Con dại, hay…?

Sách xưa chép rằng: “Quý Kiệt là con của Quý Đôn. Vào kỳ đệ tứ (chú thích: tức kỳ làm bài thi thứ tư, kỳ cuối cùng của khoa thi Hội), Quý Kiệt và Đinh Thì Trung đổi quyển thi cho nhau, việc bị bại lộ, Đinh Thì Trung bị khép tội đày đi Yên Quảng, còn Quý Kiệt phải về làm dân thường.
Đinh Thì Trung phát giác ra bức thư gửi gắm của Lê Quý Đôn ở Lê Quý Kiệt, nhưng chúa Trịnh Sâm lấy cớ rằng Lê Quý Đôn là bậc huân thần, bỏ đi không xét, chỉ luận thêm tội cho Quý Kiệt, bắt giam trong ngục cấm ở cửa Đông”. (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, quyển 44, tờ 27 và 28).
Chuyện này xảy ra từ khoa thi Hội, tháng mười năm Ất Mùi (1775). Xem ra Lê Quý Đôn phải trả giá đắt bằng uy tín của mình. Chính các sử gia nhà Nguyễn đã phê: “Hai người cùng một tội mà sao lại xử phạt khác nhau? Như vậy, gọi đó là công bằng thỏa đáng thế nào được?”.
Cho nên, Thủ tướng nước Anh hôm kia đã phải nói: “Làm thủ tướng đã khó, và làm cha có lẽ còn khó hơn”. Ngày 6-7-2000, ngài Tony Blair đã phải xin lỗi trước chính phủ về chuyện cậu con cả 16 tuổi đã “xỉn” ngoài đường phố, chỉ vài ngày sau khi ông tuyên bố cần phạt mạnh những kẻ say rượu. Dù sao, thái độ của ông đã đáng được xem trọng: “Tôi không hề xin chiếu cố đặc biệt gì cho nó”.
“Con dại, cái mang” đó cũng là lẽ thường tình của chuyện nhân sinh. Nhưng trong nhiều trường hợp, cái dại của con cái lại bắt đầu từ cách nghĩ, cách sống của các bậc phụ mẫu.
Cô hiệu trưởng Trường Măng Non X quận Y kể: sau khi nhà trường công bố kết quả xếp loại cuối năm, có một chị cán bộ doanh nghiệp nhà nước hùng hổ chạy vào phòng hiệu trưởng mà chất vấn rằng: “Con của lính tôi được bé khỏe bé ngoan cấp TP, còn con trai tôi tại sao không được?”. Cô cười buồn mà bảo: “Tôi ngạc nhiên và bất ngờ. Thú thật lúc đó cũng chẳng biết trả lời làm sao. Bởi sự học nào có cần biết đến tiêu chuẩn con sếp hay con lính!”. Tại một trường tiểu học bán trú dịp đầu năm, có sếp một phòng ban cấp quận chặn đường thầy hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất, bày tỏ với thái độ quyết liệt: “Con tôi như vầy không thể ăn bát nhựa, không thể ngồi phòng quạt máy như con người ta! Thầy cần bao nhiêu tiền, tôi sẵn sàng đóng góp!”. Rồi anh làm cái động tác xùy tiền ra với dáng vẻ của bậc trưởng giả.
Không cần phải bàn thêm về những hành động thiếu văn hóa kể trên. Chuyện nhãn tiền là tội ác của một số cậu ấm cô chiêu đã gây ra cho gia đình và cho xã hội hôm nay người lớn không thể bịt mắt che tai làm ngơ cho được.
Trong một tiệc cưới, sau khi nghe các vị làm cha làm mẹ ngồi cùng bàn giới thiệu về thành tích và tài năng của con cái, có anh cán bộ quận ủy giận dữ vì xấu hổ đã lôi con mình ra một góc mà quát mắng. Anh mắng con rằng: “Người ta là con dân mà học hành đến thế, còn mày là con nhà lãnh đạo, sao mà dốt nát quá vậy?”. Hình như trong anh và trong một số người như anh tồn tại một chân lý: “Con quan đương nhiên hơn con dân”. Kiểu tư duy ấy dĩ nhiên bộc lộ một thứ văn hóa cá nhân. Nhưng sự tồn tại của lối nghĩ ấy lại có cơ sở xã hội - khi mà chức vụ được xem trọng hơn hiệu quả công việc, và địa vị xã hội đứng trên năng lực cá nhân.
Ai mà không muốn con mình thành đạt. Nhưng “đầu tư” cho nhau kiểu ấy, thương nhau kiểu ấy thì... bằng mười giết nhau. Nguyên do, có khi không phải vì con dại, mà là...
DUYÊN TRƯỜNG