Vì sao Cu Tý "tè" ra lớp

Trong một truyện ngắn đăng trên báo Giáo Dục và Thời Đại viết về trẻ lớp 1 có một chi tiết thú vị. Để các cháu đỡ "bậy" ra lớp, ra quần, cô giáo phụ trách đã phải quy định là cháu nào "đại tiểu tiện" thì cứ việc tự do ra khỏi lớp, không cần phải xin phép gì cả. Tức là để tránh những thủ tục phiền hà làm cho trẻ sợ sệt, ngại ngần. Vậy mà cu Tí vẫn cứ tè bậy như thường. Thì ra cu cậu không hiểu nghĩa chữ "đại tiểu tiện" là gì.
Đọc chi tiết này, lại nhớ đến mẩu chuyện vui. Có một vị trưởng giả, không muốn dùng ngôn ngữ thường ngày mà ông cho là dung tục quê mùa, nên đã bắt người hầu phòng phải nói và nghe theo "ngôn ngữ" do chính ông cải biên, sáng tạo ra. Ví dụ: ngọn lửa thì gọi là Con gà trống có mào đỏ. Ông ta là ngài của tất cả các ngài; nước là cái ao trong xanh; cái rèm là áng mây mềm mại trước đầu ngọn gió... Thế là, bữa nọ, khi ông ta đang ngủ say thì bị người hầu phòng gõ cửa dồn dập. Anh ta vừa nghĩ vừa ấp úng nói: "Thưa ngài của... tất cả... các ngài... con gà trống... có... mào đỏ... đã... thè cái lưỡi thần kỳ liếm vào áng mây mềm mại trước đầu ngọn gió... Thưa ngài của tất cả các ngài... Con đã lấy cái ao trong xanh... nhưng...".
Khi anh hầu phòng nói hết câu và vị trưởng giả kia nghe thủng được câu chuyện thì ôi thôi, căn nhà của ông ta đã bị thiêu sạch sành sanh rồi.
Hai câu chuyện, hai đối tượng, hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều cùng chung là nạn nhân của những ngôn ngữ không phải là của mình...
Bài học này đâu phải chỉ dành cho cô giáo lớp 1 và vị trưởng giả xa lạ kia!