PHẦN HAI
Phần 2 - 6

Kẻ lập ngôn vĩ đại của thời kỳ hạ ngươn không dùng đến những khái niệm trừu tượng mà xử dụng những hình ảnh thực. Chân trời chúng ta đang đi tới có kính thiên văn lớn nhất thế giới. Chúng ta sẽ bắt được tín hiệu của mọi hành tinh trong vũ trụ và sẽ làm chủ cả vũ trụ bởi chúng ta là những người bách chiến bách thắng. Nhưng những tiên tri giả lại rao giảng rằng trời đất sắp tận diệt, hãy luyện tập khí công để không phải chết trong ngày phán xét.
Những kẻ ăn mày phép lạ tuôn ra đường, chúng sẵn sàng đi theo người cho bánh. Sứ mạng dẫn dắt được trao vào kẻ có hoa tay. Bọn lừa đảo thời nào cũng có, chúng cầm cờ và hô khẩu hiệu. Người công chính xấu hổ, còn bọn cơ hội thì bánh vụn cũng không chê. Cuộc sống bị bẻ ngoặt về hai phía đỉnh cao và vực thẳm. Điều kỳ lạ là vẫn có những người cúi đầu đi xuống địa ngục.
Luận đi lang thang trên các con phố. Anh thò tay vào túi. Cái túi rộng nằm trong một cái quần rộng và nó mênh mông trống rỗng. Ở phía sau, một cái túi khác nằm chật một tờ giấy ra trại với điều kiện phải đi kinh tế mới. Cuộc sống không cho phép chọn lựa. Anh cảm thấy mình bị đẩy ra khỏi nhà, bị từ chối, bị phủ nhận. Nhiều người trong số họ đành bỏ quê hương mà đi. Luận không cho rằng đó là một cách hành xử đúng. Về sau này, khi chính phủ Mỹ chấp nhận cho tất cả các sĩ quan chế độ cũ được định cư tại Mỹ, Luận cảm thấy bị xúc phạm, như thể anh đã là người đánh thuê. Tận thâm tâm, anh thấy cuộc chiến ấy vô nghĩa.
Một người đạp xích lô rà lại sát anh.
- Dạo phố phải đi bằng xích lô đạp mới hách.
Luận quay sang nhìn, ngờ ngợ:
- Anh San phải không?
San cười:
- Không phải tao thì là ai? Lên xe đi.
- Kỳ quá.
- Sao lại kỳ. Tao không chở chú mày thì cũng phải chở một ai đó chứ. Thôi lên.
San chở Luận tới một quán cóc bên đường.
- Cho hai trà đá. Anh gọi chị chủ quán và quay qua nói với Luận: Tao chỉ có khả năng mời mày thế thôi.
San trước kia là một chánh sở và viết báo, am tường về kinh tế. Luận gặp anh trong trại cải tạo một thời gian ngắn, sau đó Luận được chuyển đi chỗ khác, bây giờ mới gặp lại.
- Chuyên gia kinh tế mà phải đi đạp xích lô à?
- Bây giờ đâu phải thời của chuyên gia. Dù sao cũng phải sống cái đã. Tồn tại là một điều kiện căn bản trước khi người ta có thể làm điều này điều nọ. Đừng quên điều ấy.
- Coi bộ anh lúc nào cũng lạc quan.
- Tôi cho rằng những người như chúng ta còn được sống là tốt. Thậm chí là quá tốt. Họ có lý khi gom giữ chúng ta, đó là biện pháp an toàn khả dĩ tôi cho rằng chấp nhận được nếu nhìn một cách toàn cục.
- Anh được cải tạo tốt nhỉ.
- Đừng mỉa mai. Cần nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo và công bằng.
- Tôi lại cho rằng sự nghi kỵ là bản chất của chế độ này.
- Dường như ở đâu người ta cũng hay lẫn lộn giữa biện pháp và cứu cánh. Người cai trị là người làm chính trị. Đặt mình vào vị thế của họ mới có thể hiểu được họ. Chúng ta sinh nhầm thời, hiểu theo cách ta không thích nghi được với tình thế. Thôi bỏ chuyện ấy đi. Nói cho tôi biết, bây giờ cậu đã làm gì chưa?
- Làm thuê thì không ai mướn. Làm chủ thì không vốn. Chắc phải đi ăn cướp.
Họ cùng cười.
- Đi ăn cướp cũng phải có gan lắm. Không dễ đâu. San nói tiếp: Cậu thử làm như tôi xem. Không vốn thì thuê.
- Để tôi nghĩ.
- Cậu còn có thì giờ để nghĩ nghĩa là còn có cơ hội để chọn lựa. Không phải ai cũng may mắn thế đâu. Vợ con đùm đề như tôi không thể nghỉ một ngày để nghĩ. Thế mà cũng có lúc tưởng chết đói cả nhà.
- Anh mà cũng đến cái đận ấy sao?
San kể: Trước kia cũng dành giụm được chút đỉnh. Mấy năm cải tạo vợ thăm nuôi, đến khi về mới biết trong nhà chẳng còn gì. Cái gì bán được đều bán hết kể cả mấy cuốn sách gối đầu giường. Mình về làm thuê làm mướn bữa đực bữa cái đâu có đủ ăn. Gạo vay giáp vòng hàng xóm. Con cái nó thấy nhục không sai được tụi nó đi vay nữa. Thà chết thì thôi. Bữa đó cả nhà năm miệng ăn chờ phép lạ. Mình đùa với vợ con: “Đời có số phận, nếu trời chưa cho mình chết thì trời phải cứu. Còn số phận phải chết thì ngồi trên ngai vàng cũng chết”. Cả nhà nhịn từ sáng tới chiều. Mấy đứa con cắn răng nằm ngủ. Vợ mình thẫn thờ đi lại như cái bóng ma. Mình thấy chỉ còn giải pháp đi ăn mày. Chuyện ấy chẳng có can đảm. Thôi thì buông cho số phận... Cậu nhớ thằng Đức không? Cái thằng chuyên ngồi kể chuyện võ hiệp Kim Dung đó. Nó bất ngờ dẫn xác tới, hỏi: “ Sao coi ông lạ vậy?”. Mình trả lời: “Đại giác”. “Cái gì?”. “Chết có lý hơn sống”. “Sợ đếch dám chết. Chết được đã khỏe”. “Tớ đang chết đấy”. Hắn cười: “Lại một thứ triết lý tiểu tư sản”. “Không triết lý đâu. Cả nhà cùng chết đấy”. Hắn gặng hỏi. Tôi nói: “Chết đói”. Hắn chợt hiểu, vội chạy đi mua cho ba ký gạo và một chai mắm nêm. Rồi bảo: “Này ăn no đi. Xong, lấy xe tôi mà đạp. Đêm mang lại trả. Xe tôi cũng thuê đấy. Ông chạy một buổi, tôi chạy một buổi”. Phép lạ là như thế. Gia đình tôi sống đến hôm nay. Thằng Đức hiện đã tìm được việc khác. Phụ vợ bán phở, nó nói: “Trương Vô kỵ mong được ngày ngày kẻ lông mày cho Triệu Minh chắc cũng không hạnh phúc hơn tao. Bưng phở và rửa chén phụ vợ, xí quách thừa, tối lai rai nửa xị, nhìn cuộc đời nghĩ: cục cứt nào cũng thối cả. Đứng trên núi cao nhìn thấy cuộc sống nhỏ mọn. Dước vực thẳm nhìn thấy vạn sự hư ảo”.
Cuộc lang thang của Luận như một cơn mộng du. Trong những ngày còn đứng cầm cuốc trong trại cải tạo, anh thường nghĩ đến những chuyến du hành của con người trong vũ trụ. Từng nhát cuốc vun trồng những luống khoai, những nhát cuốc cần mẫn và nhẫn nhục trở nên quá cay đắng. Có cần thiết phải tồn tại bằng bất cứ giá nào không.
- Ông Đức ơi, cái người bưng phở mà không bao giờ ngẩng mặt lên là ai thế?
- Giáo sư đại học ở Pháp về đấy. Chỉ đổi ba bữa ăn thôi.
- Cũng chỉ để tồn tại ư?
- Bất khả tư nghị. Anh ấy bàn chuyện kiếm hiệp Kim Dung hay hơn tớ một tầng công lực. Luận về thiền hay hơn các thày chùa. Anh hùng và siêu thoát. Nhưng nói chung, tớ không hiểu được con người ấy. Đôi khi, tớ nghĩ đấy là một con người đến từ hành tinh khác.
- Tôi nghĩ ông ta đang tự chôn vùi mình. Vợ bỏ phải không?
- Ừ. Vượt biên rồi. Mà sao cậu biết?
- Tôi đoán thế. Thất chí là một hố thẳm. Vợ bỏ là một vực sâu. Ông ấy không tự sát cũng lạ đấy. Tuyệt vọng và mặc cảm dễ dẫn đến văng mạng.
- Cũng có thể. Nhiều lần tớ bảo ông ấy, anh phải thu xếp lại cuộc đời. Ông ấy chỉ cười: “Cuộc sống như mạng nhện, tự nó thu xếp rồi”. Đấy là một lời nói đùa nhưng mô tả một cảnh đời cô quạnh, buồn chán với ông ấy là rất đúng. Trong cái hang ổ của ông ấy, khói thuốc làm những mạng nhện giăng tứ tung trở nên đen kịt. Không biết ông ấy có chiêm nghiệm gì với bọn nhện.
- Người ta có thể chiêm nghiệm với bất cứ thứ gì khi thất chí, khi thất nghiệp và khi thất tình.
- Cậu dường như cũng đang khác dần đi.
- Vấn đề là có thích nghi với cuộc sống không. Tôi vẫn nghĩ sự đối kháng thường trực mới là một tâm thức sống động của kẻ chưa đánh mất mình. Đối kháng là một cách xác tín về mình. Thích nghi chỉ có nghĩa là vong thân.
- Thế thì khổ đấy. Tớ đơn giản hơn. Theo tớ, thích nghi chỉ có nghĩa là biết. Để tớ giới thiệu cậu với ông ấy.
Họ làm quen nhau. Nhà giáo thất nghiệp ngồi ủ rũ và lặng lẽ. Ông ta không còn sức sống. Luận nói:
- Tôi đã đọc sách của anh viết.
- Đấy là một thời kỳ ảo tưởng. Tôi đã quên nó rồi.
- Dẫu sao cũng đã có những cuốn sách làm thay đổi thế giới.
- Tôi nghi ngờ tất cả những điều ấy. Chỉ có một sự thật là sự đau khổ của con người.
Ở nơi ông nhà giáo, dường như mọi vấn nạn cuộc sống vừa có vẻ trầm trọng vừa vô nghĩa. Luận cảm thấy mình không thể gần ông ta được. Một cảm giác mệt mỏi tràn ngập trong lòng, anh đến tìm Tâm.
- Anh cần em.
Tâm nhìn Luận trân trối, đấy là tình yêu hay chỉ là sự khủng hoảng?
- Anh cần em.
Tâm nhìn sâu vào lòng Luận. Nỗi buồn bã trống vắng đáng thương. Sự yếu đuối của đàn ông như một đứa con thiếu mẹ.
- Em đây.
Một luồng ánh sáng chợt bừng lên chạy qua tất cả mọi ngõ ngách tối tăm trong lòng Luận. Nó làm cho anh trở nên trong suốt. Và cũng luồng ánh sáng ấy nó làm cho khuôn mặt Tâm rạng rỡ. Và khi trái tim của Luận ấm nóng lên thì sức nóng ấy cũng làm cho da thịt của Tâm hồng tươi như ngọc. Và khi miệng lưỡi Luận no đủ mọi âm sắc của tình ái thì những giọt nước mắt vui sướng của Tâm cũng tràn ra. Họ cảm thấy được an ủi và thanh bình.
- Anh cảm thấy mình có đủ sức mạnh để làm tất cả mọi việc.
- “Vì tổ quốc giàu mạnh”?
- “Vì hạnh phúc nhân dân”.
Tiếng cười của họ vang lên, rung qua mái nhà, rung qua mọi nỗi lo lắng. Nhưng rồi họ cũng phải đặt chân xuống đất, bước đi nặng nhọc bởi gánh của chính cuộc đời họ.