Bây giờ thì chính trị viên Thuận đã chính thức trở thành ông bố vợ của cả hòn đảo. Cánh lính trẻ đều đồng loạt gọi anh bằng bố. Chỉ có Tư Xồm thi thoảng - vào những lúc tỉnh táo nhất - có tính toán chi li hạ anh xuống một bậc thành anh phó bố vợ. Bởi lẽ tiểu thư công nương Mộng Tương hiện giờ vẫn còn đang ở cái tuổi đái dầm. Nhưng cánh lính gọi anh bằng bố quen rồi. Cứ nhí nháu thế lại vui, lại gần gụi, ấm áp như trong một gia đình. ở xứ đảo chìm mà không bố bố con con thì hoang lạnh quá, man di mọi rợ quá, còn biết lấy gì ra làm văn vẻ. Thế là chính trị viên Thuận nghiễm nhiên trở thành ông bố, mặc dù nếu tính tuổi quân, anh còn thua cả cậu lính trẻ nhất đảo có bộ râu quai nón mà đám lính ở đây vẫn quen gọi là Tư Xồm. Thuận mới nhập ngũ đầu năm 1979. ấy là năm chiến tranh biên giới nổ ra ở cả hai đầu đất nước. Nhiều người lính đã phục viên, giờ lại tái ngũ. Thuận không phải lính cũ. Anh chuyển sang quân đội trong một đợt tổng động viên. Suốt những năm chống Mỹ, anh là thuyền trưởng tàu đánh cá Hạ Long. Bao nhiêu năm trời vật lộn với sóng gió, Thuận quen từng luồng lạch trên biển, thông thạo đến mức chỉ cần nhìn mây, anh biết được thời tiết nắng gió, ngửi mùi nước bốc lên vào lúc tinh mơ là phán đoán được luồng cá đi trong ngày. Một mình Thuận đã thành một cái Đài khí tượng di động. Khi người ta hiểu được biển cả thì biển cả không còn là nỗi bí hiểm đe doạ nữa. Đối với Thuận, dường như chẳng có gì bất ngờ. Mọi việc xảy ra đều đã được báo trước, đã treo sẵn trong trời mây, sóng nước kia rồi. Chỉ con người kiêu ngạo và lười nhác không thèm để ý đến thiên nhiên nên mới không biết mà thôi.Thuận rất mừng khi vào quân đội, anh lại được về Bộ tư lệnh Hải quân, lại trở lại con tàu, ra canh giữ một hòn đảo nhỏ, Thế là người của biển vẫn không rời xa biển. Suốt một tháng ròng nằm chờ ở nhà khách Bộ tư lệnh, Thuận lần xuống thư viện, tìm những cuốn sách, những bài báo viết về Trường Sa để nghiên cứu, tìm hiểu. Anh biết Trường Sa là vùng đảo cát hoang dã. Thiên nhiên rất dữ dằn. Cát Trường Sa cũng rất đặc biệt. Nó chính là đá san hô tan ra. Bởi vậy, cát mặn và sắc. Dường như không cây nào chịu được. Ngay cả dừa và phi lao, từng quen với gió mặn, vậy mà đến Trường Sa cũng lụi dần, rồi cháy táp, đến nỗi có cảm giác chỉ cần đánh rơi một đốm tàn thuốc là chúng có thể cháy bùng lên thành những ngọn đuốc lớn. ở quần đảo bão tố này, chỉ có hai loại cây còn lay lắt sống được. Thực chất đó là loài cây dại mà lính gọi là cây Phong ba và cây Bàng quả vuông. Nhưng chả lẽ Trường Sa lại chỉ có thế thôi ư? Người ta có thể cải tạo được thiên nhiên không? Cứ có đất là sẽ có tất cả. Thuận cho khuân xuống tàu, mang ra đảo mấy chục bao đất, một cân hạt rau và một con lợn đã có chửa sẵn. Với số đất ấy, trộn với cát và phân lợn, anh có thể nuôi được mấy vạt rau. Rồi trong tương lai, Trường Sa phải có được những vườn khoai, vườn đỗ, rồi đàn lợn đàn gà. Nghĩa là có một cuộc sống bình thường, như mọi miền quê nghèo nhất trên trái đất. Ra đến đảo, Thuận mới biết cái ước mơ giản dị ấy chỉ là chuyện hoang đường. Hòn đảo còn chưa có cả cát mặn. Nó vẫn chìm sâu trong nước. Theo cách tính của các nhà khoa học Hải Quân, phải một trăm năm nữa, dải đá san hô ấy mới nhô lên khỏi mặt nước biển để trở thành một hòn đảo bình dị. Nghĩa là phải một trăm năm nữa, hòn đảo mới chính thức ra đời. Thuyền trưởng Nguyễn Hoà nhìn Thuận, cười hô hố: - Này ông Thuận ạ, ta cuốc bố nó cái nóc đài chỉ huy kia ra mà gieo rau! Thuận dủm dỉm cười. Nụ cười như muốn bảo: "Thì hãy cứ đợi đấy". Ba ngày sau, có tàu ra đảo Sinh Tồn, Thuận gửi tặng cánh lính biển ngoài ấy mấy bao đất và gói hạt rau. Còn con lợn chửa thì anh giữ lại. Cứ như lời anh thì chỉ non tháng nữa là cô nàng sẽ "mãn nguyệt khai hoa". Nhưng rồi ngay hôm sau, cũng vì sóng dồi lắc dữ quá, con lợn mửa mật xanh mật vàng và nửa đêm thì cô nàng chuyển dạ đẻ. Đẻ non. Chỉ có thế mà thành một sự kiện trọng đại. Cánh lính đảo ào hết lên boong. Trên đó, y sỹ Hà Huy đang lúi húi khoác áo choàng trắng, làm "bà đỡ" bất đắc dĩ. Còn nhớ dạo tháng Mười năm ngoái, Huy đã lập được một kỳ tích mà không ai có thể ngờ được: Cậu ta đã cứu Thiêm thoát căn bệnh hiểm nghèo. Bữa đó cũng vào tầm nửa đêm như thế này, Thiêm bỗng đau bụng dữ dội. Đau đến vã mồ hôi, đến phát điên, phát dại. Thiêm nhay nát cả góc chăn mà cơn đau ở vùng thắt lưng vẫn không dịu ngớt. - Có lẽ đau ruột thừa rồi! Huy bàng hoàng kêu lên. Nếu ở đất liền, thì chỉ cần một ca phẫu thuật đơn giản. Nhưng ở đây lại không đơn giản như thế. Bởi đảo chìm bấy giờ chưa có bác sĩ, mới chỉ biên chế đến cấp...y tá. Chính trị viên Thuận đã điện về Bộ tư lệnh, điện cả ra đảo Sinh Tồn và những hòn đảo lân cận. Nhưng nếu nhanh, bác sĩ có tới được cũng phải mất hai ngày. - Nguy lắm! Cậu chắc chắn là chết. Ruột thừa vỡ thì đến bố bác sĩ cũng không cứu được. - Huy nói thẳng với Thiêm.- Cậu toi là cái chắc rồi. Muốn thoát chết chỉ còn duy nhất một cách là mổ. Mà mổ thì khả năng thoát chết cũng chỉ có 0,01%. Nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc vào tớ. Mà tớ thì... chưa từng mổ bao giờ... Thế rồi rốt cuộc, Thiêm đành phải bám lấy sự sống với niềm hy vọng chỉ có 0,01%. Cậu cắn răng ký vào biên bản mổ, chấp nhận mọi sự rủi ro. Cánh lính trẻ trói chặt Thiêm vào chiếc giường sắt chống sóng, lấy nước muối sát trùng và Huy đã mổ cho Thiêm bằng... lưỡi dao cạo râu. Khi tàu cập được đảo thì mọi việc đã xong, Các bác sĩ chỉ còn làm mỗi việc: Sát trùng và khâu lại bằng chỉ tự tiêu. Ca mổ đã thành công. Nếu có chút sơ suất thì lại là chuyện sơ suất thẩm mỹ. Vết mổ không hề đẹp. Lẽ ra chỉ nên chích một chút thì Huy kéo ra đến...gang tay. Cậu ta đã mổ Thiêm như mổ... một con gà! Sau ca mổ bất đắc dĩ ấy, Huy được lệnh về đất liền, theo học một lớp y sĩ cấp tốc. Bây giờ thì cu cậu đã trở thành một thầy thuốc chính hiệu, không còn là anh y tá chỉ mới biết tiêm, biết bôi i-ốt và phát thuốc cảm cúm xuyên tâm liên, một thứ thuốc ai uống cũng được. Huy nghe tim, bắt mạch, chẩn đoán bệnh. Bệnh nào thuốc ấy. Nói như thi sĩ Hai ùm, bây giờ Huy đã là người sang của thiên hạ. Người sang trông tướng mạo cũng khác. Nói năng thì đàng hoàng, đi đứng cũng ra tấm ra món. Chính trị viên Thuận rất yên tâm khi người sang của thiên hạ làm "bà đỡ"cho cơn vượt cạn của con lợn ỉ ở đảo chìm. - Đấy, các cậu cứ ngẫm mà xem.- Thuận cười -Đây không còn là chuyện vặt vãnh đâu nhé! Lợn đẻ ở đảo chìm tự thân nó đã có một ý nghĩa rất sâu sắc... - Vâng, đúng thế đấy, bố Thuận ạ! - Hai đón lấy ý chính trị viên. - Con lợn của ta đã làm được một việc phi thường, là chứng minh cho thế giới biết rằng, đảo chìm không phải là một xứ sở hoang dã, mông muội. Đảo chìm đã có sự sống. - Hoan hô! - Hoan hô thì phải vỗ tay đi chứ! Đề nghị đồng chí Tư Xồm mở đại tiệc bằng cách cấp thêm cho anh em mỗi người một ca nước ngọt, uống ngay tại trận... - Không được! - Tư Xồm kêu lên. - Không thể cấp phát vô nguyên tắc như thế được! Lợn đẻ chứ có phải các cậu đẻ đâu. Tớ sẵn sàng chi cho con lợn hai lít nước ngọt nếu có lệnh của bố Thuận. - Này, anh em tin cậu, bầu cậu làm quản lý, chứ không phải làm cái thằng bủn xỉn, vắt cổ chày ra nước đâu nhé! - Thay ngay quản lý đi! - Bầu lại quản lý đi! - Không được đảo chính, gây lộn xộn! - Thôi được rồi, tớ đồng ý mở đại tiệc. Nhưng đại tiệc tiết kiệm, không ảnh hưởng đến ngân sách đảo. Đề nghị chi cho lợn một lít rưỡi nước ngọt để nấu một nồi cháo bồi dưỡng đẻ. Còn tất cả chúng ta mặc quân phục! - Nhất trí! - Nhất trí hoàn toàn! Hàng chục ngọn đuốc rần rật bùng lên. Lửa reo ù ù trong gió biển. Con tàu tức tốc được nhổ neo, lượn ba vòng xung quanh đảo chìm. Sau đuôi tàu, biển rực một vùng lân tinh sáng choá. Trong đêm, nom nó quái dị và kỳ vĩ như một dải Ngân Hà đang cháy. Và khi con lợn con đầu tiên còn nhớp nháp ướt vừa nho nhoe tòi ra khỏi bụng mẹ thì Hai ùm đã lậng cậng chạy lên đài chỉ huy. Rồi một lúc sau, đảo chìm đột ngột vang lên một hồi còi chào nồng nhiệt: - ủ... ủ... oà... - ủ...ủ...oà...oà... oà... - Oà...oà..ủ...oà...