Văn Bình cũng ôm ghì lấy Chu-Ling. Toàn thân chàng nóng ran dưới sự mơn trớn của nàng cong trí óc chàng vẫn lạnh băng. Chàng vẫn tỉnh để chuẩn bị đối phó với những việc sắp xảy ra. Trong khi ấy Chu-Ling tỉnh lại để rồi mê mẩn tâm thần. Nàng rời hẳn thực tại, bay bổng trên chính tầng mây tình ái. Chàng ôm ghì lấy nàng không phải để biểu lộ yêu đương mà để ngăn nàng nghe những tiếng động ở phòng bên. Thoạt đầu là tiếng chìa khóa được vào ổ, đến tiếng cửa mở rồi tiếng giày bước vào phòng. Tiếng giày bước đàng hoàng và chững chạc, chứng tỏ chủ nhân đã về. Chu-Yao đã về. Chu-Yao rất thương con, thế tất sau khi ăn tiệc trở về phải sang phòng con. Khi ấy Văn Bình định tung mền ngồi dậy, thoát ra khỏi phòng. Nhưng không hiểu sao chàng lại nằm ép thêm nữa vào người Chu-Ling. Văn Bình nhìn về phía cánh cửa ăn thông sang phòng Chu-Yao. Hồi nãy, chàng chỉ khép hờ. Chàng đã tắt hết đèn song ánh đèn phòng bên vẫn hắt sang khiến chàng có thể nhìn thấy rõ ràng mọi vật chung quanh. Có tiếng gõ cửa và tiếng Chu-Yao: - Ba đây, con còn ngủ hay thức? Chu-Ling chui từ trong mền ra: - Con đang thức. Ba đi dự tiệc về đấy à? Chết rồi... Văn Bình thèm cuộc sống bão táp thì đây bão táp sắp sửa xảy ra. Chu-Yao sẽ bắt gặp chàng nằm cùng giường với cô con gái rượu. Nhà bác học nguyên tử Trung Cộng có thể làm ầm lên, và gọi nhân viên Sigurimi đến. Chu-Ling sẽ bênh vực chàng nhưng tướng Kôlít không thể buông tha. Cũng có thể Chu-Yao sợ sấu hổ nên giữ thái độ im lặng. Văn Bình hy vọng Chu-Yao im lặng vì có thế chàng mới hoàn thành được chương trình đã định. Thái độ của Chu-Ling cũng làn, chàng kinh ngạc. Lẽ ra khi nghe cha hỏi nàng phải nín thinh. Hoặc sợ nàng nín thinh Chu-Yao sẽ rón rén tới, hôn trán và đắp mền lại, nàng vẫn có thể đáp lại là đang bận việc. Đàn bà con gái có thể bận việc bất cứ lúc nào! Hiểu ý, Chu-Yao sẽ chờ đợi, và trong khi ấy chàng vẫn còn đủ thời giờ nhảy xuống giường, biến ra ngoài hành lang... Lại tiếng Chu-Yao: - Ừ, ba mới về xong... Ba có nhiều chuyện vui lắm, muốn kể lại cho con nghe. Ba sang phòng con được không? Nàng vẫn nằm lì trong mền, nói vọng ra, tay ôm ngang lưng chàng: - Được chứ! Con cũng có chuyện vui không kém... Văn Bình đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Tại sao chàng đang nằm trên giường mà nàng lại cho cha nàng vào phòng? Tại sao ân ái với một thanh niên lạ mà nàng cho là có "chuyện vui không kém"? Chu-Yao vặn đèn lên sáng quắc. Văn Bình đã dự liệu trước mọi việc sẽ xảy ra như vậy nhưng đến khi ánh sáng tràn ngập căn phòng chàng lại luống cuống, mặt mũi đỏ bừng. Chu-Yao đang bước vào bỗng khựng lại. Y vừa nhìn thấy Văn Bình. Chu-Ling ngồi lên, bình thản khoác áo ngủ vào người rồi chạy lại phía cha ôm hôn chùn chụt vào hai bên má. Chu-Yao lẳng lặng đón nhận cái hôn của con gái, không nói gì hết. Chu-Ling nũng nụi với cha: - Ba đừng giận con nhé! Chu-Ling gọi Văn Bình: - Dậy đi anh, đừng sợ gì cả. Ba em đấy mà. Ba em không nói gì đâu. Chu-Yao hơi biến sắc khi nhận ra người đàn ông nằm trên giường con mình là Kêvin. Tuy nhiên, y vẫn chìa bàn tay ra, giọng thân thiện: - Chào ông. Văn Bình khúm núm: - Xin ông tha lỗi. Chu-Ling cười khanh khách: - Em bảo anh đừng sợ gì cả mà... Chu-Yao quay sang phía con gái: - Con đi tắm cho khỏe. Vì lát nữa mình đã phải lên đường. Ba cần nói chuyện một lát với ông Kêvin. Chu-Ling phụng phịu: - Vâng, con xin đi tắm. Nhưng ba không được nói xấu con đấy. Ba hứa với con đi. Chu-Yao nghiêm nét mặt: - Con nghĩ lại coi từ bao năm nay có bao giờ ba làm con phật ý đâu, ba luôn luôn nghĩ đến hạnh phúc của con, cho dẫu ba phải thiệt thòi tất cả. Thôi, ba bằng lòng hứa. Đi tắm kẻo không kịp. - Bao giờ lên đường? - Trong vòng một giờ nữa. - Con ở lại được không? - Không được con ạ. Con dư biết rằng trên đời này ba chỉ còn con là niềm an ủi duy nhất. Ba không thể nào sống xa con dẫu chỉ là một vài giờ đồng hồ. Chu-Ling huýt sáo miệng như con trai, giơ tay vẫy Văn Bình rồi bước vào buồng tắm. Chờ nàng đóng cửa xong Chu-Yao mới nói với Văn Bình: -Ồ kìa, tại sao ông chưa ngồi xuống? Văn Bình nhận thấy giọng nói của nhà bác học Trung hoa có vẻ xúc động. Trước mặt con gái, dường như Chu-Yao đã cố gắng tột độ để giữ bình tĩnh. Chàng đinh ninh Chu-Yao sẽ ném vào mặt chàng một câu nói khinh bỉ "ông là người thiếu tư cách" rồi mời chàng ra ngoài. Chàng không ngờ Chu-Yao lại mở đầu bằng lời cám ơn thân mật: - Ông đã mang lại hạnh phúc cho con gái tôi. Tôi thành thật cám ơn ông. Văn Bình chưa đáp thì Chu-Yao đã đứng đậy, rút cặp kiếng trắng ra khỏi mắt để lau vào ống tay áo. Chàng thoáng thấy y rơm rớm nước mắt. Như thể quên bẵng đang nói chuyện với người lạ. Chu-Yao đặt mục kỉnh xuống bàn rồi chắp lại tay sau đít, đi đi lại lại trong phòng. Bằng giọng đều đều, y bắt đầu cuộc độc thoại: - Ông hãy nghe tôi nói, và đừng ngắt. Sở dĩ tôi cần bày tỏ dài dòng với ông là để tránh hiểu lầm. Ông thấy con gái tôi dễ dãi chắc ông nghĩ rằng chúng tôi là những kẻ coi thường đạo đức... Văn Bình ngắt: - Tôi không bao giờ dám nghĩ như vậy. Chu-Yao hơi nhăn mặt: - Tôi đã yêu cầu ông ngồi nghe mà ông không chịu. Nếu ông chấp nhận điều kiện tôi mới tiếp tục, bằng không chúng ta nên dừng lại ở đây. Văn Bình gật đầu: - Vâng, tôi xin chấp nhận. Chu-Yao vẫn đi đi lại lại trong phòng: - Ngoài miệng ông chấp thuận nhưng trong thâm tâm chắc ông cho rằng tôi là người điên. Tôi không điên đâu ông ạ, óc tôi đang sáng suốt hơn bao giờ hết. Con gái tôi cũng không phải hạng người trên bộc trong dâu mà là con nhà thế gia lệnh tộc. Trước ngày Cách Mạng Tân Hợi xảy ra, cha tôi là một vị đại quan trong triều. Tổ tiên tôi mấy đời đều giữ chức vụ cao cấp. Theo truyền thống Á đông. Chu-Ling đã thừa hưởng một di sản tinh thần quý báu. Hồi nhỏ, tôi nuôi nó trong khuôn mẫu nghiêm khắc của Khổng giáo. Khi nó sinh ra, vợ chồng tôi muốn nó trở thành đứa con gái đầy đủ công dung ngôn hạnh để sau này gả bán cho nơi môn đăng hộ đối. Nhưng hoài bão của chúng tôi không thành vì cách mạng đã hoàn toàn thay đổi đời sống Hoa Lục. - Thưa, năm 1949? Văn Bình lại ngắt lời Chu-Yao lần nữa, nhưng không hiểu sao nhà bác học lại quên bẵng và đáp: - Phải, năm 1949. Năm ấy, quân đội giải phóng nhân dân toàn thắng, gia đình tôi phải tản cư từ Hoa Bắc về Thượng Hải. Thật ra hồi ấy chúng tôi không định ra đi, nhưng trong cơn chạy loạn vĩ đại của nhân dân Trung quốc chúng tôi đã theo sang Đài Loan. Vợ tôi có một ông chú buôn bán ở Bắc Âu nên chúng tôi rời Đài Loan đi Bắc Âu lập nghiệp. Chúng tôi sinh sống tại Thụy Điển, nếu không sung sướng thì cũng không đến nỗi khổ. Ông chú vợ đối với chúng tôi rất tốt. Nhờ ông khuyên nhủ và giúp đỡ, tôi nghi tên vào đại học mặc đầu đã hơi lớn tuổi. Tôi vốn có khiếu toán học từ nhỏ nên như rồng gặp mây tôi chiếm được những giải thưởng khó nhất trong trường. Tôi học giỏi đến nỗi chỉ mất 4 năm tòng học là đậu bằng Tiến sĩ Toán. Rồi từ đó, đời tôi lên như diều. Gặp may trên đường học vấn, tôi còn gặp may trên đường tử tức nữa. Tôi đến Thụy Điển được một thời gian, mới học năm thứ nhất đại học thì vợ tôi có thai và sinh được một trai kháu khỉnh. Nếu nó còn sống đến nay thì nó thua Chu-Ling 3 tuổi. - Cậu em của Chu-Ling đã chết? - Nó đã chết, và cái chết của nó là đầu mối của tất cả mọi việc đã xảy ra cho gia đình tôi, cho con gái tôi, và cho đến nay vẫn còn đeo đuổi tôi như bóng với hình. Sau khi tốt nghiệp cao học, và đệ trình một luận án về toán học không gian, tôi được Hàn lâm viện Thụy điển lưu ý và mời làm giáo sư đại học. Từ đó chúng tôi sống rất dễ chịu. Năm Chu-Ling lên 10 thì biến cố xảy ra. Năm ấy, thằng Lee lên 7. Hai chị em quấn quít bên nhau cả ngày, sau giờ học là chúng kéo nhau đi chơi, thậm chí đến tối phải rầy la chúng mới chịu lên giường ngủ. Tuy là em trai, thằng Lee đòi mặc quần áo như chị nó. Cái gì nó có, con Ling cũng chia cho thằng Lee. Một đêm kia, tôi đi ăn tiệc về muộn nên vợ tôi cằn nhằn. Ông tinh, Thụy điển là xứ rộng rãi về quan niệm tình ái, nam nữ yêu nhau, vợ chồng ngoại tình là chuyện thông thường, nên vợ tôi cứ sợ tôi học đòi dân bản xứ mà lấy người đàn bà khác. Tôi không giấu gì ông là đã lừa vợ tôi nhiều lần, quá nhiều lần, nhưng ông cũng là đàn ông tất ông cũng hiểu tâm trạng đàn ông. Đàn ông có vợ tằng tịu với người đàn bà không phải vợ mình không có nghĩa là phản vợ. Phần nhiều đó chỉ là vấn đề giải quyết sinh lý. Hoặc là vấn đề thay đổi không khí của người đã đến tuổi 40, tuổi ái tình sung sức nhất. Thú thực là đêm dự tiệc ấy tôi có ăn nằm với một cô gái Thụy điển. Nhưng tôi vẫn yêu vợ tôi tha thiết. Vợ tôi là người đàn bà đức độ, luôn luôn trầm tĩnh, nhỏ nhẹ với chồng. Sau nhiều năm sống chung, chưa khi nào nàng to tiếng. Không hiểu sao nàng lại to tiếng với tôi. Từng quen với sự phục tòng vô điều kiện của vợ, tôi cũng to tiếng lại. Hai vợ chồng cãi nhau một trận ra trò. Tôi đập hết bát đĩa trong nhà, vợ tôi lấy kéo cắt nát hết cà-vạt của tôi. Lần đầu tiên từ ngày lấy nhau chúng tôi ngủ riêng. Và cũng là lần đầu tiên chúng tôi quên săn sóc con cái, đưa chúng nó vào phòng ngủ như thường lệ. Chu-Ling mới 10 tuổi song đã biết cư xử như người lớn. Thằng Lee cũng vậy, nó thấy cha mẹ cãi nhau thì tỏ vẻ buồn phiền và rủ chị ra ngoài vườn chơi. Ban đêm ở Thụy điển rất lạnh, đêm ấy lại là đêm mùa đông nên trời lạnh một cách kinh khủng. Đêm mùa đông ấy là đêm đầu tiên và cũng là đêm cuối cùng thằng Lee ra vườn chơi dưới trời tuyết lạnh. Cho đến nay tôi cũng không hiểu tại sao hai đứa trẻ lại có phản ứng lạ lùng như vậy. Trời lạnh dưới không độ, mặc quần áo toàn len còn không dám ra ngoài phương chi cả hai chỉ mặc đồ ngủ phong phanh. Nhà chúng tôi ở vùng ngoại ô, gần một khu rừng rậm, hai chị em chạy từ vườn vào rừng, đến khi cảm thấy lạnh chúng nó nghĩ đến trở về thì đã muộn. Con Ling vấp phải rễ cây ngã xuống, thằng Lee xốc chị dậy, nhưng không kéo về nhà được vì hơi lạnh đã làm tay chân nó tê dại, hai chị em đành nằm mọp luôn trên mặt đất lạnh giá. Quá nửa đêm, cơn ghen đã nguôi, vợ tôi vào phòng để hôn con như thường lệ. Không thấy chúng nó vợ tôi vội báo cho tôi biết. Chúng tôi quên cả giận nhau, vội tá hỏa đi tìm. Với sự trợ lực của cảnh sát, chúng tôi tìm được hai chị em đang nằm ôm nhau, cách nhà chừng nửa cây số. Cả hai đều thoi thóp, chỉ chậm một lát nữa là Chu-Ling cũng chết. Hai chị em được đưa vào bệnh viện. Lee hấp hối được một tuần thì thở hơi cuối cùng. Ling may mắn sống sót nhưng 6 ngón chân bị cưa vì hơi lạnh làm chết. Và nguy hơn nữa là từ đó nó trở thành người điên, ông biết không? Nhà bác học ngừng nói. Không khí trong phòng mát rợi mà y lại rút khăn ra lau bồ hôi Văn Bình nhận thấy y giả vờ lau bồ hôi để chấm những giọt nước mắt đang lăn xuống gò má. Tiếng nói buồn thảm của Chu-Yao còn vang ngân bên tai chàng "6 ngón chân bị cưa vì hơi lạnh làm chết..." Thì ra người đẹp Chu-Ling đã mất 6 ngón chân sau cái đêm định mạng u sầu ấy tại Thụy điển! Chàng chợt nhớ lại lúc người ân ái, nàng cởi bỏ tất cả song vẫn giữ lại đôi tất chân. Chàng tưởng đó là phản ứng thường tình của một số phụ nữ phương tây, họ muốn giữ lại trên người một vật nào đó, hoặc là đôi bít-tất, đôi găng tay, hoặc đôi bông tai, chiếc đồng hồ tay, là để tự lừa dối rằng họ chưa hoàn toàn lõa lồ. Chàng không ngờ Chu-Ling để nguyên tất chân là để che giấu 6 ngón chân bị cụt... Lau nước mắt xong, Chu-Yao nói tiếp: - Vâng, từ đêm ấy con gái tôi trở thành người điên. Tôi đã tốn bao công phu chữa chạy song nó vẫn không bình phục. Bệnh điên của nó không giống bệnh điên được mô tả trong sách y học. Vì có lúc nó thật điên song cũng có lúc nó thật tỉnh. Dần dà, theo thời gian nó tỉnh nhiều hơn điên. Càng lớn, nó càng đẹp ra, người cha có con gái đẹp cũng như trái bom trong nhà, có con gái điên mà đẹp còn là trái bom ghê gớm hơn nữa. Tôi tìm cách khuyên nó lấy chồng song nó cương quyết từ chối mặc dầu nhiều nhà tâm lý học lỗi lạc đã khuyên nó như vậy, họ cho rằng tình trạng sinh lý điều hòa sẽ giúp nó thắng được nghịch cảnh đã hằn ghi trong tiềm thức. Ông thử nghĩ coi, em chết, mẹ chết, hai người thân yêu nhất đời cùng chết trong vòng một năm phỏng nó không loạn thần kinh sao được. - Thưa, bà nhà vì buồn rầu mà mất? - Cũng gần như vậy. Ngay sau đêm chúng tôi cãi lộn và xảy ra tai nạn thê thảm vợ tôi bị mất trí. Nàng bị mất trí luôn cho đến lúc từ giã cõi đời nên tôi chưa hiểu nguyên nhân, vì nàng còn giận tôi, hay nàng hối hận, hay vì nàng quá thương con nữa. Trưa hôm ấy, hai chị em con Linh vừa ở phòng cứu cấp ra thì vợ tôi ôm ngực té xỉu và lâm vào tình trạng hôn mê. Gần một tháng sau đột nhiên nàng tỉnh lại trong bệnh viện. Tôi mừng quýnh tưởng nàng đã bình phục. Nàng đòi gặp mặt con, tôi chỉ có thể mang con Ling tới, và nói dối là thằng Lee đang điều trị tại trung tâm chỉnh hình vì cụt ngón chân nên phải vắng mặt. Nàng cười nói rất vui vẻ, các y sĩ đều kinh ngạc cho đó là một phép lạ của tạo hóa. Té ra nàng lừa tôi. Nàng vận dụng nghị lực cuối cùng để cười nói vui vẻ hầu làm tôi yên lòng. Nàng biết là thằng Lee đã chết. Đến đêm nàng uống độc dược tự tử. Nhân viên bệnh viện đã tận tình cấp cứu song vô ích. Nàng đã chết. Sợ con Chu-Ling phẫn chí chết theo, tôi phải hết sức chiều chuộng nó. Cho đến một ngày kia... Một ngày kia nó bình phục được phần nào, nhờ một vật mà không ai ngờ tới, các y sĩ nổi danh cũng không bao giờ ngờ tới. Vâng, vật đó là đôi mắt. Tưởng Chu-Yao điên, Văn Bình đập bàn tay xuống mặt bàn, hỏi gặng: - Ông nói sao? Ông nói rằng Chu-Ling khỏi điên phần nào nhờ một đôi mắt ư? Nhà bác học nguyên tử Trung Hoa quay phắt lại hai mắt đỏ ngầu: - Vâng, con gái tôi được đột nhiên bình phục nhờ một đôi mắt. Đôi mắt tuyệt đẹp của một người đàn ông nó gặp nhân dịp nghỉ mát ở bờ biển Anbani. Lúc ấy, tôi cũng có mặt, nên tôi hiểu ngay tâm trạng của nó. Chúng tôi đang nằm trên ghế vải nhìn ra khơi thì một thanh niên bước qua. Thanh niên này có cặp mắt to và ướt, cặp mắt giống hệt cặp mắt của vợ tôi, cặp mắt của thằng Lee. Hẳn ông đã có dịp quan sát đôi mắt của con gái tôi, nó có cặp mắt to và đẹp. Mắt của thằng Lee còn đẹp hơn nhiều. Khi trò truyện với người thân, mắt nó luôn luôn ướt. Nhưng khi nghiêm nghị, mắt nó lại sáng quắc như chứa chất thép. Thấy thanh niên này, nó rú lên "trời ơi, em Lee", tôi liền nói lại là "không phải, em Lee đã chết". Nó trả lời là "Lee đã chết nhưng hồn Lee còn sống, và Lee đã đầu thai vào người đàn ông nay". Tôi nghĩ rằng con tôi đã tưởng tượng vô lý, cho dẫu thuyết luân hồi đúng nữa thì Lee cũng không thể đầu thai vào người thanh niên kia được, vì nó còn nhỏ trong khi người thanh niên kia đã gần 30 tuổi. Nhưng tôi không dám làm con gái tôi thất vọng. Tôi chiều ý nó, tìm cách làm quen với người thanh niên lạ. Tôi cho hắn mang con gái tôi đi chơi. Và hắn đã lợi dụng tâm bệnh của con gái tôi để ăn nằm như vợ chồng. Tôi không dám hó hé vì những phút ân ái đã làm con tôi bớt điên và dần dà khỏe lại. Tôi đã nghĩ đến tác hợp người thanh niên này với Linh mặc dầu hắn chỉ là kẻ ăn chơi đàng điếm. Nhưng chẳng hiểu sao sau một tuần chung sống thân mật với hắn Ling lại từ chối. Tôi hỏi lý do thì nó bảo rằng gã thanh niên này không phải là Lee. Có khổ thân tôi không? Nó gặp gã thanh niên có cặp mắt to và sáng vào lúc 6 giờ chiều nên từ đó trở đi chiều nào cũng như chiều nào cứ đúng 6 giờ là nó ra ghế đá công viên ngồi đợi. Nó nói rằng nó đợi mãi thế nào cũng gặp. Và nó đã gặp ông. Văn Bình toát bồ hôi. Thảo nào Bôrết và Khơrút yêu cầu chàng ra công viên trước khách sạn Dajti đúng 6 giờ chiều! Thì ra KGB sô viết đã biết rõ tâm bệnh của người đẹp Chu-Ling. Họ chọn chàng làm con mồi vì chàng có cặp mắt to và sáng cặp mắt độc đáo giống cặp mắt của Lee và của mẹ Chu-Ling! Mọi việc đã hiện ra như ban ngày. Khám phá ra sự thật. Văn Bình bắt đầu lo sợ... Nhà bác học Trung Hoa không quan tâm đến thái độ đổi khác của chàng và cứ nói tiếp, vẫn bằng giọng đều đều: - Khi thấy ông trên máy bay, con gái tôi đã giật mình. Nó đòi tôi mời ông lại trò chuyện. Tôi khất nó đến Tirana. Đến khách sạn, nó lại yêu cầu lần nữa, tôi đành hẹn đến tối. Tôi định gặp tướng Kôlít để cho người tìm ông, không ngờ ông lại đã gặp Chu-Ling. Ông gặp nó ở đâu? - Thưa, ngoài công viên. - Hồi 6 giờ chiều? - Tôi cũng không nhớ rõ giờ. Vì không khí trong khách sạn không được thoải mái, tôi mới ra công viên hóng gió. Tình cờ tôi thấy hai tên côn đồ hành hung và toan cưỡng hiếp cô Ling. Tôi vội chạy lại cứu. Rồi Ling mời tôi lên xe. Lái xe ra ngoại ô. - Ông đã ngủ với nó? - Vâng. - Nó tự ý đưa ông về phòng? - Vâng. Một lần nữa, xin ông tha lỗi. - Nếu cần xin lỗi thì người xin lỗi phải là tôi. Vì tôi xin nói rằng ông không phải là người đàn ông đầu tiên có cặp mắt độc đáo mà con gái tôi đã ân ái. Trước ông, và sau người thanh niên trên bờ biển đã có nhiều người rồi. Nó yêu ai thì yêu vũ bão, yêu cuống cuồng như sợ lát nữa trái đất sẽ nổ tan. Nhưng chỉ vài ba ngày sau, có khi vài ba giờ đồng hồ sau nó đâm ra chán ngấy. Nó từng bỏ rơi nhiều người đàn ông một cách tàn nhẫn. Tàn nhẫn đến nỗi tôi phải xấu hổ. Nhưng ông ơi, ông nên thông cảm hoàn cảnh đặc biệt của gia đình tôi mà tha thứ cho nó. - Thưa ông, tôi không bao giờ dám nghĩ đến việc đó, vì người đáng thương phải là Chu-Ling. Tôi chỉ sợ là thiếu tướng Kôlít không để cho tôi yên. - A, ông đã biết Kôlít, tôi cũng cần nói ông biết rõ luôn thể. Phải, Kôlít vẫn ngấp nghé con gái tôi mặc dầu ông ta đã gần 50 tuổi. Nói về cân xứng thì Kôlít cũng không đến nỗi nào. Ông ta lớn tuổi nhưng mặt mày và thân hình còn trẻ, tính tình lại khả ái, nếu được ông ta làm rể thì tôi còn vinh hạnh nào bằng. Nhưng con gái tôi chưa chịu nên tôi phải khất lần, hẹn lữa, nói là đợi nó ra trường rồi cưới xin cũng chưa muộn. Kôlít là người quảng đại, không hề ghen tuông, nhưng dầu sao ông ta chỉ là con người như ông và tôi... biết đâu trong cơn nóng giận chẳng có những cử chỉ khiếm nhã. Tuy vậy, ông hãy tin tôi, tôi sẽ cố gắng thu xếp để Kôlít khỏi ghen tuông. Chừng nào ông rời Tirana? - Thưa ngày mốt. - Tôi sẽ đưa ông ra phi trường. Chu-Ling đã ra khỏi phòng tắm không biết từ bao giờ. Nàng mặc áo sường sám bằng lụa nhân tạo màu củ đậu trắng ngà, bó sát lấy bộ ngực nẩy nở. Nhìn nàng đố ai dám cho nàng điên. Nghe cha nói, nàng xí một tiếng rồi phụng phụi: - Ba lại nói xấu con rồi phải không? Chu-Yao hôn trán con: - Không. Ba chỉ thuật ông Kêvin nghe những điều về gia đình ta và ông Kêvin đã hoàn toàn thông cảm. Nàng bật cười: - Con dại quá. Có biết con không nút tai để nghe ba nói cho xong? Nàng ném xuống bàn hai cái nút tròn, dài bằng ni-lông mềm. Rồi quay sang Văn Bình: - Bác sĩ thật ác. Cứ bắt em nút chặt tai mỗi khi tắm. Họ sợ nước vào tai sẽ ảnh hưởng đến óc. Ba em cho anh biết là em điên phải không? Chàng lắc đầu: - Không. - Anh đừng nói dối. Nói dối em sao được. Anh có con mắt giống mắt của Lee. Mỗi khi nói dối, tròng mắt phải đổi màu. Mắt anh đang sáng bổng xám lại nên em biết là anh nói dối. Em cần nói thẳng rằng trước kia em có điên, điên vì thương em, thương mẹ, nhưng từ chiều đến giờ em hết điên rồi. Em sẽ yêu anh mãi. Em sẽ là vợ anh. Chu-Yao nói: - Bậy nào! - Con chọn người yêu, con chọn người làm chồng mà ba cho là bậy ư? - Không phải thế. Bất cứ con lựa ai ba đều công nhận. Sở dĩ ba cho là bậy vì ba sợ ngày mai con thay đổi ý kiến. Cũng như trước kia con đã thay đổi ý kiến nhiều lần. - Trước khác, bây giờ khác. - Ba mừng lắm. Nhưng đó mới là ý kiến của con. Còn phải có sự thỏa thuận của ông Kêvin nữa. Có thể ông Kêvin đã có gia thất. Cũng có thể vì một lý do nào đó ông Kêvin phải từ chối. Lời nói của Chu-Yao làm Văn Bình bối rối. Chàng không biết trả lời ra sao: nếu chàng từ chối - vì bổn phận nghề nghiệp buộc chàng phải từ chối - điệp vụ "Bóng Ma" sẽ thất bại, nhưng nếu chàng chấp thuận, chàng sẽ phạm tội với lương tâm vì đó chỉ là chấp thuận giả vờ. Nhưng Chu-Ling đã bịt miệng chàng lại: - Đừng nói, anh đừng nên nói gì cả. Anh nói có hay nói không cũng làm em lo lắng. Thà anh im lặng rồi chờ thời gian định đoạt. Chu-Yao thở phào ra: - Mỗi lúc còn một khó hiểu thêm. Sắp sửa đến giờ rồi. Con đợi ba một lát rồi chúng mình xuống xe. Chu-Ling chỉ Văn Bình: - Con không bằng lòng. Ba phải cho anh Kêvin cùng đi với con kia. Nhà bác học Trung Hoa ngần ngừ: - Hẳn con đã biết là ông Kêvin không thể đi được. Chu-Ling ngúng nguẩy: - Vậy thì thôi. Ba hằng nói hễ con muốn gì ba đều chiều theo. Lần đầu tiên ba không đếm xỉa tới lời cầu xin của con. Phải rồi, con biết rồi, ba có thương con bao giờ đâu? Ba chỉ thương nghề nghiệp của ba, công việc của ba, còn thân con như thân thằng Lee cũng chỉ là một vật vô nghĩa... Nàng òa lên khóc. Nhà bác học vội kéo cô gái điên vào lòng, an ủi: - Ừ, ba sẽ làm con vui lòng. Nhưng con cũng nên biết rằng việc này rất nguy hiểm. Địa vị của ba có thể bị... - Thì ba từ chức đi. - Con lại nói bậy nữa rồi. Để ba điều đình với tướng Kôlít. - Con biết trước là ông ta không chịu. - Nếu ba giải thích, ông ta sẽ chịu. Miễn hồ ba ở khu A bên ngoài Trung Tâm. Ba ở đó điều khiển công việc bằng điện thoại cũng được. Nào, con đã vui lại chưa? - Vui lại rồi. Ba là thần cứu tinh của con. Nàng đeo lấy cha, hôn lấy hôn để. Đến khi Chu-Yao sang phòng bên, nàng đeo lấy Văn Bình và kéo chàng xuống giường. Thân thể nàng nóng hổi như từ lò lửa chui ra. 15 phút sau, Chu-Yao đã hiện ra ở cửa phòng và nói: - Kôlít đã ưng thuận. Con và ông Kêvin sẽ ngồi chung xe vơi ba. Chu-Ling khoác tay Văn Bình xuống thang gác. Nàng nhí nhảnh như đứa trẻ được lì xì ngày Tết. Văn Bình cũng cười lại song tâm trí chàng lại xao động dữ dội. Công việc của chàng sẽ được hoàn tất nội đêm nay. Máu sẽ đổ. Một số người sẽ nằm xuống. Nhưng máu ai sẽ đổ? Ai sẽ nằm xuống? Chàng liếc Chu-Ling bằng đuôi mắt. Trong thâm tâm, chàng cầu mong cho nàng sống. Không phải vì chàng nặng tình với nàng, mà vì chàng thấy nàng không đáng chết. Nghịch cảnh đã biến nàng thành bệnh nhân tình dục, nàng đáng thương chứ không đáng ghét. Gã bồi "ma cô" ăn lương của KGB vẫn còn nhẩn nha ở tầng dưới. Hắn quay lưng đi song Văn Bình biết chắc là hắn không bỏ qua mọi cử chỉ và ngô ngữ của phái đoàn bác học Trung hoa. Ngay sau khi chàng rời khách sạn, hắn sẽ báo cáo cho Khơrút. Biết đâu Khơrút đã có sẵn tai mắt trong phái đoàn bác học, và đang trương bẫy đợi chàng... Đoàn xe Mecédès 6 cửa dài ngoắng, và bóng như có thể soi ngương, đậu ngoan ngoãn trước lữ quán. Văn Bình đã có nhiều dịp ngự trong xe Pullman 600, loại đắt tiền nhất thế giới nhưng cũng phải chóa mắt vì những thiết trí sang trọng bên trong chiếc Mercédès 600 dành riêng cho Chu-Yao. Chiếc 600 này gồm hai hệ thống điều hòa khí hậu, ngăn sau của chủ nhân tỏa ra một hơi mát thoang thoảng mùi thơm hoa hồng. Đóng cửa lại, người ở trong xe không nghe tiếng động bên ngoài khiến Văn Bình có cảm giác như lạc vào cõi chân không thần diệu. Chàng ngồi xuống bên cạnh Chu-Ling, đối diện với Chu-Yao. Nhà bác học trưởng đoàn có vẻ trầm tư mặc tưởng trong khi cô con gái cười nói luôn miệng. Trong chớp mắt, đoàn xe đã ra khỏi thành phố. Phía trước là một xe bọc thép mở đường. Chạy sau cùng cũng là một xe bọc thép. Trên con đường vắng tanh, tài xế chạy với tốc độ 150 cây số một giờ. Qua những giãy phố sá đồ sộ, đoàn xe ra đến đồng ruộng. Anbani là xứ có nhiều đồi núi nên mới ra khỏi ngoại ô chừng nửa giờ đoàn xe đã trèo giốc, những con giốc ngoằn ngoèo như bầy rắn khổng lồ đang bò dưới trời khuya tối om. Vì từ phía tối om, chàng lại không thông thạo đường xá nên chỉ biết là đoàn xe chạy về hướng nam. Đúng 50 phút sau khi chuyển bánh, chiếc Pullman 600 chở Chu-Yao dừng lại. Phía trước là trạm kiểm soát. Việc kiểm soát giấy tờ chỉ có tính cách thủ tục nên tài xế lại tiếp tục phóng lút ga xăng, 10 phút nữa đến trạm kiểm soát thứ hai. Trạm này tọa lạc trên sườn núi, bên con đường đèo chật hẹp, chỉ vừa xoẳn hai xe hơi chạy song hàng. Văn Bình nhận thấy suốt cuộc hành trình không có một chiếc xe hơi nào chạy ngược chiều. Dường như mật vụ Sigurimi đã đặt rào cản, bắt mọi loại xe hơi từ phía trước phải đổi đường. Đoàn công-voa dừng tại trạm kiểm soát thứ hai lâu hơn trước. Rồi tài xế lái sang bên trái, đổ giốc thoai thoải xuống thung lũng. Giàn hỏa tiễn chắc được đặt trong vòng chảo, bốn bề có núi non bao bọc hầu tránh con mắt dòm ngó của phi cơ và vệ tinh thám thính. Văn Bình vụt hiểu tại sao KGB không biết rõ vị trí của giàn hỏa tiển mặc dầu vệ tinh sô viết luôn luôn bay trên không phận Anbani. Hết đường giốc, xe hơi chạy qua một cánh cổng lớn thắp đèn điện theo kiểu phòng thủ thụ động, vào một khu cư xá rộng lớn gồm toàn nhà trệt sơn màu sẫm không phản chiếu ánh sáng. Tuy Chu-Yao không giải thích Văn Bình vẫn biết đây là khu cư xá của nhân viên phục vụ tại Trung tâm. Chắc giàn hỏa tiễn được giấu trong hầm núi, bên ngoài không thể nhìn thấy. Tài xế loanh quanh một hồi rồi đậu trước một tòa nhà lớn, tứ phía có tường cao vây kín. Ngoài cửa hai tên lính đội mũ sắt, cầm tiểu liên đứng gác. Văn Bình chỉ thấy một mình chiếc Mercédès của Chu-Yao rẽ vào trong sân còn những chiếc khác phóng thẳng. Lúc xuống xe chàng đụng toán vệ sĩ lực lưỡng ngồi trong hai chiếc díp mui trần, hầu hết đều là người Tàu. Có ba người Anbani, chắc là nhân viên của tướng Kôlít. Dường như họ đã quen với bệnh yêu đương bốc đồng của Chu-Ling nên không ai để ý đến chàng. Không ai chào chàng, cũng không ai ngó chàng, họ coi như chàng không có. Tuy nhiên, chàng thừa biết là toàn thể đều liếc trộm chàng. Sở dĩ họ tảng lờ vì sợ phật lòng Chu-Ling. Nhưng họ vẫn có nhiệm vụ theo sát chàng từng bước. Toán vệ sĩ chia nhau án ngữ mọi lối ra vào của tòa nhà trệt, trong khi Chu-Yao mở cửa sắt bước vào gian phòng rộng la liệt máy móc điện tử. Chu-Yao nhìn đồng hồ tay rồi dặn con gái: - Ba sẽ làm việc ở đây cho đến sáng. Con dẫn ông Kêvin sang phòng bên. Nàng hôn trán cha, giọng nũng nịu: - Ba có phiền lắm không? Chu-Yao đáp: - Nếu phiền, ba đã không cho phép ông Kêvin cùng đi với con. Hiện tại cũng như trong tương lai, ba sẽ làm bất cứ việc gì miễn hồ con được sung sướng. Phòng bên được trang hoàng tối tân, với hai tủ lạnh lớn kê sát tường và một giãy giường sắt trải khăn trắng, có lẽ đây là nơi tạm nghỉ của nhân viên trong căn cứ. Chu-Ling lúi húi lục tủ lạnh lấy rượu và bánh xăng-uých. Văn Bình ngồi xuống ghế, giả vờ dựa lưng hút thuốc lá để quan sát quanh phòng. Cho đến phút này chàng cũng chưa hiểu tại sao chàng lại có thể lọt vào một căn cứ tối mật Anbani. Mọi việc đã xảy ra quá dễ dàng nên chàng tưởng là giấc mộng. Chàng lại có linh tính tất cả sự khả ái của Chu-Yao chỉ là cạm bẫy. Y cho chàng đến đây là vì Chu-Ling yêu cầu, song y không thể cho chàng trở về. Y coi chàng là trò chơi cho con gái, và sau cơn truy hoan, Chu-Ling chán ngấy, y sẽ sai vệ sĩ thủ tiêu chàng để bảo vệ bí mật. Đột nhiên, chàng nghe tiếng động. Nghe hơi gió sau sưng, chàng vội thụp đầu né tránh, song ngọn roi cao su bọc chì đã quất trúng gáy chàng. Chàng khuỵu xuống. Chu-Ling quay lại song một khẩu lệnh khô khan và dữ dằn đã cất lên: - Cô phải đứng yên. Súng này đã nạp đạn. Nếu cô kêu lên hoặc có cử chỉ kháng cự tôi sẽ bắn chết. Văn Bình không ngạc nhiên khi nhận ra Khơrút. Chu-Ling đặt chai rượu xuống bàn, mặt tái mét. - Ông là ai? Khơrút nhún vai: - Tôi là nhân viên KGB. - Ông làm cách nào lọt được vào đây? - Ồ, giản dị lắm. Tôi nằm trong cốp xe Pullman của cô. - Bọn vệ sĩ của ba tôi đang gác ở ngoài, tôi chỉ la lên là họ chạy vào. Ông nên để cho chúng tôi yên. Đêm nay, tôi không thích nhìn máu đổ. - Cô đừng kêu vô ích. Vì trong số nhân viên Sigurimi đứng ngoài hành lang đã có những đồng chí của tôi. Chúng tôi đã bố trí chu đáo. Cho dẫu bọn vệ sĩ ùa vào cũng không dám đụng đến tôi. Vì họ sợ tôi bắn cô. Tôi biết là họ không dám giết chuột sợ bể lọ quý. - Ông muốn gì? - Muốn cô gọi ba cô vào đây. Văn Bình đã đứng dậy. Khơrút quả là võ sĩ thiện nghệ về món đánh roi cao su. Hắn chỉ cần một ngọn roi nhẹ đủ làm chàng ê ẩm châu thân. Khơrút đã nhắm đúng huyệt kôchu, huyệt chết, gần đốt thứ nhứt của xương sống. Thừa cơ xuất kỳ bất ý, hắn điều khiển ngọn roi một cách chính xác, rơi gọn vào giữa huyệt kôchu. May mà Văn Bình đã tập luyện được mình đồng da sắt, và nhất là thay đổi vị trí các huyệt đạo trên người, nếu không chàng đã mạng vong. Như vậy có nghĩa là Khơrút quyết giết chàng, nếu không cũng làm chàng trọng thương. Vì trái chanh đã được vắt nước, đến lúc phải bỏ vỏ... Khơrút nhìn Văn Bình bằng cặp mắt ngạo nghễ. Hắn không ra roi thêm nữa vì hắn biết tứ chi chàng còn bải hoải. Thấy Văn Bình vịn tay vào tường để giữ thăng bằng, hắn cười nhạt: - Anh là người có võ công siêu đẳng nên mới gượng dậy được như vậy sau khi lãnh đòn vào huyệt kôchu. Nhưng tôi cũng cần nói thêm cho anh biết rằng võ công của anh đã trở thành đồ bỏ. Vì sau lưng anh tôi đã thủ sẵn một cây tiểu liên. Văn Bình nhìn ra góc tường. Khơrút nói không sai: một nhân viên KGB đang chĩa khẩu súng máy sô viết đen sì vào ngực Văn Bình. Chu-Ling lớn tiếng: - Các ông có bỏ súng xuống không? Khơrút gật gù: - Cô hãy mời ba cô vào đây rồi tôi sẽ tuân theo lời cô. Cô muốn gì tôi cũng thỏa mãn. Chu-Ling suy nghĩ một phút rồi tiến lại cửa. Khơrút mở hé, nàng ló đầu sang phòng bên, kêu: - Ba ơi, ba? Chu-Yao vừa mở va-li lấy giấy tờ để xuống bàn thì nghe con gái gọi. Tuy bị quấy rầy, y vẫn tươi tỉnh: - Ba sắp phải làm việc. Con cần ba điều gì? - Mời ba sang đây với con, có chuyện rất gấp. Chu-Yao mới bước khỏi ngưỡng cửa. Khơrút đã hất hàm: - Chào ông. Chu-Yao sửng sốt: - Anh là ai? Anh vào phòng này làm gì? Anh có biết là nhân viên vô phận sự không được phép vào trong phòng này không? - Biết lắm chớ. Vì tôi là sĩ quan KGB. - Sĩ quan KGB? Anh điên hả? Làm gì có KGB ở đây... Để tôi gọi vệ sĩ tống anh ra ngoài. - Ông đừng lộn xộn nữa. Một lần nữa tôi nhắc lại, tôi là sĩ quan KGB, nếu chưa tin ông cứ hỏi Kêvin thì biết. - Kêvin cũng là... - Không, ông ta hơi khác tôi, tuy cũng làm nghề như tôi. Ông ta là sĩ quan gián điệp. Nhưng lại là gián điệp C.I.A. Chu-Yao dụi mắt như đang mơ ngủ: - Trời ơi, anh là KGB còn Kêvin là C.I.A. Tại sao KGB and C.I.A. lại vào được trung tâm tối mật này? Khơrút cười nhạt: - Vì sở Sigurimi của tướng Kôlít là một tổ chức gồm toàn trẻ nít, ông hiểu chưa? Chu-Yao nổi nóng: - Yêu cầu anh giữ lễ độ. Khơrút vẫn cười nhạt: - Vâng, đối với ông là người lớn tuổi lại là khối óc khoa học kỳ tài tôi xin hết sức lễ độ. Nhưng tôi không thể làm như vậy đối với ái nữ Chu-Ling kiều diễm của ông. - Đồ khốn. Anh chạm đến con tôi, tôi xẽ liều chết với anh. Anh phải biết rằng tôi quý con gái tôi hơn mạng tôi nữa. Tôi có thể làm bất cứ việc gì để bảo vệ con gái tôi. - Việc gì ấy, tôi đang yêu cầu ông làm đây. Nếu ông bằng lòng, tôi sẽ để ông và con gái ông tự do. Ngược lại, tôi sẽ bắn Chu-Ling chết trước mặt ông. Chu-Ling bước lại gần Khơrút giọng đe dọa: - Đây, anh bắn đi? Tôi thách anh bắn đấy! Gã cầm tiểu liên ở góc tường quát: - Ngậm miệng lại. Chu-Yao bảo con gái: - Con để yên cho ba điều đình. Ba không cho phép họ đụng đến con đâu. Khơrút nói: - Lấy danh dự sĩ quan KGB, tôi xin đảm bảo với ông là chúng tôi không khi nào có thái độ sàm sỡ với cô Chu-Ling. Tuy nhiên, đền bù lại, ông phải giúp chúng tôi ngăn chặn kế hoạch "Hỏa thần" được thực hiện. Chu-Yao há hốc miệng, vô cùng kinh ngạc: - Kế hoạch "Hỏa thần"? Trời ơi. KGB cũng biết có kế hoạch Hỏa thần ư? - Vì biết nên tôi mới lặn lội từ Mạc tư Khoa đến đây. Chúng tôi đã biết hầu hết chi tiết. Lẽ ra chúng tôi tố cáo trước dư luận quốc tế nhưng lại sợ các ông chối tội và nói là chúng tôi ngậm huyết phun người nên mới tìm cách bắt quả tang. Kế hoạch "Hỏa thần" là kế hoạch bí mật được hai chính phủ Bắc Kinh và Tirana soạn thảo, nhằm bắn môt hỏa tiễn gắn đầu đạn nguyên tử đến một thành phố Tây-Âu, súi Liên sô và Hoa kỳ đánh nhau, khơi ngòi đại chiến thứ ba. Nếu tôi không lầm, thì trong lúc này nhân viên phụ tá của ông đang sửa soạn gắn đầu đạn tại giàn phóng cách đây 3 cây số. Ông là trưởng đoàn, ông hãy ra lệnh cho họ ngưng lại và phá hủy giàn tên đạn. - Tôi chỉ thừa hành chỉ thị của cấp trên, tôi không thể... - Cho dẫu ông không nghe tôi, cứ ra lệnh cho nhân viên khai hỏa, thì kế hoạch "Hỏa thần" vẫn thất bại, không những thế Anbani còn phải chịu hậu quả tai hại về bụi phóng xạ nữa. Vì các giàn hỏa tiễn trên đất liền, và trên mặt biển vây quanh cộng hòa Anbani, đã được Liên Sô bố trí sẵn sàng. Hỏa tiễn nguyên tử mà Trung hoa cung cấp cho Anbani chưa kịp rời khỏi giàn phóng thì đã bị bắn tan nát, bụi phóng xạ sẽ rớt xuống thành phố. Đó là chưa nói đến hậu quả chính trị và ngoại giao trên thế giới nữa. Chu-Yao đứng lặng giữa phòng, vẻ mặt suy nghĩ. Khơrút nhìn đồng hồ rồi giục: - Chỉ còn 30 phút nữa thôi. Trong 30 phút nữa hỏa tiễn sẽ được khai hỏa. Tôi đề nghị ông liên lạc với ông đặc sứ Trung hoa, em ruột của ông. Ông đặc sứ là bạn cố tri của đồng chí lãnh tụ Enver Hoxha. Mọi việc sẽ được thu xếp một cách êm thấm và chóng vánh. Chu-Yao thở dài: - Vâng, tôi chấp thuận. Điện thoại ở phòng bên. Anh có cho phép tôi sang phòng bên không? Khơrút nhún vai: - Được chứ. Ông được hoàn toàn tự do. Nhưng ngược lại, ông cần ghi nhớ các điều kiện sau đây: thứ nhất, đầu đạn nguyên tử phải được chở từ giàn phóng về cái bãi bóng chuyền ở trước tòa nhà này, một trực thăng đặc biệt của KGB sẽ đáp xuống để chở đi ; thứ hai, ra lệnh cho lực lượng phòng thủ chung quanh căn cứ không được xạ kích phi cơ trực thăng khi bay đến và bay đi ; và thứ ba, cô Chu-Ling sẽ được ở lại, còn Kêvin và ông phải lên trực thăng với chúng tôi làm con tin. Chu-Yao lắc đầu: - Tôi chấp thuận các điều kiện do ông đưa ra. Tuy nhiên, tôi nhận thấy điều kiện thứ ba thiếu bảo đảm cho tôi. Ông lừa tôi lên trực thăng rồi chạy thẳng một mạch thì sao? Tôi xin nhắc lại là tôi không thể sống xa con gái tôi. Nếu ông không chịu thì thà tôi chết ở đây với nó. Khơrút đáp: - Vậy, cả ông lẫn cô Chu-Ling đều lên trực thăng. - Tôi không tin là tướng Kôlít chấp thuận. - Ông yên tâm. Tướng Kôlít sẽ chấp thuận, vì lát nữa trên trực thăng đáp xuống sân bóng chuyền sẽ có đồng chí Bôrết. Đồng chí Bôrết, cố vấn ngày trước của tướng Kôlít, đại diện cho KGB và điện Cẩm Linh sẽ là nhân vật mà chủ tịch Hoxha có thể tin cậy được. - Vâng, nếu có ông Bôrết thì mọi việc sẽ khác hẳn. Tôi gọi dây nói ngay bây giờ. Xin ông chờ tôi. Chu-Yao dộng cửa kêu sầm. Khơrút quay lại mời Chu-Ling, giọng thân mật: - Cô ngồi xuống cho khỏi mỏi chân. Chu-Ling nắm áo Văn Bình giật mạnh: - Anh nói dối em. Không ngờ anh là nhân viên C.I.A. Nhưng anh là ai em cũng chẳng cần. Em vẫn yêu anh tha thiết. Khơrút nói: - Tội nghiệp cho cô. Cô còn giận hơn nếu được biết tông tích thật sự của Kêvin. Vì con người đứng trước mặt cô chỉ là nhân viên C.I.A. đội lốt. Văn Bình mỉm cười: - Các anh đã tìm ra Kêvin? Khơrút đáp: - Phải. Do sự tình cờ. Đúng hơn, do sự cẩu thả đáng trách của C.I.A. Kêvin chính hiệu đã thoát khỏi nơi giam giữ. Báo chí đang làm rùm beng về vụ này ở Hạ uy Di. - Nghĩa là chính phủ Tirana đã biết? - Cũng may là chưa. Tôi mới biết cách đây mấy tiếng đồng hồ. Nhưng chắc bây giờ tướng Kôlít cũng đã biết rồi. Dầu sao tôi cũng thành thật khen ngợi anh, anh cải trang tài quá. Chúng tôi đã để ý đến kế hoạch "Hỏa thần" từ lâu, thoạt tiên định dùng hệ thống chống hỏa tiễn để tiêu diệt hỏa tiễn trên vùng trời Anbani nhưng may mắn đã vớ được anh. Cặp mắt của anh là cặp mắt rất hiếm trên thế giới, lại là cặp mắt mà Chu-Ling ưa thích bậc nhất vì là cặp mắt của Chu-Lee. Ngoài ra, anh còn có biệt tài đối với phụ nữ... - Tôi, hay là Kêvin? - Cả hai. Kêvin thật thụ chưa giỏi bằng anh, nhưng cũng chỉ một 8 một 10. Cô Chu-Ling là một mẫu người đặc biệt nên cần có thiên tài đặc biệt để chinh phục. Nghe hai người trò chuyện Chu-Ling tủm tỉm cười. Nàng không hề tỏ vẻ bực bội hay giận dữ. Trái lại, nàng còn cảm thấy khoái trá. Có lẽ bệnh điên vẫn chưa dứt hẳn trong óc nàng. Khơrút nói xong, Chu-Ling vội phê bình: - Ông nói đúng. Từ ngày lớn lên đến giờ, tôi chưa gặp người đàn ông nào có nghệ thuật yêu đương quyến rũ như Kêvin. Khơrút nói: - Anh ta không phải là Kêvin. Mà là Văn Bình, đại tá Văn Bình. Chu-Ling đứng phắt dậy: - Văn Bình tức Z. 28? Văn Bình mỉm cười gật đầu. Chu-Ling vồ lấy chàng, hôn lấy hôn để: - Vậy em càng yêu anh hơn nữa, nhiều hơn nữa. Em đã nghe thiên hạ nói nhiều về anh. Được anh yêu, dầu là yêu một thời gian ngắn, em còn sung sướng nào bằng. Cửa phòng mở toang. Chu-Yao bước vào với hai người đàn ông trạc ngũ tuần. Trong số hai người này, người bên trái giống Chu-Yao như hệt Văn Bình đoán là đặc sứ Trung hoa. Người đi bên phải có vẻ hào hoa tuy đã lớn tuổi, chắc là thiếu tướng Kôlít. Kôlít đứng lại, chào Văn Bình, giọng gay gắt. - Ông là Kêvin giả hiệu? Văn Bình đáp: - Vâng. Khơrút chen vào: - Xin tướng Kôlít nhớ lại, tôi là người chủ động. Quý vị đến đây chỉ để chấp nhận điều kiện của tôi mà thôi. Viên đại sứ trợn mắt: - Anh đừng nói càn. Binh sĩ đã vây kín tòa nhà này, chỉ đợi lệnh là ụp vào. Khơrút cười khẩy: - Cám ơn quý vị đã săn sóc đến tôi. Nhưng chúng tôi đã tính toán kỹ càng. Đối với đại lãnh tụ Enver Hoxha, hoặc tổng giám đốc mật vụ Kôlít thì vật quý nhất trên cõi đất này là cô Chu-Ling. Tướng Kôlít muốn cưới cô Ling làm vợ, còn chủ tịch Hoxha không muốn mất lòng ông đại sứ Trung hoa cũng như công sự viên đắc lực Kôlít. Hiện thời, cô Ling là con tin của chúng tôi. Và tôi tin là quý vị sẽ không dám làm gì để tính mạng cô Ling bị thương tổn. Kôlít nuốt nước miếng: - Tôi đã ra lệnh cho lực lượng phòng thủ cho phép trực thăng của Bôrết đậu xuống. Bây giờ mời anh ra sân bóng chuyền. Máy bay sẽ hạ trong vòng 5 phút nữa. Khơrút từ từ rút trong túi ra một cái hộp nhỏ bằng bao điêm. Hắn áp cái hộp vào tai rồi nói bằng giọng Nga "Thủy thần, Thủy thần". Từ bao điêm có tiếng nói ra "nghe rồi, nghe rồi, đã tiếp xúc với tướng Kôlít, cứ ra sân bóng chuyền". Khơrút cất cái hộp vào túi rồi nói: - Xin lỗi quý vị. Đồng chí Bôrết đã dặn nên tôi phải tuân lệnh. Khơrút vẫn mềm mỏng và khả ái như trong một cuộc họp mặt xã giao. Tuy nhiên, Văn Bình biết chắc hắn là kẻ vô cùng tàn bạo. Khi cần, hắn có thể mổ bụng đàn bà có thai, ném trẻ sơ sinh vào đống lửa mà không hề xúc động. Sân bóng chuyền ngập đầy ánh sáng. Khơrút đi sau Chu-Ling, nòng súng lục dí sát vào lưng nàng. Hai nhân viên KGB khác đi hai bên, tay cầm tay cầm tiểu liên, binh sĩ và mật vụ viên Sigurimi đứng khắp nơi. Mỗi góc sân bóng chuyền có một ụ đại liên đạn đồng bóng loáng. Giữa sự bố trí sắt thép ấy Khơrút vẫn thản nhiên. Mọi người dừng lại. Trên không trung vừa hiện ra ánh đèn lấp lánh của trực thăng. Khơrút hích ngực Văn Bình: - Có khoái không? Văn Bình cười: - Khoái lắm. Cám ơn anh. Với tay chân được tự do, chàng có thể giải cứu Chu-Ling dễ dàng. Nhưng chàng không thể làm vậy. Vì trong hiện tình chàng phải liên kết với KGB. Khơrút cho chàng thảnh thơi vì hắn thừa biết chàng không dám giải cứu Chu-Ling. Cánh quạt trực thăng quay vù vù làm bụi bay hỗn loạn. Tướng Kôlít liếc nhìn Khơrút. Hắn cười nhạt, ra hiệu cho Kôlít để ý đến khẩu súng dán sát xương sống người đẹp Chu-Ling. Trực thăng từ từ đáp xuống. Kôrít và viên đặc sứ Trung hoa tiến lại cửa phi cơ. Bôrết bước xuống. Không ai bắt tay hoặc chào hỏi ai. Văn Bình đứng xa nên không nghe được tiếng nói trao đổi giữa Bôrết và Kôlít. 5 phút sau, Bôrết rút điếu xì-gà để trong túi ra, cắm vào miệng ; như thường lệ, hắn chỉ ngậm chứ không hút. Khối thịt tròn xoe như cái chum nước của hắn lại xê dịch một cách thoăn thoắt như thể hắn có phép khinh công. Tướng Kôlít nói với Chu-Yao: - Xin ông và cô yên tâm. Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau. Một trực thăng riêng của tôi sẽ bay theo. Đến biên giới, họ sẽ đậu lại cho ông và cô xuống, và trèo lên trực thăng của tôi. Văn Bình bắt gặp cái nhìn của Vêlana. Nàng ngồi trong trực thăng chăm chú nhìn chàng mà chàng không biết. Dường như nàng muốn nói chuyện gì với chàng song chưa tiện nói. Bôrết trở lên, ngồi cạnh nàng. Tiếp theo đến hai cha con nhà bác học Trung hoa, Khơrút và đám vệ sĩ KGB. Sau cùng là đầu hỏa tiễn nguyên tử được cất trong một thùng sắt tròn. Trực thăng lẹ làng bay lên. Trong chốc lát, những giãy nhà trong thung lũng đã khuất sau màn tối. Trực thăng vượt khỏi rặng núi, bay qua rừng. Anbani là một quốc gia nhỏ xíu, bề ngang không quá 150 cây số nên trực thăng vừa bay qua rừng đã thấy bờ biển. Về phía bắc là biển Ađờriatít, phía nam là biển Lô-niên, trước khi đến Địa trung Hải. Từ Tirana ra biển chỉ có 50 cây số, Văn Bình đoán là tiềm thủy đĩnh sô viết đang chờ Bôrết ngoài khơi. Ngay từ lúc tới Tirana, chàng đã tìm sở đoản của địch để thoát hiểm nhưng Khơrút đề phòng hết sức cẩn mật. Cửa trực thăng được đóng chặt, mỗi bên có một vệ sĩ ngồi, tay thủ tiểu liên. Băng trước, phía sau phi hành đoàn là Bôrết, cha con nhà bác học Trung hoa và Vêlana. Khơrút lại ngồi sau lưng chàng. Tình thế này hoàn toàn vô vọng đối với chàng, vì cho dẫu chàng triệt hạ được hai tên vệ sĩ và lao đầu xuống biển chàng cũng sẽ bị tử thương vì trực thăng đang bay cao. Chàng đành chờ phi cơ đáp xuống. Nhưng nếu là đáp xuống boong tiềm thủy đĩnh sô viết thì chàng cũng tuyệt lộ. Chàng đành ngồi yên, lẳng lặng nhìn vào đêm tối. Phía dưới mặt nước lấp lánh. Trực thăng đã ra đến biển. Văn Bình nhận thấy trực thăng chở tướng Kôlít từ phía sau đã vượt lên trên. Tiếng nói của Kôlít vang trong điện thoại vô tuyến: - Đến vị trí đã định, yêu cầu trực thăng đậu xuống. Bôrết đáp: - Chúng tôi sẽ đậu xuống trong vòng 5 phút nữa để chờ tiềm thủy đĩnh nổi lên. Vêlana dùng viễn kính hồng ngoại tuyến quan sát mặt biển. Nàng lập tức reo lên: - Đây rồi. Tiềm thủy đĩnh đang nổi lên. Nơi tàu ngầm sô viết nổi lên cách bờ biển gần 500 thước. Bôrết liên lạc bằng vô tuyến với hạm trưởng đoạn ra lệnh cho phi hành đoàn đáp xuống bờ biển. Hai trực thăng cùng đáp xuống một lúc. Điều Văn Bình không ngờ tới đã xảy ra. Chàng chỉ nghe một tiếng nổ thật lớn rồi trực thăng của tướng Kôlít bốc cháy dữ dội. Bôrết đã đặt chân xuống bãi cát ướt. Chu-Yao rú lên: - Trời ơi, các ông đã phản phé! Các ông đã lừa đặt chất nổ trong trực thăng của tướng Kôlít! Bôrết nhún vai: - Tôi cũng thiệt mất một nhân viên trung thành. Từ 6 năm nay, hắn là vệ sĩ cho Kôlít. Giờ đây, tôi đành hy sinh hắn. Chu-Yao giật nẩy mình: - Ông giết Kôlít nghĩa là ông không định trả chúng tôi lại cho chính quyền Anbani! Bôrết đáp: - Dĩ nhiên là không. Chính phủ nhân dân Trung quốc đã bắt của chúng tôi 3 chuyên viên điện tử quan trọng, với tài liệu gián điệp ngụy tạo. Ông và cô Chu-Ling sẽ được dùng làm món hàng trao đổi. Chu-Ling hỏi: - Còn ông Kêvin? Bôrết cười nửa miệng: - Chúng tôi không thể tha Văn Bình, vì đại tá Văn Bình là kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi. Cô bằng lòng vậy. - Nếu ông thay đổi ý kiến, về phần tôi, tôi cũng thay đổi ý kiến. - Cô đừng tự ái, vô ích. Trong trường hợp cô phản kháng, tôi sẽ bắt buộc phải bắn đạn thuốc mê cho cô ngất đi rồi khiêng xuống tìm thủy đĩnh. Đám cháy đang nổ lốp bốp cách chỗ mọi người chừng 100 thước. Bãi cát ban đêm sáng rực như ban ngày. Hai tên vệ vĩ KGB kèm súng bên hông Văn Bình. Khơrút lúi húi dùng đèn bấm liên lạc với nhân viên hải quân sô viết đang lái xuồng máy vào sát bờ. Bôrết còn đôi co với hai cha con nhà bác học Trung hoa. Văn Bình chỉ ngại Vêlana, vì nàng đứng đối diện chàng, nếu nàng phả ứng thần tốc chàng sẽ chết. Nhưng trước sau cũng chết thà chọn cái chết trong khi chiến đấu. Nhanh như làn chớp, chàng vung hai tay ra, đánh bạt hai khẩu tiểu liên đang chĩa vào lưng chàng. Đồng thời chân chàng đảo thành vòng tròn, hai tên vệ sĩ KGB bị quét ngã lăn chiêng xuống nền cát ướt sũng. Tên vệ sĩ thứ ba ở phía sau chàng một quãng xa nên chàng không nhìn thấy. Song hắn đã nhìn thấy chàng tấn công bạn hắn. Hắn thả ngay loạt đạn tiểu liên tacata, tacata... Nhưng trong giây phút hốt hoảng hắn đã bắn ra phía biển. Văn Bình chộp khẩu súng máy trong tay tên vệ sĩ vừa ngã. Chàng chưa kịp lảy cò thì Khơrút đã quay lại. Biết không có hy vọng bắn trước, chàng đành lăn tròn trên cát ; tuy nhiên, chàng biết là không tránh được Tử Thần. Trừ phi Khơrút kẹt đạn, hoặc là... Phép mầu mà Văn Bình chờ đợi đã xảy ra... Khơrút đang chĩa súng vào người Văn Bình, toan bắn thì ân nhân cứu tử của Văn Bình đã bắn trước và bắn rất trúng. Khơrút lãnh hai viên đạn tiểu liên vào mặt, ngã vật xuống. Tên vệ sĩ vừa bắn hụt cũng ngã vật xuống theo vì loạt đạn thứ hai đã được dành cho hắn. Trong khi ấy toán thủy thủ sô viết vừa ghé xuống vào vội đẩy ra khơi và xả súng bắn lên bờ. Loạt đạn của họ đã được đáp lại tức khắc. Tiếng tiểu liên nổ ròn rã, phá tan bầu không khí đêm khuya tịch mịch. Ân nhân của Văn Bình quả là tay thần xạ, vì sau loạt đạn trả lời từ trên bờ, đám thủy thủ trong xuồng máy bỗng nín lặng. Nín lặng vì hầu hết đã bị bắn chết hoặc trọng thương. Văn Bình vừa đứng lên, chưa định xử trí ra sao thì có tiếng thét thất thanh: - Z. 28, cẩn thận Bôrết! Chàng không cần biết ai đã gọi bí số Z. 28 của chàng. Chàng chỉ nghĩ đến cách đối phó với Bôrết. Cây thịt nặng trên một tạ tây của Bôrết đã án ngữ trước mặt chàng. Chàng hươi đòn nhắm vào mặt hắn. Hắn đưa tay lên gạt, đồng thời xòe rộng bàn tay trái tát tréo từ phải sang trái. Ngay phút đầu hắn đã dùng cái tát sămbô Nga la tư để triệt hạ chàng. Chàng thừa biết cái tát của Bôrết có thể dánh vỡ óc con bò mộng Tây ban Nha nên không dám hứng đòn như thường lệ. Chàng hạ tấn xuống để tránh cái tát sămbô sấm sét rồi ào lại, tóm cổ áo hắn, xử dụng các thế cận chiến bí truyền của nhu đạo để quật ngã. Nhưng chàng không có dịp biểu diễn võ thuật trên bờ biển Anbani dưới ánh lửa và trước sự quan sát của giai nhân. Vì một bá súng giáng vào cái gáy nung núc mỡ của Bôrết đã làm hắn mềm nhũn châu thân và xỉu xuống. Một loạt đạn tiếp theo, kết thúc luôn mạng sống của viên trùm phản gián sô viết. Trên bải cát rộng chỉ còn lại 4 người: hai cha con nhà bác học Trung hoa. Vêlana và Văn Bình. Chu-Ling ôm lấy cha trong sự sợ hãi ghê gớm. Vêlana cầm khẩu tiểu liên lia đạn vòng tròn trên cát, lẫm liệt như viên nữ tướng. Chàng vội quát lớn: - Tại sao lại giết họ. Vêlana? Chàng can thiệp quá muộn vì hai cha con Chu-Yao đã ngã gục. Văn Bình phanh ngực trước miệng súng bốc khói của Vêlana: - Còn tôi nữa, cô còn đợi gì mà chưa bắn luôn một thể? Vêlana nghiêm giọng: - Văn Bình, anh đã biết em là ai chưa? Văn Bình sững sờ như người mất hồn. Vêlana tiếp: - Em là Z. 233, người mà ông Hoàng ra lệnh cho anh tiếp xúc tại Công trường Đỏ. Nhiều lần em định ra mặt nhưng không có điều kiện. Lần chót, tại khách sạn, sắp đến giờ hẹn thì lại bị Bônkốp phá quấy. Văn Bình nhìn vào giữa mắt nàng, miệng nói như tụng kinh: - Balê... Tirana... Vêlana bật cười khanh khách: - Hừ, anh vẫn chưa tin em nên nói mật khẩu để bắt em trả lời bằng Leningờrát và áo lông chồn chứ gì? Tội nghiệp cho anh, tại Mạc tư khoa anh đinh ninh Bônkốp là Z. 233 nên cứ nhắc đi nhắc lại mật khẩu. Bây giờ anh đã bằng lòng chưa? Văn Bình thở dài: - Thật anh không ngờ... em là Z. 233. Nghe nói em cần gặp đại diện của ông Hoàng. Người ấy là anh. Em cần gì, xin cho biết. - Ồ, em có một số tài liệu quân sự và chính trị tối mật lấy được trong điện Cẩm Linh muốn nhờ anh mang về. Vêlana đưa cho chàng một cái cặp da mỏng rồi nói: - Tất cả có gần một ngàn bức hình, chụp trên phim vi-ti. - Ông Hoàng nói là trương mục của em tại Thụy sĩ hiện có một triệu ba trăm ngàn đô-la. - Về các tài liệu này, phiền anh thưa với ông Hoàng là em cần năm trăm ngàn đô-la nữa. - Anh sẽ nhớ. Theo lệnh ông Hoàng, anh yêu cầu em rời khỏi Liên sô, vì... - Hừ... anh quên rồi. Ông Hoàng đặn anh thuyết phục Z. 233 ở lại Liên sô, chứ không phải thuyết phục ra đi. Chúng mình không nên đặt tình riêng trên nghĩa chung. Những món tiền mà em đòi trả không phải để em tiêu xài, vì nếu muốn tiêu xài em đã bỏ sang Tây phương: em ở lại, và dùng tiền kiếm được để tổ chức một đạo quân giải phóng cho tổ quốc em. Em không phải là người đàn bà khô khan và tàn nhẫn, em phải giết hai cha con Chu-Yao là vì hoàn cảnh bắt buộc. Nếu em yêu cầu họ theo anh sang Tây phương họ sẽ nghe ngay, nhưng còn em, còn Tổ chức của em thì sao? Em phải trở về Mạc tư Khoa nên họ phải chết. Chết để bảo tồn bí mật. Nói để anh biết, anh là Z. 28 nên em để anh sống, chứ nếu anh là người khác thì em cũng đã không tha... - Tại sao? - Anh tự hiểu lấy. Văn Bình tần ngần, hết nhìn Vêlana đến nhìn xác Chu-Ling nằm sóng sượt. Máu và nước biển làm tóc và mặt nàng ướt sũng. Khi chết, nàng vẫn đẹp, vẫn ngây thơ. Vêlana giục chàng: - Lên trực thăng đi anh. Anh vượt qua eo biển là đến đất Ý. Trực thăng này chạy tối đa 500 cây số một giờ, nghĩa là anh chỉ mất trên 10 phút là được an toàn. - Em đi đâu? - Như em đã nói, em phải về Mạc tư Khoa. - Về bằng cách nào? - KGB có một tổ chức hùng hậu ở đây. Họ sẽ bố trí cho em vượt biên giới sang Nam Tư và từ đó về Liên sô. - Họ sẽ hỏi em về cái chết của Bôrết và Khơrút. Anh tin chắc là họ sẽ giết em. - Em đã có cách thuyết phục KGB. Vả lại, KGB không phải là cạm bẫy nguy hiểm đối với em. Vì em là người yêu của viên giám đốc hành động. Thấy chàng nín lặng, nàng vội tươi cười: - Hắn là người yêu song em chưa hề yêu hắn. Trước giờ chia biệt, có lẽ anh cũng nên biết rằng anh mới là người em yêu thật sự. Văn Bình nắm bàn tay Vêlana. Rồi kéo nàng lại sát người. Chàng đinh ninh nàng ưng thuận. Kỷ niệm Mạc tư khoa sống lại dào dạt trong lòng chàng. Trong cơn yêu đương, nàng có những phản ứng cuồng nhiệt hơn mọi người đàn bà khác. Không hiểu sao nàng lại gỡ ra khỏi vòng tay của chàng. Rồi thúc giục: - Mau lên anh. Nếu anh chậm trễ, trực thăng của mật vụ Sigurimi sẽ tới, và không khéo cả anh lẫn em đều chết. Văn Bình thở dài mở máy trực thăng. Cánh quạt kêu vù vù. Đứng trên bãi cát lấp lánh, Vêlana rút cái khăn quàng cổ ra vẫy, suối tóc bay rào rào theo gió biển. Rồi nàng cắm đầu chạy một mạch về hướng bắc. Văn Bình phải cắn chặt môi để khỏi khóc. Tuy vậy hai giọt nước mắt vẫn lăn xuống gò má. Chàng không biết rằng khi ấy Vêlana cũng khóc. Nàng chạy khuất vào bóng tối rồi dừng lại. Trực thăng đã bay cao. Nước mắt thấm ướt cái khăn quàng cổ màu trắng của Vêlana.Posted by: Hoàng Yến