Trọng Minh khẽ nhắc lại như một tiếng vang:- Cháu quen với Chi Lan trong trường hợp nào ….Chỉ một câu hỏi giản dị đó cũng đã đủ xua đuổi hết sạch đám mây mù bao phủ cả một vùng trời kỷ niệm êm như nhung, sáng dịu như tia nắng hồng buổi sáng.Cốt chuyện phim, chính Giám Đốc kiêm đạo diễn Võ Mạnh Tôn lựa chọn, xây dựng lên. Con người thông minh tháo vát nhưng hay cáu kỉnh và hiếu động ấy khoái nhất những cái gì gây được cảm giác mạnh, gay cấn, nghẹt thở. Cả về phần bối cảnh lẫn phần tài tử diễn viên. Trọng Minh phải thủ vai người hùng trong chuyện, có nhiệm vụ bảo vệ tình yêu, đồng thời giữ gìn đất tổ. Tình cảm nội tâm của vai chính trong phim làm chàng lo lắng, không biết có đủ khả năng diễn xuất nổi không. Do đó, khi lên “sen”, Trọng Minh đã có đôi chút dè dặt, phải công nhận là nhờ cái khéo và sự táo bạo của Võ Mạnh Tôn, tác phẩm trứ danh đó mới được phân cảnh, thu hình, quay thành phim.Buổi chiều hôm đó, bên bìa rừng, dưới gốc một cây chẩu khô cằn trụi lá. Trọng Minh cùng chàng tài tử phụ diễn xuất một cảnh gay cấn.Sau ngót tiếng đồng hồ, ai nấy đổ mồ hôi hột. Khi nghe chuyên viên thâu hình tắt máy quay phim, và người nhắc vở gấp cuốn “vở” lại, Mạnh Tôn thở ra một hơi dài:- Tuyệt! Rồi! Tất cả điều “mỗ” đòi hỏi chỉ có thế thôi!Nét mặt hớn hở, nhà đạo diễn kiêm giám đốc hãng phim Hoàng Yến nói như reo:- Ê, các bồ! Tụi mình “lưới” được một mẻ “dễ chịu” lắm!Mạnh Tôn, khi cao hứng, thường dùng hai tiếng “dễ chịu”, “dễ chịu”.Trọng Minh nhìn bạn:- Cậu khoái lắm hả?- Lắm lắm! “Dễ chịu”!Chung quanh địa điểm quay phim, một số người hiếu kỳ dừng chân đứng lại coi, phần lớn là trẻ con và các chú choai choai. Dân trong làng ai nấy đều bận việc hàng ngày. Vả lại, đa số họ chẳng hiểu biết xi-nê, chiếu bóng là cái gì. Cho nên, những việc “diễn kịch” để “chụp hình” như thế, họ ít để ý đến.Trong đám khán giả lưa thưa đó, có mặt Chi Lan. Cô gái mặc một chiếc áo sơ mi dét màu đỏ tươi. Màu sắc rực rỡ tôn hẳn khuôn mặt da trắng hồng. Mái tóc nâu mịn, gợn sóng tự nhiên phía trước trán, vớt ngược ra sau gáy làm nổi bật nét mặt thanh tú, nhất là cái sóng mũi thẳng và đường môi đẹp như vẽ. Yêu thích tất cả những cái gì đẹp và bản tính hay vui đùa tinh nghịch, Trọng Minh tươi cười tiến lại gần, cất tiếng hỏi:- Thế nào, cô bé! Coi đóng phim hay không?Trái ngược hẳn với những tiếng trầm trồ, nụ cười e thẹn thường lệ, chàng trai văn nghệ tròn mắt ngạc nhiên khi thấy cặp má mịn màng có những tia máu đỏ bé li ti: hơi phùng lên, cặp môi đỏ tươi rung động, làn môi dưới hơi bĩu ra. Cô gái định nói cái gì đó nhưng rồi lặng thinh. Trọng Minh hỏi dồn:- Kìa, thế nào, cô bé?Và chàng trai hơi giật mình, khi từ cái miệng tươi đẹp, hàm răng đều đặn trắng bóng bật ra một câu nói rất “người lớn”:- Vâng! Cũng khá! Nhưng ông chưa lột hết tinh thần nhân vật!Câu phê bình của cô gái nhỏ tuổi mà lời nói không nhỏ ấy khiến Trọng Minh có cảm giác hai bàn tay mình như có kiến đốt. Năm phút trước đây, Mạnh Tôn, con người vốn hà tiện lời khen nhất thế giới mà cũng đã phải khoái trí cười ha hả, “dễ chịu”, “dễ chịu” ầm lên. Vậy mà cô bé “nhà quê” nầy lại dám … Nụ cười tắt lịm trên môi, Trọng Minh lạnh lùng buông sõng:- A! Cô dám cả gan phê phán kia đấy!- Ủa! Ông hỏi ý kiến tôi mà!Tự ái bị tổn thương hơi nặng, chàng tài tử khẽ nhún vai định quay ngoắt đi. Nhưng:- Cô biết gì về nhân vật mà ….- Ít nhất, so với ông, tôi hiểu được nhân vật ấy hơn ông. Tôi đã đọc cuốn “Đất nghịch” đó rồi. Phải công nhận, làm sống lại một cách trung thực tác phẩm ấy là một việc rất khó. Nhất là, cũng như các bạn ông, ông không phải ở vùng nầy. Vậy làm sao các ông hiểu rõ được chúng tôi, những con dân của “Đất nghịch”?Hai tay chống nạnh, Trọng Minh đứng lặng nghe nàng nói. Chàng lặng thinh vì hai lý do: nhận xét của cô gái rất sát thực tế, rất đúng. Rồi, tiếng nói của nàng, âm thanh thánh thót nghe rất êm tai. Nàng nói mà như người hát, một giọng hát không những tự nó đã rung động rồi, lại còn làm rung động tất cả những cái bao quanh nhất là … nhất là người đang đứng đối diện với nàng. Tâm tình xúc động, chàng trai thay đổi cách xưng hô lúc nào cũng chẳng hay:- Cô em cho rằng tôi đã phản bội tác giả?- Tôi có cảm tưởng vai chính trong truyện làm ông sợ vì nhân vật ấy bứt ông xa quá …. Nhưng, cuộc sống nội tâm nhân vật ông thủ vai trò chắc chắn có trong thực tế. Phản ứng ngoại diện của y chẳng có gì gọi là quá đáng cả.Hai người mải mê tranh luận, cùng đặt bước đi bách bộ tự lúc nào mà không biết. Chợt cô gái ửng hồng đôi má. Tia mắt chúi nhanh nhìn xuống đất. Trọng Minh đang chăm chú ngắm nhìn nét mặt đẹp tuyệt vời. Chàng nhận ra là mới nói chuyện chưa đầy một tiếng đồng hồ, mà mình đã cảm thấy hình như quen biết cô gái xứ quê nầy từ lâu lắm rồi vậy. Trọng Minh chỉ muốn được nói chuyện với nàng mãi, nhất là được nghe tiếng nàng nói.- Tên cô em là gì?- Chi Lan! Lê Thị Chi Lan.- Vậy thì, Chi Lan! Tôi muốn nhờ Chi Lan giúp cho tôi một việc. Nếu Chi Lan thành thực yêu mến mảnh đất quê hương nghèo nàn nầy, chắc chắn Chi Lan giúp tôi được.- Ông muốn tôi giúp việc gì?- Chi Lan giảng giải kỹ, chỉ bảo cặn kẽ cho tôi vai trò nhân vật do tôi thủ diễn, nhé! Chi Lan đem quyển truyện đó ra. Phần tôi, tôi sẽ mang theo cốt truyện phim. Hai đứa mình cùng duyệt lại từng cảnh một. Và Chi Lan chỉ rõ cho tôi từng điểm phải diễn xuất cách nào, theo ý Chi Lan, thì mới hy vọng đúng y hệt được, nghe!Cô gái cười hồn nhiên:- Không e ngại, không ngập ngừng do dự, sống hết mình, ngay cả trong lúc nổi giận cũng như khi trìu mến yêu đương. Tàn bạo nữa, nếu cần. Đó, dễ lắm!Trọng Minh có cảm tưởng là cô gái đã muốn bỏ ra về. Thực ra Chi Lan có ý muốn né tránh ánh mắt tinh quái của người con trai lạ.- Dễ! Chỉ dễ với Chi Lan thôi! “Sen” phải diễn xuất kỳ tới khiến tôi lo lắm. Nhưng cũng đã biết được lý do tại sao rồi: chưa cảm thông được triệt để tâm lý nhân vật. Cho tôi được gặp lại Chi Lan ngày mai nhé!Các chuyên viên đang xếp gọn mọi thứ dụng cụ đồ nghề. Mặc chiếc quần “jean” màu vàng tươi, chiếc sơ mi dét xanh kẻ ô đỏ, Bạch Phụng tung tăng chạy đi tìm Trọng Minh. Thoáng thấy bóng chàng trai, cô nữ tài tử gọi ầm lên.Hai người quay nhìn lại. Nhận ra người đẹp văn minh, Chi Lan lại ửng hồng sắc mặt. Nàng thảng thốt cất tiếng gọi:- Anh Trọng Minh!Qua âm thanh thoáng vẻ xúc động của cô gái trẻ, người con trai cảm thấy rõ ràng là, nếu không có sự xuất hiện của Bạch Phụng, chắc hẳn Chi Lan đã từ chối cuộc hẹn hò.Cô gái nói nhanh:- Vâng! Hồi 10 giờ! Tại gốc cây chẩu đầu làng.- Vậy thì hay quá! Mười giờ sáng mai! Cám ơn Chi Lan!Bạch Phụng sáp tới nắm lấy cánh tay Trọng Minh. Chàng trai khéo léo gỡ nhẹ ra.- Anh diễn xuất tuyệt quá!- Thiệt không đó? … “gần” tuyệt thôi, chưa “quá” đâu. Phải diễn xuất hết mình, không dè dặt, không do dự ngập ngừng, …tàn bạo nữa, nếu cần …Trọng Minh chợt mỉm cười. Vô tình chàng đã nhắc lại đúng câu nói của Chi Lan. Trong đầu óc người con trai vang vang một ý định: “Phải tìm gặp nàng luôn luôn mới được!”Tiếng nói của bà Liên thoáng nhẹ bên tai Trọng Minh:- Thì ra hai người quen biết nhau như vậy đó?- Vâng! Đúng thế! Và rồi ngày nào, Chi Lan và cháu cũng gặp nhau. Mỗi ngày qua đi, hai đứa cháu lại cảm thấy gần nhau hơn chút nữa.Trong lòng rưng rưng cảm động, chàng trai sống lại với hình ảnh cô gái vui vẻ, tung tăng đi đến chỗ hẹn, cuốn truyện cầm trong tay. Đặt hết tâm trí vào công việc “đạo diễn” cho người bạn mới quen, Chi Lan chỉ dẫn cặn kẽ tâm lý và hành động của nhân vật chính trong truyện cho Trọng Minh tập dượt. Kết quả: khó tính như Võ Mạnh Tôn mà cũng hết lời khen ngợi chàng trai diễn xuất hay quá, “dễ chịu” quá. Nhà đạo diễn vỗ vai bạn bồm bộp:- Tuyệt! Cậu đóng trò như thật ấy. Nắm vững vai trò quá xá! Tôi tưởng chừng như trong huyết quản cậu hiện đang luân lưu dòng máu của nhân vật chính, dòng máu của người dân “Đất nghịch”.Nhận xét của Võ Mạnh Tôn rất đúng. Trọng Minh đã thành công trong vai trò ấy. Một phần rất lớn nhờ Chi Lan. “Trong huyết quản cậu đang luân lưu dòng máu của người dân Đất nghịch”. Đúng thế! … giờ đây, đứng trước mặt ông Lê Phi và mọi người dân làng Trung Quyết, chàng trai đã có những phản ứng y hệt phản ứng của người dân sinh trưởng tại địa phương.Chìm đắm trong cơn mơ mộng, Trọng Minh bỗng giật nẩy mình thức tỉnh vì một câu hỏi hết sức bất ngờ của bà mẹ cô gái:- Nhưng tại sao cậu lại giết nó?Từ lúc đối thoại cho đến giây phút nầy, hai người vẫn thầm thì to nhỏ. Câu hỏi đột ngột bao hàm một ý nghĩa ghê gớm khiến Trọng Minh mất hết tự chủ, chàng hét lên:- Tôi không giết nàng mà!Một giọng nói khan khan từ phía sau vẳng lên. Tiếng nói của ông Lê Phi:- Được! Giết hay không rồi sẽ biết liền đó mà!Mọi người về đến nhà. Ông Lê Phi nắm cánh tay viên hương quản:- Anh Sâm! Thôi, bây giờ anh về đi. Để mặc tụi tôi!- Không! Trái hẳn thế! Tôi phải ở lại để ngăn chận các anh …- Ngăn chận cái gì? Không ngăn chận gì hết. Anh làm tụi tôi mất thì giờ nhiều quá rồi. Hãy để yên cho tụi tôi làm cái việc cần làm đã. Xong đâu đấy rồi anh sẽ tới.Thờ thẫn đưa tay lên sờ cằm, tay Đặng Sâm đụng vào hàm râu mọc tua tủa. Ánh mắt viên hương quản ra chiều băn khoăn khó nghĩ. Tiếng ông Lê Phi lại vang lên:- Ừ, phải đấy! Về mà cạo bộ râu chổi chà đó đi!Thế rồi, tiếng cánh cửa đóng sập lại nghe cái “sầm”. Tiếp theo là tiếng cài chốt trong “xoạch” một cái. Đặng Sâm còn mỗi một mình đứng xớ rớ bên ngoài. Chán nản, ông tay quay bước và chợt nhận thấy tại mấy căn nhà phía bên kia đường, vài tấm màn gió khẽ lay động. Lẽ ra, Đặng Sâm có thể buộc ông Lê Phi và người trong nhà phải mở cửa, hoặc nếu cần, phá cửa mà vào. Nhưng liệu có ai dám tán thành, liệu có người nào dám hưởng ứng, mặc dầu hành động của ông rất hợp pháp.Viên hương quản bực bội lẩm bẩm:- Vái trời cho họ còn muốn biết trăm phần trăm sự thực. Vái trời cho họ còn đủ kiên nhẫn để điều tra tìm hiểu thêm.Và Đặng Sâm nặng nề cất bước bỏ đi.