15. Đó là lúc tôi bắt đầu phản bội cô. Không phải tôi đã kể ra việc gì bí mật hoặc làm tổn hại đến Hanna. Tôi chẳng để lộ điều gì mà lẽ ra phải giữ gìn. Tôi đã giữ kín những gì đáng lẽ phải công khai ra. Tôi không thú nhận có quan hệ với cô. Tôi biết, chối bỏ là một hình thức rõ rệt của phản bội. Bên ngoài không thể phân biệt được ai đó chối bỏ hay chỉ kín đáo, tôn trọng người khác, tránh rắc rối và phiền phức. Nhưng người nào không chịu thú nhận, người đó biết rõ. Sự chối bỏ làm hại đến mối quan hệ không khác gì phản bội trắng trợn. Tôi không nhớ lần đầu tiên tôi phủ nhận quan hệ với Hanna vào lúc nào. Từ những quan hệ đồng môn của các buổi chiều hè đã nảy nở tình bạn. Ngoài cậu bạn ngồi cạnh mà tôi đã quen từ lớp cũ, ở lớp mới tôi thích nhất Holger Schlueter, người say mê môn Sử và Văn giống tôi, chúng tôi nhanh chóng thân nhau. Tôi cũng nhanh làm thân với Sophie, nhà cô cách có mấy phố và chúng tôi đi cùng đường tới bể bơi. Thoạt tiên tôi tự nhủ rằng độ thân mật với bạn bè chưa đủ để tôi kể về Hanna, kế đó là tôi không tìm được cơ hội, không tìm được thời điểm và câu chữ thích hợp. Rốt cuộc thì mọi sự đã quá muộn để còn kể về Hanna và khoe về cô cùng các bí mật trẻ con khác. Tôi tự nhủ, muộn đến thế này mới kể về cô thì ắt sẽ gây ấn tượng sai lạc, rằng tôi ngậm miệng về Hanna bởi quan hệ với cô có gì không hay làm tôi phải áy náy. Nhưng muốn tự huyễn hoặc mình ra sao thì tùy - tôi biết là mình đã phản bội Hanna khi làm ra vẻ để cho các bạn biết hết những việc quan trọng trong cuộc đời mình, nhưng lại không nói gì về Hanna. Bọn bạn nhận ra rằng tôi không hẳn cởi mở, nhưng như thế cũng chẳng có ích gì. Một buổi tối trên đường về nhà, Sophie và tôi gặp cơn giông và trú mưa dưới mái hiên một ngôi nhà vườn ở khu Neuenheim, hồi ấy chưa có khu nhà của trường đại học mà toàn ruộng và vườn. Trời sấm chớp, bão mưa nặng hạt. Nhiệt độ phải sụt đến năm độ. Chúng tôi rét run, và tôi quàng tay ôm cô. "Hỏi bạn nhé?" Cô không nhìn tôi, mà nhìn vào cơn mưa. "Gì cơ?" "Bạn ốm lâu đúng không, bị viêm gan, có phải vì thế mà bạn có vấn đề. Bạn sợ không bình phục hẳn à? Hay các bác sĩ nói gì? Ngày nào bạn cũng phải đến bệnh viện để lọc máu hay truyền dịch à?" Căn bệnh tên là Hanna. Tôi xấu hổ, song lại càng không thể kể về Hanna. "Không phải đâu, Sophie, tớ hết bệnh rồi. Các chỉ số về gan bình thường, một năm nữa thậm chí tớ còn được phép uống rượu nếu muốn, nhưng tớ không muốn. Tớ đang..." Đã xoay quanh Hanna thì tôi không muốn nói rằng tôi đang có vấn đề. "Tại sao tớ đến muộn hoặc về sớm, đó là chuyện khác." "Bạn không muốn nói chuyện ấy, hay thật ra có muốn nhưng không biết nói như thế nào?" Tôi không muốn, hay không biết làm thế nào? Tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng khi chúng tôi đứng đó dưới ánh chớp, trong tiếng sấm vang rền sát gần, trong tiếng mưa sầm sập, cùng run rẩy và sưởi ấm cho nhau đôi chút - tôi có cảm giác là nên kể cho Sophie, cho chính Sophie nghe chuyện Hanna. "Có lẽ lần khác tớ sẽ kể cho bạn nghe." Nhưng chuyện ấy không bao giờ xảy ra. 16. Tôi không bao giờ được biết Hanna làm gì ngoài giờ đi làm và ngoài lúc chúng tôi ở bên nhau. Nếu tôi có hỏi thì cô đẩy ngược câu hỏi về phía tôi. Chúng tôi không có một thế giới chung, mà cô giành cho tôi một vị trí trong cuộc đời mình như cô muốn. Tôi phải chấp nhận. Muốn có nhiều hơn nữa, hay chỉ muốn biết nhiều hơn nữa đã là quá đáng. Khi nào rất hạnh phúc bên nhau và tôi hỏi cô, vì đoán rằng lúc đó làm gì cũng được, thì có thể cô lảng tránh câu hỏi của tôi thay vì đẩy ngược câu hỏi. "Cái gì cũng muốn biết thế hả cậu bé!" Hoặc cô đặt tay tôi lên bụng cô. "Anh có muốn hỏi thủng cả bụng em ra không?" Hay cô đếm trên các đầu ngón tay. "Em phải giặt giũ, em phải ủi quần áo, em phải quét nhà, em phải lau nhà, em phải đi chợ, em phải nấu ăn, em phải lay cây mận, gom quả, đem về nhà và nhanh nhanh nấu để cho vào lọ." Cô lắc ngón út giữa ngón trỏ và ngón cái tay kia. "Không thì một mình cái ngón út này nó ăn hết sạch mất!" Tôi cũng không bao giờ tình cờ gặp cô ngoài phố, trong cửa hiệu hay ở rạp phim là nơi cô vẫn kể là cô thích và hay đến đó. Mấy tháng đầu tôi vẫn liên tục muốn cùng cô đi xem phim, nhưng cô không muốn. Thỉnh thoảng chúng tôi chuyện trò về những bộ phim mà cả hai cùng xem. Có điều lạ là cô đi xem phim một cách bừa bãi, xem tất cả các phim từ phim chiến tranh và phim đồng quê của Đức, phim cowboy, cho đến phim hiện đại, còn tôi thích phim Hollywood, bất kể đề tài La Mã cổ đại hay miền Tây hoang dã. Có một phim cowboy mà chúng tôi đặc biệt thích xem: Richard Widmark thủ vai một cảnh sát trưởng trước ngày đấu súng, biết là nhất định sẽ thua và buổi tối đến gõ cửa phòng Dorothy Malone, người đã uổng công khuyên ông đi trốn. Cô mở cửa. "Anh muốn gì bây giờ? Cả cuộc đời anh trong một đêm?" Thỉnh thoảng Hanna trêu tôi khi tôi đến chỗ cô và đầy thèm muốn. "Anh muốn gì bây giờ? Cả cuộc đời anh trong một giờ?" Chỉ một lần tôi thấy Hanna mà không hẹn trước. Vào cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám, mấy ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ hè. Đã mấy hôm nay Hanna ở trong tâm trạng khó lường, ủ rũ và võ đoán, đồng thời rõ ràng chịu một áp lực đang hết sức đè nén, làm cô mẫn cảm và dễ tổn thương. Cô gắng sức làm chủ mình để khỏi nổ tung dưới áp lực đó. Khi tôi hỏi có chuyện gì thì cô cáu kỉnh phản ứng. Tôi không biết phải làm gì. Ít nhất thì tôi không những cảm thấy mình bị hắt hủi, mà còn nhận ra cả sự bối rối của Hanna. Tôi cố làm chỗ dựa cho cô, đồng thời muốn để cô yên. Rồi một hôm áp lực đó biến mất. Đầu tiên tôi tưởng là Hanna lại trở lại như xưa. Sau khi đọc xong Chiến tranh và hoà bình chúng tôi chưa bắt đầu ngay một quyển mới. Tôi hứa sẽ lo kiếm, và đưa mấy quyển sách ra để chọn. Nhưng cô không muốn. "Để em tắm cho anh, cậu bé nhé!" Không phải là cái oi bức của mùa hè trùm lên tôi như một tấm chăn khi bước vào bếp. Hanna đã đốt lò nước tắm. Cô xả nước vào bồn, cho thêm mấy giọt dầu oải hương và tắm cho tôi. Chiếc yếm dài xanh nhạt in hoa mà ở dưới cô không mặc đồ lót dán vào cơ thể toát mồ hôi của cô trong không khí nóng và ẩm. Cô rất kích thích tôi. Trong khi làm tình tôi cảm thấy cô muốn đưa tôi đến những cảm giác vượt lên những gì mà tôi đã từng cảm nhận thấy. Cô cũng tự thả mình như chưa bao giờ từng làm thế. Không phải buông thả, cô chưa khi nào buông thả cả. Nhưng tựa như cô muốn cùng tôi chết đuối. "Giờ thì ra chỗ các bạn anh đi." Cô chia tay, và tôi ra đi. Cơn nực nội chen giữa các ngôi nhà, phủ lên ruộng vuờn và lung linh trên mặt đường nhựa. Tôi chuếnh choáng. Tiếng la hét của lũ trẻ vui chơi vầy nước ở bể bơi vọng đến tai tôi như từ đâu đó xa lắc. Tôi đi qua thế giới này như nó không thuộc về tôi và tôi không thuộc về nó. Tôi ngụp vào làn nước nhờ nhờ đượm mùi clo và chẳng có ý định ngoi lên. Tôi nằm bên cạnh lũ bạn, nghe chúng nói chuyện và thấy những gì chúng nói đều nực cười và vô nghĩa. Một lúc nào đó tâm trạng ấy tan biến. Một lúc nào đó buổi chiều ở bể bơi trở lại bình thường, với bài tập về nhà và bóng chuyền, hóng hớt và tán tỉnh. Tôi không nhớ là mình vừa đang làm việc gì khi tôi ngước lên và nhìn thấy cô. Cô đứng cách đó 20 đến 30 mét, mặc quần soóc, áo mở khuy và thắt nút ngang eo, nhìn về phía tôi. Tôi nhìn lại. Từ xa tôi không nhận ra được biểu cảm trên mặt cô. Tôi không nhảy bật dậy để chạy ra chỗ cô. Ý nghĩ thoáng qua óc tôi là cô ra bể bơi làm gì, cô có muốn để tôi thấy mặt hoặc để người khác nhìn thấy cô cùng tôi, liệu tôi có thích để ai thấy mặt cùng cô, tôi làm gì đây khi chúng tôi chưa bao giờ ngẫu nhiên gặp nhau. Sau đó tôi đứng dậy. Trong giây lát ấy, khi tôi rời mắt khỏi Hanna thì cô biến mất. Hanna mặc soóc và áo thắt nút, mặt quay về phía tôi mà tôi không nhận ra biểu cảm gì - đó cũng là một hình ảnh của cô mà tôi ghi nhớ. 17. Hôm sau cô biến mất. Tôi đến đúng giờ mọi hôm và nhấn chuông. Tôi nhìn qua cửa, tất cả nom vẫn như mọi khi, và tôi nghe tiếng đồng hồ tích tắc. Tôi lại ngồi lên bậc thang. Mấy tháng đầu tôi luôn biết rõ cô làm việc trên tuyến nào, cho dù tôi không bao giờ định tiễn hay chỉ định đón cô nữa. Đến lúc nào đó tôi không hỏi cô nữa, cũng chẳng quan tâm làm gì. Bây giờ tôi mới sực nhớ ra điều đó. Từ trạm điện thoại ở quảng trường Wilhelm tôi gọi tới công ty tàu điện, người ta nối máy mấy lần và cho biết là Hanna Schmitz không đến chỗ làm việc. Tôi trở lại phố Ga, hỏi thăm trong xưởng mộc tên của chủ nhà, nhận được tên và số điện thoại ở Kirchheim. Tôi đi đến đó. "Bà Schmitz? Sáng sớm nay bà ấy ra khỏi nhà rồi." "Thế còn đồ gỗ của bà ấy?" "Đồ gỗ không phải của bà ấy." "Thế bà Schmitz ở căn hộ ấy từ bao giờ ạ?" "Liên quan gì đến anh?" người phụ nữ vừa nói chuyện với tôi qua khung cửa sổ liền đóng lại. Ở toà nhà văn phòng của công ty tàu điện, tôi hỏi đến tận phòng nhân sự. Ông phụ trách tỏ vẻ thân thiện và lo lắng. "Cô ấy có gọi điện lúc sáng sớm, kịp để chúng tôi kiếm người làm thay, và nói là sẽ không đến. Không bao giờ đến nữa." Ông lắc đầu. "Cách đây hai tuần tôi mời cô ấy đi học nghề lái tàu, vậy mà cô ấy vứt bỏ tất cả." Mãi mấy hôm sau tôi mới nghĩ ra là phải đến phòng đăng ký hộ tịch. Cô đã chuyển hộ khẩu đến Hamburg, nhưng không cho biết địa chỉ. Tôi mệt mỏi mấy ngày liền. Tôi cẩn thận để bố mẹ và anh chị không nhận ra chuyện gì. Ngồi ở bàn, tôi góp vài câu, cùng ăn một ít, và nếu bị nôn thì vẫn kịp ra đến phòng vệ sinh. Tôi đến trường và ra bể bơi. Các buổi chiều ở đấy tôi lánh vào một chỗ khuất để không ai nhìn thấy. Cơ thể tôi khao khát Hanna. Nhưng tồi tệ hơn cả niềm khao khát thể chất là mặc cảm tội lỗi. Tại sao khi cô đứng đó tôi lại không lập tức vùng dậy chạy ra với cô! Một giây lát ngắn ngủi đã thâu tóm sự hời hợt của mấy tháng cuối, sự hời hợt khiến tôi phủ nhận cô, phản bội cô. Sự ra đi của cô là đòn trừng phạt giành cho tôi. Thỉnh thoảng tôi cố tự huyễn hoặc mình rằng người mà tôi nhìn thấy không phải cô. Làm sao tôi có thể chắc chắn đó là cô khi tôi không nhận rõ khuôn mặt. Nếu đó đúng là Hanna thì tôi phải nhận ra mặt cô chứ? Vậy thì tôi không thể chắc chắn đó là cô? Nhưng tôi biết đó là Hanna. Cô đã đứng đấy, nhìn tôi - quá muộn. Nguồn: Bản tiếng Đức (Der Vorleser) của Nhà xuất bản Diogenes, Zürich 2005; bản tiếng Việt (Người đọc) của Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội 2006.