Tôi đã trở về căn nhà mà tôi từng sống với bố mẹ và những đứa em. Căn nhà ấy giờ đây không còn nữa. Nó đã thuộc về một ai đó, tôi không biết. Điều chắc chắn nhất là tôi đang bước lên chiếc cầu thang gỗ. Phía dưới, đứa em gái áp út nằm ngủ trên ghế bố sau quày hàng. Mẹ tôi nằm ở chiếc giường phía trong. Tôi chỉ nghe thấy tiếng họ trong ký ức. Bố tôi đang bận bịu gì đó trong nhà bếp. Cũng chỉ là những âm thanh rất xa tiếng bố tôi phàn nàn vì đồ đạc thất lạc. Không nhìn nhưng tôi cũng biết đứa em gái kế tôi đang thay quần áo sau cánh cửa tủ. Tôi nghĩ cần phải sắp xếp lại căn gác cho hợp lý. Sẽ kê cái tủ ngay sát đầu giường cô em thay bức bình phong cho kín đáo. Bàn máy vi tính của thời tương lai đưa vào sát tường. Phần giữa nhà sẽ kê một bộ bàn ghế mây. Còn chiếc giường sát cửa sổ phía sau, trong một thoáng tôi không nghĩ được nó thuộc về ai. Tôi không nhớ được mình vẫn ngủ ở đâu trong căn nhà này. Và một nỗi bơ vơ tràn ngập tôi. Chiếc cửa sổ nhìn ra ngôi nhà thờ, tôi vẫn nghe thấy tiếng đọc kinh khi nhà thờ hoàn toàn vắng người, lúc ban trưa hoặc nửa đêm. Cuộc chiến tranh đã đưa đẩy gia đình tôi đi nhiều nơi, ở nhiều căn nhà khác nhau, và tất cả chúng tôi đều nghĩ đây sẽ là căn nhà chúng tôi sống mãi mãi, cả khi chúng tôi không một ai còn tồn tại. Có lẽ vì thế mà tôi đã trở về. Các em tôi cũng đã trở về. Bố mẹ tôi cũng trở về. Tất cả họ đều im lặng. Ký ức của tôi không phải là một ngăn tủ đóng kín. Trước cửa căn nhà, tấm màn gió màu xanh lá cây rũ xuống ngăn cách với mặt đường. Hình như có ai đó sợ ánh sáng. Nhưng bóng tối không phải là chỗ an toàn. Tôi vén màn nhìn ra ngoài, chú tôi vừa đi ra nói vọng lại: Mọi sự đã sẵn sàng. Đấy là cái gì tôi không hiểu. Chúng tôi sắp phải ra đi sao? Tiếng bố tôi vẫn càu nhàu, không thấy cái búa đâu cả. Làm sao bố tôi thấy được khi tôi đang cầm nó trong tay và đập vào bức tường. Tôi cũng không hiểu tôi đập tường để làm gì, nhưng tôi biết chắc đó là điều cần thiết. Sau này tôi mới biết được nhờ cái lỗ ấy mà tôi sống sót. Viên đạn pháo rơi ngay trước cửa và căn nhà bốc cháy bịt kín lối ra bằng lửa. Tôi chui ra cái lỗ nhỏ như lỗ chó ấy thoát ra đường. Tôi đã được chọn để sống. Và đôi khi tôi vẫn tự hỏi sự sống ấy để làm gì. Trong rất nhiều năm, tôi đã bị dằn vặt bởi ý nghĩ ích kỷ. Nhưng điều ấy cũng không làm cho đời sống tôi trở nên sáng tỏ. Sự mù mờ ảo ảnh sương khói và những giấc mơ nửa hư nửa thật luẩn quẩn mà tôi cũng không biết nó nằm trong đầu hay đang hiện hữu bên ngoài tôi. Có tiếng ai gọi ngoài cửa bảo: Đã đến giờ rồi. Tôi không biết chuyện gì, bố tôi trong nhà bếp nói vọng ra: Chúng tôi chưa chuẩn bị xong. Người ngoài cửa lại nói: Không cần chuẩn bị gì cả. Tôi nghĩ cho dù có là cái chết thì cũng nên chuẩn bị. Người ngoài cửa dường như nói với tôi: Nếu mày không muốn đi thì thôi. Vâng, tôi chỉ muốn ngủ. Thế thì hãy ra đường mà ngủ. Bố tôi bảo: Không được, nó là thằng hay ốm vặt. Người ngoài đường nói với tôi: Mày phải tự thu xếp. Dường như tôi bừng tỉnh nói thật to: Ông là ai? Không có tiếng trả lời. Người ngoài đường đã bỏ đi. Căn nhà yên tĩnh trở lại. Tôi nghĩ cần phải treo một cái gì đó lên tường. Tôi tìm trên kệ sách những tấm lịch cũ. 1974. 1973. 1972. Có những bông hoa đã úa tàn từ thế kỷ trước. Những người đàn bà khỏa thân sau bữa cơm chiều. Ánh trăng chiếu vào họ làm cho làn da ẩm ướt và có mùi cỏ. Phải treo họ lên ở đâu đó trong ký ức của những con giun. Tôi hỏi bố nhà mình còn đinh không? Bố tôi bảo không cần đinh. Cứ đóng đi. Liệu những người đàn bà có sống được không khi bị cất vào trong kệ sách? Mẹ tôi bảo đừng có dớ dẩn. Tôi nói mẹ đang ngủ cơ mà. Ừ mẹ ngủ đây, nhưng đừng có đóng đinh họ. Cô em gái đã thay quần áo xong và bước ra lan can. Tôi nói không nên mơ khi còn thức. Ít ra thì cũng để em nhìn thấy một thế giới khác chứ, em tôi nói. Làm gì có một thế giới khác. Tất cả chỉ là một thôi. Ở phía nhà thờ, những con chim sẻ ríu rít trên mái ngói. Người đàn ông đi tìm ý Chúa gục đầu trên những phím phong cầm. Mẹ tôi bảo khi con băn khoăn hoặc sợ hãi thì hãy phó dâng cho Chúa. Tôi đã chui ra khỏi cái lỗ chó nhìn ngọn lửa bùng bùng trên mái nhà. Cách thượng đế đến với con người giống như thợ săn dồn con thú vào bước đường cùng. Tôi đi tìm người chú để nương náu. Nhưng dường như chú tôi cũng chỉ là cái bóng. Những ngôi mộ đã được giải tỏa dành đất cho người sống. Người chết vất vưởng lang thang trên những cỗ bàn đã thiu mốc. Tôi quay lại ngôi nhà mình. Ngọn lửa vẫn cháy. Rất nhiều người đang đứng đọc kinh. Người đi tìm ý Chúa dang tay và ngửa mặt lên trời. Trong đầu ông ta có những con mọt đang đục đẽo. Tôi nghe thấy tiếng của chúng đùa rỡn với nhau. Thằng em trai út ngồi hút thuốc lá trong góc nhà. Nó bảo đốt cả thế giới thì mới mong diệt được chuột. Đứa em gái nằm ngủ sau quầy hàng đã thức. Nó chải đầu và ngứa miệng. Nhưng nó chỉ ú ớ những âm thanh của một cơn gió giật. Cái lược rơi xuống đất. Tôi bảo lại đây anh bóp đầu cho. Dùng cả mười đầu ngón tay bấu vào đầu nó, cái sọ nhũn như một quả bóng, tôi nói lý thuyết cấu trúc là một điển hình cho những áp đặt sinh tồn. Chẳng ai hiểu được câu nói ấy, tôi vẫn tiếp tục vò cái đầu đứa em cho đến khi nó thật sự mềm. Tôi bảo nó muốn nói gì thì nói đi. Nó lắc đầu. Thế gian khép mắt. Bóng tối tràn từ tây sang đông. Những ngọn cây cúi xuống ngủ. Trên mỗi một ngôi mộ mọc lên một ngọn nến. Những người đọc kinh đã xếp thành hai hàng. Họ đi dọc theo những ngôi mộ, một tay lần tràng hạt, một tay cầm hoa. Tôi nhìn thấy họ khuất sau đường cong của quả đất. Bố tôi đã tìm thấy cái búa, ông bảo Chúa vẫn chờ chúng ta đóng đinh người. Tôi không thích tranh luận với bố hay bất cứ ai, nhưng tôi vẫn nói một mình. Chúa đã xuống khỏi thánh giá và đi vào sa mạc. Tiếng búa của bố đập ong ong trong đầu tôi. Tôi nghĩ mình cần phải đi ngược về phía biển. Những người lưới cá đang ngồi khóc vì thuyền của họ đã vỡ. Tôi hỏi Chúa của các ông đâu? Ngài đã lên trời, họ nói. Tôi bảo không phải, Chúa của các ông trong sa mạc. Họ lấy đá ném tôi. Dường như tôi đã chui xuống đất và thoát ra ở dưới chân núi. Con khỉ nói: Ngộ cũng chuẩn bị chạy trốn đây, nị nên giả vờ chết thì mới may ra sống được. Cái đồ khỉ Tàu, tôi rủa và tiếp tục chạy lên núi. Với tay tới mặt trăng, tôi cầm cái nia vàng ném xuống đất. Ánh sáng vỡ ra tung tóe làm mù mắt những người lưới cá. Mẹ tôi bảo đừng có viển vông, hãy cứ ngồi ở nhà khâu cúc áo đơm khuy cho mẹ, tao lấy vợ cho. Hãy chọn một cách sống an toàn cho đến khi ý Chúa được hoàn tất. Trong khi ấy, người đi tìm ý Chúa vẫn ngửa mặt lên trời. Những con mọt trong đầu ông ta đã gặm tới sổ kế toán thu chi. Và người đàn bà đứng gần nói: Thưa cha, đã tới giờ ăn cơm. Người đàn bà quạt cho ông ta bằng cái quạt giấy. Tôi hỏi: Cha có thể nuôi con một ngày không? Người đi tìm ý Chúa bảo: Thực phẩm này không phải của ta, con cứ ăn. Cha có thể cho con trú ẩn không? Chỗ này không phải của ta, con cứ ở. Mồm người đàn bà há to như mồm con cá sấu, răng chĩa ra tua tủa, quát vào mặt tôi: Vấn nạn của ngươi là gì? Ôi, to chuyện quá. Tôi bỏ chạy trước khi có thể mang họa. Phía sau lưng tôi, người đàn bà cười sằng sặc: Bé giái non hột mà cũng học đòi. Mẹ tôi bảo về nhà đi con, thế giới này đầy cạm bẫy. Tôi thắp một cây nhang cắm xuống đất. Lạy thổ thần, người là mẹ của hoa trái, là bà cố của tai ương, xin hãy chỉ đường cho tôi về nhà. Người đàn bà đốt phong long quơ ngọn lửa ngoài cửa. Thổ thần uống rượu trắng khề khà. Tất cả chúng mày đều vớ vẩn. Tôi nhắm mắt bước. Con đã về rồi đây mẹ ạ. Nhưng quả thật, tôi không thể nào nhớ được cái giường tôi vẫn ngủ nằm ở đâu.