Chương 7

Đến tối, khi bữa tiệc mừng sinh nhật đầu tiên của đứa con trai cưng qúi độc nhất của chủ nhà đang diễn ra trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp, bỗng có một người khách lạ bước vào sân. Người khách lạ ăn mặc rách rưới, tóc dài phủ xuống ngang vai. Anh ta kẹp một gói quà trong nách. Chủ nhà nhìn người khách lạ với vẻ ngạc nhiên dè dặt, và hỏi anh ta đã từ đâu đến. Nhưng anh ta lảng tránh câu trả lời, và tỏ ý muốn dâng tặng phẩm lên cho gia chủ.
ông chủ nhà vội nói đôi lời chiếu lệ:
- "Anh đem theo quà làm gì? Đâu có cần chuyện ấy?!"
Người khách nhìn chủ nhà lo ngại, trong khi đôi môi anh mấp máy, lúng túng:
- "Tôi muốn... Tôi muốn... Tôi đến để kính chúc phu nhân trường thọ và hàng ngàn... hàng ngàn... "
Anh ta ngập ngừng rồi im bặt. Đôi cánh tay gầy guộc của anh run rẩy chìa gói quà ra, dâng lên chủ nhân, gồm mấy chữ đại tự bằng đồng mạ bạc, viết: "TRƯỜNG THỌ NHƯ NAM SƠN."
Bà chủ nhà đón nhận món quà với vẻ không mấy hài lòng, nhưng bà vẫn mời khách vào bàn tiệc, lúc bấy giờ khách khứa đang thi nhau chén tạc chén thù.
Suốt hai tiếng đồng hồ ăn nhậu, khách khứa ai cũng đều ngà ngà say, nói năng ồn ào. Trong khi đó người khách lạ vẫn im lìm không nói năng gì, mặc dù anh ta đã tu hết hai bình rượu. Khi tiệc đã tàn, bọn gia nhân bắt đầu thu dọn chén bát, người khách lạ mới lẻn ra ngoài hàng ba, kiếm một góc tối kín đáo đứng đó chờ vợ.
Người đàn bà đau đớn hỏi chồng:
- "Mình đến đây làm gì?"
- "Mình tưởng tôi muốn đến đây lắm hả? Chẳng qua bất đắc dĩ đó thôi!"
- "Tại sao lại đến trễ vậy?"
- "Mình thử nghĩ xem, làm sao tôi có tiền để mua qùa biếu chủ nhà, lấy cớ mà vào? Cả ngày nay tôi phải lặn lội trên tỉnh, đi cùng khắp để ăn xin. Xin cho đủ tiền để mua món quà biếu đó. Tôi vừa đói khát vừa mỏi mệt... Vì thế tôi đến trễ."
- "Thằng chó con ra sao?" Người vợ hỏi nhanh.
Người đàn ông sụt sịt kể:
_ "Chính vì nó mà tôi phải đến đây."
- "Vì thằng chó con mà mình phải đến đây? Tại sao?" Người đàn bà kinh ngạc hỏi dồn.
- "Suốt mùa hè vừa qua nó càng gầy còm hơn, khi mùa Thu đến thì nó bị bịnh." Người chồng thong thả, chậm rãi kể. "Dĩ nhiên tôi không có tiền để lo kiếm thầy và thuốc thang cho nó. Bây giờ thì nó tệ lắm rồi. Nếu không chạy chữa kịp, chắc nó sẽ chết mất." Anh ta ngưng trong giây lát, rồi nói tiếp: "Vì thế mà tôi phải mò đến đây, để hỏi vay mẹ mày ít tiền."
Người vợ có cảm giác như thể một bầy ác thú đang xúm nhau vào cào cấu, cắn xé tan tành thể xác của mình, làm cho chị vô cùng đau đớn. Chị muốn òa lên khóc ngay lúc bấy giờ, nhưng kịp nhớ lại ngày hôm nay là ngày mọi người đến đây để chúc mừng sinh nhật cho Thu Mãn mà chị làm như thế là rất không phải với chủ nhà. Chị cố cầm nước mắt và nói:
- "Tôi cũng chẳng có đồng nào. Ở đây người ta chỉ cho tôi mỗi tháng vài xu, gọi là dằn túi thôi. Thực ra, tôi cũng chẳng tiêu xài gì, nên còn đó, nhưng chẳng đáng bao nhiêu. Bây giờ biết làm sao đây?"
Cả hai vợ chồng đều im lặng, không ai nói lời nào.
- "Ai coi con bây giờ?" Người vợ hỏi.
- "Tôi đem nó gửi cho một nhà hàng xóm. Tôi tính sẽ về kịp nội trong đêm naỵ Bây giờ tôi phải đi đây."
Người vợ gạt nước mắt, nghẹn ngào nói:
- "Khoan, chờ chút xíu. Thử xem có thể vay tạm ít tiền của ông chủ nhà được không?"
###
Vài ngày sau, một đêm ông Xã phú hộ hỏi chị tì thiếp:
- "Miếng ngọc xanh tôi cho dì đâu rồi?"
- "Tôi đã đưa cho ba thằng Chó Con, để cầm đi, lấy tiền."
- "Dì còn vay của tôi 5 quan nữa mà?" Giọng ông chủ nhà giận dữ.
- "Năm quan không đủ!"
- "à phải rồi. Dì chỉ nghĩ đến có người chồng cũ và đứa con riêng của dì mà thôi. Dì không nghĩ gì đến lòng tử tế của tôi đối với dì. Tôi tính lưu dì lại đây trong 2 năm nữa. Nhưng bây giờ thì dì phải rời khỏi nhà này ngay vào mùa mùa xuân tới."
Người đàn bà đau khổ nghe nói vô cùng kinh hoảng, thốt không ra lời.