Chữ Trung

Trung là gì?
Sách Trung Dung giảng rằng:
- Lấy điều mong ở con mà thờ cha, lấy điều mong ở tôi mà thờ vua, lấy điều mong ở em mà thờ anh ( Sở cầu hồ tử dĩ sự phụ, sở cầu hồ thần dĩ sự quân, sở cầu hồ ấu dĩ sự trưởng).
Sách Luận Ngữ nói rằng:
- Mình muốn đứng vững thì làm cho người đứng vững như mình, mình muốn thông suốt thì làm cho người thông suốt như mình (Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạc nhi đạt nhân).
Như thế là Trung.
Nói tóm lại: Lấy điều mình muốn kẻ khác làm cho mình, đem làm cho người, đó là Trung.
Nói một cách vắn tắc hơn, thì Trung là hết lòng mình đối với người (Tận kỷ chi vị Trung).
Ý nghĩa của chữ Trung rộng rãi như thế. Nhưng sau khi chế độ phong kiến có qui định chặt chẽ rồi thì chữ Trung bị thu hẹp trong vòng vua tôi.
Và vì vua tượng trưng cho Nước, nên trung với vua tức là Yêu nước vậy. (Trung quân ái Quốc).
Vì có quan niệm như thế, nên đã nhiều người vì vua mà hy sinh quyền lợi riêng, hy sinh tánh mạng, không chút tiếc. Tận trung để báo quốc.
Như Thạch Thác đã giết con vì trung với chúa.
Thạch Thác làm tôi nước Vệ.
Vệ Hoàn Công tánh nhu nhược. Thạch Thác liệu không thể giúp nên việc lớn được, bèn từ chức lui về vườn.
Vệ Hoàn Công có một người em khác mẹ tên là Chu Hu, tánh rất hung bạo.
Thạch Thác cũng có đứa con tên là Thạch Hậu tinh thông võ nghệ và thường giao du với Chu Hu.
Khi Thạch Thác còn tại triều, Chu Hu và Thạch Hậu sợ uy, không dám nghĩ chuyện quấy. Sau khi Thạch Thác cáo quan, chúng không còn kiêng nể ai nữa, bèn mưu việc soán ngôi.
Kế đó vua Bình Vương nhà Châu băng hà, Vệ Hoàn Công sắm sửa đi điếu tang. Thạch Hậu bàn cùng Chu Hu:
- Ngày mai công tử bày tiệc tiễn hành. Tôi cho quân sĩ phục ở phòng tiệc. Lúc đương ăn uống, công tử hạ sát nhà vua. Triều thần có ai kháng cự, tôi sẽ ra tay.
Chu Hu theo lời và giết được Hoàn Công.
Cung quán đã bị Thạch Hậu bao vây, triều thần không ai dám trái lệnh. Chu Hu lên ngôi nước Vệ, phong Thạch Hậu làm Thượng Đại Phu. Em ruột Hoàn Công là công tử Tấn trốn sang nước Hình.
Chu Hu cướp ngôi anh, lòng nhân không phục. Để ra oai, Chu Hu cử binh đánh Trịnh. Tuy thắng trận, vẫn không chinh phục được lòng dân. Thạch Hậu bè nói cùng Chu Hu:
- Muốn cho dân phục mình phải bắt những kẻ dân phục về làm phò tá. Trước kia cha tôi làm thượng khanh, ai cũng mến đức. Nay xin Chúa Công triệu cha tôi vào dự quốc chánh, thì ngôi báo ắt vững.
Chu Hu nghe lời, cho người mang vàng bạc đến rước. Thạch Thác giả đau, từ chối. Thạch Hậu vâng lệnh Chu Hu về triệu một lần nữa. Thạch Thách hỏi:
- Triệu ta làm gì?
Thạch Hậu tỏ nỗi lòng kính trọng của Chu Hu rồi nói:
- Vì lòng dân trong nước chưa phục, Chúa Công sợ ngôi báu không vững nên muốn nhờ phụ thân chỉ giáo.
Thạch Thác đáp:
- Mỗi chu hầu lên ngôi phải có mạng vua nhà Châu mới chánh đáng. Nay Tân quân muốn mọi người tùng phục thì phải vào chầu vua nhà Châu, Khi nhà Châu chấp thuận, ban áo mão, thì ai còn dám không vâng mạng.
Thạch Hậu nói:
- Lời phụ thân nói rất phải. Song vô cớ vào chầu có bị nghi ngờ chăng?
- Việc đó không khó. Trần Hầu là người được vua nhà Châu yêu chuộng. Vừa rồi lại đem quân giúp Vệ đánh Trịnh. Tân quân cứ sang Trần, nhờ Trần Hầu vào tâu trước với vua Châu, rồi Tân quân sẽ đến triều kiến sau, thì việc ắt thành tựu.
Thạch Hầu về thưa lại cùng Chu Hu. Chu Hu cả mừng, vội sắm sửa lễ vật cùng Thạch Hầu sang Trần.
Thạch Thác với quan Đại Phu nước Trần là Tử Hàm vốn là bạn thân. Để trừ bọn loạn tặc, Thạch Thác cắt máu viết bức huyết thư kể tội Chu Hu và Thạch Hậu, sai người tâm phúc đem sang nhờ Tử Hàm dân lên Trần Hầu, xin bát trị tội để làm gương. Trần Hầu xem thư, hỏi Tử Hàm. Tử Hàm thưa:
- Kẻ phản loạn của nước Vệ chẳng khác kẻ phản loạn của nước Trần, không thể dung được.
Chu Hu và Thạch Hậu đến. Trần Hầu lập kế bắt đem giam Chu Hu nơi Bộc Ấp, Thạch Hầu nơi Trần Đô, rồi sai người sang Vệ báo tin cùng Thạch Thác. Thạch Thác từ ngày cáo lão không hề đi đâu nửa bước. Khi được tin nước Trần, vội vã vào triều thương nghị. Các quan đề nói:
- Đó là việc lớn của quốc gia, chúng tôi một lòng trông cậy vào ý kiến của Ngài vậy.
Thạch Thác nói:
- Hai đứa phản loạn này không thể dung thứ được. Tội đáng chém đầu. Vậy có ai vì nước cáng đáng việc ấy?
Quan Thái Tể Xủ bước ra thưa:
- Loạn thần tặc tử, nhân nhân đắc nhi tru chi. Xin giao việc ấy cho tôi.
Các quan đồng thanh nói:
- Việc ấy mà giao cho Thái Tể là phải lắm. Nhưng xét ra Chu Hu mới là chánh phạm, còn Thạch Hậu chỉ là kẻ a tòng, tưởng nên châm chế.
Thạch Thách nghe nói nổi giận hét:
- Chu Hu làm loạn chính là nơi con tôi mà ra. Nay các quan nghị như thế là nghi tôi có tình riêng với nó hay sao? Thôi, tôi phải thân hành đến chém đứa loạn thần ấy thì mới dám nhìn đến Lăng miếu của tiền nhân tôi.
Nhụ Dương Kiên liền bước ra thưa:
- Xin lão quan bớt giận. Để tôi đi thay lão quan.
Thạch Thác bèn sai Thái Tể Xú sang Bộc Ấp chém Chu Hu và Nhụ Dương Kiên qua Trần Đô chém Thạch Hậu, rồi sai người sắm xa giá đến nước Hình rước công tử Tấn về nối ngôi.
Thái Tể Xú đến Bộc Ấp. Chu Hu trông thấy kêu lớn:
- Có phải ngươi đến để cứu ta chăng?
Đáp:
- Không phải để cứu mà để giết.
Chu Hu trợn mắt mắng:
- Ngươi làm tôi ta, sao lại dám phạm đến ta?
Thái Tể Xú mỉm cười, đáp:
- Trước đây ở nước Vệ có kẻ bề tôi mà dám giết vua, nên nay ta bắt chước.
Đoạn truyền quân chém đầu.
Còn Nhu Dương Kiên đến Trần Đô sai đem Thạch Hậu ra chém. Thạch Hậu nói:
- Chém giết chi ta cũng chả sợ, song cho ta về nước để thấy mặc phụ thân ta đã.
Nhụ Dương Kiên đáp:
- Ta vâng lệnh phụ thân ngươi đến đây để giám sát. Nếu ngươi muốn thấy mặt, thì ta sẽ xách thủ cấp ngươi về nước Vệ nạp cho phụ thân ngươi.
Thạch Hậu la lớn:
- Sao phụ thân nỡ nhẫn tâm hại con thế này?
Nhụ Dương Kiên nói:
- Lòng thương con ai lại không có. Nhưng người quân tử không bao giờ coi nặng tình nhà hơn nợ nước. Ngươi hiểu chưa?
Nói đoạn vung gươm chém đầu.
Đem đại nghĩa đặt lên trên tình phụ tử không phải là việc mà ai ai cũng có thể làm được. Bởi vậy cổ nhân đều khen Thạch Thách là Trung.
Nhưng cũng có người bàn rằng:
- Để đợi đến lúc nước hư nát rồi mới giết con, đó là lòng trung của kẻ bất trí. Không bằng lòng trung sáng suốt và sâu sắt của Dục Quyền.
Dục Quyền làm quan nước Sở.
Vua nước Tức giận vua nước Sái trêu ghẹo vợ mình, bèn nghĩ cách trả thù. Nhà vua sai người vào triều cống nước Sở và mật cáo cùng Sở Văn Vương rằng:
- Sái Hầu cậy thế có Tề che chở nên không phục Sở. Vậy xin Đại Vương cất binh giả sang đánh nước tôi. Nước tôi sẽ sang cầu cứu nước Sái. Sái Hầu là người nông nổi, thế tất đêm quân đến cứu. Bây giờ quí quốc hiệp binh cùng nước tôi mà bắt Sái Hầu trị tội.
Sở Văn Vương được kế mừng lắm, cất quân sang vây thành nước Tức. Tức Hầu viết mật thư cầu cứu nước Sái. Sái hầu không suy nghĩ, cử binh đến nước Tức để giải vây. Nhưng vừa đến nơi, bị quân Sở phục nơi yếu lộ, đánh úp thình lình. Quân Sái tan rã. Sái Hầu thất kinh, chạy vào thành nước Tức. Nhưng Tức Hầu sai đóng chặt của thành không cho vào.
Biết mình đã mắc kế, Sái Hầu đành bó mình nộp cho Vua Sở.
Sở Văn Vương dẫn Sái Hầu về nước, truyền quân đem xử trảm.
Dục Quyên bước ra can rằng:
- Đại vương đang muốn mở mang thế lực khắp thiên hạ, đáng gì một Sái Hầu mà không thể tha thứ, để thiên hạ chê nước Sở ta không phải là nước đại độ?
Sở Văn Vương nói:
- Sái Hầu là một đứa ngạo nghễ, lâu nay không đầu phục. Hận ấy chưa nguôi. Nay bắt được, lẽ nào lại tha?
Nói đoạn giục quân đem chém.
Dục Quyên cản lại, nói:
- Khoan, khoan. Xin Đại Vương nghĩ lại, lẽ nào vì một oán nhỏ mà quên đại sự. Nếu đại vương tha cho Sái Hầu về nước, ắt từ nay không dám ngạo mạng nữa. Đã vậy, các chư hầu trông thấy gương này phải mến đức Đại Vương.
- Sở Văn Vưong nhất định không nghe.
Dục Quyên nổi giận, một tay nắm áo Sở Vương, một tay rút gươm, nói lớn:
- Thà tôi cùng chết với Đại Vương, còn hơn để Đại Vương làm mất nghiệp cả.
Sở Vương hoảng sợ, vội nói:
- Thôi, thôi.... Ta chịu nghe lời khanh.
Liền truyền tha cho Sái Hầu. Mục đích đã đạt, Dục Quyên vội vã quăng gươm quì tâu:
- Đại Vương đã nghe lời can gián của tôi, thật may mắn cho nước Sở. Nhưng tôi phạm tội hiếp vua, thực đáng chết. Vậy xin cúi đầu nhận tội.
Sở Vương nói:
- Lòng trung thành của khanh đã vượt quá tội lỗi. Ta không thể vì lỗi nhỏ mà làm lu mờ tấm gương trung nghĩa nghìn thu.
Dục Quyên tâu:
- Đại Vương tưởng tình tha cho tôi, nhưng tự tôi không thể tha cho tôi được.
Nói đoạn rúi lươm thanh gươm, chặt đứt một chân, vừa chặt vừa hét lớn:
- Kẻ nào làm tôi mà vô lễ với vua thì hãy xem gương đây.
Sở Văn Vương cảm động, truyền đem chân của Dục Quyen cất vào kho, để ghi lỗi không nghe lời can gián. Đoạn sai Ngự Y chuyên chữa, và sao khi Dục Quyên lành bệnh, nhà vua phong chức Đại Hôn giữ cửa thành.
Người quân tử bàn rằng:
- Phải nhận Dục Quyên làm thế là thật bụng yên vua. Can gián cho đến tự dấn thân vào khổ. Dẫu thấy rõ hình phạt, vẫn không quên đưa vua vào đều lành.
Tức là Dục Quyên muôn đời khen là Trung.
Nhưng Lữ Đông Lai bàn rằng:
- May thay vua Sở không cho hành động của Dục Quyên là trái nên theo. Nếu nhà vua không chịu thì không biết Dục Quyên còn đưa thuật gì ra để tiếp tục can gián cho có kết quả? Và nếu rủi vua Sở hô binh tướng giết đi, rồi bị hãm về tội phản, thì tâm tích còn được ai thấy rõ giùm cho? Cũng vì biết không thể tiếp tục được mãi, Dục Quyên mới dùng sự cắt chân để tỏ tâm tích của mình. Lời nói và việc làm của Dục Quyên bảo cho người đời sau: Muốn bắt chước dùng binh khí can vua thì phải bắt chước sự chặt chân. Không theo được gương chặt chân thì chớ noi theo gương can vua bằng binh khí.
Nghĩa là Lữ Đông Lai không cho việc Dục Quyên làm là một gương sáng đáng theo. Tuy vậy vẫn công nhận là Trung.
Văn Quân đất Lỗ Dương bảo Mặc Tử:
- Có kẻ nói với ta rằng: Trung thần là người bắt cúi thì cúi, bắt ngửng thì ngửng, để im thì im, gọi thì thưa. Như thế có cho là Trung thần được không?
- Mặc Tử đáp:
- Bắt cúi thì cúi, bắt ngửng thì ngửng, như thế có khác gì cái bóng? Để thì im, gọi thì thưa, như thế có khác gì tiếng vang? Quan lại mà dùng đến kẻ như bóng như vang thì còn được ích gì? Theo ý tôi, gọi là trung thần, thì khi vua có lầm lỗi, phải liệu cách can ngăn để đưa vào đều thiện; khi mình có điều hay, phải tìm đường bày tỏ mà không lộ ra ngoài; trên thì thành thật một lòng, một dạ với vua; dưới thì không a dua vào bè kết đảng với ai; những việc tốt lành, an vui, thì để vua hưởng, những điều oán thù, lo lắng, thì mình hứng đựng. Có được như thế thì tôi mới cho là Trung thần.
Đó là ý nghĩa chữ Trung đối với kẻ sáng suốt.
Và trong lời nói của họ Mặc chúng ta vẫn nhận thấy nhấn mạnh đến sự hy sinh quyền lợi của kẻ làm tôi để phụng sự nhà vua. Thế mà nhà vua vẫn chưa cho là đủ, còn muốn nhiều hơn thế nữa. Bởi vậy mới có câu: " Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung " và " Trung thần bất sự nhị quân "...Thành ra chữ Trung mỗi ngày một bị the hẹp vào phạm vi thờ vua cho trọn đạo, mặc dù ông vua ấy là những hôn quân bạo chúa.
Ngán nỗi, từ xưa đến nay, những ông vua hôn ám, tàn bạo thì nhiều, còn những bậc minh mẫn nhân hậu thì lại ít. Cho nên xem sử sách thấy biết bao nhiêu người vì chữ Trung mà phải hy sinh một cách quá đáng. Như cái chết của Văn Chủng, cái chết của Nhạc Phi...v.v
Nhưng cũng may, chế độ quân chủ đã chấm dứt. Lòng trung nghĩa khỏi sợ bị đem phụng sự những bạo chúa hôn quân.
Được hưởng tự do, chúng ta nên thực hiện chữ Trung theo ý nghĩa rộng lớn. Chúng ta nên " Trải tấm lòng ngay ở với đới "
và chúng ta " tận trung " để " báo quốc ". Đó là Trung đúng ý nghĩa của thánh hiền xưa và hợp với nhân sinh quan mới.