CHƯƠNG 7

     rong ba ngày, Tiến tìm đến từng tổ của B.8 đang nắm du kích chặn các ngả đường rừng. Cơ sở It-xa-la lãnh đạo nhân dân đánh Pháp khá vững. Pháp tấn công vào làng kháng chiến Thông-nọi ba lần, bị lưới chông bẫy chằng chịt hất lùi không vào lọt. Du kích Pa- thôn anh dũng nhất đã chèo thuyền len lỏi trong các bưng (đầm lầy) đánh úp các bộ phận tiếp tế của địch. Trong khi ấy, bộ đội It-xa-la bất thần hiện ra, diệt gọn một toán quân nhỏ và biến đi như chớp.
Một liên lạc viên của huyện lùng ra Tiến, mời về họp Chi ủy. Tiến còn ở nán lại đánh với anh em một trận “chim sẻ” nữa, rồi về sau một mình.
Lạc rừng mãi đến gần trưa Tiến mới tìm ra đường vào bưng Pa-thôn. Chỗ giấu thuyền đây rồi.
Nhìn quanh không thấy dấu vết khả nghi, Tiến xắn  quần lội xuống nước, đi dò dẫm theo bờ cỏ rậm độ mươi thước. Chiếc thuyền độc mộc dìm dưới nước đục ngầu vẫn còn nguyên. Anh khua chân hất những tảng đá chất trong lòng thuyền ra ngoài, kéo một đầu thuyền lên cao, mím môi đẩy mạnh. Đuôi thuyền đẽo bẹt hình đuôi cá nổi dềnh lên, nước đựng trong thuyền ùa ra tung tóe. Đẩy lui tới năm sáu lần cho nước ra gần hết, anh rút cây sào trong bụi rậm, nhảy lên thuyền. Hai con đỉa bầy nhầy bằng ngón tay cái đeo bên bẹn. Anh rứt mạnh từng con ném lên bờ, những vết cắn ba khía chụm hình tam giác ri rỉ máu. Thuyền rẽ nước luồn qua các bụi cây.
Vừa lúc ấy tiếng giày khua đá lốc cốc tới gần. Một toán lính đỏ ập đến, lố nhố mũ cao-bồi bấm khu bẹp vành. “Dút! Dút!” (Đứng lại). Mấy băng súng máy xả theo, chém lá rào rào. Chậm mất rồi, bóng áo xi-ta mất hút vào trong bưng, không tăm dạng.
Bưng Pa-thôn dài bảy tám cây số là một chiến khu rất tốt. Trong bưng nhiều gò đất um tùm; rải rác trên mặt nước nhô lên những lùm cây tròn như bát xô đầy. Nhà bí mật và kho lúa nhan nhản; làng kháng chiến Pa-thôn cũng ở đây. Pháp biết rõ nhưng không vào lọt, chỉ ném những toán quân nhỏ ngày đêm lùng lội bên ngoài.
Bước lên nhà bí mật của ông trưởng thôn, Tiến cau mày khó chịu.
Trong nhà chỉ có một mình đồng chí Mạc nằm dài trên võng ngáy dòn. Ngủ ra dáng cái ngủ, súng nổ xé tai không biết. Ông bí thư liên chi sướng thật... Nhưng bước lại gần, Tiến biết mình nghĩ bậy. Trong giấc ngủ, khuôn mặt vốn luôn luôn tươi tỉnh của Mạc đượm một vẻ đau đớn phiền muộn khác thường. Đôi mắt lõm sâu, trũng xuống thành bọc dăn deo, dưới mi hằn thêm những nếp nhăn mới. Môi mím chặt dưới cái mũi gẫy. Khăn vẫn quấn sù sù trên cổ. Nhìn một em bé ngủ, người nghèo tình cảm nhất cũng muốn cúi hôn đôi má phinh phính, hay ấn ngón tay trỏ vào bàn tay em nắm chặt, ngây thơ và tin tưởng cả trong mơ. Nhưng vẻ mặt người lớn ngủ chỉ gây cho người khác một ý nghĩ thương hại.
Tiến buộc võng bên cạnh Mạc, nằm xuống lim dim mắt. Nỗi buồn chán lạ lùng cứ lẩn khuất đâu đây, xua đi một lát lại về ám ảnh, trùm chung quanh Tiến một tấm màn đen kịt.
Tiến đã trót yêu một đứa gián điệp. Nhiều lúc anh cố tình không nhìn nhận mình yêu Kham. Nhưng khốn nỗi không yêu sao lại nhớ khổ nhớ sở, lo cuống lo cuồng trong nửa tháng nay. Ừ thì có yêu, nhưng giờ mình dứt khoát thôi, thôi hẳn. Chẳng qua chỉ là một phút hoa mắt, mê say... Nghĩ đến mình bị sa vào mỹ nhân kế, Tiến uất người lên, mắng mình sao không cho nó một phát rảnh nợ. Kỷ luật là cùng chứ quái gì!
Rồi Tiến tẩn mẩn viện ra những lý lẽ hiệu nghiệm nhất để chứng minh rằng yêu Kham là một sự rồ dại. Yêu làm quái gì, có lấy được cóc đâu. Ngôn ngữ bất đồng, thủy thổ bất hợp. Địch tuyên truyền người Việt sang lấy vợ Lào để đồng hóa dân Lào, nói thối thế cũng có kẻ tin. Đánh giặc sống chết như trở bàn tay, còn đi tơ tưởng này nọ, không biết xấu...
Nhưng sau một hồi hùng biện với mình, Tiến lại thấy hiện ra đôi mắt to quá khổ, đen lay láy ướt nhòa, nhìn anh van lơn và uất ức. Trong đôi mắt ấy Tiến không thể tìm thấy một chút giả dối. Nếu Tiến lầm lẫn, Kham tuyệt vọng thì... Tiến hoảng sợ ngồi lên, lay Mạc mấy cái. Mạc ậm ừ, nói lúng búng như nhai bột:
- Gạo tiền hết rồi. Còn muối Xê-liên.
Anh lại ngáy pho pho. Tiến thương hại, không đánh thức nữa. Anh vớ tập giấy đủ cỡ trên bụng Mạc, tò mò lật xem để đỡ nghĩ quẩn. Báo cáo của B.8, của các đội xây dựng, các đội xung phong công tác vùng sau lưng địch, các tổ trinh sát, tổ sản xuất, bệnh xá, trạm liên lạc mấy chục đơn vị đều réo bốn tiếng: gạo - tiền - muối - đạn. Tình hình cung cấp Tiến đã biết rõ. Đạn được mấy thùng Việt Nam gởi lên hết veo ngay. Tiền cũng cạn. Liên khu 5 đánh Cửu An Tú Thủy được tiền Đông Dương, gửi lên cho Hạ Lào đâu nửa triệu. Chính ủy tình nguyện quân ra trung ương họp, xin được nửa triệu. Như muối bỏ biển. Đến cuối năm 1953 rồi, lính Hạ Lào vẫn không biết đồng phụ cấp tròn vuông ra sao, và tiêu chuẩn cung cấp là cái gì.
Tiến chợt thấy cuốn sổ tay bìa cứng bọc vải đen rơi dưới đất, lật trang giữa. Anh nhặt lên, đọc hú họa một dòng đầu trang: ... giáo dục của Lũy còn nhiều chỗ lệch. Lũy nghiêm khắc đúng mức đối với khuyết điểm, nhưng lại coi thường ưu điểm và thành tích của cấp dưới...”. Đúng cuốn sổ ghi chép hàng ngày của Mạc, đi  đâu cũng độn to phềnh túi quần. Đôi người đồn đại, nửa đùa nửa thật: “Tao vô phúc vào sổ đen ông Mạc rồi. Đời đi đứt!” Tiến khép quyển sổ định đặt trả trên bụng Mạc. Nhưng rồi tò mò muốn biết những điều ghê gớm trong “sổ đen”, anh lại lật ra đọc lướt nhanh, mang tai hơi nóng. Mạc vẫn phì phò trên võng.
Nét chữ tháu ghi công việc linh tinh, tình hình đơn vị và cơ sở cả những đoạn nhật ký. Không có chút gì ghê gớm như Tiến nghĩ. Đến những trang cuối, Tiến đọc kỹ hơn. Một số cảm nghĩ hàng ngày của Mạc, ghi lẫn lộn với số gạo muối, mệnh lệnh tác chiến của khu, và lợn rừng phá rẫy phải bắn gấp.
12-8-53 - Bị kiểm điểm trong L.C Ủy vì viết giấy giới thiệu đi lại cho Sanh. Đồng ý nhận. Ban đầu mình khó chịu vì quyền hạn quá hẹp. Trưởng thôn Lào cấp giấy được, còn Trưởng ban xây dựng huyện thì một trăm nguyên tắc buộc cổ. Nhưng nghĩ lại thấy đúng. Phải tiến tới cán bộ Việt không còn một tý quyền hạn nào nữa, vì đây là đất Lào của người Lào.
Mình vẫn muốn được việc, hay làm ẩu.
15-8-53 - Sức bị phục kích bắn thủng ruột, về đến Huội-bôk thì chết, vẫn không bỏ súng. Chôn bên mộ Xuyên. Rừng phía Nam làng Huội-bôk, cạnh gốc sung to.
Dân làng vẫn không hay. Mẹ nuôi Xuyên vừa gửi cho con một chai mật ong. Mình trả lời: “Xuyên về khu rồi”. Không biết nói thế nào khác.
21 -8-53 - Ngủ rừng Pà-đăm muỗi như quỷ Biệt kích thọc xuống ba bận trong hai ngày nay. Anh em Pà-đăm chỉ ao ước một cái màn. Tội quá.
Lại tranh luận với Liệu về một vân đề rất cũ: Người Việt sang Lào để làm gì? Câu hỏi ấy đến nay vẫn chưa ai trả lời thật thông. Mình cũng chịu.
Nói sang giúp cách mạng Lào cũng không đúng hẳn. Vì người vô sản yêu nhân dân nước bạn như nhân dân mình, xem cách mạng nước bạn như cách mạng nước mình. Đã là việc của mình thì nói giúp nghe nó chướng tai lắm. Có ai nói 'tôi làm giúp tôi” bao giờ không?
Mà nói sang làm cách mạng Lào lại càng sai to. Vì cách mạng Lào phải do người Lào tự làm lấy. Anh em Việt mặc phạ-xà-lùng, diễn thuyết tiếng Lào như cháo chẩy nhưng không bao giờ được quên cương vị mình là người nước ngoài.
Trong các văn kiện mặt trận liên minh Việt-Miên-Lào, trung ương vẫn dùng chữ giúp, nhưng dặn đi dặn lại nói là giúp vì không có chữ nào hợp hơn. Gay thật.
1-9. Thư của Đính, ba tháng mới đến tay. Lời lẽ hơi tui tủi. Con đã khỏi trận thương hàn chết hụt, đầu cạo trọc lốc, chạy đuổi chó con suốt ngày. Ai hỏi bố đi đâu, nó bập bẹ: “Bộ-ội”.
Đọc thư xong, mình chật vật lắm mới theo dõi được Sảnh đang hội báo tình hình.
Bao giờ ba mới biết mặt con? Bao giờ em Đính mới gần chồng được quá hai ngày? Đừng oán anh, Đính nhé. Anh đã nói thật với em từ ngày chúng ta mới biết nhau kia mà...
Tiến ngấc đầu nhìn Mạc, bâng khuâng. Mạc thường khêu gợi hỏi chuyện đời tư của anh em, riêng anh không mấy khi nhắc đến vợ con mình. Tuy vậy anh không phải sắt đá như Tiến thường nghĩ. Tự nhiên Tiến cảm thấy Mạc có cái gì gần gũi mình hơn trước.
3-10 Khu bộ - Họp ban Cán sự, thống nhất nhận định về chủ trương càn lâu quét kỹ của địch. Xây-thả-von như trứng để đầu đẳng, lo quá.
Phan cho mượn xem những tài liệu về đội quân quốc tế giúp Tây Ban Nha, Hồng quân Liên Xô giải phóng các nước Đông Âu, Chí nguyện quân Trung Quốc giúp Triều Tiên. Đọc say sưa đến gần sáng, mình chợt nẩy ra một ý nghĩ là lạ...
Lối giúp của Việt Nam đối với Lào - Miên không giống những sự giúp đỡ quốc tế trước đây. Bên cạnh viện trợ kinh tế và quân sự, theo nghị quyết Liên minh ba nước ngày 11-3-51 ta còn giúp các mặt trận It-xa-la và It-xa-rắc hàng nghìn hàng vạn cán bộ cùng với họ đi vận động cách mạng, xây dựng cơ sở chính trị, phát động chiến tranh du kích.
Phải chăng đó là một hình thức đỡ độc đáo trong lịch sử cách mạng thế giới, do Đảng ta đã thực hiện lần đầu tiên trong hoàn cảnh đặc biệt của cuộc kháng chiến Việt - Miên - Lào?
Phải chăng tình nguyện quân Việt Nam là những chiến sĩ quốc tế đầu tiên được trực tiếp tham gia vận động cách mạng ở các nước bạn? (đây không tính những trường hợp lẻ tẻ, cá biệt ở các nước khác).
Mình ngờ ngợ mãi, sau đem bàn với Phan. Cậu ta tròn mắt như bị xúc phạm:
- Bậy nào, mình làm gì so sánh được với Liên Xô, Trung Quốc!
Đến lượt mình ngạc nhiên vì lối võ đoán ấy. Nhưng cuối cùng vì dốt lịch sử cách mạng quá, mình đành chịu không biết căn cứ vào đâu mà cái với Phan. Ghi lại đây để nhớ một nhận xét hơi táo bạo.
5- 10 - Hội nghị xong. Gặp Rộc mới lên, béo đỏ. Được nếm mùi nước mắm viên, quý hóa làm sao. Giật nhau quyển “Xung kích” rách mất mấy tờ.
Rộc kể một chuyện đáng buồn: Ở Phú Gia có một vài gia đình rất quý bộ đội nhưng không dám cho “lính Hạ Lào” ngủ nhờ. Ngại ghẻ, rận, ở bẩn. Nhiều cậu tình nguyện tủi thân, ra buộc võng nằm ngoài vườn, nói bâng quơ cho dân nghe: “Nhân dân đón tiếp lính tình nguyện về nước đấy! Các chiến sĩ đại biểu cho tình thần quốc tế chủ nghĩa của nhân dân Việt Nam đấy!”
Mình nghe chuyện nửa thương nửa bực. Rêu rao kể công như thế làm gì? Một ngày kia...
Mạc khẽ cựa mình, ú ớ mệt nhọc. Tiến hớt hải gập quyển “sổ đen” đặt trả trên ngực anh.
Tiến không nghĩ xa như Mạc. Nhưng mỗi khi nghe tin chiến sự bên nước, hoặc nhận những kiện quân trang vũ khí từ liên khu 5 gửi sang, anh lại thấy vừa thương vừa tự hào. Tội nghiệp cái nước Việt nhà ta! Kháng chiến bẩy tám năm nghèo rớt mồng tơi, nghèo nhất trong phe dân chủ đấy, mà vẫn chắt chiu từng manh áo viên đạn, san sẻ cho nước bạn cùng đánh Tây. Cứ ở trong nước thì chả thấy gì lạ, ngỡ dân tộc mình kháng chiến cũng thường thường thôi. Đi xa mới biết anh hùng ra dáng chứ phải vừa!
Ngày mới lên Lào, Tiến còn mang nặng cái tư tưởng coi thường dân tộc bạn. Nhưng trải qua nhiều năm đi dân vận và nhiều đợt học tập, anh mới hiểu rõ nhân dân Lào, và yêu chung cả hai nước không phân biệt lớn nhỏ. Nhờ đó công tác đối với anh trở nên dễ dàng, gợi được nhiều hứng thú và sáng kiến.
Bần thần một lúc, Tiến lại bắt chợt mình đang nghĩ đến Kham. Anh phát cáu, lay Mạc dậy bằng được. Mạc bật người ngồi thẳng lên, dụi mắt:
- Tưởng có chuyện... Sao về muộn thế?
Chi ủy đã họp xong trước khi Tiến đến, sau đó chia nhau về cơ sở cả. Rửa mặt xong, Mạc cuộn một điếu thuốc lá to, vừa pha trò vừa cười. Tiến ngạc nhiên thấy tất cả những nét phiền muộn trên mặt anh đã biến đâu mất. Có lẽ ông Mạc chỉ lo buồn trong khi ngủ...
Mạc trao cho Tiến tờ giấy đánh máy:
- Cậu chỉ ham đánh, bỏ cả họp chi ủy. Dốt tình hình còn đánh chác thế nào được. Đây, khu gửi quyết nghị đề bạt cậu chính thức B trưởng, phụ trách B 8. Sơn-Linh không về nữa đâu.
- Sao thế?
Mạc gẩy tàn thuốc lá, buồn rầu:
- Thằng Linh thế mà trụt dài. Chiến đấu bao nhiêu năm, chỉ phải cái kiêu ngạo sinh hỏng. Nó tuyên bố: không đề bạt thì xuất ngũ. Nó về Việt nghỉ lấy vợ, rồi xuất ngũ thật. Bây giờ xoay ra đi buôn dọc đường xe lửa An Tấn về Bồng Sơn, hình như hay va chạm với công an... Thôi, cậu báo cáo tình hình đi, Na-bua giờ ra sao?
Tiến thốt ra một câu chán nản:
- Hỏng cả rồi anh ạ! Vỡ hết!
Nghe Tiến trình bày tình hình Na-bua, Mạc cau mày ghi chép thỉnh thoảng lại gõ gõ cây bút như nóng ruột. Anh sửng sốt nhìn lên khi Tiến buột nói:
- Với lại tôi nghi con bé Bua Kham là gián điệp.
Thấy Mạc ghi nhanh “B.K?” trong sổ, Tiến phát ghê rợn như mình đang đọc bản án tử hình của Kham. Đôi mắt hạt nhãn đẫm lệ lại hiện lên... Lưỡi dính vào mồm, Tiến hấp tấp thuật lại những hành động khả nghi của Kham, không dám nhìn cuốn sổ và không thấy Mạc tủm tỉm cười. Một nụ cười hóm hỉnh, khó hiểu.
Nhưng đến khi nhận xét tình hình chung làng Na- bua, Tiến nói lưu loát hơn. Tất cả tội phá cơ sở làng Na-bua anh dồn hết cho Kham, tàn nhẫn và đau xót, với cái thú của người chà đạp trên lỗi lầm cũ của mình. Kỳ lạ làm sao, anh không thấy thù ghét Kham nữa, mà lại có cảm giác mỗi lời buộc tội của mình đối với Kham là một cái tát trên mặt “cái thằng mê gái, ngu ngốc, mắc lừa gián điệp, cái thằng Tiến đã lõi đời mà còn dại”.
Mạc gấp cuốn sổ đánh bộp, đột ngột ngắt lời Tiến:
- Đồng chí nghe tôi phổ biến tình hình chung trước đã.
Mạc trải tấm bản đồ Xây-thả-von trên mặt đất, gọi Tiến đến ngồi bên và nói vắn tắt về tình hình chống càn. Giọng anh trở nên nghiêm khắc:
- Cơ sở Na-bua so với Pà-đăm và Hạt-luỗng còn khá hơn nhiều. Đồng chí xây dựng Na-bua ngay từ đầu mà vẫn chưa đánh giá đúng trình độ cơ sở, chưa chi đã cho là hỏng bét. Dân làng vẫn đấu tranh, cơ sở vẫn liên lạc được với ta, sao lại...
Tiến chua chát cắt ngang:
- Anh bảo tôi báo cáo láo chứ gì?
- Không láo, nhưng chưa đúng sự thật. Vì đồng chí ham đánh hùng hục, không về họp chi ủy để nhận định tập thể. Đồng chí có những nhận xét cá nhân lệch lạc như đối với Bua Kham chẳng hạn. Chỉ hai lần báo tin sai, đồng chí đã quy cho người ta cái tội tày đình...
Bị chỉnh mạnh, nhưng Tiến lại phập phồng vui sướng. Mạc dồn luôn:
- Xây dựng cơ sở như thế thì hỏng. Nghi ngờ, bi quan, lại hờn dỗi nữa chứ! Hôm đồng chí sang giúp Vi- xiên, tôi với phò Phun đến Na-bua, gặp Bua Kham ra báo cáo tỉ mỉ. Nó chưa biết mô tê nào về công tác, lại bị thằng Mắt-mèo phao tin rối mù, trách nào không báo sai. Dân vận bao nhiêu năm, đồng chí vẫn nông nổi lắm. Trong những dịp thử thách lớn như thế này, cơ sở nhất định phải phân hóa. Và những phần tử tốt như Kham tiến bộ đột ngột lại vượt lên trên một số hội viên cũ, giàu kinh nghiệm nhưng nhát gan...
Mặt rạng rỡ, Tiến ngửng nhìn Mạc, thầm cảm ơn anh đã bênh vực Kham một cách quyết liệt, dứt khoát không cãi vào đâu được. Tiến muốn nghe anh chỉnh mãi, bào chữa mãi cho người Tiến yêu say đắm và giờ lại yêu thêm gấp năm gấp mười lần.
Đồng chí bí thư liên chi hiểu lầm cái nhìn ấy là oán trách. Anh đi qua lại một lúc, rồi dịu giọng an ủi:
- Tôi nói hơi quá đấy. Thật ra đồng chí chi bi quan thôi, có lẽ vì trước kia nhận định cơ sở quá vững. Nhưng báo cáo thật thà như thế tốt lắm, tôi chỉ sợ những anh cố ý tô vê, thổi phồng cơ sở để kiếm thành tích.
Ngập ngừng, Tiến cố cãi gượng một cái lý cuối cùng, để sau này lương tâm khỏi cắn rứt:
- Hình như người ta... Bua Kham ấy mà, nó định mua chuộc... không, nó quyến rũ tôi hay sao ấy. Anh xem...
Mạc đứng phắt lại, giương mắt ngó Tiến như cái quái tượng, rồi phá lên cười sằng sặc, ôm bụng mà cười:
- Đồ... đồ ngốc! Hì hì... ngu ơi là ngu! Nó... hì... ưng cậu, nó mê cậu, hiểu chưa? Gặp ai nó cũng hỏi thăm cậu. Con bé vừa xinh, vừa ngoan, lại gan góc ra trò... Xứng đôi lắm!
Đỏ gay mặt mũi, Tiến cũng bật cười theo.
Một lát sau, hai người cuộn thuốc lá hút, nằm dài bên nhau thì phèo nhả khói. Mạc nhìn chú liên lạc cũ của Sơn-Linh, trách mình ban nãy quá nặng lời.
- Ban này mình nóng, cậu thắc mắc không?
- Báo cáo không ạ.
Mà thật, Mạc rất ngạc nhiên thấy Tiến bị sạc vẫn không buồn, lại vui nữa là khác. Mặt cứ tươi hơn hớn. Nghĩ đến Khám và Tiến, anh thấy thú vị. Quả chúng nó đẹp đôi với nhau thật. Ngây thơ, bồng bột, yêu đời... lứa tuổi trẻ hai dân tộc đang lớn lên trong cách mạng. Tiếc rằng hoàn cảnh không ra gì, chúng nó yêu nhau rồi cũng chưa đi đến đâu. Bộ đội tình nguyện không ít người yêu phụ nữ Lào, nhưng chỉ biết hẹn đợi nhau đến ngày hai nước cùng độc lập.
- Này, cậu thương nó chứ?
- Không, không...
- Thật không hả?
- Ừm... không ạ.
Cái giọng “không ạ” rất yếu ớt ấy Mạc không lạ gì. Biết Tiến cũng để ý Kham, anh định hỏi xem vì sao ban nãy Tiến mạt sát Kham tệ thế, nhưng lại thôi. Giữa trận càn, hỏi lắm chỉ tổ gây thêm lo nghĩ. Mạc chép miệng giọng anh đượm một chút ngậm ngùi thông cảm:
- Phải đấy Tiến ạ. Chúng mình như kíp thợ xây nhà. Dầm mưa dãi nắng mãi, đến khi nhà ấm lửa đỏ đèn là thợ cuốn gói tếch đi nơi khác. Đa mang làm gì thêm khổ.
Câu nói bâng quơ ấy, Tiến nghe nhưng không chú ý mấy, vì đang nghĩ đến Kham.
Phổ biến xong các nghị quyết của liên chi ủy, Mạc cuộn võng buộc tròn quanh lưng, chuẩn bị sang ủy ban Lào. Đồng chí cần vụ chống thuyền đến đón. Mạc dặn lần nữa:
- Nhớ đấy, tắm giặt rồi nghỉ một giấc. Mai hẵng đi tìm tổ It-xa-la và du kích Na-bua cũng được, đừng gắng quá sinh ốm. Trông cậu rách bươm, bơ phờ, xấu trai quá.
Mạc bước ra sân, hơi khập khiễng. Hôm qua anh tụt dép cao su đưa cho một đồng chí trinh sát: “Đừng ngại, mình không chạy nhiều như các cậu đâu”. Rồi chân không xéo đá ong đau méo mặt, anh đi về đây.
Tiến trông thấy, vội cởi dép ném theo. Mạc lắc đầu bước xuống thuyền:
- Chả cần, mình không chạy nhiều như các cậu đâu!
Đồng chí cần vụ cũng lắc đầu bực dọc. Nếu không can ngăn chắc ông Mạc đem của nả chia dần cho anh em hết sạch mất. Mà nào có phải “không chạy nhiều” cho cam!
Chiếc thuyền độc mộc chòng chành. Mạc ngồi trước mũi, lên đạn các-bin đánh rắc. Thuyền trườn qua bãi rong lập lờ sát mặt nước như một mái tóc lớn xõa trôi, dần dần khuất sau cây rậm.

 

Suốt buổi chiều hôm ấy Tiến chống thuyền đi tìm lán bí mật của các hội viên It-xa-la làng Na-bua trốn trong bưng. Anh kể lại những cuộc đấu tranh của dân làng, của Bua Kham rồi tỉ tê khuyên nhủ từng người:
- Đôi chim Nôk-khiển bay chắp cánh đậu liền cành. Một con bị đạn, chim bạn liền sà xuống cứu. Vượn đi chung bầy, một con trúng thương cả bầy liền cõng chạy thoát. Bà con trong làng như chim cùng tổ, như vượn cùng bầy. Chúng ta là người lãnh đạo, lẽ nào tìm cách thoát thân một mình?
Có người cúi đầu hổ thẹn. Có người sừng sộ. Có người lắc đầu duỗi tay. Nhưng cuối cùng Tiến vận động được năm người trong số bảy hội viên It-xa-la lưu vong trở về làng. Họ ngậm ngùi nhắc lại chuyện lập làng kháng chiến: “Giá trước đây chúng tôi nghe anh thì đâu đến nỗi...”
Từng lúc một, Tiến nghĩ đến Kham bị nghi oan. Nỗi thương nhớ và hối hận giống như nồi nước sôi trên lò than, chốc chốc lại phì một luồng hơi nóng dãy trong lòng anh. Những lúc ấy Tiến ngừng bặt, ngồi thừ ra như người đãng trí, rồi giật mình: “Vâng, vâng...” Những lời thấm thía anh nói hôm nay, Tiến tưởng như chính lời nhắn nhủ của người yêu đang gọi dân làng về chung sức chống Pháp.
Chỉ còn tổ du kích của Đeng bạt đi đâu không tìm ra.
Sẩm tối, Tiến trở về nhà bí mật của mè Phao. Nhà mè kê lọt thỏm trong một bụi cây tròn nhô giữa đầm nước. Mũi thuyền rẽ lá chui vào bụi, nghếch luôn lên sàn gỗ. Thấy Tiến bước lên, mè gắt om sòm để giấu cảm động:
- Tưởng mày bỏ tao rồi! Chứ còn về nhà làm gì nữa hử Tiến? Chứ sao mày rách rưới gầy còm như cò gặp bão thế hử con? Nghe súng nổ mẹ cứ sợ... cứ sợ... Chao ôi, con tôi có làm sao không hở Trời Phật?
Mè xì mũi, quay đi. Lại gắt mấy câu nữa. Rồi mè gọi chõ sang bụi cây bên cạnh có tiếng máy khâu tanh tách:
- Đi ơi! Ném cho mẻ lưới nhé. Anh mày về đây.
Bắc nồi nước lên chờ cá, mè tháo tung gói áo quần của Tiến, chia hai loại: đằng rách to để đưa cậu con rể khâu máy, đằng đứt cúc thủng gai thì mẹ vá. Nước chưa kịp sủi đã thấy anh Đi chống thuyền đến, cầm theo một rổ cá quả ba bốn con bằng bắp tay, vô số cá rô cá mè. Bưng Pa- thôn cá lúc nhúc như ao nhà, đến bữa ăn mới xách lưới ra ném cho tươi.
Cơm xong, Tiến nằm dài hút thuốc lá, đợi mè Phao giục lấy vợ Quả nhiên mè nói gần xa một lúc rồi thủ thỉ:
- Lấy vợ đi con ạ. Có nơi lui tới cũng đỡ vất vả. Tao chỉ vá cho mày được mấy năm nữa thôi.
Tiến phì cười làm mè phát cáu: “Làm tội mày đi! Bố mẹ ở cả bên nước Việt, sang đây mẹ không lo giúp thì ai lo!”. Rồi mè lại làm lành, điểm qua cho Tiến nghe tất cả các cô gái Pa-thôn có gì tốt xấu. “Ừ, mẹ trông con bé Chan-tha thế mà được. Mặt mũi sạch sẽ phúc hậu, dáng người ấy mắn con phải biết...”
Chả là dạo nhà mè đói to, Tiến đến cày ruộng giúp, nhịn cơm nuôi mè đang ốm. Sau đó mè nhất định nhận Tiến làm con nuôi, mày tao như người nhà, và bắt Tiến phải lấy vợ. Mè nói ngang nhiên trước mặt con rể: “Tiếc quá, có mỗi mụn con gái lại gả chồng mất rồi!” Đi hiểu tính mẹ vợ, chỉ cười.
Tiến chập chờn nửa mê nửa tỉnh, hai mắt díp cứng.
- À, tối na-y du kích Na-bua họp ở đây. Con sang nhà thằng Đi, ngủ sớm cho đỡ nhọc.
Không nghe con nuôi nói gì, mè ngừng tay vá áo ngẩng lên: Tiến ngủ từ lúc nào, điếu thuốc bốc khói trên ngực. Mè hớt hải dập chỗ áo cháy, tháo chăn đắp cho Tiến, mắng thì thầm:
- Rõ thằng hư! Tưởng mày về Việt rồi...
Mè bùi ngùi nhắc hai tiếng “về Việt”, và thoáng nghĩ đến một nấm mồ giữa rừng sâu, nơi không người qua lại.
Bộ đội It-xa-la chết còn cầu hồn, truy điệu. Bộ đội Việt sống bí mật, chết cũng bí mật. Họ ở đâu, làm gì, có bao nhiêu quân, không ai biết rõ. Đến khi hy sinh, nấm mồ người chết đặt dâu cũng chỉ riêng họ nhớ với nhau, đợi đến ngày thắng lợi mới đem cải táng. Họ sợ Pháp biết số quân họ còn nhiều ít, và phá mộ.
Sau một trận đánh, một đứa con Việt của mè không thấy về nữa. Những đứa khác nói quấy quá: “Anh ấy về Việt rồi”. Mè cũng mừng cho nó được về thăm gia đình, chỉ trách nó vội đi không tạt qua để mè buộc tay chúc phúc và cho ít quà. Hai tháng sau mè đi nhặt nấm tình cờ gặp một ngôi mộ trong rừng, mới hỏi ra sự thật. Mè khóc mấy ngày liền, làm mâm pha-khoẳn cúng vong linh đứa con khác xứ. Rồi từ hôm đó mè đâm sợ hai tiếng “về Việt” như hai tiếng gở.
Bàn tay răn reo lại lần từng mũi kim trên chiếc áo xi-ta xám đã bợt xơ chỉ.
Tiến ngủ say, giấc ngủ nặng như chì. Những cảnh mộng rời rạc níu tay nhau lướt qua, khi nhanh khi chậm. Một cảnh cuối cùng dừng lại, đến gần. Thằng Mắt-mèo giương hai mắt lồi như bi thủy tinh, có một gạch đứng giữa tròng. Nó đang quát tháo. Kham thét lên, gạt đám đông bỏ chạy. Tiếng người chan chát. Lửa cháy. Lửa rần rật thè lưỡi liếm nhà cửa, nhai ngốn ngấu, nhá lại những thân cột đen sì...
Tiến vùng mở mắt, mồ hôi lạnh vã ướt khắp thân. Lửa cà-boong đỏ bầm nhảy nhót trên mặt. Anh tung chăn, ngơ ngác nhìn bốn năm người ngồi chật sàn. Ơ kìa, tổ du kích anh đang tìm, và... Xẩy nữa! Sao Xẩy lại ở đây? Tiến nhìn Xẩy thương xót. áo rách hở lưng, tóc sù sù gần lấp tai, hai gò má nhọn cao, rõ là người bị bắt vừa trốn ra.
Không ai để ý đến Tiến. Xẩy vẫn cáu kỉnh chém bàn tay vào không khí, râu ngạnh trê hơi vểnh:
- Nào là đánh giặc giữ làng. Nào là bảo vệ nhân dân, nước lụt rắn lên cây sạch! Các anh bỏ dân làng, để mặc cho Pháp đi lùng lội, bắt bớ, phá kho thóc...
Tổ trưởng Đeng gân cổ cãi. Cái giọng nửa trống nửa mái trở nên the thé hẳn. Anh đay nghiến lại Xẩy:
- Chú mới về không biết. Tổ It-xa-la trong làng tản lạc hết, mất tinh thần hết. Chúng tôi ở ngoài không được tin tức, không có hạt cơm. Bố trí với anh Thiết, bị nó vây bắn xuýt mất mạng. Hai đêm tôi chui vào làng, gặp mụ Thoong hỏi tình hình, mụ cứ run thế này này (Đeng rung tay lập cập, tổ du kích bật cười), mụ đuổi tôi: “Ra ngay! Chị lạy em, ra ngay đi-i! Nó giết hết dân bây giờ-ờ!”. Chúng tôi nổ súng ngoài làng quấy rối, Pháp lại khủng bố. Hết đấu tranh hợp pháp nhé! Hết tiếp tế đưa tin cho du kích nhé! Tôi đã bảo chú bao nhiêu lần: “Lập làng kháng chiến đi!” Chú vẫn một mình một ý, chú không nghe...
Thật ra Đeng chỉ rụt rè bảo Xẩy độc một lần: “Anh Tiến nói, cháu nghe cũng phải đấy”. Xẩy gạt đi, Đeng cũng thôi luôn. Nhưng giờ đây hăng máu Đeng trút cả trách nhiệm cho ông tổ trưởng It-xa-la.
Xẩy ắng cổ, cái mũi vống đỏ chín bồ quân tái nhợt đi, đôi râu hơi cụp xuống tí chút. Anh vặc lại yếu ớt:
- Cả tổ không đồng ý chứ phải mình tao...
- Thì chú cứ tay đôi với anh Tiến, ai còn cãi chen vào được!
Trong bóng tối Tiến nhích lại gần Xẩy:
- Anh Xẩy trốn về phải không?
- Tiến hả? Đồng chí Tiến!
Xẩy vồ lấy bàn tay Tiến, khê kêu nghẹn ngào.
Từ ngày bị địch bắt giam, Xẩy ngày đêm dằn vặt mình đã không nghe chỉ thị trên và lời khuyên của anh cán bộ Việt, để dân làng bị tai họa. Qua mấy buổi tra tấn dữ dội, địch vẫn không lấy được tài liệu gì. Rồi trong một buổi đi chữa sân bay, Xẩy băng rừng trốn về đây.
Sau cử chỉ mừng rỡ đầu tiên, Xẩy bỗng nhích lùi lại hổ thẹn. Anh đợi nghe Tiến mỉa mai trách móc. nhưng Tiến chỉ thăm hỏi, cười tự nhiên, và kể lại ngày hôm nay anh đi vận động hội viên It-xa-la trở về làng. Tổ du kích thở phào khoan khoái:
- Phải, có thế chúng tôi mới đánh được chứ!
Không khí buổi họp nhẹ hắn đi. Nhân tiện anh em du kích phàn nàn trên phát đạn ít quá, Tiến lại đưa vấn đề chông bẫy và mìn muỗi ra:
- Khéo đánh chông bẫy thì được khối đạn. Như Thông-nọi đấy...
- Địa thế Thông-nọi khác. Chung quanh Na-bua đất phẳng rừng thưa, đào hầm chông chỉ tổ hại người lấy măng lấy nấm, hại trâu ăn rong thôi. Còn mìn muỗi... Thật tình chúng tôi không dám dùng đâu. Nó hay nổ cướp lắm. Du kích Kha-tạy chết mất một người rồi.
Tiến bực ngầm. Bao nhiêu lần luyện tập họ vẫn sợ mìn muỗi, ngại dùng chông bẫy, chỉ thích bắn súng và đánh mìn to. Nhưng nói nhiều rồi, giờ chỉ còn cách chứng minh bằng thực tế cho họ thấy.
Tổ du kích đồng ý mai lại ra bố trí với tổ Thiết. Sau khi rỉ tai Tiến nhờ chuyển lời thăm Bua Kham, tổ trưởng Đeng kéo anh em ra về. Tiếng nước vỗ bóc bách vào mạn thuyền tan trong đêm. Tiến sực nhớ, thò tay vỗ trên gáy đang ngứa ran: bàn tay anh lốm đốm hơn chục chấm máu. Muỗi Pa-thôn ghê thật!
- Giờ tôi về Na-bua gọi Thiết ra bố trí. Anh Xẩy nghỉ nhé.
Xẩy buồn rầu:
- Tôi phải về làng ngay đêm nay anh ạ. Sốt ruột không chịu được. Khốn khổ, chỉ tại tôi gàn dở...
Thuyền hai người lướt trên vũng mực tàu rắc kín sao về hướng Na-bua. Thỉnh thoảng một bóng đen dài lù lù nhô ra, nước róc rách: Thuyền của cán bộ, du kích. Đêm cũng như ngày, bưng Pa-thôn không ngớt rộn rịp, cái rộn rịp thầm kín của một chiến khu lọt thỏm giữa lòng địch. Súng lớn địch bắn cầm canh nổ xa dóng đôi ròi rạc.
Tình cờ phò Phun cũng chống thuyền qua. Xẩy sợ bị chửi, ngồi ngậm tăm không lên tiếng, để phò nói với Tiến đằng mũi thuyền:
- Còn chưa biết nhỉ? Anh Bun ở Thông-nọi bị phát giác làm phỉ-pọp rồi!
Tiến hoảng hốt đứng phắt dậy, thuyền chòng chành tợp một làn nước qua be.
- Ai phát giác? Đã lâu chưa?
- Cách mươi hôm. Dân làng khiếp lắm, nhao nhao đòi giết. Phò gọi anh ta về trốn ở cơ quan huyện rồi. Chó đ... mẹ cái bọn chim hai đầu quái ác! Gián điệp phao tin chứ ai!
Phỉ-pọp gần giống như ma cà rồng bên Việt Nam.
Người phỉ-pọp ban ngày làm ăn như thường, đêm biến thành ma đi ăn ruột kẻ khác. Người bệnh đau bụng quằn quại. Thày cúng vung gươm phù phép, hỏi bị ai ăn. Trong mê hoảng bệnh nhân thốt ra một tên nào đó thế là dân làng tìm cách giết phỉ-pọp để trừ hậu hoạn.
Âm mưu đẩy nhân dân giết cán bộ của gián điệp đã quá rõ. Bun là thôn đội trưởng Thông-nọi, đánh giặc như hùm.
Thuyền biến sâu trong đêm, Tiến còn nghe ông cụ It-xa-la rít răng chửi quân gián điệp, cầu cho các giống ma quái phỉ, nhặc, ngược, khụt chúng nó ăn sống nuốt tươi bọn chim hai đầu. Tiến đang lo láng cho Bun cũng tức cười: bố Kham chửi toàn bằng điển tích trong sách vở.
Dìm thuyền vào chỗ khuất xong, hai người lò dò lên bờ. Xẩy nhất định đi theo đường, không chịu băng rừng.
- Sợ về muộn, đến làng vừa sáng mất không vào được anh ạ. Với lại Pháp càn chưa bao giờ dám phục kích ban đêm giữa rừng, anh đừng ngại.
Tiến can mãi không được, đành chiều ý Xẩy, nhưng không chịu để Xẩy đi trước dẫn đường.
Rừng tối om, im phăng phắc không gió, cái im đen đặc dễ sợ. Đất trơn như đổ mỡ, hố chân voi ngập bùn đến gối. Một mấu đá ong xé toạc đầu ngón chân Tiến, máu ấm nhầy nhụa trong lòng dép. Anh cầm ngang khẩu tiểu liên lên đạn sẵn, dò từng bước. Xẩy mò mẫm đi theo vệt xanh lè của mảnh vỏ mục cài trên mũ Tiến. Một con mang hoảng sợ phóng lốp bốp, tiếng vó chìm nhanh. Lại im lặng.
Roạch! Tiếng kéo cơ bẩm đột ngột trước mặt Tiến. Một giọng khàn khàn:
- Phảy? Dút! (Ai? Đứng lại!)
Khẩu tom-xông dưới nách Tiến nhanh như chớp khạc lửa, nuốt phăng tiếng thét và lên đạn hối hả đằng trước. Cũng nhanh như chớp, Tiến nhớ sau lưng mình có người cán bộ It-xa-la. “Xẩy, chạy ngay! Chạy!”. Tiến tạt sau một gốc cây, nghiến răng quét một loạt, một loạt nữa. Thay băng. Một loạt nữa! Phải kìm địch cho Xẩy chạy thoát!
Trong rừng đêm dậy lên tiếng gào rú xé tai của quân địch phục kích. Súng máy tới tấp xối đạn. Các họng súng địch chớp liên hồi như một đàn đom đóm cuống cuống đập cánh trong góc tối. Những chùm dây lửa lằng nhằng dệt lưới trên mặt đường, đạn cắm vào cây đá chan chát, tóe tia đỏ.
Chạy lùi một quãng xa, Tiến tìm ra Xẩy. Hai người vạch lá chui vào rừng ngồi thở phì phào, tai vo vo điếc đặc. Không hiểu vì sao Tiến không tức Xẩy, trái lại thấy buồn cười. Thật là ương bướng hết chỗ nói! Anh cố ý phớt tỉnh, đánh bật lửa soi vắt bám chân và đắp dúm thuốc lá vào chỗ rách thịt, rồi châm thuốc hút.
Thấy ông bạn ngồi ủ rũ, lúng túng, Tiến cười thầm thú vị một cách tinh quái. Anh vất mẩu thuốc lá, lẳng lặng đứng dậy: “Thôi ta đi kẻo khuya, anh Xẩy ạ”. Giọng nói rất ngọt ngào, gần như vuốt ve.
Xẩy đi mấy bước bỗng kéo giật tay Tiến. Mắt long lanh ướt, anh nói hổn hển như sợ bị ngắt lời:
- Đồng chí Tiến... anh nhận làm xiều1  tôi nhé? Anh giúp đỡ tôi... tôi bướng, tôi tự cao, tôi xấu lắm. Anh cứu mạng tôi, anh khuyên bảo hàng năm nay, tôi vẫn không nên người tốt... Anh kết xiều với tôi nhé?
Tiến nắm bàn tay Xẩy, cảm động và hối hận.
- Chuyện cũ anh bỏ qua cho tôi, anh Tiến nhé! Tôi giận anh Linh, tôi nghĩ quẩn, tôi chửi người Việt, bộ đội Việt... Sáng mắt rồi anh ạ. Trong đồn Núi Quỷ tôi bị giam chúng với một anh Việt. Pháp treo ngược anh lên, rứt từng miếng thịt, đốt lửa thui khắp người. Anh chỉ hô: “Nước Lào độc lập muôn năm!”. Trước khi chết, anh dặn chúng tôi chớ bao giờ nghe lời Pháp chia rẽ... Chao ôi, đầu óc tôi sao nó khờ dại thế chứ! Nó bị nhồi rơm trấu trong ấy hay sao chứ!
Xẩy đập tay lên trán, bàn tay anh run run.
Tiến định hỏi: “Anh còn thù Linh nữa không? “ nhưng chỉ im lặng, bóp mạnh tay Xẩy. Anh hiểu tất cả thù oán đã cởi gút. Chưa bao giờ anh thương Xẩy như lúc này.

 

Thiết ngồi xổm, theo rõi từng cử chỉ của Đeng đang chôn quả mìn muỗi. Đeng lóng ngóng mãi không đặt sợi dây mìn đúng chỗ. Thiết ngứa tay, muốn vơ quả mìn tự chôn lấy cho đỡ nguy hiếm, nhưng lại bấm bụng để Đeng làm cho nhớ. Bỗng anh xuýt rú lên kinh hãi: Đeng cầm dây mìn kéo căng như sắp giật.
- Chết! Đừng... đừng kéo, nổ chết cả! Đặt nó đây.
Trong khi ấy Bân đưa ba anh du kích kia đi cắm chông. Loại chông nổi nhuộm xanh cắm lẫn vào cỏ cao, giữa các gốc cây. Chỗ đất mòn thì đã sẵn hầm chông đào từ trước, ngụy trang kín, giờ mới lật nắp lên cắm chông. Cả một trận địa chông bẫy chằng chịt được bố trí trên quãng độc đạo này trước khi Tiến đưa tổ du kích đến.
Thiết huýt sáo hai tiếng. Huy cảnh giới đầu đường tạt luôn vào rừng, đến chỗ Thiết. Tổ du kích đang chăm chú nhìn theo ngón tay Thiết vẽ trên mặt đất, hướng dẫn cách bố trí bãi mìn muỗi phối hợp với chông bẫy. Huy chen vào một câu tiếng Lào mới học:
- Tin tưởng không?
Đeng lắc đầu dè dặt:
- Còn để xem ra sao...
Ngoài đường bỗng vắng tiếng hát nho nhỏ. Tiếng phụ nữ. Thiết luồn qua bụi rậm, xua tay ra hiệu bảo Đeng đừng ra, vì đi nhiều người dễ lộ. Kham và Nuôn vừa đến, hát bài “Mặt trăng đêm rằm” đã hẹn trước. Nghe tiếng huýt sáo, Kham hối hả bước vào rừng, bị Thiết xô mạnh vào vai bật lùi lại, loạng choạng xuýt ngã. Kham tròn mắt ngơ ngác. Thiết chỉ xuống chân:
- Chông!
Chỉ một ly nữa Kham sa xuống hố chông. Thiết đưa hai cô gái vào sâu trong rừng, trỏ chỗ cắm chông và những sợi dây mìn lấp dưới lá khô. Nuôn sợ sệt bám theo Kham từng bước.
Dân làng kiện tụng mãi, thằng Mắt-mèo mới bỏ lệnh cấm ra rừng. Kham rủ Nuôn mượn cớ lấy nấm ra tiếp tế cho bộ đội. Đi hai người đỡ sợ. Nuôn mới nghe đã tái xanh mặt mũi, nhưng nóng tin Vi-xiên quá đành liều đi theo. Được cái Kham làm quen với bọn lính gác chỉ huy sở ngày một nhiều, nên không bị lục soát. Đêm đêm chúng nhớ nhà, kéo đến tán hươu tán vượn với Kham bên xa kéo sợi, Kham vẫn chuyện trò tươi tỉnh làm chúng chết mệt, có bao nhiêu tin tức kể bằng hết. Chúng gờm nhau nên không tên nào dám giở trò ma mãnh trước.
Kham mở giỏ lấy hai hộp tre đựng đầy xôi, trút vào khăn cho Thiết. Cái bầu nậm trong giỏ Nuôn cũng đầy ắp gạo. Kham tủm tỉm:
- Còn thuốc lá nữa. Anh muốn hút thì nhắm mắt lại.
Thiết tưởng đùa, trố mắt nhìn Kham, mũi phập phồng như đã hít mùi khói quý giá.
- Ô kìa... anh quay ra sau đi.
Thiết chiều ý họ, không hiểu gì. Nuôn cười rúc rích, rồi kêu: “Xong!”. Thiết quay lại thấy Kham đang hớt hải túm hai vạt áo bật cúc trên ngực, gói thuốc lá cuộn sẵn rơi tóe dưới chân. Thì ra thuốc lá Kham phải dấu trong ngực, vì là của riêng đàn ông dùng, địch khám thấy sẽ lộ toét cả.
Hai cô cấu chí nhau, rồi kể lại tình hình trong làng. Các anh chị It-xa-la lẩn lút trở về dần, mới họp bí mật tối qua. Dân làng mừng lắm. Hôm nay nhất định cánh quân thằng Mắt-mèo với thằng Phủi trở về Na-bua.
- Sao Kham biết?
Kham tỏ vẻ thành thạo:
- Bọn trong làng mổ ba trâu, bắt mỗi nhà đồ bốn hông xôi anh ạ. Mà đại đội thằng Tóc-đỏ mới đi chiều qua, làm gì đã về ngay.
- Không, tôi hỏi sao Kham biết anh em bố trí ở đây.
- À, chú Xẩy vào làng nói. Chú đi với... không, chú trốn về...
Kham lúng túng. Không muốn nhắc đến “con người không ra gì”, nhưng tất cả những chuyện của các anh chị It-xa-la mới về làng cũng như chuyện chú Xẩy, đều có tên người ấy ở trong. Ai cũng nắc nỏm khen anh Tiến thế này thế nọ, Kham nghe vừa thích lại vừa ghét. Nghe chú Xẩy bảo anh ta đưa tổ du kích về đây, Kham hẹn với mình như đóng đinh vào cột: “Nhất định không thèm ra, cho biết mặt!”. Nhưng rồi vẫn đi tiếp tế.
Thiết giục hai người về gấp, nhỡ Pháp đến không tránh kịp. Nuôn hốt hoảng lôi bạn sồn sồn: “Thôi về! Về đi mày!”. Nhưng Kham vẫn đứng tần ngần, cắn mãi đầu ngón tay, mi mắt đập nhanh. Thiết hiểu ý:
- Anh Tiến đón tổ du kích dẫn về đây ban sáng, rồi đi với anh Vi-xiên. Hôm kia Kham giận anh ấy phải không?
Kham nguẩy một cái cong cớn bỏ đi, ra điều không thèm biết đến anh Tiến nào cả. Nuôn vội níu tay Kham:
- Đợi tao, đợi tý mày... Thế anh Vi-xiên giờ ở đâu?
- Chịu. Họ đi lung tung khắp nơi, ai biết được.
Vừa lúc ấy Đeng không chịu được nữa, lò dò đến gặp Kham một tí cho đỡ nhớ. Nhưng cả hai cô gái đều thất vọng, không ai níu ai nữa, lắng lặng ra về. Đeng nhìn theo buồn thiu.
Trời u ám thỉnh thoảng phun một trận mưa rào, rồi lại xé mây cho nắng soi xuống. Tổ phục kích ướt mèm, ngồi đợi chán lại nằm. Ban đầu nghe tiếng chim nôn-lạng réo te-te-hoách còn ngóc đầu dậy, chán rồi ai cũng tìm nơi tựa lưng chợp một giấc. Như thường lệ, Thiết cảnh giới cho anh em ngủ. Anh trầm ngâm suy nghĩ một mình.
Thằng Bân “ba bất mãn” thế mà chưa đến nỗi nào. Nó bất mãn đề bạt, bất mãn kết nạp, bất mãn về phép cùng một lần. Mới hôm nọ xuýt bắn nhau với tiểu đội trưởng, vì nó dọa dẫn Tây về lấy đầu thằng nào lên mặt. Cãi với Thiết một lần, chỉ một ly nữa là cho ăn đấm thôi sơn. Nhưng nói thì nói, nó vẫn bám tổ đi bố trí, đánh giặc cũng gan liền như thằng Mộc trước kia.
Thằng Huy dạo này đánh chác khá hơn trước. Đối với Thiết nó phục chết phục sống, bám lấy anh như dựa vào quả núi đá. Nó học tiếng Lào thật nhanh, mới lên mà nói đã khá thạo. Văn hóa cao nó học dễ. Chỉ phải cái hay lợi dụng công tác đi dân vận lẻ. Tán xin gà, gạ gẫm làm quen để kiếm chác, lại ve gái nữa.
Buôn vặt cũng tài. Gửi mua đâu cũng được nửa ki- lô đá lửa, đem bán lẻ ngoài nhân dân một đồng năm viên, lãi một gần thành ba. Chuyện này mới bị lộ, Thiết chưa kịp hỏi đến. Cậu Tiến nói thế mà đúng: “Chiều nó quá sinh hư...”
Cái câu chuyện cắt liên lạc với Kham hôm nọ, Thiết mới đưa ra phê bình Tiến sáng nay: “Anh giải quyết rứa là hấp tấp, chủ quan...”. Tiến nhận ngay, lại cười nữa. Thiết chả hiểu ra làm sao cả.
Kể ra mất thằng Mộc thật đau. Mộc nó ít lời ít tiếng mà gan cóc tía, chỉ biết quần quật làm chết thôi. Từ ngày nó chết, Thiết vẫn chưa kiếm được thằng địch nào cho nó cả. Nó về chầu ông bà chắc cũng không hỏa vong linh... Nghĩ đến đây Thiết thấy bứt rứt không yên bụng...
Chim réo te-te-hoách vô hồi kỳ trận.
Rột roạt giày đinh xéo đá ong đến gần. Bảy người quỳ thành hàng ngang, súng và dây mìn lăm lăm. Một, hai, ba bóng mũ cao bồi thấp thoáng. Rồi liên tiếp địch diễu qua như đèn kéo quân, đến chỗ quả mìn năm cân cứ ùn đống lại, dé dé chân đi bên mép vũng bùn nâu. Mặt đỏ gay, Đeng ngoái cổ ngó Thiết, run tay nắm đầu sợi dây điện thoại.
Thiết vẫn rướn cố, gườm gườm nhìn xói qua kẽ lá. Đây rồi, thằng Mắt-mèo râu vàng tóc vàng đi tới. Nó mặc quần áo lính, úp mũ sùm sụp che mũi lõ. Thiết huých tay Đeng. Dây mìn nhảy vọt lên, hất lá khô lả tả. Một tiếng bụp nhỏ. Mìn thối! Thiết điếng người, bấm cò luôn tám phát khẩu tự động Ga-răng vào chỗ thằng Pháp thụp xuống. Sáu quả mìn muỗi oàng oàng tung khói trắng mé trên mé dưới. Tiếng súng khằng khặc hỗn loạn lấp chìm tất cả.
“A-lát-xô!” Mắt-mèo đứng thẳng người sau một thân cây, vẩy súng ngắn vào lưng một tên lính bỏ chạy, gào xung phong. Bọn sĩ quan chồm dậy. Toán cảm tử đi đầu sầm sầm chạy bọc hậu, dẫm cả lên bọn lính bị thương nằm sấp ngửa. Tiền thưởng một đôi tai It-xa-la đến nghìn bạc! Một tên lính đỏ nhảy qua chỗ trống giữa hai bụi gai, chúi đầu rống trên hố chông. Một tên quản da đen đứng sững, miệng há ò ò, hai tay nắm mũi lao xuyên suốt ngực, lảo đảo ngã vật xuống chân chiếc bẫy phóng lao.
Tổ phục kích chạy biến đã khá lâu, súng vẫn nổ băm vằm cấu xé ở trận địa. Đeng cuộn dây mìn trên cùi tay, cười toe toét không kịp thở:
- Bỏ rẻ cũng được chục thằng! Chông mìn gớm thật!
Anh em du kích phớn phở. Riêng Thiết cau có như người mất của: quả mìn to không thối thì Mắt-mèo thành cám!
Nửa giờ sau, họng súng của bộ đội và du kích lại ngấp nghé sau rặng cây ven bờ đồng Na-bua. Huy vừa bị mắng vì chọn phải kíp mìn hỏng, sụi mặt một lúc, giờ lại tươi như trẻ được quà. Tổ du kích nhấp nhổm dòm ngó, chỉ trỏ, bấm nhau cười khoái trá.
Chim nôk-lạng lại rối rít báo tin. Nhưng địch không thấy đến. Rồi một cành khô gẫy rốp sau lưng Thiết. Lá khô sào sạo. Thiết nghiến răng, quai hàm bạnh ra. Địch đã vòng rừng bọc sau lưng, đi sâu theo đội hình chữ Y. Vòng vây đang thắt dần. Theo tay Thiết vẫy, toàn tổ ngồi chụm sau một bụi rậm, lăm lăm đợi chọc qua hàng quân địch. Đeng đỏ bừng, Huy tái xanh, chỉ có Thiết và Bân giữ vẻ bình thản.
Thiết khẽ nói trong hơi thở:
- Anh Đeng đưa tổ du kích chạy trước. Chúng tôi chặn mé sau.
Đeng ngần ngừ, liếc nhìn Thiết rồi khẽ gật.
Địch dăng hàng dồn đến mỗi lúc một gần, như bầy voi dữ phá rừng.
Bụi rậm rẽ đôi, một vành mũ lấp ló. Bân chồm dậy, chọc mạnh khẩu súng Mát cắm lưới lê, co chân đạp luôn. Tên lính đỏ rú ằng ặc, đảo mắt trắng dã, quỵ xuống. Tổ du kích đâm sầm qua chỗ vòng vây thủng. mươi tiếng nổ lác đác, đạn răng rắc xuyên cây bên họ. Rồi súng lại tới tấp xả đạn như xay thóc.
Thiết quỳ sau một gốc cây, ngắm bắn từng phát chắc nịch. Bân quát Huy: “Nằm cái gì? Đứng lên!”, co tay ném mạnh một quả lựu đạn. Địch chùn, nằm thụp xuống quét tiểu liên rần rật. Thiết vẫy tổ rút chạy.
Huy bỗng loạng choạng ngã quỵ giữa khói trắng.
Quả đạn cối rơi trước mặt Huy, cách một ụ đất mối. Đá ong tung tóe. “Bân! Vác thằng Huy!” Thiết đứng lên, lắp kẹp đạn mới, quật ngã từng bóng áo ka-ki đang lăn xả đến. Bân đeo hai khẩu súng, xốc Huy luồn băng băng vào rừng sâu, trong khi Thiết một mình chặn quân địch đang lồng lộn, gào điên cuồng.
Một giờ sau, các ông cụ bà Lào trong làng kháng chiến Pa-thôn xúm lại chúc mừng anh em đánh thắng giặc. Mè Phao đặt quả trứng trên lòng bàn tay Đeng, buộc sợi chỉ trắng quanh cố tay và khấn lời cầu phúc:
Bị thương cũng đừng
Bị ốm cũng đừng
Chớ lạc trong rừng
Chớ theo ma quỷ...
Anh em du kích cười khà khà, kể không ngớt cái chuyện Pháp trúng chông bẫy, và khen mìn muỗi lợi hại quá thể. Huy không bị thương, chỉ ngất vì sức ép giờ đã tỉnh, ngồi giữa hai đống chuối, trứng, mật ong. Hai tay Huy buộc chỉ trắng đến cùi.
Trong khi ấy ngoài rừng, Bân đang băng cánh tay Thiết bị sướt nhẹ.
- Nè, ba bất mãn...
- Cái gì?
- Mi hết bất mãn chưa?
- Đánh cứ đánh, bất mãn cứ bất mãn.
- Rứa mi bất mãn chi cho mệt?
- Con khóc mẹ mới cho bú!
Thiết bực mình lẫn buồn cười, bỏ đi vào làng xem Huy ra sao. Nhìn các thứ của ngon, anh len lén nuốt nước bọt, rồi dặn Huy bao giờ khỏe nhớ viết thư cho gia đình Mộc: “Mà đừng nói ai đánh, cứ nói chung chung...”
Chợt nghĩ ra, anh nghiêm giọng tiếp:
- Đá lửa mi bán còn bao nhiêu, đưa hết đây tao.
- Anh cũng muốn chia hả?
- Đưa đây!
Huy biết có sự chẳng lành nhưng không dám cãi, móc bao đạn đưa hộp đá lửa đã vơi một phần ba. Thiết nhét vào túi, buông sõng:
- Tao giữ để về kiểm thảo.
Giá gặp người khác Huy đã lý sự ầm lên. Nhưng trước mặt Thiết, Huy chỉ ngồi lặng cá, mặt thuỗn ra đau khổ.
Để mặc tố du kích ngủ yên, Thiết ra gọi Bân đi nhổ chông. Bỏ sót chông, trâu sẽ dẫm què hoặc người đi rừng vướng phải. Bân càu nhàu đi theo. Suy nghĩ một lúc lâu rất lâu, Thiết mới nói với Bân bằng một giọng hết sức trịnh trọng:
- Tao coi mi như em út, tao nói thiệt. Mi bất mãn tức thị là mi ngu...

 

--------------------------------------------------------
(1) bạn chí thân suốt đời, khi kết xiều phải làm lễ.