Phần thứ nhất
Phỏng Sự Ngắn
Ông tướng “thầy ba”

Hai người dọn đồ xuống đò hôm ấy chính là tôi và thằng Năm. Biết lắm! nghề gì thuộc về “tà đạo” thì sớm muốn cũng bị tổ trác! Tôi thường bảo thằng Năm như thế, nhưng chứng nào tật ấy, nó có nghe cho đâu.
Kiếm ăn được một mẻ “Châu Xương”, nó bắt bén trổ nghề. Ban đầu trị bịnh con nít, mắc con “sát”, con “trùng” gì ấy, lần lần nó bắt qua chữa bịnh người lớn. Ai đau gì nó cũng trị được, ai mắc gì nó cũng chữa được. Ðó mới là cái… biệt tài.
Mỗi lần thằng Năm xách “ông tướng Thầy Ba” đi đâu, tôi cũng căn dặn kỹ:
- Mầy… cho khéo… coi chừng…!
Nó liền trả lời gọn:
- Bảnh mà!
Tôi có thế nói cách kiếm ăn của chúng tôi lúc đó cũng hơi bất lương, nhưng lỡ nghèo sanh kế biết sao bây giờ!
Mà cũng may, cái thằng vậy mà “bà cậu độ”, được thiên hạ hoan nghinh.
Lần nào về thuật lại cái may, nó cũng cầm “ông tướng Thầy Ba” vuốt ve rồi hỉnh mặt:
- Ổng linh lắm mầy à!
Lời nói nầy kết quả ngay ở nhà ông Phối sư Cụt!
Hôm ấy, nó rủ tôi cùng đi. Nó bảo:
- Con nhỏ đau đó bảnh lắm, mầy đi với tao lấy hên, biết đâu khi tao thổi phép cho nó mạnh, ông Phối sư không cám cảnh gả quách nó cho mầy… hay cho tao?
- Tao mà làm cái mớ mốc gì mậy. Mầy có công thì mầy hưởng chớ!
- Ậy, đi, tao làm cho coi mà!
Thằng nó biết giàn trận coi cũng khá khiển, phải tay thầy bùa.
Con gái ông Phối sư đau nằm trong buồng, nói xin giàn trận ngay trong buồng:
- Bịnh tà thì phải biết, đem đi đâu được! Nó bảo như thế.
Mà thật, cô ấy tối ngày cứ ợ ngáp, lên lên, xuống xuống. Ðang nằm yên, bỗng la rầm lên một chặp rồi nằm xuống. Có khi cô nhảy xuống đất đánh võ tơi bời, xé rách ten cả quần áo rồi ôm cột giường mà khóc!
Thằng Năm bảo đó là một con “tinh” dữ, ở “miền dưới” muốn bắt cô ta theo nên hành hạ cô dữ quá!
Nó đánh phách với ông Phối sư:
- Phi tôi, đó thằng cha thầy nào trị nổi!
Nó đòi giấy vàng, sont àu, bút lông để hoạ phù trấn bốn góc buồng.
Sau khi giắt lá bùa trên lưng tôi và lưng ông Phối sư cho trấn thủ ngoài cửa buồng, nó nai nịt gọn ghẻ, một tay xách cây dao “đan tô” với cái hủ không, thứ hủ đựng cải tăn-xại, một tay cầm ông tướng Thầy Ba, nhảy xổ vào bắt tà.
Vừa kéo cửa phòng cái rột, nó đóng kín mít lại liền, không cho con tinh có ngã mà thoát ra.
Trong buồng, thằng Năm đã bật lên một câu thần chú:
- Án thiên la địa võng, án đông binh, tây định, nam, bắc, trung ương định!….
Ðó là nó hét lên để thị oai, rồi dịu giọng. Mà chính cái lúc nó dịu giọng mới là lúc người ta ghê mình:
- Hiu hiu gió thổi lộng đàn tiên, ngày hôm nay sư tướng đến đây, trên thánh tổ quang minh chứng giám, bủa địa võng bốn phương vững chặt, bố thiên la ba cõi trùng trùng, các hồn nào quấy nhiễu mông lung, phá dương thế bắt về lập tức….
- Ớ là hỡi âm binh ơi!…
Tôi đứng ngoài nghe lạnh xương sống, mà dòm ông Phối sư cùng người nhà mặt mày ai nấy cũng tái xanh.
- Ớ là hỡi âm binh ơi!….
Ai có ở vào đêm thanh vắng, tin tưởng chỗ mình ở có con “tà” đang lộng, nghe đến đây mới biết cái “ghê mình” ra làm sao!
Cốt ý thằng Năm là bắt cho được con “tinh” nhốt vô hũ “tăn-xại” rồi dán bùa lại, tống đi. Nó đã bảo trước với ông Phối sư:
- Ðể tôi bắt được rồi, ông coi, nó kêu rên trong hũ, xin tha thứ đủ điều!…
Ðến đây tôi mới hiểu được tại sao trước ngày đó thằng Năm rủ tôi đi kiếm bắt con “ong bầu” gần ứ hơi.
Nhưng tiếng thằng Năm bỗng im bặt, thay vào tiếng giậm chân rầm rầm dưới đất và tiếng thổi phèo phèo.
Có lẽ là lúc anh ta trợn mắt phùng mang thị uy với con “tinh” đặng “xáp lá cà” với nó.
Tôi đứng ngoài hồi hộp lạ lùng.
Ông Phối sư chấp tay vái nho nhỏ:
- Nhờ Ðức Thầy, Trời Phật chứng minh phò hộ cho con tôi thoát nạn.
Bỗng nhiên, trong buồng, con gái ông Phối sư la lên bài hãi:
- Ái ái, thằng cha thầy chó nầy, sao mầy dám ôm tao? Buông ra không?… Buông!… Guốc nè!…
Rồi… bốp… bốp… tiếng guốc tiếp theo, và sau cùng là tiếng thằng Năm:
- Chết tôi rồi trời ơi!…
Tôi cùng ông Phối sư tông cửa chạy vào. Cô gái đang đứng chống nạnh cạnh giường thở hào hển, còn thằng Năm thì ôm đầu ngồi dưới đất rên hì hì:
- Ui cha! Con “tinh” dữ quá!

°

°
Ðêm sau, chúng tôi dọn đồ, len lén ra đi.
Thằng Năm xách chiếu đem trải trước mũi ghe, nằm buồn dàu dàu, thỉnh thoảng thò tay khoát nước, nhìn hai bên ven bờ rạch Ruộng, rạch Ráng, rạch Cui….
Cứ mỗi vàm kinh thoáng qua là tôi thấy thời oanh liệt của thằng Năm không còn, mà tôi cũng chưa biết làm nghề gì ăn đây nữa.
Tôi lắc đầu nhắc lại:
- Liệng hắt ông Thầy Ba của mầy cho rồi! Ðã bảo coi chừng tổ trác mà mầy cứ dể người, bây giờ có phải co tay nhịn đói không?
- Mấy cứ bấy nhiêu đó nói mãi, hèn gì không làm nên được danh sự gì! Ván bài hễ không chín thì bù, đánh “mẹ” nó một tụ, cho nó ra sao thì ra!
Ở đời không làm được Phật, thì làm ăn cướp chớ có gì mà lo mầy!…