Các hệ phái TCQ rất là phức tạp. Nếu lấy sự lớn nhỏ của chiêu-thức (dáng, hình thức di chân múa tay) mà phân biệt thì có thể chia làm ba phái chính. Nếu căn cứ vào nội dung quyền thức và nguồn gốc khác nhau thì có thể chia làm bảy nhà. A. Ba Hệ Phái 1. Ðại Giá Thức: Do Dương Trừng Phủ làm đại biểu. Loại quyền giá này được truyền thụ bởi cha ông là Dương Kiện Hầu, và đến ông thì có sửa đổi lại đôi chút. Quyền thức mở rộng, nhẹ nhàng, trầm trọng (trầm ổn), thường gọi là Dưong phái. 2. Trung Giá Thức: Do Ngô Giám Tuyền làm đại biểu. Giá thức không lớn không nhỏ (không rộng, không hẹp) mà vừa vừa, nổi bật ở sự nhu hóa. Nguồn gốc của loại quyền giá này như sau: Cha của Ngô Giám Tuyền là Ngô Toàn Hựu, đầu tiên học đại giá thức với Dương Lộ Thiền, rồi lại học tiểu giá thức với Dương Ban Hầu (con của Dương Lộ Thiền), và truyền cả hai môn này lại cho con mình là Ngô Giám Tuyền. Giám Tuyền bèn dung hợp chiết trung, tự mình thành một phái, gọi là Ngô phái. 3. Tiểu Giá Thức: Do Vũ Vũ Tương làm đại biểu. Họ Vũ vốn người huyện Vỉnh Niên, phủ Quảng Bình, Tỉnh Trực Lệ, đến Ôn Châu Hà Nam, theo học với Trần Thanh Bình. Học được bộ thứ hai của tân giá tử, rồi tự mình cải tiến. Quyền thức khéo léo, khít khao, kín đáo, thân pháp thì thấp. Tự dựng thành một phái, gọi là Vũ phái. B. Bảy Nhà Giá Thức: 1. Trần Thị Lão Giá: (Quyền phổ nhà họ Trần) Truyền bởi Trần Trường Hưng thuộc Trần Gia Câu, Ôn Châu, Hà Nam. Quyền thức là đại giá thức của lão giá nhà họ Trần. 2. Trần Thị Tân Giá: Truyền bởi Trần Hữu Bản của Trần Gia Câu, quyền thức thuộc bộ đầu trong tân giá của nhà họ Trần, cũng thuộc đại giá. 3. Trần Thị Tiểu Giá: Truyền bởi Trần Thanh Bình ở làng Siêu Bảo (gần Trần Gia Câu), quyền thức thuộc bộ thứ hai trong tân giá của nhà họ Trần, thuộc tiểu giá. 4. Dương Thị Ðại Giá: Truyền bởi Dương Trừng Phủ (Hà Bắc). Ông nội của Dương Trừng Phủ là Dương Lộ Thiền, vào khoãng các năm Hàm Phong đời vua Văn Tông triều Thanh (tức là từ 1851 trở đi), đem TCQ đến Hà Bắc, sau đó cha con Dương Kiện Hầu, Dương Trừng Phủ cải tiến mà thành. 5. Vũ Thị Tiểu Giá: Truyền bởi Vũ Vũ Tương, người huyện Vỉnh Niên, sau truyền cho Hác Vi Trinh và ông này đem truyền ở Bắc Kinh. 6. Ngô Thị Trung Giá: Do cha con Ngô Toàn Hựu, Ngô Giám tuyền truyền bá, như đã nói trên. 7. Tôn Thị Tiểu Giá: Truyền bởi Tôn Lộc Ðường (Bắc Kinh), họ Tôn học với Hác Vi Trinh rồi cải tiến, tự dựng thành một nhà. Những điều trình bày ở trên chỉ cứ vào các tài liệu đích thực và xác thực, và phân biệt một cách đại cương thành ba phái bảy nhà; còn nếu muốn phân biệt tường tận hơn thì vấn đề rất phức tạp, nhà nào cũng có ưu điểm riêng, người học tùy theo thể chất, tuổi tác và sở thích mà chọn lựa cho mình.