Một cuộc tranh tài

     úng như lời Rắn nói: Theo lẽ tuần hoàn của tạo hóa, hết đêm đến ngày, hết nóng đến lạnh, hết nắng đến mưa. Sau một thời gian đại hạn, những trận mưa ào ào đổ xuống suốt mấy ngày liên tiếp, khe suối tràn ngập nước, cây cỏ trở lại tươi tốt như xưa. Thú vật trong rừng không còn bị cái khổ thiếu nước nữa.
Thỏ đoán biết thế nào Sư tử cũng lùng bắt nó, nên đem vợ con đến ở một cái hang khác. Thỏ đã dự phòng đào nhiều hang để mỗi khi lâm nạn trốn thoát cho dễ. Từ dọn đến đây, Thỏ ít khi đi ra ngoài vì phải lo sửa sang cửa nhà cho chỉnh đốn, tích trữ lương thực phòng khi đói kém, kiếm một ít lông cừu rơm rạ chất thành đống để mùa đông tháng gia được ấm áp.
Thỏ cái đã khỏe mạnh, trở dậy làm những việc lặt vặt trong gia đình. Thỏ con lớn như thổi, vui vẻ bụ bẫm.
Một hôm, trời tạnh ráo, Thỏ nhảy lóc cóc đi chơi, vui chân nó thẳng đến quán Nghinh Phong của chị Nai dựng lên bên bờ sông để bán quà bánh. Quán sườn bằng tre, lợp lá kè, hình chữ nhật, chung quanh không có phên vách gì cả. Mùa hè gió lồng lộng thổi cả bốn mặt, mát dười dượi. Nhiều con thú thích đến đây ăn uống, cùng nhau đấu láo vui vẻ. Nhưng đến mùa đông thì quán vắng tanh. Gió hun hút thổi vào lạnh thấu xương. Chị chủ quán cũng phải dẹp hàng, tìm những hốc đá, những lùm cây rậm rạp ẩn núp cho qua những tháng mưa rét.
Thỏ đến nơi thì thấy Khỉ đang ngồi ngất ngưởng ăn đậu lạc với hai con trong quán. Chúng nó tay bắt mặt mừng chuyện trò vui vẻ. Rùa đâu từ dưới bến khệ nệ bò lên. Nhớ đến việc Rùa lập mưu bắt nó để tâng công với Sư tử nó còn uất ức trong lòng, định đứng dậy bỏ đi nơi khác. Nhưng sợ Khỉ cười thiếu thái độ quân tử nên nó lại ngồi yên.
Khỉ hỏi Rùa:
- Sáng nay, mới đầu canh năm anh đã trở dậy phải không?
- Sao anh biết?
- Vì nếu anh dậy trưa thì cũng phải chiều tối mới tới đây được. Bây giờ chỉ mới hết giờ ngọ (từ 11 giờ đến 1 giờ).
Rùa làm bộ thở dài nói:
- Anh cười tôi đi chậm, nhưng ở đời khối đứa tự phụ lanh lẹn mà cũng vẫn thua tôi.
Thỏ biết Rùa muốn nói bóng nói gió đến mình. Mấy năm về trước Thỏ đã bị bại trận trong một cuộc chạy đua với Rùa. Lòng tự ái bị thương tổn, nó ở suốt một tháng trong hang không bước chân ra ngoài.
Chuyến đua ấy sở dĩ Thỏ bị thua vì nó quá khinh thường địch thủ. Đối với Rùa, Thỏ đâu cần phải cố gắng, nó chỉ bước nhanh một chút, chẳng thèm chạy nữa, cũng thừa đủ nắm phần thắng trong tay.
Nay nghe Rùa nhắc lại chuyện cũ, Thỏ nóng bừng cả mặt. Nhưng nó đâu chịu thua ai về lời ăn tiếng nói? Nó hỏi Khỉ:
- Anh Khỉ ơi! Anh có hay tin Ểnh ương vừa mới chết không?
- Nó đau gì mà chết? Tôi có nghe ai nói đâu mà biết?
- Nào có bệnh hoạn gì cho cam! Nó chỉ vì cái khoe khoang mà chết mới đáng thương cho chứ! Để tôi kể lại anh nghe cho có đầu có đuôi.
“Ểnh ương đứng chơi ở bờ ruộng thì anh Bò đủng đỉnh đến ăn cỏ bên cạnh.
Một con Sáo Ngà đậu trên cành cây vốn không lạ gì cái tánh tự cao tự đại của Ểnh ương mới tán khéo nó một câu:
- Ối chà! Tôi trông hình dáng anh đâu có nhỏ gì hơn bác Bò mấy tí!
Ểnh ương nghe khen khoái chí, cố phềnh bụng cho thật to hơn trước, ngước mặt nhìn Sáo Ngà hỏi: Nầy anh sáo, tôi đã bằng bác Bò chưa?
- Chỉ còn kém ít ít thôi.
Ểnh ương lại cố gắng phềnh bụng lớn hơn nữa và hỏi Sáo:
- Anh xem thử. Bây giờ thì sao? Đã bằng bác Bò chưa?
Sáo Ngà giả vờ nghiêng bên này bên kia, nheo lại một mắt ngắm nghía Ểnh ương rồi nói:
- Mười phần anh đã được chín rưỡi rồi đấy. Nếu anh phềnh bụng chút nữa, có thể anh lớn hơn bác Bò cũng chưa biết chừng”.
Kể đến đây, Thỏ đổi giọng nói với Khỉ:
- Anh Khỉ ơi, tôi đâu ngờ Ểnh ương lại ngu ngốc đến thế? Nó làm sao mà to bằng Bò được? Bị Sáo Ngà phỉnh phờ mà nó cứ tưởng thật. Thế là nó ngồi dựa ngửa ra đàng sau đem hết sức phềnh bụng một cái thật mạnh. Da bụng nó đã căng tròn và đầy hơi lắm rồi, không sao chịu đựng được nữa, nổ vang lên một tiếng gan ruột đổ ra ngoài chết ngay lập tức. Tôi vừa thương vừa giận nó. Đã ngu ngốc lại tự phụ nữa.
Nhưng trong cái xã hội của mình đâu phải chỉ một mình Ểnh ương ngu ngốc? Cứ như anh Rùa mình đây chẳng hạn. Anh chạy đua với tôi thì có khác gì Ểnh ương phềnh bụng cho lớn bằng anh Bò?
- Anh nói thế mà không biết thẹn. Mặt dày mày dạn như anh là cùng. Tôi chạy chậm sao anh lại thua tôi?
- Vì hồi đó tôi khinh anh ra mặt anh biết chưa? Anh thử nghĩ, có ai chạy đua lại la cà giữa đường, gặm cỏ non, hái hoa, bắt bướm, ca hát lung tung? Anh thắng tôi là cả một điều nhục nhã chứ vinh hiển gì mà khoe khoang?
Rùa chậm rãi nói:
- Thế thì chúng ta thử đua lại lần nữa xem sao?
- Một trăm lần tôi cũng cóc sợ lựa là một lần?
Rùa bảo Khỉ:
- Để được công bằng, anh nhận làm trọng tài giúp chúng tôi nhé!
- Làm trọng tài thì khó khăn gì mà không nhận?
Rùa hỏi Thỏ:
- Thể thức cuộc đua, anh nhường cho tôi sắp đặt, anh bằng lòng không?
Thỏ đáp giọng khinh thường:
- Anh muốn sao cũng được cả, muốn chấp tôi cũng chấp cho.
Rùa chế giễu:
- Kẻ nào thắng một lần có thể thắng hai lần. Kẻ nào thua một lần có thể thua hai lần. Kẻ bại đòi chấp kẻ thắng, lời nói ấy ngược đời lắm không sao nghe lọt tai được. Nhưng lần này, khác lần trước ở chỗ anh chạy trên bộ còn tôi lội dưới nước, vì lội nước là sở trường của tôi, anh chịu không?
- Chạy trên bộ - xin lỗi anh tôi đã dùng lầm chữ - Bò trên bộ hay lội dưới nước, bay trên trời, tôi cho anh đem hết tài năng ra để đọ sức với tôi, tôi đâu có ngán!
- Khúc sông và con đường này chắc anh không còn lạ lùng gì. Tôi chia làm bốn trạm. Từ quán Nghinh Phong đến cây đa là trạm nhất, từ cây đa đến bụi tre là trạm nhì, từ bụi tre đến hốc đá là trạm ba, từ hốc đá đến bến đò là trạm tư tức trạm chót. Kẻ nào đến đích trước được lãnh năm quan và cứ hễ thua mỗi trạm thì bị phạt quất vào mông năm roi.
Thỏ ngắt lời:
- Đề nghị của anh có chỗ này chưa được ổn. Cái mai của anh cứng như sắt nguội tôi từng dẫm lên thình thịch mà chẳng thấm béo gì đến anh, nay quất hàng trăm roi chưa chắc anh đã nhúc nhích huống hồ năm bảy roi. Về điểm này tôi xin sửa lại. Nếu anh thua, chúng tôi sẽ lật ngửa anh ra mà quất vào bụng, như thế mới công bằng.
Rùa gật đầu đáp:
- Nếu tôi thua thì đánh chỗ nào tôi cũng chịu cả, chỉ xin chừa lại cái đầu vì tôi thờ cha mẹ tôi trên ấy.
Rồi nó nói tiếp:
- Lúc khởi hành, anh Khỉ ra hiệu lệnh cho chúng mình, nhưng về sau tưởng không cần phải phiền đến anh ấy nữa. Tại mỗi trạm kẻ nào thắng, kẻ ấy có quyền ra hiệu lệnh và phải đợi nghe hiệu lệnh đã mới được chạy được lội, không ai có quyền chạy ẩu. Đứa nào trái lời cam kết sẽ bị xem như thua cuộc. Tôi xin lỗi mà phải nói với anh Thỏ câu này: “Anh láo thiên láo địa không ai tin được. Chúng ta phải lấy danh dự của nhà Thỏ nhà Rùa mà thề độc. Số tiền năm quan phải giao nhờ anh Khỉ giữ hộ và cũng chính anh Khỉ sẽ cầm roi quất vào mông vào bụng kẻ thua cuộc để tránh khỏi thiên vị”.
Thỏ nghĩ bụng:
“Chạy trên bộ hay lội dưới nước đã dễ gì Rùa lanh hơn mình? Thắng được mình một lần nó tưởng bở. Trong họ ngoài làng ai lại chẳng biết cái tiếng ‘chậm như rùa’ của nó?”
Thỏ đáp:
- Anh thách mấy chục quan tôi cũng theo thứ năm quan mà sá gì?
Thỏ nói cho oai vậy thôi chứ trong nhà nó cũng chẳng sẵn tiền cho lắm. Đối với nó, năm quan đã lớn lắm rồi.
- Như thế thì tốt lắm. Chúng ta hãy trở về nhà mang tiền đến, đừng nói dài dòng mất thì giờ vô ích. Rùa lại tiếp: “Bây giờ đầu giờ mùi (khoảng 1 giờ) chúng ta hãy trở về ăn uống nghỉ ngơi, đến đầu giờ dậu (vào lối hơn năm giờ chiều) mặt trời chênh chênh gác núi, chúng ta phải tề tựu cả ở đây. Lúc ấy mát mẻ dẫu anh Thỏ chạy bở hơi tai cũng chẳng đến nỗi mệt nhọc lắm”.
Khỉ và Thỏ, Rùa cáo từ chị Nai rồi chia tay và hẹn sẽ tái ngộ.

*

Đúng giờ hẹn, khi ra đến quán Nghinh Phong thì Thỏ và Rùa đã thấy Khỉ và hai con ngồi trên ba cái ghế đặt quanh chiếc bàn con. Trên chiếc ghế thứ tư, Khỉ mời chị Ốc Sên đến chứng kiến cuộc chạy đua hào hứng này.
Khỉ đã thay đổi y phục, trông ra vẻ con nhà võ lắm. Nó mặc một bộ áo quần nỉ xanh đậm viền ở cổ và hai tay, bó sát vào thân hình; chân vấn xà cạp và mang một đôi giầy da láng mũi nhọn. Đầu nó đội mũ võ sinh, tay cầm chiếc roi đầu mút lòng thòng một chùm đuôi ngựa. Bên hông nó mang một chiếc gươm dài cắm vào vỏ da báo, trên cổ đeo một sợi dây chuyền vàng treo lủng lẳng một con ốc bể dùng làm còi báo hiệu.
Khỉ mời tất cả ra đường tụ họp. Nó dõng dạc tuyên bố:
- Anh Thỏ và anh Rùa sẽ so tài trong một cuộc chạy bộ và lội nước. Đối với anh Thỏ, có thể gọi là cuộc đua rửa hận, còn đối với anh Rùa nên gọi là cuộc đua gì nhỉ? - Khỉ kiếm mãi không ra chữ, mặc dù nó đã khỏ nhè nhẹ lên trán mấy cái.
Rùa nói:
- Tôi tạm gọi là cuộc đua Quyết thắng cũng được. Đã thắng một lần rồi, lần này tôi phải cương quyết để thắng thêm lần nữa.
Khỉ hết nhìn Rùa đến nhìn Thỏ nói tiếp:
- Hai anh hãy nghe kỹ lời tôi dặn: Anh Thỏ đứng trên đường quan, anh Rùa ngâm mình dưới nước. Điều cốt yếu là phải sắp ngang hàng với nhau. Anh Rùa có quyền lội nghiêng, lội ngửa, hụp lặn tùy thích. Anh Thỏ có quyền đi, bò, chạy, nhảy, hoàn toàn tự do theo ý muốn miễn sao đến đích là được. Tại mỗi trạm tôi đặt một Khỉ Con để kiểm soát. Nếu anh Rùa thắng, nó sẽ đưa cao lá cờ xanh và phất qua phất lại cho mọi người thấy. Còn anh Thỏ thắng, nó phất lá cờ đỏ. Sau khi ra lệnh khởi hành xong, tôi sẽ kiếm cách đến đón hai anh ở mức ăn thua, khi đó chúng ta định đoạt việc thưởng phạt.
Thỏ Rùa vâng vâng dạ dạ. Khỉ dặn tiếp:
- Giờ đây tôi sẽ thổi lên hai tiếng còi dài để các anh chuẩn bị. Khi nghe tiếng còi thứ ba, ngắn hơn, các anh bắt đầu cuộc đua.
Nó bảo hai Khỉ Con:
- Chúng bây hãy đi lanh lên, một đứa túc trực ở trạm thứ nhất, một đứa túc trực ở trạm thứ hai, cứ theo lời tao dặn mà thi hành.
Chợt Khỉ dẫm chân la lớn:
- Thôi chết rồi! Thiếu mất một trọng tài phụ ở trạm thứ ba.
Nai nói:
- Anh không phải lo. Đã có tôi và chú Ốc Sên. Tôi đại diện anh Thỏ còn chị ấy đại diện anh Rùa thế là đủ lắm rồi.
Nói xong Nai mang Ốc trên sừng, chúm bốn chân nhảy vun vút như tên bắn. Thỏ nhìn theo phải phục tài chạy lanh của nó. Rùa bò lần xuống nước. Thỏ nhìn theo bĩu môi nói:
- Cái bộ khệ nệ chậm chạp như vậy mà cũng đòi tranh tài với cặp giò thượng thặng này.
Rùa ngảnh cổ nhìn lui đáp:
- Rồi chúng ta sẽ hay nhau, cần gì phải nói trước.
Thổi xong hai tiếng còi dài và tiếng thứ ba ngắn để cho rùa và Thỏ khởi hành, Khỉ nhảy tót lên cây rồi tung mình vít lấy cành này chuyền sang cành khác, khi nhào lộn, khi đánh đu, thoăn thoắt, vun vút như bay bổng giữa lưng chừng trời. Nó cũng muốn trổ tài phi thân kỳ diệu của nó, vì nếu hai tay đua đến trước mà trọng tài đến sau thì còn gì là thể diện nữa.
Đối với Thỏ cuộc thi đua này quan hệ về tiền tài, danh dự và thể xác. Nghĩ đến việc rửa mối hận ngày trước, nghĩ đến việc đem năm quan tiền về nhà, Thỏ Cái tha hồ sắm sửa, ăn uống no nê, nghĩ đến việc Rùa bị lật ngửa phô bày cái bụng trắng toát, Khỉ cầm roi phết xuống đen đét, Thỏ tủm tỉm cười một mình. Còn nó thua thì sao? Thỏ không dám nghĩ tiếp, lao mình chạy như điên.
Thỏ mừng rỡ vì chỉ còn năm sáu thước nữa là đến trạm thứ nhất, nhưng nó đau khổ ngay khi thấy Khỉ Con đưa cao lá cờ xanh phất lia lịa. Nhìn ra mặt sông, ngang với gốc đa, nó thấy Rùa thò đầu lên chào nó:
- Anh chạy cũng khá lanh đấy chứ. Nếu anh cố gắng thêm chút nữa thì kịp tôi rồi.
Thỏ thôi thúc:
- Đua tiếp cho rồi, ba hoa mãi.
Rùa đáp:
- Anh đã lại nóng giận rồi. Anh không biết hiện rong và bèo đang vướng vào chân tôi hay sao? Ít ra tôi cũng phải gỡ cho xong cái “vụ rắc rối” này mới lội được chứ!
Thỏ sốt cả ruột nhưng Rùa cứ thủng thẳng khiến nó càng thêm điên tiết. Trạm thứ hai rồi đến trạm thứ ba, trạm nào Rùa cũng đến trước Thỏ nhưng chỉ chừng mươi thước trở lại, khiến Thỏ càng giận mình không chịu đem hết khả năng để tranh tài. Mỗi khi đến một trạm nào, Rùa đâu đã chịu ra lệnh khởi hành ngay, hết lấy cớ chân bị vọp bẻ đến cơn ho đang nổi lên chưa thể lội được. Thỏ thấy Rùa chọc tức mình một cách quá sá, nhưng trót đã giao hẹn với nhau rồi, đâu có thể bỏ cuộc được!
Trạm chót dài hơn hết mới thật sự định đoạt hơn thua. Thỏ nghĩ bụng: Dẫu mình bị quất mấy chục roi đi nữa, nhưng được năm quan cũng vẫn hơn. Tục ngữ đã nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”, bị quất hết sức chợt da chảy máu là cùng.
Tuy đã quá thấm mệt, nhưng bao nhiêu sức lực còn lại Thỏ quyết đem ra tranh hùng, như ngọn đèn cạn dầu bùng sáng lên trước khi tắt.
Không phải nó chạy, cũng không phải nó nhảy mà nó phóng vùn vụt khiến người ta có cảm tưởng chiếc tên đang bắn đi. Khi sắp đến mức ăn thua, nó không kể gì nguy hiểm đến tánh mạng, văng mình tới trước nằm sóng sượt trên mặt đất.
Nhưng than ôi! Rùa đã đến trước và từ dưới bờ sông bò lên lãnh giải.
Tất cả đều ngạc nhiên về tài bơi lội lanh lẹn của Rùa và đều thán phục sát đất. Thỏ cũng hết sức lấy làm lạ khác nào trông thấy ma quỷ giữa ban ngày.
Khỉ trao một chục quan cho Rùa (năm quan của nó và năm quan của Thỏ), hoan hô nó nhiệt liệt. Rùa đáp lại những lời khiêm nhượng của kẻ chiến thắng:
- Tôi nhờ có dòng nước đưa đẩy, không thì dễ gì hơn anh Thỏ được. Anh mới thật là kẻ tài ba xuất chúng.
Về phần Thỏ, đã bị mất tiền còn bị Khỉ quất mười lăm roi liên tiếp, nhiều chỗ bị mất từng chùm lông bày cả da thịt. Nai phải dìu nó về trong một tình trạng bi thảm.