Chương 7

Uyên có một cái thời khóa biểu thật lý tưởng, song đã thay đổi nhiều lần cũng chẳng làm sao cho phù hợp được với chính mình. Thức dậy vào lúc 5 giờ, Uyên chỉ thực hiện được hôm đầu khi mới dán cái thời khóa biểu lên. Rồi cái buồn ngủ nó bảo cái nhức đầu, cái nhức đầu nó xúi cái lười, cái lười nó bảo thôi để mai, cái mai nó bảo cái mốt, cái mốt nó bảo một bữa đã sao. Tuần tới bắt đầu lại cũng được. Buổi tối bất cứ giá nào cũng phải thu xếp mọi công việc trước 8 giờ để ngồi vào bàn học và học một mạch cho tới 11 giờ mới được đi ngủ. 8 giờ ngồi bàn học nghiêm chỉnh được mươi phút đã nghe vẳng nhạc hiệu chương trình chiếu phim: Hôm nay có phim hay, thôi để hết phim học bù. Hết phim 10 giờ hơn trở lại bàn ngồi vẩn vơ một lát cho trôi hết các hình ảnh thì hai mắt đã díu lại. Thôi, sáng mai dậy sớm vẫn còn kịp. Và chỉ còn kịp tới trường đúng giờ vào sáng hôm sau.
Nhỏ An nói: "Con gái học tà tà đủ điểm lên lớp là được". Nhỏ Ngà bảo: "Con gái học nhiều như acid thấm dần, mau tàn phai sắc đẹp". Mỗi đứa nghĩ một lối, dù sao đi nữa Uyên cũng không bao giờ chấp nhận. Tốt nghiệp phổ thông là cái mốc cuối của con gái.
Tự bữa nói chuyện với chú Thuyên, Uyên nảy ra ý nghĩ sẽ quy tụ đám bạn lớp lại thành một nhóm học tập. Uyên đã nghĩ tới Ngà tới Việt, tới Hằng tới Vỹ, và Khôi hay thêm một bạn nào nữa. Uyên mới ngỏ ý với Hằng, con bé đã gạt đi. hình như lập nhóm cùng sở thích vui chơi dể hơn là kết bạn học tập. Thế tại sao lại không kết bạn vừa vui chơi vừa học tập? Uyên nhả ý kiến với Ngà, Ngà đồng ý một nửa. Phần đầu ta có mặt nhưng phần sau thì nhường mị Uyên thất vọng. Không biết Khôi và Việt sẽ nghĩ sao? Việt và Khôi mấy bữa nay vừa có chuyện lớn tiếng với nhóm Thọ cuối lớp, suýt gây ẩu đả nếu không được can ngăn kịp thời. Có lẽ Uyên nên nghĩ tới Vỹ.
- Cầu vồng có mấy màu?
- Bảy màu: Đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Một chùm tia sáng trắng đi qua lăng kính cũng cho ta bảy màu này.
- Ở thành phố mình tòa nhà nào cao nhất?
- Cao ốc khách sạn Hữu Nghị, 14 tầng.
- Trường mình có bao nhiêu học sinh?
- Một ngàn bốn trăm năm mươi.
- Sai. Một ngàn bốn trăm bốn chín thôi. Hôm qua có một học sinh mới bị đuổi.
Cả bọn thích thú với "trò chơi điện tử" bằng cách đặt ra câu hỏi cho máy vi tính Vỹ giải đáp. Vỹ gầy ốm như một cái tăm tre giữa vòng vây các bạn ồn ào. Đôi mắt cận không mang kính của Vỹ lờ đờ như đôi mắt cá nhìn như chẳng rõ được gì chung quanh nhưng thực sự còn sáng hơn cả những viễn vọng kính, "hút vào trong bộ nhớ" tuyệt vời của mình hàng ngàn vạn sự kiện.
- Hôm nay tan học để mình chở cậu về nhé.
- Nhà Vỹ ở tuốt Khánh Hội, ngược đường Uyên sao tiện. Thôi, để Vỹ cứ đi với Mai.
Mai như cái lu, ấy thế mà hai bạn vẫn thay phiên chở nhau đi về. Nhà Vỹ xa trường không có xe đạp, những hôm nào Mai đau nghỉ học thì Vỹ phải đi bộ cả một giờ đường nhưng không bao giờ Vỹ lỡ một tiết.
- Hay để chiều mình tới nhà bạn vậy.
Uyên đề nghị. Vỹ ngần ngại, lắc đầu:
- Buổi chiều mình bận lắm. Có chuyện gì không Uyên?
Uyên muốn bày tỏ ý định của mình với Vỹ nhưng rõ ràng rồi cũng chẳng tới đâu. Nhà Vỹ đông em, Vỹ là chị lớn nên việc nhà hoàn toàn một tay Vỹ. Nghe đâu ngoài giờ học Vỹ còn phải đi gánh nước mướn và đi nhận lá buông tận đâu đâu về đan lát thêm với các em vào buổi tối hoặc trong những giờ rảnh. Có lẽ Vỹ đã học bài ở nhà trong những giờ làm công việc này.
Một buổi sáng không đợi, cả lớp được nghỉ. Thầy Luận bận đột xuất. Thầy bận hay thầy bệnh không rõ nguyên do nhưng cứ chắc là không có môn toán khô khan sáng naỵ Thầy giám thị cho lệnh cả lớp ngồi tại chỗ ôn bài dưới sự Ổn định của trường lớp, nhưng trễ rồi, phân nửa lớp đã ra ngoài sân. Buộc lòng thầy phải cho toàn ra khỏi sân đợi tiết sau. Ra khỏi sân không được dắt xe ra cũng gần như nghĩ tại chỗ, vì học trò không được về cũng không đi đâu xạ Cả bọn kéo ra lề đường. Một nhóm tấp vào quán chè, nhóm khác bu lấy sạp báo. Phần đông phân tán mỏng thành những tốp nhỏ đôi ba bạn chụm đầu với nhau dưới bóng của những tàng cây lớn quanh trường.
Uyên đã đi chung với Mai và Vỹ. Các bạn vừa mở cặp lấy bút tập ra trao đổi với nhau được vài ba câu đã thấy Thọ cùng mấy bạn trai cuối lớp sà tới bên.
- Chà các bạn chăm học quá ta.
Bọn con trai lên tiếng. Đám con gái chỉ khẻ nhìn lên không nói gì.
- Học thầy không tày học bạn, đề nghị các bạn cho tụi này học chung với.
Vỹ vẫn cắm cúi. Uyên chau mày. Mai lên tiếng:
- Yêu cầu các bạn để cho bọn mình yên.
Có tiếng cười. Bọn con trai sách vở đâu hết, hoặc đã để lại lớp hoặc đã cuộn tròn nhét đâu đó trong bụng áo hay nơi để xe. Chúng tìm đâu ra điếu thuốc đang phì phà khói với nhau. Một cụm khói lớn phả vào sau lưng tóc làm đám con gái khó chịu. Vỹ quay mặt ho sặc sụa. Không chịu đựng được, Uyên nhìn thẳng vào mặt Thọ, to tiếng:
- Mình không ưa cái lối đùa bất lịch sự của các cậu đâu nhé.
Thọ cười nhăn nhở:
- Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Tình quá các bạn ơi!
Bọn con trai lại cười. Uyên tính bật dậy đối đáp một phen nhưng Mai đã níu lấy tay bạn:
- Mặc xác cái thứ nham nhở ấy, đừng thèm nói đừng thèm nhìn nữa Uyên.
Mai, Uyên, Vỹ cố tập trung vào cuốn vở với bài toán dở dang nhưng bọn Thọ đâu để yên.
- Có con sâu to to đang bò bò trên áo kìa.
- Cái trò xưa như... mặt trăng ấy đâu còn làm ai sợ để mà cười.
Thọ trễ một cúc áo ngực, đổi giọng:
- Chiều nay có rạp mới đổi phim tình cảm mê ly nức nở, mình đã mua trước ba cái vé...
- Phim gì vậy?
- Mối tình màu cà phê sữa.
- Tình gì lại màu cà phê sữa?
- Vừa đắng vừa ngọt, vừa đen vừa trắng thì không phải màu cà phê sữa còn màu gì?
- Độc đáo.
Cả bọn đi theo Thọ vỗ tay a duạ Thọ càng hứng chí ba hoa:
- Chẳng ai như thằng Dũng kều, yêu em Mai trắng phập phồng, yêu mê mệt yêu da diết yêu thảm thiết mà không dám hở môi...
Mai luống cuống để rơi cuốn vở. Dũng đỏ nhừ mặt ra hiệu cho bạn đừng. Nhưng Thọ cứ nói:
- Nếu mày thích uống cà phê sữa thì mặc mày nhưng từ rày đừng cái trò ngu ngơ viết một triệu cái tên Mai lên vở rồi âm thầm thương nhớ, nhớ thương nữa, cải lương không chịu được.
Dũng quay mặt muốn lỉnh đi. Mai đã thu vén những cuốn vở cùng các bạn đứng dậy. Vừa là đạo diễn vừa là diễn viên chính, Thọ bước tới trước đám con gái:
- Tôi uống cà phê đen đây nè. Tôi thích nói thẳng nói thật, tôi rất muốn "kết mô- đen" với Uyên. Uyên nghĩ sao?
Uyên trừng mắt nhìn thẳng vào mặt Thọ. Thọ sấn tới có một cử chỉ như muốn cầm lấy tay Uyên:
- Chiều nay mình đi chơi vui vẻ với nhau nhé Uyên.
Uyên lùi lại thủ thế như một con sâu rồi búng ra dữ dằn:
- Chướng vừa vừa thôi bạn.
Giữa lúc ấy Việt ở đâu nhào tới.
- Thì ra các bạn ở cả đây.
- Ở cả đây thì đã sao?
Thọ cụt hứng nhìn sang Việt. Lúc này Uyên, Mai và Vỹ đã dợm bước bỏ đi.
- Đùa một tí mà các bạn đã giận, ở lại đây đi.
Thọ đứng chặn trước mặt đám con gái. Việt giảng hòa:
- Phá các bạn ấy làm chi, Thọ.
- Ai phá? Có mày phá đám thì có.
- Các bạn ấy phản ánh lên cô chủ nhiệm mất điểm đạo đức cả đám.
- Ai làm gì mà mất? Còn mày thì đạo đức lắm chắc?
-...
- Mày đi chơi tá lả với nhỏ Ngà ai nói gì mày.
-...
- Xời ơi, bày đặt. Cái con thối ấy nó quậy tùm lum tưởng thơm tho lắm mà bày đặt.
Việt đổi nét mặt:
- Thôi nha Thọ.
Thọ lớn tiếng:
- Nó thối tao bảo nó thối.
- Tôi yêu cầu bạn không được đụng tới danh dự của kẻ khác.
Quay lại các bạn, Thọ phân bua:
- Các bạn chứng kiến rõ ràng thằng Việt muốn gây sự trước đấy nhé.
Các bạn can:
- Thôi Việt, mày quên bố nó là hiệu phó...
Việt gạt các bạn ra:
- Các bạn cứ để nó cho tôi, nó là con thầy hiệu phó hay thầy giám thị gì tôi cũng cóc ngán.
Thọ chỉ mặt Việt:
- Nhớ nhé, mày dám khinh thường cả ban giám hiệu nhé.
- Đừng có láo!
- Có các bạn làm chứng: nó chửi cả nhà trường nữa, việc này không bỏ qua được đâu.
Việt giận run lên, xông tới - Đám con gái nãy giờ đứng xa theo dõi thấy tình hình căng thẳng sợ đến chuyện chẳng lành vội lên tiếng can thiệp:
- Thôi, bỏ qua đi Việt.
- Nó phách lối phải cho nó một bài học.
Uyên nói với Việt:
- Cả lớp ai chả biết nó, ức làm chi mắc vạ.
Thấy Việt xuôi tay, Thọ thách thức:
- Cứ để yên xem nó có dám đụng tới tao không. Hối hận không kịp con ạ.
Chuyện xảy ra ngoài cổng trường trong giờ nghỉ ấy đã râm ran cả lớp, ai cũng biết. Ai cũng biết nên thường lảng chuyện với Thọ, không muốn có chuyện rắc rối đến tai văn phòng giám thị, ảnh hưởng đến việc học. Thọ thấy thế tưởng các bạn nể mình, ngán mình lại càng làm tàng làm phách dữ.
- Ỷ con thầy học dốt như bò, không biết nhục.
- Ấy thế mà đâu có năm nào phải ở lại lớp.
Thọ học lớp nào, tuy không nói ra, nhưng các thầy các cô vẫn tự hiểu mình có trách nhiệm riêng với một trò, trách nhiệm ấy là không để tiếng cho con thầy hiệu phó có điểm yếu, về môn mình phụ trách. Vì thế dù học hành chẳng ra gì, Thọ có một điểm chẳng hơn ai, nhưng cũng đủ trung bình để đều đặng hàng năm leo lên lớp.
- Tao sẽ vận động để cả lớp "nghỉ chơi" cho nó bẽ mặt.
- Bẽ mặt gì nó, mà cậu lại mang tiếng gây mất đoàn kết.
- Ai thèm đoàn kết với mấy thứ đó. Đèn chưa đủ sáng lại gần chi cái thứ mực đen xì ấy. Khôi bàn với Việt, Việt tiết lộ:
- Hình như mấy bữa nay thằng Thọ cùng với mấy đứa bàn cuối thích thú với một trò chơi gì đó. Có thể, chúng đã viết cái gì bậy bạ rồi lén lút bắn giấy qua các bàn con gái.
- Mày chắc điều đó chứ?
- Tao đã thấy bọn con gái lượm lên đọc, đứa nào cũng đỏ mặt, rồi vội vã xé vụn ra. Còn bọn thằng Thọ thì thích thú cười.
- Quân vô liên sỉ! Thế mày có rõ chúng viết gì không?
- Con Ngà nói là rất bậy bạ, lại còn vẽ hình lăng nhăng nữa. Không đứa nào dám giữ cả.
- Nội vụ phải trình lên cô chủ nhiệm.
- Hình như bọn con gái đã trình rồi. Cô phải nói rình bắt quả tang mới thi hành kỷ luật được, chứ nhắc chung chung chỉ có nghĩa tuyên bố là thủ phạm đã thắng.
Khôi bậm môi, hậm hực:
- Quân hèn mạt ném đá dấu taỵ Còn tệ hơn là ném đá nữa, chúng đã vẩy bẩn lên áo trắng nữ sinh. Tao thề là sẽ phanh phui vụ này.
Việt nắm tay bạn:
- Tao cũng đồng ý với mày, nhưng tốt hơn hết là phải âm thầm theo dõi thằng Thọ.
Bỗng dưng Khôi đâm ra bực bội với bạn:
- Mày hèn như gì ấy, hôm nọ đáng lẽ mày đã phải bửa vào mặt nó một trận. Nghe Uyên kể lại tao còn ức.
- Cũng tại..., Việt phân bua, với lại tao cũng không muốn bị đuổi học.
- Đuổi học đâu phải chuyện đơn giản, cũng còn có người này người kia nữa chứ đâu riêng gì bố thằng Thọ.
- Mày quên rằng trong "Mười Điều Kỷ Luật" đánh lộn được kể vào hàng đầu cấm kỵ à.
- Đành rằng thế, nhưng có dịp được bửa thằng Thọ một phen giữa sân trường tao cũng cóc sợ gì cả.
Lời nguyền của bạn nào đó thì có thể qua đi cùng với nỗi ấm ức, bực bội nhất thời. Chứ với Khôi, Việt biết, nó sẽ xảy ra. Nó sẽ xảy ra như nhiều lần đã xảy ra chuyện bất bình đối với Khôi, phải giải quyết dứt khoát. Hồi cấp một chính Việt đã chứng kiến bạn dúi đầu một đứa hỗn láo xuống đống phân chỉ vì một câu chửi bậy bạ đụng tới mẹ mình. Lần khác, cũng Khôi đã dám đụng tới một tay to con nhất lớp để sau đó bị một phen nhừ tử, bởi tự Khôi đã làm nói là không sợ vô lý một đứa nào, dù đứa đó thật sự tọ Bạn với Khôi từ thơ ấu, hơn ai hết Việt hiểu tính bạn, nói là làm. Lớn lên cái "chứng" ấy mạnh hơn, nó đã từng khiến Khôi trắng cả đêm vì lỡ thách thức "có gì đâu mà khó" với một bài toán hắc búa của các học sinh giỏi toán cấp hai. Cũng một lần "để tôi làm cho", Khôi hứng lấy công việc của em một đứa bạn: trình bày báo tường. "Tưởng một hai bữa thôi chứ ai dè cả tuần lễ chưa xong. Nhưng đã trót nhận thì phải làm, bỏ bê bài học của mình để xong việc kẻ khác: Không có gì dại hơn." Dù biết thế nhưng đã là cái tính, không dễ gì thay đổi.
- Bọn thằng Thọ hình như đã tự động thôi chơi trò viết bậy bạ rồi, Khôi nhận định sau một thời gian cùng Việt theo dõi. Có thể là chúng sợ bị lật tẩy hay cũng có thể chúng cảm thấy không còn thích thú nữa.
- Cậu có để ý gì không, cũng thằng Thọ cầm đầu, chúng đang chơi trò khác nham nhở hơn.
- Có phải cậu muốn nói là chúng thường tìm cách tới gần bọn con gái để chen lấn xô đẩy nhau phải không?
- Thường là ở cửa vào những lúc chuông giờ chơi và chủ yếu là lúc lộn xộn tan học. Hôm qua thằng Thọ đã giả bộ lấn để cho thằng Dũng kều ngã ôm chầm lấy nhỏ Mai trắng rồi cả bọn đóng kịch xin lỗi năn nỉ rối rít.
- Quân mất dạy, Khôi rít lên, nếu cô chủ nhiệm không lên tiếng chấn chỉnh kịp thời thì không biết bọn chúng còn giở trò bỉ ổi gì nữa.
Vào đầu giờ kể tiếp cô Hà đã không tiếc lời lên án "những hành vi vô giáo dục" của một số phần tử xấu trong lớp, ảnh hưởng của những phim và sách truyện đồi bại. Cô chỉ nói chung chung không ám chỉ ai hay cụ thể ai:
- Chuyện này nếu phải ánh lên tới Ban giám hiệu hẳn lớp ta sẽ mất điểm thi đuạ Một con sâu làm rầu nồi canh, chúng ta nhất định phải nhặt con sâu đó ra để khỏi làm ảnh hưởng phẩm chất đạo đức của cả lớp.
Không đợi lâu, vào buổi học hôm sau Việt được giấy gọi lên phòng giám thị làm việc.
Làm việc với thầy Giám thị nếu không phải kỷ luật, đuổi học, thì ít ra cũng nhận thư cảnh cáo về tới gia đình. Gần đây những biện pháp kỷ luật của thầy Giám thị hết sức gắt gao. Tùy những trường hợp được nhắc nhở đích danh trên loa hàng tuần, lời cảnh cáo còn được gởi về tới tận gia đình và trường hợp nào cũng có trừ vào điểm đạo đức cuối năm. Niên học bắt đầu được ba tháng đã có năm trường hợp đuổi cảnh cáo mười lăm ngày và hai trường hợp đuổi học vĩnh viễn. Mười Điều Kỷ Luật là một bài học mà bất kỳ học sinh lớp nào trong trường cũng phải thuộc nằm lòng và được thầy Giám thị kiểm tra bất chợt ngay tại cổng khi thấy cần nhắc nhở đối với học sinh nào. Bất kể nam hay nữ hình phạt nhẹ nhất cũng là ghi tên vào sổ đen và ngày hôm sau nạp "Mười điều kỷ luật" chét phạt mười lần.
Nhìn nét mặt hí hửng của thằng Thọ khi Việt bị gọi lên văn phòng, Khôi đã nóng mặt muốn "bộp" cho nó vài cái. Chính nó chứ chẳng phải ai đã chơi cái trò "tung hỏa mù" để các bạn chú tâm vào Việt, còn nó tìm cách bịt những tai tiếng xấu đang nhắm vào mình. Từ văn phòng giám thị trở về, mặt Việt đỏ bừng bừng chẳng nhìn ai, lẳng lặng ngồi lại chỗ. Chuyện gì thế? Các bạn hỏi đi hỏi lại Việt cũng chỉ lắc đầu. Mãi đến lúc về Việt mới chỉ nói với Khôi, sau khi đã bị bạn khích bác đủ điều:
- Dù tao ham vui hay học kém vài ba môn nhưng thực sự tao cũng không bao giờ muốn bị đuổi học. Tao khuyên mày hãy quên đi chuyện hiềm thù với bọn thằng Thọ. Nó là một đứa hèn, thiếu thẳng thắn lại ưa ton hót đặt điều. Mày không thể tưởng tượng được những chuyện đùa nghịch lớn bé gì ở trong lớp mình cũng được ghi lại đầy đủ trong cuốn sổ bìa đen, ngoại trừ những hành vi bỉ ổi của thằng Thọ. Tao đã bị buộc tội là cố tình gây mất đoàn kết với bạn bè, khinh thường ban giám hiệu, quan hệ nam nữ bất chính. Điểm nào cũng nằm trong Mười điều kỷ luật cả. Cảnh cáo thư về gia đình, tái phạm sẽ bị đuổi học tạm thời hay vĩnh viễn tùy mức độ. Điều này không nhẹ nhàng với tao chút nào hết.