6. GUGLIELMO MARCONI
NGƯỜI ĐÃ THẮNG KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN HỒI MỚI HAI MƯƠI TUỔI

 
 
Bạn có một máy thâu thanh trong nhà không? Nếu có thì nhất định phải đọc truyện này. Chúng ta đã quen với máy đó quá rồi, nhiều khi lại bực mình vì phải nghe những lời ca eo éo, cho nên quên công dụng vĩ đại của nó. Phải ở trong trường hợp tương tự như trường hợp một ông bạn tôi dưới đây, ta mới nhớ ơn Guglielmo Marconi, người đã phát minh ra máy thâu thanh.
Tám chín năm trước, ông bạn đó buồn rầu vô hạn vì cô con gái quý của ông đang học trường Gia Long bỏ nhà vô “bưng”, (1) ông cản ngăn cách gì cũng không được. Hai ông bà chỉ có một mình cô, phải thui thủi sống ở thành, chán ngán không muốn làm ăn mà cũng chẳng buồn giao du với ai cả. Cứ tối tối, ông bà lại vặn máy thâu thanh, để may ra bắt được tin tức gì của con không. Rồi một đêm nọ, sau sáu tháng chờ đợi, ông bỗng nghe được tiếng con gái trong máy. Ông vội kêu bà lại, và hai ông bà dán tai vào máy mà nghe. Giọng ca đã dứt, hai ông bà tắt máy mà dòng lệ trào trên má. Suốt đêm đó, hai ông bà thức để ôn lại và kể với nhau những kỷ niệm về cô con gái.
Sáng hôm sau, ông lại thăm tôi, bảo:
- Bắt được tiếng của cháu, tôi tưởng chừng như cháu đã chết rồi mà sống lại. Cái vui của tôi không thể tả được.
Rồi ông hỏi mượn tôi một cuốn sách về Marconi, để tìm hiểu “ân nhân” của ông, như ông nói.
 

°

°
 
Egon Larsen, một nhà văn Đức, trong cuốn Mười hai người đã thay đổi đời sống của ta, kể tên Marconi chứ không kể tên Edison, như vậy đủ biết sự phát minh máy phát thanh và thâu thanh còn quan trọng hơn sự phát minh máy hát và đèn điện nữa.
Marconi sanh ở miền Bologne năm 1874, trong một gia đình quý phái, cha là một người Ý, Giuseppe Marconi, mẹ là một người Ái Nhĩ Lan, Annie. Cũng như Edison, ông thành công một phần lớn là nhờ bà cụ tin ở tài ông và khuyến khích ông.
Một buổi tối mùa thu năm 1894, ông Giuseppe Marconi, đang đọc báo thấy những tiếng động bất thường trên gác xếp sát mái nhà, cằn nhằn bà vợ:
- Ồn quá, cái gì mà cứ lục đục trên đó hoài vậy?
Bà Annie, tươi cười, nhỏ nhẹ đáp:
- Từ hồi nó đi nghỉ mát ở núi về, em đã xin phép mình cho nó ở trên gác xếp đó để nó làm việc, mình đã bằng lòng rồi.
Ông chống phát quạu:
- Làm việc, làm việc cái gì mà bí mật như vậy? Trừ em ra, nó cấm không cho ai lên đó hết. Một tuần nó mới cho phép người ở lên quét tước một lần, mà trong khi quét nó còn canh chừng người ta. Rồi sáng nay, cậu quý tử đó…
- Em biết rồi. Nó xin mình thêm tiền nữa. Mình rầy nó rồi mới cho.
- Anh không phải là người tiếc tiền với con, nhưng muốn biết nó dùng số tiền đó làm gì, mà hỏi nó thì nó nói cái gì đâu, nghe không ra.
- Theo em hiểu thì nó muốn tìm cách truyền tiếng nói trong không gian.
- Mới mẻ dữ! Thì người ta vẫn truyền tiếng nói trong không gian bằng điện tín và điện thoại đó!
- Nó bảo nó muốn làm hơn thế nữa kia.
- Hơn là làm sao?
- Điện tín và điện thoại còn phải dùng dây điện. Nó không muốn dùng tới dây điện kia.
Ông Giuseppe trố mắt:
- Không dùng tới dây?
- Vâng.
- Làm sao được? Cũng phải có cái gì để mà truyền chứ? Thằng nhỏ này điên mất. Tối nay, mình ráng mời cậu quý tử ấy xuống đây ăn cơm chung với chúng mình một bữa để anh hỏi cho biết đầu đuôi ra sao.
- Vâng, để em lên cho nó hay.
Và tối đó, Guglielmo Marconi miễn cưỡng xuống ăn cơm chung với gia đình. Chàng mới hai mươi tuổi, đang học về Vật Lý. Mấy tháng trước, chàng đi nghỉ mát ở núi Alpes về, rồi nẩy ra ý muốn tìm tòi về vô tuyến điện, năn nỉ bà mẹ xin được toàn quyền sử dụng hai căn gác xếp. Chàng rất có tài tập trung tư tưởng, không cần chỗ tĩnh mịch để làm việc, nhưng tính rất dễ cảm, không chịu được những lời mỉa mai, nên xin hai căn gác đó để đóng cửa thí nghiệm, khỏi phải nghe những lời phê bình của người trong nhà. Chỉ có thân mẫu chàng là được phép lên chỗ chàng làm việc vì bà tin chàng, hiểu chàng. Cơm nước đều mang lên gác cho chàng, và suốt ngày chàng đóng cửa ở trên đó, hí hoáy như làm một việc gì bí mật. Bà Annie thấy đời sống của chàng khác thường, ngại cho sức khỏe của con, hỏi bác sĩ. Bác sĩ khuyên:
- Đối với hạng thanh niên như vậy, chỉ có cách là khuyến khích chứ đừng ngăn cản; nếu bắt cậu ấy đổi cách sống thì cậu ấy sẽ khổ.
Bà nghe lời bác sĩ, ráng bênh vực con những khi chồng cằn nhằn, bất bình.
 

°

°
 
Tối đó, khi Marconi ngượng ngiụ bước vào phòng ăn, bà ân cần với cậu cho cậu đỡ khổ. Cậu sợ lắm, sợ lời chỉ trích của anh em, nhất là lời chất vấn của cha, ngó mẹ như để cầu cứu và chỉ mong mau xong bữa để lên gác, đóng cửa lại, tiếp tục công việc.
Bữa cơm xong rồi mà không ai hỏi cậu câu gì hết. Cậu lại càng ngại. Sau cùng, phút đau khổ tới. Ông thân cậu lại ngả lưng trong một chiếc ghế bành, đốt điếu thuốc, vẫy cậu lại:
- Nào, bây giờ lại giảng cho ba nghe. Con xin ba trăm đồng là để làm gì? Sáng nay con có giảng mà ba chưa hiểu kỹ.
- Dạ, để mua pin, một cái máy dao động và ít dụng cụ khác.
- Má con nói con đang kiếm cách truyền tiếng nói mà không cần dùng dây điện.
- Vâng.
- Không có dây thì truyền ra làm sao?
- Thưa ba, nhiều nhà vật lý học tin rằng có những luồng sóng điện từ, nghĩa là có những sự rung động có thể truyền trong không khí mà không cần có dây để dẫn. Theo James Maxwell thì chính ánh sáng cũng là một loại luồng sóng như vậy. Còn nhiều loại luồng sóng khác nữa mà mắt ta không thấy.
- Thực khó hiểu.
- Vâng, rất khó hiểu. Nhưng mấy năm trước, một nhà vật lý học Đức, tên là Heinrich Hertz đã dùng một máy để phát sinh những luồng sóng điện từ đó. Con không thể giảng dài dòng hơn, sợ ba không hiểu; hiện nay con đang thí nghiệm về phát minh của Hertz.
Suy nghĩ một chút, ông Giuseppe lại hỏi:
- Và con tin rằng dùng máy đó, con có thể đánh tin tức đi xa được mà không cần dây?
- Vâng. Con tin chắc là thành. Ý đó tầm thường quá. Con sợ nhiều người cũng đang thí nghiệm như con và thành công trước con.
- Ba thì ba cho là ý đó điên khùng. Nhưng nếu con tin chắc thì cứ tiếp tục. Có cần thêm tiền thì cứ hỏi ba.
Marconi thở nhẹ ra một cái, rồi leo lên gác. Cậu lo ngại cũng phải: đồng thời với cậu, nhiều nhà bác học ở Mỹ và Đức cũng đang nghiên cứu về vô tuyến điện; cậu muốn thành công trước họ.
 

°

°
 
Cách buổi tối đó hai tháng, một đêm lạnh như cắt, nhà vắng vẻ vì mọi người đều về quê, chỉ còn bà Annie và cậu. Thấy đêm đã khuya mà đèn trên gác còn sáng, bà lên nhắc cậu rằng đã đến giờ đi ngủ. Cậu vâng vâng dạ dạ rồi cúi xuống làm việc.
Bà về phòng, ngủ được một giấc thì thấy có người nắm vai bà, lay. Bà mở mắt, Marconi tay cầm cây nến, nói:
- Xin lỗi má, con làm mất giấc ngủ của má. Nhưng con có cái này ngộ lắm, má phải coi mới được.
- Ngộ tới nỗi không hoãn đến sáng mai được ư?
- Vâng, không hoãn được.
Cậu dắt mẹ lên gác, kéo ghế mời mẹ ngồi, bảo:
- Má lắng tai nghe nhé.
Rồi cậu nhấn một cái nút, tay run run, vừa vì cảm động, vừa vì trời lạnh.
Tức thì có tiếng chuông điện từ phòng bên cạnh đưa sang.
Bà Annie cho là không có gì là, ngồi đợi. Cậu hỏi:
- Lạ lùng không, má?
Bà mỉm cười đáp:
- Ừ, lạ lùng. Nhưng xong chưa? Cho má đi ngủ chứ?
- Khoan đã má. Thức thêm với con một chút nữa thôi. Lần này là lần đầu tiên mà không cần dây điện, con đã làm cho một cái chuông cách con mười thước reo lên.
Bà hôn cậu:
- Con má tài thật. Nhưng thôi, con cũng đi ngủ đi chứ?
 

°

°
 
Mấy tháng sau, cậu làm lại thí nghiệm đó cho cha và anh em coi. Ông Giuseppe khen là giỏi nhưng nói thêm:
- Muốn gõ một cái chuông cách mười thước mà cần gì bấy nhiêu máy móc rắc rối.
Mấy anh em cậu hăng hái giúp đỡ cậu, cả những người ở trong nhà cũng tiếp tay. Cậu cải thiện máy đó để truyền những dấu Moóc được. Cậu nghiên cứu tất cả những sách báo viết về vấn đề, mượn của nhà bác học Nga Popoff cách dùng dây ăng-ten, mượn của giáo sư Branly cách dùng máy kiểm tra, và tới cuối năm 1895, cậu đã có thể đánh tin đi cách ngàn rưỡi thước. Lúc đó cả nhà hăng hái theo dõi công việc của cậu. Một lần ông thân cậu nghe nói gởi được tin qua cả một trái đồi cao, không tin, đích thân đi theo nhìn tận mắt.
Đầu năm sau, Marconi đánh tin đi được tới ba ngàn thước. Bà Annie dắt cậu qua Anh, vì bà muốn làm cho quê quán của bà được vẻ vang lây.
Hai người qua Luân Đôn, tìm chỗ ở, bày máy móc ra rồi đợi kết quả những cuộc vận động với các nhà cầm quyền. Có người giới thiệu Marconi với ông William Preece, chánh kỹ sư sở Bưu Điện. Ông này cũng đương nghiên cứu về vô tuyến điện mà không thành công. Ít bữa sau, Marconi nhận được tin mừng của ông Preece cho hay rằng sở Bưu điện mời chàng tới trình bày máy cho một ủy ban coi.
Hồi đó chàng mới hai mươi tuổi mà đem chuông đi đánh nước người, nên rất lo âu, hồi hộp. Máy phát thanh đặt trên nóc sở Bưu điện, máy thâu thanh trên nóc một ngôi nhà ở bờ sông Tamise. Máy dùng cả hai chiều được, nghĩa là mỗi bên đều vừa thâu vừa phát.
Một đám đông đủ mặt các nhà bác học, các kỹ sư, các chính khách, các nhà doanh nghiệp, nhiều người tuổi tác và có danh tiếng, tụ họp lại để coi chàng thí nghiệm. Thấy chàng khổ tâm, lo lắng, ông Preece phải an ủi, khuyến khích.
Sau ít lời giới thiệu, ông bảo:
- Ông Marconi, xin ông khởi sự cho.
Marconi lại gần máy, dùng chìa khóa gõ ít tiếng, rồi mở máy thâu thanh, đứng đợi. Im lặng hoàn toàn trong một lát. Vài khán giả đã ngó nhau, muốn mỉa chàng.
Thì bỗng nhiên, mọi người nghe rõ ràng tiếng táp, táp, táp, táp: có dấu hiệu của máy ở bờ sông Tamise đáp lại.
Ông Preece quay lại nói với khán giả:
- Các ông thấy không?
Người ta xô nhau lại khen chàng, ngắm nghía máy móc, nhờ chàng giảng giải.
Sau lần đó, chàng còn phải thí nghiệm cho Lục quân và Thủy quân Anh, vì quân đội Anh muốn lợi dụng phát minh đó. Lần này tin phải đánh đi xa hơn: mười hai cây số. Cũng lại thành công mỹ mãn.
Sau chàng lại thí nghiệm trên một khoảng là mười lăm cây số cách sông.
Năm 1897, chàng về Ý, thí nghiệm cho vua Ý và Hạ nghị viện coi. Rồi lại qua Anh.
Trong mấy năm đó Marconi vẫn tiếp tục cải thiện máy, làm cho máy có thể truyền nhiều tin tức đi cùng một lúc, mỗi tin trên một làn điện khác nhau. Danh đã vang lừng khắp thế giới.
 

°

°
 
Ông vốn ghét sự phô trương, chỉ thích ở tĩnh một mình, không chịu tiếp xúc với xã hội, nhất là với hạng quyền hành và hạng con buôn - hạng trên coi ông như một con vật lạ, hạng dưới coi ông như con mồi béo - mà cứ phải thí nghiệm khắp nơi này nơi khác cho thiên hạ coi, nên ông rất bực mình, nhất là khi phải nghe những lời phê bình của những kẻ ngu độn hoặc ghen tài.
Kẻ thì bĩu môi:
- Vô tuyến điện? Làm gì có vô tuyến điện. Trong cái máy của hắn, thiếu gì dây điện đó?
Kẻ thì nhăn nhó:
- Luồng sóng vô tuyến điện của máy phát ra truyền vô xuống tủy tôi, làm tôi nhức mình nhức mảy quá. Không cấm cái máy đó thì thiên hạ chết hết.
Có kẻ - hạng này là hạng ký giả - chế giễu:
- Thằng cha Ý đó đi đâu cũng mang theo đồ nghề của hắn; chỉ thiếu một con khỉ nữa thì thành bọn Sơn Đông.
Có kẻ lại đòi giết ông. Hắn là một tên Đức, xin qua Luân Đôn để bắn cho nát sọ Marconi ra. Ty Công an Anh không cho hắn nhập cảnh.
Năm 1899, trong một cơn giông tố, Marconi đánh vô tuyến điện được qua biển Manche, tới một nơi cách năm chục cây số.
Hai năm sau, ông làm một thí nghiệm danh tiếng là đánh điện từ Mỹ sang Anh, qua Đại Tây Dương, trước mặt giáo sư Fleming, nhà vật lý học đại tài Anh. Ông phải thả một cái diều lên cao một trăm hai chục thước để làm ăng-ten. Nhiều người tin là sẽ thất bại. Cả những nhà bác học cũng bảo rằng các làn sóng điện sẽ không đi theo vòng trái đất mà chạy tuốt lên khoảng không trung giữa các vì tinh tú.
Trời vừa mưa vừa lạnh. Giông tố nổi lên, gió rét ở ngoài, nóc nhà bằng tôn muốn tốc lên. Marconi lo lắng ngồi đợi. Đã đúng mười hai giờ trưa ở Terre Neuve(2), giờ mà ở Poldhu tại Cornouailles(3) bên Anh, người ta bắt đầu phát tin đây. Đã 15 phút rồi mà không nghe thấy gì cả.
Sau cùng gần 12 giờ rưỡi, người coi máy đứng dậy, giơ tay ra hiệu im lặng, rồi nhoẻn một nụ cười:
- Rồi! Ba tiếng tách, tách, tách.
Marconi nhảy chồm lại nghe.
Đúng là dấu chữ S, dấu hiệu đã định trước. Đúng là đã nhận được tin từ Poldhu, cách đó 3.400 cây số. Máy ngưng một chút, rồi tiếp tục thâu tin. Lần này Marconi đã vượt Đại Tây Dương, đã chinh phục không gian và thời gian.
Dale Carnegie, tác giả cuốn Little known facts about well known people, kể rằng có lần được hân hạnh gặp Marconi. Marconi lúc đó đã già, nhắc lại chuyện cũ, nói: “Thấy kết quả cuộc thí nghiệm qua Đại Tây Dương đó, tôi muốn reo hò, la lớn lên cho khắp thế giới hay, nhưng không dám, vì sợ không ai tin tôi. Mãi bốn mươi tám giờ sau tôi mới gom hết can đảm lại, đánh điện về Luân Đôn. Thế là báo chí mọi nước đăng tin lên trang nhất. Giới bác học xúc động mãnh liệt. Và đúng như tôi đã tiên đoán, nhiều người ngờ vực. Phát ra một làn sóng điện, mà làn sóng đó theo mặt cong của trái đất, truyền đi khắp nơi, ở xa cách mấy cũng nhận được tin trong nháy mắt, thì thực là kỳ dị, nếu không phải là bịp đời! Chính Edison, nhà phát minh bực nhất đương thời, lần này cũng bảo tôi đã bị sức tưởng tượng quá mạnh làm mê hoặc”.
Sau hai thiên tài có dịp gặp nhau và rất quý mến nhau. Marconi qua Huê Kỳ, lại Orange ở New Jersey thăm Edison. Hai ông bàn bạc với nhau về cách cải thiện máy vô tuyến điện. Đã hai giờ trưa rồi mà khách không thấy chủ nhân nhắc gì đến cơm nước cả. Bụng thì đói như cào rồi. Edison cứ nói chuyện hoài về máy móc. Marconi chịu không nổi, đánh bạo hỏi:
- Ai lo cơm nước cho ông, ông Edison?
- Tôi không nghĩ đến cái đó. Có gì ăn nấy, miễn đầy bao tử thì thôi.
Rồi thình lình, như nhớ ra:
- Ông ăn cơm trưa rồi chứ?
Marconi thở dài, nhẹ nhàng:
- Nói thực ra thì…
- Tôi thật điên khùng, mải nói hoài, để ông đói. Biết làm cách nào được bây giờ. Nhà tôi đi vắng. Hôm nay chủ nhật, người ở xin phép nghỉ. Chết thật thôi!
Marconi đề nghị vô bếp lục xem có gì ăn không. May mắn làm sao, còn được một ổ bánh mỳ, một miếng pho mát và một chén trà.
Đó, những bực vĩ nhân sống giản dị và đòi hỏi với nhau thành thực như vậy.
 

°

°
 
Phát minh của ông càng ngày càng được thế giới chú ý tới. Như tôi đã nói, ở Đức, giáo sư Slaby, và ở Mỹ, nhiều nhà bác học khác cũng chế tạo được máy vô tuyến điện; vì tinh thần quốc gia, những nước đó mới đầu không chịu dùng máy của Marconi, nhưng sau đều phải dùng vì nó hoàn bị hơn hết.
Năm 1909, ông mới ba mươi lăm tuổi, được lãnh giải thưởng danh dự nhất thế giới, giải Nobel về Vật lý học. Ông tiếp tục nghiên cứu về vô tuyến điện thoại.
Mấy năm sau, nhiều việc xảy ra trên thế giới làm cho người ta thấy công dụng lớn lao của vô tuyến điện.
Trước hết là vụ đắm tàu Republic. Chiếc đó đụng chiếc Florida và đứt làm đôi. Viên vô tuyến điện báo tin được với một đài ở bờ. Nhờ vậy người ta cho tàu lại kịp để vớt 1.700 người, vừa nhân viên dưới tàu vừa hành khách.
Kế đó là một vụ săn bắt tội nhân. Bác sĩ Crippen giết người rồi cùng với nhân tình là Ethel Le Neve, trốn từ Anh qua Gia-Nã-Đại, trong chiếc tàu Montrose. Báo đăng tin đó và hình của hai người. Viên thuyền trưởng đọc báo, để ý thấy hai hành khách tên là Robinson cha và con, giống hình trên báo, sinh nghi, đánh điện cho công ty Công An Anh hay. Ty Công An ra lệnh cho viên thuyền trưởng coi chừng hai cha con Robinson rồi một mặt phái một nhân viên thanh tra đi chiếc tàu Laurentic chạy nhanh hơn để đuổi kịp, bắt được tội nhân. Robinson con chính là nàng Ethel Le Neve cải trang.
Bốn năm sau, chiếc Empress of Ireland đắm ở trên sông Saint Laurent, nhờ vô tuyến điện mà người dưới tàu được cứu kịp.
Hồi đó là hồi xuất hiện dấu S.O.S. mà sau này khắp thế giới đều dùng. Người ta thưởng bảo dấu đó là ba chữ Save our Souls (xin cứu linh hồn chúng tôi) viết tắt, nhưng sự thực, người ta sở dĩ lựa ba chữ cái đó vì, khi đánh bằng dấu Moóc, nó dễ nhận hơn hết: ba chấm - ba gạch - ba chấm.
Năm 1912, chiếc tàu Titanic, lớn nhất thế giới, đụng nhằm băng đảo ở Bắc Đại Tây Dương và chìm liền, cũng nhờ vô tuyến điện mà 705 người được cứu kịp.
Vào khoảng đó, những phi cơ đương bay bắt đầu thông tin với nhau bằng vô tuyến điện. Danh tiếng Marconi lên đến tột bực.
 

°

°
 
Ít tháng sau, ông gặp nhiều việc rủi. Trong một tai nạn xe hơi, ông chột một mắt. Mới ở bệnh viện ra, ông được tin rằng công ty Marconi của ông bị nhiều người ghen ghét, tấn công, chỉ trích là có nhiều chỗ mờ ám. Chỉ một số ít bạn thân dám bênh vực ông, trong số đó có Edison.
Khi chiến tranh thứ nhất nổ ra, ông về Ý, đầu quân vào tổ chức cơ quan vô tuyến điện trong quân đội. Đồng thời ông nghiên cứu một kiểu máy mới để dùng vô tuyến điện mà tìm phương hướng, tức máy radar ngày nay.
Năm 1921 là năm đầu tiên mà nhân loại được nghe những tiếng ca nhạc trong máy thâu thanh.
Năm năm mươi ba tuổi Marconi mới lập gia đình, mười năm sau ông mất (1937). Mấy năm trước khi mất, ông nghiên cứu về vô tuyến truyền hình, cũng gọi điện thị (télévision). Hiện nay máy này đã được thông dụng ở Âu, Mỹ, và ông là một trong những người lãnh công đầu.
Dale Carnegie bảo ông là một người rất khiêm nhường, ăn nói ôn tồn, và sống rất giản dị, không ham nhà cao cửa rộng, chỉ thích chiếc du thuyền của ông mà ông dùng làm phòng thí nghiệm.
Hồi chưa đầy ba chục tuổi, ông bán phát minh của ông cho Chính phủ Anh được năm vạn Anh kim (theo giá trên thị trường tự do bây giờ là mười triệu bạc). Bạn biết ông dùng số tiền đó làm gì không? Ông đi mua liền một chiếc xe máy, rồi về nhà tiếp tục làm việc như thường.
Ngoài công việc tìm tòi ra, ông chỉ có một nỗi vui nữa là du lịch. Ông đã qua Đại Tây Dương tám mươi bảy lần. 
 
Chú thích:
(1) Cuốn này viết năm 1957
(2) Newfoundland
(3) Cornwall