Khoảng tám giờ tối, Quý ròm khều nhỏ Diệp: - Diệp nè! - Gì thế anh? - Nhỏ Văn Châu ấy mà! - Giọng Quý ròm thủ thỉ. - Chị Văn Châu sao? - Tội nó ghê. Lối nói lấp lửng của ông anh khiến nhỏ Diệp không nén được tò mò. Nó liếm môi: - Chỉ sao mà tội? Quý ròm buông một câu não nuột: - Ngày mai có lẽ mình không gặp nó nữa! - Chỉ đi xa hả? - Ừ. - Chỉ đi đâu vậy? - Nhỏ Diệp tiếp tục hỏi dò. Giọng Quý ròm vẫn rầu rầu: - Nó đi xuống... âm phủ! - Cái gì? - Nhỏ Diệp giật thót - Anh nói đùa kiểu gì nghe ớn vậy! - Tao không đùa! - Quý ròm nghiêm giọng - Tối nay nhỏ Văn Châu phải một mình chống chọi với bọn cướp! - Eo ôi! - Nhỏ Diệp ôm lấy vai - Sao anh biết? - Sao lại không biết? - Quý ròm hừ mũi - Nhỏ Văn Châu vừa báo cho tụi tao hồi chiều. Cả tuần nay, đêm nào bọn cướp cũng rình rập quanh nhà nó. Thế là tối nay Văn Châu quyết định sẽ ra mặt! Nhỏ Diệp thấp thỏm: - Thế bọn cướp có đông không? Quý ròm nhìn lên trần nhà: - Ðông lắm! Cả chục tên là ít! Tên nào tên nấy đều cầm lăm lăm dao găm, mã tấu trên tay! Chúng chặt trúng một phát thì mình coi như đầu lìa khỏi cổ! - Thế thì chị Văn Châu chết mất! - Nghe ông anh "hù dọa" một hồi, nhỏ Diệp tái mặt kêu lên. - Thì chết chứ sao! - Quý ròm cố cắn chặt môi - Cho nên tao mới bảo là ngày mai trở đi mình sẽ không gặp nó nữa! Nhỏ Diệp áp tay lên ngực: - Thế chị Văn Châu chắc chắn sẽ không thoát được sao? - Thoát thế quái nào được! - Quý ròm cười mũi - Một mình địch lại chừng ấy tên cướp cầm như chết chắc! Lần thứ hai, Quý ròm cố tình nhấn mạnh chữ "một mình". Lần trước nhỏ Diệp không để ý, nhưng lần này thì nó nghe ra. Nó chớp mắt nhìn ông anh: - Thế sao bọn anh không giúp chỉ một tay? Thấy nhỏ em bắt đầu rơi vào bẫy của mình, Quý ròm như mở cờ trong bụng. Nhưng ngoài mặt nó vẫn làm bộ bất lực: - Tụi tao muốn giúp cũng chẳng giúp được! Mười giờ đêm bọn cướp mới tới. Mà giờ đó thì tao, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đâu có ai ra khỏi nhà được! - Gay thật! - Nhỏ Diệp nói, vẻ lo lắng. - Ừ, gay thật đấy! - Quý ròm liền hùa theo. Nhỏ Diệp chợt sáng mắt lên: - À, phải rồi! Mình gọi điện thoại báo cho công an! Công am mà ra tay, bọn cướp sẽ bị tóm ngay tắp lự! Quý ròm hoàn toàn bất ngờ trước đề nghị của nhỏ Diệp. Nó không ngờ câu chuyện lại xoay ra như thế. Loay hoay một lúc, nó mới nghĩ ra cách gỡ bí: - Tụi tao đã báo công an rồi! Họ bảo tối mốt họ sẽ tới. Nhưng nhỏ Văn Châu lại nôn nóng muốn giải quyết bọn cướp ngay tối nay! Thế mới rắc rối! - Chậc! Nếu thế thì nguy quá! Nhỏ Diệp tặc lưỡi lo âu, nó chẳng mảy may nghi ngờ gì về những lời bốc phét của Quý ròm. Nếu nhỏ Diệp biết công an chả bao giờ có cái tác phong lề mề, hẹn lần hẹn lựa như Quý ròm mô tả thì nó không đến nỗi phập phồng đến thế. Quý ròm kín đáo liếc nhỏ Diệp. Thấy cô em gái bồn chồn đi tới đi lui, hay tay bóp trán, nó mừng rơn, liền thở dài ra vẻ bất đắc dĩ: - Thực ra thì cũng có một cách cứu nhỏ Văn Châu. - Cách gì? - Nhỏ Diệp trúng kế ngay. - Tao phải đến đó! - Quý ròm nói nhanh. - Không được đâu! - Nhỏ Diệp lắc đầu - Ba mẹ chẳng đời nào cho anh đi ra đường một mình vào giờ đó! Quý ròm hấp háy mắt: - Tao lén tao đi, ba mẹ sẽ không biết đâu! - Anh đi lén? - Nhỏ Diệp sửng sốt. - Ừ. - Nhưng làm sao anh có thể lén ra khỏi nhà được? Nếu lén ra được thì anh cũng không thể trở vào được! - Ðược, nếu mày giúp tao! - Em giúp? - Nhỏ Diệp kêu lên, giọng sợ hãi - Eo ôi, em không dám đâu! Ba mẹ hoặc anh Vũ biết thì chết! - Chả ai biết đâu! - Quý ròm trấn an em - Khoảng chín giờ, tao sẽ lẳng lặng chuồn ra khỏi nhà. Mày lấy chiếc gối ôm đặt lên giường tao rồi lấy mền đắp kín lại, ai hỏi thì mày cứ bảo là tao ngủ rồi. Ðợi đến khoảng mười một giờ, mày sè sẹ ra trước sân mở cổng cho tao vào! Nhỏ Diệp cắn môi nghĩ ngợi, nó có vẻ do dự trước kế hoạch liều lĩnh của ông anh. Thấy vậy, Quý ròm hắng giọng "bồi" luôn: - Tối nay nhỏ Văn Châu sống hay chết là hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của mày đấy! - Thôi, được rồi! - Cuối cùng, nhỏ Diệp thở ra - Em sẽ làm theo lời anh. Nhưng... nhưng... - Nhưng sao? - Quý ròm hồi hộp - Có gì cứ nói đại ra, làm gì mày ngắc nga ngắc ngứ vậy? Nhỏ Diệp gãi má, rụt rè: - Nhưng em vẫn không hiểu anh sẽ làm thế nào để giúp chị Văn Châu! Chị Văn Châu võ nghệ đầy mình còn khó bề địch nổi bọn cướp, ốm nhom như anh ăn thua gì! Giọng lưỡi chê bai của nhỏ em làm Quý ròm tức điên. Nó ưỡn ngực, định khoe khoang "thế võ Oshin" của mình nhưng rồi sực nhớ nhỏ Diệp từng tận mắt chứng kiến cảnh Văn Châu quật nó nằm thẳng cẳng bữa trước, Quý ròm hết ham khoe mẽ. Nó bèn khỏa lấp: - Mày ngốc quá! Thắng bại trên "chiến trường" chủ yếu là dựa vào mưu trí chứ đâu phải cậy vào sức lực! - Mưu trí? - Chứ sao! Nhỏ Diệp vẫn chưa an tâm: - Thế anh có mưu trí gì? - Tao hả? - Quý ròm gãi gáy - Mưu trí của tao thì nhiều lắm! Chẳng hạn lát nữa, khi bọn cướp kéo tới, tao sẽ... la làng! Nhỏ Diệp cười hích hích: - La làng mà la mưu trí! - Mày chả biết cóc khô gì cả! - Quý ròm sầm mặt - Nghe tao kêu cứu, thế nào các đội dân phòng lảng vảng gần đó và các xe công an tuần tra cũng sẽ ập tới! Thế là bọn cướp bị tóm cổ, Văn Châu sẽ... thoát chết! Viễn ảnh ông anh vẽ ra sáng sủa đến mức nhỏ Diệp không buồn vặn vẹo nữa. Nó ngoan ngoãn gật đầu: - Vậy thôi, anh đi đi! Chỉ đợi có vậy, Quý ròm lấm lét dòm quanh và rón rén bước ra cửa. Trước khi quay đi, nó còn cẩn thận dặn: - Lúc ra cổng đón tao, mày nhớ phải hành động thật khẽ, kẻo bà biết! Ai chứ bà là tỉnh ngủ lắm đấy! Văn Châu đón Quý ròm ngay góc hàng rào phía ngoài: - Mình nấp ở đây! - Không được! - Quý ròm phản đối - Nhỡ thủ phạm đến từ phía này, mình sẽ bị phát hiện ngay! - Thế phải nấp ở đâu? Quý ròm chỉ tay qua bên kia đường: - Mình qua bên kia! Nấp sau trụ đèn ấy! Hai đứa vội vàng băng qua đường, ngồi thu lu sau cột đèn. Nhưng lâu thật lâu vẫn chẳng có ai xuất hiện. Chỉ có những chiếc ba gác máy thỉnh thoảng chạy qua, phả khói mù mịt. Quý ròm bị muỗi đốt ba, bốn phát không dám đưa tay đập, sốt ruột càu nhàu: - Có chắc đêm nay "hắn" sẽ tới không? - Chắc chứ! - Sao lâu quá vậy? - Chờ thêm tí nữa đi! "Con mèo" sắp ra rồi. Quý ròm thở dài: - Chỉ mong đó là con mèo thật để khỏi rắc rối! Quý ròm vừa dứt câu, từ đầu đường đã có năm, sáu bóng người lừ lừ tiến lại. Tướng tá người nào người nấy to lớn, đi đứng khệnh khạng. Bỏ xừ rồi! Chẳng lẽ là bọn cướp thật! Nhớ đến những lời mình vừa dọa nhỏ Diệp, Quý ròm bỗng nghe lạnh toát sống lưng. Người nó bất giác run lên. Bị đầu gối của Quý ròm chạm vào lưng, Văn Châu ngạc nhiên quay lại: - Làm gì mà bạn run dữ vậy? - Lạnh quá! - Quý ròm chối biến - Trời khuya lạnh quá! Văn Châu tỏ vẻ thương hại cho cái thân hình còm nhom của bạn: - Cố một tí đi! Quen rồi, sẽ hết thấy lạnh! Quả nhiên, ngồi thêm một lát, Quý ròm hết thấy lạnh thật! Nhưng chẳng phải do nó "cố" hay do nó "quen". Chính hành tung của những bóng người trước mắt đã làm thay đổi "nhiệt độ" trong người nó. Những bóng đen đó không dừng lại ở cổng nhà ông Văn Châu mà thản nhiên lướt qua luôn. Khi họ đi ngang qua trước mặt, Quý ròm mới nhìn rõ đó là bọn đệ tử của Lưu Linh. Họ ngất ngưỡng bá vai nhau, chân nam đá chân xiêu, người tỏa ra nồng nặc mùi rượu. - Hú vía, thế mà mình cứ tưởng! Quý ròm thở pào và quyết định "ăn mừng tai qua nạn khỏi: bằng cách cho phép mình thò tay ra sau mông đập muỗi. Nhưng khi bàn tay Quý ròm đập xuống, con muỗi đã chuồn mất. Còn bàn tay nó thì đột nhiên cứng đơ. Ngay trước cổng nhà ông Văn Châu tự bao giờ đã nhô lên một bóng người nhỏ thó. Dưới ánh sáng mờ mờ, vàng đục của những ngọn đèn đường từ xa hắt lại, bóng người bí mật nọ nom xám xịt. Tim đập thình thịch, Quý ròm dán chặt mắt vào cánh cổng, cùi tay khẽ đụng vào lưng bạn. Văn Châu thì thào, không ngoảnh đầu lại: - Tôi thấy rồi! Ðằng kia, "thủ phạm" không biết mình đã rơi vào "tầm ngắm" của Văn Châu và Quý ròm. Hắn dáo dác nhìn quanh hai, ba lượt và khi không phát giác ra điều gì khả nghi, hắn liền đưa hai tay lên miệng. Ngay lập tức, những tiếng "meo meo" vang lên giữa đêm tối. Nhớ lại chuyện hôm qua, Văn Châu rít qua kẽ răng: - Hóa ra mình đã bị hắn lừa! Hừ! Văn Châu lẩm bẩm với chính mình nhưng Quý ròm vẫn nghe thấy. Nó khẽ lên tiếng an ủi bạn: - Hắn giả tiếng mèo giống hệt thế kia bố ai mà chẳng nhầm! Một lát sau, đúng như dự liệu của bọn trẻ, một bóng người từ trong chậm chạp tiến ra. Dù không trông rõ mày mặt, bọn trẻ vẫn biết ngay người đó là ông của Văn Châu. Những diễn biến tiếp theo giống hệt như những gì Văn Châu nhìn thấy tối qua. Ông bước sát đến cổng, đưa tay sờ soạng cánh cửa sắt, nói khẽ gì đó với người đứng bên ngoài rồi cúi xuống đặt cái gà mên đựng cơm và thức ăn xuống đất. Tất nhiên hôm qua Văn Châu không trông rõ cái gà mên cũng như không biết ông có nói chuyện với "con mèo" bên ngoài cổng. Nhưng hôm nay, quan sát từ lề đường đối diện, nó trông rõ mồn một. Bóng người bên ngoài ngồi thụp xuống, nép người vào bụi dâm bụt rậm rạp bên mép cổng và thò tay nhấc lấy cái gà mên, hối hả trút cơm và thức ăn vào chiếc túi ni-lông mang theo. Xong, hắn trả cái gà mên lại chỗ cũ cho ông cầm vào. Những hình ảnh trước mắt khiến Văn Châu bần thần. Mặc dù Quý ròm và nhỏ Hạnh đã tiên đoán từ trước, khi sự việc xảy ra, nó vẫn cảm thấy bất ngờ. Hàng loạt những câu hỏi nảy ra trong cái đầu óc đơn giản của nó khiến nó cảm thấy mọi thứ đột nhiên rối tung. Nó ngoảnh cổ ra sau, xao xuyến hỏi: - Mình có cần chạy ra bắt quả tang không? Quý ròm không phải là người trong cuộc, nó tỉnh táo hơn Văn Châu. Hơn nữa, nó đã từng cùng với Tiểu Long, và nhỏ Hạnh tham gia nhiều "vụ án", từ chuyện khám phá những bí mật quanh bài thơ kỳ quặc trên vách chùa Phật nằm đến việc điều tra xem Văn Châu là... con trai hay con gái, nên với những chuyện như thế này dù sao nó cũng có "kinh nghiệm" hơn cô bạn "non nớt" của mình. - Cứ ngồi im! Ðừng làm ông hoảng sợ! - Quý ròm suỵt khẽ - Ðây đâu phải là chuyện trộm cướp mà cần bắt quả tang! - Chẳng lẽ mình ngồi hoài ở đây? - Văn Châu lại ngớ ngẩn hỏi, đầu óc nó vẫn chưa hết choáng váng. - Mình sẽ theo dõi tên kia! - Quý ròm hắng giọng phán, từ khi phát hiện "bọn cướp" chỉ là một tên lóc chóc, nom còn ốm yếu hơn mình, Quý ròm bỗng "oai vệ" hẳn lên - Ðợi nó rời khỏi cổng, mình sẽ âm thầm bám theo! Nghe vậy, Văn Châu không hỏi nữa. Nó quay đầu lại và ngồi im giương mắt theo dõi nhất cử nhất động của "đối phương". Nhân vật bí mật nọ hành động rất nhanh. Nhoáng một cái, hắn đã trút xong mọi thứ vào túi của mình và hấp tấp rời khỏi chỗ nấp chạy vụt về phía cuối đường. Sợ bị lộ hành tung, đợi hắn đi một quãng khá xa, Văn Châu và Quý ròm mới lặng lẽ đuổi theo. Ðối thủ vừa đi vừa chạy lúp xúp, tốc độ không nhanh lắm nhưng vì ban đêm đường xá vắng vẻ, Quý ròm và Văn Châu không dám theo sát. Chúng vừa men theo bóng tối của các hàng hiên vừa căng mắt nhìn, lòng nơm nớp cứ sợ mất dấu đối phương. Quẹo tới cua đường thứ ba, đang đi Quý ròm đột nhiên cảm thấy có một vật gì đó chạm mạnh vào cẳng chân. Thần hồn nát thần tính, nó hoảng hốt nhảy cẫng lên, miệng hét tướng quên cả cảnh giác: - Bỏ xừ rồi! Coi chừng phía sau! Văn Châu phản xạ nhanh như chớp. Nó quay phắt người lại, co tay thủ thế. Nhưng rồi nó thõng tay xuống ngay, mặt thộn ra: - Có gì phía sau đâu! Quý ròm vẫn chưa hết hoảng sợ: - Hình như vừa rồi có ai gạt chân tôi! Vừa nói nó vừa nhìn xuống đất: - Ủa, mày đấy hả, Tai To? Văn Châu cũng vừa nhìn thấy con chó: - Con cún này là của nhà Hạnh mà! Sao nó lại ra đây? Thấy Quý ròm và Văn Châu nhận ra mình, con Tai To rít lên mừng rỡ, đuôi vẫy lia lịa. Hóa ra nãy giờ nó vẫn âm thầm chạy theo sau hai đứa trẻ. - Chủ mày đâu? Quý ròm bỗng hỏi, và nó nghi hoặc đảo mắt dáo dác dòm quanh. Chẳng lẽ nhỏ Hạnh lại có thể ra ngoài vào giờ này? Như để trả lời Quý ròm, một bóng người từ từ nhô đầu ra đằng sau gốc me cổ thụ ven đường. Hóa ra không phải nhỏ Hạnh, mà là thằng Tùng. - Trời đất! - Quý ròm sửng sốt - Em ra đây hồi nào vậy? - Em đi theo anh từ nãy! Hồi chiều nghe anh hẹn với chị Văn Châu, thế là em quyết định... tới xem! - Tùng ấp úng đáp. Quý ròm tròn mắt: - Khi nãy em nấp ở đâu sao tụi anh không thấy? - Em nấp chỗ cột đèn kế cột đèn anh với chị Văn Châu nấp! Câu trả lời của thằng Tùng khiến Quý ròm dở khóc dở cười. Nó chợt nhớ đến chuyện con chim và người thợ săn. Con chim rình bắt con ve, không biết người thợ săn đang rình bắn nó, trong lúc đó người thợ săn lại chẳng hay có một con cọp đang nấp trong bụi cây chuẩn bị vồ mình. Cũng may thằng Tùng không phải là người thợ săn hay con cọp. Quý ròm lom lom vào mặt Tùng: - Em ra đây ở nhà có ai biết không? - Không. Quý ròm giật thót: - Ngay cả chị Hạnh cũng không biết? - Dạ không! - Tùng nuốt nước bọt - Em lẻn ra một mình! Lời thú nhận của thằng oắt làm Quý ròm tá hỏa. Mặt nó méo xẹo: - Thế này thì chết mất! Ba mẹ em mà biết thì em chỉ có tét đít! - Ba mẹ em không biết đâu! - Giọng Tùng tự tin - Lúc ra khỏi nhà, em bấm ổ khóa bên ngoài. Lát nữa em sẽ tự mở cửa sè sẹ đi vô! Rồi nó hớn hở khoe: - Em có đem theo chìa khóa đây nè! Thấy Tùng thọc tay vào túi định rút xâu chìa khóa ra để "minh họa", Quý ròm lật đật xua tay: - Thôi, thôi, khỏi! Rồi nó quay sang Văn Châu mãy giờ vẫn đứng trố mắt bên cạnh: - Giờ tính sao Văn Châu? Có nên cho nó đi theo không? Nghe Quý ròm hỏi vậy, Tùng giãy nãy: - Cho em đi theo với! Cho em theo với! - Thôi, được rồi! - Văn Châu cười - Ðã lỡ đi theo tới đây thì đi luôn! Nhưng nhớ phải tuyệt đối giữ im lặng và nhất là không được tự tiện làm bất cứ chuyện gì đấy! - Dạ, dạ, được mà! - Tùng rối rít - Em sẽ chẳng làm gì đâu! Em chỉ đứng xem thôi! Cái thằng! Mình đi truy tìm sào huyệt "bọn cướp" mà nó cứ làm như mình đi biểu diễn ca nhạc không bằng! Xem với lại xiếc, đúng là trẻ con! Quý ròm nhủ bụng và hừ giọng nói thêm: - Nhưng nhớ lần này là lần cuối cùng đấy nhé! Lần sau đi đâu phải được đồng ý của ba mẹ đàng hoàng, nếu không bọn anh sẽ không cho em đi theo đâu đấy! Nói xong, Quý ròm bỗng khụt khịt mũi, ngó lơ chỗ khác. Nó sực nhớ tối nay nó lẻn ra đây cũng chẳng hề được "ba mẹ đồng ý" tẹo nào cả. - Ối! - Ðang ngượng ngùng quay mặt đi, Quý ròm bỗng tái mặt kêu lên - Tên kia biến đi đâu rồi? Văn Châu cũng vừa kịp nhận ra sự biến mất đột ngột của đối phương. - Bỏ xừ rồi! Kiểu này thì công toi! - Mình ầm ĩ cứ như họp chợ thế này, chắc hắn đã trốn từ đời tám hoánh! - Quý ròm than thở, giọng xuôi xị. - Ðừng lo! - Tùng bình tĩnh chen lời - Mình còn có con Tai To đây mà sợ gì! Nói xong, nó ngồi thụp xuống vỗ vỗ lên lưng Tai To: - Tai To! Tên khi nãy đi đường nào rồi, mày tìm xem! Nãy giờ lẩn quẩn mãi một chỗ với cậu chủ nhỏ, có lẽ Tai To nóng ruột và chồn chân lắm. Nên Tùng vừa ra lệnh chưa dứt câu, nó đã phóng vọt lên trước, hăm hở dẫn đường. Bọn trẻ lập tức đi theo. Tai To dẫn bọn trẻ đi lâu thật lâu, quanh quanh quẹo quẹo. Nhưng bóng dáng đối phương vẫn bặt vô tăm tích. Ði một hồi, vừa mỏi chân vừa sốt ruột, Quý ròm quay sang Tùng: - Mũi con Tai To có thính không vậy hở Tùng? - Anh yên chí! Nó không bao giờ... Ðang nói, mặt Tùng bỗng dưng nghệt ra. - Em sao vậy? Hỏi xong, mặt Quý ròm cũng liền nghệt ra theo. Nó vừa kịp nhận ra con đường mà tụi nó đang đi là con đường dẫn về nhà Tùng. Mãi một lúc, Quý ròm mới mở miệng được: - Thế này là thế nào hở Tùng? - Em cũng chẳng biết! - Tùng vẫn chưa hết bàng hoàng. Văn Châu ngập ngừng nhìn Tùng: - Hay là Tai to không hiểu mệnh lệnh của em? Tùng không trả lời câu hỏi của Văn Châu. Mà ngoác miệng gọi: - Tai To! Lại đây bảo nào! Ðang mê mải dò tìm, nghe gọi, Tai To hơi có vẻ bực mình nhưng nó vẫn co giò phóng lại. Tùng ôm lấy cổ chú cún: - Tao bảo mày theo dấu "kẻ địch", sao mày lại dẫn về nhà? Mày có khùng không vậy? Tai To cựa quậy trong tay Tùng như muốn vùng ra, nhưng rồi không thoát được, nó chồm lên thè lưỡi liếm mặt cậu chủ ra vẻ muốn nói ta đây chẳng khùng một chút nào, mau thả ta ra đi. Rốt cuộc chẳng biết làm gì. Tùng đành thả Tai To ra. Vừa thoát khỏi tay chủ, Tai To phóng vèo vèo lại chỗ cũ, rồi vừa chúi mũi đánh hơi nó vừa ngoái đầu lại chỗ bọn trẻ đứng, kêu lên rin rít vẻ nóng nảy. - Nó giục mình đấy! - Tùng tặc lưỡi - Kệ, cứ theo nó một đoạn nữa xem sao! Văn Châu và Quý ròm chẳng còn cách nào hơn là tiếp tục lẽo đẽo đi theo Tai To, lòng cầu mong cho nó đừng rẽ ngoặt vào cầu thang dẫn lên nhà nhỏ Hạnh. Tai To không quẹo về nhà thật. Bọn trẻ mừng quýnh khi thấy lúc đi ngang qua nhà, Tai To vẫn phớt lờ, thản nhiên đi tiếp. Quý ròm thở phào: - Như vậy tên khi nãy đích thị chạy ngang qua đây! - Thấy chưa! - Tùng được kịp khoe khoang - Em đã bảo con Tai To thính mũi số dách mà anh không tin! Quý ròm vừa rồi đâu có bảo là không tin, nhưng nó chẳng buồn cãi. Thấy Tai To không để mất dấu đối phương là nó mừng rồi. Ði khỏi nhà nhỏ Hạnh một quãng, Tai To bất thần quẹo trái. Quý ròm kêu khẽ: - Nó đi về phía kinh Tàu Hủ! Quả thật, một lát sau bọn trẻ đã ở bên bờ kinh, trong gió đã thoang thoảng mùi bùn. Tai To vẫn cắm đầu lầm lì đi miết. Nó kiên trì rảo dọc theo dãy nhà chông chênh ken dày sát mép nước. Trong khi bọn trẻ đang lo âu tự hỏi không biết Tai To có nổi hứng dẫn bọn nó đi lang thang ngoài đường cho đến tận sáng hay không thì Tai To đột ngột dừng chân trước một chiếc "cầu ván" thấp lè tè gồm những tấm gỗ dài bắt hờ hững trên những chiếc cọc nhô lên từ dưới dòng nước đen sì, đặc quánh. Sau khi quay lại như tỏ ý bảo bọn trẻ đi theo, Tai To thận trọng đặt chân lên "cầu". Cầu có nhiều nhánh, de ngang rẽ dọc. Nhưng Tai To đã có chủ định. Nó cứ phăm phăm đi thẳng tới căn nhà nhỏ nằm phía trái. Gọi căn nhà này là căn lều thì đúng hơn! Nó nhỏ tí, cũ kỹ và xiêu vẹo. Mái tôn thủng lỗ chỗ, phải bọc ngoài bằng giấy dầu, còn những tấm phên đan thì mốc meo, thưa rỉnh thưa rẻo, gió luồn vào thông thốc. Tùng suỵt khẽ ra hiệu cho Tai To im lặng rồi bước lại cạnh Văn Châu và Quý ròm nheo mắt nhìn qua kẽ phên hở. Trong nhà chẳng có đồ đạc gì nhiều nhưng chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ nấu nướng đều dồn vào một nơi nên nom vẫn rất chật chội. Trên chiếc chõng tre ọp ẹp, một con nhỏ khoảng tám, chín tuổi đang ngồi tựa lưng vào vách, mặt mày buồn thiu, xanh mét như vừa ốm dậy. Một thằng bé lớn hơn nó vài ba tuổi, có lẽ là anh nó, ngồi mé bên mép giường, một tay bưng cây đèn hột vịt, tay kia chìa tô cơm đến trước mặt nó, âu yếm nói: - Em ăn đi! Hôm nay có thức ăn ngon lắm! - Anh lại gặp ông nữa ư? - Ðôi mắt con bé vụt long lanh. Thằng nhóc gật đầu: - Ừ. Ông tốt bụng lắm! Ông giống hệt như ông Bụt mình vẫn nghe kể! Ông thích giúp đỡ những người nghèo khổ! Mặt con bé lộ vẻ bâng khuâng: - Thế ông sẽ giúp anh em ta đến bao giờ? - Ðến chừng nào em khỏe hẳn! Lúc đó anh lại đi làm để nuôi em! Rồi sợ nhỏ em nghĩ vẩn vơ, thằng anh ấn tô cơm vào tay em: - Em ăn đi rồi đi ngủ! - Thế còn anh? - Anh ăn rồi! Thằng nhóc vừa đáp vừa quay mặt đi chỗ khác. Con bé không hỏi nữa, nó lặng lẽ và cơm. Nhưng con bé không ăn được nhiều, cũng có thể nó chẳng buồn ăn. Ăn khoảng được lưng chén cơm, nó đặt chiếc tô xuống chõng: - Em không ăn nữa đâu! Thằng anh cúi nhìn tô cơm còn đầy, năn nỉ bằng giọng dịu dàng: - Em ráng ăn nhiều thêm một tí nữa đi! Ăn như mèo thế kia bao giờ em mới khỏe lại được! Con bé vẫn uể oải lắc đầu. Thằng anh nhìn đăm đăm vào mặt em một hồi rồi khẽ chép miệng: - Ăn đi em! Nếu em cố ăn, anh sẽ tìm cho bằng được Út Cưng về cho em! Nghe nhắc đến Út Cưng, con bé bỗng vùng vằng. Mặt nó xịu xuống" - Anh phải tìm Út Cưng về trước! Nhìn thấy Út Cưng là em khỏe lại liền! - Em yên tâm! Ông đã hứa tìm giúp anh em ta rồi! Chẳng bao lâu nữa Út Cưng sẽ trở về! Thằng anh vội vã đáp và lần này nó quay mặt về phía bức vách bọn trẻ đang nấp. Mặt nó trông dàu dàu đến tội. Bọn trẻ còn nghe nó buông một tiếng thở dài. Tùng không nén được cảm xúc, nó khều Quý ròm: - Tội nghiệp anh em nó quá anh ạ! - Ừ. - Chắc là em tụi nó đi lạc! Quý ròm lại "ừ". Nó cũng cảm thấy bùi ngùi không kém. Ngần ngừ một lát, nó quay sang Văn Châu: - Giờ tính sao? - Theo bạn thì sao? - Văn Châu bối rối hỏi lại. - Bạn nói ý bạn trước đi! - Quý ròm mỉm cười - Bạn là cháu nội của Bụt mà lại! Văn Châu cũng cười. Và quyết định: - Mình cứ gặp thằng bé rồi hẳng hay! Văn Châu vừa nói xong, Quý ròm chưa kịp có ý kiến, thằng Tùng đã láu táu đưa tay gõ bồm bộp vào vách.