hàn của bữa cơm rau quá hàn và quá đạm bạc” (Nhật ký ngưng)
Gian nhà con của bọn Trang ở ngay bên cạnh hồ Huyền Vũ. Gian nhà mặc dầu trơ vơ chỉ có một cái phòng vuông vắn, và mặc dầu không có nhà bếp, phòng tắm gì cả, nhưng bọn Trang chỉ là một đám học sinh tất cả đều “Không” đang xin học bổng và đang sống bằng sự trợ cấp của vài người muốn dìu đắt họ, tốn tiền ít chừng nào hay chừng ấy. Có được một nơi ngã lưng đã là may mắn lắm rồi.Trong hoàn cảnh đó, Trang phải dẹp cái “ tiểu thư” lại, hòa mình theo các bạn, mỗi đêm đợi đến 11 giờ, hàng xóm ngủ cả rồi mới dám xách khăn và bộ áo quần tắm đặc biệt ra hồ để tắm.
Chung quanh nhà chỉ vài chục thước, là có một hồ nước trong xanh bên bờ đầy liễu rủ. Cái hồ nước đa dụng, đa năng. Tưởng tượng nếu không có những cái hồ cứu mệnh ấy thì cả xóm nghèo này làm sao mà sống.
Lúc mới dọn đến nhà chỉ có một chiếc giường lớn cho ba người bạn trai, Trang phải nằm trên chiếc bàn học vuông vắn, dưới kê thêm hai chiếc va ly để duỗi chân. Sáng dậy, Hùng nhân danh anh Cả hỏi thăm:
- Thế nào, nàng tiên ngủ trên bàn, có nằm mơ thấy gì không?
Tiến, người nhỏ tuổi nhất đám bảo:
- Không khéo cô ấy nằm mơ thấy cái quả sơn son thếp vàng chiều hôm qua đấy.
Rồi một chuỗi pháo cười mở đầu cho một ngày nắng hè tươi đẹp,
Trang lại tự cười cái ngớ ngẩn của mình. Chiều hôm qua lúc nhìn thấy các cô gái Tầu xinh xinh trong xóm, xách những cái thùng gỗ con sơn son thếp vàng và chiếc chổi tre rửa hùng hục, đánh quèn quẹt cái thùng gỗ bên các hồ nước trong xanh, dưới rặng liễu rủ, Trang hỏi:
- Họ làm gì thế nhỉ?
- Tôi đố cô biết cái thùng kia người ta dùng để làm gì?
- Bên ta thường có những cái quả gỗ sơn son thếp vàng dùng để đựng bánh lúc đám cưới.
Lưu cười:
- Ở đây thì lại khác, đấy là những chiếc thùng vệ sinh lưu động họ để ngay trong phòng ngủ hay nhà bếp và mỗi ngày đi đổ. Ở Tàu chỉ những nhà kiến trúc theo lối mới của các nhà giàu mới có phòng vệ sinh, còn ngoài ra toàn dùng những cái “quả đựng bánh” của cô như thế cả.
- Nhưng đổ vào đâu? Eo ơi!
- Không nhìn thấy những cái hồ nhỏ như bể cạn nuôi cá kia sao? Họ đổ vào đấy, quậy thêm nước để làm phân tưới rau.
A Øra thế! Thì ra họ đổ vào cái “phòng đọc báo” của cả xóm.
Trang và các bạn bắt đầu học chữ nho và tiếng Tàu. Riêng Trang, còn phải học thêm toán. Anh Vũ, người kỹ sư dạy kèm Trang nhiều lúc phải phát cáu lên:
- Trời, trong đời tôi đã dạy toán cho bao nhiêu học trò, nhưng mãi đến bây giờ mới gặp được người dốt nhất.
Thực thế, Trang rất ghét toán, và sẵn lòng quên ngay sau khi làm bài xong. Trang chỉ thích ra bờ hồ ngồi học với một cái cần câu dưới gốc cây liễu.
Mỗi chiều, bọn Trang đi xem những phong cảnh gần của thành Kim Lăng. Mỗi ngày Chủ nhật đi thăm một cảnh xa hơn. Nhưng tất cả dù xa hay gần cũng đều đi bộ và được gọi là “ xe nhà”. Ngôi mộ Tôn Trung Sơn và cái cảnh hùng vĩ của hòn núi Chung Sơn, Trang không thấy đủ hứng thú thưởng thức nữa, vì hai chân nàng đã mỏi rã rời. Hôm ấy gặp ngày lễ kỷ niệm nên chính phủ mở cửa đài kỹ niệm nhà đại cách mạng Trung Hoa cho dân chúng vào xem.
- Thế nào, cô có còn đủ gân để đi xem Vũ hoa đài không? Coi bộ gần xỉu!
Nếu không có một thời gian huấn luyện về môn đi bộ lúc xưa, những ngày băng rừng vượt suối, chắc Trang không thể nào theo kịp được bạn trong các cuộc đi chơi Yến Tử Cơ hay phong cảnh khác.
Trên đường những người ngồi trên xe nhà hay xe hàng đều quay lại nhìn bọn Trang và vẫy tay tỏ ý hoan nghênh hay thương hại, và bọn Trang cũng vẫy tay chào theo. Lúc đến nơi đứng trên núi cao nhìn xuống chân núi, gió thổi ráo cả những giọt mồ hôi lăn tăn trên mặt, gió thổi khô cả lưng áo ướt đẫm, Trang khoan khoái tận hưởng cái đẹp của Yến-tử-cơ. Ngoài xa những cánh buồm đen hình như cánh dơi nổi bật lên nền trời xanh nhạt của nước hòa lẫn với trời, dưới chân núi đá sóng trắng đánh vào dồn dập. Trên núi là những đường mòn uốn khúc quanh co, những công trình xây cất đình tạ, những sự xếp đặt tô điểm thêm cho cái cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Và đến lúc ngồi vào một tiệm ăn bên đường, trước bát mì khói lên nghi ngút là thứ mì kinh tế chỉ nấu với nước dùng chứ không có thịt tôm gì cả, Trang cũng thấy dễ chịu vô cùng.

° ° °

Một buổi chiều thứ bẩy, Hùng bảo Trang:
- Chắc cô đã xem qua nhiều Đường thi chứ?
- Có xem một ít.
- Còn nhớ bài thơ tả bến Tần-hoài của Đỗ Mục không? Rồi không đợi Trang trả lời, anh ngâm:
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu đình hoa.
Nếu hôm nay cô học xong sớm, chịu khó nghĩ ra được bài toán này, chúng ta sẽ đi bến Tần Hoài.....tưởng tượng.
Nghĩ đến bến Tần Hoài, Trang tưởng tượng phải là một cảnh đẹp ghê gớm lắm mới có thể làm cho nhà thơ sáng tác ra những vần như thế kia, Trang học rất chăm chỉ. Lúc sắp ra đi, Trang hỏi Vũ:
- Túi của anh hôm nay có nặng không? Bến Tần Hoài bên cạnh có tửu gia đấy nhé.
Bọn Trang ra đi từ lúc đôi giày da Trang đã cố công đánh rất bóng đã thành ra một đôi giày bụi, và hai ống chân Trang mặc váy đen ngắn theo kiểu học sinh, cũng phủ đầy bụi mờ, Vũ nhìn Trang thách thức:
- Cô Trang, cô thử tả cái cảnh giòng sông con kia đi. Dám không?
Trang nhìn theo tay Vũ, thấy hiện ra trước mặt một cảnh tượng rất nhộn nhịp, trả lời:
- Các anh lắng tai nghe nhé: Một giòng nước cạn, đậu đầy những ghe thuyền, mặt nước đục ngầu trên nổi lềnh bềnh các thứ rác phân bẩn thỉu, hai bên bờ ngồi đầy những đàn bà con gái, người nào cũng xắn cao quần áo, tay cầm một cái dùi như cái dùi cui của các bác cảnh sát ở Hà Nội, vỗ bồm bộp vào áo quần đang giặt, còn áo quần thì chỉ có một mầu không tên. Họ nói chuyện với nhau ầm ỹ, và bên trên một chiếc cầu bắc ngang qua giòng nước “ sông” ấy. Chiếc cầu nhỏ hẹp đầy người qua lại, họ tranh nhau, đẩy nhau và la hét không ngừng. Nhưng bến Tần Hoài bao giờ mới đến?
- Thì cô vừa tả đó, chả phải bến Tần Hoài là gì!
- Nói đùa chứ Tân Hoài hay Tần Hoài cũng chẳng khác gì mấy. Cứ đặt một cái tên đẹp, làm vài bài thơ ca tụng là sẽ nổi tiếng ngay.
- Trang còn ấm ức:
- Nhưng anh hứa bến Tần Hoài cơ mà!
- Cả bọn lại cười chế nhạo:
- Cho Trang một bài học cho hết ngây thơ đi. Dễ gì mà lết được đến Bến Tần Hoài. Phải tập thưởng thức cái hư hư thực thực mới sống lâu được.
Trang còn đang ngẩn ngơ “ thưởng thức” thì bị một đám người sau lưng xô đẩy qua cầu. Bên kia sông là một xóm nhỏ làm ăn có vẻ phồn thịnh, các cửa tiệm bán toàn hàng thổ sản, và các thứ hàng tạp hóa. Lúc đi qua hàng gạo nếp, Tiến bảo:
- Dù sao chúng ta thế là cũng đã thưởng thức được cái đẹp của bến “Tìm Hoài không thấy” bằng mắt rồi. Bến Tìm Hoài đã không có tửu gia thì thôi, chúng ta cũng nên có gì an ủi cái dạ dày cho nó thực tế một chút.
Vũ vào tiệm mua một cân nếp, Trang dặn:
- Anh nào cầm phải cẩn thận đấy nhé. Cái gói này còn quý hơn cả bến Tần Hoài kia đấy. Thực là vừa ít tiền, vừa ngon, vừa nhiều lại vừa chắc bụng.
Những ngày êm đềm qua đi, tiếp đến là những ngày sóng gió vì nguồn kinh tế bấp bênh của nước Tàu, Trong tay nắm một mớ giấy bạc, hôm nay còn đáng giá một tạ gạo, sáng mai có khi chỉ còn là một đấu bắp ngô. Giá thực phẩm và giá trị của đồng bạc cứ theo với các trận đánh nhau thắng hay bại mà lên xuống. Có tin đồn Bắc kinh sắp mất. Cộng quân đang sắp sửa vây Nam-kinh đến nơi. Giá gạo tăng lên vùn vụt. Bạc giấy chỉ giá trị như một mảnh giấy thường nhỏ bằng hình dáng của nó.
Bọn Trang chỉ còn cách là khi có một số tiền đến tay là mua ngay gạo và thức ăn, những thứ rẻ tiền nhất và có thể để được lâu. Vì thế dưới gầm giường vải của Trang đổ đầy hành tây và củ cải.
Bữa cơm nào cũng hành tây, canh hành tây, xào hành tây, hành tây trộn dấm. Còn củ cải Trang cắt từng miếng nhỏ phơi khô và ngâm vào xì dầu, ớt thành một món mặn ăn với cháo cũng nuốt trôi dễ dàng.
Mỗi buổi sáng, Trang nấu một nồi bắp ngô và một nồi cháo. Cả bọn ăn bắp ngô cho chắc bụng, kéo bộ đến thư viện ngồi học. Chiều về nồi cháo đã đặc lại thành cơm nhão chỉ việc hâm nóng lên ăn với củ cải mặn là xong bữa.
Mớ bắp ngô, Trang đã ngâm trước từ đêm, sáng lại nấu rất lâu, nhưng hạt bắp vẫn cứng không nở mấy, và không có mùi vị gì, Trang bảo Lưu:
- Tôi tiếc nếu ngày xưa học làm món ngô bung Việt Nam, thì bây giờ đâu đến nỗi phải ăn món ngô luộc nhạt nhẽo, vô vị như thế này.
Tiến cũng bảo:
- Tôi cũng tiếc không học làm mắm tép với me tôi, nếu không thì vò mắm tép của chúng ta có lẽ cũng bớt đau khổ.
Lưu nhăn mặt:
- May mà tôi không biểu diễn món gì ra, nếu không chắc chúng mình không còn đủ can đảm để ăn cơm nhà nữa. Ăn mắm tép của anh Tiến tôi cứ tưởng như là rơm khô trộn với muối ấy. Mà có lẽ là rơm khô thực đấy. Để chốc nữa tôi phải xem lại cái nệm rơm của anh Tiến có bị mất miếng nào không.
Ánh dương nhạt dần sức nóng cho đến lúc ngọn gió cuối thu đã quét sạch tất cả các lá cây, lúc ngọn gió bấc đầu tiên thổi qua, người Trang mỏi rã rời và kéo lại điệu đàn réo rắt đau khổ hơn xưa.
Mỗi buổi sáng sương xuống dầy đặc, đóng lại trắng xóa trên những vườn cải cuối cùng của mùa, khi những vũng nước đã đông lại thành băng, bị chân người dẫm lên trông như những tấm kính vỡ rải rác đầy cả trên đường thì Trang thấy tấm chăn bông 6 cân đè lên ngực vẫn còn nhẹ quá, và tấm nệm rơm một tấc dứơí lưng vẫn còn mỏng quá.
Lưu thấy Trang đêm đêm mặc hết tất cả quần áo dầy vào rồi mới buộc thắt chặt cổ chân lại thực cẩn thận, nói:
- Rét rồi đấy, cô Trang. Tấm chăn của cô có đủ ấm, đủ nặng không, ngoài sân có một đống gạch đấy, nếu cô cần thì xếp nốt lên người cho đủ ấm nhé.
Trang không trả lời, cũng không cười được vì đã bắt đầu thấy ngạt thở, thấy bứt rứt khó chịu. Trang tung chăn ngồi dậy, lại dựa lưng vào tường... Trang ngồi lắng nghe tiếng rên rỉ phát ra từ trong phổi, lẫn với tiếng gió rít trong đêm, tiếng cốc chai rạn vỡ vì khí lạnh xuống dưới không độ, và lắng nghe tiếng máy thu thanh ở nhà láng giềng đưa sang một điệu hát buồn man mác. “ Em quyết chờ anh lại về”. Cố nhiên bằng tiếng Tàu. Động đến tình cảm thì hình như nước nào cũng có những bài tình ca du dương.
Trang lại nhớ đến những đêm đông ở quê nhà, bây giờ đã xa cách đến bao nhiêu nghìn cây số núi sông, không biết những người thân sơ, quen biết có đủ ngu si để hưởng thái bình không, Thánh hiền xưa đã dạy thế mà.Ngu si hưởng thái bình. Thời buổi loạn ly, chí lý vậy thay.
Tình hình Nam-kinh ngày càng nguy cấp, bọn Trang đành phải sửa soạn về hậu phương. Mỗi ngày Tiến lại xách một ít đồ đạc đi gửi cho nhà hàng đồ cũ, tất cả những cái gì nặng, ít dùng hay có hai cái, đều bị loại cả. Sự bán đồ về Nam của bọn Trang láng giềng không ai biết, họ chỉ biết bọn Trang bán đồ, thành ra có một sự hiểu lầm đầy tình người. Một hôm cả xóm bỗng nhiên lần lượt đến thăm Trang, người nào trong tay cũng có một gói quà, kẻ mớ rau, người chai dầu ăn hay chén muối, làm Trang phát thẹn và cũng rất cảm động.
Tối hôm ấy Hùng mãi đến khuya mới về, anh bước vào phòng mặt tái xanh, ngồi thừ ở bàn một lúc bảo:
- Đời tôi lần này là lần đầu tiên đi xe quịt.
-?
- Xe về đến đầu đường, tôi móc túi, 4 túi áo tơi, 4 túi quần, 4 túi áo tây, 3 túi áo cánh. Móc đến cái túi thứ 15 mới biết là nắm bạc đã bị tay anh chị nào lúc chen lên xe “ chiếu cố” mất rồi. Và người đánh xe ngựa thấy tôi móc lắm túi thế cũng quá hiểu lý do không chờ được nên đi luôn.