Chương 6
GIÓ VỀ TÙNG MÔN TRANG

    
âu bể thời gian khiến cho Phương Bối không còn như xưa nhưng Phương Bối vẫn nguyên sơ trên nẻo về của ý. Ngày nào tâm thức tôi còn phiêu dạt, còn hoang mang và mộng mị thì ngày đó tôi còn nuôi mơ ước trở về.
Khe Tào Khê đang vang lời kệ khoái hoạt:" Bồ đề bổn vô thọ - Minh kính diệc phi đài..." Tào Khê, Phương Bối có khác gì nhau một chốn ước nguyền về quốc độ...
Một lần cảm xúc tôi hỏi Thầy: Bao nhiêu năm xa quê thầy không nhớ nhà sao? Thầy cười nhẹ nhàng như gió thoảng mà cũng làm lay động ngọn tơ trời Đâu la miên bát ngát: Nhà thầy có đâu mà nhớ!
Trong một chốc tôi thấy lòng mình nhẹ thênh thang theo nụ cười của Thầy... Lưu lạc trên ba mươi năm nơi xứ người, tưởng ai cũng như mình, cũng nhớ cũng thương... thường tình như đã.
Dạo đó, bên hiên chùa Pháp Vân ( còn gọi là chùa Lá ) những chiều mưa Sài Gòn dập dồn trên mái lá, nhìn qua màn mưa xa, tôi nhớ mẹ mình đang ở bên góc trời xứ Huế mà xao xác cả nỗi lòng... Những câu thơ của Thầy về nhẹ như hương trầm tỏa thơm với bàn tay Quan Thế Âm Bồ Tát đang vỗ về:
Bảy năm
Trầm hương xa
Hình ảnh mẹ
Một sáng mùa thu lạnh nắng
...
Nhưng mẹ vẫn còn
Ôi thương yêu ngàn năm
Tôi đã từng quét lá trước sân chùa Diệu Đế hồi còn thơ ấu, đã từng thèm những giấc ngủ đầy trước thời kinh công phu sớm... để khi trưởng thành, bằng sự tín giải của mình, tôi tìm đến sự dạy bảo của Thầy - người bổn sư mà hồi đó con chưa từng gặp mặt.Tôi đến với Tùng Môn Trang với đôi cánh cửa đã mở cho gió về thênh thang từ trăm phía, đến chỗ mà không ai chờ, ai đón, không ai giành, không ai đuổi... bởi vì ở đó có gió rừng lạnh lẽo, và những đêm sương mù đẫm quyện trong trăng,tựa như vô vàn đóa hoa mây trôi ngoài cửa thảo am... Ngày nắng tràn qua thung lũng sửõi ấm những rặng thông già - những chiều mưa về như trăm ngàn dòng thác trắng.
Tùng Môn Trang là tên Thầy đặt cho một vườn đồi, nằm về phía Đông Nam - Đà Lạt, đó là hai ngọn đồi bát úp, như hình hai mẹ con nằm tĩnh lặng bên nhau, từ ngàn xưa cho đến bây giờ.
Mấy cây cổ tùng trên lối đi bọc quanh đồi và những rặng thông xanh lấp lánh muôn tia vàng tía, khi nắng gió bạt qua đồi... mà ở đây thì tha hồ gió... gió từ tám hướng bốn phương thổi về không có khi nào dứt...
Những ngày nắng cuối thu cao nguyên, khi muôn hoa bắt đầu đượm hương với những đàn bướm, đàn ong, bay chập chờn mang mật hương thuần khiết, theo những đám mây bông nõn trắng bay qua đồi lơ lửng.Tùng Môn Trang như đang bay trong mây, thơm mùi hương của lan rừng và huệ trắng... những lúc ấy tôi ngơ ngác tưởng như mình lạc đến một cảnh giới nào thật bình yên và thanh khiết hồn nhiên như trẻ thơ.
Đứng trên đồi nhìn về xuôi tôi không bao giờ thấy chán, những mệt mỏi lao tác cũng tan biến theo gió núi mây ngàn hay được hòa tan trong tiếng suối réo rắt như cung đàn bất tuyệt...
Xa xa trong rừng thông xanh mướt, lúc ẩn lúc hiện một hai mái nhà, vài khu vườn uốn quanh bên những dòng suối nhỏ, những bờ khe với đá chồng lớn bé im lìm bên nhau.
Rất nhiều chim bay về đây gọi hót vang lừng trong nắng gió... đủ loại như sáo đen mỏ vàng, sơn ca, hoàng yến, chốc màu, cả những bầy sẻ rập ràng. Chúng ríu rít gọi nhau rồi ca hót như vội níu lại những ngày xuân xanh qua mau...Thỉnh thoảng bay qua đồi một đôi hạc mỏ đỏ, lông màu xám nhạt điểm trắng... chúng đáp xuống đồi Tùng nhảy múa bên nhau, rồi lại bay tít mù về phía rừng xa, để lại dư âm của tiếng hạc ngàn lanh lảnh như hẹn sẽ quay về.
Trong đồi Tùng tôi đã quên nhiều thứ trong ký ức chập chờn mà trước kia dòng nước chảy lặng lẽ qua cầu đã mấy thời gian,cũng không nhớ gì những bóng hình đã có lần thấp thoáng.
Nhắc đến quá khứ bi tráng mà số phận một dân tộc phải dũng cảm gánh chịu, để hôm nay chúng ta còn lại, phải ngồi gần và thương yêu nhau nhiều hơn nữa.Biết bao nhiêu anh hùng vô danh cũng như nhiều dân lành vô tội phải vĩnh viễn nằm xuống cho quê hương này và..." Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống - bao mối thương vang động trong lòng..."
Hùng, người em kế của tôi năm ấy mới vừa mười bảy tuổi, trong một chiều xuân năm Mậu Thân tại thành phố Huế đã bùi ngùi cầm tay mẹ mà không kịp nói lời từ ly...với cái mũ tai bèo đội lệch trên đầu, em cùng một số thanh thiếu niên cùng lứa đã ra đi và em cũng như phần lớn trong số họ đã không bao giờ trở về...Còn tôi đã đến nương náu dưới mái chùa Pháp Vân ; hồi đó như thế là chạy trốn, bởi theo suy nghĩ thường tình thì không thể bơi mãi giữa dòng sông, hoặc phải tấp bên này hay bên kia mà thôi!
Dạo đó cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam đắm chìm trong khói lửa, chiến tranh, mỗi ngày qua đều có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người chết, bị thương, tàn tật, đói khổ, và mất mát nhà cửa ruộng vườn...thành phố, thị trấn cũng không còn yên ổn.
Mỗi sáng mọi người ra đường nhìn nhau bàng hoàng ngơ ngác, đi đâu cũng nhìn thấy quan tài và nghe não nề tiếng khóc... Một dân tộc chịu đựng chiến tranh suốt gần cả thế kỷ 20,không nhà nào là còn nguyên vẹn cả người lẫn của. Tính ra số người chết, bị thương cũng gần cả chục triệu, chỉ riêng chết đói cũng đã trên hai triệu người. Vì lẽ đó nhân dân Việt Nam yêu hòa bình biết bao, yêu hơn chính bản thân của họ.Họ chắt chiu những năm tháng bình yên tạm thời để gầy dựng cơ nghiệp, nuôi dạy con cháu để rồi lại đau đớn trước mất mát và ly biệt.
Làng Thanh Lam Bồ nơi chôn nhau cắt rốn của tôi nằm thanh bình bên dòng sông Bạch Yến thơ mộng, phía tây là núi Truồi và xa hơn là rặng Bạch Mã xanh thẫm, qua đồi cát tới biển Đông không xa, để ngày đêm có thể nghe được tiếng rì rào sóng vỗ... Chỉ sau vài ngày giao chiến giữa hai bên, làng chỉ còn lại cánh đồng khô khốc và những vòm cây cháy khét bởi đạn bom... Năm đó tôi đang trọ học ở Huế và phải mấy chục năm sau mới có dịp về thăm chốn cũ.
Chiến tranh đã chôn sâu những ngày hoa niên xa xăm, mà mỗi khi nhớ lại tôi không khỏi bùi ngùi.
Đó là những ngày nghỉ học mùa hè lang thang trên mấy đồi cát đầy sim dại để đuổi thỏ,tìm chim, bơi lội hàng giờ trên dòng sông Bạch Yến đến teo cả mấy ngón tay và môi tái tím. Đâu đây tiếng kêu hời của mẹ vọng qua mấy khóm tre đầu xóm, để về kịp ăn những bát cơm nóng hổi đầu mùa với nồi cá bống thệ kho.
Tháng ngày học ở Huế vào những năm cuối 50, tôi nhớ mãi thành phố đẹp lạ lùng trong những mùa trăng cũ, qua cầu Trường Tiền về đêm vắng người ghe vờn gió hút, trên sông trăng vẳng tiếng hò mái nhì đẩy đưa. Sông như lụa trải, sóng vỗ bờ là muôn lời tình tự thủy chung. Thành nội, Kim Long, Vĩ Dạ..., từng khu vườn nhà nhỏ im lìm, mà sau mỗi cánh cổng, từng gốc cây,cội hoa là mỗi gia đình người dân cố cựu, với những cuộc đời đầy thẳm sâu trắc ẩn.Thấp thoáng tà áo ai trong vườn khuya thơm nhẹ hoa quỳnh, hoa xoan, là chút hương quyến luyến của những cuộc tình khi tĩnh lặng khi ba đào như dòng sông giữa hai bờ sinh mệnh.
Nhớ những ngày lụt lội rét mướt với một túi quần đầy ngô rang, hoặc củ sắn nóng ăn nhín để nghe cái lạnh tê trên đầu cánh mũi.Che chung trong áo mưa cùng người bạn khác phái lúc tan trường về, để biết hương con gái lần đầu tiên trong cuộc đời.
Những đêm đông ở Huế nghe tiếng rao quà buồn khuya khoắt, tiếng khóc thảm vườn bên của nhà hàng xóm khi nhận xác đứa con trai độc nhất vừa tử trận. Nến đỏ lung linh và mùi dạ lý hương thoảng bay như lời cầu nguyện cho những hồn ma oan khiên. Tiếng kinh cầu siêu trong đêm như vỗ về người chết và cho kẻ sống còn lại, nghĩ đến một ngày vĩnh biệt cuộc đời, thoắt cứng đơ vô tri như cây khô, không biết mình đã làm gì? Để lại gì? Sống như thế nào trong cuộc đời phù du mới vừa qua.
Tuổi trẻ của chúng tôi trong chiến tranh là những ngày vui chơi chốc lát, khi đêm về giấc ngủ là những cơn ác mộng chập chùng hình ảnh những cái chết oan uổng, lạnh lẽo và tăm tối.
Đó là những ngày cùng bạn bè mấy đứa, ngồi im suốt chiều, suốt đêm, bên ly cà phê ở Lạc Sơn, Phấn, Chị Lợi, Cô Ba... Những ước mơ thanh xuân tan tành bay theo tà áo nữ sinh, để rồi thấy mình là chiếc lá sắp rơi, trôi dạt hờ hững bên hè phố cũ. Huế những ngày nắng lửa và mưa dầm âm thầm trôi theo tiếng nhạc phôi phai, những tình khúc mà một nửa là trăn trở điêu linh đời người, nửa kia là lời van nài khóc thương cầu xin tình yêu trở lại, mong manh như khói thuốc cho những cuộc tình xa không bao giờ hội hợp, dù chỉ để làm điêu tàn thêm đời mình.
Những ngày làm người lớn đầy: " rượu đỏ mưa men trên hè phố quê nhà ", những đêm về trong con đò trụy lạc dòng Hương, để xót thương mình và thân phận những cô gái quê nghèo, từ các vùng chiến nạn ở Đông Hà, Quảng Trị, Phú Lộc, Phong Điền... trôi dạt về đây. Họ sống qua ngày qua đêm với son phấn rẻ tiền và mùi tanh của chăn gối để đổi lấy đồng tiền cũng tanh tao dơ bẩn. Trên các "bến Tầm Dương " dọc dòng sông thơ mộng này vừa vẳng nghe tiếng thơ não lòng của Thúc Gịa vừa nghe rền tiếng đại bác vọng về giữa khung trời đổ nát dưới ánh hỏa châu.Bạn bè vơi dần, một số lên rừng theo Giair phóng, một số đi lính Cộng hòa, mười đứa chết hết chín. Có đứa chết chưa biết mùi yêu đương là gì, chưa từng viết và nhận hồi âm những lá thư tình học trò, có chăng chỉ là những lần yêu thầm nhớ trộm.
Khe Sanh, Gio Linh, Thạch Hãn, Tây Nam Huế là những "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh ". Đạn pháo, bom rơi như mưa dồn sóng vỗ, tiếng xích nghiến của xe tăng, âm thanh của từng đàn máy bay phản lực, trực thăng. Từng làng xóm biến mất trên bản đồ và thực địa, từng cánh rừng xanh run rẩy dưới những lớp mây mù hóa chất và bom lửa... Thành phố, thị xã nép mình bé nhỏ trong từng đợt pháo kích.
Chỉ trong một thời gian ngắn mà trong một khu phố nhỏ cũng đã có năm bảy đứa bạn chết trận. Nhớ ngày cùng bác Hụi mẹ thằng Mực râu vào đồn Mang Cá, đến nhà vĩnh biệt để nhận xác hắn về. Cái xác rách bươm không còn nguyên vẹn, người mẹ vật vã đòi nhìn mặt con. Trong kia mấy người lính chung sự như những hồn ma mặc áo ka ki vật vờ qua lại giữa đám xác người sắp lớp, mùi cồn, mùi rượu trắng, hương, nến quyện với mùi tử khí hôi hám. Địa ngục đây rồi!
Những ngày theo phong trào biểu tình phản chiến đòi độc lập,chống đối để rồi bị bắt vào tù, bắt đi lính hoặc trốn chui nhủi lạc loài từ phố nọ qua phường kia.
Đô Thành Sài Gòn cũng lấp ló bóng dáng chiến tranh với những lô cốt bao cát, kẽm gai, quân cảnh, cảnh sát và lính ngoại quốc nhan nhản. Những đoàn xe nhà binh qua lại đầy ắp lính tráng, sinh viên học sinh cũng tham gia biểu tình để ngửi mùi lựu đạn cay, dùi cui, rồi bố ráp bắt bớ đêm ngày.
Thỉnh thoảng một vài tiếng nổ kinh hồn, những cao ốc cháy đen đổ nát, kẻ chết người bị thương, thành phố không lúc nào bình yên.Đêm về trong ánh đèn màu của hộp đêm, vũ trường vẫn tưng bừng vui chơi, nơi tìm quên dành cho những người giàu có vốn sẵn lạnh lùng với nỗi đau chung.
Nhưng vẫn còn đó một Sài Gòn đầy sức sống,giản dị, kham nhẫn và rộng lòng với tình đồng bào ruột thịt. Những buổi sáng mờ sương, ngồi trong quán ven hương lộ, nghe tiếng lách cách của xe thổ mộ, nhâm nhi ly cà phê bốc khói cùng dì Năm, bác Hai, chú Tư, anh Bảy... những người dân lao động Nam bộ. Ngồi nghe họ nói, họ kể, đủ chuyện về thời sự, đời sống gia đình, tình làng nghĩa xóm, tôi học được bao nhiêu điều từ những người vô danh ấy. Ở họ toát ra sự thuần phác không mảy may lừa lọc, gian dối. Thỉnh thoảng bác Hai, người đại diện cả nhóm luôn chào hỏi tôi một câu thường lệ: Thầy Hai ơi ngoài "trào Huế" độ rày có yên không? Trong tâm thức của họ từ bao giờ Huế là nơi của triều đình, có vua chúa, mà tổ tiên xa xưa của họ cũng xuất thân từ đấy và đã theo các chúa vào đây dựng nghiệp, trào Huế là xứ Huế, cố kinh một thuở của tổ tiên họ - những lưu dân, những anh hùng nông dân khao khát chân trời bao la, tay kiếm tay cày đi về phương Nam mở cõi.
Từ chùa Pháp Vân, chúng tôi cùng san sẻ với họ những nỗi lo trong đời thường, một lớp học cho người mù chữ, dạy nghề cho trẻ em, người lớn, những buổi đào giếng, khơi ao, đắp đường, khám bệnh, phát thuốc... Chúng tôi sống hòa trong cảnh đời thiếu thốn, bệnh tật của họ để cùng khơi nguồn lực tiềm tàng của mọi người - biết vươn lên từ khổ đau mà không trông chờ và ỷ lại. Chúng tôi tìm đến những đồng bào nghèo và bất hạnh của mình không phải bằng những món quà từ thiện, mà học hỏi và cộng tác bằng cả tấm lòng của hiểu biết và thương yêu.
Tùng Môn Trang! Tháng ngày trong cửa Tùng là những ngày tôi xách nước từ suối nọ lên đồi kia, tưới tẩm cho từng luống su, cà rốt, rau cải, chăm nom mấy chục gốc hồng, bơ trên vườn đồi.
Ở đây tôi có người bạn nhỏ năm ấy vừa tròn mười sáu tuổi. Giải Lập, tên em, xuất gia từ năm lên sáu ở Bình Định, rồi theo thầy vào đây. Tôi và em gặp nhau cùng ở chùa LP tại Trại Mát.Chùa nghèo lắm, cơm ngày hai bữa, thức ăn là sú, khoai, tương, mè... bổn đạo chung quanh phần lớn là dân làm vườn từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi trôi giạt vào đây từ những năm đầu bốn mươi. Họ cũng đầu tắt mặt tối, lam lũ suốt ngày trên những mảnh vườn xanh, nhưng những việc đầu tiên cần làm khi vừa đến đất mới lập nghiệp là nghĩ ngay đến việc dựng chùa, xây tháp, đúc chuông, đắp tượng... Những danh lam ở vùng cao này hầu hết đều từ thiện tâm của những lưu dân, đó là những thầy tu núi, đem pháp Phật đến vùng cao xa - quanh năm chỉ có sương mù và giá lạnh.
Mấy tháng đầu từ chùa LP, hàng ngày tôi cùng Giải Lập mang cào, cuốc, xô, thùng đến Tùng Môn Trang để làm vườn đến chiều tối mới về. Sau đó chúng tôi được mấy người thợ cưa xẻ biếu không một số gỗ thông bìa. Thảo am trên đồi Tùng được dựng lên từ đống gỗ bìa đó, nom xa xa nó giống như một cái chòi của dân sơn tràng, lại gần tự như một u cốc của người ẩn cư, nép bên mấy cội tùng già.
Thế mà thảo am này lại là nơi gặp gỡ, đón đưa vô vàn tín hữu: dân trong vùng,đồng bào dân tộc bản địa dừng chân uống nước, chuyện trò. Ngoài ra khách của u cốc còn là chim,sóc, nắng vàng, mây mù, trăng đêm, sương khuya... Kẻ đến người đi ai cũng đều mến nể Giải Lập, một Sa di thuần hậu - xách nước tưới rau hàng trăm chuyến và cuốc đất, chẻ củi suốt ngày.Đôi chân và hai cánh tay em vẫn dẻo dai như gỗ lim và đôi mắt tươi sáng dịu dàng, nhìn ai như thấu hiểu cả tâm tư.
Giải Lập là thiện tri thức, là đạo sư của tôi trong những ngày "hành thiền lãng lí ".Ở đây em là trụ trì của thảo am và tôi là điệu nhỏ, còn nhiều chúng điệu khác vây quanh như là chim, sóc, gió mây... chúng đến rồi đi - đi rồi về, tự tại dễ thương vô cùng.
Lòng chưa nguôi nỗi nhớ bình nguyên, hướng mắt nhìn trầm ngâm về xuôi của tôi nói lên điều đó! Em vừa làm việc vừa nói pháp cho tôi nghe: " Mỗi nhát cuốc, mỗi bước chân đi xách nước từ suối lên đồi, mỗi lần tưới rau, nhặt cỏ... sư huynh đừng quên niệm Phật ".
"Bởi vì thành tâm niệm Phật là niệm tâm mình, niệm niệm tương tục để Tâm tịnh - Tâm tịnh thì cõi xứ cũng thanh tịnh. An trú trong chánh niệm để khởi phát từ, bi, hỷ, xả!Tất cả hiện hữu là diệu hữu.
Đạo Phật là đạo sống, sư huynh đừng mê chấp theo giáo nghĩa kinh luân khi chưa khởi niệm từ bi. Cố gắng tu tập như vậy thì dù không có thầy dạy bảo vẫn như có thầy bên cạnh mình mà thôi..."
Lắng lòng theo em, tôi niệm Phật suốt những giờ lao động trên đồi Tùng, và thỉnh thoảng nhớ nhung màu xanh của quê xưa đã thăm thẳm dặm về - cửa Tùng đôi cánh mở thênh thang không bao giờ vắng gió. Một hôm tôi thú thật lòng mình với Giải Lập về nỗi nhớ mẹ và các em còn nhỏ ở quê nhà, đọc mấy câu thơ trong bài:"Thương về xứ Huế " của HNC, tha thiết, gần gũi với tôi vô cùng trong lúc đó...
Quê người áo rách hồn xơ xác
Sương khói chiều hôm xuống bạc lòng
Nhớ mẹ già thương bông súng rụng
Tội em chim nhỏ nắng vườn không!
Rồi thơ của thầy:
Mẹ và em còn đó
Gió chiều như hơi thở
Mơ gì một mảnh tương lai xa xăm...
Giải Lập lặng lẽ nghe tôi, em ngồi xuống bên cội Tùng rồi đọc cho tôi nghe mấy câu thơ nhớ mẹ mà em mới làm hôm trước:
Mỗi khi con nhớ - con buồn - con biết kêu ai?
Con niệm Quan Thế Âm là thấy bóng mẹ về
Vẫn nụ cười hiền như bao năm trước
Như giọt sương trong trên đóa sen hồng.
Chúng tôi đồng niệm danh hiệu Ngài. Lòng tôi nguôi ngoai nhớ nhung trong khi quán tưởng hình ảnh đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát Quan Thế Âm. Mẹ tôi ở góc trời xa kia chắc lúc đó cũng nhớ tới đứa con lưu lạc và đang niệm cầu Bồ Tát, dể diệu âm này vang trên đồi Tùng, làm tỉnh thức cả rừng thông, thác suối, chim muông, thú rừng, cỏ hoa, đá sỏi... Tùng Môn Trang như nhẹ trong đám mây hào quang được tưới mát bằng tịnh thủy trong Cam lồ bình, để tôi và mọi loài đều phát tâm từ bi an lạc. Giải Lập như một thị giả đang thay mặt Ngài để nói pháp Phổ Môn, cánh cửa rộng mở cho muôn loài của Diệu Pháp Liên Hoa.
Hai mươi bảy năm sau tôi trở lại Tùng Môn Trang, vườn đồi vẫn còn đó với những rặng thông trên lối đi, nhưng mấy cây cổ tùng không còn nữa.
Vườn đã được ai đó chăm sóc trật tự theo cung cách riêng của họ, đất của chùa từ mấy mươi năm trước nay đã không còn.Dân gian ta thường phổ biến câu nói chơi:"... của chùa mà!", có nghĩa là ai lấy và giữ riêng cho mình những của cải, tài sản, không do tự mình làm ra thì được gọi là:" Của chùa ", không sợ bị đòi và trả lại.
Ăn cơm chùa, ngủ trọ chùa - miễn phí, lấy của chùa giống như nhặt của rơi, chùa là nhà ở của tâm nên cái gì thuộc về chùa là có thể lấy và thụ hưởng một cách vô tư! Thật vậy sao?
Mẹ tôi ngày xưa thường nhắc nhở... " Con đã từng sống trên đất Già Lam, từng bưng bát cơm của tín thí hiến tặng để sống, thì phải nhớ lấy nhằm có ngày đền đáp cái công ơn lớn lao đó. Nếu không nghĩ đến chuyện trả đền ơn nghĩa đó thì tội lỗi không lường được. Chết phải trầm luân trong địa ngục!"
Những lời răn của mẹ tôi giản dị với ý nghĩa: " Trong cuộc đời đã có vay thì có trả, có cho thì được nhận, đó là luật nhân quả, làm ác thì gặp ác, ở hiền thì gặp lành "". Đạo lý đối nhân xử thế cơ bản và thật thà như vậy nhưng mấy ai nhớ, chuyện phủi phẩy ơn nghĩa, ỷ mạnh và thế quyền,tiền bạc để hiếp đáp,áp bức và chiếm đoạt của cải của người khác đầy dẫy khắp nơi. Một miếng đất thừa tự chung, anh em, bà con tranh dành gây ra án mạng cũng đã nhiều. Một lối đi riêng, bức tường, mái nhà cơi nới cũng dễ xảy ra đổ máu. Cho vay nặng lãi, đòi nợ, khích bác nhau qua chén rượu, bữa cỗ cũng dùng đao to mã tấu để lấy máu của nhau mới hả.
Những sinh linh gần gũi với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày khắp nơi cũng bị tận diệt, chó, mèo, rắn, ếch, rùa, chim... được biến thành món ăn. Chúng không được phép sống, chúng phải chết cho lòng tham vô hạn và cũng để thỏa mãn các nhu cầu bệnh hoạn, phè phỡn của một số người. Cỏ cây cũng như thác suối bị chặt phá, đào xới, không tuyên bố mà tận diệt, đó là chủ nghĩa "khủng bố sinh thái ", làm biến mất những gì tươi xanh trên mặt đất. Không còn tiếng ếch trong đêm, thành phố và kể cả nông thôn không còn tiếng chim, một mai sau con cháu của chúng ta lớn lên sẽ suy nghĩ như thế nào? Chúng sẽ sống trơ trọi trong mù đui của tâm thức, khi môi trường sống trên hành tinh thân thiết này chỉ còn tóm gọn trong một thông điệp đau buồn mà chúng ta đã gởi cho tương lai " hãy hủy diệt loại trừ trước khi tự diệt ".
Trong cuộc sống hiện nay hầu như khắp nơi trên thế giới, nền tảng giáo dục cho thế hệ trẻ quá hướng đến chuyên môn phiến diện, mà bỏ mất hoặc thiếu sót trong việc giáo dục làm người. Hệ quả tất yếu là các em nhỏ lớn lên thường quan tâm đến những điều kiện để hưởng thụ cuộc sống, mê say lợi lộc, thỏa mãn sở thích và những thuận tiện vật chất cho cá nhân mình.
Từ cái "Ngã" nhỏ nhoi này để "quy ngã" họ quên đi hạnh phúc đời sống là sự hài hòa thể nhập trong cộng đồng với tình thương, nỗ lực giúp đỡ nhau trong cuộc cộng sinh hữu hạn. Đạo Phật dạy cho chúng ta biết mọi sự vật đều là vô thường, không có một hiện hữu bất biến, mà có mặt trong mối liên hệ và phụ thuộc vào nhau.Cái "ngã" mà chúng ta cố chấp cho là thật cũng vậy, nó không thật có, không có cái gì gọi là có một ngã.Do chấp ngã mà ta bị dao động bởi những thay đổi, đau khổ trước mất mát,mông muội trong suy nghĩ và việc làm, sống trong ảo ảnh lầm lạc.
Chúng ta đang sống trong hoang mang về nhiều nỗi lo âu và sợ hãi ngay chính xác thân của ta và cả người thân ruột của ta cũng vậy, chỉ là những ngọn đèn lay lắt trước gió. Một luồng gió độc, một lần ngã xe, một cơn ác bệnh không hẹn mà đến.Chưa kể những hiểm nạn tai ương khác. Cái chết không báo trước mà tử thần luôn rình dập trên đường ma lối quỷ. Ngày X giờ G đó tới bất cứ lúc nào nếu tâm thức ta còn mù mịt, mê đắm ảo tưởng, mang theo từ cuộc đời phù du vừa qua. Thương thay, chúng ta mang theo cái "ngã" với nhiều thứ: ác độc, tham lam, sân hận, nuối tiếc... trong cả mớ hành trang đó không có món nào dùng được trong "địa ngục", bởi địa ngục đã tràn lan và sẽ biếu không những thứ đó.
Hiểu lẽ "vô thường", thấy được "vô ngã" thì chính mình sẽ nhận thức được sự tương tác, mối liên hệ qua lại giữa mọi loài, để khởi chánh niệm từ bi. Ta sẽ nhìn mọi vật, mọi hiện tượng xảy ra với cái Tâm an lạc, bao dung, hiểu biết và thương yêu, đó là "niết bàn tịch tịnh " của Tâm ngay trong đời sống này
Tôi viết những dòng chữ này khi vụ tấn công của bọn khủng bố bằng cách cướp máy bay dân sự lao vào tòa tháp đôi làm gần ba ngàn người dân thường thiệt mạng.Cuộc chiến tranh chống khủng bố tại A Phú Hãn ( Afghanistan ) đang tiếp diễn, đã quá nhiều dân thường vô tội tiếp tục bị giết, mất của cải, nhà cửa, rời bỏ quê hương khắp nơi trên thế giới, từ châu Phi đến Châu Âu và nay là vùng Trung Á.Tất cả các cuộc chiến tranh, thảm sát sắc tộc, các vụ khủng bố đều xuất phát từ nguyên nhân là lòng tham và vị kỷ, lừa lọc, cướp bóc và làm hại kẻ khác cho hạnh phúc riêng tư của mình. Thậm chí người tôn giáo này xem tôn giáo khác là tà giáo, ngoại đạo, giết đi là không có tội. Đó là biểu thị của hận thù, sân hận và không hiểu biết.
Những nền văn minh phương Tây, phương Đông vốn tồn tại trên mấy ngàn năm, nay có nhiều người nhân danh điều này điều khác để phủ nhận giá trị của nhau. Ngã chấp và tà kiến nặng nề,để biến cảnh máu chảy đầu rơi của đồng loại thành những cuộc thập tự chinh hay những cuộc chiến tranh thần thánh nhân danh giáo chủ, đấng sáng thế. Những kẻ rắp tâm tạo chiến tranh để gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp nơi là những ác quỷ đội lốt người. Họ chấp chứa lòng tham, kiêu mạn và ngã chấp để chống đối nhau, biến cuộc sống chúng ta thành địa ngục và địa ngục đang có thật trên trần thế.
Những vụ khủng bố giết người hàng loạt mà đa số nạn nhân là dân lành vô tội diễn ra khắp nơi và " những hành vi khủng bố không xảy ra một cách bột phát, không xuất phát từ những trạng thái tuyệt vọng. Trái lại đó là những hành động tỉnh táo cuối cùng của những kẻ cuồng tín " như một nhà báo Đức đã nhận định. Động cơ thúc đẩy để họ có những hành động hủy diệt là lòng thù hận khôn nguôi với một niềm tin tôn giáo mù quáng. Tệ hại hơn đã lan tràn nhiều nơi, mục tiêu của họ không chỉ đấu tranh cho một lãnh thổ hay một sắc tộc, mà tranh đấu cho sự bành trướng của tôn giáo mình tràn khắp thế giới chống lại những chế độ tôn giáo khác bị cho là ngoại đạo. Khi anh đã không tôn trọng tôn giáo khác làm sao người ta sẽ tôn trọng tôn giáo anh?
" Gieo gió thì gặt bão ". oán hận chồng chất với "Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu " thì biết bao giờ hết cảnh đầu rơi máu chảy!
Tôi đã đến New York, đã dừng chân cúi đầu trước khu tưởng niệm những người xấu số bỏ mạng tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, ở đó có nhiều hoa, nến, hình ảnh và những lời ghi, tờ rơi tìm kiếm người thân mất tích.Tại đây tôi đọc được một đoạn viết cho người yêu đã tử nạn của một chàng trai vô danh:" Anh không còn em nữa để từ đây anh phải tập sống yêu thương với mọi người ".
Tôi nhớ lại ở Bamiyan miền Trung A Phú Hãn trong một thung lũng nằm giữa núi cao có hai pho tượng Phật khổng lồ cao 55 và 34;5m. Đây là hai pho tượng có từ thời Phật giáo đã phát triển rực rỡ ở đây từ thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, là trung tâm Phật giáo một thời của vùng Tây Bắc tiểu lục địa Ấn Hồi từ buổi hoàng hôn của Đế Quốc La Mã. Hai pho tượng Phật hiện thân của quá khứ và vị lai đã được khắc chạm trên một bức tường núi đá. Đời này qua đời nọ được bồi đắp bởi tín đồ Phật tử khắp nơi qua lại trên con đường nối liền Đông và Tây từ thuở xa xưa.
Ngài Huyền Trang trên đường đi hành hương từ Trung Hoa đến thánh địa của Phật giáo ở Ấn Độ, cũng đã từng chiêm bái hai tượng Phật ở Bamiyan này vào năm 632.Đây là hai pho tượng Phật lớn nhất thế giới và là di sản văn hóa vô giá của cả loài người. Năm 1997 quân Taliban nã pháo vào tượng, làm cho mất đầu và tay, vào tháng 3 và tháng 4- 2001 họ lại cho nổ mìn phá tan luôn di sản này một cách không thương tiếc trong suốt 20 ngày, vì họ cho đó là biểu tượng của dị giáo.Hành động kế tiếp sau đó, không mấy ai biết và cũng không ai nghĩ và lường được của chính quyền Taliban là đã hủy diệt hai ngàn năm trăm cổ vật quý giá của bảo tàng viện Kabul.
Mới đây tại Trung Hoa người ta đang tôn tạo lại hai pho tượng Phật trên, tuy chỉ cao bằng nửa so với hai tượng cũ nhưng cũng được chạm khắc vào núi đá tại tỉnh Tứ Xuyên. Ở Thụy Sĩ đã bắt đầu một cuộc quyên góp để phục hồi hai tượng Phật lớn nhất thế giới này ngay tại thung lũng nơi có bức tường đá chạm khắc nổi hai bức tượng này để vĩnh viễn nhìn xuống con đường tơ lụa xuyên Á. Cuộc vận động do Viện Afghanistan, Bảo tàng Zurich, cùng đạo diễn nổi tiếng Bernard Werber khởi xướng và đã được nhiều người khắp nơi hưởng ứng. Nhiều nhà sử học và các ngành khoa học khác sẵn sàng đến tại Bamiyan, để cùng các công nhân Afghanistan phục hồi hai tượng Phật này.Từ các sự kiện đập phá và xây dựng tái tạo trên để chúng ta có niềm tin tuyệt đối rằng: Ngày nào các dân tộc trên hành tinh này còn gây chiến tranh do thù hận, tranh chấp, đố kỵ lẫn nhau, thì Đạo Phật vẫn còn mãi rộng mở nẻo về chân tâm với từ bi- hỷ xả.Một tượng Phật mất đi thì sẽ có hàng ngàn tượng khác được dựng lên trong lòng mọi người, ngày càng có nhiều người từ mọi giới đến với đạo Phật, giáo nghĩa Phật dạy sẽ trổ cơn mưa pháp tưới mát muôn loài, làm tiêu tan cái nắng thiêu cháy của tham sân đang bừng đốt.
Ngày xưa tôi đi cầu đạo trên bước chân "hành thiền lãng lí ", tôi đến Tùng Môn Trang với hành trang là lòng sám hối những tội chướng cũ và lòng day dứt khôn nguôi về những phiền não đầy ắp trong cuộc đời. Bảy món tình cảm của trần gian như lúc nào cũng trói buộc tôi trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tâm khởi tràn đầy tạp niệm mà mong cầu đạo cao, cái chỗ kiến văn tri giác mình tưởng đủ đầy, té ra chỉ là một hạt gạo mốc hư, cái tâm bay nhảy lung tung như chim chóc trên cành. Bậc đạo sư tôn túc thì vắng bóng, lấy ai chỉ điểm cho những nỗi nghi tình, những giáo thuyết trong Tam Tạng kinh điển thì có đcọ đấy nhưng mù mờ như người đi đêm, không biết làm sao để an tâm tự tại. Nghe, đọc thì dễ mà hóa ra quá khó, đường đạo trông thì gần mà cũng xa diệu vợi như tít tắp ngày về.
Đem cái sở học nhỏ bé ngã mạn của mình không biết nối với ai, trong thảo am trên đồi Tùng tôi giãi bày cho Giải Lập những hiểu biết của mình về đạo mà không biết là tà kiến, vọng ngôn.
Mỗi lần như vậy bằng đôi mắt trong sáng em nhìn tôi, cái nhìn đầy xót thương lân mẫn. Em nghe tôi nói như nghe tiếng gió lang thang trên đồi Tùng, không biết từ phương nào gió đến là rồi phương nào gió sẽ đi. Lặng lẽ em đứng dậy thắp một nén nhang thành kính lễ Phật, mỗi lần như vậy lòng tôi tỉnh táo như vừa ra khỏi cơn mơ, bắt đầu có chút ít tâm lực, nhờ đó mà lấy lại được cái khí lực đã tiêu vong. Hóa ra từ lâu tôi chỉ là một cái xác vô hồn, phiêu dạt trăm bến nghìn bờ mà cứ tưởng mình là đạo sĩ đang vân du độ thế.
" Trong thời mạt Pháp kẻ mặc áo Như Lai ngồi tòa như Như Lai, nói pháp Như Lai có thể không phải là Như Lai mà là ma quỷ. Người chứng đạo không chỉ là tu sĩ mà là cư sĩ, không phải đàn ông mà là đàn bà ". Tính bình đẳng và không chấp vào hình tướng giả tạm vô thường của đạo Phật trong đoạn văn trên đã như nhắc nhở người Phật tử khắp nơi, phải tinh cần tu tập bằng cái tâm của chính mình. Thời nay không riêng chỉ giới cư sĩ mà nhiều tu sĩ cũng phạm giới tà dâm, vọng ngữ, tham lam cố chấp. Trong hoàn cảnh thuận lợi để tu tập, nhiều người sinh ra kiêu căng coi thường giới luật, ngày càng chìm trong ngã chấp đến nỗi không thể hài hòa với đồng môn, đồng sự, họ không thể tìm thấy bình yên bởi phân biệt và đố kỵ.
Hãy là thiện tri thức trong mối tương quan đồng đạo hàng ngày, bởi vì tu là sửa mình, là dọn mình để an trú trong chân tâm. Nếu là Phật tử tại gia, hãy cố gắng hạn chế càng nhiều càng tốt cho đến khi tiêu trừ đoạn tuyệt với năm cái ác: sát sinh, trộm cướp, tà dâm, uống rượu, nói dối.
Giải Lập đã thường dạy tôi làm những việc rất nhỏ để giúp những người khó khăn, neo đơn một cách thiết thực. Em thường xuyên dẫn tôi đi giúp cho bà con làm vườn dưới thung lũng, khi bới khoai, tưới rau, xách nước hoặc cuốc giúp họ vài luống đất vườn.Những lúc ấy em thường niệm Phật và khuyên người khác trì niệm danh hiệu Phật theo mình.
Những lần em dẫn tôi đi trợ tang cho những gia đình nghèo, chăm sóc an ủi những ngừi bệnh, tôi thấy bà con gặp em ai cũng cúi đầu đảnh lễ thật lòng. Mỗi lần nhìn thấy vậy tôi tự thấy ngượng với lòng mình, nhờ đó mà phát tâm ăn năn sám hối vô cùng.
Giải Lập, giờ đây em đang ở phương nào? đang hành cước ở đâu? hoặc đang quyết tâm giữ công phu đạo hạnh của mình ở chùa, thiền viện nào? Nơi nào đó cũng thảy đều là Già Lam phước địa, là chốn Tào Khê - nơi người tiều phu năm xưa đã từng nói Pháp Kim Cương, nơi ấy cũng là Phương Bối và Tùng Môn Trang trong tâm cảnh.
Tôi nhớ như in, hình dáng của em nhẹ nhàng khi xách nước từ suối xa lên đồi Tùng, nhẹ và đẹp như những cánh sen non, nhớ đôi mắt hiền từ và giọng nói trong vang như mời gọi tĩnh thức, thông hiểu chân thật, thương yêu đến mọi loài.
Trong thảo am trên cái bồ đoàn cũ kỹ, em dạy cho tôi cách điều phục thân tâm, giữ gìn và theo dõi hơi thở khi thiền quán. Em giữ công phu không một ngày buông thả, những khi buồn ngủ và mê tâm trỗi dậy, em đứng dậy đi rửa mặt bằng nước lạnh buốt, thắp nhang lễ Phật và thiền hành quanh đồi Tùng. Tôi tập theo em, theo vị bổn sư nhỏ của mình nhất tâm nhất nguyện.
Tôi nhớ những bài học em truyền cho tôi trong những đêm trăng tỏa sáng đồi Tùng, những lần đó đến nay tôi vẫn còn nhớ và nhớ nhất là lúc ấy, cây cỏ, đá sỏi, hoa mây về trên đồi Tùng cũng phải nghiêng mình, thinh lặng.Tiếng kinh khuya trong thảo am của em từng sưởi ấm những đêm đông lạnh buốt ở cao nguyên. Ngoài cửa thảo am, vạn vật cũng như bị nhốt vào trong thinh lặng, im vắng kể cả tiếng gió hú qua non ngàn cũng nhẹ nhàng như lời thì thầm phát nguyện. Tôi nghe tiếng nứt vỏ của mấy cội tùng già như đang sắp hóa kiếp, cả mấy tảng đá nghìn đời như đang bước chân đi và tiếng mấy con chim chiêm chiếp trong đêm nhẩm theo lời kinh khuya vô ngại, như đang mơ cầu tịnh độ vãng sinh. Những đám sương mù che mắt như được quét sạch, tôi như vừa tắm xong trên dòng suối ấm, hoàn toàn thảnh thơi mát mẻ tâm thân.
Từ ngày xa Tùng Môn Trang trở lại bình nguyên và đi khắp cả trăm kinh thành trên thế giới, tôi chưa lúc nào quên em - Giải Lập - người thầy nhỏ của tôi dạo ấy!
Tôi đã từng dạy cả ngàn môn sinh ở quê hương cũng như ở xứ người, vẫn không quên niệm Phật và không dám xem nhẹ pháp môn tịnh độ để biện biệt với Thiền tu. Thời gian thành đạt trong thương trường để trở thành người có tiền, có cơ ngơi ở xứ người, tôi vẫn chẳng mảy may quên Tùng Môn Trang chốn cũ và chùa Lá ngày xưa!
Theo gió, tâm tôi thường về trên đất cũ. Những của cải, tiền bạc mà tôi vất vả kiếm tìm trong mấy chục năm qua, chưa hẳn là phước báo của kiếp này mà có khi là nghiệp chướng để phải trả cật lực cho đời sau.Nay có mai mất trên thương trường, may rủi, tiếc nuối cũng chỉ phút giây bận lòng. Bởi vì khi có thì cũng dễ như ngọn cỏ gió đùa, mất cũng là nước chảy hoa trôi.
Con đường tôi đi hơn năm mươi năm trên cuộc đời đầy nhọc nhằn vinh nhục, nhưng trong tâm tôi vẫn còn em - với gió miên viễn trên đồi cũ vườn xưa.
Có những đêm ngồi đợi máy bay trễ khi quá cảnh ở phi trường Đài Bắc, Đông Kinh, Hồng Kông, tôi nhìn lên trời đầy sao khuya và một ánh sơ huyền, làn gió nhẹ đầu mùa trên đất khách thổi qua đánh thức tâm tư. Tôi đã và về lại Việt Nam quê hương. Đã rời đã tới. Đã tao ngộ đã trùng phùng. " Nhà Thầy có đâu mà nhớ!" Lời nói của Thầy và câu trả lời chân thật của người tiểu sa di Tùng Môn Trang:
Thầy vừa đi hái thuốc
Chỉ nội núi mà thôi
Mây mù không thấy được
Giải Lập ơi! Trong một lần nửa mộng, nửa tỉnh dưới trời cao nguyên khuya khoắt, tôi hỏi em,:" Ngày mai tôi sẽ đi về phương Nam, em có vui lòng khuyên bảo tôi điều gì không?" Và em như Thiền sư Triệu Châu ngày cũ căn dặn:" Nếu anh đến phương Nam, nơi nào có Phật, anh cứ lặng lẽ đi qua, nơi nào không có Phật thì đừng ở lại ".
Nghe ngọn gió phương xa quen thuộc thổi về cửa lòng tôi chợt mở - Này, muôn đời tôi vẫn đang còn ở Tùng Môn Trang chốn cũ, chưa từng mất dấu đồi Tùng ngày xưa!
California- Sài Gòn tháng 11/2001