Chương 8

Sớm hôm sau, vừa gặp Thuật, Dương đã mỉm cười đoạn vỗ vai Thuật:
- Anh có lời mừng cho chú nhé. Chả trách người ta vẫn nói: "Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân!" 1
Thuật nhìn Dương, không hiểu.
Dương cười ha hả và càng làm ra dáng bí mật bảo bạn rằng:
- Chú nó còn cứ vờ mãi! Thà nói phăng ra để anh em mừng cho...
- Anh này mới lạ chứ!... Chiêm bao hay dở người đấy chả biết?...
- Không chiêm bao mà cũng chẳng dở người tí nào cả.
- Thế thì anh là người khó hiểu nhất đời!
- Khó hiểu mà cũng dễ hiểu nhất đời!
Thuật tò mò hết sức. Anh đoán chắc có câu chuyện gì khác thường và toan cố gặng hỏi thì đã đến giờ làm việc, máy trục đã đưa lô-ri từ dưới lòng đất lên. Thuật, Dương và bốn người kia cùng xuống lò. Thấy đông đủ, Thuật ngượng không dám gạn hỏi Dương nữa.
Trong cái lò than tối mịt, sáu người cắm đầu cắm cổ làm vệc dưới sáu ngọn đèn dầu sở lung lay nhiều khói hơn ánh sáng. Họ ra sức làm, cố nạo ở lòng đất lấy đủ cơm ăn áo mặc. Công việc khổ sai ấy họ phải làm mà kỳ thực họ chán nản không biết chừng nào, chán nản hơn hết trong số sáu người ấy là Thuật. Câu chuyện úp mở của Dương làm anh chàng luôn luôn bồn chồn như phải kiến đốt. Anh khó chịu lắm, càng khó chịu càng nóng biết câu chuyện của Dương. Thuật bứt rứt lắm, những nhát cuốc anh ta bổ vào thành lò như dằn dỗi, như nóng nẩy vì trong lúc ấy trí anh làm việc rất dữ. Anh hết đoán thế này lại đoán thế khác vì anh hiểu lờ mờ ngay từ lúc đầu rằng chuyện này có liên can đến Tép.
Trong hơn mười tiếng đồng hồ, Thuật tuy làm việc một cách chán nản, không chăm chỉ và hăng hái hơn mọi khi mà thực ra anh mệt nhọc nhiều lắm. Bởi thế nên goòng than thứ bảy vừa xúc đầy xong, anh quăng chiếc cuốc chim, thở mạnh một cách khoan khoái chẳng khác chi người tù được mãn hạn.
Thế rồi cả bọn kéo nhau ra khỏi lò, trèo cả vào lô-ri. Thế rồi họ cùng nhau tản ra mặt đất, được trả lại ánh sáng, trả lại sự nghỉ ngơi.
Thuật nhân lúc Dương đi tách ra một nơi bèn lại gần Dương và khẽ hỏi:
- Thế nào? Câu chuyện sáng nay anh có thể nói cho tôi rõ được không hay là anh nhất định cứ úp mở như thế?
Dương vờ ngớ ngẩn:
- Kìa thế đằng ấy chưa biết thật à?
- Biết thế nào được? Ai nói cho mà biết. Có anh, anh chẳng bảo thì thôi chứ...
- Nói đùa đấy! Tớ định trêu cu cậu để xem có nóng ruột không thì tớ cười chơi đó thôi.
- Anh thế mà ác!
- À, đã bảo ác thì đây ác vậy!
- Không... Không! Lành lắm!...
- Ừ có thế chứ! Câu chuyện hay lắm kia. Hôm qua ấy mà, Tép nó lại chơi đằng tôi...
Thuật dỏng tai.
- Tép lại chơi đằng tôi và hỏi mãi về chú...
Thuật đỏ mặt.
- Ừ ừ!...
- Nói thật đấy. Nó nhắc lại câu tôi nói hôm nọ...
- Anh nói câu gì?
- Hôm chúng ta đi làm gặp nó ấy mà. Hôm ấy tôi chẳng nói đùa một câu: "A, này, Thuật tử tế với cô Tép đáo để!" Mình cũng là vui miệng nói chơi, ai ngờ cô ả để ý. Thì ra xưa nay, Tép bị người ta ghét bỏ nhiều quá nên khi nói có người tử tế với nó, hình như nó không dám tin.
Nó không dám tin chứ không phải là nó không tin hẳn, chú nghe chưa? Vì nó còn để tâm đến câu nói ấy và cật vấn tôi mãi...
Cảm động, Thuật khẽ giấu một tiếng thở dài...
- Nó hỏi săn hỏi đón mãi rằng câu tôi nói hôm ấy là nghĩa thế nào? Tôi thương hại bèn cắt nghĩa cho nó nghe và nhắc lại tất cả những câu anh đã nói hôm chúng ta uống rượu ở nhà tôi.
Dương ngừng một lát.
Thuật vẫn nín lặng, không dám hỏi...
Nghe xong, nó bùi ngùi như muốn khóc. Phải, ai chả thế! Khi hết thảy cùng độc ác bất công với mình mà chợt nghe trong số các người mình vẫn sợ hãi, ngờ vực và lẩn tránh ấy có một người không những không a dua khinh ghét mình lại còn cố hiểu thấu nỗi khổ của mình và xót thương cho mình nữa thì ngay đến tôi, tôi cũng phải ứa nước mắt. Nó tần ngần một lúc lâu, ra ý cảm động quá. Sau cùng nó đứng dậy và khi sắp ra về, nó khẩn khoản dặn tôi một câu...
- Tép dặn anh câu gì?
- Nó dặn tôi hễ có gặp anh thì cảm ơn anh hộ nó.
Thuật cúi đầu, cảm thấy vừa não nùng vừa sung sướng. Thương xót vẫn là một cảm tình vị tha nhưng xưa nay vẫn thế: Mình thương người bao giờ cũng cảm thấy một sự êm ái. Nếu tình thương ấy chính là người được thương lại hiểu rõ sự êm ái càng thấm thía không biết chừng nào.
Thuật không phải là một nhà tâm lý để hiểu rằng từ lúc biết được anh ta thương, Tép vui sướng lắm; nỗi đau của Tép chắc đỡ được nhiều. Thuật lại tự lấy làm thỏa lòng rằng tình thương của mình đã làm cho người con gái cô đơn ấy được an ủi, vỗ về. Thuật nhắc lại cái tư tưởng mà anh chợt có hôm nào: "Khốn nạn! Cái vui, cái sướng của bọn nghèo khổ trơ trọi thực chẳng đắt đỏ là bao!...".
Thế rồi tình thương trai gái bao giờ cũng mở đầu cho tình yêu, Thuật nghĩ liên miên đến Tép với nhiều sự sắp đặt êm ái ở trong lòng.
Dương từ nãy vẫn liếc nhìn Thuật. Thấy bạn nín thinh mãi, Dương khẽ vỗ vai bạn, cười và nói:
- Thế nào? Cả anh nữa sao cũng thừ người ra thế?
Thuật tỉnh giấc mơ, lúng túng cãi:
- Không, tôi có việc gì đâu? Tính tôi không hay nói nhiều thì có!...
- Thôi đừng bịt mắt ông quỷ cốc này nữa đi! Đây biết tỏng cả rồi! Lại nghĩ đến cô nó chứ gì?
Thuật xấu hổ cãi lại:
- Anh chỉ được cái nói nhảm!
- Hừ! Anh mà lại nói nhảm!... Biết điều thì cứ nói thật cùng anh, công việc lại dễ mười phần vì thực lòng anh cũng muốn cho hai đứa lấy nhau.
Mặt đỏ như gấc chín, Thuật đáp lại nửa đùa nửa thực:
- Nếu thế thì hay quá. Chỉ sợ anh không có bụng vun vào cho mà thôi...
- Sợ như thế là sợ thừa! Có anh còn e chú thì có!
- Sao anh lại còn e tôi?
- E hẳn chứ lại? Này nhé, thương một người con gái bị ghét bỏ, rẻ rúng dù sao vẫn còn là một việc mà phàm ai có lòng tốt cũng làm được. Chứ như người con gái bị đeo tai mắc tiếng thì anh xem chừng khó lắm!
- Chẳng khó gì cả! Người ta vẫn thường lấy đĩ về làm vợ chứ...
Biết mình nói nhỡ lời, Thuật vội chữa:
- Huống hồ Tép chỉ là một cô con gái bị hà hiếp một cách đáng thương. Vả lại mình lấy vợ cho mình chứ lấy vợ cho ai mà sợ?
- Ừ, nếu nghĩ được vậy thì khá lắm. Tuy thế tôi cũng vẫn còn e ông bà cụ ở nhà.
- Đấy lại là chuyện khác. Miễn là anh cứ sẵn lòng giúp cho.
- Cái này thì chú cứ tin ở anh!
Đến chỗ rẽ về nhà Thuật, hai người từ biệt nhau bằng hai nụ cười.
Thuật bước chậm lại; đầu cúi về đằng trước như nặng những ý nghĩ. Mà Thuật nghĩ ngợi lung lắm. Thuật nghĩ về câu chuyện nhân duyên của mình, bày ra rồi xóa đi trong tưởng tượng mộc mạc không biết bao nhiêu cảnh êm đềm về tương lai.
Thoạt đầu, Thuật nghĩ đến cha mẹ, cũng lấy làm lo. Ừ, lấy một người con gái đã mang tai mắc tiếng như Tép, Thuật chắc hẳn cha mẹ anh sẽ không ưng cho nào. Người ta ai chả thế! Tha thứ một điều lỗi, dù điều lỗi đó chỉ là một điều lỗi tưởng tượng cho kẻ khác bao giờ cũng vẫn khó. Cha mẹ anh sẽ viện điều này lẽ khác đẽ từ chối, sẽ mỉa mai khinh bỉ Tép bằng những lời nói sâu cay cũng không biết chừng. Thuật lo lắm. Nhưng rồi sau Thuật lại nghĩ rằng nếu anh hết sức biện bạch cho Tép thì cha mẹ anh rồi cũng nghe ra. Anh đã bênh vực Tép trước một đám bạn bè. Anh sẽ bênh vực Tép trước cha mẹ anh. Mà cái việc này mới thật là một việc đáng quý. Tuy anh không rõ hẳn mà anh cũng cảm lờ mờ thấy cái giá trị cao quý của việc anh sẽ làm. Vả lại, anh cho rằng như thế thì anh mới tỏ ra được một cách đầy đủ cái tình yêu của anh đối với Tép.
Nghĩ đến tiếng yêu, Thuật thấy lòng phơi phới cảm động... Phải, anh đã yêu Tép từ lâu mà không tự biết. Anh yêu Tép ngay từ cái hôm thấy bọn con trai thô tục nó chửi bới Tép ở trên đường.
Tuổi trẻ bao giờ cũng sẵn sàng tin cậy ở tương lai. Thuật nhận biết lòng mình yêu Tép thì anh tin ngay rằng không có một sự ngăn trở gì trên đời lại có thể chia rẽ anh với Tép được. Cha mẹ anh sẽ hiểu rõ cái khổ sở của Tép, sẽ thương xót và phàn nàn cho Tép, sẽ cho hai người tự do lấy nhau. Thuật sẽ yêu mến Tép hết lòng, sẽ che chở cho Tép, và vô phúc đứa nào dám đả động đến Tép, Thuật sẽ đánh cho sặc máu ra đằng mồm cho nó biết đừng nên trêu vào Tép nữa.
Yên chí như thế, Thuật cho là công việc đã xong xuôi đâu đó như ý muốn rồi. Anh thảnh thơi bày đặt ra trong tưởng tượng cái cảnh êm đềm của cuộc đời anh và Tép về mai sau. Cái cảnh ấy, anh cho là có thể thực hiện được, không khó khăn gì hết vì dù nó là một hạnh phúc, cái hạnh phúc của hai người, nghèo khó, thấp hèn, chẳng có chi là cầu kỳ cả.
Vậy hai người cứ sống chung với nhau dưới một nóc nhà tranh. Thuật sẽ đi làm để lấy tiền chi vào cuộc sống của gia đình, cũng như Tép. Ông bố Thuật lúc ấy có thể cứ rượu chè cờ bạc hết cái số tiền ông ấy kiếm được. Mẹ anh sẽ không phiền muộn gì nữa vì bà đã có con hiếu dâu hiền giúp đỡ lại có một bà thông gia để bạn bè với nhau trong các việc lặt vặt hằng ngày ở nhà.
Thuật cam đoan sẽ hết sức chăm chỉ làm ăn, không chơi bời như ông bố anh vì anh không muốn làm cho mẹ và vợ anh phải khổ sở.
Thế là, ngày ngày hai vợ chồng đi làm từ sớm, sớm hơn bây giờ vì anh muốn sẽ tự anh đưa vợ đến tận nhà máy rồi mới ra lò. Chiều tối về, anh và vợ sẽ giúp đỡ hai bà mẹ làm cơm nước để chờ cha anh. Ăn xong, Tép ngồi đấm lưng cho mẹ anh hoặc cho mẹ vợ anh. Còn Thuật thì Thuật sẽ kể lại những chuyện làm ăn, nói những mưu tính và bàn về những việc nhà việc cửa.
Ấy, cái cảnh gia đình mà có lẽ nhiều người chê là mộc mạc quá ấy, Thuật phác ra trong tưởng tượng rồi tin chắc rằng nó sẽ đem lại cho tất cả nhà anh không biết bao nhiêu là vui thú.
Thuật mỉm cười sung sướng bước lên hè. Bà mẹ hỏi:
- Con có gì mà cười thế?
Thuật luống cuống:
- Không con mải nghĩ một câu chuyện buồn cười ở ngoài lò chứ có gì đâu!
Vào đến trong nhà, Thuật lấy làm lạ khi anh thấy trên giường để chén nước chè tươi và lại cả âu trầu nữa. Nhà anh ta xưa nay ít có khách, nhất là khách đàn bà. Mẹ Thuật chừng nhận rõ ý ấy nên thủng thẳng bảo Thuật:
- Bà chùm Tuất vừa lại chơi đây, nói chuyện với bu mãi.
Thuật xúc động mạnh: Bà chùm tức là mẹ Tép.
- Bà ấy đến chơi có việc gì thế, bu?
- Chẳng có việc gì cả. Bà ấy đi qua, thấy bu ngồi ở hè nên tạt vào chơi. À này, nghĩ lại thương hại cho bà ta quá!
- Tại sao hở bu?
- Có độc một đứa con gái thì lại mang tai mang tiếng lôi thôi như thế coi khéo chẳng mà ế chồng.
- Việc gì người ta ế?
- Con gái mà mắc tiếng như thế thì ế hẳn chứ lại!
- Mắc tiếng!... Mắc tiếng là cái quái gì!... Bu còn lạ gì miệng lưỡi thiên hạ nữa! Yêu ai thì chưa hay chúng đã bốc lên mây xanh. Ghét ai thì chúng đặt để ra chuyện này chuyện khác để hại người ta!...
- Cái ấy cũng có. Nhưng mà đằng này hình như câu chuyện có thực mới chết chứ!
- Hình như! Ấy người ta chỉ mới nghe mang máng hình như là thế chứ mấy ai dám quả quyết...
Không ngờ lại có dịp cãi cho Tép ở trước mặt mẹ. Thuật nói một cách hăng hái đến nỗi bà lão phải ngạc nhiên, mà chính anh ta cũng lấy làm lạ cho mình vì xưa nay anh không cãi lý trước mặt mẹ bao giờ.
- Con thì việc gì cứ mắt con trông thấy, con mới nói. Ở đời này, một việc dù nhỏ mọn tầm thường đến đâu thực ra cũng rắc rối lắm kia... Phải trái khó lòng mà phân biệt được.
- Chính thế đấy.
- Bu bảo cô Tép có gì đáng chê cười? Cô ta nghèo, mẹ cô ta ốm. Trong nhà không có tiền, cô ta phải đi xoay tiền về để chạy chữa cho mẹ. Như thế thì kẻ có tiền dù có nài ép cô ta sự kia khác chăng nữa thì cái tình cô ta, con tưởng chỉ đáng thương mà thôi là vì cô ta đã quên mình trong lúc óc chỉ nhớ đến sự nguy khốn của mẹ.
- Ừ, mà con nói cũng phải. Con bé nghĩ đáng thương thật. Nó có hiếu lắm đấy chứ! Chính bà chùm cũng vừa khoe với mẹ. Bà ta nói rằng trận ốm vừa rồi nếu không có cái Tép nó xoay xỏa chạy chữa cho thì bà ta chết đã tám hoánh rồi!...
Thuật quay đi để giấu một nụ cười sung sướng. Anh ra sân múc nước rửa mặt, rửa chân tay.
- Thế là qua được một cái khó! Còn ông bố nữa! Lần này mới thực là khó nhưng rồi cũng phải xong
--------------------------------

1

Ông trời không phụ người có lòng tốt (BT).