ự nhiên là Hải phải nói dối mẹ ở nhà. Một ngàn rưởi bạc hưởng được của bà cô, chàng nói dối mẹ là mang đi gửi nhà băng lấy lãi.Mẹ chàng tin chàng lắm. Chàng rất khốn khổ vì chỗ đó nhưng chỉ ít lâu thôi. Sự vui thú, sự khoái lạc dần dần đem sự quên đến cho chàng, chàng chỉ biết có Trâm, chàng chỉ sống vì Trâm, chàng chỉ sống cho Trâm. Thảm hại! Người mẹ nào nuôi con cũng vậy. Tận tụy cả một đời để con khôn lớn lên người, đến khi nó hiểu sự đời một chút thì nó thương gái, yêu gái và đi với gái... Hải bắt đầu đi suốt đêm đã nhiều. Bà cụ già hơi nghi ngờ, có hỏi thì Hải lại tìm cách che đậy. Bây giờ, công việc bận quá phải làm đêm ạ! Bây giờ trong sở, người ta hay mời ăn cơm khách nên phải ngủ đêm ở nhà bạn ạ!Chung quanh chàng, trong sở, người ta than thở bây giờ....cuộc sống thực là eo hẹp quá; ở nhà mẹ già chàng còm cọm và em chàng thì đầu tắt mặt tối để kiếm thêm nuôi mẹ. Hải không nghe thấy gì cả, không trông thấy gì cả. Trưa nào, chiểu nào chàng cũng phải gặp Trâm. Không có thì nhớ lắm. Chàng nhớ bất cứ cái gì của Trâm bởi vì chàng yêu Trâm lắm lắm và Trâm yêu chàng lắm lắm. Bộ tóc mây khéo quấn lẳng lơ, da mặt thơm phưng phức, một chuỗi ngọc xanh quấn cổ, cái áo mùi, cái quần sa tanh gấu có viền đăng ten... một cô tân thời đặc! Một cô tân thời đặc! À, Trâm nói đúng. Trâm không phải là một người đàn bà ta gặp luôn luôn ở quanh mình. “Anh Hải ơi, anh ôm lấy em đi”. Nàng rỉ vào tai Hải. Hải ôm lấy nàng “Anh Hải ơi, anh ôm em thật mạnh vào”. Hải ôm Trâm thật mạnh. Trâm yêu Hải lắm lắm bởi vì Hải chiều Trâm, bởi vì Hải có tiền, bởi vì Hải không từ chối cái gì với Trâm bao giờ.Xem ngay cái gác Trâm đương ở bây giờ thì biết.Thoạt tiên, không phải Trâm và Hải tìm thấy cái gác này ngay đâu. Họ đi xem nhà đã chán rồi. Một ngày... hai ngày... ba ngày... Hải muốn cho công việc chóng xong, kiếm một cái gác độ mười năm đồng cũng được. Trâm thì Trâm nhất định không nghe, cái thì chê là chật quá, cái thì kêu là tối quá, nàng lấy làm buồn lắm. Hải thấy thế không đành lòng bèn thuê ngay cái gác hai mươi hai đồng, có đủ cả nước và điện. Trâm cười ngay, và hôn Hải bởi vì Trâm bảo: “Thà về nhà quê mà ở, chứ đã ở Hả nội thì phải cho ra hồn không có chúng bạn cười cho thì nhục”.Tủ, giường, bát, đĩa, chăn, màn, chậu, vân vân lục tục sắm một ngày...Rồi xếp, rồi dọn, rồi lau, rồi chùi, rồi rửa, thế là cái gác Trâm ở đã thành ra một cái gác xinh xẻo, cái gác của ái tình. Mặt trời chiếu vào những cửa kính có màn xanh. Không khí ở trong phòng, vì vậy là không khí dịu dàng, sạch sẽ. Thế rồi thì, ở sau những cái cửa sổ sơn xanh lại bày hoa, rất nhiều hoa có những màu sắc đẹp hơn cả sơn ở tường. Người ta mới vào chưa biết là hoa gì đâu. Có mở hẳn cái màn cửa lên mới biết và như thế thì thú lắm. Người ta phải tìm từng cái tên hoa. Chỉ một lúc, người ta biết ngay rằng những cái hoa ấy là “lai-giơn”, là “mõm chó” hay là “thược dược”.Này, mở to cái cửa sổ ở bên tay phải ra đi. Ôi! ánh sáng, ánh sáng sao mà nhiều thế. Ánh sáng vào như một cái cổ tay trắng muột, ánh sáng chảy khắp phòng... Ấy thế mà, ngoài ánh sáng ra, lại có cả một cái giường to, trải đệm trắng nữa: thực có thể quên đời được. Cái giường ấy thấp, làm bằng một thứ gỗ bóng lộn lên và có những cái diềm bằng một thứ đăng ten lạ. Thực là phải quá: người ta phải coi trọng giấc ngủ cũng như là miếng ăn vào miệng. Trông thấy cái giường, người ta thích đời ngay: cái giường ấy không những giơ tay đón ta nằm một cách êm đềm, nhưng lại làm cho ta quên hết cả, chỉ nhớ lại có mỗi một cái bụng người đàn bà giăng gió trai lơ.Hải nằm ở cái giường ấy vài tiếng đồng hồ xong, đứng dậy, hơi mệt nhọc một tí thôi, ra dựa vào cửa sổ nhìn sang cái vườn hoa dãy phố trước mặt thì lại càng thú nữa. Phong cảnh ở trước mắt lúc nào cũng đẹp. Buổi chiều cũng như buổi sáng, những con chim chuyền cành nọ sang cành kia như để hớp vội lấy một tia sáng nó luồn qua kẽ lá rồi bay đi một chỗ khác luôn luôn kêu “chích chích”. Chích chích! Chích chích! Chim ơi, có phải mùa xuân đã lại ở phía ngoài không? Mùa xuân đầm ấm, mùa xuân tươi tốt! Những cât lan tiêu đã chớm lộc non từ mấy hôm nay; những tàu lá xanh dầy quá; những mùi thơm ngào ngạt bay lững lờ trong không khí. Thực là mùa của ái tình. Hải lơ đãng nhớ lại đã bao nhiêu ngày như thế này, đã bao nhiêu mùa xuân vui thú như thế này, chàng đã hao phí bỏ qua, hiện giờ không để lại một chút kỉ niệm êm đêm nào cả. Hải muốn sống quá! Hải muốn “sống” như thế nào để gỡ lại những mùa xuân đã mất, những mùa xuân không có ai săn sóc cả, những mùa xuân không có ai yêu cả.Mùa xuân này thì...Trời đã chiều. Phố xá đã bật đèn. Một ngọn gió mát đưa vào phòng; ở xa xa có một tiếng đàn thánh thót. Một đêm của sự yêu đương. Chàng kéo màn xuống, chàng muốn đóng cửa vào. Ở vườn hoa phía trước mặt chàng, những cặp tình nhân trẻ tuổi đi đi lại lại. Hải nhìn thấy bóng họ ở trong những bụi cây um tùm, ở trên những ghế đá, chân tay quấn lấy nhau, như chỉ có một người. Những cảnh ấy, một người cô độc trông thấy tất phải thèm.Không, Hải đã có Trâm bên cạnh, với tất cả những cái liếc ưa nhìn, những cái uốn éo não nùng, những cái hôn nồng cháy như ăn thịt... chàng muốn suốt đời ở cạnh Trâm mà tiếc thay không được. Bởi vì mẹ chàng thấy chàng độ này thẫn thờ và về khuya đã đâm nghi lắm lắm rồi, bà khuyên giải chàng xa xôi, nhưng những lời của bà cụ đã nhìn thấy hết cuộc đời rồi, bây giờ sắp chết, cũng không thể giữ được con như trước. Tuy vậy, Hải cũng thưa những cuộc gặp gỡ ít đi nhiều. Những đêm phải ở nhà với mẹ, với em như thế chàng bực dọc lắm. Hải không muốn nói gì và làm gì. Sáng hôm sau đi làm, chàng quành lối này, quành lối khác để nhìn lên cái gác mà chàng thuê cho Trâm ở và cái cửa sổ của căn buồng mà nàng đã ngủ đêm qua một mình. Đôi khi Trâm đã dậy thật sớm mà đứng đợi chàng ở đó rồi. Nàng cười và lấy cái bàn tay xinh xẻo ra vẫy chàng và hôn gửi một cái hôn đỏ thắm. Có khi nàng bảo: “Trưa đi làm về, mình về với tôi nhé. Tôi có chuyện này lạ lắm”. Có khi nàng lại làm ra dáng nũng nịu, vừa thấy chàng thì quây qủa đi vào, hai tay trắng mịn thò ở cái áo cánh lụa, vắt vẻo như đuổi mà lại như mời vậy.Tức thì, trái tim của Hải phồng lên, rực lên; chàng có cái ý muốn bỏ hết cả công việc làm ăn, bỏ cả sở, để trèo như bay lên gác. Hải đã có phen làm như thế. Hôm sau chàng đến xin phép chủ và nói dối là mẹ ở nhà ốm nặng.Bao nhiêu anh em làm trong sở, thấy một sự thay đổi lớn lao như thế ở người Hải, hỏi dò nhau và bàn tán. Họ cố cắt như đi “do thám” và chỉ một tuần lễ sau, họ đã tìm ra sự thực.Một người nói:- Này, có đông đủ anh em ở đây, tôi nói để anh em cùng biết. Anh nào có vợ thì không nói làm gì chứ anh nào chưa vợ, mà có nhân ngãi, nếu cứ lặng im không nói rõ tên, rõ tuổi, rõ cưa, rõ nhà thì tôi “ chim” mất, đừng có oán!Hải lặng cả người. Chàng trằn trọc đến một giờ đêm mới ngủ. Sáng hôm sau, chàng nhớ rằng từ khi được hưởng gia tài của bả cô, chàng chưa mời anh em chén lần nào. Chàng bèn viết mấy chữ truyền cho tất cả anh em trong sở.Thưa các bác,Tôi có việc vui mừng riêng, có chén rượu nhạt, xin các bác hạ cố xơi rượu với tôi thì tôi lấy làm may mắn lắm.Ký tênT.B. - Chúng ta họp mặt ở khách sạn X phố Hàng Buồm.Ăn uống xong đâu vào đấy, Hải hút một điếu xì gà và nói:- Tôi không dám giấu gì các bác. Xin nói để các bác biết: Trâm là vợ sắp cưới của tôi, các bác có gặp thì coi như anh em trong nhà vậy.Vợ sắp cưới! Vợ sắp cưới!Anh em nghe Hải nói đều phá nên cười một loạt. Họ đã biết về cô Trâm rồi. Trâm chỉ là một gái chơi đã lũa. Còn ai lại bị nó đánh lừa được nữa.- Bác Hải, bác nói đùa đấy chứ! À, Trâm nào nhỉ... Trâm... Gậm Cấu, thì còn ai lạ gì.Những lời nói của bạn bè Hải không khác gì nhát búa. Hải nghe mà chết điếng cả người, chàng muốn nốn hết cả những thứ vừa ăn ra, chàng muốn bị một bệnh thật nặng để chết ngay lúc ấy.Khinh bỉ vợ chàng đến thế là cùng! Làm nhục chàng đến thế là cùng! Hải không biết nói gì cả, đi về nhà và lại càng thấy thương Trâm.Nửa tháng sau, trong khi anh em đương làm việc ở trong sở, Hải trịnh trọng lại mời anh em đi ăn và nói rằng:- Hôm qua, tôi có một người bạn ở Nam Định lên chơi. Anh ta nói chuyện với tôi nhiều lắm và nói cả về đạo nữa. Tôi không biết có phải anh ta rủ tôi đi đạo không. Nhưng lúc ra về, anh ta có cho tôi muợn cái cuốn Kinh Thánh dịch ra quốc ngữ. Tôi buồn lắm, có giở ra xem một đoạn. Đoạn ấy đại khái thế này:“Một hôm, người Pha-ri-si mời đức Chúa Giê-su đến ăn cơm ở nhà. Đức Giê-su nhận lời đến ăn. Đương ăn nửa chừng thì có một người đàn bà tính hạnh rất xấu - cả vừng ấy ai cũng biết người đàn bà ấy là một đàng điếm trai lơ - dội một bình dầu thơm để quỳ khóc dưới chân Ngài. Nước mắt của người đàn bà ấy rỏ xuống ướt cả chân Chúa. Người đàn bà ấy lại lấy dầu thơm trong bình để rửa chân cho Ngài.Người Pha-ri-si mới thầm nghĩ: Nếu Chúa Giê-su là ngừơi của Trời thì tất phải biết người đàn bà ấy xấu tính như thế nào.Chúa Giê-su bèn nói: Hỡi Si-mông! Hãy nghe ta nói. Có hai người cùng nợ một nhà giàu kia. Một người nợ năm trăm đơ-ni-ê. Một người nợ có năm mươi đơ-ni-ê. Hai người đó cũng không có tiền để trả. Chủ nợ cho cả, không đòi ai nữa. Hỡi Si-mông! Trong hai người không phả trả nợ đó, ngươi có biết ai yêu mến chủ nợ hơn không?Trả lời:- Người nợ nhiều hơn tất phải yêu mến chủ nợ hơn.Chúa Giê-su bèn rằng:- Phải đó, người đàn bà xấu nết này tin tưởng và yêu mến ta hơn ngươi. Cái lòng tin ấy sẽ tha thứ cho nó. Cái lòng yêu mến của nó sẽ làm cho nó trong sạch ra. Ngươi không quỳ ở chân ta và rửa chân cho ta. Nó thì nó nằm ở dưới chân ta và rửa chân cho ta bằng dầu thơm. Bao nhiêu tội nỗi của nó đều được tha thứ hết”.Hải nói xong, nhìn hết cả mọi người một cách tự phụ.Sự thực, cái học và cái biết chưa cho chàng hiểu hết cái uyên thâm ở trong Thánh Kinh. Nhưng chàng đọc và nhớ lại để đem ra để kể cho bạn chỉ cốt để bênh vực Trâm và trả thù mấy anh bạn hôm nọ đã chế nhạo chàng.Và chàng lấy làm thỏa mãn lắm. Chàng muốn tìm ở trong cái tình của chàng yêu Trâm một ý nghĩ cao thượng.