... Thật lâu sau, tri thức mới dần dần trở lại với tôi. Tôi mệt nhoài mở mắt ra, đầu óc toàn là đám mây xám vướng vất. Hình ảnh đầu tiên vẫn là khuôn mặt chờ mong của Uông Khiết Anh! Chàng mừng rỡ: - Em tỉnh dậy rồi! Hoang mang nhỏm dậy, tôi ngơ ngác: - Đây là đâu vậy? - Phòng riêng của anh! Tôi giật bắn mình, chuyện gì đã xảy ra? Nhìn xuống người, tôi phát giác ra chiếc áo sơ mi đã được thay thế bằng chiếc áo ngủ rộng. Tôi run lên lắp bắp: - Anh... anh... anh... Khiết Anh vẫn nhìn tôi bình lặng: - Anh làm sao? Lòng tôi ngập đầy bi thương, răng cắn lấy bờ môi tái nhợt không còn chút máu: - Anh... anh đã làm gì tối qua? - Săn sóc em! - Chàng mỉm cười thương hại - Yên tâm đi cô bé, anh không đến nỗi tán tận lương tâm lắm đâu cô bé! Áo của em dính máu dơ rồi, anh kêu bà người làm đem giặt, bây giờ em còn đau nhiều không? Quả vậy, những vết đòn dịu hẳn, không còn đau nhức, có lẽ đã được bôi pomade. Ý nghĩ tôi suốt đêm đã ở trong phòng đàn ông lạ, chàng mở nút áo ra chăm sóc vết thương làm mặt tôi nóng bỏng, hận mình không có phép biến nhanh. Khiết Anh tế nhị: - Hôm qua nếu không có bà Lâm chắc anh cũng không biết làm sao! Bà Lâm thay áo và xức thuốc cho em, còn anh thì gọi điện thoại cho bác sĩ. Ông ấy đến chích cho em một mũi thuốc bảo đảm là chỗ trầy không mưng mủ làm độc đâu! Tôi cảm động vân vê gấu áo thẹn thùa: - Em quả là đứa con gái hư chỉ biết gây phiền nhiễu cho bao nhiêu người. - Anh không bao giờ nghĩ em làm phiền cả! Bây giờ anh đi kêu bà Lâm dọn điểm tâm, có lẽ em đói lắm rồi đó! - Mấy giờ rồi anh? - Tám giờ sáng. - Suốt đêm qua anh không ngủ sao? Chàng cười không nói, mở cửa bước ra ngoài. Tôi thẫn thờ nhìn theo Uông Khiết Anh. Ngồi dậy trên giường chàng, tôi đưa mắt quan sát chung quanh: tường phòng quét vôi màu xanh lơ, ngoài vài bức hí họa ngồ ngộ còn treo một cây ghi-ta gỗ, đồ đạc trong phòng đều thuộc loại đắt tiền. Tôi ngồi ôn lại những gì đã đến với mình, bất giác rùng mình hú hồn: nếu đêm qua không gặp Uông Khiết Anh giờ này tôi đã ra sao? Một phút bốc đồng thật tai hại! Khiết Anh đã trở về phòng, chàng ngồi ở chiếc ghế thấp cạnh giường, yên lặng khuấy tan tròng đỏ hột gà trong ly sữa trắng. Tôi ngó xuống những mẩu tàn thuốc dở dang dưới chân ghế: chàng đã hút hết bấy nhiêu đó thuốc trong đêm hôm qua đó ư? Lại còn không chịu bỏ vào gạt tàn cho đàng hoàng, người gì đâu mà bê bối! Nhìn chàng thật dịu dàng, tôi nói: - Anh hút hết nhiều thuốc lá như vậy lỡ có hại thì sao? Chàng nhìn trả: - Em lo cho anh à? Không lo cho chàng thì lo cho ai? Tôi không thèm trả lời, nhìn đi chỗ khác. Khiết Anh đưa ly sữa cho tôi: - Em uống tạm cho tỉnh người, lát nữa mình xuống nhà dùng điểm tâm. Sữa thật ngọt và thơm, tôi uống ngon lành. Sữa đã cạn sạch, tôi cắn vành thuỷ tinh, chàng đang nhìn tôi bằng ánh mắt thương mến: - Lúc này trông em thật ngoan hiền thơ dại chẳng giống chút nào với cô gái rối loại trong vũ trường đêm qua! Tôi ngượng đặt ly xuống: - Chắc hôm qua trông em loạn lắm phải không anh? - Khỏi phải nói! Em làm anh cũng muốn điên lên theo! Nghĩ đến những câu đã nói, tôi không khỏi đỏ bừng mặt. Khiết Anh cũng thoáng đỏ mặt, chàng có vẻ ngượng ngùng: - Thôi! Bỏ chuyện đêm qua đi nhé! Thật tình lúc đó anh không kiểm soát được chính mình! Tôi ngập ngừng: - Có phải lúc đó anh... khinh em lắm chứ gì? Chàng nhè nhẹ: - Tại vì anh chưa hiểu em! Anh đã giận lầm em. Anh đâu biết em đang gặp khủng hoảng như thế! - Anh có muốn biết tại sao em bị đánh không? - Anh đang chờ em nói. Tôi đan hai tay vào nhau đặt lên đầu gối tư lự: - Đó là lỗi tại em. Cha đã say mà em còn chọc giận cha nữa. Khi say con người ta có thể làm nhiều chuyện động trời, bây giờ em đã có đủ kinh nghiệm để biết được điều đó! - Em không còn giận cha nữa chứ? - Nếu bảo giận thì em sẽ giận cha suốt đời vì lý do khác. - Còn vấn đề tiền bạc, dì em đòi em trả nợ phải không? - Không hẳn như vậy mà... Tôi cúi đầu nhanh xuống, những lời dì Hoa còn vang bên tai. Dì nói không lầm, tôi chỉ là một đứa con gái hư hỏng, chẳng làm được việc gì nên thân, nhìn Khiết Anh tôi buồn bã: - Khiết Anh! Anh nên biết em là đứa con gái chẳng ra gì! Vầng trán rộng của chàng nhăn lại: - Ai nhồi tư tưởng đó vào đầu em vậy? - Không ai cả! Tự em ý thức được điều đó. Tôi đứng dậy, đã đến lúc phải rời khỏi chiếc giường êm này. Khiết Anh cản: - Em chưa khỏe mà! Nằm nữa đi! - Em phải về! - Về để cho cha em đánh thêm một trận nữa à! Chắc lần này em hết nhìn thấy mặt anh luôn quá! - Nhưng em vẫn phải về! Sớm muộn gì cũng vậy thôi, đó là môi trường sống của em, em không rời bỏ nó được đâu! - Một môi trường quá tốt đẹp! Bị đánh đập như vậy mà em vẫn thích về, anh chịu em luôn. Tôi vuốt mái tóc rối bời: - Thích hay không chẳng còn là vấn đề, vì em thuộc tầng lớp cặn bã, em có gì cao quý đâu mà đòi hỏi một cuộc sống tốt đẹp hơn? - Sao tự dưng em bi quan quá vậy? Anh đã nói em là một cánh sen cao quý mà! Môi tôi phảng phất một nụ cười chua chát: - Em không xứng đáng là một cánh sen đâu! Nên nhớ tối qua anh đã định bỏ tiền ra để đưa em vào khách sạn! - Phương Kỳ - Khiết Anh nghiến răng - Đừng nhắc đến chuyện đó nữa có được không? Em thay đổi liền liền thế này làm sao anh hiểu nổi? Tôi nhỏ nhẹ: - Xin lỗi anh! Em không định làm cho anh buồn! Khiết Anh cúi xuống, chàng vén những lọn tóc mềm của tôi lên vành tai, đôi mắt đầy ưu tư: - Đây là người con gái mà tôi yêu! Em lúc nào cũng ngập tràn mâu thuẫn, ngoài những tật ương ngạnh, kiêu kỳ ra em còn có tính nổi loạn nữa. Xấu thật! Vậy mà tôi vẫn yêu em! Giận em thế nào rồi cũng không quên nổi! Lúc nhìn thấy em ngả nghiêng trong vũ trường là tôi đã muốn nổi điên lên rồi em có biết không? Không biết ngày nào tôi sẽ trở thành người loạn thần kinh vì em đây nữa! Phải chi tôi yêu em ít hơn một chút thì chắc không đến nỗi nào? Tôi muốn khóc, quay đi: - Đừng bao giờ nói yêu em nữa, em van anh! Em không xứng đáng với anh đâu! Khiết Anh trầm giọng: - Thế nào là không xứng đáng? Em định nghĩa cho anh nghe coi! - Tại vì... vì... - Vì sao? - Vì gia đình em thế đó! Em từ đó mà ra làm sao xứng với anh được. Khiết Anh nhìn tôi, chàng đột ngột hỏi: - Phương Kỳ! Em đã bao giờ giết người chưa? Tôi tròn xoe mắt: - Hỏi gì lạ vậy? Em... em đâu dám. Chàng cười đắc thắng: - Em chưa giết người cũng chưa làm điều gì xấu, sao em cứ khăng khăng cho mình là thành phần bất hảo hoài thế? Tôi vẫn chưa khuất phục: - Nhưng còn nhiều cô gái khác danh giá xứng đáng hơn em chẳng hạn như Diệp Bội Tần, Vương Ánh Tuyết... Chàng phá ra cười: - Phương Kỳ! Em khác người thật nhưng vẫn giống các cô gái khác ở điểm ghen bóng ghen gió. Tôi xịu mặt: - Ai bảo là ghen bóng ghen gió? Em có bằng chứng hẳn hoi! Nói xong tôi mới biết mình lỡ lời, bịt miệng không kịp, chàng đã thích thú: - Coi kìa! Nếu em không yêu thì ghen làm gì? Lại còn có cả bằng chứng nữa, không ngờ anh lại bị dò xét nghiêm ngặt đến thế... Thích thú cái nỗi gì không biết, tôi nguýt chàng: - Nhờ vậy em mới biết anh là con người lưu manh! Chàng vẫn cười: - Đừng nói khích anh nữa! Anh lưu manh ở chỗ nào đâu! Tôi hét: - Anh sắp đính hôn với Ánh Tuyết mà còn nói yêu tôi, như vậy không lưu manh thì còn gì nữa? Chàng nhìn tôi như khi nghe tin có người từ kim tinh rớt xuống địa cầu: - Đính hôn với Ánh Tuyết? Ai nói với em? - Chẳng cần ai nói cả, không có sự thật nào che dấu dưới ánh sáng mặt trời! - Sự thật anh muốn biết kẻ nào phao cái tin vịt ấy để nện cho nó một trận, nó đã làm cho anh khổ sở bao nhiêu lần. Vì nó mà em đóng kịch băng giá với anh phải không? Tôi bán tín bán nghi: - Anh xác nhận chứ? - Ừ! Anh xác nhận là có đính hôn với một cô bé ngốc nghếch tên gọi Phương Kỳ chứ chẳng có Ánh Tuyết nào cả! Tôi vụt đu cổ chàng: - Anh nói thật không? Anh không đính hôn với Ánh Tuyết chứ? Khiết Anh vít đầu tôi xuống: - Nhiều lúc anh thấy em khờ khạo và dễ tin người quá chừng! Lần sau không được vậy nữa nghe chưa? - Nhưng... nhưng anh không gạt em chứ? Chàng bực bội hét lên: - Chắc em phải chờ anh hôn em, em mới chịu im không hỏi anh nữa chứ gì? Tôi lấy tay che miệng: - Anh cứ dọa em hoài! Băng giá đã tan, tôi tắm hồn trong nắng ấm. Chàng không đính hôn với Ánh Tuyết! Chàng yêu tôi! Thế là quá đủ! Khiết Anh hất hàm: - Bây giờ em nói ba tiếng “không bao giờ” cho anh nghe coi! Nghe nặng như búa tạ. Tôi cười xòa, kiễng chân lên hôn cằm chàng: - Đừng giận em nữa nghe anh! Em yêu anh! Chàng ép tôi vào ngực xúc động: - Cưng nói nữa đi! - Thôi đủ rồi! Một lần thôi, anh không nghe ráng chịu! Khiết Anh vuốt từ mái tóc xuống lưng tôi, chàng lẩm bẩm: - Anh hạnh phúc muốn chết được! Phương Kỳ! Phương Kỳ! Vâng! Tôi cũng thế. Khiết Anh! Khiết Anh! Em yêu anh như ly sữa ngọt. Đứng ôm nhau như vậy chẳng biết bao lâu, chàng đột nhiên lên tiếng: - Kiến bò bụng em chưa? Xuống lầu rửa mặt rồi đi ăn sáng nhé! Xúng xính trong chiếc áo ngủ rộng rinh, tôi nắm tay chàng nhảy xuống thang lầu. Gian phòng ăn thật khoáng đãng, bàn trải khăn kẻ ô lát chả màu chocolate, một bình hoa nhài trắng dễ thương. Bữa ăn sáng dọn ra theo kiểu Tây Phương, có bánh mì, bơ lạt, bánh croissant, mứt dâu tây, mấy khoanh jambon, một tách café cho chàng. Một người đàn bà bước vào với nét mặt thuần lương, chất phác. Tôi khều Khiết Anh: - Ai vậy? - Bà Lâm, quản gia kiêm đầu bếp của anh! Chiếc áo em đang mặc là của bà ấy đó! - Hèn chi nó rộng dữ thần. Bà Lâm niềm nở cất tiếng vấn an tôi. Tôi chân thành cám ơn bà đã lo cho tôi đêm qua. Dọn bữa ăn xong bà Lâm rút lui, tôi nói vào tai chàng: - Bà ấy muốn để tụi mình tự do, bà Lâm dễ thương ghê! Giống anh y hệt! Chàng đẩy bánh và mứt đến trước mặt tôi, ra lệnh: - Ăn hết chỗ này nghe không? - Nhiều quá! - Bộ em tưởng gầy đẹp lắm sao? Ráng ăn hết đi nhé! Tôi không ăn hết, đẩy chiếc đĩa ra. Khiết Anh lắc đầu nhìn tôi như bực dọc. Chàng cầm chiếc bánh định đút vào miệng tôi, tôi bặm môi, chàng hạ giọng: - Vì anh mà em ăn thêm một chút được không? Tôi cười đưa tay giữ miếng bánh: - Em đã nói không ăn là không ăn mà. Giằng co một lúc chúng tôi cùng cười quên cả ăn uống, chợt thấy trên mu bàn tay chàng có một vết đỏ thật sâu. Tôi hoảng sợ: - Tay anh bị gì kìa? - Không biết con chó nào đã cắn anh? Quả nhiên là vết cắn, tôi ngẩn ra: - Em cắn anh hôm qua phải không? - Đó là hình thức tự vệ chính đáng, anh không giận chút nào đâu! Tôi thương chàng quá. Nâng bàn tay chàng lên áp môi vào chỗ cắn. Khiết Anh xoay tay đỡ lấy cằm tôi: - Biết anh đang nghĩ gì không? Anh muốn hôn em một cái! Mặt tôi nóng lên: - Thôi đi! Chàng hôn phớt qua môi tôi, đoạn cười nói: - Môi em ngọt quá. Tôi dấu mặt đi: - Tại em mới ăn mứt xong đó! - Không phải vị ngọt của mứt! Tôi hét: - Thôi! Đừng phân tích kỳ cục nữa! Chàng cười giòn: - Anh vừa mới khám phá ra, em rất hay mắc cở! Thú vị thật. Chúng tôi đang cười đùa thì có tiếng đằng hắng, bà Lâm bước vào: - Thưa cậu có cô Vương đến! Ánh Tuyết thực tế đã tìm đến rồi. Khiết Anh nghiêm giọng: - Bà mời cô ấy ngồi chờ ở phòng khách, tôi ra ngay! Tôi xô ghế đứng dậy: - Nhà không có ai hết sao anh? Chàng cũng đứng lên theo: - Anh còn mẹ và một cô em gái đang sống ở Nữu Ước. Hiện thời nhà không có ai. Tôi do dự nhìn chàng: - Anh nghĩ em có nên ra gặp Ánh Tuyết không? - Phương Kỳ! Từ giờ em nên tâm niệm một điều: Em đã chính thức là người yêu của anh, không phải e sợ bất cứ một cô gái nào nữa! Thật thế ư? Tôi không còn phải sợ Ánh Tuyết nữa ư? Nắm tay chàng bước ra phòng khách. Ánh Tuyết với chiếc mi-ni jupe màu đỏ đang ngồi bắt chéo chân ở sa-lông. Thấy tôi trong chiếc áo kỳ dị, mắt nàng long lên: - Chào Khiết Anh! Hân hạnh gặp lại Phương Kỳ! Sao? Bồ khỏi chưa? Tôi ngồi xuống ghế: - Cám ơn Ánh Tuyết! Tôi vẫn bình thường. Ánh Tuyết tấn công luôn: - Vậy mà hôm qua bạn làm loạn cả một vũ trường, chơi nổi thật! Khiết Anh vi đỡ lời: - Chuyện đã qua không nên nhắc lại. Thật ra Phương Kỳ không phải loại gái hiển sinh. Việc đó cũng chỉ là bất đắc dĩ. à! Ánh Tuyết đến sớm chắc có chuyện gì? Ánh Tuyết đứng dậy, nàng đến bên buffet chống tay hơi ngả người nhìn Khiết Anh, dáng điệu tự nhiên như người nhà. - Hôm qua anh có mời em lại nhà dùng điểm tâm rồi đi chơi, em đến trễ vì sợ anh dậy mun, không ngờ anh lại thức sớm. Chắc tối qua anh có một giấc ngủ ngon! Khiết Anh ngẩn người ra, chàng cười cầu hòa: - Xin lỗi Ánh Tuyết nhé! Ngủ ngon quá đến quên cả hẹn. Mắt nàng sắc như nước: - Có lẽ đã gặp giấc mộng đẹp? Khiết Anh liếc nhìn tôi: - Đẹp tuyệt vời! Ánh Tuyết ngồi chơi anh lấy coca cho nhé! Nàng phác một cử chỉ ngăn lại: - Không cần! Em đến đây có việc, có lẽ phải về sớm, không nán lại được. - Việc gì thế? - Việc của Phương Kỳ! - Của tôi à? - Tôi ngạc nhiên - Có chuyện gì không Ánh Tuyết? - Hồi sáng này bà dì của Phương Kỳ đến nhà Bội Tần, người nhà Bội Tần chỉ lại đằng tôi. Cha và dì Kỳ đang quýnh lên ở nhà cứ sợ Kỳ đâm đầu vào xe, hay nhảy xuống sông tự tử mất rồi. Nếu cha Kỳ biết con gái mình đang ngồi yên ổn ở nơi này chắc ông chẳng còn lo một tí. Dì của Kỳ nhờ tôi nếu gặp Kỳ thì nhắn về dùm. Tôi thở dài, đã đến lúc quay về nhà. Cha! Dì Hoa! Sao mà chán thế! - Cám ơn Ánh Tuyết! Mình cũng định về bây giờ đây. Khiết Anh ngăn lại: - Khoan về đã! Có gì chứng tỏ cha em đã hồi tâm. Vết thương cũ chưa lành, đừng để lãnh thêm vết mới. - Nhưng em cũng phải về! Ánh Tuyết châm vào: - Đúng đó Khiết Anh! Phương Kỳ cũng chưa đủ trưởng thành, chẳng lẽ anh thích ngồi tù vì ti dụ dỗ con gái vị thành niên sao? Nàng vừa nói vừa cười, nửa đùa nửa thật. Tôi cắn môi. Ôi pháp luật! Khiết Anh đứng lên: - Anh đưa em về vậy! - Không nên đâu Khiết Anh! Thử nghĩ Phương Kỳ mất tích một đêm, sau đó xuất hiện với một thanh niên lạ mặt, người ta sẽ dị nghị thế nào? Để em đưa Phương Kỳ về cho, bạn gái vẫn tiện hơn. Tôi còn gì để nói với chàng? Thay lại b quần áo cũ. Khiết Anh đưa tôi ra cửa, chàng cầm chiếc áo khoác lên vai tôi: - Mặc thêm áo ấm đi Phương Kỳ! Em chưa khỏe lắm đâu! Đó là của bà Lâm chứ chẳng phải của nàng nào cả, đừng ngại nhé! Bịn rịn nhìn chàng, tôi sắp bay trở lại lồng, biết còn nhìn thấy mặt trời nữa không? Ánh Tuyết đã lái chiếc xe riêng của nàng ra cổng. Khiết Anh hôn lên tóc tôi: - Em về nếu bị cha đánh cứ kêu tên anh, anh sẽ phi thân đến ngay! Vẻ cười đùa không giấu nổi nét buồn trong mắt chàng, làm sao tôi bước đi cho nổi? Không nổi cũng phải bước, tôi leo lên xe của Ánh Tuyết: - Buồn quá đi thôi! - Sao vậy Kỳ? Nhớ chàng à? Mới chia tay đã nhớ sao? Tôi giật mình, giọng Ánh Tuyết vẫn sắc như đá tai mèo: - Chắc đêm qua hai người du dương lắm phải không? Tôi vội đính chính: - Làm gì có chuyện đó Ánh Tuyết! Nàng ỡm ờ: - Thôi đi bồ ơi, dấu nhau hoài sao? Hắn được chứ? Giọng điệu của Ánh Tuyết làm tôi có cảm giác vừa bị một cái tát. - Tôi không biết được là gì cả! - Có nghĩa là hắn làm Kỳ thích thú chứ! - Khiết Anh không có phải là hạng người như chị nghĩ đâu. Ánh Tuyết trắng trợn: - Đó là chuyện thường xảy ra! Uông Khiết Anh là anh chàng đa tình có tiếng, dễ gì buông tha một miếng mồi ngon? Tôi không tin Khiết Anh là một siêu nhân! - Anh ấy không phải là một siêu nhân mà là người biết tôn trọng tình yêu. - Tình yêu? - Ánh Tuyết sững sờ, nàng cho xe chạy chậm lại - Phương Kỳ muốn nói là Khiết Anh yêu Kỳ? - Vâng! Chuyện đó có gì đáng ngạc nhiên đâu? Tôi nói móc, Ánh Tuyết chợt cười: - Tội nghiệp quá! Lại thêm một cô bé si tình bị anh chàng ca sĩ đào hoa quyến rũ, có một vị hôn phu như thế mệt thật nhưng biết làm sao bây giờ! Đến phiên tôi sững sờ: - Hôn phu? - Đúng vậy! Đến đầu mùa xuân này chúng tôi sẽ làm lễ đính hôn. Bao ý nghĩ xáo động, tôi lắc đầu: - Nhưng Khiết Anh đã nói không đính hôn với Ánh Tuyết cơ mà! - Chờ đến ngày đó tôi sẽ gởi thiệp mời Kỳ mà! - Tôi không tin. - Khờ quá! Kỳ vẫn tưởng Khiết Anh yêu Kỳ sao? Đàn ông ai cũng tham lam cả, không ai tử tế đâu! - Ánh Tuyết có vẻ biết rành đàn ông quá! - Nếu Kỳ muốn biết về đàn ông thì tôi sẽ chỉ cho, họ có trăm ngàn mánh khóe để lừa gạt, Kỳ còn ngây thơ quá! Coi chừng có ngày mất mạng không hay đó! Chàng đã lừa tôi sao? Tôi đã lỡ nói yêu chàng mất rồi. Cúi đầu khổ sở, bên cạnh Ánh Tuyết im lặng đầy vẻ thông cảm. Đến đầu đường nàng cho tôi xuống, vỗ nhẹ lên bàn tay tôi có vẻ kẻ cả: - Phương Kỳ, tôi mong Kỳ nên giữ gìn cho cẩn thận, tôi không muốn chồng tôi có một đứa con hoang. Chiếc xe vọt đi để lại làn khói trắng, tái tê nhìn theo, lời nói mới phũ phàng làm sao? Chiếc xe đã khuất, tôi quay lại nhìn cửa nhà khép kín. Đây là lúc đương đầu với hiện thực. Tôi cho tay vào túi áo tìm chút can đảm còn sót lại. Bàn tay chạm phải gói giấy, tôi lôi nhanh ra, xếp bạc dầy với mảnh giấy mang nét chữ đẹp, hùng vĩ: "Kỳ yêu! Đây là món quà cho dì Hoa của em! Yêu em nhiều, Uông Khiết Anh" Lòng tôi chao đảo, chàng của tôi! Can đảm đã được phục hồi tôi mạnh dạn bước vào. Cha và dì Hoa đang ngồi ở bàn ăn, thấy tôi về mở mắt nhìn chằm chằm. Tôi đến trước mặt họ đặt xấp bạc xuống; lễ độ một cách lạnh lẽo: - Thưa cha con đã về! Thưa dì con đã mang tiền về! Nói xong tôi bước thẳng lên lầu, đóng sầm cửa lại trước b mặt ngớ ngẩn của cả hai. Hai hôm liền trôi qua, thái độ của cha và dì Hoa thật khó hiểu, không nói với tôi câu nào, tôi cũng chẳng cần, tôi có còn là con bé ngoan nữa đâu mà họ định trừng phạt một cách ruồng rẫy. Tiền của Khiết Anh đã nằm sâu trong túi dì Hoa, món nợ đối với Hứa Kim đã được trang trải. Tôi chẳng còn gì vướng mắc với bà ta. Những vết đòn cũng liền miệng nhưng trái tim tôi hoàn toàn khép kín với cha. Tôi đối diện cha bằng thái đ dửng dưng không tình cảm, mọi yêu thương kính trọng đã bay mất. Trong óc chỉ thắp sáng một hình ảnh "Uông Khiết Anh". Uông Khiết Anh! Mỗi lần nhớ đến chàng tim tôi se thắt. Tôi yêu chàng quá! Lạy trời đừng cho chàng lừa gạt tôi. Hai ngày nay chàng đang làm gì? Có đi chơi với ai không? Có nhớ đến tôi không? Sáng hôm sau trời lạnh mưa dầm, tôi thức dậy trễ, uể oải bước xuống nhà dùng bữa sáng. Dĩa măng xào ngui ngơ ngui ngắc đặt giữa bàn, tôi đểnh đoảng với gắp mấy miếng cải bỏ vào chén cơm, lơ đãng khều từng hạt vào miệng. Cha ngồi đối đầu tôi, ông đang nâng ly bia uống chép chép, bọt bia trắng dính đầy râu ria khiến ông giống một vì thuỷ thần dữ tợn râu quện bọt sóng. Tôi đang ước mình nhẹ như bọt bia thì cha tôi đã gọi: - Tiểu Kỳ! Tôi ngẩng mặt nhìn cha, vẻ xấc láo, ông gục gặc đầu nét mặt nhăn nhó: - Kỳ! Cho cha biết con đã kiếm số tiền đó bằng cách nào? Tôi vẫn khảy cơm trong chén vào miệng: - Bằng một cách trong sạch. - Đồng tiền kiếm nhanh chóng không bao giờ trong sạch được! Thôi đừng đùa! - Mà trong sạch hay không cha để ý làm gì? - Tao phải để ý vì mày là con gái tao! - Một đứa con gái không có giá trị bằng trai rượu ngoài quán. Phải chi cha lúc nào cũng nhớ đến đứa con này thì con đã sung sướng biết bao! Đâu có phải rời nhà đi lang thang như vầy. Cha đã tặng con một trận đòn của ông chủ nô dành cho đám mọi da đen. Vậy mà cha còn mở miệng gọi con là con gái! Nghe tức cười quá! - Bây giờ tao cũng có thể cho mày một trận nữa y như thế! Tôi chống đũa vào cằm nghênh mặt: - Con không sợ đâu! Con đã có đôi cánh để bay đi! Cha nở một nụ cười thâm hiểm: - Tao biết! Nhưng tao cũng có thể bẻ gãy đôi cánh ấy, tao cấm mày ra khỏi cửa, nếu cãi lời tao thì đừng trách! Cha rút con dao bén nhọn thảy lên bàn. Tôi im thin thít chẳng dám đa ngôn nữa. Cha đã dùng con dao, chẳng có gì bảo đảm là cha không dám giết tôi. Nhìn cha mà tôi rợn da gà, tôi phải sống với người cha tàn đc này sao? Cha hài lòng trước thái đ sợ sệt của tôi: - Được đấy, cha không muốn phải dùng dao với con. Nhưng kẻ khác thì coi chừng! Tôi buột miệng: - Ai? - Thằng nhân tình chó đẻ của mày. Nói xong cha tiếp tục và cơm nhai nhồm nhoàm. Tôi phát ớn đẩy ghế đứng dậy. Dì Hoa phơi mấy món đồ ướt lên móc. Nước chảy thành những vệt dài trên nền nhà rất dơ. Bà nhướng đôi mày cạo nhẵn ánh mắt đầy những ý nghĩ hắc ám làm tôi nóng gáy, nhưng không muốn mở miệng nữa. Tôi dậm mạnh gót chân lên thang gác, dì Hoa nói với theo: - Đi vừa chứ! Thang gác sụp không có tiền chữa đâu. Chúng tôi làm gì có tài kiếm tiền nhanh chóng như cô! Tôi ngồi phịch xuống chắn cửa cùng cực, những gì tôi làm là sai hay đúng? Có lần chàng khuyên tôi: "Ty Thảo, cô đừng bao giờ tự dằn vặt mình là nói những gì đã qua là đúng hay sai! Trên đời này chẳng có gì tuyệt đối. Quan niệm của chúng ta về chân lý nhiều khi cũng có giới hạn, đã không thể đi ngược thời gian để tái thực hiện quá khứ thì ray rứt vì nó có ích gì? Hãy xóa bỏ đi để bắt đầu bằng hiện tại hoàn chỉnh hơn." Vâng! Hiện tại của tôi là căn gác nhỏ với bầu trời xám xịt lê thê ngoài kia. Tìm một mảnh giấy với cây viết lông. Tôi lại nằm sấp xuống chống tay vào cằm hý hoáy vẽ chân dung Khiết Anh, nguệch ngoạc thêm vài nét, thấy chẳng giống chàng chút nào, tôi bực mình, quả là mình thiếu năng khiếu về hi họa! Viết tên chàng đầy trên giấy Uông Khiết Anh! Uông Khiết Anh! Uông... Tôi chẳng có chút tự do nào để tìm gặp chàng. Một loài chim bị nhốt trong lồng không biết hát. Vẽ những vòng tròn ốc xóa tan chân dung Khiết Anh, ước gì tôi cũng thoát ra khỏi hiện hữu của chàng trong trái tim tôi. Đột nhiên có tiếng huýt sáo vang lên. Tôi lắng nghe, lòng hồi hộp lạ thường, hay là... chạy nhanh ra bao lơn: Uông Khiết Anh! Chàng đang đứng tựa bức tường nhà đối diện, huýt sáo bài serénate. Tôi vịn tay vào thành lan can vui mừng định hét lên nhưng sợ cha nghe thấy nên thôi. - Xuống đây với anh! - Vâng! Vâng! Tôi phải xuống với chàng chứ, nhanh nhẹn leo qua lan can, tôi bám tay đu người đặt chân lên gờ cửa sổ bên dưới, nhảy xuống. Tình yêu đã chắp thêm cho tôi đôi cánh mạo hiểm. Tôi không biết chóng mặt, sợ hãi là gì nữa. Chân vừa chạm đất tôi đã ở trong tay chàng. - Phương Kỳ! - Khiết Anh! Mưa rơi tầm tã trên mặt những nụ cười vẫn tỏa hơi ấm. Tóc chàng cũng ướt đẫm, nước mưa chảy ròng ròng trên cổ; không biết chàng đã đứng ở đây bao lâu dưới mưa? Khiết Anh mở rộng thêm áo khoác kéo tôi vào người, cười trìu mến: - Sao em gan quá vậy? Nhảy xuống lỡ té rồi sao? - Tại cha cấm cửa nên em phải trốn. - Tội chưa! Chàng xoa nhẹ lưng tôi, tôi co ro như chú chim non dại, vòng tay chàng là tổ ấm. Khiết Anh hôn trán tôi: - Chúng mình có điên không mà đứng đây hứng mưa thế này? Anh đưa em đi nhé! Tôi gật đầu thật ngoan: - Dạ đi hết ngày này nghe anh! Chui vào trong xe taxi, tôi ngồi co vai với mái tóc ướt nước và đôi chân không giày, trông tôi thật hoang dại. Khiết Anh vòng tay qua người tôi xiết nhẹ: - Lạnh lắm không cưng? Tôi cười: - Không lạnh bằng ở nhà! Làm sao anh biết nhà em vậy? - Hỏi mấy cô bạn em địa chỉ. Lúc trước anh không nghĩ ra điều đó, chỉ lo đuổi bắt em, ngu thật! Tôi nheo mắt: - Không phải ngu mà là thiếu thực tế. - Trước kia anh cũng thông minh lắm chứ! Không hiểu tại sao từ lúc gặp em anh bỗng đâm ra chẳng biết gì nữa cả! - Còn em thì liều lĩnh! Không biết tại sao chúng ta đều hư y hệt vậy anh? - Vì tình yêu! - Vâng! Tình yêu! Hai chữ đẹp như mặt trời. Về đến nhà, Khiết Anh dùng chìa khóa riêng mở cổng. Tôi ngắm ngôi biệt thự xinh xắn của chàng. Lần trước trong cơn say mù trời đất, tôi đã đến đây, ngôi nhà nghiêng ngã. Bây giờ tôi mới thấy nó thật đẹp giữa những hàng cây bao quanh. Cổng khép kín lại sau lưng, chúng tôi chẳng còn sợ ướt, dang tay chạy như bay giữa tiếng cười giòn tan. Đến chân thềm tôi đứng lại lúc lắc đầu cho nước rơi xuống như chú vịt rỉa lông. Khiết Anh ngạc nhiên: - Kỳ ơi! Em dễ thương làm sao ấy! Linh hoạt chẳng khác nào hạt thuỷ ngân, xông vào nhà trước cặp mắt mở trố của bà Lâm, chiếc que đan trên tay bà rơi xuống: - Cô cậu đi đâu mà ướt hết vậy? Chàng ôm tôi quay tròn: - Chúng tôi mới ở dưới sông lên đây! Bà đi đốt lò sưởi nhanh lên đi! Bà Lâm vi chạy đi, lát sau chúng tôi đã ngồi ấm áp bên nhau cạnh lò sưởi bập bùng như chuỗi nhạc, trước mặt là dĩa bánh boirsouit, kẹo đậu phộng với một ấm café nóng hổi. Khiết Anh ngồi bên tấm thảm Đông phương lạ mắt, dựa lưng vào chiếc ghế salon ôm cây đàn ghi-ta vào lòng. Tôi dựa vào vai chàng vòi vĩnh: - Hát cho em nghe đi Khiết Anh! Chàng chìu ý: - Em muốn nghe bài nào? - Bất cứ bài nào anh hát! Khiết Anh khẽ búng dây đàn dạo những nốt nhạc trầm đầu tiên, cất tiếng hát bài Giáng Vũ, giọng chàng ấm dịu truyền cảm. Mưa ngoài trời vẫn rơi, lửa trong lò như muốn khiêu vũ theo. Hát xong chàng đặt cây đàn sang một bên, xoay tay ôm tôi ngồi trên đùi, những ngón tay dài vuốt nhẹ mũi: - Mấy ngày nay em có bị hành hạ gì không? Anh lo cho em quá! Tôi ngước đôi mắt đen láy: - Có! Em bị hành hạ kinh khủng! - Sao? Bị đòn à? Tôi cắn môi, khe khẽ nói: - Không!.............. nhớ anh............! Khuôn mặt cúi nghiêng của chàng thật là đẹp: - Anh cũng nhớ em, nhớ muốn cháy lòng Kỳ ơi! Yên lặng nhìn nhau. Tình yêu lên men ngát hương, bây giờ bỗng dưng tôi thấy mình biếng nhác kỳ lạ, lười ăn uống, lười cả nói chuyện, chỉ muốn dựa đầu vào cánh tay chàng, nhìn chàng như thế này mãi. Uống trọn hình ảnh chàng vào tim. Đôi mắt thăm thẳm nhìn tôi như mướt tâm hồn, mái tóc lãng du buông rơi trên trán, sống mũi cương nghị, chiếc cằm đa cảm, người yêu tôi có nhiều ma lực quyến rũ. Tôi quên, quên hết cả nghi nan ngờ vực, quyên cả Khiết Anh có thể coi tôi chỉ là một con búp bê xinh đẹp để giải khuây qua đường. Chỉ biết rằng tôi đang ở cạnh chàng, thế là quá hạnh phúc rồi! Tiếng chuông điện thoại cắt ngang làn suối mơ của chúng tôi. Tôi ngồi thẳng dậy, đôi mày rậm của Khiết Anh cau lại. Chàng nhoài người với chiếc điện thoại trên bàn. Trong lúc chàng nói chuyện tôi quan sát phòng khách rộng: tường màu café sữa lát gỗ nâu bóng. Bộ bàn ghế nệm bọc màu vàng đục, trên bàn một đĩa cắm hoa Nhật Bản, chiếc lò sưởi xây bằng đá cẩm thạch trắng, trên nóc lò là một chiếc thuyền buồm bằng ngà voi chạm trổ tinh vi của Đông kinh trong suốt, rèm cửa bằng sa mỏng lướt thướt như dải sương mù. Tôi không biết nhiều về màu sắc trang trí, chỉ biết căn phòng quá đẹp. Đây là cuộc sống của Uông Khiết Anh, phú quý quá... Khiết Anh đặt ống nói xuống: - Ông trưởng đoàn họ Làng mời anh tối nay trình diễn ở đại nhạc hôi nơi Song Ngọc nhưng anh từ chối! - Sao thế anh? - Làm biếng! Anh còn mắc nghĩ tới em! Chàng sao giống tôi quá! - Nhưng anh không nên vì em mà bỏ bê công việc. Khiết Anh cười nhẹ, chàng trầm tư: - Nhưng anh không phải sống bằng nghề ca hát, hát là vì anh thích, anh không quá thiết tha vì tiền. Có lẽ vì nhờ vậy mà anh chóng nổi danh. Một ca sĩ tài tử vui đâu hát đó, có lẽ mọi người quan niệm giọng hát của anh mới đích thực chứ không phải cái máy biết hát chìu theo hơi đồng tiền. Con người quả là kỳ lạ, những gì mình không sở hữu được, không làm chủ được, không thuộc quyền điều khiển của mình đều trở thành quý giá và người ta đâm ra sùng bái nó, khùng quá phải không em? Đây là lần đầu tiên tôi nghe chàng nói về mình. Giọng nói bình đạm phảng phất vẻ giễu cợt. Tuyệt nhiên chàng không tỏ vẻ gì tự mãn về thành công của mình. Tôi cười nhỏ: - Trong những người khùng đó có em nữa! - Em chẳng giống ai hết! Chàng lại cười, kéo tôi vào lòng, đặt một nụ hôn lên môi: - Rất khó tìm được cô gái nào như em, mỗi lần hôn em là em lại đỏ mặt, dễ thương quá! Tôi níu cánh tay chàng: - Anh đã từng hôn bao nhiêu cô gái rồi? Chàng nhún vai: - Đừng hỏi anh câu ấy! Muốn em không giận thì anh sẽ nói láo, mà anh nói thật thì em sẽ nổi ghen lên mất! Tôi hờn giận: - Không hiểu sao tôi lại đi yêu con người nguy hiểm như anh! Ngu thật! Chàng bình tĩnh: - Anh không hiểu mình nguy hiểm ở chỗ nào? - Ở chỗ thiếu chung thủy! - Đó là chuyện ngày xưa mà Phương Kỳ! Lúc đó anh đâu đã biết em! - Em đâu muốn nói đến người khác! Em chỉ muốn đề cập đến Vương Ánh Tuyết! - Lại Vương Ánh Tuyết! Chẳng biết anh mắc nợ cái tên đó từ kiếp nào? - Anh không nên dùng lời lẽ đó đối với vị hôn thê tương lai! Khiết Anh ngạc nhiên: - Cái gì mà hôn thê tương lai? Em lại nghe ai đặt điều rồi phải không? Tôi buồn bã: - Em không bao giờ nói những gì em chưa biết đích xác! Khiết Anh! Em không muốn nói anh lừa dối em nhưng... nhưng người ta đã bảo em phải coi chừng, phải đề phòng anh! - Ai nói? Họ sợ anh làm hại em à! Vương Ánh Tuyết chứ gì? Em có cần anh gọi cô ta đến đối chất không? Tôi mấp máy đôi môi: - Người ta bảo đàn ông có nhiều mánh khóe lắm! Anh lại định lừa em chứ gì? Khiết Anh hừ lạnh, chàng kéo tôi đứng dậy. - Em có biết đàn ông như thế nào không? Là như thế này! Chàng bất ngờ ghì cứng tôi, làm tôi đau điếng trong một giây rồi bỏ ra. - Anh đã từng lợi dụng em như vậy chưa? Phương Kỳ? Sao em dại quá vậy? Thực sự muốn lợi dụng em anh đã có trăm ngàn cơ hội khác hà tất phải nói chuyện yêu đương vớ vẩn. Anh nói lại một điều. Anh còn độc thân và chưa hề dính dáng với một cô gái nào! Tùy em muốn tin hay không cũng được anh không ép buộc gì cả! Khiết Anh lạnh lùng ngồi xuống salon. Tôi lo lắng ôm chân chàng, áp má vào đầu gối ngước nhìn chàng: - Khiết Anh! Anh giận em sao? Em nói đùa đó, bộ nói đùa cũng không được nữa hả? Chàng cúi xuống hôn lên vành tai tôi: - Dễ ghét chưa? Sao em hay chọc giận anh quá vậy? Uông Khiết Anh! Gọi tên chàng tôi thầm nhủ: tôi sẽ không bao giờ đề cập đến chuyện này nữa. Dù chàng có phản bội tôi, tôi cũng tuyệt đối tin chàng tin cho đến chết! Khiết Anh đã nguôi giận, chàng nhỏ giọng: - Phương Kỳ! Em nên nhớ là anh chưa hề ngỏ lời nào yêu Ánh Tuyết cả! Nàng vẫn theo đuổi anh, anh làm sao cự tuyệt thẳng thừng để không chạm tự ái nàng được? Tình yêu không phải là đơn đặt hàng mà cần những tiêu chuẩn nhất định. Tại sao anh yêu em mà không yêu Ánh Tuyết? Đó là vì bên em con tim anh nó mới chịu rung động thực sự, còn bên Ánh Tuyết nó trơ trơ như diệp thạch vậy! Tôi cười nhưng rồi lại xịu mặt: - Nhưng đêm Giáng Sinh anh đã đứng với nàng dưới giàn hoa thật là tình, rồi anh còn đi chơi với nàng nhiều lắm mà! Khiết Anh lắc đầu: - Đi chơi chỉ là vấn đề xã giao thường thức. Lúc đầu anh cũng bị sắc đẹp của nàng lôi cuốn, nhưng về sau anh mới hiểu ra ngoài cái đẹp bên ngoài Ánh Tuyết chẳng còn gì đáng nói: nàng tự mãn, tự tôn và rỗng tuếch. Đừng buồn khi nghe anh nặng lời với một người vắng mặt và đó là sự thật Phương Kỳ à! - Chàng mỉm cười - Còn về chuyện anh thân mật với Ánh Tuyết, em đừng để ý làm gì, Ánh Tuyết là cô gái thời thượng, nàng coi như phim mấy cái trò đó trong thời buổi hiện thực này, hôn nhau là chuyện thường tình chẳng có gì quan trọng, không ai như em cả, lần đầu trong buổi dạ vũ suýt bị anh hôn đã muốn khóc. Nhìn em hôm đó anh tội nghiệp không nỡ chọc cho em khóc đó! Tôi e thẹn: - Nhưng bây giờ anh vẫn là kẻ độc quyền mà! - Phương Kỳ! Em trong sạch như giọt nước mưa, anh yêu con người và tâm hồn em! Tôi định nói lại, tôi không xứng đáng với lời chàng nói nhưng sợ chàng buồn nên thôi. Ngồi bên nhau một lúc tôi nói: - Nắng lên rồi kìa anh. Quả vậy, mưa đã tạnh, nắng lên phá tan mây mù. Ánh nắng màu vỏ quýt xuyên qua khung cửa kính, tắm đẫm nửa người chúng tôi, ánh nắng dìu dịu êm như mơ. Khiết Anh kéo tôi đứng lên: - Nắng lên rồi, anh đưa em đi chơi. Sau bữa cơm trưa, chàng đưa tôi ra phố mua đôi giày mới rồi đến sân patin tập trượt băng. Tôi tập một cách thích thú đến mệt đừ, mặc dù bị té xuống đau ơi là đau. Khiết Anh chọc: - Bây giờ chắc em còn giận đôi patin này nữa chứ? Tôi đưa tay vén mấy sợi tóc mai đẫm mồ hôi, đôi má hồng hào, máu luân chuyển trong người thật dễ chịu, nhìn chàng tôi cười hồn nhiên: - Lâu lắm em mới được đi chơi vui như vầy! Chàng hỏi: - Em ít đi chơi lắm sao? Đã đi chơi ra khỏi thành phố chưa? Đi picnic hay chèo thuyền quanh các hồ lớn chưa? Tôi lắc đầu: - Ngay cả biển em chỉ thấy trong tranh vẽ. - Em đúng là chú gà con trong vỏ trứng. - Anh hứa là sẽ dẫn em đi chơi mấy chỗ đó nhé! - Ừ! Có cơ hội anh sẽ đưa em đi khắp mọi nơi! Câu nói của chàng làm cho tôi chợt nhớ tới tình trạnh tối tăm của mình. Tôi chỉ là con bé trốn nhà đi chơi hoang, khẽ thở dài: - Trời đã hoàng hôn, đến giờ em phải về rồi! - Còn sớm mà Kỳ! - Cha và dì Hoa sẽ khám phá ra sự vắng mặt của em. Chàng cũng thở dài: - Không hiểu Thượng Đế sinh ra cha và dì Hoa để làm gì nhỉ? - Để nhắc nhở giờ về của em! Lại chui vào xe. Đến đầu đường Khiết Anh lẩm bẩm: - Anh không muốn xa em chút nào! Còn tôi có muốn xa chàng đâu? Tôi đặt cánh tay lên ngực chàng: - Đừng nói nữa anh! Để em về! Chàng đưa tay: tôi nắm cánh tay bóp nhẹ. - Hay là anh bắt cóc em nhé! Giống như phong tục hôn nhân của một số bộ lạc bên Châu Phi, cha mẹ không bằng lòng thì anh chàng có quyền tổ chức đánh cướp cô dâu. - Đừng nói khùng anh, chúng ta đâu có ở bên Châu Phi. Khiết Anh xốc tôi đặt tôi lên thành cửa sổ cho tôi trèo lên. Lúc trèo lên có vẻ dễ hơn là tuột xuống. Đứng ở bao lơn vẫy vẫy tay với chàng. Khiết Anh gởi theo một nụ hôn giã biệt đoạn chầm chậm bỏ đi. Nhìn theo chiếc bóng độc hành của chàng, tôi bồi hồi nói nhỏ: - Khiết Anh! Em yêu anh quá! - Đồ đĩ thõa! Tiếng cha rít lên bên tai, tôi như bị chiếc đuôi cá đuối quất phải nẩy mình nhẩy dựng, gương mặt đằng đằng sát khí của cha trong bóng tối chẳng khác nào quỷ nhập tràng, ông nghiến răng ken két: - Tao chờ mày từ chiều đến giờ rồi, lần này thì mày đừng hòng sống sót! Ông túm tóc tôi kéo bừa xuống nhà, xuống tới nhà ông dúi mạnh khiến tôi ngã nhào xuống đất, suýt nữa giập mặt. Chưa kịp bò dậy thì ông đã đạp chân lên đầu tôi dằn mạnh: - Để coi tao có trị được mày không cho biết! Cha quấn sợi dây nịt vào tay quất véo véo lên lưng tôi, tôi quằn quại nhưng vẫn cố gắng cắn răng chặt cứng để khỏi kêu la ầm ĩ. Cha đá mạnh làm người tôi bắn đi, tôi vùng dậy, ông quật một nhát roi bên cổ tôi, máu túa ra cùng cảm giác xé thịt. Tôi đưa hai tay nắm chặt ôm hai bên má căm thù nhìn ông bằng cặp mắt oán hờn. Cha ném sợi dây khom xuống nắm đầu tôi: - Mày còn nhìn tao như vậy là tao sẽ móc mắt mày. Tôi vẫn trừng mắt nhìn cha không chớp. Sự can trường của tôi khiến cha lồng lên như con thú man rợ: ông đập đầu tôi vào tường thật phũ phàng. Đầu óc choáng váng ê ẩm, tôi vịn tay từ từ quay lại, hất mớ tóc xõa xuống mắt, tôi vẫn mín môi nhìn cha thách thức. Ông thở hổn hển, mắt lộ tia hung hãn, nắm đấm giơ lên định xông lại nhưng không biết tại sao ông lại rống lên bi thảm: - Đừng nhìn tao nữa! Đừng bắt chước mẹ mày nhìn tao kiểu này nghe chưa? Dì Hoa từ bếp bước lên, bộ mặt đẫy đà lóe lên sự thỏa mãn. Bà ta vui lắm khi thấy tôi bị cha đánh, bà ta đã trả thù được rồi mà, còn gì khoái chí cho bằng. Dì Hoa khinh khỉnh nói: - Sao? Tiểu thư về rồi đấy à? Ngôi nhà này có ra gì mà tiểu thư dời gót ngọc về, nó ô nhục lắm kia mà! Giọng điệu phường tuồng của bà ta làm tôi khinh bỉ, tia nhìn thù hận rời sang khuôn mặt nhơn nhơn đắc ý, tôi buông giọng: - Ngôi nhà này dơ bẩn là vì sự có mặt của bà. Dì Hoa sấn sổ: - Cái gì? Mày nói cái gì con nhãi kia!? - Dì nghe chưa hiểu sao? Cần tôi lập lại nữa à? Dì Hoa nhiếc tôi qua kẽ răng: - Mày tưởng mày cao sang, trong sạch hơn ai lắm sao? Bản thân mày chắc gì còn nguyên vẹn. Hừ! Người ta mời đi ăn tối thì đỏng đảnh làm cao, không ai xúi giục thì đi làm điếm. Mặt tôi trắng bệch: - Bà câm đi! Đầu óc bẩn thỉu của bà chỉ biết nghĩ toàn chuyện bẩn thỉu dơ dáy. Dì Hoa bĩu môi cong cớn: - Chuyện dơ dáy? Vậy chứ con gái đi đêm với trai, ngoài chuyện đó ra còn là chuyện gì nữa? Không lẽ trên đời lại có thánh sống hay thằng đó là đồ ngu? Sự súc phạm đến Khiết Anh của bà làm mắt tôi dậy lửa: - Bà biết gì mà nói. - Tao thừa biết đàn ông, trên đời này ai cũng giống ai! - Loại người của bà nói chỉ là loại đàn ông hạ cấp! Dì Hoa quay sang cha: - Nghe chưa? Nó bảo ông là loại hạ cấp, không đáng nói chuyện với nó. Cha vớ lấy chiếc ghế đẩu ném về phía tôi, nhưng hụt. Chiếc ghế xẹt qua vai tôi đụng rầm vào cửa làm nó bật tung ra. Tôi cười lạt: - Chứ còn gì nữa! Mẹ tôi đúng là người ngu, mù nên mới lấy ông chồng như thế này! Cha gầm to, như con báo vồ mồi xông lại đưa tay bóp cổ tôi. - Xem mày còn nói hỗn được không? Tôi nghẹt thở, hãi hùng cố gỡ tay cha, nhưng bàn tay ông như gọng kềm xiết chặt. Bộ mặt ông đã mất hẳn nhân tánh, răng nhe ra như ác quỷ, thở phì phào. Mắt tôi bắt đầu tối sầm, người mềm nhũn như loài hải quỳ giẫy chết, hơi thở đuối dần thì bỗng cánh cửa mở toang, Khiết Anh xông vào như cánh đại bàng: - Buông Phương Kỳ ra! Chàng giằng tôi ra khỏi tay cha, đẩy lùi vào góc nhà đoạn đứng chắn trước mặt. Nước mắt bây giờ mới chảy ra, tôi nức nở gọi: - Khiết Anh! Chàng đỡ tôi, nhìn dấu tay trên cổ tôi rồi ngước mắt nhìn cha tóe lửa. Cha bị bất ngờ, gương cặp mắt tròn xoe như lục lạc, nói: - Mày là thằng nào? Ai cho mày xen vào gia đình tao chứ? Khiết Anh lạnh lùng: - Ai cho ông giết Phương Kỳ chứ? - Tao giết nó và cả mày nữa! Mày có biết tao là ai không? Chàng cười lạnh: - Tôi biết ông là một người cha khốn nạn! Cha thoi mạnh vào mặt Khiết Anh nhưng chàng đã tránh được vung tay đỡ khiến cha phải lùi lại, ông cười gằn: - Khá lắm, lâu rồi tao chưa đánh tay đôi với đứa nào, cởi áo ra tao với mày chọi một trận! Khiết Anh vẫn đứng nguyên: - Tôi đến đây không phải để đánh nhau với ông! Chàng cúi xuống tôi: - Phương Kỳ, anh phải đưa em ra khỏi cái lò sát sinh này mới được! Anh vừa đi một khoảng là nóng ruột quay lại ngay, may mà em chưa xuống địa ngục. Cha gầm lên: - Bộ mày tưởng mang nó đi dễ lắm sao? - Khó hay dễ tôi vẫn cứ làm! - Mày có biết nó bao nhiêu tuổi không? Tao sẽ đưa mày ra tòa! - Tôi sẽ kiện ông về tội bạo hành, ông biết rõ pháp luật hơn tôi mà! Cha lại tức tối trừng trợn: - Tao giết nó đó, ai làm gì tao? Tao đẻ ra nó được thì tao hủy nó được! Tao là cha nó mà! - Làm cha cũng không có quyền giết con! - Ai bảo là không? Mày có biết phụ xử tử vong, tử bất trung bất hiếu không? - Bây giờ chứ không phải năm trăm năm trước. - Một ngàn năm sau tao cũng là cha của nó! - Quyền làm cha của ông không còn nữa! Ông không đáng làm cha Phương Kỳ! - Vậy ai đáng làm cha nó? Mày chắc! Bây giờ tao hỏi mày, mày lấy quyền gì mà đem nó ra khỏi đây? - Tôi không dùng quyền lực, tôi chỉ muốn giải thoát cho Phương Kỳ khỏi cảnh khổ này! Cha cười sằng sặc: - Từ tâm quá! Lòng bác ái của mày từ đâu ra vậy? Khiết Anh ngẩng cao đầu, nghiễm nhiên nói: - Từ tình yêu! Tôi yêu Phương Kỳ và không muốn cho người yêu tôi chết. Cha giật mình, ông ngấm ngầm nhìn chúng tôi. - Phương Kỳ! Em có bằng lòng theo anh không? Tôi tựa đầu vào cánh tay rộng như chim ưng của chàng hoàn toàn thuần phục: - Vâng! Đi theo anh! Đến đâu em cũng đi. - Mày đi theo trai à? Tao giết hết chúng bay! Giọng cha cuồng nộ, rồi một ánh thép lạnh từ sau, mũi dao đâm tới, tôi hét to xô Khiết Anh sang một bên, nhưng không kịp nữa, trên vai áo chàng máu đã lan ra một khoảng đỏ. Khiết Anh lảo đảo, chàng đưa tay ôm vai, máu từ kẽ ngón tay phụt ra làm tôi xây xẩm, bủn rủn tay chân. Tôi rợn người nhìn khuôn mặt đau đớn của người yêu. Cha lại hét: - Bây giờ đến phiên con nhỏ này! Nhưng Khiết Anh lao tới giữ tay cha lại. - Chạy đi Phương Kỳ! Chạy đi em! Tôi lắp bắp: - Máu... máu, máu anh chảy nhiều rồi kìa Khiết Anh! - Đừng lo cho anh, anh đủ sức chịu đựng mà! Chạy đi, cha em say máu rồi, ông giết em chết mất! Quang cảnh trước mắt thật ghê rợn. Hai người kình thủ như hai con bò mộng, lưỡi dao trên tay cha chỉ chờ để bổ xuống đầu Khiết Anh. Dì Hoa hét lên: - Trời ơi! Đừng có giết nhau trong nhà! Bớ làng nước ơi có án mạng! Tất cả khí lực trong người đều tan rã, đi mấy bước tôi đã khụy. Trong khi chàng gỡ được con dao trong tay cha vứt ra ngoài cửa sổ, chàng chạy lại đỡ lấy tôi. - Phương Kỳ! Máu trên tay tôi là từ vai áo đẫm máu của chàng, khuôn mặt chàng đã tái xanh. Lợi dụng lúc chàng đang lưu tâm tới tôi, cha từ sau xông tới, nắm cổ áo chàng xốc dậy, kéo chàng quay lại với cú đá lên gối như trời giáng vào dạ dày. - Thằng súc sinh! Khiết Anh hự lên một tiếng rồi gục xuống, tôi rú lên kinh hoàng, dang tay ôm lấy chàng ngã quỵ xuống trước cặp mắt của cha, tôi phủ lên người Khiết Anh ngất lịm đi. Cơn ác mộng đến đâu cũng phải qua đi. Đêm ở Nam cực dù dài đến đâu cũng phải qua đi và chấm dứt. Bình minh đã ló dạng rồi! Tôi đứng khoanh tay nhìn ra cửa sổ nơi chân trời rạng đông, vầng thái dương dần dần nhô lên khỏi mây hồng. Sương long lanh đầu ngọn cỏ, những đóa hoa hướng dương nở tung cánh chào mặt trời với nụ cười rạng rỡ. Trên cây tiếng chim ca hót líu lo, chuyền cành tung tăng. Một chú chim sẻ bạo dạn đậu trên thành cửa sổ rỉa bộ lông màu nhạt. Trên các sợi dây điện từng bầy chim én đã bay qua có con đậu lác đác báo hiệu mùa xuân sắp đến... Nắng rọi qua khe song lọt vào nhà, những luồng ánh sáng màu hổ phách. Với lấy chiếc lược, tôi nhè nhẹ chải tóc bên cửa sổ, gió vi vu đùa tóc bay bay, những sợi tóc trong nắng màu vàng óng. Trái tim tôi cũng nhum màu thế này! Bỏ lược xuống tôi đến đứng trước gương thắt dải lụa trắng viền quanh cổ áo thành chiếc nơ thật xinh, đôi tay áo rộng phất phơ. Tôi nheo mắt nhìn mình: - Xấu quá! Xấu ơi là xấu! Cầm chiếc giỏ tôi nhảy từng hai bậc thang xuống nhà. Cha đang ngồi bên cửa, nét mặt khắc khổ nhìn tôi chẳng nói năng gì cả. Dì Hoa đang bận tỉa lông mày, đôi mắt bà nhướng lên không để ý gì đến tôi. Tôi ngang nhiên bước xuống đường. Tình yêu đã thắng được sự bạo tàn và cái chết! Tôi tỉnh dậy sau đó không lâu, được biết là cha đã mang Khiết Anh vào bệnh viện. Dì Hoa tỏ vẻ kinh ngạc vì thấy cha rơi nước mắt, ông ngồi chờ ở cửa vào phòng cấp cứu đến khi người ta cho biết tình trạng của chàng không còn đáng ngại nữa mới lầm lũi bỏ về. Từ đó ông giữ thái độ thật lạ lùng, im lặng như pho tượng có khi cả hàng giờ. Cảnh sát đến lập biên bản nhưng nhờ có sự can thiệp của Khiết Anh nên cha không bị làm khó dễ. Cửa lòng tôi đã mở, tôi được thả tự do, ngày nào cũng vào bệnh viện thăm Uông Khiết Anh. Ngang qua một hàng dậu, tôi vội nhón gót hái một đóa hoa nghinh xuân nở sớm bỏ vào giỏ. Khoác giỏ vào tay, tôi vui như loài chim Anh Vũ bay tới phòng chàng. Vừa đến trước cánh cửa kính mờ, toan bước vào cửa đã mở ra, Ánh Tuyết bước ra, đặt tay lên cửa ngoái nhìn lại người trong phòng, giọng âu yếm: - Ráng tĩnh dưỡng nghe anh, chiều nay ba giờ em đưa mẹ đến thăm anh đó! Lúc nào em cũng lo cho anh cả! Good-bye! Nàng vừa quay lại gặp tôi đứng đó. Hai chúng tôi nhìn nhau chẳng lấy gì làm thân thiện rồi Ánh Tuyết bĩu môi nói: - Cô còn vác mặt đến đây làm gì nữa? Cha cô đã đâm người ta gần chết, cô không biết xấu hổ sao mà còn định báo hại anh ấy đến bao giờ nữa? Thật chẳng biết mắc cở! Nói xong nàng vênh mặt bỏ đi trước khi tôi phản ứng. Cắn môi tủi hờn, tôi đẩy cánh cửa lách mình vào. Trên chiếc bàn nhỏ chất đầy cam Hoa Kỳ, táo, lê... lại còn một đóa hoa hồng nhung đỏ rực rỡ. Khiết Anh đang kê đầu thật cao trên gối, nâng một quả táo đỏ ngắm nghía, thấy tôi chàng cười ngay: - Nàng tiên của tôi đã tới! Tôi đặt chiếc giỏ xấu xí xuống chân, đứng im nhìn chàng. Khiết Anh vô tư: - Hôm nay đến trễ cả nửa tiếng. Tôi mở miệng: - Nhưng em biết anh không nóng ruột đâu! Chàng nheo mắt: - Sao biết hay quá vậy? Tôi không trả lời. Khiết Anh ném quả táo xuống chân giường, chàng vẫy tay: - Lại đây anh bảo! Tôi lườm chàng, nhưng đôi chân mê muội lại cứ bước tới giường. Khiết Anh kéo tôi ngồi xuống bên chàng. Chàng búng khẽ vào mũi tôi, cười: - Em đang ghen với mấy trái cam chứ gì? Đừng thèm ghen nhé! Anh không thèm ăn cam đâu! Tôi hậm hực: - Nhưng người tặng cam anh thích lắm chứ gì? Ba giờ chiều đưa mẹ đến thăm anh phải không? Trọng vọng quá! Khiết Anh lôi tôi cúi xuống: - Phương Kỳ! Thái độ đánh trống lảng của chàng làm tôi tức thêm. Nước mắt chảy quanh bờ mi. Ngẩng lên Khiết Anh hốt hoảng: - Coi kìa Kỳ! Chuyện Ánh Tuyết đến thăm anh có gì quan trọng mà em phải khóc? Mặc kệ chàng tôi cứ ấm ức khóc. Khiết Anh nhăn nhó: - Trời ơi! Tạo hóa đã sinh ra đàn bà còn sinh thêm tội ghen tuông như vầy để tôi khổ quá. Tôi ngước hàng mi sũng ướt nhìn chàng: - Khiết Anh! Tại sao Ánh Tuyết lúc nào cũng đeo sát anh vậy? Em sợ nàng cướp mất anh quá! Những gì em mang đến cho anh đều quá tầm thường trong khi những món này đều đắt tiền! Em... Khiết Anh bịt miệng tôi: - Sao tự dưng ăn nói kỳ cục vậy em? Thật ra những gì cưng mang đến cho anh đều rất quý giá, em có tin không? Anh sẵn sàng đánh đổi một cánh tay để lấy lòng tin trọn vẹn của em. Thế rồi! Mà vẫn còn làm anh khổ hoài vậy? Tôi vẫn khóc, không phải vì ghen mà vì chàng làm tôi muốn khóc quá. Khiết Anh lau những giọt nước mắt trên má tôi. Ngoài trời nắng bỗng dưng tắt ngang không còn ánh mặt trời. Giọng chàng đằm thắm: - Đừng khóc nữa Kỳ! Lấy quà cho anh đi! Tôi ngoan ngoãn lau mắt, với lấy chiếc giỏ. Mấy món bánh kẹo lặt vặt, nhánh hoa nghinh xuân vàng rực làm Khiết Anh thích thú. - Mùa xuân sắp về rồi! Tôi rờ rẫm vết băng trắng trên vai chàng. - Bớt đau nhiều chưa anh? - Có lẽ khá rồi! Anh chỉ mong sớm được bình phục để đưa em đi chơi! Nghĩ đến chuyện đã qua tôi vẫn còn thấy sợ. - Nếu hôm đó cha giết anh chắc em không sống nổi quá! Khiết Anh xoay đầu nằm nghiêng. - Rất may là chẳng đứa nào chết cả! À! Cha có tỏ thái độ gì không? - Cha không tỏ thái độ gì hết! Hình như ông ấy đang hối hận. Em không hiểu nổi cha Khiết Anh à! Không biết ông có phải là con người có hai bộ mặt... - Phương Kỳ! Em còn nhỏ chưa đủ sức để hiểu hết nỗi lòng người đâu! Muốn đoán một người em cần phải có sự khách quan, nếu em ngập đầy thành kiến em chỉ thấy được người ta qua một lăng kính sai lầm! Tôi thở nhẹ: - Thôi đừng nhắc đến cha nữa, bây giờ em vẫn còn sờ sợ. Em lấy bánh cho anh ăn nhé! Bánh em mới làm hồi sáng này! Khiết Anh cầm chiếc bánh nướng nhân thịt lên nhưng mắt không rời tôi. - Phương Kỳ! Anh không thích ăn bánh. Tôi hờn: - Vậy, anh ăn cam nhé! Khiết Anh cười, chiếc răng khểnh lộ ra tinh nghịch: - Cái anh thích nói ra em sẽ đỏ mặt ngay! Bây giờ anh muốn hôn em! Mặt tôi đỏ bừng như búp bê: - Anh chỉ thích nói nhảm không hà! - Ai biểu em xinh quá làm chi! Chàng vừa nói vừa thực thi ý định. Môi lướt êm, đầu lưỡi chúng tôi chạm vào nhau như hai chú chim mớm mồi. Thuở xưa tôi vẫn cho rằng hôn nhau để bị truyền nhiễm. Khiết Anh nhìn tôi thở dài: - Phương Kỳ! Chắc anh phải nhắm mắt lại quá! Tôi áp mặt vào ngực chàng: - Anh nhìn em nữa để anh nảy ý xấu à? Khiết Anh cười nho nhỏ. Chàng luồn tay vào tóc tôi mơn man: - Bây giờ anh lại chỉ muốn bệnh hoài không khỏi! Tôi mân mê nút áo chàng: - Chắc mấy cô y tá trong này đẹp lắm hả anh? - Ừ! Anh tán thử rồi, chẳng cô nào dễ thương bằng em cả! - Anh thật lang bang! - Nhưng chung tình! Tôi ngồi thẳng lên, dải lụa ở cổ áo đã tuột ra. Khiết Anh với tay thắt lại và chàng kéo đầu tôi vào ngực thì thầm bên tai: - Phương Kỳ! Em đúng là bảo vật của anh! Tôi có đáng là một bảo vật không? Rèm mi khép hờ hững. Tôi nằm lắng nghe tiếng tim chàng đập trong lồng ngực ấm, nó đang nói gì với tôi? Một bóng người đi thoáng qua cửa, tôi nói nhỏ với chàng: - Cô y tá xinh đẹp của anh tới kìa! Chàng vẫn chẳng để ý gì đến điều đó, lơ đễnh nói: - Chẳng có cô y tá nào xinh đẹp cả. Chỉ có một bà điều dưỡng mập như thùng tô nô thôi. Em cứ việc nằm yên đừng thèm chú ý gì cả nhé! - Lỡ bà ta vô thấy được kỳ chết! - Bà ta không dám vô đâu! Quả nhiên bóng người đi qua rồi trở lại, có lẽ đã thấy hết cảnh trong này, nhưng tỏ ra biết điều và lịch sự nên không vào. Khiết Anh cười thật lớn: - Tốt quá! Anh đang muốn bà ta hoảng sợ để không vô đây nữa! - Chi vậy anh? Chàng làm bộ trẻ con rụt vai lại: - Anh sợ chích thuốc! Đây là Uông Khiết Anh! Thật đàn ông mà cũng thật trẻ thơ. Đa tình mà cũng hồn nhiên không kém. Trái tim tôi đã thuộc về con người lạ lùng này thật rồi! Đột nhiên Khiết Anh thoáng vẻ khác thường đẩy nhẹ tôi ra. Tôi ngạc nhiên ngó ra, một bóng người đang đứng chắn ở cửa ra vào. Cha! Trên mặt ông không còn vẻ hung dữ nào, trái lại còn điểm một nụ cười hòa nhã: - Đáng lẽ tôi không nên vô, nhưng đứng ngoài mưa tạt nước quá. Mưa, mưa đến tự bao giờ, chúng tôi nào có biết mưa đâu! Nhìn vẻ mặt của chúng tôi cha gật gù: - Phương Kỳ! Cha biết ngoài kia có bão trong này cũng chẳng ai hay! Tôi mắc cở cúi đầu, trong lúc Khiết Anh cũng có vẻ thẹn. Lần đầu tôi mới thấy anh chàng biết ngượng. Cha đi tới trước mặt chúng tôi. - Tôi đến thăm cậu đây! Cậu gì nhỉ? - Dạ! Uông Khiết Anh! - Họ Uông à? Uông Khiết Anh, cậu đã đỡ chưa? Khiết Anh do dự một lúc rồi nói: - Cảm ơn ông! Vết thương không nặng lắm! Câu trả lời hai nghĩa của chàng làm cha phân vân, vân vê hàm râu xồm. - Sự thật mà nói, cậu có hận tôi không? Kẻ đã gây thương tích cho cậu? Chàng bình thản: - Không có oán hận trong lòng tôi. Hơn nữa tôi vẫn coi ông là cha của Phương Kỳ! - Đặt trường hợp tôi không phải là cha nó. - Trường hợp nào tôi cũng bỏ qua không có thù hận! - Bỏ qua? Như thế là nhát gan, không có gì anh hùng. - Anh hùng không phải chỉ có cách báo thù rửa hận. Cách hay nhất là tha thứ cho kẻ thù của ta, tội gì chúng ta lại làm nhiễm độc cuộc sống của mình bằng những dằn vặt vô ích vì oán thù? Cha nhìn chàng chằm chằm: - Năm nay cậu bao nhiêu tuổi rồi? - Hai mươi lăm! - Thế thôi à! Nếu tôi lấy vợ sớm hơn, con tôi cũng bằng tuổi cậu, tôi sống nhiều hơn cậu, kinh nghiệm đời sống đã dạy cho tôi: con người cần phải biết oán, hờn, thù. Nếu không ai có nó thì đời sống sẽ lạt lẽo như cốc nước lạnh. Còn thù hận thì hâm nóng người ta lên như rượu mạnh! Chàng vẫn bình tĩnh: - Sống nhiều chưa hẳn là biết sống! - Cậu nghĩ là cậu biết sống hơn tôi? - Tôi không dám tự hào là biết sống, ngay cả các triết nhân lỗi lạc nhất. Tôi vẫn nghĩ là trái đất này kết tinh từ tình thương yêu, thù hằn sẽ làm nó tan vỡ đi! Cha vuốt chóp mũi, giọng ông khàn đi: - Cậu có ý riêng, còn đối với tôi thù hận vẫn là thù hận. Không ai biến đổi nó thành hoa hồng được đâu. - Tôi biết nhân sinh quan của một con người có thể thay đổi một sớm một chiều. - Được rồi! Bây giờ tôi muốn biết tại sao cậu yêu con gái tôi? Khiết Anh lắc đầu: - Vì con tim có những lý lẽ mà tự nó không giải thích được thì làm sao giảng cho người ngoài nghe được? Hơn nữa cuộc sống của tôi và ông khác nhau, chưa chắc ông đã thông cảm những gì tôi nghĩ. Tóm lại tôi yêu Kỳ vì nàng đáng yêu và vì tôi không thể yêu bất cứ cô gái nào khác! - Mặc dù cha nó là can phạm? - Tôi chỉ yêu Kỳ chứ đâu có yêu cái bản án kia, mà dù chính Kỳ có phạm tội đi nữa thì tình yêu cũng có thể đưa đến sự tha thứ. Con người ai cũng có những lầm lỗi. Mặc dù ông là một cựu tù nhân nhưng nếu ông biết trở lại cuộc đời lương thiện thì tôi vẫn coi là người quý hơn bao kẻ khác, ngoài xã hội thì giữ được địa vị cao cả nhưng trong bóng tối lại lén lút làm điều phi pháp! Cha lộ vẻ kỳ lạ: - Khiết Anh! Cậu nói thật đấy chứ? - Tôi không quen phỉnh nịnh ai dù người đó có thể là cha vợ tôi đi nữa! Cha lẩm bẩm: - Bây giờ thì tôi biết tại sao con gái tôi yêu cậu! Chàng liếc nhanh tôi: - Ông nghĩ sao về điều đó? Ông chấp nhận chứ? Giọng cha buồn hẳn đi: - Tôi chấp nhận! Tôi đã chấp nhận ngay từ khi nhìn nó và cậu ngất đi dưới tay tôi, tôi không hối hận nhưng tôi xúc động. Con người yêu nhau tha thiết mà phải xa nhau quả là thê thảm. Chắc cậu ngạc nhiên vì một lão già hung tợn như tôi mà cũng biết nói đến tình yêu, lại bầy đặt đa sầu đa cảm. Không đâu! Trước đây tôi cũng là một thanh niên yêu đời như cậu. Tôi cũng có người yêu và yêu đến hai lần, sau đó hai mươi năm tôi trở thành hạng người hạ lưu ti tiện như thế này! Chính vì đâu? Đó là do tình yêu và thù hận đã nhấn chìm tôi xuống, cậu biết không Khiết Anh? Khiết Anh thoáng chấn động nhưng rồi chàng luồn ngay tay vào tay tôi nghiêm giọng: - Tôi xin hứa! - Nếu ngày nào mà cậu ruồng rẫy hay phụ bạc nó, làm cho nó đau khổ tôi sẽ liều cái mạng già này với cậu, cậu đừng hòng thoát khỏi! - Vâng! Ông cứ yên tâm, vì không có Phương Kỳ làm sao tôi sống nổi? Cha quay sang tôi: - Có thể là cha quá độc ác với con, cha không làm tròn trách nhiệm, nhưng con nên biết là cha rất thương con. Vậy con có bằng lòng tha thứ cho cha không? - Thưa... thưa...! Tại sao ông lại quỵ lụy thế? Tôi đắn đo nhìn cha: - Con không thù gì cha cả! Nhưng đáng lẽ cha không nên giết mẹ như thế! Cha kinh ngạc: - Cha có giết mẹ con bao giờ đâu? - Chính cha đã thú nhận trong đêm say hôm ấy! - À! Phải rồi, nhưng cha lại nói ý nghĩa khác, con đã hiểu lầm rồi! Tôi ngơ ngác: - Con chẳng hiểu gì cả! Cha ngẩng đầu, thầm nhìn ra cửa sổ, những đám mây đục vần vũ, trời vẫn còn mưa. - Thôi được cha sẽ kể rõ cho con nghe câu chuyện ngày xưa, cả cậu nữa cậu có biết nguyên nhân thù hận của tôi không Uông Khiết Anh? Chúng tôi cùng im lặng nghe cha kể chuyện. Bầu trời bên ngoài ảm đạm, mưa từng giọt rơi rơi! Có phải hai mươi năm trước mưa cũng chỉ rơi rơi một ngày buồn như thế này? Thiên nhiên vẫn y nguyên mà sao con người lại thay đổi nhiều như vậy! - Cách đây ba mươi năm tôi là con trai của một phú gia vọng tộc ở Tứ Xuyên, bằng tuổi cậu tôi đã tốt nghiệp đại học Bắc Kinh và yêu mến một người con gái. Nàng là vị hôn thê của tôi được đính hôn từ hồi còn bé. Nàng rất thông minh tao nhã. Chúng tôi yêu trong sự mặc nhiên công nhận của hai gia đình. Lúc đó tôi là thanh niên mẫu mực, đạo đức, lễ giáo, khỏe mạnh. Được uốn nắn, tôi thành một người đóng khung trong khuôn vàng thước ngọc. Tôi vẫn nghĩ cuộc sống nằm gọn trong bàn tay mình. Đi học, lấy vợ và sinh con đẻ cái, kế tục sản nghiệp của tổ phụ để lại. Có lẽ cái mẫu mực tầm thường ấy làm vị hôn thê của tôi có phần chán nản vì nàng có óc tự lập và phần nào cao ngạo. Tuy thế tình yêu vẫn duy trì nhờ sự bảo vệ của hai dòng họ. Cha chậm chạp ngồi xuống ghế, ngó xa xăm: - Ngay cả những đường chỉ nằm trên tay còn thay đổi huống chi là tình đời. Một thanh niên nằm trong tuyết đã được cứu về trong một buổi trời tuyết, đã làm đảo lộn tất cả. Mối tình tam giác xảy ra. Tôi chẳng mảy may nghi ngờ Nhược Lan. Nhược Lan là tên nàng. Tôi đã tốn hết một phần ba tài sản để bảo vệ người bạn tôi, ấy là vì nó rắc rối về vụ chính trị. Gia đình hắn không còn ai. Hắn đã đơn thân vượt sông Trường Giang để tránh sự truy lùng của nhà cầm quyền. Lúc bấy giờ kháng chiến chống Nhật đã lên cao, cơ nghiệp nhà tôi cũng bấp bênh theo thời cuộc, mẹ tôi đã già sợ không được bế cháu trước khi qui tiên nên thúc giục tôi mau làm đám cưới. Tôi đem chuyện đó bàn với lại Nhược Lan thì nàng trì hoãn: “Anh mới hơn hai mươi đã gấp gì lo chuyện lập gia đình, coi Khải Viên kìa! Người ta hơn ba mươi tuổi đầu còn độc thân có sao đâu?” Tôi đã nói với vẻ ganh tị: “Đó là tại hắn là một thằng nghèo mạt không ai lấy cả!” Đôi mắt Nhược Lan nhìn tôi lạ hẳn đi. Từ đó nàng cũng tỏ ra lạnh nhạt. Mặc dù có sự phản đối của Nhược Lan, tôi vẫn cùng gia đình tổ chức lễ cưới. Ngày hôn lễ của tôi tưởng đâu là ngày hạnh phúc nhất đời, có ngờ đâu lại biến thành ngày đại bất hạnh. Nhà cửa treo đèn kết hoa, quan khách đông đủ chờ sẵn. Tôi vào tìm Nhược Lan để làm lễ với gia đình thì mới hay Nhược Lan đã trốn đi trước một giờ, trốn đi với Khải Viên. Cha cười gằn giọng: - Cậu thử tưởng tượng hoàn cảnh tôi lúc đó. Một chú rể hụt quả là đẹp mặt với họ hàng. Mẹ tôi vì tuổi già sức yếu nghe cái tin ô nhục đó thì ngất đi và qua đời sau đó không lâu. Đồng thời người Nhật đã khám phá ra việc che dấu cho Khải Viên, kết tội thông đồng với phiến loạn, tịch biên cả gia sản khiến cha tôi uất ức mà chết. Mọi quan niệm của tôi đều đảo lộn cả lên, tại sao một thanh niên nề nếp lại không được Nhược Lan yêu bằng một gã tứ cố vô thân? Tại sao một con gái trâm anh như Nhược Lan dám bỏ nhà theo trai? Tại sao tôi đã ghi ân cho Khải Viên mà hắn lại trả ơn cướp đoạt vợ chưa cưới của tôi? Thế gian này chẳng còn gì là đạo lý luân thường nữa cả. Năm dân quốc thứ ba mươi tám, lục địa bị nhuộm đỏ, tôi cô thân tìm qua Đài Loan và cưới vợ. Người vợ của tôi là Trần Hiển Vân, một thiếu nữ nghèo nàn đi ở mướn là mẹ của Phương Kỳ sau này. Hiển Vân rất dịu dàng, nhưng cũng không làm tôi quên được Nhược Lan. Tôi cũng nhờ người tìm tông tích của hai người phản bi đó khắp nơi nhưng đều vô ích. Thời buổi loạn lạc, tính mạng con người rất mong manh. Có tin là họ đã chết mất xác ở Quảng Châu. Nếu còn sống sót cũng kẹt lại ở lục địa, Nhược Lan đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn di vật là một số nữ trang tôi dự tính tặng cho nàng trong ngày hôn lễ mà sau này tôi đã dùng trong tiệc cưới Hiển Vân. Tôi đau khổ oán than, tôi đã lạnh lùng: “Cô lấy chồng bổn phận của cô là phải làm cho chồng cô yêu! Nếu cô không đủ tài làm cho tôi quên được Nhược Lan thì đó đâu phải lỗi tại tôi!” Cha cúi gục đầu rồi lại ngẩng lên đăm chiêu. Có bao giờ tôi lại được nghe cha nói bình tĩnh như vầy, trong giọng nói thoảng điệu buồn như ngọn gió tây thổi suốt con đường vắng: - Đêm hôm đó, một đêm trời Giáng Sinh, rất lạnh, tôi lại tới sòng bạc của Kim Hoa. Người sau này là dì ghẻ của Phương Kỳ, người phụ nữ ấy không làm cho tôi say mê nhưng tôi vẫn dan díu để dằn vặt Hiển Vân. Trong lúc ở nhà Hiển Vân dành dụm chắt bóp từng đồng, tôi đã nướng một số bạc khổng lồ ở sòng bạc trong khi hăng máu. Tôi liền về tìm Hiển Vân để quyên tiền, hình ảnh của Hiển Vân trong đêm đó thật khó quên: Nàng gày gò tóc búi cao sơ sài, mặc chiếc áo tím bạc màu ngồi cạnh chiếc đèn khí vàng vọt, cặm cụi đan thuê áo để kiếm tiền chi dùng hằng ngày. Lúc đó tôi lôi nàng tra hỏi tiền bạc, Hiển Vân không chịu được khóc lóc nói tôi là hạng vô trách nhiệm làm khổ nàng... Tôi thản nhiên đáp: Sở dĩ tôi bỏ đi chơi là tôi chán cái gia đình này. Cô làm cho tôi không chịu nổi, phải chi hồi đó tôi cưới được Nhược Lan thì bây giờ đâu có phải tìm thú vui bên ngoài. Nói xong tôi liền giật lấy sợi dây chuyền vàng đeo ở cổ Hiển Vân: Sợi dây óng ánh tương phản với đôi vai xương xẩu nhô lên thật khó coi. Hiển Vân giữ lại van xin: “Còn chút kỷ niệm của ngày cưới anh cũng lấy đi nữa sao?” Tôi tàn nhẫn trả lời: “Sợi dây chuyền này không phải vật sở hữu của cô, đây là di vật của Nhược Lan. Chỉ có con người cao sang như Nhược Lan mới xứng đáng đeo nó, còn cô chỉ là hạng tầm thường không được giữ nó!” - Tôi đã giết nàng bằng câu nói ấy! Nước mắt đã làm đỏ cặp mắt của cha nhưng ông lại cười tha thiết: - Không bao giờ tôi quên được! Không bao giờ... tôi đã mang sợi dây chuyền đổi lấy féton để lại chui vào sòng ronlete. Vận hên đã tới! Sáng hôm sau tôi trở về nhà với một túi tiền và sợi dây chuyền mà tôi định trả lại cho Hiển Vân đồng thời xin lỗi nàng về hành động thô lỗ đêm qua. Tất cả đều đã muộn, tôi nào ngờ Hiển Vân đã cắt mạch máu tay quyên sinh. Trước khi chết nàng còn cẩn thận đắp chăn cho bé Kỳ và để lại cho tôi một mảnh giấy, trong những dòng chữ di ngôn này nàng mong rằng cuộc đời của đứa con còn sót lại sẽ không bị khổ như nàng và điều nguyện ước cuối cùng của nàng là hồn oan sẽ đeo đuổi ám ảnh tôi suốt đời như hình bóng Nhược Lan! Cha gầm đầu, những gón tay khô bóp mạnh vầng trán hằn nếp nhăn thống hận. Trần Hiển Vân đó là mẹ tôi. Nỗi oan ức của mẹ bây giờ đã rõ. Nước mắt chợt giăng giăng nhìn cha, khuôn mặt cương nghị của Khiết Anh cũng chìm sâu trong xúc động. Cha từ từ ngước lên, những nếp nhăn ở đuôi mắt làm ông già đi: - Lời nguyền của Hiển Vân đã thành sự thật! Căn bệnh ám ảnh làm tôi không lúc nào quên được hình ảnh của người vợ hiền lành, cái chết thảm thương với vũng máu bầm đen, chiếc áo tím bạc phủ bọc cái thân xác cõi còm. Tôi đã thề làm vui lòng người qua đời bằng cách chăm lo cho giọt máu côi cút. Tôi không từ một thủ đoạn nào để kiếm tiền, thậm chí nhúng tay vào tội ác. Mười năm nhìn vách đá lạnh lùng trong khám, thù hận nung nấu và oán thù. Nhược Lan! Khải Viên! Nếu có hai con người đó trước mặt, tôi sẽ đâm họ bằng những nhát dao ngút tim. Đó là mối thù của tôi, cậu hiểu chưa Khiết Anh? Cha đứng lên vuốt mặt, chuyện xưa đã qua rồi, ông vỗ vai tôi: - Đó là vì sao cha không muốn con biết đến tình yêu. Bởi vì tình yêu chỉ là sự rủi may có khác chi gieo nước cầu. Không gì đau khổ bằng tình yêu, khi yêu một kẻ chẳng yêu mình. Nhưng bây giờ cha có thể yên tâm, con sẽ không khi nào khổ như mẹ con! Nâng tay cha lên tôi ôn nhu nói: - Cha! Trước đây con đã từng oán hận cha, nguyền rủa cha nữa! Tại vì con chưa hiểu rõ những uẩn khúc ở cha! Cha cười khô khan: - Trên đời này sự ng nhận đầy dẫy. Nếu con người hiểu nhau hơn thì tỉ lệ đau khổ đã giảm đi bớt một nửa! Khiết Anh trầm tĩnh nói: - Câu chuyện thương tâm của ông đã chứng minh thù hận chỉ mang đến bi thảm chứ không giúp cho ta nguồn vui nào. Nếu ông quên đi thì ông đã có một gia đình hạnh phúc và một người vợ không phải tìm cái chết bi đát như vậy! Đôi mày rậm của cha gần đụng nhau trong cái nhăn mặt: - Cậu khuyên tôi nên bỏ qua chuyện cũ? - Vâng, nên tha thứ cho mọi người! - Tha thứ cho hai kẻ khốn nạn ấy? Không bao giờ. - Nói ông đừng buồn, tại sao ông không thấy sự ép buộc của gia đình là phi lý. Hai người đó đã yêu nhau và vì không muốn phải chia rẽ nên lén lút bỏ trốn. Tình yêu là cứu lấy mình bằng hành động, cũng như vì thương con ông đã làm chuyện cướp của giết người. Cha cười gằn, qua phút chốc ông lại trở cơn cọc cằn: - Xem ra cậu muốn dạy đời tôi! Khiết Anh vẫn còn cương quyết: - Tôi tự biết mình chưa từng trải nên không dám lên mặt thầy đời với ai cả. Tôi chỉ nghĩ là bây giờ ông còn nhiều chuyện đáng quan trọng hơn là lặn ngụp trong mối thù xa xưa nữa, hai người trong cuộc kia chắc gì còn sống, có thể xương cốt họ đã thành tro bụi. Ông thù hận một đám bụi không làm gì nữa? Phương Kỳ cần một người cha đúng nghĩa, tại sao ông không làm Kỳ thỏa nguyện? - Nó đã có cậu! Nó còn cần gì tôi. - Bao giờ tình thương cha mẹ cũng cần thiết. Cha lẩm bẩm: - Không hiểu sao hôm nay tôi lại mang câu chuyện quá khứ ra kể làm gì để gặp thằng nhỏ lắm mồm này! Khiết Anh không giận, chàng mỉm cười, cha bước về phía cửa: - Mưa đã tạnh rồi! Đã đến lúc sự có mặt của kẻ này không cần thiết nữa! Ra đến ngoài cửa ông còn ngoái đầu lại: - Uông Khiết Anh! Có thể cậu nghĩ đúng. Một ngày nào đó tôi sẽ quên đi, nhưng bây giờ thì chưa. Lần sau gặp lại mong rằng tôi với cậu sẽ đổi cách xưng hô kẻo con Kỳ nó không bằng lòng! Ngoài trời những giọt mưa cuối cùng tạnh hẳn. Mùa đông đã thực sự chấm dứt hoàn toàn! Chúa xuân đã về ngự trị trên vạn vật!