Bữa yến tiệc không thành

Gọi yến tiệc, nghe có vẻ linh đình, to tát quá. Thực tình đó chỉ là bữa trứng chim rán mà Hai ùm nhã ý chiêu đãi tôi, gọi là mừng "Đại ca ra đảo", và cũng muốn đại ca hưởng chút đặc sản, là hương vị đặc biệt của xứ đảo chìm. Hai đập đến chục quả trứng, cho vào xoong quân dụng ngoáy tít như nấu bánh đúc, rồi đổ thêm nửa bát ớt, gọi là để khử tanh. Nhưng rốt cuộc, tôi vẫn không thể nuốt nổi những miếng trứng ram ráp, khô khỏng. Nếu không có mùi tanh sặc ói lên đến tận óc, có lẽ tôi đã tưởng mình xơi nhầm phải món... mùn cưa trộn với bột mỳ.- Thôi được, "quên"món trứng chim đi, đại ca ạ! Em sẽ đãi đại ca một bữa cháo cá! Ông anh chén được cháo cá chứ?
Nói vậy, nhưng Hai lại tót lên tầng giường cao nhất, chọc một chân ra cửa sổ bạt, rồi véo von ca cải lương. Lời ca là cái dự báo thời tiết. Thì ở đây vẫn vậy. Hàng mấy tháng trời, báo chí mới đến nơi. Lính truyền nhau đọc. Đọc đi đọc lại đến thuộc làu cả tờ báo, rồi lúc buồn lại mang xã luận, mang cả cái dự báo thời tiết ra ca cải lương. Cái miệng Hai bành ra, giọng nhèn nhẹt:
Hôm (ý) nay
Trời nhiều mây
Thỉnh (a) thoảng (a) có mưa
Tầm nhìn xa (ư) trên mười cây số (ứ hư)
Tôi vỗ vào cột giường:
- Sao đã rên rẩm sớm thế. Đói à? Cho tớ hóng mát với nhé!
- Hóng mát thế nào? - Hai chõ đầu xuống. - Người ta đang lao động vất vả đây này! Lên đi, đại ca! Giúp em một tay với nhé!
Tôi đu thành giường, leo lên. Hai đang nằm ngửa tênh hênh trên tấm phản gỗ. Trông rất khiếp. Tôi vội lấy cái vỏ chăn đậy lên bụng cậu. Hai càu nhàu:
- Ông anh chỉ khéo vẽ, chỉ được cái lịch sự rởm. Vướng víu thế này thì còn làm được gì?
Hai hất cái vỏ chăn ra. Còn tôi thì kinh ngạc. Thoạt đầu, tôi tưởng Hai hóng mát. Hoá ra cu cậu đang câu. Mồi cá ném luôn xuống đảo, còn dây câu buộc vào các ngón chân. Cái chân trần chọc ra ngoài cửa sổ bạt của Hai thành một chiếc cần câu rất thính nhạy. Thỉnh thoảng, Hai lại oằn người, kêu oái lên một tiếng như vừa bị ai cấu véo. ấy là lúc cá cắn. Hai co người rất nhanh túm sợi dây câu. "Không nhanh, nó tiện đứt ngón chân như bỡn đấy, đại ca ạ!". Hai xuýt xoa nói như phân bua. Sợi dây câu chạy loằng ngoằng trên mặt nước, vẽ ra những đường nét rối loạn. Hai co người giật mạnh. Rồi hẫng "phựt". Con cá đã bị mập bớp. Một cái đầu cá đỏ nhoét máu run bần bật trên sàn lều nhấp nhoá ánh đuốc. Con mắt cá trừng trừng lồi ra như vẫn còn chưa hết kinh hoàng, rồi nổ đóp một tiếng khô khỏng. Cũng do sự thay đổi đột ngột của áp suất không khí, hầu như con cá nào nhô khỏi mặt nước cũng bị nổ mắt như vậy. Thế là mất toi cả món mắt cá.- Tiên sư lũ cướp biển. Láo!
Hai đập rầm rầm vào vách bạt, rồi quát xuống đảo, vẻ dậm doạ. Nhưng rồi suốt đêm ấy, Hai chỉ câu được một đống đầu cá nhoe nhoét máu. Con cá nào cũng bị lũ mập thiến mất một nửa. Có khi tham quá, mập mắc câu luôn. Thế là lại phải giằng co với mập. Một cuộc giằng co quyết liệt. Gặp con mập to quá, Hai phải chặt dây câu cho con mập phóng đi, vì không thể lôi thằng cướp biển đó lên sàn lều được. Đành phải để nó tẩu thoát. Nhưng trước khi mở lượng khoan hồng, "tha bổng" cho con mập, Hai cũng phải quần cho cu cậu một phen nhễ nhại. Hai ghì sợi dây câu vào cọc sắt cột lều, nới ra cho cu cậu giãy giụa rồi lại thít chặt, kéo con mập vào thật gần. Đoạn, Hai chổng mông, sõng lưng phóng thẳng một luồng tức giận xuống biển. Mặt nước rực một quầng lân tinh xanh lét.
- Toi chưa con! Chết chưa con! Bận sau thì chừa nhé! Đừng có ghẹo bố nhé!
Hai rít lên sảng khoái. Nhưng con mập đã biến mất, để lại một khoảng nước lạnh ngắt. Sợi dây câu lao thun thút xuống biển, rồi lặn hút trong màu nước tối rợn, âm u.../.