ictor Hugo đã nói: “Trong nhân loại, không có một ai lại trong sạch đến bậc không đáng phải chịu một thứ hình phạt gì”. Anatole France cũng viết: “Sự ngây thơ thường chỉ là một cái may hơn là một cái đức hạnh”. Đến nhà triết học Esquiro [1] thì câu nói còn đầy đủ hơn nữa: “Phàm người nào đã giầu tình cảm một chút đều cũng có thể tin vững rằng mặc lòng có một lương tâm rất trong sạch đi nữa, người ấy cũng vẫn có thể bị tù tội, bị phát vãng được, và do thế, người ấy rất cần phải quan tâm đến số phận bọn tù nhân”.Đó là những tư tưởng bất thần đã trở lại với trí nhớ của tôi, khi tôi, lần thứ ba, đã lọt phúc đường (nhà lục xì) với cái ý muốn tả thực cảnh đời của gái thanh lâu trong ấy. Thật vậy, đối với những phụ nữ lương thiện, bọn gái trong này có thể gọi là bọn phụ nữ có án, đáng chịu hình phạt, nếu có hình phạt, đáng chịu đọa đầy, nếu có đọa đầy...Vậy mà muốn bị bắt giam vào lục xì, một thiếu nữ chỉ cần chơi đùa với ái tình bằng những tư tưởng giải phóng, tự do kết hôn, Âu hóa theo văn minh, vân vân... Chỉ cần cách mệnh với gia đình nếu ta có một người chồng “không xứng đáng” hay là quá tin ở người tình quân “sẽ tự tử nếu không lấy được ta”, rồi bị lừa, rồi quá liều... Hay là không biết phận mình, ít tiền trong túi nhưng cứ ham muốn rõ nhiều đồ nữ trang ở bàn tay, ở cổ. Ta cứ việc tin ở tiểu thuyết mà “lãng mạn” một chút đi, thế rồi thì là ái tình sẽ gánh vác hết mọi việc cần trong cuộc ta làm hỏng đời ta. Tóm lại một câu, chỉ cần một tí thôi, rồi thì là một thiếu nữ lương thiện sẽ có tên trong sổ đoạn trường.Tôi muốn nói theo Esquirol rằng: “Những phụ nữ trong sạch này cũng nên quan tâm đến đám phụ nữ ô uế kia”.Các ngài trông mà xem! Kìa, một lũ người phần nhiều béo tốt, nhưng nước da xanh nhợt và bộ quần áo vải thô của phúc đường đã làm cho đáng tởm, tuy trong nhiều đầy những vi trùng gono, vi trùng spiro, vi trùng Ducrey [2] mà - điều khó hiểu vẫn cứ béo đến phát phì như thường! Những gái trụy lạc ấy, hoặc họp nhau chuyện trò giữa sân, hoặc ngồi học bài Phong tình ca khúc trong “Vệ sinh nam nữ, giao cấu học đường” hoặc xếp hàng nhau chờ mũi tiêm 914 [3] trong phòng chữa bệnh của ông y sĩ, hoặc đánh đu ngoài sân rộng cũng đều có những cái mặt vô tư lự, ham sống, tưởng bở nữa, đến nỗi ông cũng như tôi lúc ấy, ông sẽ áy náy không biết những cảm giác lộn xộn trong óc ông lúc ấy là lòng thương hay là lòng khinh. Cô này có một bộ mặt ngơ ngẩn, nhà quê, ngu đần. Ả kia có vẻ tinh quái, biết “đời là gì” lắm. Thị nọ lại có cái dáng điệu ngông nghênh, du côn nữa, có thể đánh nhau tay đôi với lính Tây đen ở ngõ Hàng Mành... cho mà xem! Một cái nhân loại hỗn độn, bất trị, vừa đáng ghê tởm và vừa đáng thương xót. Một cái phần tử mà Dâm thần hoặc nạn đói khát đã đảo lộn các ngôi thứ để xếp vào cùng một hàng. Một lớp người hy sinh đời mình cho thuần phong mỹ tục, cho xã hội đỡ xảy ra những vụ thông dâm, cưỡng dâm, gian dâm; hy sinh một cách oanh liệt mà không ai hay! Một số phụ nữ thiệt thòi trong cuộc thí nghiệm, chịu lụy cho xã hội cứ tuần tự đổi mới, mà vẫn làm cho bọn nam nhi biết suy nghĩ chúng ta vẫn phải cau mặt, phải nôn nao con tim, khi nghĩ rằng đời này chỉ có hai cái tốt, là rượu và đàn bà!Cuốn tiểu thuyết của họ?Cảnh ngộ ả nào thì có lẽ cũng tương tự như nhau cả. Những gái quê thì hoặc đã chê chồng vì đã ăn phải bả tân thời, hoặc đã ra tỉnh làm con đòi, con sen mà không xong, hoặc đã đập trống ngực thình thình khi, ngồi ở vệ hè, đương đói khát mà lại được vài ba cậu “công tử bột” Hà thành nói vào tai những câu ân ái với thái độ săn sóc gian dối của thằng mất dạy bên cạnh một con “bò lạc”, vừa quê mùa lại vừa “chắc chắn” [4] cả trăm phần trăm. Những gái sinh trưởng ở thị thành thì... một cậu nhân tình, một “chữ liễu có nét ngang khi thiên duyên chưa nhô đầu dọc” [5] hoặc sự tò bỏ của bố mẹ, sự lừa lọc của tình lang, hay là “số phận xui ra” như thế. Dù là thành thị, dù là gái quê, dù vì hư hỏng, dù tại đói khát, thì tất cả những gái ấy đều đã bị cái xảo quyệt của mụ chủ tiệm thuốc phiện, của thằng bồi săm, của thằng ma cô, của thằng phu xe đêm, chúng họp nhau lại thành một cái lưới nhện đáng sợ để làm việc cho ngót bốn trăm cái phòng cho thuê rải rác khắp Hà Nội này!Tôi muốn gọi vài ả để hỏi một đôi câu chuyện. Bà giám thị của phúc đường, nói bằng tiếng Pháp, vội ngăn:- Họ không đáp đâu. Báo của ông đã có lần gọi họ là gái đĩ nên họ bất bình lắm. Sao ông không tìm một chữ khác nhẹ nhàng hơn? Ngay trong này, nhân viên cũng không ai gọi họ là con đĩ.À! Thì ra tôi đã vấp phải cái lòng tự ái ghê gớm của loài người! Tôi đã có lỗi, có lỗi to lắm! Sao lại được gọi một gái đĩ là một gái đĩ? Đáng lẽ tôi phải gọi họ thí dụ là... Nàng thơ hoặc là... cái gì khác thì hơn.Tôi bèn mỉm cười hỏi lại bà giám thị:- Thưa bà, vậy ra tôi không có quyền gọi sự gì bằng cái tên của nó?- Ông có thể gọi họ thí dụ “gái giang hồ”.Tôi đã buồn cười, vì họ bị giam trong này thì nào có “giang hồ” gì đâu! Cho nên thỉnh thoảng bạn đọc thấy tôi phài dùng đến hai chữ “thanh lâu” mặc lòng họ mặc cả áo kiểu Lemur, mặc lòng chúng ta đã xa cái thời mà Nguyễn Du, trong khi nói đến: “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề...” nước vỏ lựu, máu mào gà, và đôi hoa lót xuống chiếu nằm... đã chưa biết đến rằng những cô Kiều tân thời còn có việc với thuốc Gonacrine, thuốc 914, thuốc Dmelcos, cái mỏ vịt (speculum) nhà lục xì, những luật lệ thắt buộc mại dâm, và ban “đội con gái”.Muốn xem lời mách bảo của bà giám thị là đúng sự thực không, tôi đã hé mở cái rèm cửa kính phòng giấy. Những ả đương ngồi chuyện vãn ở nghinh phong đình và chỗ chờ chữa thuốc ở phòng ông y sĩ Đặng Hanh Kiên đều cau mặt lườm nguýt tôi. Thật thế, đã bị nghi kỵ, oán ghét, chắc tôi không dò hỏi được gì nữa. Tôi liền hỏi bà Limongie:- Thưa bà, trong khi trông coi phúc đường, thì cái cảm tưởng của bà với bọn gái kia, với nạn mại dâm là thế nào? Xin bà vui lòng đáp, nhất là bà cũng không muốn tôi được gọi họ là đĩ, mặc lòng họ đã là đĩ chính thức. Tôi muốn xem sự bất bình ấy có chính đáng không.Bà giám thị cứ việc soạn những mẩu bìa trong có ghi tên những gái lục xì và vẽ hình dung những cái âm hộ có chấm bút chì xanh hoặc đỏ (dấu hiệu ghi bệnh trạng của bệnh nhân) mà không đáp vội. Chợt từ lớp học lại vang ra cái bài Phong tình ca khúc của nhà nước mà mấy chục học trò của bà khán hộ Nghĩa vui vẻ đồng thanh đọc, khiến tôi phải nhớ đến cái thời học sinh của tôi... về một giờ Lecture collective [6].Nếu chỉ nghi hoặc chớ cho vào cuộc,Mà nguy kia tự buộc vào thân,Lo xa chớ hám lợi gần,Thấy ai chắc chắn muôn phần hãy hay.Dầu khách chẳng mảy may chút bệnh,Sạch như ly nhưng định chơi lâu,Chớ nghe mà hại về sau,Sướng ai, ai lại để sầu cho ta!Ngừng một lát, rồi lại thấy inh ỏi:Đồng tiền khách bỏ ra có thế,Cuộc mây mưa đủ lệ thì thôi!Thoạt khi cuộc đã xong rồi,Xà phòng với nước tìm nơi giội ùa...Đây tôi không chối cãi sự hữu ích của một bài vè như thế. Trong bọn thanh lâu, vẫn có nhiều ả hoặc vì lười biếng, hoặc vì ngu đần, mà không bao giờ biết một chút nào về mọi phép vệ sinh, để cho nạn hoa liễu đã hoành hành chín mươi phần trăm dân gian, cái dân dâm đãng một cách đáng sỉ nhục này, cái dân đã đến lúc đáng gọi là dân của Sodome và Gomorrhet [7] chứng cớ là quảng cáo bệnh phong tình phủ kín khắp các báo chí. Nhưng mà tôi có quyền ngạc nhiên khi thấy hạng gái kia, phải học những bài như thế, mà khi thấy tôi gọi đến tên, mà lại bất bình! Sau khi phân trần, tôi lại nói với bà đầm giám thị:- Thưa bà, tôi đã được biết ý kiến những người danh giá như các ông: Le Roy des Barres, Coppin, Joyeux, Virgitti, về cuộc đổi mới, theo Âu hóa một cách ngu dại, của xã hội tôi. Các ông đã rất khinh bỉ cái lòng ham muốn vật chất nó sinh ra cuộc đồi phong bại tục ở dân tộc này. Nghề mại dâm chính là ác quả của sự đồi bại ấy. Bây giờ nếu được biết ý kiến của bà nữa, một phụ nữ phải chữa chạy cái vết thương kia, thì cuộc điều tra phỏng vấn của tôi sẽ được đầy đủ, hoàn toàn!Bà Limongie vội xo vai mà rằng:- Tôi không muốn bình phẩm người Nam như các ông quan trên của tôi. Điều ấy khó nói lắm.- Thưa bà, bọn gái trụy lạc kia, thì những cái gì dắt họ đến chốn này? Sự nghèo đói hay sự hư hỏng?Bà giám thị đáp ngay:- Tôi tưởng phần nhiều là vì nghèo đói. Tôi biết rõ họ lắm, họ phần nhiều là gái quê, thất nghiệp. Hư hỏng thì có lẽ cũng có, nhưng “hư hỏng” theo cái nghĩa Tây phương thì, không!Giữa lúc ấy, một thị y phục rất sang trọng, đôi giầycao gót Charles IX [8], cái áo ba-đờ-xuy rất hợp thời trang màu hạt giẻ, gót sen nhẹ nhõm như của một tiểu thư khuê các, yểu điệu qua sân, ra khỏi phúc đường. Ngạc nhiên, tôi đưa mắt hỏi, thì bà giám thị cắt nghĩa:- Ấy cũng là một cô ở ngoài, vào để học đan áo vớibọn chị em có bệnh bị giam ở đây. Họ có thì giờ rỗi thì tự họ đến học, xuất nhập tự do, vì nhà nước đặt ra ban học nghề để họ có thể mai sau thoát khỏi vòng mại dâm, tất nhiên phải để những cô nào muốn học thì đến...Nói xong, bà vì công việc, phải sang phòng bên. Muốn biết một ngày của gái lục xì, tôi lục tìm đạo nghị định của ông Đổng lý Douguet [9] ký ngày 9 Aout 1928.Mỗi sáng, các cô phải dậy từ 6 giờ. Rửa mặt hoặc tắm gội. Rồi ra phòng khám bệnh để được tiêm thuốc. Việc phải làm thì quét tước nhà cửa, giặt dịa quần áo khâu vá vân vân... cơm nước có thịt bò, thịt lợn rau đậu... do người cai thầu của nhà thương Bảo hộ tải vào. Cấm kỵ uống rượu, hút thuốc phiện, cãi nhau, hò hét, đánh bạc. Muốn hút thuốc hay ăn trầu thì phải xin phép bà giám thị có ưng không. Trái luật thì phải phạt, hoặc nhịn cơm, hoặc bị giam riêng, nhiều nhất là tám ngày. Nếu vượt ngục cũng phải phạt giam. Tự ý quay về: bốn ngày; bị bắt về: tám ngày.Đạo nghị định ấy đã được thay đổi hoặc thêm nhiều khoản, nhất là từ sau khi có cuộc cải cách của ông Đốc lý Virgitti.Ấy đó, đại khái cảnh đời sinh hoạt trong phúc đường, trong đó gái có tên trong sổ đoạn trường và gái chưa “có giấy” nhưng cũng phải giam cho đến khi nào khỏi bệnh, ăn chung ở lộn... Hai trăm người đàn bà trong một thế giới riêng! Một cuộc đời công cộng có từng giờ, từng phút, chi phối mọi điều tiểu tiết. Hai trăm người cơ khổ, không ai thân thiết, đã có lỗi vì mắc bẫy ái tình, hay là đã không muốn chết đói, vào đây chữa cái đồ dùng cho lành mạnh để rồi lại ra ngoài mà phụng sự cơn ngứa ngáy của anh thợ mộc, thằng phu xe, người lính tập cục mịch, chàng da đen say sưa, hai trăm người bị giam trong khi năm nghìn người khác nữa, cũng một nghề ấy, được tự do truyền nhiễm các thứ bệnh phong tình! Hai trăm người bị giam vì làm đĩ trong khi chán vạn những đĩ khác vẫn là các cô, các bà, các vị mệnh phụ, các bậc tiểu thư!Thật là một mối bất công của xã hội, tôi nói của xã hội, chứ không phải của Tòa đốc lý Hà Nội. Vì rằng, trong một cuộc thảo về chính sách đối phó với nạn mại dâm. Geoges Clemenceau, vị anh hùng cứu quốc của dân Pháp [10] đã phải lớn tiếng cãi cọ với ông nghị nguyên lão Bérenger [11] như thế này:“Một cuộc hôn nhân tốt đẹp là cái gì, nếu nó không là một hình thể về sự mua và sự bán của những cuộc giao cấu mà pháp luật công nhận? Khi một đứa con gái tầm thường có được vài triệu bạc hồi môn thì, đây kia, ta đã thấy nó bị đem ra bầy hàng, mặc lòng chính nó, nó biết hoặc không biết đến những mối thèm muốn mà nó đã khêu nhóm lên trong lòng các khách hàng là bọn hầu tước, bá tước, quận công, hoặc nghị viện có thể lên làm Thượng thư hay đã làm Thượng thư rồi họ sờ mó nó, lật đi lật lại mà đánh giá nó, tôi muốn người ta cắt nghĩa cho tôi hiểu: tại sao cái việc buôn bán được trọng vọng này quả thật là danh giá hơn việc bán dâm kia!Liệu người ta có dám chắc rằng cái này là không đáng sỉ nhục hơn cái kia, vì cái này được tô điểm, được khen ngợi và khuyến khích? Mà từ một mụ triệu phú mù lòa cho đến một gái trung lưu mà người ta tăng mãi của hồi môn lên để cầu người dạm hỏi, than ôi, có biết bao tính chất ô trọc của ái tình có lẫn hơi đồng! Vậy thì lấy phương pháp gì để đối phó với tình thế ấy, hỡi ông nhị nguyên lão đạo đức khắt khe đi lo sợ vu vơ về một cái xã hội nó không như ông tưởng, hở ông? Chắc không phải cái phương pháp bó buộc nghề mại dâm, vì ông là người chỉ dám rây đến bọn làm đĩ vì nghèo đói mà phải để yên cho bọn làm đĩ có kim cương làm đĩ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, suốt đời!”Thật vậy, cô nào và bà nào trong đám phụ nữ dám tự phụ là mình không... mại dâm?Cứ như ý của cụ Clemenceau, thì chỉ có đám phụ nữ có chức nghiệp hay là bọn đàn bà thợ thuyền, thì mới tránh thoát tiếng “làm đĩ”. Một sự thực chua chát nó sẽ làm cho số đông phụ nữ mếch lòng!... Không, không phải chỉ gái lục xì mới làm đĩ.Vậy mà, hai trăm gái lục xì kia, họ đã phải gánh vác hết mọi điều tai tiếng cho cả toàn thể...Bọn gái của sổ đoạn đường!Không, nhà lục xì không phải là chỗ đầy ải bọn gái mại dâm. Chỗ đầy ải là ở ngoài, là những căn nhà ẩm thấp, hôi hám, ở ngõ Hàng Thịt, ngõ Hàng Mành, phố Đào Duy Từ, ngõ Án Sát Siêu, của đất văn vật ngàn năm. Ái tình vì đồng tiền... muốn biết những cái nhục hình của ái tình có hơi đồng, của gái lục xì sau cuộc bán dâm, thì ta phải chờ ngày có phiên khám bệnh.Chú thích:[1] Victor Hugo (1802-1885), đại thi hào Pháp thế kỷ XIX: Anatole France, văn hào Pháp đầu thế kỷ XX; Esquirol (1772-1840) chính là thầy thuốc người Pháp mỡ đầu việc chữa bệnh điên, viết sách về đời sống tinh thần của con người.[2] Vi trúng gây các thứ bệnh hoa liễu.[3] 914 là thứ thuốc tiêm chính chữa bệnh giang mai thời ấy.[4] Giọng lưỡi của làng chơi gọi các gái quê mới lạc loài ra tỉnh, chắc chắn là chưa mắc bệnh phong tình.[5] Ý nói chưa chồng mà chửa theo thơ Hồ Xuân Hương: “Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc”.[6] Tập đọc đồng thanh.[7] Theo Kinh Thánh của đạo Ki-tô thì Sodome và Gomorreh là hai thành phố ở xứ Palextin xưa vì dân sống vô đạo, trụy lạc mà bị lửa trời thiêu hủy.[8] Charles IX là Quốc vương nước Pháp từ 1560 đến 1574, thời đó người diện sang đi giầy, gót rất cao, đàn ông cũng như đàn bà.[9] Đổng lý văn phòng Phủ Toàn quyền tên là Douguet ký 9 tháng Tám 1928.[10] G. Clemenceau (1841-1929) chính khách Pháp, làm Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 1917, tổ chức cuộc chiến thắng của các nước đồng minh trong Đại chiến thế giới thứ nhất, buộc Đức-Áo phải đầu hàng.[11] Nghị sĩ Thượng nghị viện Pháp.