KỲ HÌNH DỊ DẠNG
Tác giả: Cổ Mộ
Nguồn: KTNN số 621, ngày 10.11.2007

Có một tín đồ hỏi thiền sư Mặc Tiên: “Vợ tôi tính keo kiệt, bủn xỉn, không chịu bỏ ra dù một đồng để làm việc tốt. Vậy ngài có thể mở lòng từ bi đến nhà tôi khai thị cho cô ấy, được không?”.
 
Sư Mặc Tiên đồng ý.
 
Khi sư đến, vợ người tín đồ ra đón, nhưng không có lấy một tách trà. Sư Mặc Tiên bèn nắm lấy một bàn tay lại, nói với chị ta: “Cô nhìn tay của ta xem. Nếu ngày nào cũng như vậy, thì cô nghĩ sao?”.
 
Vợ người tín đồ: “Nếu ngày nào cũng nắm lấy như vậy, tất sẽ sinh bệnh và trở nên kỳ hình dị dạng thôi!”.
 
Sư lại duỗi thẳng bàn tay ra, hỏi: “Vậy giả như ngày nào cũng như thế này thì sao?”.
 
Vợ người tín đồ: “Như thế cũng là dị dạng!”.
 
Sư Mặc Tiên: “Cô nói không sai, như vậy đều là kỳ hình dị dạng. Nếu chỉ biết ki bo, không biết bố thí, là dị dạng. Nhưng nếu chỉ biết hoang phí, không lo dành dụm thì cũng là dị dạng. Cho nên phải biết sử dụng tiền bạc của cải cho đúng, có vào có ra mới là hợp lý”.
 
Người ta nói:
 
Trên thế gian, có người quá hà tiện, có người lại quá xa xỉ. Đó đều không phải là nghĩa trung đạo của nhà Phật. Người hà tiện phải biết kết duyên với hỉ xả, đó là nhân tạo ra quả tài quả lộc, không gieo trồng thì làm sao có gặt hái? Ta nên biết điều hòa giữa quan niệm kinh tế và cách xử sự giữa người với người. Đó là ẩn dụ trong cái nắm tay của thiền sư Mặc Tiên.
 
 
(Theo Chan Gushi)