Chương VII
Diễm Hà

    
iáo sư Nguyễn Phước Bửu Khoa cũng ngã vùi trên nền hầm đầy mảnh chai vỡ và rượu vang đỏ trắng vàng đủ mầu. Hai trái đấm cực mạnh của kẻ địch răng vàng, nhằm bả vai và ngực đã làm ông xiểng niểng. Quần áo và da thịt ông bị những miễng vụn đâm thủng, máu chảy ròng ròng, tuy vậy, ông vẫn tỉnh táo, có lẽ còn tỉnh táo hơn khi giao đấu với địch vô danh nữa.
Nguyên nhân làm ông tỉnh táo là những kỷ niệm thần tiên do đống chai vỡ gây ra. Hồi sinh thời, vợ yêu của ông, thường dẩn ông xuống hầm rượu, đến nơi ủ sâm-banh để lượm chai vỡ. Rượu sâm-banh tạo ra sức ép ghê gớm, hàng năm có đến mấy trăm chai tự nhiên vỡ nát trong hầm [1].
Giáo sư Bửu Khọa nghe bên tai như có những tiếng bụp bụp quen thuộc, tiếng nút chai sâm-banh được khui trong bữa tiệc. Tâm thần ông trở nên phấn khởi, tay chân ông không còn bại liệt như cách đó một phút đồng hồ nữa.
Ông vội trườn người sang bên để tránh đòn atêmi của địch. Quả tình địch muốn giết ông. Lối xuất chiêu ác liệt của hắn chứng tỏ hắn không còn nương tay với ông nữa. Hắn dụ ông theo hắn nếu ông từ chối, hắn sẽ bắt cóc. Bắt cóc không thành, hắn sẽ hạ sát. Mưu đồ của địch đã hiện rõ như ban ngày. Nhưng địch là ai?
Bửu Khoa không có thời giờ moi óc để giải đáp nữa vì địch bị hụt đòn đã gầm lớn, nhào xuống cổ họng ông với đòn atêmi tàn bạo khác. Những miễng chai vỡ và những vũng rượu thơm lừng vừa thổi lại sinh khí cho ông. Nhưng sinh khí của ông già bát tuần khó thể còn dồi dào và hùng mạnh như sinh khí của tuổi thanh niên mặc dầu Bửu Khoa đã hấp thụ được tinh túy cải lão hoàn đồng.
Vì vậy ông chỉ né tránh được phần nào. Miếng atêmi không thọc trúng yết hầu để đưa ông sang bên kia cõi thế thì cũng chạm xương quai xanh, ông đau điếng và có cảm giác toàn thể các ống xương từ đầu xuống chân đều rung chuyển nhất loạt.
Ông cuộn mình, thu tàn lực lăn tròn vào góc tường. Nơi này tối hơn, ông có thể phỉnh gạt được kẻ địch và liệu cơ phản công, ông đang loay hoay với những chai không rơi vỡ chung quanh thì bàn tay của ông chạm một mũi nhọn.
Nguyễn Phước Bửu Khoa chồm dậy. Như thể ông vừa học được phép lạ. Mũi khoan này là cái khoan được giới chuyên môn nếm rượu dùng để đâm qua thùng gỗ cho rượu chảy ra. Thiên hạ chỉ biết ông là nhà khoa học lỗi lạc. Một số rất ít được biết tài mọn của ông. Tài nếm rượu. Nếm rượu để phân biệt rượu ngon, rượu dở chưa đáng gọi là tài. Phải phân biệt được mức ngon nhiều, ngon vừa và ngon ít, cũng như dở nhiều, dở vừa và dở ít. Bửu Khoa còn ly kỳ hơn nữa: bịt mắt ông lại, mang ra chục ly rượu vang khác nhau, ông chỉ nếm qua là kêu tên vanh vách.
Ông khiêm tốn nên cho đó là "tài mọn". Thật ra đó là thiên tài, tuy không danh giá bằng thiên tài khoa học, nhưng lại hiếm hơn thiên tài khoa học [2]. Nói ra không ai tin, nhưng sự thật là bà vợ người Trung Hoa yêu ông thắm thiết vì ông có tài nếm rượu, hơn là yêu tài khoa học của ông.
Năm tháng trôi qua, mũi ông, lưỡi ông, họng ông ngày nay đã bớt nhạy cảm, tuy nhiên, nếu phải dự thi lại để được cấp văn bằng nếm rượu chuyên nghiệp, ông vẫn dư sức đậu thủ khoa. Bài thi rất giản dị nhưng cũng rắc rối kinh khủng. Nó gồm ba phần. Thứ nhất, thực hành, nghĩa là thi nếm, thí sinh chỉ có 15 phút đồng hồ phù du để nếm 8 thứ rượu, trong só 2 thứ không ngon, 6 thứ còn lại thí sinh phải kê rõ như toa thuốc, ngon hạng mấy, nho trồng ở đâu, và ép thành rượu năm nào. Nếm rượu này xong, qua rượu khác, phải nhai mẩu bánh và súc miệng sạch sẽ. Chỉ riêng một việc nhai mẩu bánh và súc miệng sạch sẽ này đã mất gần 5 phút, nghĩa là một phần ba thời giờ cho nên thí sinh giỏi lơ mơ khó có hy vọng được chấm đậu. Vậy mà Bửu Khoa đã đậu vẻ vang với lời ban khen của ban giám khảo, về phần 2 và 3, vấn đáp lý thuyết, Bửu Khoa nói thao thao bất tuyệt, nói đâu, trúng đó. Nếu Bửu Khoa không có khiếu về di truyền học, ông đã có thể sinh sống sung túc và tạo được tiếng tăm bằng nghề nếm... rượu lừng lẫy khắp châu Âu [3].
Giới khoa học miệt mài trong phòng thí nghiệm thường có những thú vui bất thường mỗi khi giành được thời giờ tiêu khiển. Thú vui bất thường của Bửu Khoa là... nếm rượu. Hễ rảnh rang là ông xuống hầm nếm rượu. Nếm rượu nhàm chán, ông nếm rượu của thiên hạ. Đồ nghề nếm rượu gồm bốn thứ, cái khoan, cái ống hút, cái ly khum khum chân thật cao và cái dĩa bạc để rót trải rượu ra quan sát trước khi đổ vào ly để nếm. ông đặt làm hàng chục hộp đồ nghề khác nhau, từ nhỏ đến lớn, hầu thích dụng cho mọi trường hợp. ông lại còn thuê rèn những cái khoan thật lớn để bầy ngắm cho vui mắt nữa.
Mũi nhọn ông vừa chạm tay là mũi nhọn cái khoan gần ba tấc tây. Một người bạn Đức chế bằng thép trui đặc biệt, mang tận nơi đến tặng ông. ông treo nó tòng teng trên tường hầm, gần cái hồ xi-măng chứa rượu. Có lẽ những kệ chai rớt vỡ tứ tán đã kéo luôn nó xuống đất và định mạng kỳ lạ đã khiến cho nó nằm gọn trong tầm tay của ông.
Mũi khoan này rất nhọn, đâm gỗ dầy hai đốt ngón tay cũng xuyên thủng ngon lành như phó-mát. Nó được cắm vào cái chuôi gà xinh xẻo. Tình cờ, nó đã trở thành võ khí lợi hại đối với giáo sư Bửu Khoa.
Ngọn đèn vàng ệch không đủ chiếu sáng góc hầm, giữa những kệ gỗ đựng đầy rượụ. Bửu Khoa chỉ nhìn thấy lờ mờ kẻ địch. Tuy đã trọng tuổi, mắt ông còn sáng như mắt thanh niên, ông nằm khuất sau đống thùng cho nên ông không tin là kẻ địch đã phăng ra nơi ông ẩn núp.
Kẻ địch đập tay vào mạn thùng sắt, miệng dõng dạc:
 Giờ đây, giáo sư đã biết là không hy vọng triệt hạ được tôi. Tôi có thể bước tới, vung đòn giết chết giáo sư. Song tôi không nỡ. Thiên tài như giáo sư không thể mạng vong một cách lãng xẹt như vậy. Một lần nữa, tôi kêu gọi giáo sư...
Bửu Khoa rón rén ngồi dậy, mũi khoan nhọn hoắt được nắm vững trong tay. Lòng ông đã quyết, ông phải đâm ngã kẻ địch. Ông đang ở vào lợi thế. Nếu ông tiến gần thêm chút nữa, mũi khoan thép sẽ có thể trúng tim. Phải, mũi khoan được Bửu Khoa hướng thẳng vào ngực trái của kẻ địch. Mũi khoan phải xuyên qua tim, hắn mới chết không kịp trối. Bằng không hắn sẽ hạ sát ông trong chớp mắt.
Hắn chìa hai bàn tay lật ngửa và hạ thấp giọng.
 Khỏi cần dùng súng, tôi có thể giết giáo sư bằng bàn tay không này. Giáo sư nên nghe lời tôi. Ra đây đi...
Bửu Khoa cất tiếng:
 Anh hứa thật không?
Mặt kẻ địch răng vàng sửng sốt thật sự:
 Trời ơi, tôi đâu phải là kẻ ngu để hứa cuội với giáo sư. Trong trường hợp giáo sự thuận đi theo, tôi sẽ được trọng thưởng. Nghĩa là sự hợp tác của giáo sư sẽ mang lại cho tôi một mối lợi khổng lồ. Chỉ vạn bất đắc dĩ tôi mới phải xuống tay. Chúng tôi xuống tay mặc dầu vẫn kính nể, vẫn khâm phục giáo sư. Chẳng qua chúng tôi không thể để giáo sư sa vào tay người khác. Vì ngoài chúng tôi ra, đang còn nhiều người rắp tâm bắt cóc giáo sư. Tôi xin nhắc lại lời cam kết danh dự. Nào... giáo sư ra đây với tôi...
Bửu Khoa giả bộ thở dài:
 Ừ, tôi bằng lòng theo anh.
Trên miệng gã đàn ông răng vàng vụt nở nụ cười khoan khoái. Hắn giang cánh tay, sửa soạn đón tiếp giáo sư Bửu Khoa. Hắn không ngờ Bửu Khoa đứng dậy, tiến từ bóng tối ra ngoài là để giết hắn. ông giấu cái khoan sau lưng. Khi ông đến gần, kẻ địch hân hoan đưa bàn tay ra bắt, với nụ cười trên miệng nở rộng, Bửu Khoa mới chuyển mình, dồn hết sức lực vào tay phải, thọc mạnh mũi khoan ác nghiệt vào vị trí đã định.
Mũi khoan đâm sâu vào da thịt nạn nhân một cách ngon lành. Bửu Khoa đã nhắm kỹ nên không đụng sương sườn. Máu đỏ tóe ra. Rồi phun ồng ộc. Bửu Khoa lùi lại, ngó cái khoan rung rinh trên ngực nạn nhân. Mắt hắn trợn trừng, miệng hắn há hốc, hắn bước xéo, toan phóng cước để quật ngã Bửu Khoa, song hắn chỉ nhích nửa bộ là rụp luôn xuống. Nạn nhân đã chết. Chết với nửa cái dùi nhọn trong tim...
Bửu Khoa đinh ninh hạ sát xong kẻ địch là thoát nạn. Nhưng sau khi nạn nhân nằm sóng sượt trên đống miễng vụn, ông mới biết lầm. Sự chống trả mảnh liệt của ông chỉ là sức phụt của ngọn đèn hết dầu, phụt lên thật cao trước khi tắt ngúm.
Nạn nhân trút hơi cuối cùng trên đất thì Bửu Khoa cũng ôm ngực húng hắn ho. Tác động của những phát atêmi độc địa bắt đầu ngấm vào tạng phủ. ông lảo đảo, vịn giãy kệ gỗ đựng chai dọc đường hầm, men lại cầu thang trôn ốc. Ông chỉ cần vượt một quãng ngắn là đến. Nếu ông trèo được cầu thang, ông có nhiều hy vọng thoát hiểm hoàn toàn. Vì ngay bên trên cầu thang là máy điện thoại, ông có thói quen xuống hầm nếm rượu nên sai gắn điện thoại ở đó để liên lạc với bên ngoài được dễ dàng.
Cầu thang xoắn ốc chỉ cách Bửu Khoa khoảng 5 mét, thế mà ông mò mẫm đi hoài, đi mãi chưa đến nơi. ông có cảm tưởng mục phiêu trước mắt rút ra xa thêm và con đường ngắn ngủn mỗi lúc một dài...
Bửu Khoa phải dừng lại để thở. Mắt ông bắt đầu hoa, ông dựa tường hầm mà cảnh vật cứ nghiêng ngả, đảo lộn. Ông biết là cơn hôn mê sắp xâm chiếm thần kinh hệ. Có thể, trong một vài phút đồng hồ nữa ông sẽ bất tỉnh. Bất tỉnh một lát, một đêm hay bất tỉnh luôn, không bao giờ thức dậy nữa? Vì vậy ông phải tìm cách nào thông báo với người thân, ông không trèo được lên trên để quay số điện thoại, ông chỉ có thể xử dụng phương tiện liên lạc bất thường. Liên lạc bằng vô tuyến điện...
Vất vả lắm Bửu Khoa mới tháo được cái đồng hồ ra khỏi cườm tay. Đồng hồ Lip này chạy thật đúng, lại có cả lịch đề ngày đàng hoàng, đố ai dám nghi nó không phải là đồng hồ chính hiệu. Đố ai dám nghi trong ruột nó chứa một bộ phận điện tử đặc biệt. Mở nút sau của đồng hồ ra sẽ thấy cái nút nhỏ. Nút này là khâu liên lạc vô hình giữa Bửu Khoa và Diễm Hà... Diễm Hà cũng đeo một chiếc đồng hồ tương tự. Đồng hồ của nàng nhỏ hơn và không phải hiệu Lip, nhưng lại có bộ phận điện tử tương tự... Bửu Khoa ấn nút, một điện trì tí hon trong đồng hồ của Diễm Hà - dầu nàng ở xa 5, 10 cây số hay hàng trăm cây số nữa cũng vậy - sẽ phát ra một luồng điện. Luồng điện này rất nhẹ, nhưng Bửu Khoa đã tính toán và thiết trí cực kỳ tinh vi để nó gây ra những cơn run rẩy trên da thịt Diễm Hà...
Nàng đã run rẩy... Biết là Bửu Khoa gọi nàng, nàng cảm thấy xúc động mạnh mẽ, và trong khoảnh khắc, nàng bần thần như sắp mê mẩn. Nàng vẫn nghe rõ câu hỏi của Văn Bình, nàng còn đủ sáng suốt để chỉ cho chàng lấy cái đồng hồ hình chữ nhật nàng cởi ra trong khi tắm và quên đeo lại hiện cất trong túi áo...
Dòng điện chỉ đủ sức lưu ý Diễm Hà đến cái đồng hồ truyền tin. Thường lệ, nó chỉ giật từ 2 đến 3 cái là nhiều nhất. Nhưng khi ấy nó lại giật liên hồi. Như thể giật chuông báo động. Diễm Hà run rẩy, tâm thần ngập tràn lo sợ. Dường như dòng điện trong cái đồng hộ dẹt đã mở toang cánh cửa huyền bí thần giao cách cảm, Diễm Hà ở xa Bửu Khoa hàng bao cây số mà vẫn nhìn thấy, nghe thấy tai nạn kinh khủng đang xẩy ra cho Bửu Khoa trong hầm rượu.
Văn Bình vụt hiểu. Không riêng Bửu Khoa, nhiều người rắn mắt đều dùng đồng hồ phát dòng điện ngầm để liên lạc với tình nhân. Diễm Hà đưa tay cho chàng đỡ dậy, mặt nàng không còn tái mét như trước nữa, song chân nàng vẫn còn lật bật, và giọng nói của nàng vẫn chưa trở lại bình thường, tiếng được tiếng mất.
Chàng điểm nhẹ huyệt khẩu-khiếu của Diễm Hà. Từ đỉnh đầu xuống đến vai, có 4 huyệt khá đặc biệt. Miệng, 2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi được gọi là thất-khiếu. Thất-khiếu ăn thông với 4 khiếu-huyệt là khẩu-khiếu, nhãn-khiếu, nhĩ-khiếu, khứu-khiếu... Diễm Hà bị vướng mắt ở cuống họng, giọng nói không được trong thanh nên Văn Bình điểm huyệt cho nàng thông khiếu.
Nàng bịt cổ, ho một hơi dài. Chàng an ủi:
 Cô hết mệt rồi. Giờ đây cô có thể đến nơi hẹn với Song Ngư.
Diễm Hà lắc đầu:
 Không. Bửu Khoa vừa kêu em. Em có linh tính ông ta đang gặp nạn. Ruột gan em nóng như lửa đốt.
Chàng hỏi
 Tôi cùng đi với cô được không?
Giọng nàng trở nên rắn rỏi:
 Em đã hết lối lùi chẳng cần giữ gìn làm gì nữa. Vả lại, có anh một bên em bớt lo hơn. Không khéo người ta đã hạ sát Nguyễn Phước Bửu Khoa...
Bỗng dưng Văn Bình cũng có linh tính như Diễm Hà. Ruột gan chàng cũng nóng như lửa đốt. Nhưng nếu nàng nóng một thì chàng nóng năm, nóng mười, mặc dầu nàng là người yêu đầu gối tay ấp của Bửu Khoa còn chàng chỉ là người dưng nước lã. Nguyên nhân khiến chàng quan tâm đến mạng sống của Bửu Khoa là tính chất tối quan trọng của điệp vụ chàng có trách nhiệm hoàn tất. Nếu Bửu Khoa bị hạ sát, chàng sẽ mất hết liên lạc với Tô Lan. ồng Hoàng đang cần Tô Lan. Trong quá khứ, Văn Bình chỉ giúp sở, chứ chưa hề giúp ông Hoàng, ông tổng giám đốc chẳng còn sống trên cõi đời đầy phản trắc này bao lâu nữa. Chàng thường chờ đợi cơ hội để tỏ lòng biết ơn người cha, người bạn, người chỉ huy độc nhất vô nhị là ông Hoàng. Cơ hội này chỉ đến với chàng nếu khoa học gia di truyền Tô Lan đáp máy bay đi Sàigòn...
Văn Bình sửa soạn mở cửa. Diễm Hà bỗng xấn lên ra hiệu cho chàng tránh sang bên. Chàng hỏi:
 Cô sợ bọn Rờnê?
Nàng đáp mặt lấm lét:
 Vâng.
 Cô muốn tôi cho bọn chúng ngủ luôn không?
 Muốn. Vì chúng có thể làm khó dễ.
Cửa mở, Rờnê và gã gầy nhom đang chúi mũi vào bàn cờ "đam" đặt trên cái bàn vuông giữa nhà. Cổ nhân phương Đông có câu "cầm kỳ thi họa" để chỉ bốn cái thú quân tử. Diễm Hà mê đàn thì bọn đàn em mê cờ cũng là hậu quả tất nhiên. Cánh cửa chỉ được mở hé nhỏ vì Diễm Hà sợ gây tiếng động nhưng cả hai gã nhân viên MI-6 bị thần Cờ thu hồn, quên hết vũ trụ chung quanh.
Văn Bình bước đến nơi và đằng hắn Rờnê mới biết. Hắn rút tay khỏi quân cờ hắn định xê dịch, mắt trợn trừng, miệng toan nói xong lưỡi đã líu cứng. Trong đời có lẽ chưa khi nào hắn bị sửng sốt nhiều bằng khi ấy. Gã gày nhom, bạn hắn, điềm tĩnh và phản ứng nhanh hơn đã kịp thời xô ghế, đứng bật dậy. Nhưng 10 gã gày nhom họp lại mới là trò đùa đới với Văn Bình. Chàng hươi cùi trỏ, gã gày nhom lãnh trọn xương khuỷu tay giữa ngực. Nạn nhân kêu hự rồi ngã lộn vào bàn cờ, những con cờ bằng lát-tích xanh đỏ xinh xắn bắn đổ tung tóe khắp phòng.
Rờnê vung đòn chống trả một cách tuyệt vọng. Cú đấm tréo của hắn mới được phóng ra, Văn Bình đã chặn lại dễ dàng. Chàng không cần đánh, chỉ đỡ nhẹ mà Rờnê đã té lăn cù, đầu dộng vào ghế xa-lông bịt đồng. Hắn ngồi dậy, miệng thở phì phì. Văn Bình kết thúc cuộc đấu quá chênh lệch bằng ngọn cước móc. Hắn bay vèo qua hai cái ghế xa-lông. Nếu không có cái tủ gương đồ sộ cản hắn lại chắc hắn đã lọt thẳng ra sân, cái sân khá rộng, trồng toàn cỏ mềm, tối thui, không một ánh đèn.
Văn Bình phải đứng lại chờ Diễm Hà. Trong cơn bối rối, nàng trở nên vụng về và chậm chạp khác thường. Mũi giầy nhọn của nàng móc vào mép tấm thảm làm nàng suýt ngã lần nữa vì bước hụt bậc cấp xuống sân.
Nàng kéo tay Văn Bình khi thấy chàng xăm xăm tiến lại chiếc DS sang trọng của Rờnê. Nàng dẫn chàng vào ga-ra và chỉ cho chàng chiếc A-110, loại 1300S do hãng Alpine chế tạo với động cơ Rờ-nô (Renault), thứ động cơ mà thiên hạ thường chê là chạy chậm như rùa, căn cứ vào tốc độ ì-ạch của mấy cụ tắc-xi con cóc ở Sàigòn. Nhưng điệp viên z.28 là dân chơi xe đua có hạng nên hình dáng lùn lẳn và ngang phè phè của chiếc A110 này lại làm chàng tin tưởng mạnh mẽ.
Vì nó là loại xe chạy nhanh nhất và an toàn nhất hiện thời của kỹ nghệ xe tự động Pháp quốc. Với 215 cây số một giờ nó có thể cho các kiểu ô-tô khác nuốt bụi. Thân hình nó bé nhỏ, nó len lỏi dễ dàng hơn xe DS kềnh càng giữa rừng lưu thông rậm rạp Ba Lê.
Diễm Hà giục Văn Bình:
 Em sợ chậm mất. Anh phải phóng thật nhanh may ra mới cứu kịp Bửu Khoa.
Văn Bình rồ ga, chiếc A-110 hung hãn vọt ra cồng. Ngồi bên, Diễm Hà hô lớn:
 Quẹo trái.
Chàng bẻ hết vô-lăng sang trái. Trong chớp mắt, kim đồng hồ tốc độ đã lên quá con số 110 cây số. Lái 100 giữa thủ đô Ba Lê ban đêm mà không gây ra tai nạn chết người và không bị tu-huýt cảnh sát thổi phạt phải là đệ nhất phù thủy. Văn Bình có cảm tưởng như đang diễn trò đu bay trong rạp xiếc. Chàng quen phóng như điên mà cũng toát bồ hôi...
 Quẹo trái.
Quẹo trái, quẹo phải, quẹo trái... Diễm Hà cứ đều đều ra lệnh như thể nàng là Song Ngư thật sự và chàng là nhân viên ngoan ngoãn của tình báo Anh quốc. Nàng dán mắt vào con đường nhựa sáng phía trước, da mặt nàng căng thẳng và nghiêm trọng. Khi ấy nàng chỉ nghĩ đến Bửu Khoa. Và khi ấy Văn Bình cũng làm như máy, tay luôn luôn nắm cần sang số, hai chân liên tiếp đạp côn, rà thắng, tống ga.
Chàng quên bẵng cả những đường phố ngoằn ngoèo, tranh tối tranh sáng, hàng chục bóng hồng tha thướt giơ tay mời mọc, rồi những đại lộ đèn nê-ông rực rỡ, hàng hóa đầy ắp tủ gương. Thần trí chàng được dồn hết vào việc điều khiển chiếc A-110 từ miền Bắc thành phố, qua cầu sông Sein, trở lại tòa nhà hiu quạnh của Bửu Khoa.
Tấm biển đồng khắc mấy chữ "Giáo sư Nguyễn Phúc Bửu Khoa" vẫn còn nguyên bên cổng sắt đồ sộ sơn đen. Đường xá vẫn vắng teo, thậm chí những âm thanh quen thuộc như tiếng máy xe hơi cũng không nghe thấy. Mọi người ngủ say đã đành, dường như cảnh vật cũng ngủ say, và một bức màn bí mật dày cộm đang rủ xuống, ngăn tòa nhà của Bửu Khoa với kinh đô ánh sáng đầy màu sắc, đầy mùi thơm và đầy tiếng động.
Diễm Hà hấp tấp mở cửa nhảy xuống. Nàng lay cửa cổng rồi kêu "trời ơi". Nàng kêu "trời ơi" là vì cửa không được khóa bằng dây xích sắt như thựờng lệ. Hồi tối, Văn Bình đã thấy tận mắt sợi xích lớn bằng ngón tay cái, chú Sáu phải dùng cái chìa khóa dài ngoằn để mở, và cái ổ khóa cũng lớn bằng bàn tay mở rộng.
Giờ đây chú Sáu không có mặt. Cái xích sắt an toàn cũng không có mặt. Diễm Hà lẩm bẩm:
 Mau lên anh ơi!
Chàng không đáp, lùi lũi trèo lên lầu. Mùi nước hoa Femme quyến rũ lạ lùng. Suýt nữa chàng và nàng là đàn bà... giả hiệu và ôm nàng hôn. Đến tấm rèm nhung đen, phía sau là cái tủ đựng sách và ô cửa hình vuông dẫn xuống hầm, cả Diễm Hà lẫn Văn Bình đều khựng lại. Riêng Văn Bình, chàng có cảm giác như bị quạt atêmi vào mặt. Hồi nãy Bửu Khoa đã đích thân kéo rèm, xô cái tủ sang bên, mời chàng đi xuyên qua hành lang rồi đặt chân xuống cầu thang xoắn ốc.
Một lần nữa Diễm Hà khựng lại. Nàng vụt nép vào ngực chàng. Làn da tay của nàng lạnh ngắt. Lạnh đến nỗi Văn Bình nổi gai ốc. Nàng hỏi chàng:
 Anh có nghe thấy tiếng gì không?
Chàng lóng tai một phút rồi đáp:
 Tiếng rên.
 Vâng. Tiếng rên của Bửu Khoa. Chắc kẻ địch đang núp dưới hầm.
 Chẳng sao. Cô chờ trên này để tôi xuống trước dò đường.
 Anh ơi, em có linh tính là Bửu Khoa đã chết.
 Hừ... giác quan thứ sáu của cô trật đường rầy rồi.
Chàng giả vờ pha trò để khỏa lấp sự lo lắng đang chiếm ngự tâm trí chàng. Giác quan thứ sáu bách chiến bách thắng của chàng cũng vừa báo tin giáo sư Bửu Khoa đang trút hơi thở cuối cùng. Nếu Bửu Khoa chết trước khi gặp chàng, chết không trối trăng được với chàng, công việc do sở giao phó sẽ quay lại khởi điểm, và khởi điểm chua chát này chỉ là con số không to tướng. Chàng chỉ nghĩ đến cách giựt kéo nạn nhân hấp hối Bửu Khoa ra khỏi móng vuốt hãi hùng của thần Chết nên quên bẳng một nhiệm vụ không kém quan trọng: nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho Diễm Hà.
Tiếng rên từ dưới hầm rượu vọng lên mỗi lúc một rõ. Hồi tối khi được Bửu Khoa dẫn đến cửa hầm, Văn Bình cũng đã dừng lại quan sát, khi ấy tứ bề hoàn toàn yên tịnh, chỉ thoang thoảng mùi thơm của rượu nho. Giờ đây mùi thơm ngan ngát đã biến đâu mất, ngoài tiếng rên yếu ớt của Bửu Khoa, còn có tiếng gió, tiếng gió soắn cuộn từ một cõi âm xa xôi nào đó thổi hơi lạnh vào mặt chàng.
Đột nhiên, Văn Bình rờn rợn. Chàng sực nhớ đến sự cẩu thả dại dột không thể tha thứ được của mình. Lẽ ra chàng không được lên tiếng trước miệng hầm. Một điệp viên mới ra trường cũng không hớ hênh một cách ngu xuẩn đến thế. Vì trong trường hợp kẻ địch còn lẩn lút dưới hầm, chàng có thể thiệt mạng như chơi. Dầu bắn tồi địch cũng phải bắn trúng.
Tại sao địch chưa xuất đầu lộ diện?
Có thể địch đã hết đạn. Hoặc địch chờ chàng xuống đến nơi để bắt sống. Hoặc địch đã chết....
Tiếng nói của Diễm Hà rót vào tai chàng:
 Tối lắm, để em lấy đèn cho anh.
Trời, tiếng "em" đi kèm với tiếng "anh" của nàng nghe dịu ngọt và ngây ngất khác thường. Cho đến phút này, Văn Bình vẫn cố tin nàng là đàn bà. Đàn bà trăm phần trăm.
Diễm Hà rút cây đèn bấm thực mạnh, loại sạc điện, treo lửng lẳng trên vách tủ, đưa cho chàng. Lùm sáng xanh biếc quét thành vòng tròn, chiếu rõ những bậc thang và nền hầm. Văn Bình từ từ bước xuống. Chàng giang rộng cánh tay cầm đèn, để chiếu sáng được một diện tích rộng hơn, và cũng để phòng bị được cẩn mật hơn nếu kẻ địch mai phục trong góc hầm với khẩu súng sẵn sàng nhả đạn.
Chàng tự biết là liều mạng, song chàng không thể lùi được nữa. sống chết có số... sợ gì.... vả lại, mình thọ cũng đã hơi nhiều... giá ăn đạn của địch cũng phải phép lắm rồi, mình thịt người ta và người ta thịt lại mình, có vay có trả là thói đời thông thường... Trong thâm tâm, chàng nhủ thầm như vậy, nhưng cách rọi đèn và cách đặt bước trên cầu thang của chàng lại chu đáo kinh khủng, sống chết có số, đồng ý, nhưng nếu biết giữ mình chu đáo thì thần Chết khó thể vung lưỡi hái...
Chỉ còn mười bực nữa là xuống đến nền hầm. Chàng giơ cao cây đèn bấm thêm nữa. Trong vừng sáng, chàng vừa nhìn thấy một xác người tênh hênh trên vũng máu đỏ lòm. Chàng biết chắc là xác chết vì trên ngực có một cái dùi lớn, cạm ngập vào tim, gần lút đến cán. Bị đâm giữa tim thì bằng cây kim gút cũng vị tất khỏi chết, huống hồ cái dùi lớn gấp mấy chục lần...
Ánh đèn rọi vào mặt nạn nhân đang nằm nhe răng. Chỉ thấy răng vàng là răng vàng. Cách hắn độ một quãng ngắn là một khối thịt khác, cũng đồ sộ như hắn. Văn Bình nhận ra ngay Nguyễn Phước Bửu Khoa. Diễm Hà đã nhìn thấy trước chàng. Có lẽ nàng đã nhận thấy bằng linh tính, hơn là bằng mắt.
Nàng rú lên thất thanh:
 Anh Khoa, anh Khoa, anh chết rồi ư?
Nàng bước nhanh về phía Bửu Khoa, ông ta nằm dựa đầu lên đống chai rượu vang đỏ, mắt vẫn mở, và tuy chưa đến, Văn Bình vẫn nghe được hơi thở. Hơi thở của ông quá yếu ớt, nhưng ông còn sống, sống được bao lâu nữa, Văn Bình chưa biết. Nhưng chắc chắn là trong giây phút này ông đang còn thở, ông đang còn sống.
Chàng không hy vọng chữa chạy cho Bửu Khoa bình phục mặc dầu chàng là võ sư về môn hồi sinh kuatsu. Chở ông ngay đến bệnh viện, với hàng chục giáo sư y khoa lỗi lạc trong phòng giải phẫu tân tiến cũng vô ích. Vì ông bị chết về nội thương, ông còn ráng sống vì ông muốn nói một đôi điều trọng đại. Văn Bình mừng khấp khởi, song niềm vui của chàng đã bị cắt đứt đột ngột vì tiếng kêu của Diễm Hà.
Thì ra trong cơn hoảng hốt nàng không dể ý để ý đến những bực thang còn sót lại. Nàng bước luôn xuống nền nhà, hụt chân trong khoảng không và ngã tòm vào vũng máu.
 Cứu em với!
Văn Bình vội đỡ Diễm Hà. Ánh đèn bấm đã tắt. Nhà hầm chỉ được chiếu sáng bằng ngọn điện nhỏ bé duy nhất. Tuy vậy Văn Bình cũng thấy hai chân nàng co rúm. Có lẽ nàng gẫy xương vì nàng kêu đau luôn miệng. Chàng đặt nàng nằm ngay ngắn trên một khoảng đất sạch sẽ và điểm huyệt cho nàng khỏi bị cơn đau làm mê man.
Xong xuôi, chàng mới quay lại săn sóc cho Nguyễn Phước Bửu Khoa...
Kể ra, chàng chỉ dành cho Diễm Hà độ 30 giây đồng hồ. Ngay sau đó, chàng dồn mọi nỗ lực để cứu sống Bửu Khoa. Nhưng 30 giây đồng hồ giữa lúc Bửu Khoa chống trả tử thần kịch liệt và vô vọng đã là một thời gian quá dài... Văn Bình cất tiếng gọi:
 Giáo sư Bửu Khoa, tôi đây, z.28 đây.
Chàng lập lại nhiều lần song Bửu Khoa nằm bất động Chàng nghe ngực: trái tim đã ngưng đập. Tuy vậy, chàng vẫn tin là Bửu Khoa còn sống. Chàng vạch áo Bửu Khoa ra, đánh atêmi bằng đầu ngón tay vào huyệt hồi sinh. Khoảng hai phút sau, Bửu Khoa ho lên một tiếng nhỏ. Văn Bình giựt tóc mai và tiếp tục gọi tên. Mắt ông ta mở ra, miệng hơi mấp máy. Tròng đen của ông lay động nhẹ khi Diễm Hà quỳ xuống một bên. Giọng nàng ướt nhèm nước mắt:
 Em đây... anh tha lỗi cho em.
Văn Bình truyền chân khí của chàng vào kinh mạch cho Bửu Khoa. Nhưng chàng có cảm giác chân khí đang tuôn vào khoảng trống. Điệu này chứng tỏ cơ thể của Bửu Khoa không tiếp nhận chân khí được nữa. Nghĩa là Bửu Khoa không còn hy vọng sống lại. ông chỉ có thể sống lại trong phút chốc rồi ra đi mãi mãi...
Văn Bình bèn gạt nhẹ Diễm Hà ra, rồi ghé sát tai Bửu Khoa hỏi dồn:
 z.28 đây, câu hỏi này rất quan trọng, ngày mai ông có hẹn với người bí thư của Tô Lan hồi mấy giờ và ở đâu?
Dường như Bửu Khoa nghe được và hiểu được câu hỏi của chàng. Và dường như ông ta đang cố gắng cất tiếng. Bửu Khoa đằng hắng lần nữa, với mục đích chế ngự lớp đàm đang chặn nghẹt cổ họng. Văn Bình thúc giục Bửu Khoa:
 Ông nói đi. Định gặp hồi mấy giờ, gặp ở đâu? Nếu miệng ông không nói được nữa thì ông dùng tay ra hiệu. Bây giờ tôi hỏi, nếu đúng thì ông cử động ngón tay cái, nếu tôi nói không đúng thì ông cứ để yên.... Thế nào, ông đã nghe rõ chưa? Nghe rõ thì ông cử động ngón tay cái... nào... nào...
Văn Bình và Diễm Hà cùng nín thở. Ngón tay cái của Bửu Khoa hơi gập lại. Gập lại từ từ rồi duỗi ra từ từ. Diễm Hà nhìn Văn Bình, ra vẻ sửng sốt. Vì chàng đang hà hơi cho bàn tay Bửu Khoa nóng lại, đồng thời xoa nắn những đường gân ngang dọc trên bàn tay. Chàng yêu cầu Bửu Khoa cử động ngón cái không phải do sự tình cờ, theo kinh nghiệm nguyên khí trong thân thể sắp chết thường qui tụ nơi đầu ngón tay trước khi tản xuất vào không gian bao la. Đối với võ sĩ từng tập luyện nội ngoại công như Bửu Khoa thì đầu ngón tay là trạm nghỉ mạnh mẽ cuối cùng của nguyên khí, nhiều khi tim đã ngừng đập mà ngón tay vẫn còn lúc lắc.
Văn Bình hỏi Bửu Khoa:
 Sẽ gặp hồi mấy giờ? Tôi sẽ kể giờ, kể xong tôi sẽ ngừng lại, nếu đúng thì ông cử động ngón tay cái, không đúng thì thôi. Nếu ông nghe rõ những điều tôi vừa nói thì ông cử động ngón tay cái...
Văn Bình mừng rơn. Chàng vừa dứt lời, ngón cái của Bửu Khoa đã cục cựa. Chàng lại nói:
 Yêu cầu ông nghe kỹ. Giờ hẹn là giờ chẵn hay giờ có những phút lẻ? Nếu là giờ lẻ thì cử động ngón tay.
Ngón tay cái của Bửu Khoa không thay đổi vị thế. Như vậy nghĩa là giờ chẵn. Thật rầy rà cho chàng nếu giờ hẹn đeo thêm mươi mười lăm phút tòng teng, vì chàng sẽ phải đặt nhiều câu hỏi phụ và Bửu Khoa sẽ không sống được đến khi ấy để trả lời đủ.
Văn Bình nhìn giữa mắt lim dim của giáo sư Bửu Khoa:
-10 giờ.
Bửu Khoa không trả lời. Văn Bình tăng thêm:
-11 giờ.
Bửu Khoa vẫn không cử động ngón cái. Văn Bình lần lượt nâng lên đến xế trưa, buổi chiều, buổi tối, Bửu Khoa vẫn tiếp tục lặng thinh. Thoạt tiên chàng tưởng ông ta đã chết. Kiểm soát lại kinh mạch, chàng thấy rõ ông ta còn sống, mặc dầu gần gũi thế giới bên kia hơn mấy phút trước. Mồ hôi vã đầy áo, Văn Bình nuôi hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra trong buổi tối. Tại các thị trấn quốc tế, buổi tối là thời gian tiếp xúc thuận tiện lý tưởng, một cái ghế đá cộng viên, một chỗ ngồi trong rạp xi-nê tối om, một căn phòng trọ tối
om giành riêng cho những cặp trai gái trốn vợ, trốn chồng đến đó để vui thú trên giường nệm lò so....
Nhưng chàng đã đếm từ 8 đến 12 giờ đêm Bửu Khoa vẫn không nhúc nhích. Không lẽ tiếp xúc từ lúc sau nửa đêm? Đại diện của Tô Lan là đàn bà con gái, trường hợp này không thể xảy ra.
Mồ hôi lạnh đổ rào như nước mưa, Văn Bình vận hết nhỡn tuyến để theo dõi sự thay đổi trên diện mạo nạn nhân hấp hối. Chàng thoáng thấy nét ngạc nhiên pha lẫn bực bội trên tròng mắt Bửu Khoa. Tại sao ông ngạc nhiên? Tại sao ông ta bực bội.
Văn Bình suýt thét lớn và tự vả tát vào má để trừng trị mình. Trời... mình ngu quá... ngu hơn cả những đứa ngu nhất trong làng gián điệp Đông Tây cổ kim! Người Pháp thường chê bai những kẻ đi tìm buổi trưa vào lúc 14 giờ chiều, Văn Bình lại đã đi tìm buổi... sáng vào lúc... nửa đêm. Chàng vừa tính lầm một cách tai hại. Tính lầm vì chàng tự hào là tính đúng. Tính lầm, vì chàng tự hào là quen thuộc đời sống Ba Lê như quen thuộc đời sống Sàigòn. Chàng nghĩ rằng người Ba Lê ham ăn, ham chơi và dĩ nhiên là... ham ngủ nên khó thể đến nơi hẹn trước 10 giờ sáng. Phương chi người hẹn lại là đàn bà. Đàn bà đẹp dậy muộn đã đành, chỉ riêng cái việc từ trên giường bước xuống đất cũng mất 15 phút, rồi còn việc làm sạch và làm đẹp sẽ mất thêm vài ba giờ đồng hồ nữa, cộng thêm một giờ điểm tâm thì sớm lắm là gần ngọ giai nhân mới có thể ra xe, đến nơi hẹn. Chàng đinh ninh 10 giờ là sớm quá. Chàng không ngờ... phải, khôn quá hóa dại... chàng không ngờ.
Cổ đắng mặn, chàng hỏi Bửu Khoa:
 Giờ hẹn là 8 giờ sáng, phải không giáo sư?
Ngón tay cái của Bửu Khoa cục cựa thật mạnh. Dường như ông ta chờ đợi giây phút quý báu này từ lâu. Chỉ một câu hỏi ngắn "8 giờ sáng" mà Văn Bình loay hoay đúng 5 phút đồng hồ, 5 phút trong lúc này giá trị bằng 5 ngày trò chuyện vơi Bửu Khoa khi ông ta còn sống nhăn.
Diễm Hà thở phào. Bước gay go nhất đã được vượt qua. Nhưng còn địa điểm của cuộc gặp gỡ? Đó mới là chi tiết quan trọng. Chàng có thể không cần biết giờ, không cần biết diện mạo người thư ký của Tô Lan. Nhưng bắt buộc chàng phải biết nơi hẹn là đâu. Phương pháp cử động ngón tay chỉ có thể áp dụng vào việc hỏi giờ. Vì vậy trong khi Diễm Hà thở phào Văn Bình lại lo muốn tắt hơi. Ngẫm nghĩ một vài giây, chàng lại tiếp tục:
 Cũng như hồi nãy, ông sẽ dùng ngón tay cái để trả lời. Tôi sẽ đặt nhiều câu hỏi liền nhau. Hỏi xong một câu, tôi ngưng lại, ông sẽ trả lời. Nào, nơi gặp là khách sạn, công viên, đường phố, rạp hát hay hàng quán? Nếu gặp tại một trong 5 nơi vừa kể thì ông cử động ngón cái, bằng không thì thôi.
Bửu Khoa từ từ cử động ngón cái. Văn Bình lần lượt nhắc lại những tiếng khách sạn, công viện, đường phố, rạp hát, hàng quán, vừa nói vừa theo dõi phản ứng của nhà bác học hấp hối. Mãi đến khi chàng dằn mạnh chữ "hàng quán" Bửu Khoa mới trả lời.
Tên nhà hàng bắt đầu bằng chữ gì? Bửu Khoa trả lời sau khi Văn Bình đọc chữ "C". Chàng hỏi "tên nhà hàng gồm mấy tiếng, ví dụ Lapin Agile gồm 2 tiếng?" Bửu Khoa cử động ngón cái ở tiếng thứ tư. Và tiếng thứ tư này là tiếng gì? Văn Bình đọc một hơi hơn 20 chữ cái, mãi đến chữ p ở gần cuối, nạn nhân mới ngo ngoe ngón tay.
Giờ đây, Văn Bình hỏi đến tên đường. Nhưng chàng chưa kịp lên tiếng, nhà bác học đã nấc một tiếng ngắn. Chàng vội vàng kiểm điểm kinh mạch của nạn nhân. Những phân tử nguyên khí cuối cùng của Bửu Khoa đã thoát khỏi ngón tay cái. Tròng mắt đang nửa khép, nửa mở đã đóng chặt lại. Nấc xong, ông quẫy mình và cuộn tròn lại như con tôm luộc.
Bửu Khoa đã chết.
Từ nãy đến giờ, Diễm Hà ngồi im, phần vì nàng tin Bửu Khoa không chết, phần khác vì kỹ thuật đối thoại với người cấm khẩu với Văn Bình đã làm nàng say mê như thể bị thu hồn. Tiếng nấc vĩnh biệt của giáo sư Bửu Khoa lôi kéo nàng ra khỏi cơn mơ. Thấy người yêu co quắp sau khi giẫy đành đạch, nàng mới gọi lớn:
 Bửu Khoa, anh Bửu Khoa? Anh làm sao thế?
Dĩ nhiên là nhà bác học không nghe tiếng nàng kêu và cũng không thể trả lời. Diễm Hà khóc bù lu bù loa như vợ trẻ bị chồng đánh oan. Trong cơn khóc, nàng kể lể, thương xót tình nhân vắn số. Nghe tiếng "vắn số" Văn Bình không ngăn được cười. Trời ơi, suýt soát 80 tuồi mà nàng cho là vắn số, chẳng hiểu nàng muốn ông già chơi trống bỏi này sống đến năm thứ trăm mấy nữa?
Chàng kéo thi thể còn nóng của Bửu Khoa vào góc tường để được gần ánh đèn hơn rồi cắm cúi lục lọi túi quần và túi áo. Tất cả những vật gì tìm thấy, dầu chỉ là một mảnh giấy bé nhỏ, chàng cũng cất kỹ. Xong xuôi, chàng đứng dậy, nắm cánh tay Diễm Hà:
 Ta đi thôi.
Trên khuôn mặt ướt đẫm nước mắt làm son phấn nhòa nhoẹt cũa Diễm Hà hiện đầy kinh ngạc:
 Đi đâu, hả anh?
Lệ ra chàng nói "đi tìm cách liên lạc với Tô Lan" song chàng chợt nghĩ đến mối tình ngang trái giữa hai người sinh lý bất bình thường nên cố tạo giọng ngậm ngùi và căm hờn:
 Đi tìm kẻ giết Bửu Khoa để rửa thù.
Mắt Diễm Hà sáng rực. Quả nàng yêu lão già bác học thật sự. Yêu bằng thể xác đã đành, nàng còn yêu bằng cả trọn vẹn tâm hồn nữa. Nàng xiết chặt tay chàng:
 Cám ơn anh. Nếu anh giúp em rửa thù, em sẽ mang ơn anh cho đến chết. Em sẽ cho anh biết tất cả bí mật về Song Ngư.
Lời nói của Diễm Hà làm chàng sướng phát điên. Nhưng chàng không dám để lộ trên mặt. Chuyến này, ông M., tổng giám đốc tình báo Anh quốc hết đường chống chế. Dĩ nhiên, ông sẽ vẫn đổ tội cho nhân viên như thường lệ, song để trám miệng ông Hoàng, ông sẽ phải (đau đứt ruột) rút cuốn chi phiếu và ký cho ông Hoàng một tờ (điều ông M. rất ít khi làm, vì lẽ ông là vua... rán sành ra mỡ trong làng điệp báo quốc tế).
Sắp trèo lên cầu thang, Diễm Hà bỗng quay lại:
 À, còn thi thể của Bửu Khoa...
Văn Bình giả vờ ngần ngừ một vài giây rồi đáp:
 Để mình liên lạc với cảnh sát, họ cho xe hồng thập tự đến chở đi. Cô dính vào bất tiện, vả lại, mình không có thời giờ.
Diễm Hà ôm mặt Bửu Khoa hôn hàng chục lần. Nghỉ khóc được một lát, nàng bắt đầu khóc lại. Nàng đúng là đàn bà Việt cổ xưa mặc dầu nàng nói tiếng tây thạo hơn tiếng mẹ đẻ, mặc dầu nàng mặc đồ tây và có nếp sống rất tây. Nàng là đàn bà 50 phần trăm, chứ nếu nàng trở thành 100 phần trăm với những bộ phận nẩy lửa như chàng có dịp ngắm nghía, chàng cũng không dám léo hánh tới. Niềm rung động mạnh mẽ đã tan biến, chàng đâm ra sợ nàng...
Lên đến tầng trên, Văn Bình hỏi Diễm Hà:
 Buổi tối Lệ Liên về nhà riêng?
Nàng đáp:
 Vâng.
 Cô biết địa chỉ của Lệ Liên?
 Có chứ.
Chàng đưa bút cho nàng:
 Cô ghi chỗ ở của Lệ Liên và của cô vào đây.
 Em sẽ dẫn anh đến đó ngay bây giờ.
 Không tiện. Tôi đi một mình tiện hơn. Người ta đang rình rập cô, có thể sẽ giết chết cô. Giờ này chắc bọn Rờnê đã báo cáo với Song Ngư.
 Anh đừng ngại. Chúng đinh ninh em là Song Ngư. Ngoài ra chúng không thể biết Song Ngư ở đâu và Song Ngư là ai.
 Đang còn những cơ quan khác nữa. Vì cô là đầu mối có thể dẫn đến Tô Lan.
 Anh lại lầm. Em không biết gì hết. Tuy yêu em, Bửu Khoa lại rất kín đáo.
Hai người trở lên căn phòng được dùng làm bàn giấy của giáo sư Bửu Khoa. Văn Bình lại hỏi Diễm Hà:
 Còn chú Sáu. Nghe nói chú Sáu ở đây với ông Bửu Khoa. Phòng chú Sáu ở đâu?
Diễm Hà dậm chân xuống đất ra vẻ bất bình:
 Trời ơi, óc em đặc sệt, em chẳng còn nhớ gì nữa. Vâng, chú Sáu cũng ở đây với ông Bửu Khoa. Phòng của chú Sáu ở cuối hành lang. Giờ này chắc chú đang ngủ, chú ngủ sớm như người nhà quê. Khổ quá, nếu chú biết ông Khoa bị ám sát trong khi chú ngủ say có lẽ chú tự tử mất.
Văn Bình bước rảo ra hành lang. Không hiểu sao chàng vẫn có cảm giác rờn rợn. cảm giác này xâm nhập trí não chàng ngay sau khi chàng trở lại biệt thự của Bửu Khoa, và nó không chịu tan biến. Giáo sư Nguyễn Phước Bửu Khoa đã chết. Chú Sáu là người thân của Bửu Khoa. Thân, nghĩa là được Bửu Khoa cho biết nhiều điều quan trọng. Địch đã giết Bửu Khoa, địch khó thể buông tha chú Sáu sống.
Đến cửa phòng đóng im ỉm gần lối ra bao lơn nhìn xuống khu vườn đầy cây cối rậm rạp tối om, Diễm Hà đập nắm tay kêu:
 Chú Sáu, chú Sáu, mở cửa.
Bên trong hoàn toàn im lặng. Diễm Hà gắt:
 Ngủ gì mà ngủ lắm thế? Giáo sư Bửu Khoa bị giết mà chú vẫn cứ ngủ ư?
Một lần nữa, Văn Bình phải vận kình để phá cửa. cửa phòng chú Sáu cũng như cửa phòng Bửu Khoa được đóng bằng gỗ tốt khá dầy. Chàng gạt nhẹ Diễm Hà sang bên. Dưới sức đẩy của kình lực, cánh cửa kiên cố bị xụp gẫy.
Văn Bình nâng hai tay ngang ngực, chuẩn bị tung chưởng đối phó. Vì chàng nghi ngại kẻ địch rình núp trong phòng.
Nhưng không, căn phòng không có ai hết. Theo lời Diễm Hà, chú Sáu nằm trên cái giường nhỏ kê sát tường, đối diện cửa ra vào. Tuy sống ở Ba Lê đầy đủ tiện nghi của thế kỷ 20, chú Sáu lại gắn bó với sinh hoạt cổ xưa. Giường chú thuộc loại ván gổ giản dị, thô tháp, do chú tự tay xẻ cây, bào lắp. Chú tự tay đánh bóng vẹc-ni. Trên giường không có nệm lò so như thường lệ. Chú cũng không trải chiếu nữa. Lưng chú phải là lưng sắt mới chịu nổi mặt giường cứng đét. Để khỏi mang tiếng bẩn thỉu, chú chỉ dùng một tấm vải trắng tinh, được giặt ủi và hồ bột thường xuyên, trải thay chiếu.
Trên giường chú Sáu, Văn Bình không thấy chú Sáu. Tấm vải đã bị cuộn tròn nhàu nát, vứt bỏ lung tung trên đất. Cạnh giường là cái bàn nhỏ đựng rượu và ly cốc. Cái bàn này cũng bị lật ngửa, chai và ly vỡ nát. Rõ ràng một cuộc xung đột dữ dẳn vừa xảy ra trong phòng. Vừa xảy ra, vì Văn Bình thấy nhiều vết máu còn tươi ướt.
Chú Sáu đã biệt tích.
Địch đã nhanh chân hơn điệp viên z.28.
Chú thích:
 Trung bình hàng năm một hãng rượu lớn ở Pháp bị vỡ độ 1100.000 chai xâm-banh.
 Trên toàn nước Pháp có chừng 3.500 người biết nếm rượu, nhưng giới "thượng thừa" chỉ gồm trên 50 người, hợp thành Hội nếm rượu (compagnie des courtiers gourmets piqueurs de vins), nồi danh nhất là Jacques Blanchet, Bernard Grenouilleau, André Foulon...
 Kỳ thi này được tồ chức tại trụ sở hội ở Bercy. Muốn nhập hội phải chờ khuyết chỗ (chỉ có 50 chỗ trọn đời), có 2 người đỡ đầu trong hội và phải thi đậu.