TCQ là một loại vận động rất đặc thù, không những khác với các môn thể thao thường mà ngay cả đến những bộ bộ môn quyền thuật khác của Trung Hoa nó cũng có phong cách riêng biệt. Về vấn đề đặc điểm, sách này có đề cập từng điểm dưới một chuyên đề. Ở đây chỉ giới thiệu các đặc điểm chủ yếu: 1. Ðộng tác nhu hòa hoãn mạn: (Ðộng tác mềm mại, buông lơi, thong thả) TCQ đòi hỏi người tập "Dụng ý bất dụng lực", tuyệt không được gồng cứng các cơ, toàn thể các khớp xương phải lỏng (tung khai), bất kỳ động tác nào cũng phải mềm mại, buông lơi, thong thả, tốc độ không nhanh mà chậm chạp, như Quyền Luận có nói "Vận kình như trừu ty" (vận kình như kéo tơ), "Mại bộ như miêu hành" (bước chân như mèo đi), thời gian đi một bài quyền thường mất 15 đến 20 phút. 2. Ðộng tác nào cũng là hoạt động toàn thân: Ở mõt số bộ môn thể thao, thường phân chia vận động của tay, vận động của chân,v.v...Một số quyền thuật cũng thế, trước là đấm một quyền rồi đá một ngọn,v.v...Nhưng luyện tập TCQ thì khác, TCQ đòi hỏi sự chuyển động của toàn thân thể, hễ động một thì không chổ nào không động "Nhất động vô hữu bất động", hễ tĩnh một thì không nơi nào không tĩnh "Nhất tĩnh vô hữu bất tĩnh", "Thượng hạ tương tùy, nội ngoại tương hợp". Nếu như luyện TCQ mà không luyện được toàn thân hoạt động, mà có bộ phận trong người đứng chết trân, thì đó là một đại khuyết điểm vậy. 3. Mỗi động tác cần kết hợp hô hấp với vận động một cách tự nhiên: TCQ cũng còn khác với các loại vận động thường thấy ở điểm này nữa. Có người bảo rằng: Trong khi tập các loại vận động khác, có bao giờ ngưng hô hấp đâu? Tại sao TCQ lại cho hô hấp là một đặc điểm của mình? Lý do là như thế này: sự hô hấp trong TCQ là có quy luật, khi nào hít vào, khi nào thở ra, đều được thực hiện nghiêm túc, chớ không phải là hít thở một cách tự nhiên mà bình thường người ta thường không chú ý tới, mà cũng không phải là miễn cưỡng (gắng gượng) dồn nén hơi thở. Sự hô hấp phải làm sao đạt đến tình trạng "Thâm, trường, quân, tĩnh, khai thoát tự nhiên" (sâu, dài, đều, im, thoải mái tự nhiên). Còn đối với người mới học, chỉ cần hít thở bình thường tự nhiên là được rồi. 4. Khi vận động cần phải "Tâm Tĩnh": "Tâm tĩnh" tức là tâm thần an tĩnh, tinh thần nội liễm, không hoang loạn, không tâm viên ý mã, hồ tư loạn tưởng (không suy nghĩ lung tung viễn vong), cốt làm sao cho vỏ ngoài đại não êm dịu lại một cách từ từ, tuyệt đại bộ phận đi vào trạng thái bị khống chế tức là có nhiều dịp nghĩ ngơi. Ngoài ra lượng hô hấp tăng nhiều, huyết dịch tuần hoàn mau chóng, giúp cho đại não thu được nhiều dưỡng liệu và dưỡng khí, điều này có tác dụng rất tốt đối với việc nâng cao và tăng trưởng cơ năng, và mực độ làm khõe mạnh bộ phận cao cấp của hệ thống trung khu thần kinh. Năng lực hoạt động của hệ thống thần kinh được mạnh mẻ, thì có ảnh hưởng rất tốt đến việc điều tiết, sự phối hợp hoạt động của các hệ thống khí quan trong cơ thể. Do đó chúng ta có thể nói, sự yêu cầu "tâm tĩnh" của TCQ có cơ sở sinh lý học vững chải, và cũng là đặc điểm quan trọng nhất của TCQ.