THE STRUCTURE OF SCIENTIFIC REVOLUTIONS
Người dịch: Nguyễn Quang A
Chương 5
Vị trí hàng đầu của các Khung mẫu

Để khám phá ra quan hệ giữa các qui tắc, các khung mẫu, và  khoa học thông thường, đầu tiên hãy xem nhà lịch sử cô lập các  vị trí cá biệt của cam kết vừa được mô tả như các qui tắc được  chấp nhận. Sự điều tra lịch sử tỉ mỉ về một chuyên môn cho  trước ở một thời gian cho trước tiết lộ một tập các minh hoạ tái  diễn đều đặn và gần như chuẩn của các lí thuyết khác nhau trong  những ứng dụng quan niệm, quan sát, và công cụ của chúng. Đấy  là các khung mẫu của cộng đồng, được biểu lộ trong các sách  giáo khoa, các bài giảng, và các bài tập phòng thí nghiệm của nó.  Bằng nghiên cứu chúng và tập luyện với chúng, các thành viên  của cộng đồng tương ứng học nghề của mình. Tất nhiên, nhà lịch  sử sẽ phát hiện ra thêm một vùng nửa tối bị choán bởi các thành  tựu mà địa vị của chúng vẫn còn bị nghi ngờ, nhưng lõi của các  vấn đề đã được giải quyết và các kĩ thuật sẽ thường là rõ ràng.  Bất chấp các mơ hồ hi hữu, các khung mẫu của một cộng đồng  khoa học trưởng thành có thể được xác định tương đối dễ.
Việc xác định các khung mẫu dùng chung, tuy vậy, không phải  là sự xác định các qui tắc dùng chung. Việc đó đòi hỏi một bước  thứ hai và là bước thuộc loại hơi khác. Khi đảm nhận việc đó, sử gia phải so sánh các khung mẫu của cộng đồng với nhau và với  các báo cáo nghiên cứu thịnh hành của nó. Khi làm vậy, mục tiêu  của ông ta là phát hiện có thể cô lập các yếu tố nào, rõ rệt hay ẩn  tàng, mà các thành viên của cộng đồng đã có thể trừu tượng hoá từ các khung mẫu bao trùm hơn của họ và đã triển khai ra như các qui tắc trong nghiên cứu của họ. Bất cứ ai đã thử mô tả hay  phân tích sự tiến hoá của một truyền thống khoa học cá biệt sẽ nhất thiết tìm kiếm các nguyên lí được chấp nhận và các qui tắc  thuộc loại này. Hầu như chắc chắn, như mục trước cho biết, ông  ta sẽ ít nhất thành công một phần. Nhưng, nếu kinh nghiệm của  ông ta có giống kinh nghiệm của riêng tôi chút nào, ông ta sẽ thấy rằng tìm các qui tắc là cả khó hơn và ít thoả mãn hơn tìm  các khung mẫu. Một số khái quát hoá mà ông ta dùng để mô tả các lòng tin chung của cộng đồng sẽ không thành vấn đề. Tuy  vậy, các khái quát hoá khác bao gồm những cái được dùng như các minh hoạ ở trên, sẽ có vẻ là một cái bóng quá nặng nề. Diễn đạt đúng theo cách đó, hay theo bất cứ cách nào khác ông ta có  thể hình dung, chúng hầu như chắc chắn đã bị một số thành viên  của nhóm mà ông nghiên cứu từ chối. Tuy nhiên, nếu sự cố kết  của truyền thống nghiên cứu phải được hiểu ở dạng các qui tắc,  cần đến sự định rõ nào đó về điểm chung trong lĩnh vực tương  ứng. Kết quả là, việc dò tìm một tập các qui tắc có đủ khả năng  tạo thành một truyền thống nghiên cứu cho trước trở thành một  nguồn thất vọng liên tục và sâu sắc.
Nhận ra sự thất vọng đó, tuy vậy, làm cho có thể để chẩn đoán  nguồn của nó. Các nhà khoa học có thể đồng ý rằng một Newton,  Lavoisier, Maxwell, hay Einstein đã tạo ra một lời giải hình như lâu dài cho một nhóm các vấn đề nổi bật và vẫn bất đồng, đôi khi  không có ý thức về sự bất đồng, về các đặc trưng trừu tượng cá  biệt làm cho các lời giải đó dài lâu. Tức là, họ có thể đồng ý  trong sự nhận diện của họ về một khung mẫu mà không đồng ý  về, hoặc thậm chí không thử tạo ra, một diễn giải đầy đủ về nó hay sự hợp lí hoá nó. Thiếu một diễn giải chuẩn hay một sự qui  thống nhất về các qui tắc sẽ không cản trở một khung mẫu hướng  dẫn việc nghiên cứu. Khoa học thông thường có thể được xác  định một phần bằng trực tiếp kiểm tra các khung mẫu, một quá  trình được giúp đỡ bởi nhưng không phụ thuộc vào việc trình bày  các qui tắc và các giả thiết. Thật vậy, sự tồn tại của một khung  mẫu thậm chí không cần ngụ ý rằng tồn tại bất cứ tập đầy đủ nào  của các qui tắc.1
Chắc hẳn, tác động đầu tiên của các tuyên bố đó nêu ra các vấn  đề. Khi thiếu một tập các qui tắc có đủ khả năng, cái gì giới hạn  nhà khoa học đối với một truyền thống khoa học thông thường cá  biệt? Lối nói ‘sự kiểm tra trực tiếp các khung mẫu’ có nghĩa là  gì? Các câu trả lời một phần cho các câu hỏi giống thế này được  Ludwig Wittgenstein trình bày, tuy trong một ngữ cảnh rất khác.  Bởi vì ngữ cảnh đó vừa sơ đẳng hơn vừa quen thuộc hơn, sẽ có  ích để đầu tiên đi xem xét dạng lập luận của ông. Wittgenstein hỏi, chúng ta cần biết gì để áp dụng các từ như ‘ghế’, hay ‘lá’  hay ‘trò chơi’ một cách rõ ràng và không có lí lẽ gây bực mình?2
Câu hỏi đó rất cổ xưa và nói chung được trả lời bằng nói rằng  chúng ta phải biết, có ý thức hay qua trực giác, một cái ghế hay  chiếc lá, hay trò chơi là gì. Tức là, chúng ta phải nắm được tập  của các thuộc tính chung cho tất cả các trò chơi và chỉ cho các  trò chơi. Wittgenstein, tuy vậy, kết luận rằng, căn cứ vào cách  chúng ta dùng ngôn ngữ và loại thế giới mà chúng ta áp dụng nó  vào, không cần đến tập đặc trưng nào như vậy. Tuy một thảo  luận về một số thuộc tính được một số trò chơi hay ghế hay lá  chia sẻ thường giúp chúng ta học áp dụng từ tương ứng ra sao,  không có tập nào của các đặc trưng đồng thời áp dụng được cho  tất cả các thành viên của một lớp và cho riêng chúng. Thay vào  đó, đối mặt với một hoạt động trước đó chưa quan sát thấy,  chúng ta áp dụng từ ‘trò chơi’ bởi vì cái chúng ta đang quan sát  có “nét giống-họ hàng” sát với một số hoạt động mà trước đó  chúng ta đã học để gọi bằng cái tên ấy. Nói tóm lại, đối với  Wittgenstein các trò chơi, các ghế, và các lá là các họ tự nhiên,  mỗi họ được cấu tạo bởi một màng lưới của các sự giống nhau  chồng chéo. Sự tồn tại của một mạng lưới như vậy giải thích đủ cho thành công của chúng ta trong nhận diện đối tượng hay hoạt  động tương ứng. Chỉ nếu các họ mà chúng ta gọi tên chồng lên  nhau và hợp nhất với nhau - tức là, chỉ nếu không có các họ tự nhiên – thì sự thành công của chúng ta trong nhận diện và gọi tên  mới cung cấp bằng chứng cho một tập của các đặc trưng chung  tương ứng với mỗi lớp tên chúng ta áp dụng.
Cái gì đó cùng loại rất có thể đúng cho các vấn đề nghiên cứu  và kĩ thuật khác nhau nảy sinh trong phạm vi một truyền thống  khoa học thông thường duy nhất. Cái chung của những cái này  không phải là chúng thoả mãn tập rõ rệt nào đó hay thậm chí tập  có thể khám phá ra đầy đủ của các qui tắc và các giả thiết những  cái cho truyền thống ấy các đặc trưng của nó và ảnh hưởng của  nó lên trí óc khoa học. Thay vào đó, chúng có thể có quan hệ bởi  sự giống nhau và bởi sự bắt chước phần này hay phần kia của bộ sưu tập khoa học mà cộng đồng đang nói đến đã thừa nhận rồi  như trong số các thành tựu vững chắc của nó. Các nhà khoa học  làm việc từ các hô hình nhận được qua giáo dục và qua tiếp xúc  sau đó với tài liệu khoa học, thường không hoàn toàn biết hay  cần biết các đặc trưng nào đã cho các mô hình này địa vị của các  khung mẫu của cộng đồng. Và bởi vì họ làm như thế, họ không  cần đến tập đầy đủ các qui tắc. Sự cố kết, do truyền thống nghiên  cứu trong đó họ tham gia biểu lộ, có thể không ngụ ý ngay cả sự tồn tại một tập cơ sở của các qui tắc và giả thiết mà sự khảo sát  lịch sử hay triết học thêm có thể tiết lộ. Rằng các nhà khoa học  thường thường không hỏi hay tranh luận cái gì làm cho một vấn  đề hay lời giải cá biệt hợp pháp, xui ta đi giả sử rằng, chí ít qua  trực giác, họ biết câu trả lời. Song có thể nó chỉ ngụ ý là hình  như câu hỏi không và câu trả lời cũng không có liên quan đến  nghiên cứu của họ. Các khung mẫu có thể trước, trói buộc hơn,  và đầy đủ hơn bất cứ tập nào của các qui tắc cho nghiên cứu có  thể được trừu tượng hoá một cách dứt khoát từ chúng.
Cho đến đây điểm này là hoàn toàn có tính lí thuyết: các khung  mẫu có thể xác định khoa học thông thường mà không có sự can  thiệp của các qui tắc có thể được phát hiện ra. Bây giờ hãy để tôi  thử làm tăng cả sự sáng sủa lẫn sự khẩn cấp của nó bằng cho biết  một số lí do để tin rằng các khung mẫu có hoạt động theo cách  này. Lí do thứ nhất, đã được thảo luận khá đầy đủ, là khó khăn  gay gắt của việc khám phá ra các qui tắc hướng dẫn các truyền  thống khoa học thông thường cá biệt. Khó khăn đó gần hệt như khó khăn mà nhà triết học gặp phải khi thử nói tất cả các trò chơi  có cái gì chung. Lí do thứ hai, mà cái thứ nhất thực sự là một hệ quả, có gốc rễ trong bản tính của giáo dục khoa học. Phải là rõ  rồi, các nhà khoa học chẳng bao giờ học các khái niệm, qui luật,  và lí thuyết một cách trừu tượng và tự họ. Thay vào đó, đã gặp  các công cụ trí tuệ này từ đầu trong đơn vị trước về mặt lịch sử và sư phạm cái phơi bày chúng với và qua các ứng dụng của  chúng. Một lí thuyết mới luôn được công bố cùng với các ứng  dụng cho dải nào đó của các hiện tượng tự nhiên; không có  chúng thậm chí nó không là một ứng viên để chấp nhận. Sau khi  nó đã được chấp nhận, cũng các ứng dụng ấy hay các ứng dụng  khác đi cùng lí thuyết vào các sách giáo khoa từ đó nhà thực  hành tương lai sẽ học nghề của mình. Chúng không phải ở đó chỉ như đồ trang trí hay thậm chí như tư liệu. Ngược lại, quá trình  học một lí thuyết phụ thuộc vào nghiên cứu ứng dụng, kể cả thực  hành giải quyết-vấn đề cả với bút chì và giấy lẫn với các các  công cụ trong phòng thí nghiệm. Nếu, thí dụ, nhà nghiên cứu  động học Newtonian từng khám phá ra ý nghĩa của các từ như ‘lực’, ‘khối lượng’, ‘không gian’, và ‘thời gian’, anh ta làm vậy ít  hơn từ các định nghĩa không đầy đủ tuy đôi khi hữu ích trong  sách giáo khoa của mình so với bằng quan sát và tham gia vào áp  dụng các khái niệm này cho giải quyết-vấn đề.
Rằng quá trình học bằng luyện tay hay học bằng hành (làm)  tiếp tục suốt quá trình nhập môn chuyên nghiệp. Khi sinh viên  xuất phát từ khoá học năm thứ nhất tới và đến cuối luận văn tiến  sĩ của mình, các vấn đề được phân cho anh ta trở nên phức tạp  hơn và ít hoàn toàn có tiền lệ hơn. Song chúng tiếp tục theo  gương các thành tựu trước y như các vấn đề mà anh ta thường  thường bận rộn với trong sự nghiệp khoa học độc lập tiếp sau của  mình. Người ta tự do để giả sử là, ở đâu đó dọc đường nhà khoa  học đã trừu tượng hoá các qui tắc của trò chơi cho bản thân mình  một cách trực giác, nhưng có ít lí do để tin điều đó. Tuy nhiều  nhà khoa học nói dễ dàng và khéo về các giả thuyết cá nhân cá  biệt làm nền tảng cho một bộ phận cụ thể của nghiên cứu hiện  thời, họ khá hơn thường dân một chút về mô tả đặc trưng các cơ sở đã xác lập của lĩnh vực của họ, các vấn đề chính đáng và các  phương pháp của nó. Nếu họ có học được các sự trừu tượng hoá  như vậy chút nào, họ chứng tỏ nó qua khả năng của họ để thực  hiện nghiên cứu thành công. Khả năng đó, tuy vậy, có thể được  hiểu mà không cầu viện đến các qui tắc giả thuyết của trò chơi.
Các hậu quả của giáo dục khoa học có một nghịch đề cung cấp  một lí do thứ ba để giả sử rằng các khung mẫu hướng dẫn nghiên  cứu bằng làm mẫu trực tiếp cũng như qua các qui tắc được trừu  tượng hoá. Khoa học thông thường có thể tiến triển không có các  qui tắc chỉ chừng nào mà cộng đồng khoa học có liên quan chấp  nhận các cách giải quyết-vấn đề cá biệt đã đạt được mà không có  nghi ngờ. Các qui tắc vì thế phải trở nên quan trọng và sự hờ hững đặc trưng về chúng phải biến mất mỗi khi cảm thấy các  khung mẫu hay các mô hình là bấp bênh. Hơn nữa, đó chính xác  là cái có xảy ra. Đặc biệt, thời kì trước-khung mẫu được đánh  dấu đều đặn bằng các cuộc tranh luận thường xuyên và sâu sắc về các phương pháp hợp pháp, các vấn đề, và các tiêu chuẩn của  lời giải, tuy chúng đúng hơn phục vụ cho việc xác định rõ các  trường phái hơn là để tạo ra sự thoả thuận. Chúng ta đã lưu ý đến  vài tranh luận này trong quang học và điện học rồi, và chúng đã  đóng một vai trò thậm chí lớn hơn trong sự phát triển của hoá  học thế kỉ mười bảy và của địa chất học đầu thế kỉ mười chín.3 Vả lại, các tranh luận như thế này không biến mất dứt khoát với  sự xuất hiện của một khung mẫu. Tuy hầu như không tồn tại suốt  các thời kì của khoa học thông thường, chúng tái diễn một cách  đều đặn đúng trước và trong các cuộc cách mạng khoa học, các  thời kì khi các khung mẫu đầu tiên bị tấn công và sau đó dễ bị thay đổi. Quá độ từ cơ học Newton sang cơ học lượng tử gây ra  nhiều tranh luận về cả bản chất và các tiêu chuẩn của vật lí học,  một số vẫn tiếp tục.4 Có những người còn sống ngày nay có thể nhớ đến các lí lẽ tương tự do lí thuyết điện từ của Maxwell và cơ học thống kê gây ra.5 Và còn sớm hơn, sự đồng hoá của cơ học  Galileo và Newton đã gây ra một loạt tranh luận đặc biệt nổi  tiếng với những người theo Aristotle, Decarstes, và Leibnitz về các tiêu chuẩn hợp pháp đối với khoa học.6 Khi các nhà khoa học bất đồng về liệu các vấn đề cơ bản của lĩnh vực của họ đã được  giải quyết chưa, việc tìm các qui tắc có được một chức năng mà  nó bình thường không có. Tuy vậy, trong khi các khung mẫu còn  vững chắc chúng có thể hoạt động mà không có thoả thuận về hợp lí hoá hay không hề có bất cứ sự hợp lí hoá nào được thử cả.
Lí do thứ tư để cho các khung mẫu một địa vị trước địa vị của  các qui tắc và giả thiết dùng chung có thể kết thúc mục này. Dẫn  nhập cho tiểu luận này đã gợi ý rằng có thể có các cuộc cách  mạng nhỏ cũng như các cuộc cách mạng lớn, một số cuộc cách  mạng ảnh hưởng chỉ đến các thành viên của một chuyên ngành  con, và đối với các nhóm như vậy ngay cả sự phát hiện ra một  hiện tượng mới và bất ngờ có thể là cách mạng. Mục tiếp theo sẽ giới thiệu các cuộc cách mạng được lựa chọn thuộc loại đó, và  còn xa mới rõ làm sao chúng có thể tồn tại. Nếu khoa học thông  thường cứng nhắc đến vậy và nếu các cộng đồng khoa học kết  chặt với nhau đến vậy như thảo luận ở trước ngụ ý, làm sao một  sự thay đổi khung mẫu có thể tác động chỉ đến một nhóm nhỏ?  Cái được nói cho đến đây có vẻ như hàm ý rằng khoa học thông  thường là một hoạt động chuyên môn nguyên khối duy nhất và  thống nhất, nó phải đứng vững hay sụp đổ với bất cứ khung mẫu  nào trong các khung mẫu của nó cũng như với tất cả chúng cùng  nhau. Nhưng khoa học hiếm khi hay chẳng bao giờ giống như thế. Thay vào đó, xét tất cả các lĩnh vực cùng nhau, nó thường có  vẻ là một cấu trúc hơi xiêu vẹo với ít cố kết giữa các phần khác  nhau của nó. Tuy vậy, không gì được nói cho điểm này xung đột  với quan sát rất quen thuộc đó. Ngược lại, thay các khung mẫu  cho các qui tắc phải làm cho tính đa dạng của các lĩnh vực và các  chuyên môn khoa học dễ hiểu hơn. Các qui tắc tường minh, khi  chúng tồn tại, thường thường là chung cho nhóm khoa học rất  rộng, nhưng các khung mẫu không cần là vậy. Các nhà thực hành  các lĩnh vực tách biệt xa, thiên văn học và thực vật học phân loại  chẳng hạn, được giáo dục bằng tiếp xúc với các thành tựu hoàn  toàn khác nhau được mô tả trong các sách rất khác nhau. Và  ngay cả những người, ở trong cùng lĩnh vực hay ở các lĩnh vực  có quan hệ mật thiết với nhau, bắt đầu bằng nghiên cứu cùng các sách và các thành tựu, có thể đạt được các khung mẫu khá khác  nhau trong tiến trình chuyên môn hoá nghề nghiệp.
Hãy xét, để cho một thí dụ duy nhất, cộng đồng khá lớn và đa  dạng gồm tất cả các nhà khoa học vật lí. Mỗi thành viên của  nhóm đều học các định luật của cơ học lượng tử, chẳng hạn, và  hầu hết họ áp dụng các định luật này ở điểm nào đó trong nghiên  cứu hay giảng dạy của họ. Nhưng không phải tất cả họ đều học  cùng các ứng dụng của các định luật này, và vì thế không phải tất  cả họ bị những thay đổi trong thực hành cơ học lượng tử ảnh  hưởng theo cùng cách. Trên con đường chuyên môn hoá nghề nghiệp, ít nhà khoa học vật lí bắt gặp chỉ với các nguyên lí của  cơ học lượng tử. Những người khác nghiên cứu chi tiết các ứng  dụng khung mẫu của các nguyên lí này vào hoá học, còn số khác  vào vật lí chất rắn, và v.v. Cơ học lượng tử có nghĩa là gì cho  mỗi trong số họ phụ thuộc vào anh ta đã học các cua nào, đã đọc  các sách giáo khoa nào, và nghiên cứu các tạp chí nào. Suy ra  rằng, tuy một thay đổi về qui luật cơ học lượng tử sẽ có tính cách  mạng cho tất cả các nhóm này, một sự thay đổi phản ánh chỉ một  ứng dụng khung mẫu này hay ứng dụng khác của cơ học lượng  tử chỉ có tính cách mạng cho các thành viên của một chuyên  ngành con cá biệt. Đối với phần còn lại của nghề và đối với  những người thực hành các khoa học vật lí khác, sự thay đổi đó  không nhất thiết cách mạng chút nào. Vì thế, có thể xác định  đồng thời nhiều truyền thống của khoa học thông thường chồng  chéo nhau mà không là bao trùm. Một cuộc cách mạng xảy ra  bên trong một trong các truyền thống này không nhất thiết mở rộng ra các truyền thống khác nữa.
Một minh hoạ ngắn gọn về ảnh hưởng của chuyên môn hoá có  thể cho toàn bộ chuỗi điểm này thêm sức thuyết phục. Một nhà  điều tra nghiên cứu, người hi vọng học cái gì đó về các nhà khoa  học coi lí thuyết nguyên tử là gì, đã hỏi một nhà vật lí xuất sắc và  một nhà hoá học xuất chúng liệu một nguyên tử helium duy nhất  có là hay không là một phân tử. Cả hai trả lời không do dự,  nhưng các câu trả lời của họ không phải như nhau. Đối với nhà  hoá học nguyên tử helium là một phân tử bởi vì nó ứng xử như một phân tử đối với lí thuyết động lực khí. Mặt khác, đối với nhà  vật lí nguyên tử helium không phải là một phân tử bởi vì nó không bộc lộ phổ phân tử.7 Có lẽ cả hai đã cùng nói về một hạt,  nhưng họ đã nhìn nó qua sự huấn luyện và thực hành nghiên cứu  của riêng họ. Kinh nghiệm của họ trong giải quyết-vấn đề đã nói  cho họ biết một phân tử phải là gì. Rõ ràng những kinh nghiệm  của họ đã có nhiều cái chung, nhưng trong trường hợp này,  chúng đã không nói cho hai nhà chuyên gia cùng một thứ. Khi  chúng ta tiếp tục chúng ta sẽ phát hiện ra hậu quả của những sự khác biệt khung mẫu thuộc loại này đôi khi có thể thế nào.
--------------------
1 Michael Polanyi đã trình bày xuất sắc một chủ đề rất giống, lí lẽ rằng phần  lớn thành công của nhà khoa học phụ thuộc vào “tri thức ngầm ẩn”, tức là,  vào tri thức thu được qua thực hành và không thể được diễn đạt một cách  tường minh. Xem Personal Knowledge của ông (Chicago. 1958), đặc biệt các  ch. v và vi.
2 Ludwig Wittgenstein, Philosophical Investigations, trans. G. E. M.  Anscombe (New York, 1953), pp. 31-36. Wittgenstein, tuy vậy, hầu như không nói gì về loại thế giới cần thiết để ủng hộ thủ tục gọi tên mà ông phác  hoạ. Phần của điểm tiếp theo vì thế không thể được qui cho ông.
3 Về hoá học, xem H. Metzger, Les doctrines chimiques en France du début  du XVIIe à la fin du XVIIIe siècle (Paris, 1923), pp. 24-27, 146-49; và Marie  Boas, Robert Boyle and Seventeenth-Century Chemistry (Cambridge, 1958),  ch. ii. Về địa chất học, xem Walter F. Cannon, “The Uniformitarian- Catastrophist Debate,” Isis, LI (1960), 38-55; và C. C. Gillispie, Genesis and  Geology (Cambridge, Mass., 1951), chaps., iv-v.
4 Về các cuộc tranh luận về cơ học lượng tử, xem Jean Ullmo, La crise de la  physique quantique (Paris, 1950), ch. ii.
5 Về cơ học thống kê, xem René Dugas, La théorie physique au sens de  Boltzmann et ses prolongments modernes (Neuchatel, 1959), pp. 158-84, 206- 19. Về sự đón nhận tác phẩm của Maxwell, xem Max Planck, “Maxwell’s  Influence in Germany,” trong James Clerk Maxwell: A Commemorantion  Volume, 1831-1931 (Cambridge, 1931), pp. 45-65, đặc biệt, pp. 58-63; và  Silvanus P. Thompson, The Life of William Thomson Baron Kelvin of Largs
(London, 1910), II, 1021-27.
6 Về một ví dụ tiêu biểu của tranh luận với các nhà Aristotlian, xem A. Koyré,  “A Documentary History of the Problem of Fall from Kepler to Newton,” Transactions of the American Philosophical Society, XLV (1955), 329-95. Về các tranh luận với những người theo Descartes và Leibnitz, xem Piere Brunet,  L’introduction des théories de Newton en France au XVIIIe siècle (Paris, 1931); và A. Koyré, From the Closed World to the Infinite Universe  (Baltimore, 1957), ch. xi.
7 Nhà điều tra nghiên cứu là James K. Senior, người mà tôi hàm ơn về một  báo cáo bằng lời. Một số vấn đề liên quan được đề cập đến trong bài báo của  ông, “The Vernacular of the Laboratory,” Philosophy of Science, XXV  (1958), 163-68.