Vào buổi chiều ngày mồng một, khi thành phố đã lên đèn, đường phố người xe nhộn nhịp. Triệu Ngư lững thững đi bộ, tay đút túi quần. Nếu lòng đường không có nhiều xe qua lại, anh cũng rất thích hòa vào dòng người đi dưới lòng đường. Dòng người nườm nượp như đi trẩy hội. Từ phố Lê Hoa đến phố Cát Thắng khoảng năm cây số, Triệu Ngư đã đi lại trên đoạn đường này cả trăm lần rồi, đi xe đạp cũng có, xe hơi cũng có, đi bộ cũng có. Nếu đi xe hơi thì cả đi lẫn về chừng mười phút, đi bộ khoảng một tiếng. Đôi lúc đi trên đường dài hay ngắn phụ thuộc vào tâm tư. Đã đến phố Cát Thắng, con đường nhỏ chưa đầy ba trăm mét, Triệu Ngư đã sống ở phố này sáu năm nhưng vẫn chưa có cảm giác gì là quê hương cả. Đi công tác độ dăm bữa nửa tháng về không hề nhìn thấy bộ mặt thân quen nào. Số nhà 77 phố Cát Thắng là mái ấm của anh nhưng mái ấm và quê hương là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Có nhà nhưng không có quê hương. Nhà có ba phòng ngủ, một phòng khách, một phòng bếp, hai ban công, hai nhà vệ sinh. Mái ấm chính là hương thơm của bếp, hoa tươi ở ban công, là giấc ngủ yên tĩnh mỗi đêm, là hàng ngày từ đó đưa con đi học... và còn biết bao chuyện không thể nói hết. Còn quê hương thì không. Liệu có thể gọi ba cái mái ấm ở phố Cát Thắng, phố Lê Hoa và ở Mi Sơn là quê hương được không? Triệu Ngư lắc đầu. Quê hương vẫn còn thiếu nhiều lắm. Quê hương theo nghĩa đích thực của nó thì vẫn chưa đủ, những mái ấm kia làm sao có thể thay thế được hai chữ quê hương. Phố Cát Thắng người xe đi lại tấp nập: xe hai bánh, ba bánh, bốn bánh và đủ các màu sắc người. Các cửa hàng hai bên đường người ra vào nhộn nhịp, các quán ăn nhan nhản... Đó là cảnh tượng huyên náo của đô thị. Triệu Ngư sực nhớ tới một bức tranh, lòng anh xao xuyến. Hồi đó nhân khẩu còn ít, bây giờ đông quá, mười mấy triệu người đều đồng thanh hô to: Chúng tôi muốn... một bức tranh đô thị... không có sự phân biệt quá mức giữa kẻ giàu và người nghèo, giữa thành thị và nông thôn. Triệu Ngư đứng lại bên đường suy nghĩ: sức mạnh kiềm chế dục vọng đã biến đi đâu rồi? Lực có, lương tri, tín ngưỡng, ý thơ đủ cả. Nhưng có lẽ các loại sức mạnh trong dân gian phân tán quá nên không thể tạo thành một sức mạnh tổng hợp, không thể kết thành một sợi dây thừng. Hưởng thụ vật chất thì rõ quá đi rồi nhưng còn hưởng thụ về tinh thần xem ra còn quá mơ hồ. Vậy ai là người có thể chứng minh cho sự hưởng thụ tinh thần? Triệu Ngư bỗng nảy ra một suy nghĩ logic: cũng như thời tiết nắng nóng mãi rồi cũng phải có mưa rào, mưa sẽ tẩy rửa và gột sạch... Triệu Ngư châm thuốc hút và tự cảnh cáo mình không được nghĩ về những điều đó nữa. Đừng nghĩ nhiều nữa. Tư tưởng cũng giống hệt như một bộ phận tự động, khi đã chuyển động rồi sẽ là vô tận. Hãy quay về với cá thể, với chính tổ ấm của gia đình mình, đừng nên nghĩ nhiều về chuyện thế gian, có ai bảo mình làm đại diện cho mọi người đâu. Trong thế kỷ hai mươi này, thiếu gì người có tiếng nói trọng lượng hơn mình? Tất nhiên hãy thiết thực suy nghĩ về cuộc sống hiện tại của chính mình thì hơn. Hãy xếp những việc "thiên hạ" sang một bên. Hãy xuất phát từ cá thể, hãy lo những việc cho chính mình, hãy đi từ cá thể tự do này đến cá thể tự do khác. Triệu Ngư rít mạnh một hơi thuốc. Một nữ chủ quán bên đường nhìn anh chằm chằm. Chị ta suy nghĩ về người đàn ông này, trước hết quan sát cái túi đeo trên vai, sau đó là phán đoán xem thần kinh của anh có bình thường không. Chị ta tự rút ra kết luận: Việc này sẽ có lợi cho mình, người đàn ông này có thể moi tiền được đây, chắc chắn anh ta không phải là người mắc bệnh thần kinh. Hãy buộc anh ta phải nôn tiền ra. Nghĩ vậy, chủ quán đến bên Triệu Ngư: - Chào anh, mời anh vào thăm cửa hàng chúng tôi. Triệu Ngư nhìn người đàn bà. Từ cá thể đến cá thể... Triệu Ngư hỏi: - Chị quen tôi à? - Cùng là hàng xóm láng giềng, có ai không quen nhau đâu, chỉ có điều không biết tên thôi. Mời anh vào cửa hàng một lát, tôi không dám làm lãng phí thời giờ vàng ngọc của anh đâu. - Nữ chủ quán cười nói. Hàng xóm láng giềng cùng phố phường, câu nói nghe thật hay, Triệu Ngư nghe rất bùi tai. Anh bước vào cửa hàng. Cửa hàng tuy không rộng nhưng cách bài trí rất hấp dẫn. Có hai cô gái từ trong cửa hàng vội bước ra. - Anh thấy cửa hàng của tôi thế nào? - Người nữ chủ cửa hàng hỏi. - Rất đẹp. - Tôi mở cửa hàng này được hơn nửa năm rồi, hàng ngày vẫn trông thấy anh đi, về qua đây. - Thật thế ư? - Triệu Ngư nhìn tấm gương treo tường. - Xin phép được hỏi: quý danh tên là gì. - Chủ cửa hàng nói. - Tôi họ Triệu. Nhìn trong gương thấy mình béo hơn năm ngoái, thảo nào Thương Nữ bảo dễ tăng đến ba cân. - Tôi họ Diệp, anh cứ gọi tôi là Tiểu Diệp cho tiện. Hai cô gái ngồi bên cười khúc khích. - Ông chủ Triệu... - Chủ cửa hàng lại nói. - Tôi không phải là ông chủ. Vừa rồi chị bảo vẫn trông thấy tôi đi làm về kia mà. - Triệu Ngư nói. - Anh Triệu, anh đã vào đây, nên sửa sắc đẹp một tí, gọi là chiếu cố đến việc làm ăn của cửa hàng tôi, da của anh cần được bảo dưỡng cho trắng hơn... - Tiểu Diệp cười cải chính. - Để khi khác, hôm nay tôi bận. Vả lại, da tôi... - Triệu Ngư nói. - Hay anh mát xa một tí cho dễ chịu, hai cô em ngồi đây một cô họ Đào, một cô họ Trương, họ đều từ một vùng quê nghèo Quý Châu đến đây. - Tiểu Diệp nói. Tiểu Diệp vừa nói dứt lời, hai cô gái đã mau mồm mau miệng mời chào: - Đại ca Triệu, mát xa vừa dễ chịu, vừa tốn ít tiền. Triệu Ngư thấy khó từ chối. Một bà chủ và hai cô gái chèo kéo làm anh thấy khó xử. Ánh đèn sáng trưng, khuôn mặt đầy phấn son của Tiểu Diệp như có sức mạnh hấp dẫn... - Anh Triệu ơi, anh nên gội đầu thôi, đầu anh nhiều gàu quá. - Tiểu Diệp nói. - Đại ca Triệu ơi, chúng em có loại dầu gội đầu chính hiệu, gội xong là hết gàu ngay. - Tiểu Đào nói. - Chúng em có rất nhiều khách đến một lần lại muốn đến mãi. - Tiểu Trương nói. - Anh cứ mát xa đi, không tính tiền gội đầu anh đâu. Hãy để chúng tôi có thể diện một chút, gặp nhau là duyên số cả mà. - Tiểu Diệp nói. - Quả thật tôi có việc... - Triệu Ngư nói. - Hôm nay là ngày kỷ niệm Mồng một tháng Năm, anh cho các em nó một cơ hội lao động. Bảo đảm là anh sẽ thấy dễ chịu, tâm hồn thoải mái. Anh Triệu, đại ca Triệu... - Tiểu Diệp nói. - Liệu mát xa có lâu không? - Triệu Ngư nói. - Năm mươi đồng, hai giờ. - Tiểu Đào nói. - Cả Tiểu Đào và Tiểu Trương cùng làm, chỉ cần một tiếng thôi. Một tiếng mát xa toàn thân. - Tiểu Diệp nói. - Nghe bùi tai quá. - Triệu Ngư cười nói. - Hai tiếng đồng hồ kêu bính boong. - Tiểu Đào nói. - Thế nào gọi là kêu bính boong? - Triệu Ngư nói. - Ba tiếng cũng chẳng ăn nhằm gì. - Tiểu Trương nói. - Nếu bốn tiếng thì đại ca sẽ hăng máu đấy. - Tiểu Đào nói. - Anh đừng nghe chúng nói tào lao. Vào giường nằm đi, Tiểu Đào, Tiểu Trương động tác phải nhẹ nhàng nhé! - Tiểu Diệp nói. Bà chủ vừa ra lệnh xong, Tiểu Đào, Tiểu Trương bắt tay ngay vào việc động tác khá thuần thục và nhẹ nhàng, người thì kéo tay, người thì vén áo, thái độ lả lướt. Đúng là hai con yêu tinh, Triệu Ngư nghĩ. Nhưng hôm nay mình bị mắc bẫy rồi khó mà thoát được, thôi đành chờ một tiếng vậy. Triệu Ngư đang mát xa thì thấy một người đàn ông xuất hiện. Người đàn ông đó chính là lão Tào. Chủ cửa hàng xem ra có vẻ có mới nới cũ, chào hỏi lạnh nhạt. Lão Tào thấy Triệu Ngư, đôi mắt cú vọ của lão sáng lên: - Trưởng phòng Triệu, anh cũng vào đây à? Lão Tào do dự, không biết có nên bắt tay Triệu Ngư không. Thông thường người cùng cơ quan khi gặp nhau, bao giờ cũng bắt tay. Nhưng lão lại có cảm giác như một người đi tìm gái gặp một người đi tìm gái nên vội rụt tay lại. Vợ Triệu Ngư đẹp như hoa như ngọc, thế mà anh lại có mặt ở đây để đú đởn với mấy cô gái này, thật khó hiểu quá. - Bác Tào, bác đến đúng lúc quá. Bác vào đây mát xa thay tôi đi - Triệu Ngư nói. - Cả hai người cùng mát xa đi. - Tiểu Diệp nói. - Tôi mát xa cho bác Tào còn hai cô mát xa cho trưởng phòng đi. Lão Tào nghĩ thầm trong bụng: Được hai cô gái phục vụ thì sướng quá còn gì. Lão đưa mắt nhìn Tiểu Diệp, người đàn bà này trông cũng được lắm. Tối nay phòng bảo vệ có người đến chơi mạt chược, lão nhàn rỗi chạy ra cửa hàng chơi, còn đang sợ gặp Tiểu Na thì lại gặp ngay Triệu Ngư. Lão Tào nói: - Tôi vào đây cắt tóc cạo râu thôi. - Nếu mát xa sẽ miễn phí tiền gội đầu. - Tiểu Diệp nói. - Miễn phí cả công cạo râu và lấy ráy tai. - Tiểu Đào nói. - Miễn phí hết khoản này đến khoản khác. - Lão Tào cười nói. - Ở đây chúng tôi phục vụ đa năng nhưng chỉ tính tiền một khoản, năm mươi đồng là trọn gói đấy. Tiểu Đào, Tiểu Trương, sao lại ngây người ra như thế, làm đi chứ! Cứ để lão Tào đấy cho tôi - Tiểu Diệp nói. - Trưởng phòng Triệu, hay chúng ta cùng mát xa đi, chẳng lẽ đến đây rồi lại không làm. - Lão Tào nói. - Bác làm đi, tôi không làm đâu. - Triệu Ngư nói và đưa cho chủ cửa hàng năm mươi đồng. Lão Tào vội nói: - Sao lại thế, trưởng phòng, ai lại để trưởng phòng trả tiền như vậy. - Đến rồi lại đi, thật chẳng ra làm sao. Anh chê cửa hàng chúng tôi không đủ tư cách hay sao? - Tiểu Diệp làm ra vẻ giận dữ. - Quả thật hôm nay tôi rất bận, xin để khi khác. - Triệu Ngư nói. - Khi khác chỉ là cái cớ để thoái thác, chúng tôi không cần nghe đâu. - Tiểu Trương, Tiểu Đào tranh nhau nói. - Được ngắm dung nhan hai cô gái, chắc trưởng phòng thỏa mãn lắm rồi. - Tiểu Diệp cười nói. Tuy đã trả tiền nhưng Triệu Ngư vẫn không sao ra khỏi được cửa hàng, sức mạnh của ngôn từ làm anh khó xử. Chủ cửa hàng dùng đủ cách để moi tiền. Cách đó gọi là ai đến thì phải bắt ngay, vào thì dễ, ra thì khó. Bước vào cửa hàng là một chuyện, bước vào phòng lại là chuyện khác. Cuối cùng chủ cửa hàng chỉ cần moi được tiền là đạt mục đích rồi. - Hai cô gái nghèo này tháng nào cũng phải gửi tiền về nhà. Anh xem, chúng toàn ăn mặc những đồ rẻ tiền, đôi giày của Tiểu Đào chỉ bảy đồng bạc. - Tiểu Diệp nói. Triệu Ngư chau mày nhìn đôi giày của Tiểu Đào. - Trưởng phòng Triệu, anh... - Lão Tào nói. - Tôi phải về ngay. - Triệu Ngư nói. - Nếu hôm nay trưởng phòng không chiếu cố thì trả lời dứt khoát hôm nào sẽ đến chứ! - Tiểu Diệp nói. - Chúng em thất vọng quá đấy. - Tiểu Đào nói. - Thật phí cả công gọi anh là đại ca. - Tiểu Trương nói. Cả hai cô gái đều nhọn mỏ lên hót, thái độ rất đanh đá. Lão Tào nói với Tiểu Diệp: - Trưởng phòng Triệu bận thật đấy, đừng gây khó dễ cho anh ấy nữa. - Anh ấy về rồi, thôi, để Tiểu Đào, Tiểu Trương mát xa cho bác. - Tiểu Diệp cười đáp. - Vừa rồi đã thỏa thuận chị mát xa cho tôi kia mà!... - Lão Tào nói. - Lúc nãy tôi cũng nói với anh Triệu như vậy. - Tiểu Diệp nhìn theo Triệu Ngư nói. - Nói một là một, hai là hai. Tiểu Triệu là Tiểu Triệu, lão Tào là lão Tào. Cô nương Tiểu Diệp ơi, hãy trả lại năm mươi đồng cho trưởng phòng Triệu đi. Tôi già rồi, mát xa làm gì, chỉ gội đầu thôi. - Lão Tào cười bảo. - Bác chi li quá đấy, ở đây chúng tôi đã từng làm cho những ông già bảy, tám mươi tuổi, càng già thì mát xa càng dễ chịu chứ sao. Người già vất vả mới kiếm được ít tiền, con cháu đến xin xỏ hết, thật chẳng công bằng chút nào. Tại sao lại không dám tiêu pha, hưởng thụ những năm tháng cuối đời? Bác Tào ơi, bác đừng xót ruột, bụng xót thì ăn thế nào được đậu nóng. - Nóng... đậu nóng à? - Lão Tào hỏi. - Muốn ăn đậu nóng thì thêm năm mươi đồng nữa. - Hai cô gái đồng thanh đáp. - Họ nói đùa bác đấy. Đại ca Triệu, anh định bỏ đi thật à? - Tiểu Diệp bảo. Lão Tào cười hì hì. Nhằm đúng lúc họ đang mải nói chuyện, Triệu Ngư cáo từ rồi bước ra khỏi cửa hàng. Lẽ ra anh định nán lại nghe họ nói thêm vài câu, nhưng thấy họ nói đến đậu nóng, anh không muốn nghe nữa. Ba người đàn bà trẻ đẹp tại sao lại biến thành miếng đậu nóng? Triệu Ngư về nhà tưới hoa, từ trên tầng năm, anh nhìn thấy ánh đèn ở phòng bảo vệ, mấy đồng chí về hưu đang chơi mạt chược ở đó. Mấy từ lão đồng chí, đậu phụ nóng, sàng cám lấy gạo... cứ quay cuồng trong đầu óc anh, động tác tưới hoa trở nên chậm chạp. Tiểu Đào, Tiểu Trương, mùa hoa thiếu nữ nở rộ khắp thế giới. Một đội ngũ đông đảo đến từ khoảng trời bao la, len lỏi vào từng căn nhà nhỏ. Tiêu dùng... họ tự biến mình thành những vật phẩm tiêu dùng. Một đời hoa ngắn ngủi mà độ bền của nó còn kém xa chiếc tủ lạnh. Hoa tươi tự nở và tự chà đạp lên mình chắc chắn sẽ có biến cố, sẽ gây sốc trong lòng người. Đã mười năm rồi, có lẽ không phải là mười năm, đã có ai để ý lắng nghe về đội quân hùng hậu này chưa? Đã có ai chủ trương nhổ tận gốc trốc tận rễ đội quân này? Mọi người như đã thành thói quen, coi chuyện này là chuyện bình thường. Mười năm là quãng thời gian quá dài, một trăm năm đã thuộc vũ trụ khác. Triệu Ngư đứng trên ban công, lòng thấy xót xa bồi hồi. Ai đó đã nói một câu rất hay, nơi nào rơi vào bể trầm luân, nơi đó sẽ được cấp cứu. Triệu Ngư xuống nhà, trở về phố Lê Hoa. Các cửa kính tiệm sửa sắc đẹp đã buông rèm, ánh đèn màu hắt ánh sáng ra bên ngoài, thấp thoáng bóng mấy cô gái trẻ, ý chừng đang bù khú với mấy gã đàn ông. Họ không làm thịt ai mà là móc túi, dù trẻ hay già họ đều không kiêng nể. Lão Tào... Triệu Ngư nghĩ. Một ông già sáu mươi tuổi mà còn đam mê sắc đẹp. Lão đã nhằm trúng cô gái Tiểu Diệp, chưa biết chừng lúc này lão đang cười tít mắt, tận hưởng những giây phút hoan lạc. Tiểu Diệp thì khiêu khích còn lão thì cười khì khì. Một người như con cá ngão há hốc mồm, còn người kia khư khư giữ chặt hầu bao. Hai bên đều ngầm toan tính, cử chỉ và lời nói chẳng qua chỉ là sự thăm dò. Nhà kinh tế học sẽ gọi đây là mối quan hệ đơn giản giữa cung và cầu, là vấn đề giá thành và lợi ích. Nhưng cái mà Triệu Ngư muốn biết là trong quá trình hai bên tính toán như vậy liệu có xảy ra tai nạn gì không. Triệu Ngư vừa đi vừa nghĩ, đầu óc rối bù cả lên. Ra đến đầu đường, anh dừng lại chờ cho mấy chiếc xe đi qua. Một người đàn bà từ con đường khác đi đến, nhìn và gọi tên anh. Thì ra là Phạm Băng, bạn thân của chị Tô. Năm ngoái Triệu Ngư quen họ ở vũ trường bên sông Phủ Nam. Chị Tô chỉ là cách xưng hô, tuổi chị không lớn hơn Phạm Băng, chưa đến ba mươi tuổi. Phạm Băng hỏi anh đi đâu, anh trả lời về phố Lê Hoa. Phạm Băng nói: - Triệu Ngư, có phải anh có ôtô riêng không? - Xe của cơ quan đấy. - Xe của cơ quan càng tốt chứ sao, tại sao anh không đi ôtô? - Phạm Băng cười nói. - Vừa ăn cơm xong, dạo phố vãn cảnh một tí thôi. - Hình như anh thích đi dạo phố một mình thì phải. Lần trước gặp anh ở ngoài vũ trường thấy anh đi xe đạp phóng qua rất nhanh. - Đó là chuyện năm ngoái. - Vào đúng dịp tết năm ngoái. Thời gian trôi đi nhanh thật, loáng một cái đã hơn một năm rồi. Hai người chuyện phiếm, cùng đi một đoạn đường. Bỗng Phạm Băng nói: - Anh Triệu Ngư ơi, anh là con người rất hay đấy. - Triệu Ngư quay sang nhìn Phạm Băng. Phạm Băng nói tiếp: - Anh là người... Ồ, không biết nói thế nào cho phải nhỉ? Là người có xe nhưng không dùng, có chuyện nhưng không nói ra. - Tại sao chị biết tôi có chuyện nhưng không nói ra? - Triệu Ngư cười hỏi. - Tại sao anh không hỏi tôi về chị ấy? - Chị ấy là ai? - Anh biết tôi nhắc đến ai rồi còn gì. - Phạm Băng nói. - Có phải cô muốn nhắc đến chị Tô không? - Ngoài chị ấy ra, còn ai vào đây nữa? Tôi thấy anh, tôi gọi, lại đi cùng anh, cứ tưởng thể nào anh cũng hỏi thăm chị ấy. - Tôi có số điện thoại di động của chị ấy. - Ý anh là không cần phải hỏi thăm qua tôi, có việc gì sẽ gọi điện trực tiếp cho chị ấy phải không? - Tôi không có ý như vậy. Vừa rồi chị gọi tôi, tôi đã nghĩ ngay đến chị ấy, chỉ chưa nghĩ đến việc hỏi thăm chị ấy thôi. - Vậy bây giờ anh có muốn hỏi thăm chị ấy không? - Phạm Băng cười hỏi. - Tối nay các chị không đi khiêu vũ à? - Anh chỉ hỏi thế thôi ư? Đơn giản quá. - Phạm Băng đáp với vẻ thất vọng. - Đợi khi nào tôi gặp vấn đề phức tạp sẽ xin thỉnh giáo các chị. - Tôi khó nhận xét về anh quá. Không biết anh giản dị hay thâm trầm. - Phạm Băng thở dài. - Cứ nhận xét xấu về tôi cũng được. - Triệu Ngư vừa cười vừa nói. - Nếu bảo anh là người thâm trầm thì cũng không hẳn. - Phạm Băng nhìn anh nói. - Chắc cũng không đến mức ấy. Phạm Băng cười. Hai người men theo hè đường đi về phía trước không hề bận tâm đến cảnh tượng người xe nườm nượp trên đường. Phạm Băng rất vui khi có dịp nói chuyện như thế này, vừa tế nhị lại vừa thoải mái. Tế nhị ở đây không có nghĩa là chỉ nói chuyện nửa vời. Một người phụ nữ ba mươi tuổi lịch thiệp như Phạm Băng, chị thừa hiểu những điều tế nhị ở người đàn ông ở vũ trường, dưới ánh đèn mờ ảo, chị đã được nghe nhiều lần, thậm chí đã quen tai những lời úp mở của đàn ông, như thế không thể gọi là tế nhị được. Đó là sự tế nhị rất đáng nghi ngờ: nó ẩn chứa những điều hoàn toàn không tế nhị chút nào. - Thực bụng anh có muốn hỏi thăm chị ấy không? - Phạm Băng cười hỏi. - Vừa nãy tôi đã hỏi thăm rồi còn gì? - Ồ, anh chỉ hỏi có đi khiêu vũ không thôi. Tôi và chị Tô cùng nhảy một điệu tập thể rồi ra về, và vừa chia tay cách đây chừng mười phút. Nếu biết gặp anh thì tôi đã kéo cả chị ấy đến đây rồi. - Tại sao lại chỉ nhảy đến nửa chừng rồi bỏ về? Tôi nhớ mỗi tấm vé vào cửa là mười đồng chứ có ít đâu. - Bây giờ mới thấy anh hỏi đến vấn đề thứ hai. Tại sao chỉ nhảy đến nửa chừng ư? Rất đơn giản, vì không có bạn nhảy hợp ý. Triệu Ngư nghĩ: Bạn nhảy hợp ý ư?... - Anh nên hỏi vấn đề thứ ba đi thôi. - Phạm Băng nói. Không đợi Triệu Ngư trả lời, chị nói tiếp: - Thôi, anh đừng hỏi nữa, tôi cũng ngại trả lời lắm, chuyện của hai người, hà tất tôi phải lo lắng làm gì? Triệu Ngư nghĩ: Giữa hai người... giữa hai người là thế nào? Có chuyện gì giữa hai người? Triệu Ngư tự vấn mình về ba vấn đề, đầu óc trở nên căng thẳng. Anh vốn là một chuyên gia hay lơ đểnh vừa nói chuyện với Phạm Băng vừa tự hỏi mình. Vậy tại sao lại căng thẳng? - Các chị nhảy tập thể trông rất đẹp. - Triệu Ngư nói. - Tôi đẹp hay chị ấy đẹp? - Cả hai chị đều đẹp. - Tôi thấy anh nói không thật lòng. - Tôi thấy nhảy tập thể là hoàn chỉnh nhất. - Có điều anh cũng ngầm thừa nhận mình nói chưa thật lòng. Trong vũ trường, hình ảnh chị Tô đẹp như người trong mộng: Ánh đèn lung linh, động tác uyển chuyển, đôi mắt đưa tình... một người đàn ông hút thuốc say đắm nhìn chị, người đó chính là Triệu Ngư. Hôm đó vào mùa Xuân, giữa tháng Hai, chị Tô nhảy một lúc, liền cởi chiếc áo da, chỉ mặc áo sơ mi và quần bò. Chị mỉm cười bước đến bên Triệu Ngư mời anh nhảy. Triệu Ngư lúng túng, chị đã vui vẻ hướng dẫn anh... Đã đến phố Lê Hoa. Hai người chia tay nhau, Triệu Ngư nói: - Nhà bố mẹ vợ tôi ở đằng kia. - Nhà vợ anh? - Phạm Băng hỏi. Triệu Ngư gật đầu, Phạm Băng nhanh chóng mất hút trong dòng người. Nói đến vợ Triệu Ngư, Phạm Băng chỉ hỏi một câu duy nhất, chứng tỏ chị là người phụ nữ rất thẳng thắn. Chị Tô thì đẹp, Phạm Băng thì thẳng thắn, đây là mối quan hệ bạn bè rất lý thú, nói cách khác là mối quan hệ cộng sinh. Thẳng thắn là liều thuốc tốt để hóa giải vẻ đẹp. Triệu Ngư cười thầm trong bụng. Sự vật trên đời là vô cùng tận, trong khi đó sự hiểu biết của con người chỉ có giới hạn. Phải chăng chỉ khi nào tận mắt chứng kiến, bạn mới thật sự hiểu biết? Suy cho cùng, phải qua thực tiễn, bạn mới có sự hiểu biết chính xác. Nhưng cái thực tế mà bạn muốn biết lại thiên biến vạn hóa, không biết đâu mà lường, cái thực tế mà bạn nhận chẳng qua chỉ là một tảng đá. Ví dụ: cái búa là công cụ làm việc rõ ràng bạn nắm trong tay cái búa. Nhưng khi búa bị hỏng thì chỉ là vật vô tri vô giác trong tay bạn. Lại ví dụ như cái cửa: cái cửa là để mở ra, đóng vào, khi cửa có vấn đề hoặc đánh rơi chìa khóa thì cái cửa chỉ còn là tấm gỗ hoặc tấm sắt. Một người Đức ở thế kỷ mười tám đã nói một câu rất có ý nghĩa: Tất cả những cái ta nhận biết đều là tiền đề cho một lĩnh vực càng cao hơn, nó sẽ được nhận biết trong lĩnh vực này. Chính vì có thể nhận biết được nó nên nó mới không phải là cái tối cao. Triệu Ngư nghĩ: Mình nhận biết về mối quan hệ giữa mình với chị Tô và Phạm Băng nhưng tại sao họ lại không biết về điều này. Họ biết nhưng khác với những điều mình hiểu. Từ đó suy ra mình cũng không hiểu chính mình. Cái mình biết hiện nay khác với cái mình biết sau này. Bỗng nhiên Triệu Ngư nghĩ: Vậy mình đang ở trạng thái nào, mình đang ở giữa đường. Một người xuất phát từ một điểm khác, chị ta cũng đang ở giữa đường. Triệu Ngư nghĩ: Việc hai bên tiến lại gần nhau là rất dễ, chỉ cần gọi một cú điện thoại là xong. Nhưng đến gần nhau thì có ý nghĩa gì? Đi bên nhau, đi nhà hàng hoặc đi khiêu vũ có gọi là gần nhau không? Thời đại này rất dễ gần nhau, gần nhau bằng đủ mọi cách kể cả việc chưa quen nhau. Mọi người vừa gặp nhau lần đầu đã vội xóa bỏ khoảng cách. Gọi là xích lại gần nhau... nhưng thực ra chẳng gần chút nào. Khoảng cách chưa thể vội vã xóa đi được. Khoảng cách đích thực giữa người đàn ông và người đàn bà không thể nào xóa đi được, cái bị xóa chỉ là khoảng cách giả tạo. Hai người cùng tiến đến gần nhau, thậm chí đã chăn gối cùng nhau thì khoảng cách vẫn là khoảng cách: gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời. Hai đôi mắt gần nhau nhưng đó chỉ là những tinh thể. Mùa Thu năm ngoái, Triệu Ngư và chị Tô đã gặp nhau một lần. Triệu Ngư gọi điện cho chị, chị bảo kiếm một nơi nào đó ngồi nói chuyện. Thế là hai người hẹn nhau đến một quán trà ở Phủ Nam. Triệu Ngư đến sớm hơn đứng đợi dưới gốc cây, chị Tô đánh ôtô đến. Chị mặc áo sơ mi xanh, môi thoa son đỏ. Đây là lần đầu Triệu Ngư gặp chị giữa ban ngày. Chỉ một cú điện thoại nói với nhau vài câu, thế là họ gặp nhau. Chồng chị thường bay nhảy nay đây mai đó, đứa con bảy tuổi thì gởi ở trường. Bản thân chị tốt nghiệp học viện âm nhạc, hàng năm vẫn đi dạy pianô cho mấy đứa trẻ nhà giàu. Chị có học qua môn múa, đã từng đi biểu diễn múa, chị đặc biệt thích xem kịch, thích xem phim của châu âu. Cuộc sống của chị rất thoải mái, ít khi để thời gian nhàn rỗi vô ích. Mỗi tuần chị và Phạm Băng đến vũ trường vài lần, thả mình trong tiếng nhạc. Chị gặp Triệu- Ngư ở vũ trường. Thành phố Dung Thành có khoảng sáu, bảy triệu dân, nếu tính cả số nhân khẩu lưu động thì vào khoảng mười triệu người, con người là thứ mệt mỏi khiếp sợ nhất, trong cuộc sống chưa hề có tình hữu nghị, rất ít những người có thiện cảm thật sự. Hôm đó, họ ngồi ở quán trà cả mấy tiếng đồng hồ, bên ngoài người đi lại tấp nập... Câu chuyện giữa hai người luôn bị gián đoạn. Sau đó, chị Tô nhìn về phía rặng cây ven sông, hồi lâu không nói gì, ánh triều dương rọi chiếu trên khuôn mặt chị. Chị nhớ cậu con trai ở trường nội trú. Chị chăm chú nhìn Triệu Ngư, chị muốn thổ lộ tâm tình cùng anh. Triệu Ngư nói: Giam cầm trẻ em như thế không tốt đâu. Anh cố ý dùng từ "giam cầm". Một lát sau, anh lại nói: Những loại trường như thế gọi là trường quý tộc toàn con nhà giàu, bố mẹ học sinh cứ đua nhau đưa con vào trường để mua lấy hư danh, thật là ngốc nghếch. Chị Tô cúi gằm mặt xuống, chị nói: - Lúc nộp tiền tôi đã lưỡng lự mãi. - Chị đưa mắt nhìn Triệu Ngư. Tuy mới gặp nhưng họ rất có cảm tình với nhau, sau đó cứ tuần tự nhi tiến, trong mười tháng gặp nhau ba lần kể cả hai lần gặp ở vũ trường. Vào một buổi tối, Triệu Ngư gặp chị và Phạm Băng, anh đã đánh xe đưa họ đi một vòng. Chị Tô không ngờ lại có buổi gặp riêng ở quán trà. Người đàn ông này xem ra có vẻ hơi khác thường, trong anh toát lên một cái gì đó vừa thân thiết vừa có sức hấp dẫn. Hai người ngồi trong quán trà nói chuyện suốt mấy tiếng đồng hồ. Sau đó họ nói chuyện về Kinh kịch, chị Tô rất xúc động, mắt sáng lên, chị đứng dậy hát một đoạn trong Đả Ngư sát gia, giọng chị bay bổng như cánh chim. Triệu Ngư ngồi hút thuốc thưởng thức giọng ca, chiêm ngưỡng áo quần, thân hình thậm chí cả đôi giày của chị. Anh cũng bốc hứng đứng lên hát mấy câu trong bài Cát Gia Tân: "Đêm trăng thanh gió mát, ngồi ngắm cảnh núi sông, xóm làng chìm trong giấc ngủ...". Chị Tô vỗ tay khen hay. Kể từ sau ngày gặp nhau ở quán trà, họ chưa gặp lại nhau lần nào. Sau tết, chị Tô có gọi điện cho anh báo tin chị quyết định đến tháng Chín sẽ chuyển trường cho con trai. Khẩu khí trao đổi giữa họ cứ như mới ngồi với nhau ở quán trà vậy. Ngắm nhìn màn đêm, Triệu Ngư thấy cảm khái: thứ tình cảm trong ký ức sẽ không bao giờ phai mờ, không khí trong phòng trà vẫn đọng mãi trong tâm khảm anh suốt từ mùa Thu đến mùa Xuân. Suốt mấy ngày nay trong anh luôn phảng phất hình ảnh chị Tô. Giọng hát trầm bổng như cánh chim bay, anh lẩm bẩm một mình trong phòng làm việc. Không biết mùa Xuân chị sẽ ăn mặc ra sao? Anh rất thích chị mặc màu xanh, màu vàng, màu tím, màu tro. Chị Tô nói chị đã từng biểu diễn trên sân khấu kịch nhưng không mặc trang phục biểu diễn, vẫn mặc quần áo thường nhật, khán giả rất mến mộ. Triệu Ngư định cuối tháng Ba sẽ mời chị đến một quán trà khác, rộng rãi hơn, nhưng chị và chồng lại đi Thanh Đảo. Tháng Tư anh đi Cầu Khê thì gặp Lâm Hạnh Hoa. Triệu Ngư về đến nhà bố mẹ vợ, mọi người vẫn đang chơi mạt chược. Thương Nữ chỉ tay vào đồng hồ bảo đã chín giờ năm mươi phút. Anh đã về chậm năm mươi phút, đêm hôm chị rất sốt ruột về anh... Anh ngồi xuống bên cạnh vợ xem vợ chơi bài. Thương Nữ nói: - Anh chơi đi. - Hai người đổi chỗ cho nhau. Thương Nữ đang thắng, Triệu Ngư vào thay thua liền hai ván. Đánh thêm ván nữa cũng thua. Bà mẹ vợ cười ha hả. Có một ván lẽ ra anh có thể hòa nhưng anh cố ý để thua. Mười giờ, Tôn Kiện Quân gọi điện đến, hỏi anh có kế hoạch gì trong những ngày nghỉ lễ không. Do đánh mạt chược ồn ào, phải gào to trong máy, anh liền đưa máy cho Thương Nữ nghe. Thương Nữ ra ban công vừa nói chuyện vừa tận hưởng vị thơm của hoa nhài. Tôn Kiện Quân đề nghị mấy gia đình đi đến một nơi nào đó ở ngoại thành chơi có thể sớm đi tối về hoặc ngủ qua đêm. Thương Nữ nói đi dã ngoại ngủ qua đêm là ý rất hay nhưng không có túi ngủ. Tôn Kiện Quân cười bảo: - Không sao, khoang sau xe rộng lắm. - Phải mua túi ngủ thôi. - Thương Nữ nói. - Ở chỗ tôi có một cửa hàng bán các đồ du lịch, tôi sẽ mua hộ cô loại túi ngủ tốt nhất. - Anh cho mượn tiền mua nhé. - Tiền với nong cái gì, vài cái túi ngủ có đáng là bao. - Anh liên hệ với Lý Tiến và Tề Hồng trước đi rồi báo tin cho chúng em biết. - Ngày mai tôi sẽ liên hệ với họ. Thương Nữ, tôi đang rảnh rỗi đây, ta nói vài câu chuyện phiếm có được không? - Nam Tử đâu? - Thương Nữ hỏi. - Cô ấy đang xem ti vi, còn tôi vừa tắm xong đang nằm đọc sách. Tôi gọi điện cho Triệu Ngư không ngờ lại được nói chuyện với cô. - Anh ấy đang chơi mạt chược, không tiện trả lời. - Tôi có nghe thấy tiếng đánh mạt chược, tiếc quá, tối qua không thắng nổi cô. - Anh thắng rồi còn gì? - Thắng sơ sơ thì tính làm gì, coi như tối qua chúng ta hòa nhé! Hẹn hôm khác sẽ lại thách chiến, nhất định phải thắng cô vài chục điểm mới bõ, phải giải được mối hận trong đầu mới xong. - Tôn Kiện Quân cười bảo. - Thì ra anh hận lắm à? - Thương Nữ cũng cười. - Thù sâu oán nặng lắm. Ông trời thật chẳng công bằng chút nào, không cho tôi thắng cô. Ở đâu tôi cũng thất bại. Ví dụ lúc đi lễ ở miếu Tam Tô lại thuộc địa bàn của chồng cô, còn hôm ở nhà tôi thì lại bất tiện. Thương Nữ, cô bảo tôi phải làm thế nào để thắng được cô? - Có lẽ lần sau chơi, em sẽ thua anh. - Cô không được giả vờ thua, nếu giả vờ thua thì còn hứng thú gì nữa. Cả hai chúng ta nên chuẩn bị tinh thần cho thật tốt, đấu với nhau một trận thật ra trò xem rốt cuộc ai thắng ai. Ông trời hay đứng về phía cô quá, thật hết cách nói. Tôi sẽ quyết thắng cô một trận thật đích đáng. Thương Nữ, cô chuẩn bị ứng chiến nhé? - Nghe anh nói, em đã sợ phát khiếp lên rồi. Mai anh liên hệ ngay với anh Lý Tiến đi, có lẽ họ cũng muốn ra ngoại thành chơi đấy. - Con họ chưa đầy tuổi, chắc gì họ đã đi. Thương Nữ, tôi đã viết quyết chiến thư rồi đấy, cô hãy chuẩn bị mà tiếp chiêu. Tôn Kiện Quân càng nói càng bốc, như muốn nói thâu đêm suốt sáng. Khi nói đến chữ thắng, tâm hồn anh rạo rực, anh muốn đến ngay bên Thương Nữ. Anh nói liền một mạch đến bảy, tám chữ thắng, thật thỏa thích cái miệng. Một lúc sau, người vợ trẻ lên giường, anh tắt đèn, ôm ghì lấy vợ. Nam Tử cảm động đến rơi nước mắt. Tuy đang vui thú cùng vợ nhưng anh lại mơ về Thương Nữ, bụng anh thầm hỏi: Thương Nữ, em có thấy hạnh phúc, sung sướng không? Thương Nữ tắt máy trở lại phòng khách, bà mẹ nói: - Chơi ván này là ván cuối cùng đấy nhé. - Đánh thêm bốn ván nữa. - Triệu Ngư chạy lại nói. - Bây giờ đón con về là mười một giờ rồi, ngày mai còn cả một đống việc ở nhà đấy. - Thương Nữ nói với chồng. Thế rồi vợ chồng Triệu Ngư đánh xe đưa gia đình Thương Lực về Ma Tử Kiều rồi mới quay xe về nhà số 77 phố Cát Thắng. Lão Tào ra mở cổng nói với Triệu Ngư: Trưởng phòng đã về đấy à? Nói với Triệu Ngư xong lão quay sang nhìn Thương Nữ. Thương Nữ gật đầu chào lão. Cứ nghĩ đến cửa hàng làm sắc đẹp, tinh thần lão lại phấn chấn hẳn lên, chỉ tiếc là lão không còn cách nào để đến đơn nguyên bảy nữa, không còn cách nào để được tỏ tình dưới ánh trăng nữa. Buổi chiều tối Hà Tiểu Na đi ra phố nhưng lại có con trai đi kèm. Hà Tiểu Na ăn mặc rất chỉnh tề, có lẽ chị lại đi gặp một lão Tào nào đó. Vừa về đến nhà, Thương Nữ đã nhớ ngay đến giò phong lan do một đồng nghiệp ở công ty tên là Tiêu Lan tặng chị nhân dịp sinh nhật năm ngoái. Khi tặng giò phong lan, Tiêu Lan chỉ nói sơ sơ là bạn chị mua hộ giò phong lan này ở Vân Nam. Thương Nữ không hiểu được giá trị của phong lan nên nhận ngay. Mấy hôm sau, Triệu Ngư nói với chị giò phong lan ấy đắt tiền lắm đấy. Thương Nữ nói: - Làm gì có chuyện ấy, nếu đắt tiền thì đời nào bạn ấy lại tặng em? - Giò phong lan có bốn cái mầm, lá non xanh biếc, trông chẳng có gì hấp dẫn cả, nhưng Tiêu Lan bảo thể nào sang năm cũng ra hoa. Khi ra hoa nếu để trong phòng ngủ, hương hoa sẽ ngạt ngào. Triệu Ngư tập tạ tay, mồ hôi nhuễ nhại. Hai vợ chồng chuẩn bị đi ngủ. Theo thói quen, hai người cùng đi tắm, cùng kỳ cọ cho nhau. Thương Nữ chợt nhớ tới câu nói đùa của chị dâu: Không được lằng nhằng trong khi tắm. Khi tắm xong, Thương Nữ lấy khăn lau người, ông chồng kéo ridô cửa sổ lại. Đèn phòng khách bật sáng, con trai không có nhà nên cả hai người đều mình trần như nhộng, đi lại thoải mái trong phòng. Thương Nữ nói: Chỉ vài ngày nữa là bước sang mùa Hè rồi. Vào lúc giao thời giữa mùa Xuân và mùa Hạ, người ta có khối chuyện để hỏi nhau và có hỏi tất sẽ có trả lời. Hai vợ chồng hỏi lẫn nhau. Hỏi ở đây bằng một ngôn từ khác: từ cổ đến bụng hoặc bất cứ bộ phận nào trên cơ thể tùy ý. Đề tài cũ lại nảy sinh hứng thú mới. Chiếc giường cũ lại chuyển rung. Chiếc giường đủ rộng và vững chãi. Vẫn là chiếc giường cưới năm nào. Nói chính xác hơn, trước khi cưới, họ đã chăn gối với nhau rồi. Vào cái đêm Đông trời mưa tầm tã năm 1990, nước ngoài đường ngập sâu hàng mét, chiếc giường kiên cố đã lần đầu tiên rung lên. Đấy là chiếc giường cưới của người khác, trải qua nửa thế kỷ không biết nó đã chứng kiến bao nhiêu cặp trai gái làm tình rồi? Những đôi trai gái của những năm năm mươi hoặc năm bảy mươi đã bao nhiêu lần gửi trọn niềm vui cho nhau trên chiếc giường này? Song dục vọng chỉ là dục vọng, nó chỉ cố thủ lãnh địa của nó, không mở rộng ra, không biến thành "những chuyện động trời" như hôm nay. Nếu dục vọng được phóng đại lên, nó sẽ trở thành một không gian hết sức vô duyên. Giường, đèn ngủ, phòng ngủ được sắp đặt đơn giản. Song giường sẽ mãi mãi là chủ đề chính. Chiếc giường cưới mười năm không biết đã chứng kiến mấy nghìn đêm cuồng dục và những ngôn từ về tình yêu... Thương Nữ vuốt lại mái tóc, thỏ thẻ với đức ông chồng đang thở hổn hển: - Nghỉ một lát đi, anh yêu, anh mệt rồi đấy. - Xem ra anh hùng cũng khó tránh khỏi mĩ nhân. - Triệu Ngư cười. - Anh lại nói thế rồi, vẫn cái tính nết ấy, chết vẫn không chịu sửa. - Đã gọi là tính nết thì khó sửa lắm. - Nói xong anh cười rồi nói tiếp: - Tính nết vẫn như xưa thôi. - Anh nói tiếp đi, để xem hôm nay anh nói được những gì.