Dịch giả: Thu Hạnh
Phần 11 - 12

Thiếu tá chỉ chào hỏi cho có lệ, rồi nhìn mặt Ur-ba-ny-ac và đi ngay vào đề.
- Lần này, tôi phải cho mời anh đến đây, chính là do tình thế buộc chúng tôi phải làm như vậy.
Vưđ-ma nói bằng một giọng đanh và nghiêm. Vì thế, nụ cười trên môi Ur-ba-ny-ac, xuất hiện từ lúc anh ta đặt chân vào phòng đến giờ, vụt tắt ngay. Nhưng anh ta vẫn cố làm ra vẻ như câu nói đó chẳng hề tác động gì đến mình. Anh ta ngồi thoải mái, vắt chân chữ ngũ, đáp lời thiếu tá bằng một giọng khá bình thản:
- Tôi đã đến theo lệnh gọi của ông
- Anh biết Vich-to Y-a-khma chứ?
- Vâng, biết ạ.
- Các anh quen nhau thế nào ấy nhỉ?
- Thỉnh thoảng, tôi vẫn đến chỗ đánh cá ngựa đua. Một hôm, cậu ta đứng xếp hàng ngay sau lưng tôi, mua mấy tấm vé, cũng đặt vào những con ngựa mà tôi đã đặt. Thế là bắt đầu trò chuyện cùng nhau theo dõi cuộc đua. Rồi từ đó mới quen nhau.
- Ai bắt chuyện trước? Cậu ta hay anh?
- Cậu ấy. Về sau, cậu ấy cứ quấn lấy tôi, khiến tôi phát bực lên, nhưng tôi lại không nỡ gạt hắn đi. Giờ tôi thấy hối là đã không làm thế.
- Cậu ta là nguyên nhân gây nên chuyện gián đoạn quan hệ tình cảm giữa anh với cô An-ca El-mer chứ gì?
- Đúng thế.
- Cô gái ấy quen cậu ta trong dịp nào?
- Hai chúng tôi, một hôm có ghé lại một tiệm ăn, mở cửa vào buổi tối. Hôm ấy, Y-a-khma cũng mò tới. Hắn chạy ngay lại chỗ chúng tôi đang ngồi. Đầu đuôi chỉ có vậy.
- Cô El-mer chung sống với anh à?
- Ồ, không.
- Cô ta còn kết bạn với những ai nữa? Có nhiều bạn gái không?
- Chắc là có đấy, nhưng cô ta chẳng bao giờ nói với tôi về họ.
- Cứ vào lời anh thì xem ra anh hay ăn ngoài tiệm lắm nhỉ?
- Chỉ năm thì mười họa thôi vì lương bổng của tôi chằng lấy gì làm dư dả cho lắm.
- Nhưng anh vẫn đánh cá ngựa kia mà?
- Cũng ít khi lắm ạ, với lại chỉ chơi cò con thôi. Được cái vận tôi đỏ lắm.
- Theo chỗ tôi được biết thì độ này anh cũng gặp may, phải không?
Ur-ba-ny-ac cắn chặt môi và nín thinh. Vưđ-ma tiếp:
- Cô El-mer hay lui tới tiệm ăn nào?
- Hiệu Grandeur và hiệu Nghị trường.
- Ý kiến của anh về cô ấy thế nào? Tính nết, sở thích ấy?
Mồm Ur-ba-ny-ac méo xệch đi.
- Chuyện này, tôi không vô tư được đâu ạ, vì tôi khốn đốn về cô bé kể cũng đã lắm… Nhưng tôi vẫn cố gắng. Cô ta vui tính đáo để, phải cái nông nổi, nhẹ dạ: khoản này thì tôi dám nói chắc – anh thêm, giọng rầu rầu.
- Lẽ nào ý kiến của anh về cô ta lại chỉ có vậy?
- Ồ không… Xốc nổi, đỏng đảnh nữa. Cô ấy rất giàu tưởng tượng, có học và sáng dạ. Đó là bộ mặt tâm lý của cô ta.
- Hừm… Được trời phú cho một tư chất phong phú như thế, tính khí lại sôi nổi như vậy, cho nên cô ta chắc chả thèm đếm xỉa gì đến dư luận, đến mười đìêu răn đâu nhỉ?
- Đúng thế đấy.
- Cô ta to gan lắm à? – một câu hỏi đường đột được tung ra.
Ur-ba-ny-ac rướn hai hàng lông mày lên, ngẫm nghĩ.
- Vâng, xem ra đúng thế đấy – giọng Ur-ba-ny-ac hơi ngập ngừng – Nhưng thật khó nói tách bạch đâu là gan dạ, đâu là nông nổi.
- Phái đẹp thường vẫn rất thủy chung với cánh thợ làm đầu của họ. Anh có biết cô ta uốn tóc ở tiệm nào không?
- Dĩ nhiên là biết. Ở chỗ một ông tên là Vat-xláp. Ông này có một hiệu uốn tóc ở số năm đường Nô-vô-lip-ki.
- Thế này là ta đã lạc đề rồi. Chắc anh biết Y-a-khma đã từng ngồi tù vì tội ăn trộm đấy chứ?
Ur-ba-ny-ac ngạc nhiên:
- Y-a-khma ấy à? Không thể thế được. Rất tiếc là tôi chẳng hay biết gì.
- Thật vậy à? – giọng Vưđ-ma lộ rõ vẻ khó chịu… - Tôi khuyên anh hãy nói thật đi, vì đây là cuộc hỏi cung chính thức và anh còn lạ gì hậu quả của những lời khai gian dối.
- Quỷ thật, làm sao tôi biết được kia chứ.
- Ấy, đó chính là điều tôi muốn hỏi anh đấy. Thì chính anh đã từng năn nỉ cô Y-a-ni-na El-mer bảo ban cô em phải coi chừng gã Y-a-khma khả nghi này đấy thôi.
- Tôi chưa hề nói thế bao giờ, cũng chẳng hề hay biết gì chuyện gã nọ là một tên kẻ trộm. Tôi chỉ nhắc với cô Y-a-ni-na điều đã nghe được thế thôi, mà cũng chẳng nhớ là ai nói nữa.
- Trí nhớ anh kém thật đấy. Gã khả nghi đã phổng tay trên mất người yêu của anh, ấy thế mà anh vẫn tiếp tuc giao du với hắn… Anh có thấy chỗ này đáng ngờ lắm không?
- Tôi ư, giao du gì kia ạ? Chắc có sự hiểu lầm rồi đó.
- Đừng chối nữa. Chúng tôi biết được nhiều chuyện hơn anh tưởng đấy.
Ur-ba-ny-ac chồm hẳn người ra phía trước, tì hai tay lên mép bàn. Vưđ-ma không phải là không đắc ý khi nhận thấy phát đạn bắn ra đã trúng đích, vì tay Ur-ba-ny-ac run bắn lên, còn trán thì vã mồ hôi.
- Có phải chính anh đã đưa mẫu chìa khóa tủ két cho hắn không?
- Không hề có chuyện đó! – Ur-ba-ny-ac gần như rít lên, giọng the thé, như đang lên cơn động kinh. Những ngón tay bấu chặt vào mép bàn trắng bệch ra.
- Ra Y-a-khma đánh lừa chúng tôi à?
- Hắn không thể nói điều đó được. Tôi yêu cầu cho đối chất. Tôi thách hắn dám nói thế trước mặt tôi đấy.
- Anh tự tin quá đấy, Ur-ba-ny-ac – Vưđ-ma thản nhiên nói – chung quy chỉ vì anh biết mười mươi là không thể thực hiện được một cuộc đối chất như vậy, bởi là anh thừa biết Y-a-khma đã chết, mặc dù trên các báo không hề đả động một dòng nào về cái chết của hắn ta.
Câu nói đó khiến Ur-ba-ny-ac tê liệt hoàn toàn. Anh ta nhìn trân trân Vưđ-ma một hồi bằng cặp mắt đầy kinh ngạc. Mãi, mới lại mở được miệng nhưng giọng khe khẽ như thể nói thầm:
- Chết rồi ư? Y-a-khma bị giết ư? Kẻ nào? Kẻ nào đã hạ sát thế?
Thiếu tá Vưđ-ma lạnh nhạt nhún vai:
- Đang điều tra. Nhưng tôi nghĩ còn ai vào đó, ngoài mấy đứa thuộc cái băng trộm cướp mà Y-a-khma tham gia trong đó. Điều này tôi nghĩ chẳng có gì đáng giấu giếm anh cả.
- Ông muốn làm tôi rối trí thôi… Chứ tôi… Thực tình tôi chẳng biết mô tê gì cả…
Anh ta lảo đảo và suýt ngã nhào xuống đất, nếu thiếu úy Ghéc-xơn không nhanh tay đỡ lấy.
Vưđ-ma với lấy bình nước, rót cho anh ta một cốc.
- Hôm nay, hẵng dừng lại ở đây vậy. Mai ta sẽ làm việc tiếp. Yêu cầu anh hãy ngẫm nghĩ cho chín tình cảnh của anh. Những lời thú nhận thành khẩn có thể giảm nhẹ bớt tội trạng đấy. Mười giớ mai, đề nghị anh lại đến đây gặp chúng tôi.
Nhưng lúc mười giờ, vẫn chẳng thấy tăm hơi Ur-ba-ny-ac đâu. Cả cơ quan cũng không thấy anh ta đến. Lúc cho đi xác minh mới biết hôm qua anh chàng không ngủ ở nhà. Và, như một báo cáo cho hay, trong khoảng thời gian giữa chính và mười giờ đêm, anh ta đã biến mất, sau khi lẩn tránh được một nhân viên cảnh sát được phân công theo dõi đối tượng.
Phần 12
NHỮNG GHI CHÉP CỦA A-NA-XTÔN XAR-NA
Mình tìm ngay được cửa phòng chẳng khó khăn gì. Định với tay bấm chuông thì sửng sốt thấy cửa chỉ khép hờ. Qua cái khe hẹp giữa hai cánh cửa gỗ, ánh sáng mờ mờ trong phòng yếu ớt hắt ra hành lang. Căn phòng để nhỏ. Đích thị là đã có chuyện gì khủng khiếp xảy ra đây. Mình chợt nhớ ngay đến câu nói bỏ lửng trong cái lán nọ. Cũng nhớ rõ cả cảnh hai gã kia đã ra tay không từ căn nhà này. Không biết cô ấy đã gặp chuyện gì đây? Không chừng cô ta có cuỗm mất của bọn chúng một số tiền thật, đúng như chúng đã nói? Cái xắc đỏ, cô ả giấu ở đâu nhỉ? Đồ của Tê-rê-da mà ả còn mượn đi thế thì còn chuyện gì mà cô ta không làm nổi?
Mình đánh bạo bước vào, và khi đã đến được cái phòng ngoài bé tí thì thấy cả cửa phòng trong cũng khép hờ, để lọt ra ngoài một ít ánh sáng, mà mình đã nhận thấy ngay từ lúc lên cầu thang.
Mình tiến vào phòng trong – một căn phòng bày biện hết sức đơn sơ. Nhưng chưa kịp nhìn kỹ bàn ghế, giường tủ, thì đã thấy một xác người nằm dưới sàn. Đó là một gã tóc nâu, để ria mà mình đã thấy. Gã đang nằm giữa một vũng máu và rõ ràng là đã chết.
Phải vất vả lắm mình mới nén được nỗi sợ hãi và ghìm được nỗi ao ước phải rời khỏi căn phòng này ngay, càng nhanh càng tốt. Nhìn khắp phòng một lượt xong, mình liền để ý đến cái khung ảnh đặt trên chiếc bàn nhỏ, cạnh đi-văng. Biết sớm muộn gì cảnh sát hình sự cũng đến, nên mình vội vàng đi vòng qua cái xác, bước lại gần chiếc bàn con, rút khăn mùi soa ra, bọc kín bàn tay lại rồi nhất chiếc khung lên. Tấm ảnh trong khung chụp một người mặt mũi hết sức dễ thương. Trước trán lòa xòa mấy búp tóc xoăn sáng màu, trên đôi môi mọng rất gợi cảm nở một cười tinh quái.
Mình dùng móng tay gỡ bốn góc ảnh, rồi tách nó ra khỏi khung. Lướng vướng thế nào lại làm rách mất một góc, nhưng hình người chụp trong đó thì không hề gì. Mình vội lật mặt sau ra thì thấy chữ ký, hy vọng biết được ai là chủ nhân bức ảnh. Tiếc thay, mặt sau chẳng có gì. Muốn ra eao thì ra chứ phải biết tên họ người trong ảnh. Chắc đâu đây phải có một chiếc phong bì ghi địa chỉ người gửi hoặc một quyển nhật ký hay sổ tay gì đó. Mình bắt đầu tìm kiếm. Lục lọi tủ treo áo một lúc, rồi mình lần lượt lôi hết các thứ đựng trong mấy cái ngăn kéo tủ buýt-phê ra. Thứ của báu duy nhất tìm được chỉ là một tấm bưu ảnh màu chụp cảnh bãi biển Xô-pốt. Mặt sau ghi mấy dòng và bên dưới là một dòng chữ ký của An-ca. Cô ả chỉ viết cho Vich-to Y-a-khma có thế này: “Em đã kiếm được một căn phòng tại “Nhạc trắng” – Chào anh”. Dưới góc đề ngày mười chín tháng bảy.
Mình thận trọng cất tấm bưu ảnh lẫn bức ảnh vào ví. Rồi tắt đèn, dùng mùi soa quấn tay, lần lượt khép cả hai cánh cửa lại và lao xuống ô tô. Chứng kiến ngần ấy cảnh nội trong một đêm thật chẳng còn dám ao ước gì thêm nữa. Lúc mình tra chìa vào ổ khóa phòng riêng, thì một hồi chuông điện thoại dài vang lên. Nhưng chưa kịp nhất máy, chuông đã ngừng reo. Mình xem đồng hồ, đã gần ba giờ sáng. Gọi điện vào giờ này thì chỉ có Ca-rôn thôi. Đêm nay hắn trực ở tòa soạn mà. Và dĩ nhiên hắn nghĩ giờ này mình đang ngủ. Điện thoại lại réo thêm lần nữa, lúc mình đang từ nhà tắm bước ra, trên người đã mặc bộ pi gia ma, vì định bụng sẽ ngả lưng xuống đi-văng đánh một giấc.
Mình nói có sai đâu: đích thị là Ca-rôn gọi.
- Gì đấy? – mình hỏi bằng một giọng khá xẵng, khi nhận ra tiếng Ca-rôn trong máy. Nhưng cũng chẳng ăn thua gì.
- Từ tối giờ cậu lẩn đi đâu vậy? – Thằng cha khôn thật đấy, đã đến nước này rồi mà còn bắc bậc làm cao, lên giọng ta đây? – Suốt từ tối giờ, cứ nửa giờ, tớ lại nhấc máy gọi cậu một lần đấy. Đến cả mười lần chứ chẳng ít.
- Thế mà cũng đòi hỏi. Mình đến cái địa chỉ mà cậu trao đấy, chứ đi đâu nữa.
- Từ tối đến giờ kia à?
- Từ tối đến giờ? Từ tối đến giờ? – mình đay cậu ta thế - Chà, phải chi cậu biết cậu đã đẩy mình vào một tình cảnh thế nào thì chắc cậu phải quỳ mọp dưới đất mới dám mở miệng nói chuyện cùng mình.
- Sao, đã tìm được cô ta rồi chứ?
- Được rồi, nhưng không phải bằng cách gọi dây nói. Mình phải đi ngủ tí đây. Mai cậu đến mình sẽ kể cho nghe.
- Ngủ thế nào được kia chứ! – Ca-rôn cứng cỏi tuyên bố - Pha cà phê đi thì vừa, chỉ mười lăm phút nữa là tớ có mặt đấy.
Mình hiểu ngay là đừng hòng nói chuyện ngủ ngáy gì nữa, nên chỉ còn biết dọa:
- Hễ trễ một tí là mình sẽ quẳng cậu xuống chân cầu thang đấy nhé! – và đặt máy xuống.
Chuyện cà phê làm mình bình tâm lại ngay đến nỗi chẳng còn thiết gì ngủ nữa. Mình cũng nghĩ ra một phương thuốc khác để chống mệt. Thế là mình ấn phích điện của bình đun cà phê vào ổ cắm rồi lôi ra một chai vốt-ka và hai cái cốc.
Nước vừa sôi đã thấy Ca-rôn gọi cửa.
- Nào, kể đi – cậu ta kêu to từ ngoài cửa rồi vội vàng cởi áo khoác, vất lên đi-văng – tin gì mới hả?
- Tin thì nhiều, nhưng có điều toàn những tin mà mình chẳng cần quan tâm. M2inh sẽ tự kể hết với cậu, nhưng cậu phải hứa là đừng hé răng cho ai hết kia. Hứa đi!
- Ăn nói nghe thật đến hay. – Cậu ta hồi hộp ra mặt – Cứ lời cậu thì quả có chuyện giật gân đây. Nhưng tớ, một thằng làm báo, biết hứa với cậu thế nào đây nhỉ?
- Mặc xác cậu. Mình biết là mình sắp kể với ai rồi. Cậu có thể uống cà phê, thậm chí nốc cả một ly vốt-ka nữa, nhưng xong đâu đó, thì xin cuốn gói bước ra cho, đừng hòng moi được gì nơi mình.
- Chà! Chuyện nghiêm trọng đến thế sao?
- Thậm chí còn hết sức nghiêm trọng nữa kia.
- Cậu vẫn ngại bẩm báo với cảnh sát hình sự phải không?
- Bây giờ lại càng ngại.
- Đã thế thì đừng bắt tớ nữa. Tớ rất lấy làm lạ tại sao cậu cứ khư khư giữ cái lập trường kỳ quặc đến thế.
- Xin cậu miễn cho tôi những bài giảng đạo đức kiều ấy đi. Mình cẫn không để cậu ta lung lạc – Sự tình rắc rối hơn mình tưởng nhiều. Bây giờ, mình lại càng chẳng thích chui đầu vào một tí nào. Tê-rê-da sẽ không bao giờ tha thứ cho mình chuyện này đâu.
- Thôi, cái khoản ấy tớ nghe mãi rồi. – Cậu ta nhấp một ngụm vốt-ka rồi đặt ly xuống – Ít ra, cậu cũng đã biết họ của cô ta rồi chứ? Chỗ ở cũng moi được rồi phải không? Điều này đối với tớ quan trọng hơn cậu tưởng nhiều.
- Cả hai món mình đều chẳng biết thêm được gì. Nhưng mình đã có đầu mối. Hy vọng sẽ sớm tóm được cô ả. Xem ra chuyện này chẳng làm cậu lo lắng gì cả nhỉ? Dẫu sao, cậu cũng thấy lương tâm cắn rứt chứ?
Ca-rôn nghe thế liền khoát tay:
- Dĩ nhiên tớ rất khổ tâm là đã gây rắc rối cho cậu. Nhưng có điều tớ thấy chẳng có hơi đâu mà phải âm thầm chịu cực một mình. Cô ta làm tớ lo ghê lắm, chứ có phải không đâu. Không tài nào quên nàng được cậu ạ. Trời, người đâu mà xinh thế!
Mình đã hình dung được ít nhiều về mặt mũi cô ấy vì trong túi đang có bức ảnh. Nhưng nghe cậu ta nói thế, mình không tài nào chịu được nữa nên cười to:
- Một “bỉ vỏ” rất “te” thì có.
- Ở đời có chán vạn gì thứ vẫn xô đẩy con người ta vào kiếp sống chìm nổi. Có thể chỉ là do thích phiêu lưu. Hoặc cũng có thể chỉ để đùa vậy thôi. Nhưng đó đâu phải là cái chính. Tâm hồn của anh cơ, cái ấy mới quan trọng.
- Đúng là cậu hoàn toàn chẳng biết gì về cô ta cả. Sống theo cái cách ả đang sống, nếu dùng lời lẽ tao nhã một tí thật chẳng đáng ao ước tí nào.
- Chà, thánh thiện đã khiếp chưa kìa! Cậu cứ việc phán xét tớ đi.
- Ca-rôn, hãy tỉnh trí lại.
- Mặc xác tớ. Dù gì đi nữa, tớ cũng hy vọng cậu sẽ cho tớ biết họ và chỗ ở của cô ta.
- Để xem xem có nên cho cậu biết không đà. Điều duy nhất mình có thể nói với cậu bây giờ là thế này: mình đã lần ra manh mối một vụ ghê gớm đến mức nếu đem đặt nó cạnh chuyện mình đang bận tâm thì chẳng khác nào đặt thằng bé cạnh một ông khổng lồ. Chính vì thế tớ buộc cậu phải giữ bí mật.
- Thôi được. Tớ hứa sẽ câm như hết cho đến khi nào phạm vi lời thề chẳng qua cũng chỉ đáng coi là một điều ác cỏn con.
- Đấy không phải là một lời hứa. Trong chuyện này, chỉ mỗi mình mình là có quyền định đoạt thôi.
- Ta nhân nhượng nhau tí vậy. Cả hai chúng mình sẽ cùng định đoạt nhé. Tớ sẽ không hé răng nếu cậu không bằng lòng.
Thực ra, trong thâm tâm, mình cũng muốn chia sẻ với Ca-rôn những gì tai nghe mắt thấy đẹm qua. Hy vọng chỉ có cách ấy mới cất đi được gánh nặng của những biến cố mà mình chứng kiến và thử nghe xem ý kiến của cậu ta ra sao.
Bọn mình uống thêm mỗi đứa một cốc nữa và mình bắt đầu kể hết đầu đuôi cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ tối qua. Cậu ta im lặng ngồi nghe, chốc chốc lại với tay lấy cái tẩu thuốc và khi mình vừa dứt lời, đã lên tiếng ngay:
- Tớ đoán được ít nhiều rồi đấy. Chắc hẳn cậu chưa đọc mấy tờ báo buổi chiều nên không biết đến vụ mất trộm tại một liên hiệp xí nghiệp. Bọn gian cuỗm mất đi gần ba triuệ lô-ti (đơn vị tiền tệ của Ba Lan). Đích thị là cậu đã gặp chính bọn này đây. Bây giờ cậu phải nghĩ lại xem, làm sao cậu lại có thể im lặng một khi cậu đã biết được đến từng ấy chuyện hả?
- Không có mình, công an cũng phanh phui được vụ trộm, trong khi đó đối với mình, Tê-rê-da lại là người thân thiết nhất đời.
- Lúc nào cậu cũng chỉ nghĩ đến cá nhân mình. Thế còn cô gái kia? Không chừng cô ta đang phải trốn tránh với món tiền sáu trăm ngàn ấy đấy. Đời nào bọn chúng lại để cho cô ấy phỗng tay trên một khoản tiền lớn đến thế. Thì vì vậy bọn họ đã giết mất một đồng sự đấy thôi. Tớ cam đoan là tính mạng cô ta đang ngàn cân treo sợi tóc. Đó lại là một lẽ nữa, cũng quan trọng không kém, khiến chúng mình không thể nìn lặng được. Cảnh sát sẽ ngăn chặn được cuộc săn lùng của bọn này ngay, nếu…
- Nhưng ý định báo thù, bọn chúng vẫn không hề thay đổi. Cậu phải hiểu là bản thân cảnh sát cũng sẽ truy tìm cô gái kia mà. Hơn nữa, cô An-ca ấy hẳn cũng phải biết rõ tình cảnh của cô ta, trước khi dấn thân vào cái chuyện nguy hiểm này chứ. Tớ hoàn toàn chẳng bận tâm chuyện ai sẽ bắt được cô ta – bọn trộm hay công an.
- Thế mà tớ cứ tưởng cậu mới là kẻ sẽ tóm được cô ta hơn hết kia đấy – Ca-rôn buộc miện thốt ra một câu nói mỉa.
- Chứ còn sao nữa. Nếu cảnh sát tóm được ả thì cả chiếc măng tô lẫn cái xắc sẽ nằm chết dí trong kho chứa tang vật của tòa án. Lúc ấn thì mình chỉ còn biết gạt nước mắt mà chia tay Tê-rê-da nữa thôi.
- lại Tê-rê-da! Cậu chẳng chịu để tâm đến tình cảnh của An-ca lúc này. Cả cậu lẫn cảnh sát – tệ hơn cả là còn thêm bọn giết người kia nữa – đều săn đuổi cô ta. Một cuộc săn bắt kể ra cũng khá lý thú đấy chứ, chỉ nhằm vào một cô gái.
- Phải, một cô gái tội nghiệp với mái đầu tóc xoăn màu sángm, một cái mồm ngây thơ và một lô tiền ăn trộm đựng trong một cái xắc ăn trộm được. Nếu đã là một tay giỏi xoay như thế và đã quyết liều mạng làm chuyện đó thì xin cậu đừng lo vì chẳng ai tóm nổi ả đâu.
- Kể cả cậu nữa chứ?
- Nhưng tớ thì có gì để cô ta phải sợ đâu. Tớ chỉ đòi hỏi một điều: trả lại cái xắc và chiếc măng tô, thế thôi.
Hai đứa còn bàn tính thêm một lúc nữa. Và lúc ánh điện và ánh mặt trời bắt đầu nhòa vào nhau thì Ca-rôn đưa tay lên vuốt mặt rồi đứng bật dậy.
- Tớ phải đi đây. Bây giờ cậu tính làm gì?
- Lần theo dấu vết tấm bưu ảnh và bức ảnh.
- Cần giúp gì không?
- Bây giờ thì chưa. Nhưng khi cần, mình hy vọng là cậu sẽ không từ chối, tuy rằng giữa hai chúng ta cách nhìn khác nhau.
- Thôi, thế nhé. Có tin gì về An-ca thì báo ngay cho tớ.
Chia tay với Ca-rôn xong, mình ngả người xuống đi-văng và đầu vừa chạm gối đã thiếp đi ngay. Rồi ngay chiều hôm ấy, mình lên đường đi Xô-pốt.