Vài trang nhật ký
Ngày... tháng... năm...
“Trong một ngày rét mướt nhất của mùa Đông ở Nam Kinh. Các anh em Việt Nam trong Quân Đội đến báo động, bảo chúng tôi liệu cuốn gói ngay đi. Chánh phủ cụ Tưởng sắp rời Nam Kinh đến nơi. Anh được lệnh đem một đoàn xe về Nam, sáng mai sẽ lên đường. Anh cho chúng tôi tháp tùng miễn phí.
Khỏi cần bàn cãi gì cả, chúng tôi sửa soạn xếp hành lý ngay. Cả bọn đã chuẩn bị bán đồ đạc từ lâu, nên khi quyết định đi là có thể đi liền. Tiền bán bớt hành lý đủ cho các anh, người thì đi xe lửa suốt, trực tiếp về Quảng Châu, người có gia đình trợ cấp thì nghĩ xa xôi hơn, bay thẳng qua Đài Loan trước khi chính phủ chạy, như thế, chạy một mạch, đỡ vất vả tốn kém đến hai lần. Đấy là anh Toàn, người giầu nhất, có bà con tiếp tế từ Pháp sang đều đều.
Tôi và anh Hùng, Vũ nhẹ túi nhất, nên theo anh Thành leo lên chiếc xe nhà binh. Ngoài tài xế, chỉ vợ con họ là được ngồi trong xe, còn tất cả những kẻ tháp tùng đều phải ngồi trên đống thùng xăng, phụ tùng để sau xe không mui, tha hồ mà làm quen với nắng mưa sương tuyết trên con đường Nam tiến, ờ nói cho đúng hơn, là Nam lùi.
Đoàn xe lên đường lúc còn sớm tinh mơ. Đã là nhà binh, lại chạy loạn, nên gia đình quân nhân, hình như ai cũng vui lòng tập họp đúng giờ, không hề nghe một lời phàn nàn, thở than. Trong không khí hốt hoảng vội vàng, các bà vợ tháp tùng theo xe chồng vẫn ăn diện như Tết. Điểm đặc biệt, là tay bà nào cũng ôm kè kè một cái bọc ma họ gọi là “ xám pao” (bọc quần áo). Cái bọc của quí này, tôi chắc là dù có chết đến nơi họ cũng không thả ra
Có tin Cộng-quân đã lẫn quất đâu đây, nên dân chúng mạnh ai nấy chạy. Họ ôm quần áo, heo gà, gồng gánh con cái, chạy ngược chạy xuôi. Họ nội chạy sang họ ngoại, họ nhà trai chạy sang họ nhà gái, nhưng chạy đi đâu cũng thấy có người chạy ngược lại về phía mình vừa mới bỏ đi, gây thành cái cảnh kiến trong miệng chén, và cái chén đang ở trên một lò lửa đỏ hồng.
Đoàn xe vượt quaTô Châu nhanh như chớp. Không ai nghĩ đến hoài tiếc, không thể đi chậm lại để thưởng thức một danh thắng, mà chỉ nghĩ đến vùng an toàn trước mặt.
Chúng tôi ngồi trên đống thùng xăng cao ngất ngưởng lộ thiên, nên phải lấychăn khoác thêm lên người để chống lại khí lạnh của sương mù. Nếu là thời bình, có thì giờ đi ngao du sơn thủy, thì thú vị biết bao.
Nhiều tuần lễ trước khi anh Thành đến “ bốc” chúng tôi đi, cả bọn đã biết là sẽ phải về Nam, anh Hùng đã phác họa chương trình đi bộ theo dân ti nạn. Chúng tôi đã sửa soạn hành lý chỉ vừa đủ trong ba lô, các vật dụng khác, chỉ giữ lại cái gì sức mình có thể mang nổi trên lưng. Anh đã chuẩn bị tinh thần cho tôi khá đầy đủ về cái chương trình “ Nam lùi” bằng chân, nếu cần, để tôi đỡ kinh sợ và chán ngán.
Anh tưởng tượng ra nhiều cảnh thú vị mà chúng tôi sẽ gặp. Ví dụ như một cái quán trọ bên đường trong lúc chúng tôi đã gần kiệt sức... những cây cam, quít, mơ dại trong rừng..khi chúng tôi bị lac, vừa đói vừa khát. Thật là một bọn điếc không sợ súng.
Tuy không được ngồi trong xe có nệm êm, có cửa kính đóng lại ấm áp, mà phải ngồi trên mui xe phơi nắng gió, nhưng khỏi mang xách, khỏi phải lết chân lên đèo, lê ba lô xuống đèo, tôi vẫn cho là một sự may mắn tuyệt diệu.
Suốt quãng đường dài, tôi tưởng như mình đang đi vào một bức tranh vẽ. Những bức tranh thủy mạc thần kỳ với những núi non trùng trùng điệp điệp. Mây trắng như tơ bao quanh chân núi, hoa vàng nở đầy trong rừng... Tôi nghĩ đến những truyện kiếm hiệp, tả cảnh “ tầm sư học đạo”. Nếu người đồ đệ chí thành phải leo lên những ngọn núi ấy để tầm sư, thì... eo ơi! Sư có tầm tôi thì tầm, chứ bố bảo tôi cũng không có sức mà tầm sư.
Cảnh thực đẹp, mà tôi không có lòng nào để thưởng thức khi thấy đám quân nhân xô gạt những bàn tay gầy guộc của dân chúng chạy theo hai bên bờ xe, kêu khóc, năn nỉ, níu kéo, xin lên xe quá giang một đoạn đường.
Đến Thượng Hải, anh Thành được lệnh đóng trong một tòa nhà lầu vĩ đại đang xây cất dở dang. Chủ nhà chắc biết thân biết phận nên đã bỏ chạy, lánh nạn đi đâu không biết. Mỗi đám vài ba người, chiếm một căn phòng còn vôi gạch ngỗn ngang ở tạm. Đoàn xe tất cả 90 chiếc, phải sửa chữa, lĩnh đồ phụ tùng, xăng nhớt, nhận huấn lệnh v.v.. nên chắc còn phải chờ nhiều ngày mói xong, chúng tôi bắt đầu học vài câu tiếng Thượng Hải thông dụng để mua bán, hỏi đưỡng khi bị lạc.
Không khí ở Thượng Hải như có chất điên. Mọi người cuồng say vì Tết lẫn với loạn. Cái không khí loạn cũng như cái Tết bao trùm khắp nơi, không phải chỉ trước mặt hay sau lưng, không còn biết chạy đi đâu để mà tránh nó. Tết qua rồi, mà ai cũng còn hăng say ăn Tết, vì họ ăn Tết với cái ý niệm có thể là ngày mai ăn Tết với ông bà Tổ Tiên
Chúng tôi góp tiền ăn với quân đội, nên đến bữa chỉ đi lĩnh, một tô cơm, một chén rau xào dầu, một phần cơm chúng tôi chia nhau hai người ăn. Đói no thiếu đủ không thành vấn đề, khỏi phải tự nấu có ăn là may lắm rồi. Cơm Tết có thêm một miếng thịt mỡ, ngoài món rau xào cố hữu. Tôi nhường vì tôi không thích ăn thịt mỡ.
Từ lúc bắt đầu cuộc “ Nam lùi”, tôi ngạc nhiên thấy Hùng không buồn rầu thất vọng, trái lại, hình như anh vui vẻ khác thường, săn sóc tôi một cách rất chu đáo. Vũ cũng tránh những câu nói có thể làm mất tinh thần.
Suốt một năm trời nhìn Hùng đóng vai thầy, vai anh, vai cha, giờ đây anh mới để lộ con người tình cảm. Cái tình cảm anh cố vùng vẫy chống cự, che giấu. Lúc nào cũng làm cái mặt ta đây đảng trưởng nghiêm nghị, cứng rắn, không bỏ qua một cơ hội nào là không huấn luyện đàn em, nhất là tôi, anh còn bắt khoan bắt nhặt, thử thách nhiều hơn tất cả các anh em khác.
Tối đến, anh trèo lên nóc nhà, lấy giây câu điện ở cột đèn ngoài đường vào phòng. Thế là trong khi cả tòa nhà thắp đèn dầu leo lét, chúng tôi có đèn điện, lại có cả cái lò điện nhỏ dùng để sưởi và nấu nước trà nóng, còn phong lưu hơn tất cả các bạn đồng hành.
Trong ánh sáng, lò sưởi ấm, cạnh chén trà nóng, anh tạm gác bỏ vai trò đảng trưởng, hiền hòa ngồi chép cho tôi bài thơ Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị:
Hán Hoàng trọng sắc tư khuynh quốc
Ngự vũ đa niên cầu bất đắc...
Trong khi chờ đợi đoàn xe tiếp tục lên đường, chúng tôi ngày ngày đi xem phố và các Tô giới. Người trong thành phố đông như kiến, thực đúng như kiến, không ngoa chút nào. Tôi có cảm tưởng nếu có ai ngã xuống đất, thì chỉ trong chớp mắt sẽ bị dẫm nát ngay, mà không ai biết là mình đã dẫm lên cái gì. Họ đi ngược đi xuôi, mua đồ, ngắm phố, ăn cắp vặt, móc túi, giật ví... đủ các mục đích.
Chỉ lơ đãng một giây phút là có thể bị cái làn sóng người ấy đánh giạt đi mất tăm mất tích trong chớp mắt. Hùng sợ tôi bị lạc, nắm chặt tay tôi để kéo đi cùng một hướng.
Và bắt đầu từ đấy cho đến khi về đến nhà, suốt cuộc nhàn du, đi bộ cả một ngày trời, anh không hề thả tay tôi ra nữa”.(Nhật ký ngừng)
*
Ngày ngày ngồi trong phòng nhìn qua cửa sổ, trông theo dáng các cô gái Thượng Hải, đi giầy bông, che ô có vẽ những hoa lá mầu dịu dịu đi dưới đám mưa bông tuyết phơi phới, Trang lại nhớ đến những ngày nắng ráo, những buổi đi chơi Mạc Sầu Hồ, Huyền Vũ Hồ, Yến Tử Cơ, Vũ Hoa Đài ở Nam Kinh. Nhưng sự thực của hiện tại chỉ là những cơn ho xé phổi, suốt đêm không thể nằm được vì ngạt thở, người Trang cứ lịm dần đi. Trang lại ngồi dựa lưng vào tường...
Một hôm Trang gần chết ngất vì ngạt, Vũ phải cuốn tất cả chăn đệm của mình cho Trang ngồi dựa lưng để cố giữ lấy hơi thở. Rét đến thau nước trong phòng cũng đóng lại thành băng. Hùng ngồi ngủ gật bên cạnh lò điện để sưởi. Và lúc giật mình tỉnh dậy không hề dám than tiếc bộ quần áo rét độc nhất đã bị cháy xém mất một bên ống...
Lắm hôm tuy thực mệt nhọc cũng không thể nín cười được với những lời khôi hài của Nguyễn, anh ở phòng trên và rất thích trốn vợ đến chơi với bọn Trang, và lúc đến không bao giờ quên mang theo trà và kẹo đậu phụng. Anh thường bảo Trang:
- Cô chóng khỏi đi rồi tôi kể lịch sử đời tôi cho cô nghe, thực là một thiên tiểu thuyết, phiêu lưu mạo hiểm và cả du ký nữa. Này nhé, sang Tầu, bắn chết một người, nên bị tù 8 năm ở Quảng Châu, ra tù đi lính mướn và làm qua bao nhiêu nghề mạo hiểm khác nữa, vào đội lính xe tăng được quân đội Mỹ đưa sang huấn luyện ở Diến Điện. Có vợ khắp các xứ, đi khắp nước Tàu. Về Việt Nam tước khí giới quân Nhật xong lại sang Tàu. Chỉ huy một Lữ đoàn. Bây giờ bị cái cô vợ trẻ này nũng nịu quá thành ra nhụt cả chí khí anh hùng.
- Thế năm nay anh bao nhiêu tuổi?
- Vợ tôi vẫn tưởng tôi mới 30, nhưng sự thực thì...... xin cô cũng làm ơn tưởng như thế cho.
Thấy cuốn truyện Kiều để trên bàn, anh vớ lấy đọc và bảo:
- Tôi đố ai biết cô Kiều hơn cô Vân bao nhiêu tuổi?
Không ai trả lời anh tiếp:
- Bao nhiêu tên đất trong này tôi đều đi qua cả. Cô Kiều mới lưu lạc có 15 năm mà đã than rằng hết xuân, vậy như tôi đây lưu lạc những hơn 25 năm thì còn gì là xuân nữa hở trời.
Nhưng anh bỗng nín bặt trong khi mọi người cười, vì nghe tiếng bà vợ trẻ đang nheo nhéo gọi ở cầu thang:
- Yuan a, Yuan a!
Anh vừa chạy vưà nói:
- Nếu tôi là Từ Hải chắc cũng không thể nào làm khác được!
Bọn Trang dự định về Quảng Châu thành ra ai cũng cố làm cho số hành lý càng ngày càng nhẹ. Một hôm Vũ đi phố về hớn hở bảo Trang và Lưu:
- Hôm nay ngoài cơm nhà binh ra, chúng ta có một bữa tiệc thịnh soạn đây!
Trang nhìn tay Vũ thấy một gói mì và rau cải:
- Giầu thế cơ à! Có mấy cuốn sách nát mà đổi được lắm thế này?
Vũ rút trong túi ra một nắm giấy bạc, ném lên bàn:
- Đã hết đâu, còn đây nữa! Thực là bất ngờ, lúc tôi đang cầm mấy cuốn sách nhìn vào các hàng sách cũ không biết nên vào hàng nào thì bỗng nhiên có người vỗ vai hỏi:
- Mấy cuốn sách ông có bán không, bán bao nhiêu?
- “ Bao nhiêu cũng được!”
- “ Bao nhiêu thì cứ nói đi mà.”
- “Cần quái gì, bao nhiêu cũng được”
Hai người cứ dùng dằng mãi cho đến khi đi hết quãng đường ấy, người kia bèn rút ra một nắm giấy bạc nhét vào túi tôi, tôi không xem bao nhiêu tiền và người kia cầm lấy mấy cuốn sách ấy cũng không xem là sách gì nữa, ai đi đường nấy!
- Dễ chịu quá nhỉ!
- Có lẽ họ tưởng mình là một thư sinh nghèo túng đi bán sách, và họ cũng đã từng có cái kinh nghiệm dìm giá của các hàng sách nên có ý mua giúp, và có lẽ họ mua mà cũng không dùng đến.
Có nhiều hôm đi chơi phố, bỗng nhiên thấy một người ăn mặc rất lành lẽ, áo quần giầy mũ đều bằng bông rất đủ ấm, tay nắm một mớ giấy bạc chìa ra trước mặt Trang, miệng cuời cười lẩm bẩm nói gì không rõ. Anh Nguyên bảo:
- Ăn mày đấy! Họ cầm một nắm giấy bạc để tỏ ra rằng đã nhiều nguời cho họ rồi, vậy mình cũng phải cho thêm vào đi! Trang bảo:
- Nhưng sự thực thì lão ấy còn giàu hơn chúng mình cơ mà!
Lại còn khắp các ngả đường chỗ nào cũng có ăn mày ngồi, có người đắp chăn nằm ngáy khò khò, bên cạnh một tấm giấy viết rõ tình cảnh khổ sở và một cái thau đựng đầy bạc. Ai đi ngang cứ việc ném tiền vào đấy, và người xin tiền ngủ đẫy giấc, thức dậy thấy sẵn tiền chỉ việc bỏ vào túi là xong.
Trang cũng có dịp đi chơi các công viên, phần nhiều đều phải mua vé vào cửa, và bên trong nếu có vườn động vật hay thực vật thì phải mua thêm vé nữa mới được vào xem. Trong vườn động vật chỉ có một ít ngỗng vịt, nai, các thứ chim thường thấy và khỉ mà thôi. Ra về Trang có cái cảm giác như mình bị lừa vậy, nhưng những người xem khác thì có vẻ thỏa mãn lắm. Có lẽ tại họ quen sống trong thành phố cửa nhà san sát, ngoài đường thì người đi lại như ngày hội.
Được xem một cảnh có cây có trời, thở một chút không khí trong sạch, hay bước một bước mà chân không phải vướng người trước và người sau. Được như thế họ đãø mãn nguyện lắm rồi.
Một buổi sáng mùa Xuân trời còn rét, đoàn Quân Xa rời Thượng Hải tiếp tục cuộc hành trình trở về phương Nam, vào ngày kỷ niệm 72 liệt siõ Hoàng Hoa Cương. Cờ thanh thiên bạch nhật treo đầy các cửa nhà, đường phố, người đi lại đông nghẹt. Đoàn xe chầm chậm len vào giữa đám người và cờ. Bọn Trang đưa khăn tay ra vẫy, một vài người vẫy lại, có lẽ họ muốn an ủi những kẻ ngồi trên quân xa là kẻ ra đi không hẹn ngày về.
Ra khỏi tỉnh Giang Tô đến Triết Giang với những cánh đồng cải hoa vàng bát ngát, doàn xe ngừng lại ở Hàng Châu.
Bọn người phiêu lưu này đã đi từ Thanh Đảo về, nên dầu mệt mỏi, họ tìm cắm trại trong khu vườn rộng bên cạnh hồ. Gió Tây hồ hiu hắt thổi uốn cong những cành liễu tha thướt rủ. Gió làm lộng cánh màn trắng nuốt của những chiếc du thuyền.
Người đẹp Hàng Châu đi dạo dưới rặng liễu rủ bên hồ, những người đang bơi thuyền trên hồ, và từng đoàn đàn bà già trẻ đeo bọc hương, chống gậy leo núi đi lễ chùa, vẽ một bức tranh đặc sắc của Trung Quốc.
Đêm thứ nhứt sau khi bơi thuyền đã mệt rồi, Trang đang nằm mơ màng trong chăn, bỗng nghe có tiến ồn ào ở chiếc xe bên cạnh của người Liên trưởng.
- Sao lại làm thế, thả nó ra!
Tiếng người Ban trưởng.
- Chúng tôi trót giết mất rồi!
Ôïng Liên trưởng phàn nàn:
- Phiền nhỉ, thôi thế thì các người chia nhau vậy!
- Ông cũng uống với chúng tôi một cốc rượu nhé?
Ôïng Liên trưởng dẫy nẩy lên:
- Không, không, đời tôi chưa từng bao giờ!
- Ồ, việc quái gì, chưa từng thì bây giờ hãy thử xem sao.
Mấy phút sau nghe tiếng chó kêu ăng ẳng rất thảm thiết. Không
ngủ được, Trang trở dậy đi vòng ra vườn sau “ điều tra”. Thì ra lúc chiều cửa vườn mở có một con chó béo tốt ở đâu chạy vào, bọn lính đóng cửa vườn lại để nhốt chó và trình với ông Liên trưởng. Khi thấy ông ta bảo thả ra, họ bèn nói dối là đã giết rồi để không thể nào làm khác được.
Không muốn bỏ phí một cái cơ hội du lịch Hàng Châu danh thắng, mỗi ngày bọn Trang đi xem cảnh đẹp, hay đi viếng các đền chùa cổ tích nổi tiếng. Một hôm đi xem miễu mộ cha con Nhạc phi, một công thần nhà Tống. Bỗng nhiên trời đổ mưa, bọn Trang bèn đi mãi về phía sau đền, nơi thờ mẹ Nhạc phi, trông thấy rất nhiều người cầu xăm, anh Hùng cũng rút một thẻ và tìm ra được bốn câu thơ có ý nghĩa rằng nên an cư lạc nghiệp và phải biết “ tri túc” anh xem xong gật gù cười bảo:
- Chà, Thánh Mẩu linh thật, ngót một năm nay mình chuyên làm nghề thất nghiệp, lười đã quen thân, bây giờ Thánh Mẫu lại khuyên rằng nên an cư giữ cái nghề “ thất nghiệp” chứ đừng nên tìm việc gì, thực là dễ chịu quá!
Và lúc trở về nơi cắm trại trần xe bằng vải có một lỗ thủng. Trận mưa tai hại vừa qua, như một vòi nước máy, tưới vào cái xách đựng luơng thực. Anh nhặt những hộp bánh ướt, nhão như bùn vứt qua cửa xe gật gù:
- Thánh Mẫu mới thiêng làm sao! Bà ta bảo mình nên tri túc, nghĩa là ngày hai bữa cơm lính đủ rồi, còn mua những cái quái này làm gì!
Không những cảnh đẹp Hàng Châu được bọn Trang thưởng thức, cả những món ăn danh tiếng của Hàng Châu như món măng nổi tiếng, cũng được học hỏi, lấy cớ rằng phải biết để cho rộng kiến văn.
Sau khi được tin những quãng đường bị Cộng quân cắt đứt đã lấy lại được, đoàn xe lại lên đường, từ giã Hàng Châu với đầy luyến tiếc. Lúc đoàn xe chầm chậm vượt qua sông Tiền Đường, Vũ anh bạn rất nghệ sĩ lại bảo:
-Kìa đúng chỗ kia là nơi cô Kiều nhẩy xuống tự tử đấy!
Anh nói bằng giọng chắc chắn và không cười, như chính mình đã được trông thấy cô Kiều nhẩy xuống sông vậy. Qua khỏi cầu từ lâu mà anh vẫn còn lim dim đôi mắt, mơ màng tưởng chừng như chính mình là Kim Trọng lúc đứng bên bờ sông mơ bóng giáng nàng Kiều.
Đoàn xe lại bắt đầu len vào những trái núi hiểm trở trong đám sương mù buổi sáng dầy đặc. Hai bên đường hoa đào nở đỏ rực rỡ, rơi đầy xuống những giòng suối giòng sông, hoa mơ trắng xóa nở đầy trên sườn núi. Nhìn giòng nước chảy cuộn hoa trôi theo, Trang lại nhớ đến truyện cổ tích” Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai”. Năm xưa, từ một thuở rất xa xưa, có hai người họ Lưu và họ Nguyễn rủ nhau vào núi hái thuốc. Họ men theo giòng sông có những cánh đào trôi, họ bơi thuyền ngược giòng nước tìm đến nguồn đào và gặp người Tiên ở động Thiên Thai...
Hôm nay bọn người phiêu lưu cũng đi theo dấu hoa đào. Nhưng không phải tìm đến Đào nguyên. Họ chạy như chớp về phương Nam nơi chưa có đạn lửa.
Những đêm lên đèo trời mưa tầm tả, trên con đường nguy hiểm, đèn xe yếu, cầu lại gẫy hay bị phá, nên thường họ phải dừng lại chớ không dám đi liều. Trên con đường độc đạo, hai bên là sườn núi, đoàn xe đậu liền nhau im lìm. Trang vẫn ốm nằm trong xe, vừa đói vừa rét, đợi nghe những tiếng súng đánh nhau và sẵn sàng để bị bắt như mọi người nếu đoàn xe bị bao vây. Nhưng Trang được may mắn không nhìn thấy những mũi súng chĩa ngay vào chiếc xe mình.
Đoàn xe đi hết Triết Giang và vào địa phận Phúc kiến. Nơiø hàng chục rặng núi liên tiếp nhau, đường không lúc nào bằng phẳng, hết lên đèo lại xuống đèo, xuống rồi lại lên. Những chiếc cầu mục nát vắt vẻo trên sườn núi rung lên kêu răng rắc dưới sức nặng của chiếc xe nhà binh như muốn đổ. Những lúc đó trong mắt Trang những chiếc cầu cũ nát xấu xí ấy mới thực là quí giá đẹp đẽ đáng yêu nhất trên đời! Vì mỗi khi gặp góc cầu nào bị phá, một nửa ngày giờ của mọi người đều tiêu phí cả vào công việc sửa chữa. Cứ mỗi khi qua khỏi một chiếc cầu, họ lại thở dài khoan khoái và sung sướng như vừa thoát khỏi một tai nạn...
Trên con đường thiên lý dài dằng dặc, đoàn xe vẫn ngày đi đêm nghỉ không ngừng. Cuộc sống chung đụng với đám quân và dân Tàu làm cho tầm mắt Trang mở rộng ra một chút. Mỗi chiều đoàn xe dừng lại ở một thôn trang vắng vẻ, bọn lính và sĩ quan lại chia nhau đi lùng khắp xóm làng để tìm chỗ tắm rửa, ngủ nhờ, nấu cơm và mua gà vịt, trứng v. v..
Trang còn nhớ đêm hôm ấy cả bọn đều ngủ ngồi trên xe trong một khu rừng vì chiếc cầu ở đàng trước đã bị phá. Đoàn xe hơn 90 chiếc phải từ từ lội sông. Tính ra ngày mai mới đến lượt xe Trang vì mỗi chiếc qua sông mất đúng 15 phút. Mọi người đang mơ mơ nửa thức nửa ngủ, bỗng nghe soạt một tiếng ở trong bụi cây bên đường. Người ban trưởng giật nẩy người lên hốt hoảng gọi vợ:
- A Hoà, xám pao! (bọc áo)
Và hai vợ chồng nhanh như chớp, vồ lấy cái bọc con lúc nào kè kè cắp
theo bên mình, nhảy choàng xuống đất và chui vào gầm xe. Khi biết rằng đấy chỉ là mấy con vật trong rừng, vì đoàn xe đến gần không ngủ được, nên kéo nhau đi nơi khác, ông ta bảo Trang:
- Cô đừng tưởng! hừ, hừ bọn thổ phỉ ghê gớm lắm! Cô nên học cách chúng tôi, chọn lấy mấy bộ quần áo cần nhất đeo sẵn trong mình, nếu nhỡ bị chúng bắt thì có cái để thay.
Trang rất buồn ngủ. Tuy lần này muốn lơ mơ lại một chút thôi cũng không được, vì trên chiếc xe đậu trước Trang bọn chó con và gà con bị nhốt lại kêu ầm ỹ.
Trang nhận thấy khi đến một địa phận nào, Đoàn quân cũng lãnh được phần lương thực nhiều hơn số người. Trang không hề thấy có sự điều tra hay khám xét nào nên nàng đoán rằng cái gì cũng phải có lý do. Số xe độ 90 chiếc thì họ lãnh đủ dầu xăng, lốp xe và các phụ tùng khác cho hơn 100 chiếc. Đến một thành phố nào, mấy đêm đầu Trang cũng không ngủ được vì về đêm các quan mới cho lính lăn các thùng dầu xăng ầm ỹ cả lên. Thì ra họ gửi bớt đi, đổi lấy vàng để mang theo cho nhẹ! Không những “ gửi” số dầu thừa, họ còn gửi cả một nửa số cần dùng, khi xe hết xăng nằm lỳ ở bên đường trong một khu rừng hay ngọn đèo nào đấy, họ phái một chiếc xe con đi báo tin cho địa phương gần nhất đến cứu.
Còn một cách làm tiền nữa là nhặt nhạnh những hành khách chạy loạn trên đường. Cứ một chỉ vàng hay 6 đồng bạc trắng “ tài thầu “ là có thể đi một quãng độ 50 cây số. Trang không biết họ chia nhau ra sao chỉ thấy vợ chồng người ban trưởng phụ trách lái chiếc xe có Trang ngồi có vẻ hậm hực lắm.
Tuy thế đêm đến thỉnh thoảng cũng được nghe một vài tiếng tiêu vọng lại não nùng. Trang không biết đây là Xuân nữ thán hay Vọng mỹ nhân, Quá Quan hay Tô Vũ mục dương và người thổi là ai, chỉ cảm thấy trong đám quân nhân cũng còn có một vài hồn thơ. Các bạn Trang thường cười bảo đấy là tiếng tiêu sầu của người chiến sĩ gửi đến để hòa với tiếng “ violin” của Trang đêm đêm vẫn kéo không ngừng. Trên suốt khoảng đường dài nàng vẫn còn ốm về đêm và bệnh của Trang đã được thay bằng một danh từ mới:” Tiếng đàn violin”.
Đến Giang Tây và từ giã Giang Tây với những trận mưa thình lình, đoàn xe bắt đầu vào địa phận Quảng Đông...
Đến Khúc Giang, đoàn xe ngừng lại để chữa một số xe hỏng và kiểm điểm những tổn thất của cuộc hành trình. Trong mấy tháng trời họ đã tiêu phí mất một tháng ở Thượng hải, một tháng du ngoạn Tây hồ ở Hàng Châu, những ngày “ nghỉ mát” không ngờ. Còn lại một tháng đã vượt được gần hai nghìn cây số. Và trong đoàn xe vài chiếc đỗ bên ruộng, vài chiếc rơi xuống cầu, vài chiếc lúc lên đèo vì máy hãm không tốt nên thụt lùi, và lùi mãi xuống những chiếc hố sâu bên sườn đèo, vài chiếc bị phục kích bắn hỏng, một vài người chết, hay bị thương. Ngạc nhiên vì trong số những xe và những kẻ bị nạn không có mình, bọn Trang thở dài nhẹ nhàng như tỉnh một cơn ác mộng. Cám ơn Trời. Cám ơn mẹ.
Đến đây đường xe lửa đã thông, bọn Trang từ giã người Liên trưởng và các bạn đồng hành đổi sang xe hỏa về Quảng Châu. Và Trang đã được mục kích một cảnh tượng chạy loạn bất hủ trên chuyến xe hôm ấy.
Người soát vé hỏi một đám hành khách:
- Đi đâu?
- Chạy loạn.
- Chạy về đâu?
- Quảng Châu
- Vé đâu?
- Không có.
- Ô hay, không mua cả vé thì nửa vậy, nếu không thì.. (người soát vé ngửa tay ra) chút ít vậy, chứ sao lại... vô lý thế!
- Một xu cũng không có!
Người soát vé phát cáu:
- Các người đã không có vé thì đi xe chậm chứ sao lại đi xe nhanh hở.
Người bị hỏi vé cũng hơi cáu:
- Các ông này mới lạ chứ! Người ta đã không có tiền nếu đi xe chậm ở những mấy hôm trên tầu thì lấy gì mà ăn hở.
Người soát vé sợ hãi muốn lẫn sang toa khác nhưng người hành khách còn mắng theo:
- Người ta chạy loạn từ Bắc kinh về đây hết sạch cả tiền, chính phủ đã không giúp thì thôi lại còn bắt mua vé!
Người soát vé cũng trả lời có vẻ thẫn thờ:
- Nhưng nào tôi có phải là chính phủ đâu!
Trang theo sát cánh đoàn dân chạy loạn để đuợc xem nốt tấn kịch lúc tầu đến Quảng Châu.
- Vé đâu? Nộp vé lại rồi hãy ra cửa!
Người hiến binh gác cửa đứng cạnh người thu vé vừa hỏi vừa chận đám người đang ồ ạt chen nhau ra trước.
- Không có vé!
- Không có vé thì đừng ra.
Một thiếu nữ có lẽ là em gái của người hành khách chạy loạn lúc trên tầu bước dấn lên cười nhạt bảo:
- Này, tôi bảo cho mà biết người ta đi từ Khúc Giang về đây ngót 300 cây số còn chả sao nữa là! Bây giờ chỉ còn ra cửa rõ khéo lôi thôi!
Cô ta đẩy người hiến binh lẫn cả người soát vé sang bên cạnh để lấy lối đi và hơn nữa còn chạy ra chạy vào mấy lần để khuân nốt đám hành lý còn sót lại bên trong ga dưới đôi mắt ngạc nhiên tròn xoe của người hiến binh. Gái thời loạn!