Chương XI
Lòng mẹ


Chương VII
Quan huyện

     oàn xe lửa sáng vừa đỗ ở ga Vĩnh Yên, một người trẻ tuổi bước xuống, vẻ mặt ngơ ngác
Người ấy, mặt mũi đầy đặn, nước da hồng hào, mặc áo sa tây trơn và đi đôi giày ban bóng lộn.
Trả vé xong, người trẻ tuổi ra sân ga bước lên xe, ngồi khoanh tay, ngửa người tựa vào đệm lưng ra ý nghĩ ngợi.
Phu xe cắm cổ chạy đều.
Hai bên đường, lúa xanh rờn rờn. Làn gió thổi, cả cánh đồng rập rềnh như sóng gợn. Trời râm mát. Những đám mây trắng nổi lên các sắc như xà cừ.
Xe quành sang lối đường nhựa, chạy nhanh tít. Được một quãng, người ngồi xe móc túi lấy ra một cái dây đỏ buộc vào một miếng dẹt trắng hình chữ nhật, to bằng bao diêm. Ngắm nghía một lúc, người ấy quàng cái dây đỏ quanh cổ và gài miếng dẹt trắng vào khuy áo vai.
Từ lúc ấy, những người đi đường gặp xe ấy, đều đứng lại nhìn, hoặc tránh rạp sang bên đường, chắp tay hoặc ngả nón một cách rất lễ phép.
Cũng có một vài người trông theo xe và bảo khẽ nhau:
- Quan huyện.
Phải, người ta biết là quan huyện, vì người ta thấy có mấy chữ nhỏ đỏ khắc trên miếng dẹt trắng ở ngực. Miếng ấy là thẻ bài ngà.
Xe quan huyện đi độ sáu cây số thì đỗ.
Quan huyện trả tiền, rồi trỏ tay hỏi người phu xe một câu, thì người này gãi tai, đáp:
- Dạ, bẩm vâng ạ.
Rồi quan huyện đi bộ, rẽ về phía bên phải, theo một lối con, đến cái làng gần đường cái lúc nãy độ một cây số.
Quan huyện hỏi thăm lối vào trường, thì trường cũng gần đấy.
Lúc ấy đã đến chín giờ rưỡi.
Quan huyện dừng bước ở đằng xa, mắt tròng trọc nhìn mái nhà ngói đỏ xám, như nghĩ ngợi điều chi vậy.
Nhà trường ấy rộng rãi, có hàng rào râm bụt phẳng phiu bao bọc xung quanh. Mấy cây bàng mọc đối nhau, lá xòe ra như lọng.
Thong thả, quan huyện tiễn lại gần. Học trò đang giờ làm việc, nên sân lặng lẽ.
Đến công, quan huyện đứng lại, nhìn vào trong. Một hàng mũ trắng để trên mặt tường hiên rất thứ tự. Trong lớp, những cái đầu nghiêm chỉnh lố nhố trong khung cửa chớp.
Quan huyện lắng tai nghe. Ở hai lớp, lớp nào cũng có tiếng thầy giáo giảng bài sang sảng.
Quan huyện rón rén đi rẽ sang phía lớp đề chữ “Sơ đẳng”, rồi lại đứng dừng, như để nghe cho rõ những tiếng nói ở trong; học trò đọc đều nhau, theo nhịp thước gõ vào bàn:
Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật, lại càng trông nom.
Thấy người già yếu ốm mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức muôn phần vinh hoa.
Tiếng thước đập mạnh, trong lớp lại im lặng, thầy giáo thong thả giảng:
- Bài này khuyên ta nên thương tất cả mọi người cùng khổ, hoạn nạn, như người tàn tật, già cả, ốm yếu. Làm điều hay thì gặp hay, dù không có nữa, trong bụng cũng được hể hả.
Quan huyện, mắt đăm đăm, rất cảm động. Rồi như không thể đứng lâu ở ngoài sân mãi như thế được, ngài đi thẳng tuột vào trong lớp, chắp tay cúi đầu:
- Lạy thầy ạ!
Quan huyện chào thế. Học trò đứng dậy im phăng phắc, ngơ ngác nhìn nhau.
Thầy giáo, một ông già má hóp, tóc lốm đốm hoa râm, cúi gằm mặt để đưa mắt nhìn lên trên hai miếng kính, cũng ngạc nhiên quá.
Quan huyện lại chắp tay chào lần nữa:
- Lạy thầy ạ!
Ông giáo chắp tay, lễ phép đáp:
- Không dám, lạy quan lớn, mời quan lớn vào chơi.
- Không ạ, thưa thầy, con đây ạ.
Thấy quan huyện nói thế, cả ông giáo lẫn học trò, ai cũng phải lấy làm lạ. Ông giáo nhìn quan huyện, nói:
- Thưa quan lớn, chúng tôi chưa được biết quan lớn.
- Bẩm thầy, con là Đức, học trò cũ thầy đây ạ.
- Vâng.
Ông giáo đáp một cách lạt lẽo nhưng lễ phép, song vẫn chưa nhận ra. Quan huyện lại nói:
- Bẩm thầy, thầy có nhớ Vua Zéro là ai không ạ?
Ông giáo nghĩ ngợi, rồi cười:
- Bẩm quan lớn, lâu ngày chúng tôi cũng quên đi mất.
- Chết chửa, bẩm thầy, thầy đừng gọi thế ạ. Thế thầy còn nhớ ngày trước, tháng tháng thầy cho con ba đồng bạc không ạ?
Ông giáo sực nhớ lại:
- À, thế ra bây giờ là quan lớn đây! Vâng, tôi nhớ ra rồi!
Rồi ông giáo Chính vỗ vào vai Đức, mừng rỡ. Đức sung sướng nói:
- Bẩm thầy, bây giờ con làm nên rồi, con đến chào thầy.
Rồi lập tức quay về phía học trò, Đức trỏ vào chiếc thẻ bài ở ngực và nói:
- “Các em, các em thấy anh đến trường chào thầy, lại đeo thẻ ngà thế này, các em chớ tưởng anh có ý làm bộ ta đây. Song, anh muốn cho các em biết ngay rằng học trò thầy nay đã có người thành đạt được như thế đó. Thầy ta đây, đối với anh, có một cái công to như bể như trời. Hồi mười năm về trước, khi anh học thầy, anh cũng ngồi ở lớp Sơ đẳng như các em đây, thì anh không được như các em bây giờ. Anh nghèo quá, đến nỗi không có đủ lương để trọ học nữa. Anh đã toan mấy lần xin thôi học, nhưng may thay cho anh, là được thầy ta đây thấu tình cảnh anh khổ sở, thầy mới giúp ngầm anh mỗi tháng ba đồng, cho đến khi anh được đỗ Sơ học Pháp Việt.
Bây giờ anh đã làm nên, thì bổn phận anh là phải ăn ở ra một người học trò biết ơn thầy.
Đã mười năm nay, anh không được gặp thầy, trong lòng anh nhớ thầy quá. Hỏi thăm mọi nơi, anh thấy thầy đổi đi bao nhiêu chỗ, anh lo ngại hộ thầy, chỉ cầu Trời khấn Phật phù hộ cho thầy được mạnh khỏe, để anh được gặp thầy mà thôi.
Vậy các em! Thầy ta đây là một bậc rất đáng kính, không những thầy đã thay cha mẹ để dạy dỗ cho ta nên người mà khi thầy thấy một người học trò khá, lỡ ra vì nghèo túng không thể học được, thầy sẵn lòng giúp đỡ. Vậy, anh là học trò trước, cũng kể như anh lớn của các em, anh khuyên các em nên chăm chỉ, ngoan ngoãn, để thầy được bằng lòng, rồi sau, dù các em có làm nên đến gì, mà dẫu chẳng được đội ơn thầy nhiều như anh đây, thì lúc nào cũng nên nhớ ơn thầy, tức là ơn của người cha thứ hai vậy”.
Đức nói một thôi một hồi xong, vui vẻ lắm. Học trò thì yên lặng khoanh tay để nghe, đều lấy làm động lòng. Ông giáo đứng tựa vào bàn, vẫn nhũn nhặn nhìn Đức, thỉnh thoảng lấy khăn lau kính.
Rồi Đức quay lại thầy nói luôn:
- Bẩm thầy, ban nãy con đứng ở ngoài kia, lắng tai nghe thầy nói mà văng vẳng ra như cái tiếng của thầy hồi mười năm về trước, khi con còn được học thầy. Mà cũng bài học ấy. Thành ra con không thể nào đứng gan nghe mãi được, con mừng rớt nước mắt, hình như bị cái sức gì mạnh nó đẩy con phải vào ngay để được nom thấy thầy ngay mới hả.
Thầy giáo cười đáp:
- Vâng.
- Con xin thầy cứ coi con như ngày trước. Thầy đừng nói thế! Thầy gọi con là con thôi. Bẩm thầy, thoạt vào đến trong lớp, con trông thấy thầy, con giật nẩy mình. Thầy đã già nhiều quá. Tóc thầy đã bạc. Mắt thầy đã lóa. Thầy gầy nhiều rồi.
Thầy giáo vẫn cười:
- Vâng, đã mười năm nay, quan lớn cũng đổi khác, đến nỗi tôi không nhận là ai nữa.
Đức nhăn nhó, nói:
- Con xin thầy đừng gọi con thế. Bao giờ con cũng là học trò thầy. Thầy gọi con là con, hay là anh thôi.
Ông giáo ngập ngừng, đáp:
- Mời ông về nhà tôi, cũng gần đây. Chốc nữa ta sẽ ôn lại chuyện cũ.
Rồi ông sai một người học trò đưa đường cho Đức.
Đức vái chào thầy, đi ra, vừa đi vừa hỏi han người đưa đường, ra dáng thân mật. Thầy giáo đứng ở cửa lớp trông theo. Học trò xì xào bàn tán với nhau, như vừa được xem một bộ tiểu thuyết sống rất hay vậy.