Chương 2.1
BIẾN CỐ "CỜ PHẬT GIÁO"

 
TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VỚI CÁC TÔN GIÁO
Ngay từ khi chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa chủ trương vô thần xuất hiện tại Việt Nam (1930), không chỉ riêng ông Ngô Đình Diệm, mà tất cả các anh em ông đều đã chú tâm đến việc nghiên cứu tìm một sách lược đối phó với chủ nghĩa vô cùng tai hại này. Họ quan niệm rõ ràng rằng. Niềm tin tôn giáo là sức mạnh vô địch trong cuộc chiến chống lại chủ thuyết vô thần nguy hiểm ấy.
Vì thế, khi nhận trách nhiệm lãnh đạo đất nước trong tình hình cuộc chiến Quốc-Cộng đang có nhiều bất lợi cho phía Quốc Gia, nhất là khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Geneva, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tiên kiến một cuộc chiến tranh khó khăn và tàn khốc hơn do cộng sản bắc việt điều khiển sẽ xảy ra tại miền Nam sau khi hiệp định này được thi hành.  Để đối phó với cuộc chiến do một chủ nghĩa mang tính giáo điều hướng dẫn, ông đã chuẩn bị "sức mạnh vô địch" bằng chính sách đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ, cũng cố, phát triển niềm tin tôn giáo, tạo sự hòa đồng giữa các tôn giáo, hậu xây dựng khối đoàn kết toàn dân trong toàn miền Nam.
BẢO VỆ, CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN NIỀM TIN
Cụ thể, đối với đồng bào Thượng, mặc dầu niềm tin của họ mang nhiều sắc thái mê tín,  dị đoan, vẫn được Chính Phủ tôn trọng. Vì vậy trong chương trình Thăng Tiến đồng bào Thượng tại các địa phương cũng như chương trình giáo dục văn hóa và huấn nghệ cho thanh niên Thượng của Nha Công Tác Xã Hội Miền Thượng, vẫn đề niềm tin của họ không hề bao giờ được đề cập tới. Với hai tôn giáo mới được thiết lập tại miền Nam: Cao Đài Giáo và Phật Giáo Hòa Hảo, Thủ Tướng Diệm đã có quyết định và hành động quyết liệt đối với tổ chức võ trang của họ vì mục đích thống nhất Quân Đội, tập trung sức mạnh Quốc Gia, như quan niệm được ông xác định ngay từ khi bắt đầu bước vào con đường tranh đấu dành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước. Quan niệm này được ông xác định lại trước Quốc Trưởng Bảo Đại khi ông nhận trách nhiệm đứng thành lập Chính Phủ, tháng 6. 1954 "Một nước mạnh, có uy tín, cần phải có một đạo quân mạnh và kỷ luật". (Con Rồng Việt Nam. Trang 526) Nhưng với tổ chức và các sinh hoạt thuần thúy tôn giáo của họ, vẫn được Chính Phủ triệt để tôn trọng và khuyến khích. Đoạn viết của ông Lâm Thành Nĩ, cháu nội một vị Khai Đạo của Cao Đài Giáo, tác giả cuốn Thực Trạng Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam, được trích dẫn trong phần này là một bằng chứng.
CÔNG BẰNG ĐỐI XỬ, TẠO SỰ HÒA ĐỒNG VỚI CÔNG GIÁO
a. - Dưới thời Pháp thuộc và qua các Chính Phủ dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại, Giáo Hội Công Giáo vẫn được hưởng quyền tự do mở các Chủng Viện để đào tạo Linh Mục, Tu Sĩ.  Chương trình giảng dạy không phải chịu sự kiểm soát của Chính Phủ.
Đến thời Đệ I Cộng Hòa, cuối tháng 11. 1956, Tổng Thống Diệm đã ban hành Đạo Dụ 57/4, xóa bỏ quy chế này. Đạo Dụ ấn định: "Không ai được mở trường tư mà không có giấy phép của Chính Phủ. Các trường được phép mở phải chịu sự kiểm soát của Chính Phủ về nhân viên, chương trình giảng huấn".
Việc ban hành Đạo Dụ này đã gây nên một làn sóng phản đối dữ dội trong giới Công Giáo. Đầu năm 1957 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong đó có Giám Mục Ngô Đình Thục,  họp ra thông báo dẫn chiếu điều 17 Hiến Pháp, lên án Đạo Dụ 57/4 là vi phạm tự do tín ngưỡng và yêu cầu xóa bỏ tất cả những điều khoản liên quan đến các Chủng Viện.
Nhưng khi được giải thích và nhìn ra mục đích của Đạo Dụ là tạo sự hòa đồng giữa các tôn giáo, gây tình đoàn kết toàn dân, nhằm bảo vệ quyền lợi tối thượng của đất nước. Đạo Dụ đã được giới Công Giáo nghiêm chỉnh thi hành.
b. - Cựu Trung Tá Phạm Xuân Ninh tức nhà thơ Hà Thượng Nhân, một thi văn sĩ lão thành có nhiều uy tín và rất được nể trọng trong giới văn nghệ sĩ cũng như trong chính giới tại miền Nam thời xưa, cũng như tại hải ngoại ngày nay, một tín đồ Phật Giáo, Tổng Giám Đốc hệ thống Truyền Thanh Quốc Gia thời Đệ I Cộng Hòa. Trong một dịp lễ giỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm,  ông đã viết mấy bài đăng trong Đặc San ngày lễ nói về một số đức tính của Tổng Thống. Trong đó có bài viết về vấn đề "k ỳ thị tôn giáo"như sau:
"Một hôm, một vị Linh Mục đến Đài Phát Thanh đề nghị với tôi cho chuyển mục "Tiếng nói Công Giáo" sang tầng số A, tức là tầng số Quốc Gia. Tôi trả lời rằng, làm như thế bắt buộc phải cho tiếng nói của các tôn giáo khác cũng được hưởng một quy chế tương tự.  Điều đó không thể thực hiện được. Ít hôm sau tôi được giây nói của ông Nguyễn Đình Thuần bảo: Tổng Thống đã chấp thuận cho "Tiếng nói Công Giáo" được phát thanh trên tầng số A.  Tôi thưa là việc đó rất quan trọng, phải có công văn minh xác, chứ tôi không thể thi hành theo khẩu lệnh. Ông Thuần gửi văn thư tới. Vị Linh Mục hôm trước cũng tới. Tôi nói: Để tôi xin trình diện Tổng Thống rồi mới quyết định. Ông Thuần gọi tôi vào tỏ ý bất bình vì tôi ngoan cố bất tuân thượng lệnh.  Tôi trình bày lý do và xin phép ông cho tôi trình thẳng Tổng Thống. Ông gắt lên: "Anh muốn làm gì đó thì làm".
Ngay khi tôi gặp Tổng Thống đã hỏi: "Tại răng các Cha làm việc đạo đức mà lại cấm?"
Tôi thưa rằng: Trong nước có nhiều tôn giáo khác nhau. Nếu nay lại để cho Công Giáo được đãi ngộ đặc biệt thì lòng dân sẽ bất bình, nghĩ là Tổng Thống là Công Giáo nên quá thiên về đạo giáo của mình. Chúng tôi thiết nghĩ Đạo Chúa là Đạo Tình Thương, vậy thì dùng mục "Tiếng Vọng Tình Thương" rồi muốn nói gì thì nói. Tổng Thống ngồi lặng một lúc rồi gật đầu:
"Anh về bàn lại với các Cha. Đừng quá sốt sắng về việc đạo mà xảy ra chuyện kỳ thị tôn giáo".
Tôi ra về trình lại với ông Thuần. Ông Thuần ngạc nhiên hỏi: "Anh nói gì mà Tổng Thống lại đổi ý như vậy?" Tôi nói: Thưa việc này mới nhìn có vẻ tầm thường, nhưng suy nghĩ kỹ thì là cực kỳ nghiêm trọng. Vấn đề tôn giáo là một vấn đề vô cùng phức tạp. Rất nhiều vị tu hành vì quá sốt sắng với việc đạo, mà làm hại đến uy tín của chế độ.
Ông Thuần tỏ ý khen ngợi tôi đã dám thẳng thắn nói lên sự thật, nói lên ý kiến đúng đắn của mình.
Tôi nghĩ, chỉ vì nhiều người muốn cho xong chuyện, nên tìm cách bưng bít sự thật, chứ Tổng Thống Diệm là người lúc nào cũng muốn nghe lẽ phải và sự thật.
Bọn người bưng bít sự thật chính là bọn phản bội. Nước mất phần lớn là vì bọn người ấy. "
VỚI CAO ĐÀI GIÁO
Tại chương nói về "Kỳ thị tôn giáo" trong tác phẩm nhan đề Thực Trạng Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam, tác giả Lâm Thành Nĩ, đã viết một đoạn như sau:
"Riêng vấn đề Pháp nạn của Phật Giáo hồi năm 1963. Theo ý nghĩ thô thiển của chúng tôi thì có lẽ mọi người trong chúng ta, ai cũng đồng ý rằng. Nếu thật sự nó chỉ có đơn giản, và nếu đúng là ông Ngô Đình Cẩn lạm dụng quyền hành ra lệnh cấm không cho treo cờ Phật Giáo. Rồi kế đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm không chịu nhìn nhận sự sai sót để hòa giải về vấn đề này, thì thật là một chuyện đáng tiếc. Và Phật Giáo đứng lên tranh đấu thì rõ là một việc làm thật chánh đáng, một hành động can đảm mà chắc ai cũng khâm phục. Nhưng khi tình hình đã rối ren rồi, cộng sản xen vào xúi bẩy, gây rối, chế thêm dầu vào lửa để hưởng cái "lộc" trước cảnh "cò nghiêu tranh nhau ngư ông đắc lợi" là điều không thể nào tránh khỏi. Hơn thế nữa có dư luận cho rằng một số lãnh tụ tranh đấu lại là cộng sản?! Một số khác thì vô tình làm theo kế hoạch của cộng sản?!
Còn cá nhân Tổng Thống Ngô Đình Diệm có chủ trương kỳ thị tôn giáo hay không? Xin mời quý vị xem vài giai thoại dưới đây, để rồi tự mình trả lời cho cái thắc mắc của mình một phần nào.
Vào tháng 10 năm 1963. Tôi có dịp đọc một cột báo của một nhật báo xuất bản vào thời điểm ấy. Tờ báo viết, vì lâu quá tôi không nhớ rõ từng chi tiết nên xin lập lại với xự dè dặt.
"Bất thần Tổng Thống lên xe đi, cũng bất thần Tổng Thống ra lệnh cho xe ngừng lại...  ông bước vào một tiệm may ở vùng Phú Nhuận, tay chỉ xấp vải để trong tủ kiếng, miệng hỏi chủ tiệm:
- Hiện nay, một bộ đồ Veston bằng vải đó giá bao nhiêu tiền?...
Xe đang chạy ngang qua một Chùa Phật thấy treo cả hai lá cờ, cờ Quốc Gia và cờ Phật... Ông bước xuống xe vào Chùa thăm, thấy các vị tu sĩ vui vẻ đón tiếp ông... Về Dinh, trưa hôm ấy Tổng Thống ăn một bữa cơm thật ngon miệng".
"Đến chuyện trong nhà, ông nội của chúng tôi là một chức sắc cao cấp của Đạo Cao Đài mà chắc một số chính khách. Kể cả các vị Đại Sứ Hoa Kỳ của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến 1963 có lẽ cũng không xa lạ gì ông... (đoạn này ghi tên các nhà lãnh đạo đất nước, một số chính khách, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các vị Đại Sứ v. v... ông nội tác giả đã từng hội kiến, xin được miễn trích dẫn)
Sở dĩ tôi nêu lên một danh sách dài dằng dặc như thế, là nhằm mục đích nói lên rằng: Nếu ông là người hay ăn nói sằn bậy, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Thì ông không thể nào được quý vị lãnh đạo có tầm cỡ trên tiếp kiến, đàm đạo.
Đó là ông Khai Đạo Phạm Tấn Đãi của Đạo Cao Đài. Trong những lúc trò chuyện với con cháu ở gia đình, có lần ông nói với tôi về cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm:
Trong một lần tiếp phái đoàn Cao Đài đến thăm xã giao tại Dinh Độc Lập. Ông Ngô Đình Diệm nói trước phái đoàn rằng:
"Tôi kính trọng quý Ngài. Một số Linh Mục Công Giáo hãy gặp tôi thì xin phép được xổ số Tombola để có tiền xây dựng Nhà Thờ. Tôi nói Cao Đài người ta đâu có Tombola, mà tôi thấy họ cất thêm Thánh Thất mới đều đều".
Với thái độ đượm vẻ thoải mái hiện rõ trên gương mặt một cách khác thường ông nói tiếp:
"Rồi với nụ cười ngộ nghĩnh, vừa hóm hỉnh và vừa chua chát, ông Ngô Đình Diệm kết luận:
"Cứ Tombola! Tombola mới xây dựng được Nhà Thờ"
Xuyên qua việc làm và vài câu nói trên. Xin quý vị thử nghĩ xem đức độ lãnh đạo cũng như lập trường đối với Tôn Giáo của cố Tổng Thống Đệ I Cộng Hòa, ông Ngô Đình Diệm ra sao? Có kỳ thị hay không? Hay là những khuyết điểm phần lớn là do những người chung quanh hoặc bên lề những sai lầm, cố Tổng Thống cũng còn là một người có những đức tính cao quý của một con người trung thực trước những thực tế. Thực tế này được cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu xác nhận lại bằng lời nói với một người cố vấn của ông và ông này thuận lại với ông của chúng tôi:
"Mình giúp gì cho Cao Đài họ cũng không chịu nhận. Nhìn kỹ cũng không thấy họ lấy gì của phía bên kia. (cộng sản) Thế mà mỗi lần lên thăm, thấy họ lại hoàn tất hoặc đang xây dựng một công trình đồ sộ mới", "Người của họ thật là có tinh thần".
Ngoài ra việc cố Tổng Thống dùng Bác Sĩ Trần Kim Tuyến. Ông này đã từng chống một số Linh Mục người Pháp, giữ một chức vụ quan trọng ở bên cạnh mình. Điều này cũng cho thấy một phần nào, có lẽ ông không phải là người sùng đạo đến mù quáng mà chỉ là con chiên ngoan đạo, một người tín ngưỡng. (Thực Trạng Cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Trang 263)
VỚI PHẬT GIÁO
Phật Giáo là một tôn giáo du nhập Việt Nam lâu đời, đã đi sâu vào tâm thức và đời sống người dân, có một khối tín đồ quan trọng. Nhưng ông Diệm nhìn thấy Phật Giáo tổ chức quá lỏng lẻo, có thể là một môi trường thuận lợi cho đối phương xâm nhập, lợi dụng làm bình phong thực hiện cuộc chiến tranh khuynh đảo và nổi dậy dưới danh nghĩa "nhân dân". Nếu để địch lợi dụng được môi trường này, nó sẽ tạo nên mối nguy hiểm lớn lao cho cuộc chiến chống cộng sản tại miền Nam. Thêm vào đó, vốn có nhiều thiện cảm với các tăng sĩ qua những liên hệ trong thời kỳ hoạt động bí mật sau khi treo ấn từ quan, Tổng Thống Diệm đã dành cho Phật Giáo rất nhiều quan tâm và ưu đãi.
Ngay từ những năm đầu của chế độ, Tổng Thống Diệm đã áp dụng một chính sách đặc biệt đối với Phật Giáo nhằm giúp họ phát triển và kiện toàn tổ chức.
Thực hiện chính sách này, tại Sài Gòn, Tổng Thống Diệm đã giúp đỡ một phần tài chánh khích lệ Hội Phật Học Nam Phần do ông Mai Thọ Truyền, một cư sĩ, làm Hội Trưởng,  xây cất Chùa Xá Lợi dùng làm nơi nghiên cứu, học hỏi giáo lý, mở rộng kiến thức, củng cố niềm tin nơi tín đồ Phật Giáo. (Chùa Xá Lợi được xây cất giữa năm 1958). Theo ông Phạm Minh Chiểu, cựu Phó Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị và Xã Hội Phủ Tổng Thống, hiện cư ngụ tại Thành Phố Orange County, California, thì số tiền giúp xây Chùa Xá Lợi là hai triệu đồng (2. 000. 000), được trích từ ngân quỹ của Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội Phủ Tổng Thống (Theo giá sinh hoạt tại Việt Nam khi ấy, 1 mỹ kim bằng 35 đồng bạc Việt Nam). Tôi cũng được ông Hoàng Quang Chính, Chánh Văn Phòng Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội Phủ Tổng Thống, hiện cư ngụ tại Thành Phố Orange County, California, cho biết, chính ông là người đã đem số tiền trên đây trao cho ông Mai Thọ Truyền, người chủ trì việc xây cất Chùa Xá Lợi.
Ông Huỳnh Văn Lang nguyên Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái Quốc Gia, trong hồi ký Nhân Chứng Một Chế Độ kể lại rằng, về thời gian ông không còn nhớ chính xác nhưng sự việc thì rõ ràng. Khoảng năm 1959-1960 Thượng Tọa Thích Tâm Giác đứng tên chúng với bà Đức Âm, nhạc mẫu của ông Lang, xin mua khu đất của Nha Thương Cảng thuộc Bộ Tài Chánh, bên bờ lạch sát đầu Cầu Công Lý để xây Chùa. Lô đất rộng trên dưới một mẫu tây đang được dân chúng xung quanh trồng rau muống. Ông Bộ Trưởng Tài Chánh không dám quyết định, đưa ra trình trước Hội Đồng Tối Cao Tiền Tệ do Tổng Thống chủ tọa. Trong buổi họp,  ông Huỳnh Văn Lang, Tổng Thư Ký Hội Đồng, đề nghị xin Tổng Thống Diệm chấp thuận để họ xây Chùa. Và ông ghi lại:
"Không ngần ngại một chút, ông Diệm cho chỉ thị ngay:
- Làm Chùa thì cho ngay đi.
Và ngay sau buổi họp, Bộ Tài Chánh đã làm giấy bán lô đất cho Thượng Tọa Thích Tâm Giác và bà Đức Âm với tượng trưng một đồng bạc". (Nhân Chứng Một Chế Độ. Tập 1.  Trang 463)
Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ và sát hại, Chùa Vĩnh Nghiêm đã được xây cất trên lô đất này.
Tại Huế, qua cơ sở Phật Giáo Chùa Từ Đàm mà người đại diện là Thượng Tọa Thích Trí Quang tại Chùa này, ông Ngô Đình Cẩn đã tích cựu giúp đỡ Phật Giáo phát triển bằng cách cung cấp tài chánh, vật liệu, dụng cụ, góp thêm vào việc xây cất nơi thờ tự tại một số cơ sở mới thành lập, trùng tu những Chùa miếu bị hư hại đổ nát, thực hiện đồ thờ cúng. Vấn đề tài chánh thường được cung cấp trực tiếp từ ông Cẩn và qua các ông Đại Biểu Chính Phủ hoặc Tỉnh Trưởng sở tại. Ông Nguyễn Đình Long chủ tiệm Thăng Long trên đường Phan Bội Châu Huế, đã được trúng thầu khai thác củi trong kế hoạch khai quang mật khu Hòa Mỹ của Việt Cộng, thuộc Quận Phong Điền Tỉnh Thừa Thiên, với điều kiện mỗi tháng cung cấp cho Thượng Tọa Trí Quang ba mươi ngàn đồng (30. 000).  Quận Trưởng Quận Phong Điền khi ấy là ông Hoàng Ngọc Trợ, người cho đấu thầu công tác khai quang này, hiện ở San José, California.
Một điều rất đặc biệt, để có vật liệu đúc chuông cho một số Chùa mới xây cất, ông Cẩn đã yêu cầu Đại Đội Quân Cụ Quân Khu II bằng mọi cách, cung cấp vỏ đạn đồng cho Thượng Tọa Trí Quang. Công việc này thật khó khăn, vì thời kỳ ấy người Mỹ chỉ cung cấp súng đạn cho Quân Đội Việt Nam sử dụng trong công tác huấn luyện, nên việc cấp phát đạn dược rất hạn chế, kèm theo nhiều thể thức kiểm soát hết sức chặt chẽ. Tuy vậy, anh em Quân Nhân thuộc Đại Đội Quân Cụ cũng đã tìm cách thực hiện được lời yêu cầu của ông Cẩn. Hai người phụ trách công việc này là Trung Úy Ngô Văn Điều, cấp bậc sau cùng là Trung Tá, hiện cư ngụ tại Thành Phố Garden Grove, Orange County, California và Thượng Sĩ Nguyễn Hiệp, không rõ cấp bậc sau cùng, hiện ở Úc Châu. Cả hai người cùng là tín đồ Công Giáo.
Được chính quyền tích cực giúp đỡ, Phật Giáo miền Trung phát triển mạnh, có thêm nhiều cơ sở, Chùa miếu mới. Từ đó, uy tín của các vị tăng sĩ Chùa Từ Đàm, đặc biệt là Thượng Tọa Trí Quang, mỗi ngày một lớn thêm trong giới Phật Giáo. Riêng Thượng Tọa Trí Quang được mặc nhiên coi là đại diện chính thức cho cả khối Phật Giáo Miền Trung đối với chánh quyền, Thượng Tọa đã từng đến nhà ông Cẩn gặp ông nhiều lần. Ngược lại, một đôi lần ông Cẩn cũng đã lui tới thăm hỏi, dùng trai với ông và các tăng sĩ tại Chùa Từ Đàm. Vì vậy Thượng Tọa Thích Trí Quang đã được các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa khác đặc biệt tin tưởng, kính nể. Uy tín của ông vượt trội hẳn trên các vị tăng sĩ khác.
Cuối năm 1956, hai Thượng Tọa Trí Quang và Thiện Minh của Chùa Từ Đàm, xin phép đi dự Đại Hội Phật Giáo thế giới tổ chức tại Tích Lan. Đơn xin xuất ngoại của hai vị bị cơ quan an ninh đề nghị bác với lý do: Hồ sơ an ninh ghi hai vị có nhiều hoạt động thiên cộng.
Hai vị đã chạy đến nhờ cậy ông Ngô Đình Cẩn và ông Cẩn đã phải viết thơ riêng can thiệp với Bác Sĩ Trần Kim Tuyến. Cuối cùng hai vị đã được xuất ngoại với thông hành Công Vụ để thoát qua cửa ải "thủ tục an ninh", theo sáng kiến của ông Cao Xuân Vỹ.
GIÚP XÂY DỰNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO
Ngoài những giúp đỡ vật chất có tính cách nhất thời kể trên. Tổng Thống Diệm còn có kế hoạch lâu dài, giúp Phật Giáo Việt Nam tổ chức thành một Giáo Hội Thống Nhất. Ông khuyến khích, yểm trợ việc đào tạo cán bộ, để có nhân sự đủ khả năng xây dựng Giáo Hội Phật Giáo thành một tổ chức chặt chẽ và vững mạnh từ căn bản.
Cuối năm 1957 đầu năm 1958, các vị tăng sĩ Chùa Từ Đàm, chủ chốt là hai Thượng Tọa Trí Quang và Thiện Minh, đã nhờ ông Ưng Thuyên, soạn một bản Điều Lệ xin thành lập "Hội Phật Giáo Thống Nhất" toàn quốc. Nội dung điều lệ hoàn toàn như điều lệ của một hội đoàn thường.
Bản Điều Lệ có kèm theo đơn xin thành lập hội, được gửi lên Bộ Nội Vụ đã quá sáu tháng mà không nhận được kết quả gì. Hai Thượng Tọa Thích Trí Thủ và Thích Thiện Minh được các vị tăng sĩ Chùa Từ Đàm cử vào Sài Gòn đem theo phó bản đơn xin lập hội và điều lệ đến Quốc Hội nhờ ông Võ Như Nguyện, Chủ Tịch Ủy Ban Nội Vụ can thiệp. (Ông Nguyện hiện cư ngụ tại Thành Phố Lons, Pháp Quốc).
Tiếp hai tăng sĩ và sau khi coi qua Bản Điều Lệ, ông Võ Như Nguyện hỏi Bộ Nội Vụ thì được trả lời: Việc này còn đang cứu xét. Thấy thời gian xét đơn đã quá thời hạn luật định,  ông Nguyện liền xin Tổng Thống Diệm cho hai tăng sĩ được yến kiến để đạo đạt thỉnh nguyện. Tổng Thống chấp nhận ngay và ông Nguyện đã đích thân đưa hai tăng sĩ vào Dinh Độc Lập trình diện Tổng Thống ngay sau đó.
Sau khi nghe hai tăng sĩ trình bày sự việc và nguyện vọng, Tổng Thống bảo ông Nguyện:
- Ông Nguyện qua Bộ Nội Vụ lấy hồ sơ về đây cho tôi.
Trong khi Tổng Thống còn chuyện vãn với hai tăng sĩ, ông Nguyện đem hồ sơ về trình,  Tổng Thống cầm lật coi qua mấy trang rồi hỏi ông Nguyện:
- Ông Nguyện đọc chưa?
- Dạ thưa Tổng Thống tôi đọc rồi.
Không hỏi gì thêm, Tổng Thống phê Thuận ngay trước mặt hai Thượng Tọa Trí Thủ,  Thiện Minh và ông Võ Như Nguyện, Hồ sơ được giao trả lại cho Bộ Nội Vụ, để làm thủ tục, rồi sau đó chuyển đạt cho Hội Phật Giáo.
Rất tiếc là hai vị nhân chứng là hai Thượng Tọa kể trên đều đã viên tịch rồi. (Lời ông Võ Như Nguyện)
Thiết tưởng cần nói thêm ở đây về việc nhóm Tranh đấu của Thượng Tọa Trí Quang đòi hủy bỏ Đạo Dụ số 10.
Đạo Dụ số 10 được Quốc Trưởng Bảo Đại ban hành tháng 8 năm 1950, ấn định các thể thức phải thực hiện khi muốn thành lập một hội đoàn và các điều lệ phải tuân thủ khi hội đã được phép thành lập. Toàn văn Đạo Dụ không một chữ nào đề cập đến vấn đề tôn giáo. Ngoại trừ và duy nhất Điều 44 trong chương Tổng Tắc của Đạo Dụ ghi:
"Chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô và các Hoa Kiều Lý Sự Hội sẽ ấn định sau"
Nếu hiểu Chế Độ Đặc Biệt nói trong Điều Khoản này là dành cho một Tôn Giáo, thì không lẽ Hoa Kiều Lý Sự Hội cũng là một tôn giáo?
Ngoài ra, các hội truyền giáo tại Việt Nam đã chấm dứt nhiệm vụ từ năm 1960, khi hệ thống giáo quyền Việt Nam được thiết lập.
Người ta không khỏi thắc mắc: Thượng Tọa Trí Quang người chủ chốt trong việc xin thành lập "Hội Phật Giáo Thống Nhất", nếu thấy Đạo Dụ 10 là cách đối xử bất công với Phật Giáo, sao Thượng Tọa không xin hủy bỏ Đạo Dụ này khi Đạo Dụ mới được ban hành, hoặc khi xin thành lập "Hội Phật Giáo Thống Nhất"?
Cụ Tôn Thất Thiết, một Phật Tử thuần hành mà thân phụ là Phò Quan Quận Vương Tôn Thất Hân, người đã từng can thiệp cho Hội Chấn Hưng Phật Giáo tại miền Trung được hoạt động đầu thập niên 30, nói với tôi:
"Việc đưa ra đòi hỏi hủy bỏ Đạo Dụ 10, chỉ là kỹ thuật gây cho đồng bào Phật Giáo ấn tượng bị phân biệt đối xử để lôi cuốn họ vào cuộc tranh đấu. Đạo Dụ do Quốc Trưởng Bảo Đại ban hành từ năm 1950, nếu thấy bất công đối với Phật Giáo sao hồi đó các Thầy không phản đối xin hủy bỏ? Rồi đến thời ông Diệm, từ năm 1954 đến 1962 cũng không xin hủy bỏ, mà phải đợi đến khi tranh đấu mới đòi"?
Sau khi Hội Phật Giáo Thống Nhất được phép thành lập, theo ông Phạm Minh Chiểu,  việc tổ chức Đại Hội bầu Ban Trị Sự Trung Ương đã gặp nhiều khó khăn vì sự bất hợp tác của khối Phật Giáo miền Nam. Chính quyền đã phải vất vả hòa giải, dàn xếp, Đại Hội mới thành hình và đưa đến kết quả, Hòa Thượng Thích Thịnh Khiết được bầu vào chức vụ Hội Chủ và Thượng Tọa Thích Trí Quang được giao nhiệm vụ Tổng Thư Ký. Cả hai vị đều thuộc Hội Phật Giáo Thống Nhất Thừa Thiên.
Sau khi Phật Giáo đã có tổ chức thống nhất, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lại khuyến khích, cung cấp tài chánh cho các tăng ni ra ngoại quốc du học để mở mang kiến thức, giúp họ có khả năng và nâng cao trình độ cho hàng ngũ quý vị lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam. Sau đây là một vài trường hợp.
Trong thời gian xảy ra biến động được gọi là "Cuộc tranh đấu của Phật Giáo", sau vụ kiểm soát một số Chùa, một hôm Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến thăm Chùa Sư Nữ tại Phú Lâm, do Sư Bà Diệu Huệ, thân mẫu nhà bác học Bửu Hội chủ trì. Sau khi được hướng dẫn đi thăm các cơ sở trong Chùa. Tổng Thống nói chuyện với các Sư Nữ về tình hình đất nước, về những rắc rối đang xảy ra giữa Phật Giáo và Chính Phủ....
Tổng Thống Diệm nhắc lại những liên hệ cá nhân giữa ông với Phật Giáo, với các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, từ khi ông còn đang âm thầm hoạt động đấu tranh cho nền độc lập của đất nước. Thái độ đối xử và những giúp đỡ đặc biệt của ông đối với Phật Giáo từ khi về chấp chánh...
Các vị Sư Nữ đã bật khóc trước thái độ và những lời nói chân tình của Tổng Thống.
Cuộc nói chuyện vừa dứt thì một vị tăng sĩ tiến tới chào Tổng Thống. Và sau đây là mẫu đối thoại giữa Tổng Thống và vị tăng sĩ:
- Thầy đi học về khi mô vậy?
- Thưa Tổng Thống, con về gần ba tháng nay. Anh em chúng con (không nói rõ bao nhiêu người) hôm về đã có đến trình diện Tổng Thống.
- Học có được không?
- Dạ thưa,  được Tổng Thống ưu ái cho đi du học, nên chúng con đã cố gắng để theo kịp bạn bè cùng khóa.
- Tiền bạc có đủ không?
- Dạ thưa cám ơn Tổng Thống, được Tổng Thống thương cho quá đầy đủ. Ăn uống chẳng tốn bao nhiêu, chỉ tốn tiền sách vở thôi, nên số tiền Tổng Thống cho rất đầy đủ.
- Học về rồi phải đem những gì đã học được, áp dụng vô trong tổ chức của mình, từ tổ chức đến việc đào tạo cán bộ. Tôi nghĩ bên Phật Giáo nên chủ trương như bên Công Giáo,  nghĩa là phải đi tu từ 9, 10 tuổi đến 30 tuổi mới thành một Linh Mục. Có như thế mới chọn lựa được kỹ càng cả về đạo đức và học vấn. Bên Công Giáo lúc sau ni có thâu nhận thanh niên vào học lên Linh Mục sau khi đã đậu tú tài. Nhưng cách đó xem ra chọn lựa không được kỹ càng bằng lớp bắt đầu đi tu từ nhỏ.
Nói đến đây, Tổng Thống bảo vị tăng sĩ:
- Thôi cố gắng làm việc tử tế.
Thiếu Tá Phạm Tường, Giám Đốc Nha Công An Cảnh Sát Cao Nguyên Trung Phần,  định cư tại Thành Phố Boston, Tiểu Bang Massachusetts, Hoa Kỳ (mới mất hồi trung tuần tháng 12. 2002) và Đại Úy Lê Châu Lộc, Sĩ Quan Tùy Viên, là những người đã có mặt trong cuộc thăm viếng trên đây của Tổng Thống Diệm.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm không những chỉ nâng đỡ Phật Giáo trong nước, mà bất cứ ai, bất kỳ ở đâu, khi niềm tin tôn giáo của họ bị chà đạp, ông đều tự thấy có bổn phận phải nâng đỡ họ.
Tôi được Thượng Nghị Sĩ Lê Châu Lộc, nguyên Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống Diệm, hiện định cư tại Hoa Kỳ, kể lại:
"Năm 1959, sau khi đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ hai. Ba ngày sau khi có kết quả bầu cử,  Tổng Thống gọi tôi (Đại Úy Lộc) và Đại Úy Nguyễn Bằng (Sĩ Quan Cận Vệ), đi theo.  Tổng Thống đến các Chùa trong khu vực nội và ngoại thành Sài Gòn để cám ơn khối Phật Giáo đã ủng hộ ông. Tại một ngôi Chùa nọ, khi tiếp đón Tổng Thống, Thượng Tọa trụ trì đã trách ông rằng:
- Tổng Thống có chuyện vui mà không cho anh em chúng tôi biết để chúng tôi được cùng chung vui với Tổng Thống.
Tổng Thống trả lời:
- Có chuyện chi vui mà tôi giấu các Thày mô?
- Dạ, thưa Tổng Thống, qua Tăng Đoàn Tích Lan, chúng tôi được biết, Tổng Thống đã tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma một số tiền lớn.
Nghe vậy, Tổng Thống hơi đỏ mặt, ngồi lặng thinh một lúc, rồi nói:
- Vì là một việc tế nhị, tôi không muốn cho ai biết, chứ không phải có ý giấu các Thầy.  Tôi có nhận được giải thưởng Leadership Magsaysay 10.000 đô la. Tôi thì không có nhu cầu chi. Gặp lúc Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ và là biểu tượng của tinh thần tranh đấu bất khuất để bảo vệ niềm tin, bảo vệ tôn giáo, bảo vệ dân tộc ngài, đang gặp hoạn nạn, phải sống lưu vong, cần nhiều sự giúp đỡ. Tôi thấy mình có bổn phận phải giúp ngài. Tôi có nhờ Thủ Tướng Nerhu chuyển số tiền này cho ngài, nhưng ông khước từ, có lẽ ông ngại mất lòng Trung cộng,  nên tôi đã phải tìm đường khác chuyển số tiền cho ngài.
Các Thầy cũng biết, mình đang phải chiến đấu chống lại một chủ nghĩa vô thần rất tàn bạo. Chỉ có niềm tin tôn giáo mới có đủ sức mạnh chống lại được với chủ nghĩa tai hại này. Vì thế, đối với việc phát huy, củng cố, bảo vệ niềm tin tôn giáo, bất câu là tôn giáo nào, mình cũng có bổn phận phải khuyến khích và giúp đỡ.
Chuyện trên đây, Thượng Tọa, nay là Hòa Thượng Thích Quảng Liên biết rõ. Vì khi Tổng Thống đến, các vị tăng sĩ đứng sắp hàng hai bên đường vào Chùa đón Tổng Thống. Khi đi ngang qua Thượng Tọa Thích Quảng Liên, Tổng Thống dừng lại hỏi:
- Thầy về khi mô?
- Dạ, con mới về, chưa kịp vào chào Tổng Thống.
- Không sao. Khi mô Thầy muốn vô, nói Sĩ Quan này (Đại Úy Lộc) sắp xếp cho vô.
Mấy ngày sau Thầy Quảng Liên đã đến nhờ tôi (Đại Úy Lộc) hướng dẫn vào yết kiến Tổng Thống.
Sự việc trên đây cũng được ông Huỳnh Văn Lang ghi lại trong Nhân Chứng Một Chế Độ, tập ba, nơi trang 151 như sau:
"Chế độ Ngô Đình Diệm theo như tôi biết không bao giờ có kỳ thị tôn giáo, không bao giờ bắt ép người vô đạo, không bao giờ chủ trương giết hại Phật Tử. Sau đây là một tỷ dụ mà các Thầy Thích Thiện Minh, Thích Thiện Hòa, Thích Quảng Liên có biết. Năm 1959, Tổng Thống Diệm có được giải thưởng Leadership Magsaysay, một ngân phiếu là 15.000 US, vì là có vấn đề hối đoái, nên đã hỏi tôi phải làm sao? Tôi đề nghị: Đặc biệt Viện Hối Đoái cho phép Tổng Thống mở một trương mục gọi là Compte Etranger ở Việt Nam Thương Tín hay Ngân Hàng nào khác cũng được, để khi nào Tổng Thống dùng hay chuyển cho ai cũng được, khỏi phải chuyển qua chuyển lại mất công giấy tờ lâu lắc và vô ích. Và sau đó Tổng Thống Diệm có cho tôi biết là đã gửi qua New Delhi, bảo ông Đỗ Vạn Lý đang làm Tổng Lãnh Sự, tìm thế gửi tặng Đức DaLai Lama Tây Tạng, đang tỵ nạn ở Ấn Độ. Cái nghĩa cử đó có chứng minh rằng ông Diệm không có kỳ thị tôn giáo chăng? Ngoài ra ông Diệm cũng đã có trợ giúp một hai Đại Đức đi tu học qua Gia Nã Đại, có thể Thầy Thích Quảng Liên biết rõ điều đó, tôi cũng biết, vì có vấn đề hối đoái hay là chuyển ngân".