Sáng nay không như thường lệ, sau khi lũ cháu kéo nhau đi học, vợ Hạnh đưa đám con đi bác sĩ nên nhà im ắng hẳn. Cái im ắng và buồn bã thấm ngậm trong thân thể ăn sâu vào tiềm thức khuấy động sự suy nghĩ từ lâu ông đã cố gắng che đậy. Ông Cửu nằm co ro trên ghế ôm chiếc mền đã cũ, một bên má áp vào gối nhìn tia nắng lung linh đuổi bắt trên tường. Sự phản chiếu có lẽ bắt nguồn từ một vũng nước hay từ miếng gương nhỏ nào đó xuyên qua cửa sổ. Khi tia nắng lọt vào trong nhà, nó xoay nhè nhẹ mang những hình thù liên tiếp đuổi theo nhau cuốn hút đôi mắt hầu như đã lạc thần của ông để rồi từng quá khứ đau thương lần lượt hiện về như bắt ông phải đối diện với thực tại, chưa bao giờ rõ rệt và đậm nét bằng lần này. Ông nhìn thấy con người ông như nhìn vào tấm gương trước mặt.Ông Cửu rùng mình. Tấm gương thần... Chỉ có gương thần mới soi rõ được tâm hồn ông với những thành kiến khó sửa đổi, như những sợi dây thần kinh chằng chịt dính liền vào bộ não không thể tách rời. Chỉ có gương thần mới soi rõ được những biến chuyển trầm trọng trong cuộc đời làm người và đã đặt ra những câu hỏi hóc búa bắt buộc ông phải trả lời. Bao lâu nay ngụp lặn trong cuộc sống bon chen ông đã tìm được gì? Cả cuộc đời chân lấm tay bùn cho đến bây giờ gần đất xa trời ông đã có được những gì? Tiền bạc danh vọng ư? Tất cả đều buông trôi, đều tàn nhẫn bỏ ông không một chút tiếc thương, lưu luyến. Cả một đời cực khổ dùng mồ hôi nước mắt, dùng sức lao động của mình để mua danh vọng cũng không thể giữ được. Ảo tưởng danh vọng tựa như ký sinh trùng bám vào trong máu, còn máu thì nó còn, hết máu thì nó cũng chết theo. Ông nuôi danh vọng bằng tiền, bắc cầu cho người ta đến chúc tụng cũng bằng tiền. Đồng tiền pha lẫn mồ hôi dễ dẫn dụ người ta đến gần tung hô như đàn kiến rầm rập bu lại trước miếng mồi. Mồi hết, kiến tan hàng mỗi con mỗi ngã. Danh vọng chỉ là những miếng mồi, có đó rồi mất đó. Miếng mồi ngon phải mua bằng tiền mà tiền là công sức, là mồ hôi, là nước mắt, là máu trong cơ thể của ông để nuôi một loại siêu vi trùng thừa thãi đáng ghê sợ.Từ lâu ông cứ tưởng mình làm và đã nghĩ đúng nhưng bây giờ để trả lời với lương tâm ông mới thấy rõ mình chỉ là một kẻ háo danh. Vẫn biết ông là người tốt nhưng lòng bác ái, thương người nó không nguyên thủy tinh tuyền mà pha trộn đầy vẻ phô trương, hào nhoáng. Đúng vậy! Nếu mọi người không ca tụng tâng bốc thì chắc gì ông đã tận lực bố thí cho anh em, bà con? Nếu mọi người không năn nỉ, hạ mình cầu khẩn thì chắc gì ông đã dễ dàng bỏ tiền cho họ mượn nợ? Nếu không được rao giảng tên ông giữa công chúng, giữa nhà thờ mỗi khi công đức, hoặc được hãnh diện cắt băng khánh thành trước khi xây cất nhà thờ thì chắc gì ông đã chịu bỏ ra vài ngàn bạc...?Danh vọng... Tiền bạc... Có phải nó là động lực thúc đẩy để ông lao vào, để ông đuổi chạy theo như những con vụ được sơn phết với màu sắc rực rỡ mà Thượng Đế đã mượn bàn tay con nít để đùa nghịch? Con vụ đang quay, trông nó hung hăng với tốc độ kinh khiếp, vun vút khoét sâu xuống mặt đất tưởng chừng không bao giờ ngừng nghỉ và như một sinh vật lạ lùng xuất hiện đang đục đẽo đất trời để xuyên qua một nơi chốn lạ lẫm kỳ thú khác. Ông có khác nào con vụ. Trẻ nhỏ thích, con vụ còn quay nhưng khi chúng chán chê vì hết sự lôi cuốn, con vụ sẽ bị đá lăn qua bên vệ đường. Mỗi con vụ là một vệt nắng, vừa xoáy mạnh đâm nát tim ông, vừa là những ánh sáng sắc bén cứa đứt những tư tưởng lỗi thời, chặt bay những gốc rễ ngoằn nghèo khắc nghiệt để trả ông về với con người khác lạ và một cuộc sống hoàn toàn đổi mới.Còn kịp không? Với hai bàn tay trắng, với địa vị trần truồng ông phải tạo lại từ đầu. Tạo dựng từ đầu... Còn kịp không? Phải tạo dựng từ đầu... Ông Cửu thẫn thờ suy nghĩ. Nếu tạo dựng để tìm kiếm danh vọng chắc chắn ông buông tay. Bằng này tuổi đời và với bao đau khổ chồng chất, ông không cho phép ông làm những điều mơ ước điên rồ đó nữa. Tất cả trở lại từ đầu như đứa trẻ con chập chững tập đi nhưng ông làm lại bằng tình thương. Chỉ có tình thương mới muôn đời bất diệt, vĩnh cửu. Nó mang đến cho con người một hạnh phúc tràn đầy no đủ; nó nuôi con người ông bằng một toa thuốc bồi bổ tinh thần. Tình thương! Ông Cửu trở mình, những giọt nước mắt chợt ứa ra. Đời ông đã khóc nhiều, khóc vì ích kỷ tủi hờn, khóc vì trách móc thua thiệt, khóc vì những tị hiềm ghen ghét nhưng chưa lần nào khóc vì lòng ông ắp đầy tình thương yêu máu mủ. Ngay lúc này đây ông thấy thương Nụ tật nguyền và những châm biếm khinh khi nó, thương vợ chồng Tâm vẫn còn lầm lẫn dẵm vào vết chân gãy đổ của ông, thương vợ chồng Phước với lối sống tốt lành mà tháng ngày qua ông đã nghi ngờ nhưng thương nhất vẫn là đám con cái của thằng Chẩn, rồi cuộc đời chúng nó sẽ ra sao nếu không nhận thức được tình thương yêu chân thật là nền tảng cho cuộc sống? Ông thấy mình có trách nhiệm phải nói cho chúng biết. Ông phải kể lại một câu chuyện thật dài, thật thương tâm mà trong đó ông chính là nhân vật điển hình đại diện cho lớp người chạy theo vật chất, là hình nhân múa rối dưới ánh đèn mà quên rằng khi sân khấu kéo màn, khi đèn tắt thì những hình nhân chỉ là vật thừa thãi bị bỏ rơi, bị ném vào một xó không ai ngó ngàng.. Nước mắt ông lại trào ra. Bây giờ cũng vẫn chưa muộn. Tình thương tạo dựng ở tuổi nào, thời điểm nào và xã hội nào cũng vẫn nảy nở sống mãi. Có khó chăng là người ta chịu chấp nhận nó hay không...Cơn ho bỗng dưng kéo đến, dài tưởng như bất tận. Ông vùng chống tay ôm lấy ngực nhưng vẫn gập xuống nhiều lần. Dưới bếp bà Cửu chạy vội lên đỡ lấy chồng và vuốt bàn tay khô đét lên tấm lưng xương xẩu đang rung từng đợt. Suốt từ chiều qua khi bà kể vụ tiền bạc đến giờ, ông cứ ngồi ngẩn ra như tượng đá. Nếu ông không ho, bà có cảm tưởng như ông chỉ là một xác chết. Thương chồng và tuy bà chưa biết ý ông như thế nào nhưng lần này bà thấy mình có một phần trách nhiệm trong sự chọn lựa. Bằng giọng ôn tồn nhưng đầy quyết liệt, bà thủ thỉ bên tai ông:- Ông ạ! Bệnh thế này tôi nghĩ nên gọi vợ chồng thằng Phước mua vé máy bay cho mình về dưới đó...?May 2, 1994