Lúc tám giờ, Kutuzov lên ngựa đến Pratxen, dẫn đầu đạo quân thứ tư do Miloradovich chỉ huy và Langeron lúc bấy giờ đã xuống núi. Kutuzov chào binh sĩ của trung đoàn đi đầu rồi ra lệnh tiến quân, và như thế là để tỏ cho quân sĩ biết rằng ông có ý định thân hành chỉ huy đạo quân này ra trận. Đến là Pratxen, Kutuzov dừng lại. Công tước Andrey cũng ở trong hàng tuỳ tòng đông đúc của Kutuzov, lúc bấy giờ đang đứng sau lưng ông. Chàng có cái cảm giác khích động hưng phấn, nhưng đồng thời bình tĩnh, dè dặt của một con người thấy cái phút bấy lâu nay chờ đợi nay đã đến. Chàng tin chắc rằng cái giờ chiến thắng Toulon ( Một tỉnh miền nam nước Pháp) hay cầu Arcole của chàng đã điểm.Chàng không biết việc gì xảy ra như thế nào, nhưng không hề có chút hồ nghi rằng việc đó sẽ xảy ra. Chàng biết rõ địa thế và vị trí của các đạo quân của ta không kém người nào trong số tướng tá. Cái kế hoạch chiến lược riêng của chàng thì chàng đã quên khuấy đi rồi, bây giờ kế hoạch ấy dĩ nhiên không thể thực hiện được nữa. Bây giờ chàng theo kế hoạch của Vairother mà suy nghĩ đến những trường hợp ngẫu nhiên có thể xảy ra trên chiến trường, tưởng tượng ra những hoàn cảnh đòi hỏi chàng vận dụng cái khả năng nhận định tình thế và quyết định hành động một cách nhanh chóng của chàng. Ở dưới thung lũng, về phía bên trái, trong sương mù có tiếng súng bắn qua lại giữa những đạo quân mà chẳng ai trông thấy. Andrey tưởng tượng rằng trận đánh sẽ hiện ra và "người ta sẽ cử mình đem một đại đoàn hay một sư đoàn đến, mình giương cao lá cờ lao vào trận địa địch, đi đến đâu quét sạch đến đấy". Công tước Andrey không thể không xúc động khi nhìn lá quân kỳ của các tiểu đoàn kéo qua trước mặt. Mỗi lần như vậy, chàng lại tự nhủ: "Có thể đấy chính là lá cờ mà mình sẽ cầm trong tay khi dẫn đầu ba quân tiến lên".Sương mù ban đêm chỉ còn để lại trên những chỗ cao một lớp sương giá loãng dần thành sương móc, nhưng các chỗ trũng vẫn bị sương mù bao phủ như một biển sữa trắng đục. Trong hẻm núi phía tay trái, là nơi mà quân ta đang kéo xuống và có tiếng súng trường nổ đì đùng, tuyệt nhiên không nhìn thấy gì cả. Trên các cao điểm, bầu trời quang đãng nhưng xanh sẫm; phía tay phải, mặt trời đã ló ra như một quả cầu lớn. Xa xa về phía trước ở bờ bên kia của biển sương nổi lên những ngọn đồi có rừng cây rậm rạp; chắc đó là nơi quân địch đóng, và có thể thấy thấp thoáng những vật gì không rõ. Bên tay phải, đội cận vệ đang tiến vào vùng sương mù, trong tiếng bánh xe lăn, tiếng vó ngựa và trong ánh thép của lưỡi lê tuốt trần chốc chốc lại ánh lên loang loáng. Bên lay trái, phía sau làng, từng đoàn kỵ binh dày đặc đang tiến đến gần rồi mất hút trong màn sương mù. Trước mặt và sau lưng đều có những đạo bộ binh đang tiến đến. Viên tổng tư lệnh đứng gác ở cổng làng trông cho các đạo quân đi qua. Sáng hôm sau, Kutuzov có vẻ rất mệt và cáu kỉnh. Bộ binh đang đi bỗng dừng lại mặc dầu không có lệnh bảo dừng, hình như bị một trở ngại gì cản đường. Kutuzov liền tức giận bảo viên tướng chỉ huy lúc ấy đang phóng ngựa đến: - Còn chờ gì mà không họp các tiểu đoàn lại thành hàng và cho đi vòng ra sau làng? - Thưa ngài, ấy xin lỗi, thưa tướng quân, chẳng lẽ tướng quân lại không hiểu rằng đang tấn công địch mà lại kéo dài quân đội ra dọc con đường làng như thế này là thất sách hay sao? - Bẩm, xin đại nhân tha lỗi, chúng tôi định tập hợp quân lại ở đầu kia làng - viên tướng đáp. - Thật đấy à? Ngài muốn dàn quân ra ngay trước mặt quân địch à? Thế thì đẹp thật! - Kutuzov đáp với một tiếng cười gằn chua chát.- Bẩm Đại nhân, quân địch còn xa, bản kế hoạch đã dịch…- Bản kế hoạch! Kutuzov phát khùng gắt lên. - Ai bảo ngài thế? Xin ngài cứ làm theo mệnh lệnh.- Xin tuân lệnh.Nexvitxki liền rỉ tai công tước Andrey:- Này anh. Ông lão đang gắt như chó ấy!Lúc ấy một sĩ quan Áo, nhung phục trắng tinh, trên mũ phất phơ một cái ngù lông màu lục, tiến đến gần và truyền lời của hoàng đế hỏi Kutuzov xem đạo quân thứ tư đã chiếm lĩnh trận địa hay chưa. Không đáp, Kutuzov ngoảnh mặt đi và tình cờ nhìn thấy công tước Andrey. Gương mặt của ông ta dịu lại và bớt vẻ chua chát, dường như ông không hiểu ra rằng viên sĩ quan phụ tá của mình không can dự gì đến những sự việc ngu xuẩn đang diễn ra cả. Vẫn không thèm để ý đến viên sĩ quan Áo, Kutuzov bảo Bolkonxki.- Này, anh đi xem thử sư đoàn ba đã ra khỏi làng chưa. Bảo họ đưng lại, chờ lệnh ta. Công tước Andrey vừa thúc ngựa đi thì Kutuzov ngắn lại dặn thêm:- Và hỏi xem là quân xạ kích đã bố trí chưa? - Rồi ông ta lại lầu bầu: Họ làm ăn thế này! Làm ăn thế này! - và vẫn không hề để ý đến viên sỹ quan Áo. Công tước Andrey phi ngựa đi làm nhiệm vụ. Khi đã vượt qua các tiểu đoàn đang tiến về phía trước, chàng ngăn sư đoàn ba lại và nhận thấy đúng là họ chưa bố trí một hàng xạ kích nào trước mặt quân ta cả. Viên đại tá chỉ huy trung đoàn đi đầu rất ngạc nhiên về cái lệnh do công tước Andrey mang đến: Ông ta vẫn đinh ninh rằng trước mặt còn có nhiều đơn vị khác và quân địch thì còn cách xa đến mười dặm là ít. Sự thật thì trước mặt chỉ thấy bao ta đồng không mông quạnh, mặt đất thấp dần xuống và mất hút trong sương mù dày đặc. Sau khi thay mặt tổng chỉ huy ra lệnh bổ khuyết ngay điều sơ suất đã mắc phải, công tước Andrey quay trở về. Kutuzov vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, cái thân hình già nua buông trĩu xuống lưng ngựa, nhắm mắt ngáp dài. Quân sĩ thì không tiến lên nữa mà đứng yên tại chỗ hạ súng xuống đất.- Được được - Kutuzov nói với công tước Andrey đoạn quay sang một viên quay lại vừa ngáp vừa nói:- Được được còn kịp chán. Quan lớn ạ, còn kịp chán. Vừa lúc ấy thì đằng sau có tiếng hô chào văng vẳng từ xa rồi lan lại gần rất nhanh, tỏ ra rằng nhân vật được nghênh tiếp đó đi rất nhanh dọc các đạo quân đang tiến. Khi đến lượt trung đoàn lên Kutuzov đứng cũng hô lên thì viên tổng tư lệnh dịch sang bên cạnh một tí, cau mặt ngoái lại nhìn phía sau. Cả một đại đội người ngựa ăn mặc nhiều kiểu khác nhau từ Pratxent tiến lại. Đi đầu là hai người cưỡi ngựa sánh vai nhau phi nước đại. Một người nhung phục đen, ngù lông trắng, cưỡng ngựa hồng lai Anh; người kia nhung phục trắng, cưỡi ngựa ô đen nhánh. Đó là hai vị hoàng đế và đoàn hộ giá. Kutuzov lấy dáng diệu trịnh trọng của một người lính già đứng trong hàng ngũ hô: "Nghiêm!" rồi vừa chào vừa lại gần hoàng thượng. Dáng dấp và phong thái của ông ta phút chốc thay đổi hẳn: ông làm ra cái vẻ mình chỉ là một người thuộc hạ, không biết gì mà bàn cãi. Với một vẻ cung kính kiểu cách ông ta tiến đến hoàng đế. Cái vẻ trịnh trọng thái quá ấy dường như làm cho hoàng đế khó chịu; nhưng ấn tượng khó chịu ấy chỉ thoáng qua trên gương mặt trẻ trung tươi sáng của hoàng đế như một tí sương mù còn sót lại trên bầu trời quang đãng. Vì hoàng đế vừa bị mệt, nên hôm ấy hơi gầy so với hôm duyệt binh ở Olmuytx mà Bolkonxki trông thấy lần đầu từ khi ở ngoại quốc về; nhưng đôi mắt xám đẹp vẫn là vẻ thanh xuân trong trắng và hiền hậu. Trong cuộc duyệt binh ở Olmuytx hoàng đế có vẻ oai nghiêm hơn, còn ở đây ngài lại có vẻ hân hoan và cương quyết hơn. Sau mấy dặm đường phi ngựa, sắc mặt hoàng đế hồng hào hẳn lên. Ngài dừng ngựa và quay lại nhìn các nhân vật trong đám hộ giá mặt cũng đều trẻ trung và linh hoạt như ngài cả. Họ tươi cười nói chuyện với nhau; Tsartonxki và Xiroganov, và nhiều người nữa, đều trẻ trung, vui vẻ và ăn mặc sang trọng cưỡi những con ngựa đẹp và hăng, lông đánh bóng mượt chỉ hơi xâm xấp mồ hôi. Họ kìm ngựa lại cách hoàng đế mấy bước. Hoàng đế Frantx cũng trẻ tuổi, khuôn mặt dài, nước da đỏ dắn, ngồi rất thẳng trên mình con ngựa giống sắc ô đen nhánh, thong thả đưa mắt nhìn quanh, vẻ ưu tư. Hoàng đế gọi một sĩ quan phụ ta mặc toàn màu trắng đến hỏi. Công tước Andrey nhìn người quen dạo nọ tự nhủ: "Chắc là hoàng đế hỏi họ ra đi lúc mấy giờ" và nhớ lại cuộc bệ kiến ở Viên dạo trước, chàng không khỏi mỉm cười. Đoàn hộ giá của hai, vị hoàng đế gồm toàn những sĩ quan phụ tá ưu tú: Nga và Áo, chọn lựa trong các binh đoàn cận vệ và quân đã chiến. Các mã quan thì cầm cương dắt theo con ngựa nhà vua mình phủ những tấm chăn thêu lộng lẫy. Tựa hồ như làn không khí mát mẻ từ nơi đồng nội tràn qua khung cửa sổ mở rộng lùa vào một căn buồng oi bức, đoàn thanh niên kỵ mã choáng lộn ấy thổi vào bộ tham mưu ảm đạm của Kutuzov một làn không khí trẻ trung, cương nghị, một lòng tin tưởng vững chắc thắng lợi.- Thế nào, ông Mikhai Larionovich, ngài vẫn chưa xuất quân à? - Hoàng đế Alekxandr vội vàng hỏi Kutuzov đồng thời đưa mắt nhìn hoàng đế Frantx một cách lễ độ. Kutuzov kính cẩn cúi đầu đáp:- Tâu hoàng thượng, chúng tôi đang chờ.Alekxandr hơi cau mày, nghiêng tai một bên để tỏ ra rằng mình không nghe rõ.- Tâu hoàng thượng, chúng tôi đang đợi. Các đạo quân tập trung chưa xong - Kutuzov nhắc lại. Công tước Andrey nhận thấy môi trên của ông run run một cách không bình thường trong khi nói mấy chữ "đang đợi".Lần này, hoàng đế đã nghe ra, nhưng câu trả lời hình như không vừa ý ngài: nhún đôi vai hơi gù, hoàng đế liếc nhìn Novoxiltxev bấy giờ đang đứng cạnh như để phàn nàn về Kutuzov:- Nhưng ông Mikhai Larionovich, có phải chúng ta đang ở trên quảng trường Txritxyn đâu mà chờ đợi cho các trung đoàn đến đủ mới bắt đầu diễn binh.Alekxandr lại nhìn Frantx như để mời hoàng đế Áo nếu không dự vào câu chuyện thì cũng chú ý nghe; nhưng hoàng đế Frantx cứ đưa mắt nhìn quanh, không chú ý nghe gì cả.- Tâu hoàng thượng, - Kutuzov đáp, giọng vang lên sang sảng như để đề phòng trường hợp không nghe rõ, và trên gương mặt lại có một cái gì rung lên, - Sở dĩ tôi chưa bắt đầu chính vì đây không phải là một cuộc duyệt binh, mà đây cũng không phải là quảng trường Txaritxyn. - Ông phát âm rõ ràng và tách bạch.Các sĩ quan hộ giá liền đưa mắt nhìn nhau, tỏ vẻ bất bình và trách cứ, và vẻ mặt họ đều biểu lộ một ý nghĩ: "Già thì già, chứ ông ta không được nói như vậy, quyết không được ăn nói như vậy với hoàng thượng".Alekxandr chăm chú nhìn vào mặt Kutuzov chờ xem ông ta có còn nói gì nữa không, nhưng Kutuzov vẫn cung kính cúi đầu hình như cũng chờ một câu đáp lại, im lặng kéo dài gần một phút.Sau cùng Kutuzov ngẩng đầu lên và trở lại với cái giọng một quân nhân già u mê chỉ biết vâng lệnh không bàn cãi, ông ta nói:- Nhưng, nếu hoàng thượng ra lệnh…Rồi thúc ngựa. Ông ta cho gọi viên tướng chỉ huy đạo quân là Miloradovich đến và truyền lệnh tấn công. Quân sĩ lại chuyển đi: hai tiểu đoàn của trung đoàn Novgorod điều qua trước mặt hoàng đế, tiếp theo là một tiểu đoàn của trung đoàn Aptseron. Khi trung đoàn này đi qua thì Miloradovich, mặt đỏ bừng, không khoác áo dài phủ nhung phục lóng lánh những huân chương, cái mũ hai góc có ngù lông to tướng hiên ngang đội lệch bên mang tai, phóng như tên bay đến trước hoàng đế, kìm ngựa lại, đang rộng tay ra chào.- Cầu trời phù hộ cho tướng quân! - Alekxandr nói.- Thật tình, tâu hoàng thượng, chúng tôi sẽ làm những cái gì ở trong khả năng của chúng tôi, tâu hoàng thượng! - Câu trả lời rất vui vẻ hồn nhiên, nhưng cũng không khỏi làm cho các nhân vật trong đoàn hộ giá mỉm cười chế giễu cái tiếng Pháp quá tồi của ông ta.Miloradovich thúc ngựa quay phắt lại và lùi về đứng sau Alekxandr mấy bước. Sự có mặt của hoàng đế làm cho tiểu đoàn Aptseron phấn chấn, họ hùng dũng bước đều diễu qua hai vị hoàng đế và đoàn tuỳ giá. Tiếng súng bắn ở phía trước, giờ giáp trận sắp đến, vẻ hiên ngang cả đoàn quân đã từng do ông ta chỉ huy trong các chiến dịch của Xuvorov khích động đến nỗi quên mất là có hoàng đế lồng lên. Con ngựa ấy, Alekxandr trước đây vẫn thường cưỡi những khi duyệt binh ở Nga, nay lại cưỡi ngựa ra chiến trường, cũng như mọi khi, nó phải chịu những phát cựa giày của hoàng đế đứng đấy; ông ta thét lên:- Tiến lên, anh em! Lần này chẳng phải là lần đầu chúng ta lập công!- Xin hết lòng! - Quân sĩ hô to đáp lại. Tiếng hò reo bất ngờ làm cho con ngựa của hoàng đế lồng lên. Nghe tiếng súng nó vểnh tai lên hệt như nó ở trên quảng trường Chiến thần, tuyệt nhiên không hiểu ý nghĩa của những tiếng súng ấy, cũng chẳng hiểu ý nghĩa của việc nó đang đứng cạnh con ngựa giống đen nhánh của hoàng đế Frantx, cũng như của tất cả những điều mà chủ nó nói năng và cảm nghĩ trong ngày hôm ấy. Alekxandr quay về phía một cận thần, mỉm cười chỉ các dũng sĩ của tiểu đoàn Aptseron và nói với người ấy một câu gì không rõ.