Triết gia Schopenhauer bảo: “Khắp thế giới không có gì ích lợi, nâng cao tâm hồn con người bằng các Upanishad. Nó an ủi đời sống của tôi, nó sẽ an ủi tôi khi chết”. Không kể mấy đoạn văn trong Potah-hotep[1] thì Upanishad là một tác phẩm triết lí và tâm lí cổ nhất của nhân loại, công trình kiên nhẫn nhất và cực kì tế nhị mà loài người đã gắng thực hiện để tìm hiểu những bí mật của tâm linh và thế giới. Upanishad cổ như tác phẩm của Homère mà đồng thời lại mới như học thuyết của Kant. Tên đó gồm chữ upa nghĩa là gần, và chữ shad nghĩa là ngồi. Theo nghĩa gốc, Upanishad là “ngồi gần” thầy, từ đó chuyển ra nghĩa: bí giáo mà các ông thầy truyền cho các môn sinh thân tín. Có tám trăm bài giảng soạn vào khoảng từ 800 đến 500 trước công nguyên, tác giả là các vị thánh hay hiền. Tám trăm bài giảng đó không gồm thành một hệ thống triết lí mạch lạc, mà chỉ là những ý kiến rời rạc, những đại cương và bài giảng của nhiều nhà không có tinh thần phân biệt triết lí và tôn giáo mà muốn tìm hiểu chân lí giản dị, căn bản khuất ở sau cái bề mặt thiên hình vạn trạng của mọi vật, tìm hiểu rồi thành kính nhập vào với chân lí đó. Trong các Upanishad có nhiều chỗ vô lí, mâu thuẫn, ngây thơ, đôi khi có cái thật rườm rà mông lung của Hegel, nhưng nhiều đoạn chứa những tư tưởng sâu sắc nhất trong lịch sử triết lí. Chúng ta biết được tên vài tác giả, nhưng không biết chút gì về đời sống của họ, trừ ít điều họ nói về chính họ trong các bài giảng. Những nhân vật linh động nhất: Yajnavalkya – đàn ông – và Gargi – đàn bà – đáng kể là những triết gia cổ nhất, Yajanvalkya có giọng sắc bén, gay gắt hơn Gargi. Các tôn sư và các bạn đồng chức của ông coi ông là có óc canh tân nguy hiểm, nhưng hậu thế cho học thuyết của ông là cột trụ của chính giáo đáng tin nhất. Chính ông cho ta biết ông đã rán bỏ hai bà vợ để tu khổ hạnh ra sao, và đọc đoạn mà một bà vợ, bà Maitreji, gắng thuyết phục ông để bà đi theo, chúng ta thấy được trong mấy ngàn năm Ấn Độ đã nhiệt tâm tìm hiểu tôn giáo và triết lí ra sao: Và lúc đó Yajanavalkya sắp đổi đời sống, bảo: “Maitreyi, anh sắp bỏ xứ này đây. Để anh quyết định số phận cho em và cho Katyayani”. Maitreyi bèn hỏi như vầy: “Nếu em làm chủ được cả trái đất và những của cải trên đó thì em có chắc bất tử không?”. Yajanvalkya đáp: “Không, không, không thể hy vọng bất tử nhờ của cải được”. Maitreyi bèn nói: “Những cái không làm cho em bất tử được thì em dùng nó vào việc gì? Xin anh giảng cho em hiểu”. Đề tài căn bản trong các Upanishad là tất cả những bí mật của thế giới không sao hiểu được này: “Chúng ta sinh ra từ đâu? Chúng ta sống ở đâu? Chúng ta về đâu? Ông là người biết Brahman, xin ông giảng cho chúng tôi biết do lệnh của ai mà chúng tôi sống trên cõi đời này… Phải do thời gian, do thiên nhiên, do tất nhiên hay ngẫu nhiên, hay là các nguyên tố[2], hay do đấng mà người ta gọi là Purusha – tức Đấng Tối Cao? Ấn Độ có vô số những người “không cầu thành triệu phú mà chỉ mong có người giải đáp những thắc mắc của họ. Trong Upanishad Maitri chúng ta thấy một ông vua từ bỏ ngôi quí, vô rừng sống đời khổ hạnh, luyện trí tuệ, rán tìm hiểu bí mật của vũ trụ. Sau ngàn ngày khổ hạnh, ông thấy một vị hiền triết “hiểu biết linh hồn” bước tới, bèn hỏi: “Ông biết linh hồn ra sau không, xin ông chỉ cho tôi”. Vị hiền triết đó khuyên: “Lựa ý muốn khác đi”. Nhưng nhà vua vẫn nằng nặc đòi biết về linh hồn, và trong đoạn dưới đây mà chính Schopenhauer cũng phải nhận là có giọng rất bi đát, nhà vua nói lên cái ghê tởm của cuộc sống, nỗi sợ hải tái sinh nó lởn vởn trong tâm hồn dân tộc Ấn Độ: Trong cái thân thể phù du và nặc xú khí này, gồm xương, da, thịt, bắp thịt, tuỷ, tinh dịch[3], máu, dãi, nhớt, nước mắt, nước bọt, phân, nước tiểu, hơi thối, mật, đâu là phần vui, đâu là phần ham muốn? Trong cái cơ thể đau khổ vì ngàn ngày này: ưu tư, tham vọng, vỡ mộng, sợ sệt, thất vọng, ghen tị, phải xa người yêu, phải gần người ghét, đói khát, già, chết, đau ốm, buồn bã vân vân, đâu là phần vui, đâu là phần ham muốn? Chúng ta thấy thế giới chung quanh tàn diệt như ruồi muỗi, cỏ cây, hết thảy đều sinh rồi tử… Chúng ta thấy biển cạn, núi sụp, sao bắc đẩu di chuyển đi trong cuộc vận hành… thấy đất chìm dưới biển… Trong kiếp người, con người sống nhờ đất rồi lại trở về với đất thì còn gì là vui thích và ham muốn? Bài học đầu tiên các hiền triết trong Upanishad dạy cho môn đệ là sự bất túc của trí tuệ. Làm sao bộ óc yếu ớt này, mới tính toán một lát đã nhức nhối, mà đòi hiểu được cái bao la cực kì phức tạp của vũ trụ mà nó chỉ là một phần nhỏ phù du? Không phải là trí tuệ vô ích: nó có địa vị của nó, địa vị rất khiêm tốn thật đấy và nó giúp ích ta được rất nhiều khi nó cho ta biết các sự vật và các mối liên quan. Nhưng trước cái vĩnh cửu, vô biên, hoặc trước các nguyên tố của các thực thể thì nó yếu ớt, lảo đảo làm sao! Trước các thực thể thầm lặng, nó là cái nòng cốt của thiên hình vạn trạng bề ngoài, và từ mọi lương tâm toả ra, chúng ta cảm thấy cần có một cơ quan cảm giác tri thức khác hoàn hảo hơn ngũ quan và lí trí của ta. “Không phải nhờ học mà hiểu được Atman (tức linh hồn thế giới), có thiên tài không đủ, học trong sách cũng không đủ… Một tu sĩ Bà La Môn phải từ bỏ sự học đi mà trở lại như một em bé… đừng chạy theo từ ngữ nữa, chỉ mỏi miệng vô ích thôi”. Như Spinoza sau này nói, sự tri giác tuyệt cao là sự tri giác trực tiếp, sự đốn ngộ, như Bergson nói, nó là sự trực giác, cái “giác” tự thâm tâm sau khi đã tự ý hết sức khép kín cánh cửa của ngũ quan. “Cái Brahman[4] tự túc được, đã đục những cửa của ngũ quan để ngó ra ngoài, vì vậy con người ngó ra ngoài mà không ngó vào thâm tâm mình, nhưng một vị hiền triết nhắm mắt lại, và muốn được bất tử, có thể thấy được cái “ngã” núp ở phía sau”. Nếu một người nhìn vào trong nội tâm mà không thấy gì cả, thì đó là một chứng cớ rằng sự nội quan của người đó đúng, vì con người mà còn chìm đắm trong cái phù du, cái đặc thù thì không thể thấy được cái vĩnh cửu ở trong tâm. Muốn cảm thấy cái thực thể nội tâm đó thì trước hết phải tự gột sạch mọi hành động, mọi ý nghĩ xấu xa, mọi náo động của thể chất và tâm hồn đã. Muốn vậy phải nhịn ăn và chỉ uống nước thôi trong hai tuần lễ, như vậy tinh thần như được cái đói dẫn dắt tới cõi bình tĩnh, ngũ quan được trong sạch và hoàn toàn an ổn, tinh thần bình tĩnh rồi mới có thể tự cảm thấy nó và cảm thấy cái biển mênh mông của linh hồn mà nó chỉ là một phần tử, sau cùng cá nhân biến đi và cái Đơn nhất cái Thực thể hiện lên. Vì nhìn vô nội tâm, con người minh triết không thấy cá nhân của mình – bởi lẽ cá nhân đó chỉ là một loạt những trạng thái ý thức nối tiếp nhau, chỉ là thân thể nhìn từ phía trong – mà thấy cái Atman[5] cái Ngã của mọi cái ngã, Linh hồn của mọi linh hồn, cái Tuyệt đối vô hình vô sắc nó bàng bạc chung quanh ta mỗi khi ta tự quên mình đi. Đây là giai đoạn thứ nhất trong bí giáo đó: người ta nhận thấy bản thể cái “ngã” của ta không phải là thể chất, không phải là tinh thần, cũng không phải là cái ngã cá nhân, nhưng là cái gì sâu thăm thẳm, vô hình vô thanh ở trong nội tâm ta, cái đó là Atman. Giai đoạn thứ nhì là Brahman[6], bản thể của thế giới không thể đụng chạm được [nghĩa là vô hình, vô sắc vô thanh] nó xâm nhập tất cả, không có cá tính mà có trung tính[7], nó gồm hết thảy là căn bản của hết thảy, là cái “Thực thể của thực thể”, nó là Linh hồn của mọi linh hồn, nó là sức mạnh duy nhất vượt ra khỏi, vừa ở trên vừa ở dưới mọi sức mạnh và mọi vị thần: Viagda bèn hỏi Yajnavalkya: “Ở đó có hết thảy bao nhiêu vị thần?”. Yajnavalkya đáp: “Bài thánh ca dâng lên tất cả các vị thần ghi bao nhiêu vị thì ở đó có bao nhiêu vị, nghĩa là ba trăm lẻ ba và ba ngàn lẻ ba”. “Phải, nhưng đúng ra ở đó có bao nhiêu vị thần, hỡi Yajnavalkya?”. “Ba mươi ba”. “Phải, nhưng đúng ra ở đó có bao nhiêu vị thần, Yajnavalkya?”. “Sáu”. “Phải, nhưng đúng ra ở đó có bao nhiêu vị thần, Yajnavalkya?”. “Hai”. “Phải, nhưng đúng ra ở đó có bao nhiêu vị thần, Yajnavalkya?”. “Một rưỡi” “Phải, nhưng đúng ra ở đó có bao nhiêu vị thần, Yajnavalkya?”. “Một vị một”. Giai đoạn thứ ba quan trọng hơn cả: Atman và Brahman chỉ là một. Linh hồn (không có tính cách cá nhân) hoặc các sức mạnh ở trong đồng hoá với linh hồn của thế giới. Các Upanishad lặp đi lặp lại hoài thuyết đó để ghi sâu vào óc tín đồ. Vượt ra ngoài tất cả các hình thức, ở phía sau tất cả các giả tướng che phủ cái chân tướng, thì chủ thể và khách thể chỉ là một, chính chúng ta – xét về phương diện thực thể phi cá tính hoá, và Thượng Đế - bản thể cùng vạn vật chỉ là một. Thiên, nhân đồng thể, hợp nhất. Một vị tôn sư đã diễn ý đó trong ngụ ngôn bất hủ dưới đây: “Đem lại cho ta một trái sung” “Thưa tôn sư, đây” “Bửa nó ra” “Thưa tôn sư, con bửa rồi đây” “Con thấy gì?” “Thưa tôn sư, con thấy nhiều hột nhỏ” “Cắt một cái hột đi” “Thưa tôn sư, con cắt rồi đây” “Con thấy gì?” “Thưa tôn sư, con chẳng thấy gì cả” “Đúng vậy đấy, con, chính từ cái bản thể tế vi đó mà phát sinh ra cây sung lớn. Con tin thầy đi, chính cái bản thể tế vi đó là linh hồn của cả vũ trụ. Nó chính là cái Thực thể. Chính là Atman: Tat tvam asi – chính là con đấy, Shwetaketu ạ” “Thưa tôn sư, con có cần phải hiểu thêm gì về điều đó nữa không?” “Thôi, bấy nhiêu thôi”. Đoạn biện luận đó về Atman, Brahman và sự tổng hợp Atman và Brahman đó hơi có cái khí vị của Hegel, chính là tinh tuý của các Upanishad. Đành rằng trong các Upanishad còn nhiều thuyết nữa, nhưng thuyết nào cũng phụ thuộc vào thuyết đó cả. Chẳng hạn chúng ta còn thấy thuyết luân hồi[8] và cái nguyện vọng mong được thoát khỏi (Moksha) vòng luân hồi. Janaka, quốc vương Videha, xin Yajnavalkya chỉ cho cách khỏi phải tái sinh, và Yajnavalkya bèn giảng cho nhà vua thuyết Yoga: có thể dùng phép luyện tinh thần của các nhà tu hành khổ hạnh mà diệt được tất cả các tư dục, không còn là một phần tử của thế giới gồm các cá thể nữa mà hợp nhất với Linh hồn của vũ trụ trong niềm vui cực kì, như vậy là khỏi phải tái sinh. Nhà vua phục thuyết đó quá, bảo: “Thưa tôn sư, tôi xin dâng tôn sư cả thần dân Videha và chính thân tôi nữa, tôi xin làm nô lệ cho tôn sư”. Cái cảnh giới Yajnavalkya hứa với nhà vua mộ đạo đó thật khó hiểu, vì trong cảnh giới đó không còn ý thức cá nhân, cá nhân đã nhập vào Thực thể (Être), phần tử tạm thời tách ra đã hợp nhất lại với Toàn thể. “Sông đổ vào biển và mất cả tên, cả hình thể, nhà hiền triết cũng vậy, bỏ được cái tên và hình thể rồi, nhập vào Thượng Đế vượt lên trên tất cả”. Người phương Tây mà từ tôn giáo tới các chế độ chính trị, kinh tế đều thấm nhuần chủ nghĩa cá nhân, dĩ nhiên là không thích một thuyết như vậy về sinh, tử. Nhưng thuyết đó đã làm thoả mãn tinh thần triết lí Ấn Độ một cách bền bỉ lạ thường. Từ Phật Thích Ca tới thánh Gandhi, từ Yajnavalkya tới thi hào Tagor, triết lí trong Upanishad đó, thần học nhất nguyên luận đó đã chi phối tư tưởng Ấn Độ và cho tới ngày nay xứ đó trọng các Upanishad cũng như phương Tây trọng Tân Ước vậy – coi là một tín ngưỡng cao cả tuy không phải mọi người thực hành, nhưng mọi người đều chấp nhận, tôn sùng. Và ngay ở châu Âu, châu Mỹ, môn thần học đó (théosophie) đã được hàng triệu người theo, từ những phụ nữ cô độc, những thường nhân chán ngán, không muốn sống nữa, tới những triết gia như Schopenhauer, Emerson. Ai có ngờ đâu rằng đại triết gia Mỹ về chủ nghĩa cá nhân lại diễn được đúng tới mức đó thuyết của Ấn Độ rằng cá thể chỉ là ảo ảnh. ------------BRAHMA Màu đỏ sát nhân nó biết rằng nó giết người,Hoặc nạn nhân biết rằng mình bị giết,Nhưng cả hai đều không biết những con đường bí mậtMà ta theo, đi qua rồi đi lại. Ở xa hay bị quên, tức là ở gần ta đó.Bóng tối và ánh sáng mặt trời chỉ là một,Các thần thánh đã khuất lại hiện ra với ta,Và đối với ta, vinh và nhục chỉ là một. Những kẻ nào bỏ ta là vụng suy,Ta là những cánh đưa họ bay bổng,Ta nghi ngờ và là sự nghi ngờ,Và ta là thánh ca mà người Bà La Môn hát lên.
[1] Một vị tể tướng Ai Cập ở thế kỉ 29 trước công nguyên, tác giả một cuốn về cách trị dân và xử thế. (ND).[2] Tức nước, lửa, đất, gió, tức như Trung Hoa gọi là hành (trong ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). (ND)[3] Sách in là tinh trùng, tôi sửa lại là tinh dịch. Nguyên văn tiếng Anh là semen. (Goldfish).[4] Coi chú thích trang sau. (ND).[5] Chưa rõ nguồn gốc tiếng này, có lẽ mới đầu nó trỏ cái linh khí như từ ngữ La Tinh spititus, rồi trỏ cái khí, sau trỏ linh hồn. [6] Từ ngữ Brahman ở đây trỏ linh hồn của vũ trụ, không nên lầm với Brahma (Phạn Thiên), một trong ba vị thần tối cao Ấn Độ (Brahma, Vichnou, Shiva), cũng không nên lầm với Bà La Môn (Brahmane), một hạng tu sĩ. Nhiều người quên không phân biệt như vậy và dùng Brahma với nghĩa Brahman. [7] Trong số các triết gia tôn giáo, các tư tưởng gia của Ấn Độ, rất ít nhà nghĩ tới thuyết thần nhân đồng hình (anthropromorphisme), nghĩa là thuyết cho rằng thần cũng có hình thể như con người. Ngay cả trong những thánh ca xuất hiện sau nhất trong kinh Rig-veda, đại danh từ trỏ Thượng Đế lúc thì thuộc giống đực, lúc lại thuộc giống cái, hoặc thuộc trung tính (không đực, không cái), để tỏ rằng Thượng Đế ở trên cao hết thảy và ở ngoài cái “tính” (sexe). [8] Thuyết đó xuất hiện lần đầu trong Upanishad Satapatha: trong đời mà làm bậy thì khi chết, các thần linh bắt phải đi đầu thai. Hầu hết các dân tộc bán khai tin rằng linh hồn một người có thể nhập vào một loài vật và ngược lại, linh hồn loài vật cũng có thể nhập vào con người. Có lẽ do tín tưởng đó mà các dân tộc tiền-Aryen ở Ấn có thuyết luân hồi.
°
° °
[1] Một vị tể tướng Ai Cập ở thế kỉ 29 trước công nguyên, tác giả một cuốn về cách trị dân và xử thế. (ND).[2] Tức nước, lửa, đất, gió, tức như Trung Hoa gọi là hành (trong ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). (ND)[3] Sách in là tinh trùng, tôi sửa lại là tinh dịch. Nguyên văn tiếng Anh là semen. (Goldfish).[4] Coi chú thích trang sau. (ND).[5] Chưa rõ nguồn gốc tiếng này, có lẽ mới đầu nó trỏ cái linh khí như từ ngữ La Tinh spititus, rồi trỏ cái khí, sau trỏ linh hồn. [6] Từ ngữ Brahman ở đây trỏ linh hồn của vũ trụ, không nên lầm với Brahma (Phạn Thiên), một trong ba vị thần tối cao Ấn Độ (Brahma, Vichnou, Shiva), cũng không nên lầm với Bà La Môn (Brahmane), một hạng tu sĩ. Nhiều người quên không phân biệt như vậy và dùng Brahma với nghĩa Brahman. [7] Trong số các triết gia tôn giáo, các tư tưởng gia của Ấn Độ, rất ít nhà nghĩ tới thuyết thần nhân đồng hình (anthropromorphisme), nghĩa là thuyết cho rằng thần cũng có hình thể như con người. Ngay cả trong những thánh ca xuất hiện sau nhất trong kinh Rig-veda, đại danh từ trỏ Thượng Đế lúc thì thuộc giống đực, lúc lại thuộc giống cái, hoặc thuộc trung tính (không đực, không cái), để tỏ rằng Thượng Đế ở trên cao hết thảy và ở ngoài cái “tính” (sexe). [8] Thuyết đó xuất hiện lần đầu trong Upanishad Satapatha: trong đời mà làm bậy thì khi chết, các thần linh bắt phải đi đầu thai. Hầu hết các dân tộc bán khai tin rằng linh hồn một người có thể nhập vào một loài vật và ngược lại, linh hồn loài vật cũng có thể nhập vào con người. Có lẽ do tín tưởng đó mà các dân tộc tiền-Aryen ở Ấn có thuyết luân hồi.