---~~~mucluc~~~---


Chú bé thổi còi

2/1998 - 2/1999
Ngả Sáu có thằng bé khùng, mặc rách rưới, tuy không đến nổi xấu trai nhưng quá bẩn thỉu, tự nguyện làm cảnh sát giao htông. Nó làm "chim bay cò bay" hướng dẫn giao thông và thổi còi rất chuyên nghiệp, tất nhiên là trong những lúc vắng cảnh sát thứ thiệt. Nó làm việc cật lực, miệng luôn tươi cười khoe cái răng khểnh trời cho rất có duyên. Người qua kẻ lại nhất là bọn trẻ thế nào cũng làm bộ trật luật để được ông cảnh sát khùng thổi còi, để chúng được một trận cười miễn phí. Vài người đàn ông ghé lại dúi vào tay thằng bé cái bánh, nó trừng mắt từ chối, chứng tỏ cho mọi người biết, nó là người cảnh sát thanh liêm, rồi lại tiếp tục hoét hoét như không có chuyện gì xảy ra.
Lâu ngày thằng bé khùng thổi tu hít từ chuyện tiếu lâm biến thành huyền thoại. Quán nhậu bên đường, người chủ quán kể rằng, cách đây một năm ngả tư đường này xuất hiện chú bé với cái thùng vá xe đạp. Chú bé cần cù làm việc cật lực, chỉ khi nào nghe tiếng nhạc xập xình trong quán dội ra, chú bé mới nghỉ tay và đứng lên say sưa quay cuồng. Chú nhái giống anh chàng Mai-cồ vua nhạc rốc. Cũng đầu tóc rũ rượi, người mềm nhũn ngả nghiêng rồi bất chợt nổi khùng lên la hét, tay chân co giật như kẻ kinh phong ác tính. Hồi đó, cái thời chưa mở cửa, mới chỉ bung ra, nơi đây chưa có đèn xanh đèn đỏ, xe cộ va chạm liên miên. Chú bé tỏ ra nóng ruột đứng ngồi không yên mỗi khi có cuộc va chạm và cãi vã, chú bé thường nhảy ra phân trần can thiệp. Nhưng lần nào chú cũng bị người trong cuộc quát mắng và đuổi đi chỗ khác chơi. Có khi chú còn gặp phải tình trạng "ách giữa đàng mang vào cổ". Cách đây vài tháng, hai trụ đèn được dựng lên hứa hẹn sự an toàn giao thông, nhưng vẫn chưa được khả thi cho lắm vì thỉnh thoảng đèn tắt ngấm không rõ tại sao. Người ngả tư ra câu đố: - Em đố anh vậy chớ đèn gì không xanh không đỏ, vậy chớ đèn gì không tỏ bao giờ. Câu trả lời đúng là: Đèn không xanh không đỏ, là đèn đỏ đèn xanh không có điện. Có đèn đỏ đèn xanh mà không xanh không đỏ thì càng hại hơn, người ta phóng ù ù qua ngả tư và va chạm nhau. Chú bé lại nổi máu Lục Vâng thấy chuyện bất bằng chẳng tha, nhảy vào can thiệp và bị ông say rượu tông xe người khác tống cho một đạp lăn ba vòng nằm thẳng cẳng, phía sau đầu chú bé u một cục to tướng. Tưởng chú bị sọ não, nào ngờ chỉ cấn xức dầu cù là cho chú, lát sau chú tỉnh liền. Chỉ đáng thương là, trong lúc lộn xộn có kẻ gian nào lấy mất cái thùng đồ nghề của chú. Mọi người giúp chú lùng sục chung quanh ngả tư nhưng vô hiệu, cái sản nghiệp nhỏ nhoi nhưng vô cùng quý giá của chú không cánh mà bay. Chú bé bưng mặt khóc hu hu làm mọi người chung quanh thông cảm xót xa. Nhiều người nghe chuyện móc bóp lấy tiền góp cho chú sắm lại đồ nghề. Nhưng thật lạ, chú nhận tiền một cách lạnh lùng như kẻ mộng du, không có lấy một lời cảm ơn. Người ta thấy mắt chú dại đi, miệng cười tủm tỉm như vừa bước chân vào cõi vô hình đầy thú vị nào. Rồi sau đó người ta thấy chú thất thểu bước đi như trong một thế giới khác.
Hôm sau, người ta thấy chú bé xuất hiện từ sáng sớm với chiếc còi trên môi, vẫn bộ quần áo cũ nhưng bỏ áo vô thùng chỉnh tề hơn, chú bắt đầu làm cảnh sát giao thông từ đó. Dù có đèn đỏ đèn xanh hay không chú cứ liên tục thổi còi điều khiển giao thông một cách cật lực, chỉ cần vắng bóng cảnh sát là được. Nhiều vị khách qua đường cố tình vượt đèn đỏ liền bị chú thổi còi, ra hiệu dừng lại cho đúng luật, làm khách qua đường giật mình dừng xe chịu phạt. Chừng nhận ra chú bé rách rưới hoàn toàn không phải là người đại diện cho pháp luật, vị khách cưỡi mô tô mới phóng vút đi, để lại một cụm khói đen sì và câu chưởi mở đầu bằng tiếng "Đan Mạch": Đm thằng khùng! Mặc ai mắng chưởi cộc cằn cỡ nào, chú bé tươi cười làm nhiệm vụ...
Vừa chứng kiến chú bé khùng thổi tu hít vừa nghe lời thuyết minh của ông chủ quán Nghêu sò ốc hến kiêm bạn nhạu, mắt tôi cay khi nghĩ đến người chiến sĩ cảnh sát giao thông tự nguyện chưa qua tuổi vị thành niên sẽ đi về đâu, ăn ở đâu khi ngoài đường đã hết xe cộ, thành phố ngủ yên? Có rượu vào, khách lại còn thưa thớt nên ông chủ quán tỏ vẻ sẵn sàng chia sẻ lòng trắc ẩn của tôi, ông nói:
- Thằng nhỏ này ở đâu tui không biết nhưng chắc chắn nó còn mẹ. Mẹ nó lượm bọc nylong nhưng coi bộ yếu lắm, đi ngang đây mấy lần mặt cắt không còn hột máu. Sau cái bữa thằng nhỏ bị tai nạn, bị mất đồ nghề, má nó có đi qua đây một lần, thấy nó làm cảnh sát giao thông, bà té xỉu rồi không dậy được nữa. Xích lô chở dùm má nó vô nhà thương thí của chánh phủ trong Chợ Lớn. Lúc xích lô quành lại đưa bà lên xe bị chính nó thổi phạt hoét hoét vì chạy ngược chiều! thật là nhiều cảnh đời trớ trêu, khổ lắm chú ơi!
Ông chủ quán thở dài đẩy cho tôi ly rượu đế đục ngầu. Đúng vào lúc đó thằng bé đang đứng giữa đường vừa thổi tiếng còi dõng dạc dẹp xe cộ dọn đường cho chiếc xe hồng thập tự hụ còi đi qua. Do không trông thấy sắc phục cảnh sát nên suýt chút nữa thằng bé trở thành nạn nhân của chiếc xe cấp cứu. Tôivà ông chủ quán suýt xoa mừng cho sự may mắn của chú bé tội nghiệp đáng thương ấy. Thế mà chủ chẳng coi cái sự cố ra gì cả, chú tiếp tục tươi cười làm nhiệm vụ.
Cuộc đời chú bé rồi sẽ ra sao, sẽ đi về đâu trong dòng đời xoáy cuộn giữa cái ngả tư ầm ào ấy? Tôi đặt câu hỏi mà không biết phải trả lời ra sao. Trên hè phố có không ít người ăn xin hoặc buôn gánh bán bưng quen thuộc tự nhiện biến mất như  chưa từng có họ trên đời. Trước cổng cơ quan tôi có một người như vậy. Ông ta còm cõi, rách nát, mắt sâu hoắm, râu dài xám ngoét, ngồi ủ rũ, bên cái nhôm móp méo chờ nhận tiền bố thí. Tôi thích cái ăn xin lặng lẽ ấy nên cứ mỗi lần ăn dĩa cơm trong căn tin, tôi đều bỏ vào cái lon ấy chút đỉnh. Có lẽ có đến ba bốn năm liền như vậy nên chúng tôi quen nhau. Hóa ra, người mà tôi tưởng là cụ già ấy chỉ là một trung niên nhỏ hơn tôi đến chục tuổi, đang bị lao, lại nghiện hút, nên teo tóp mà thành già nua trông rất thảm hại. Làm quen với người ăn mày thì chẳng có gì thú vị ngoài cái việc là áy náy mỗi khi ngang qua ông mà không còn tờ bạc lẻ nào. Cho nên, cũng có lúc tôi cảm thấy nhẹ người khi ông ta vắng mặt. Nhưng rồi, cả mấy tháng nay, lòng tôi nặng trĩu khi mà sự vắng mặt của người ăn xin cứ kéo dài qua hết ngày này đến tháng nọ. Phải chăng, ông ta đã không còn trên đời này?
Chú bé thổi còi vắng mặt ở ngà tư này khá lâu, phải chăng chú bé cũng đã... Dù sao, chú cũng  là một chú bé mười mấy tuổi đầu, cuộc sống của chú còn nhiều cơ hội để cải thiện, mọi sự kết thúc đến với chú đều là bi kịch, đều là cái ác. Tôi ngồi góc quán rượu ngả tư cùng với ông chủ quán tốt bụng, cái buồn man mác chợt đến làm tôi thở dài, thương cho những kiếp đời lang bạt và thầm mong một sự may mắn nào đó có thể an ủi hoặc cứu vớt được cuộc đời chú nhỏ.
Bẵng đi thật lâu, bây giờ, khi ngang qua các ngả tư, tôi không còn nghĩ đến chú bé ấy nữa. Mùa xuân này cũng thế, một trong những mùa xuân cuối cùng của thế kỷ, của thiên niên kỷ, ngả tư cũng đã khác lắm. Rất ít thấy cái cảnh "đèn gì không xanh không đỏ" nữa. Nhiều ngả tư được trang bị đèn khá hiện đại và trông thật sang trọng lại diện tiện ích. Chẳng hạn như ở ngã tư Hai Bà Trưng - Lê Duẩn này, đèn đỏ bao giờ cũng khóa đường trước khi đèn xanh bật lên, tránh được cái cảnh tranh thủ vượt đèn vàng phổ biến ở xứ ta. Tôi thường qua các ngả tư và ngẫm nghĩ rằng, có một nền văn hóa ngả tư thật sự. Những cụ già có gốc làm thầy, đội nón nỉ, thắt cà vạt thường qua đường đúng tín hiệu đèn. Những người buôn bán trên xe đẩy thường bất chấp, họ biết tận dụng thế mạnh của kẻ yếu, kẻ nghèo trên đất nước định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước tự nguyện nhận lấy trách nhiệm xóa đói giảm nghèo cho họ và hiếm khi thấy anh công an thổi còi khi họ phạm luật. Còn những phần từ bất hảo thì khác, các anh công an quá hiền, nên chúng thường lộng hành, thấy ngó lơ là alê, vọt! Hãy trônghai cô cậu, một đầu đinh, một tóc tém nham nhở phóng xe suzuki, lượn ngoằn ngoèo kia, nhất định họ sẽ bất chấp đèn xanh đỏ cho mà coi. Vâng, đúng vậy, đèn đang đỏ, nhưng chúng cứ lạng lách  cố vọt qua một rừng xa đang lướt tới. Mọi người đang phẫn nộ bọn mất dạy đang cản ngăn dòng xe cộ lưu thông thì bỗng đâu một tiếng còi thật đanh thép vang lên:
- Rrééettt!!!
Tôi cùng mọi người hết sức ngạc nhiên đảo mắt tìm xem anh cảnh sát giao thông nào xuất hiện một cách thần kỳ đến vậy. Mọi người ồ lên ngạc nhiên đến tức cười khi nhận ra một chú bé đen trùi trũi đang lao ra giữa đường, miệng ngập còi, tay ra hiệu cho chiếc xe suzuki vượt đèn đỏ dừng lại. Chiếc xe cố tình lách qua chú bé thì ngay lập tức, tiếng còi vang lên một cách dứt khoát hơn:
- Rrréééttt!!!
Chiếc xe rú ga định cán bừa lên chú bé để vọt. Nhưng không kịp nữa rồi. Chú bé, bằng một động tác nhẹ nhàng và thành thạo đã gạt được bánh trước làm cho chiếc suzuki lật chỏng gọng, hai cô cậu đầu đinh và tóc tém té lăn cù. Đúng vào lúc đó, chiếc xe môtô của cảnh sát giao thông kịp thời lao tới... Nhờ một vài người đi đường thuyết minh với cảnh sát, sự việc được giải quyết nhanh gọn: cô cậu bị phạt, cà-vẹt xe bị giữ còn chú bé thì lẳng lặng rút êm, không bị bắt tội gây rối trật tự công cộng cũng như không có sự tuyên dương công trạng thực thi nghị định 36 CP một cách tự phát
Đường phố êm ả và bình thường trở lại, nhưng trong lòng tôi thì như có sóng cồn nổi lên. Chắc hẳn bạn đọc đã biết vì sao rồi! Chính là vì tôi đã nhận ra chú bé thổi còi mà tôi tìm kiếm lâu nay do động lòng trắc ẩn! Và như vậy là chú bé chẳng những không ngã xuống nơi xó chợ đầu đường nào đó, trái lại, thật thần kỳ, chú vẫn đứng vững ở ngả tư với chiếc còi trên môi và kỳ lạ thay, chú đã trở nên thiện nghệ như một cảnh sát giao thông thứ thiệt.
duyên luôn nở trên môi. Chỉ có điều chú rách quá, chỉ có độc một cái quần vá chằng vá đụp, cái thắt lưng bằng sợi dây nylon đen gói hàng! Chú đen thui như một con dế nhũi, hòa lẫn vào đường phố một cách tự nhiện như một làn gió bụi.
Tôi quành xe ngay trước chú bè vừa bước tới, nở nụ cười xã giao thân thiện và chìa tay cho chú. Chú tỏ vẻ hiểu biết và đáp lại cử chỉ ấy của tôi bằng nụ cười hiền nhưng từ chối bắt tay. Chú giấu cả hai bàn tay phía sau lưng và lắc đầu.
- Cháu tên gì?
Chú bé lắc đầu và cười
- Nhà cháu ở đâu.
Lại lắc đầu và cười
Một người đi bộ ngang qua nói với tôi:
- Thằng bé câm
Mặc, tôi vẫn nói:
-  Cháu bao nhiêu tuổi rồi? Mẹ cháu đâu? Cháu ăn gì, ngủ ở đâu, sống ra sao?
Thằng bé lắc đầu, ra dấu loạn xạ và tỏ ý muốn đi. Nhưng tôi chưa thể nào cho nó đi nếu như không cho nó một ít tiền. Tính khí ông già Nam Bộ xưa này đều thế. Dễ động lòng trắc ẩn nhưng lại không biết diễn tả nó bằng lời, nên chỉ biết sờ vào cái túi tiền rỗng. Tôi còn tờ giấy hai chục phòng thân lúc đi đường, liền móc đưa cho thằng bé và chờ đợi nụ cười cám ơn của nó. Trong ánh mắt ngây thơ, sáng trong của nó, một tín hiệu hiền lành phát ra, dao động rồi rối rắm khó hiểu. Tôi đang hoang mang thì thằng bé cầm còi đưa lên miệng.
- Rrréééttt!!!
Thằng bé giơ tay chào tôi theo kiểu cảnh sát giao thông rồi ra hiệu cho tôi phải bỏ tiền vào túi. Xong, nó dõng dạc bước đi theo kiểu diễu binh.