Suốt trong vòng nửa tháng anh đi chơi bên ngoại, thăm bạn bè xa gần bên này và bên kia sông Bùng, thăm mấy cụ già trong làng nhất là các cụ đồ nho. Anh đến chơi nhà các dì, các cậu. Đến nhà ai anh cũng có quà hoặc một cái kẹo lạc hoặc vài chiếc kẹo bạc hà, hoặc dăm ba hào bạc… Phong cách tiếp xúc trò chuyện của anh hoàn toàn không có vẻ gì là một người đã từng chỉ huy quân đội, hình như anh mang nặng tâm lý một viên chức thời xưa về hưu. Có lẽ đúng hơn, anh nghĩ rằng mình là một sĩ quan về làng nghỉ ngơi sau một thời gian dài chinh chiến, trong đó có tâm lý một nhà nho xa lánh nơi bon chen ồn ào. Sau khi đã đi thăm hỏi những nơi cần thiết, hàng ngày anh ở nhà dọn dẹp đồ đạc, kê lại cái tủ chè, đóng lại cái giường, sắm thêm ít đồ tế khí đặt lên bàn thờ… Hồi sau cách mạng tháng Tám anh là một trong những người gương mẫu trong việc “thờ cúng tập thể” tại nhà thờ đại tôn thì nay anh lại là một trong những người đầu tiên lập lại bàn thờ riêng tại gia đình mình. Rồi anh cũng thắp hương cúng giỗ cúng tết. Ngày giỗ ông nội anh bàn với cha mẹ sắm cỗ mời chú bác sang dự, cũng uống rượu và kể lại chuyện từ thời xửa thời xưa mang khăn gói đến đất này lập nghiệp. Những bữa giỗ như vậy anh thích kéo dài tiệc rượu từ trưa cho đến nửa chiều, bà con ai về nhà nấy, anh ngủ một giấc rồi dậy đọc sách. Từ khi phục viên anh mua khá nhiều sách, toàn sách của các học giả thời trước như “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú… Đặc biệt anh dành nhiều thời gian để tu sửa mảnh vườn trước nhà. Trước kia hơn một sào vườn này quanh năm trồng rau cải, khoai lang… Bây giờ anh chỉ giành hai luống trồng rau. Tất cả đất còn lại anh trồng chanh, cam, quýt. Bốn góc trồng bốn cây hoè. Sáng nào anh cũng dậy sớm ra làm vườn chừng một tiếng đồng hồ rồi vào uống trà ngâm nga đôi ba câu Kiều. Dọc lối ngõ từ vườn vào đến sân, thuở sinh thời ông tôi trồng một hàng cau, lúc lên sáu lên bảy, chiều nào cũng vậy, khi vừa tắt nắng, chúng tôi thường trải chiếu ngồi giữa sân xem vợ chồng lũ quạ bay lượn và lót tổ trên ngọn cau. Sau ngày cướp chính quyền, người ta coi việc ăn trầu là lạc hậu, chỉ còn một số bà già nhai trầu bỏm bẻm, con gái thì bỏ hẳn, các bà trung niên đua nhau cạo răng trắng. Chính tay anh Hiền đã cầm dao chặt hàng cau, nay anh lại lên tận chợ Bộng, chợ Vẹo tìm mua cau con về trồng. Ngay trước sân, anh lấy đá ở lèn Hai Vai và tự tay xây hòn non bộ. Anh cất công chui vào hang tìm những hòn đá hình thù kỳ dị, chồng lên nhau, gắn lại bàng xi măng tạo nên một toà thiên nhiên nhỏ bé có suối chảy, có hang động, có cây cối rêu phong. Hầu như không bao giờ anh hài lòng với “công trình” của mình. Ngày nào anh cũng giành một ít thì giờ để hoàn chỉnh thêm. Lúc thì anh làm thêm cái cầu qua suối, lúc thì anh tạo hình một ông tiên buông cần câu… Anh chăm chút và bảo vệ cẩn thận như mười năm trước anh quý trọng giữ gìn cuốn sổ ảnh với những tấm hình mà anh tôn thờ. Nhưng anh không chỉ lo tôn sửa gian nhà, mảnh vườn. Anh còn chịu khó ra đồng làm việc cùng bà con nông dân. Ngày mùa anh cũng đi gặt.Vụ cày anh cũng đi cày.Vào thì bón phân cho khoai lúa anh cũng đi gánh phân... Bà con khen anh là chín năm cầm súng đánh giặc không quên công việc nhà nông. Thật ra làm những việc nặng nhọc ấy là quá sức anh. Chẳng qua anh muốn tỏ ra mình đã hoàn thành nhiệm vụ chín năm chinh chiến thì phải thực sự trở về với công việc đồng áng. Không phải như những người lính khác, trước khi nhập ngũ thì thực sự là nông dân; còn anh, trước khi cầm súng anh chỉ quen cầm bút. Lắm lúc nhìn anh lóng ngóng lội bùn tôi chạnh lòng thương. Có những buổi sáng mùa đông tôi dắt trâu đi trước, anh vác cày đi sau. Vừa đi anh vừa cuộn thuốc lá hút. Ra đến ruộng anh cũng cởi quần dài buộc quanh cổ giống như các bác lực điền, mắc ách lên vai trâu, rút hộp thuốc lá sợi xoè bật lửa ngậm trên môi, rồi mới cầm cày giục trâu bước. Chừng được mươi đường cày anh lại dừng trâu, hút điếu khác. Cứ thủng thẳng như vậy cho đến hết buổi. Anh tháo ách, rửa chân tay, ngậm một điếu thuốc, vác cày trở về. Anh cố tạo ra niềm vui trong công việc nặng nhọc. Anh bắt đầu nghiện thuốc lá từ khi mới gia nhập quân địa phương. Ngồi trò chuyện với bạn bè, cùng hút thuốc lá anh thấy khoái lắm. Phục viên về nhà, bạn tâm đắc ở xa, hễ có bác nông dân láng giềng sang chơi là thế nào anh cũng pha trà, cuộn hai điếu thuốc lá, đưa cho bác một điếu. Anh vừa hút vừa thích thú nhìn điếu thuốc cháy trên môi người đối diện… Những lúc rỗi rãi như vậy, tôi không để ý lắm đến việc anh hút thuốc. Nhưng lúc vác cày vác bừa mà anh ngậm điếu thuốc tôi lại chạnh lòng nhớ anh lúc ngồi trên lưng ngựa, ngậm thuốc lá, buông cương, ngựa thủng thẳng từng bước.