3/1991ITiếng chuông cửa réo mạnh, kéo dài. Ông Luân buông tờ báo Giải phóng, lột kính, xỏ dép bước ra sân. Ông dừng lại một giây để phán đoán. Ai bấm chuông nghe thật lạ. Ba chục năm nay, khách của ông không ai bấm chuông kiểu như vậy. Chắc là quân quản, những anh chàng đeo băng đỏ tìm nhà vắng chủ. Ông Luân sửa bộ cho ngay ngắn hơn trong bộ pyjama, hỏi qua cánh cửa sắt; "Ai đó?" "Xin lỗi... tìm nhà ai ạ?" Người khách có giọng nói hơi khàn, nhưng không lạ. "xin lỗi, có phải nhà ông Luân không?" "Vâng, tôi là Luân đây, nhưng tôi chưa hân hạnh được biết ông". Người khách reo lên bên kia cửa sắt: "ối mày đó hả Luân. Tao đây. Thời đây".Cửa vừa hé, ông Thời đã nhảy bổ vào ông Luân, thoi vào bụng, đấm vào lưng. Cử chỉ quá thật thà này hoàn toàn không hợp với ông Thời, một người bệ vệ, trán hói, áo trắng cụt tay bỏ ngoài quần theo đúng mốt riêng của cán bộ lãnh đạo cấp cao thời bấy giờ. Còn ông Luân thì trái lại, dáng cao ráo, khắc khổ, thông tuệ trộn lẩn, tạo thành hình dáng một cây thông già cam phận nắng gió. Ông Luân đứng sững, cố lùi ra xa để nhìn khuôn mặt người bạn đã chia tay đúng ba chục năm. Ông Thời cứ huyên thuyên hỏi và ông Luân chỉ đáp lại bằng cái siết tay thật chặt, bằng ánh mắt rưng rưng cảm động. Ông Luân lẩm nhẩm vô thức: "Ôi! Thời! Ông... mày....toa, toa là một đấng anh hùng". "Ôi thần kỳ biết bao... cuộc hội ngộ tam thập niên... thần kỳ biết bao!"Chai rượu Martel cất trong tủ ly từ rất lâu được lấy ra. Mồi lấy từ tủ lạnh gồm những thứ cá thịt dễ chế biến dự trữ để chiến sự kéo dài. Việc dọn đồ nhậu hoàn toàn do ông Thời đảm nhận còn ông Luân thì mách nước chỗ nào có cái gì quý nhất để ông thời lôi hết ra. Rượu rót tràn. Cốc chạm. Họ uống như vừa mừng gặp lại vừa để làm quen, kiểu làm quen của hai người bạn ý hợp tâm đầu từ những ngày xưa.Cách đây ba mươi năm, Thời và Luân cùng học ở Chasseloup Laubat, cùng ở lục tỉnh lên và cùng ở một phòng trọ. Luân con nhà khá giả, Thời thuộc hạng trung lưu. Thời học trung bình, tính hiếu động, thích thể thao, hay ồn áo, đánh lộn. Luân học giỏi, tính trầm lặng, thích văn chương. Họ si mê nhau như đôi tình nhân. Khi đến tuổi yêu đương, cả hai cùng yêu một nữ sinh áo tím. Về sau, nàng áo tím đi lấy chồng, cả hai thất tình và nhận ra mình ngu hơn con gái. Rồi Luân được gọi về quê cưới vợ. Họ chia tay sau khi tốt nghiệp. Cuộc kháng chiến bùng nổ, Luân nhận được thư Thời, chỉ vỏn vẹn mấy chữ: 'Mình ra bưng biền. Tạm biệt!" Luân muốn theo bạn nhưng hoàn cảnh không cho phép. Luân còn vợ dại, con thơ, còn điền sản. Anh mừng cho Thời, luyến tíc tình bạn, giữ mãi mấy chữ của Luân trong ngăn tủ. Có mấy chữ thôi - thật ra là chỉ vì hai chữ: bưng biền - mà phải dấu đút, đôi khi định hủy đi. Nhưng Luân không nỡ. Chẳng lẽ lại sợ cả thủ bút của thằng bạn. Hèn! Thế là Luân giữ cho đến bây giờ.Chén tạc chén thù một hồi cả hai đều nhận ra mình không phải là dân sâu rượu. Họ bắt đầu ngắm nhìn nhau, nhận diện nhau. Thời đã gần sáu mươi. Luân sáu mươi chẳn. Thời bị huyết áp do làm lãnh đạo, ít vận động chân tay, hút thuốc nhiều, họp nhiều, nên đang kiêng rượu mạnh. Còn Luân là học giả, phải làm con mọt sách từ các thư viện nhà nước cho đến tủ sách riêng. Kinh nghiệm dạy: nát rượu không thể làm nghề biên khảo được. Bởi vậy, ông không bao giờ uống rượu trừ khi cần xã giao. Luân đã là tác giả, dịch giả của hơn trăm quyển sách, đã thành nổi tiếng một phần không thuốc, không rượu, chỉ sự nghiệp và họ đều là người già, đang đứng bên kia đỉnh dốc của cuộc đời, phía mặt trời lặn. Phút hoài niệm thời sôi nổi trẻ trung vụt qua nhanh đi. Bên tách trà màu gan gà, họ trở về với hiện tại mà mỗi người đều ngỡ ngàng trước những trang mới của lịch sử, dù trên mái tóc của họ, muối đã nhiều hơn tiêu và trên trán đã có nhiều nếp nhăn cố định. Khi chia tay họ không còn toa moa nữa. Bây giờ là tôi, ông và ông, tôi.IITrong nhiều năm liền, ông Thời gần như có mặt thường xuyên ở nhà ông Luân vào những chiều chủ nhật không bận việc lãnh. Họ nói chuyện suốt buổi, có khi đến thâu đêm. Sau đó, khi, ông Luân gói cho ông Thời một chồng sách, tạp chí tiếng Pháp, tất cả đều là đồ xưa cũ. Ông lãnh đạo - Ông Luân nói - cái này chắc cần cho ông. Những cái này, rất cần đó, mỗi ngày một nặng thêm. Khi thì là sách, là tạp chí đóng tập, khi thì những collection do ông Thời suy tầm. Tất cả đều đóng bìa da hoặc bọc cẩn thận trong những chemise bọc da. Ông Thời thường đi xe đạp đến chơi nhà ông Luân giống như lần đầu (lần đó, ông Luân mỉm cười khen ông Thời: Ông làm giống cụ Phan đỗ đại khoa vẫn mặc áo thâm, chân đất thăm bạn). Nhưng về sau này ông phải đi xích lô để mang sách về và mang sách trả.Thư ký ông Thời - người được giao đọc, tóm lược giúp ông - chỉ hăng hái được thời gian đầu. ít lâu sau, ông thư ký này phải nhờ cô thư ký giỏi Hán Nôm đọc tiếp sức. Cuối cùng, cả hai nam nữ thư ký đều khéo léo từ chối công việc này. Ông Thời đành phải chấp nhận, bởi vì, công việc nặng nhọc ấy hoàn toàn không có thù lao gì. Tình cảnh đó buộc ông Thời phải năng lui tới ông Luân hơn"Sách có ích gì cho ông không?". Một hôm, ông Luân hỏi. Đầu tiên, ông Thời nói: "Có, nhiều lắm. Tôi thận trọng hơn trong các chủ trương". Nhưng sau đó, ông cười khẩy nói ngược lại: "Không! Sách của ông chỉ làm khổ tôi. Nó làm tôi lúng túng khi nghĩ, khi nói. Tôi nghĩ chậm hơn, nói kém lưu loát, thậm chí còn nói lắp". "Chao ôi, đến thế sao?". Ông Luân thảng thốt. Ông Thời nói: "Sách của ông cưới mất trí khôn của tôi, nó chỉ tố cáo tôi ngu. Ông Luân định nói: "Chức năng của sách là làm cho người ta thấy mình ngu. Kẻ nào thấy mình dốt, kẻ đó sẽ được khai sáng", nhưng ông kịp ngừng lại. Ông Thời nói: "Trước đây tôi có thể nói chuyện với tất cả mọi đám đông. Tôi đã nói với các sĩ quan, các kỹ sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ. Tôi đã nói về chăn nuôi với những người nuôi trâu sữa. Tôi cũng đã dạy người nông dân cần phải làm ba cuộc cách mạng ra sao. Chẳng những nói, tôi đã hành động: duyệt đề án này, khen ngợi hoặc bác bỏ tác phẩm nọ. Và... tôi đã đánh giá người này là tốt, người kia là...". Ông Thời bắt đầu nói lắp bắp trước ông Luân như một học trò không thuộc bài. "Vâng - ông Thời tiếp, chính tôi cũng đã chửi các triết gia cổ điển, đã tìm thấy những hạn chế của các đại văn hào, đã phê phá kém cỏi tính quần chúng của nhạc giao hưởng, nói chung, tôi không cảm tình với sách vỡ cũ và người viết ra nó. Đối với tôi, tất cả mọi hiện tượng xã hội được chia ra làm hai, trước Mác và sau Mác, trước khi có Đảng và sau khi có Đảng. Trước và sai, hoặc hạn chế. Ngược lại, sau là đúng, là tiến bộ. Tôi không biết tại sao không ai cãi lại tôi, người ta còn hoan hô tôi. Trên đường hoạn lộ, tôi hành trình suôn sẻ. Và tôi đã nói nhiều, người ta in những điều tôi nói thành sách. Sách của tôi đứng tên cũng đã tới một chồng, cũng đóng bìa da, gáy vàng. Như thế đấy. Như thế..."Ông Thời nói tới đây thì nghẹn, ông lấy mùi xoa hỉ mũi. Xong lại cười nhưng lại uống hết cốc rượu này đến cốc rượu khác. Lần đầu tiên ông Thời say, trái lại, ông Luân ngồi như pho tượng. Ông cảm thấy lo sợ như người có tội. Ông định nói ra để tự giải thoát nhưng lại sợ bị bắt tội, đành thôi. ý nghĩ được lưu giữ trong đầu ông cũng ác và cũng vị kỷ lắm. Ông nghĩ: Hóa ra lâu nay chính ông Thời, bạn cố tri của ông, người hùng thời đại đã cuốn hút ông không sa ngã về phía khác, nhưng do ít kiến thức ông Thời cũng đã từng gây tội lỗi và đã sám hối. Song, ông lại giận ông và giận những quyển sách đã làm cho ông Thời phải cân phân giữa tri thức và quyền lực trong tuổi sáu mươi. Chính ông và sách đã tạo ra nỗi khổ này, nó có nguy cơ đánh mất tình bạn cao quý giữa hai người.IIIít lâu sau, ông Luân được tin ông Thời thất sủng, thay vì ở trong cấp ủy lãnh đạo, ông bị chuyển sang làm chuyên môn. Lý do vì ông đã tỏ ra am hiểu lãnh vực văn hóa, xã hội, do đọc nhiều sách. Ông Luân tự thấy mình có lỗi đã để bạn rời khỏi cương vị lãnh đạo. Ông muốn gặp ông Thời để giãy bày tâm trạng và chấm dứt con đường quan hệ bằng sách vở. Nhưng chờ mãi không thấy ông Thời đến, cũng không nghe tin tức về ông. Trước đây, hầu như ngày nào cũng thấy ông Thời xuất hiện trên ti vi và báo chí. Nhưng gần đây, chỗ của ông đã có người khác thay thế. Lũ trẻ ở nhà đồn rằng, ông Thời đã rút lui nhưng ông Luân không tin, e rằng, ông Thời đã rút lui nhưng ông Luân không tin, e rằng đó là chuyện bẻm mép của trẻ con. Ông Luân nghĩ: giả sử như có chuyện rút lui của ông Thời thì ông cũng sẽ tới đây, đến với ông và tủ sách oan nghiệt đã làm ông chùn bước trên con đường quyền lực. Ông Luân tự trách mình đã quá lãnh đạm với cuộc sống, đã quen thói trùm chăn và mọt sách, không chia sẻ gì được với ông Thời, một người bạn thủy chung trọn vẹn với ông. Nhưng biết làm sao được, ông Luân đã quen cách sống ấy và cũng chỉ muốn giữ cách sống ấy cho tới cuộc đời. Và những ngày trông ngóng ông Thời đến mòn mỏi chỉ làm ông Luân thêm lãnh đạm hơn đối với cuộc sống bên ngoài ngôi nhà của mình. Ông đã quyết định ngồi lỳ trong thư phòng để biên dịch những quyển sách còn dang dở. Ông chỉ xuống nhà ăn khi có tiếng chuông điện do bà Luân hoặc sắp nhỏ bấm. Chỉ có tiếng chuông thật khẽ khàng ấy mới vời được ông, còn những tiếng reo khác thì ông bỏ ngoài tai. Ông cũng không nói, tự cấm khẩu với người trong nhà. Ông chỉ lắc đầu và gật đầu khi cần thiết. Hình như ông muộn tự hành hạ mình để tạ lỗi với bạn và hy vọng mơ hồ rằng ông có thể kết thúc sự nghiệp một cách trọn vẹnRồi một hôm, ông nhận ra, tất cả những ý định của ông đã trở thành ảo tưởng. Ông chỉ làm được cái việc đóng kín trong thư phòng. Còn việc biên dịch thì hoàn toàn thất bại. Chữ nghĩa và đầu óc chống lại ông. Hình ảnh ủ rũ của ông Thời trong lần gặp cuối cùng ám ảnh ông. Mặc cảm tội lỗi hành hạ ông mãi. Ông Luân đau một trận thập tử nhất sinh. Từ đó không ai nghe thấy gì về ông nữa.Vài tháng sau, ông Thời bấm chuông sau khi bước xuống từ chiếc xe hơi đời mới thật sang. Ông béo tròn, da thịt căng hồng như vừa đi mỹ viện về. Không, ông chỉ đi một vòng thế giới thôi. Báo chí vừa nói về chuyến đi của ông. Đó là một chuyến đi khá dài để nghiên cứu, tham quan, học tập và hoạch định một chương trình lớn để hợp tác với nước ngoài. Nghe đâu ông đang là nhân vật lớn của Chính phủ với cái thế rất vững của vùng trọng điểm lương thực và của cơ chế thoáng.Viên thư ký lăng xăng chạy theo ông, tay ôm gói thật lớn bọc giấy hoa, dây buộc màu đỏ có thắt nơ. Tự tay ông Thời bấm chuông. Hồi chuông dội lại, qua cửa sắt, kéo dài. nhưng ông đợi mãi chẳng thấy nhà học giả tóc bạc mặc pyjama mở cổng. Ông hơi nhíu mày. Lát sau, cánh công xịch mở. Một mái tóc bom bê ló ra. Nhác thấy một người bệ vệ và chiếc xe sang trọng đậu trước cổng cô bé lạ hoắc lè lưỡi ù té chạy vào trong, gọi í ới: "Má ơi má! có ông nào... í, có khách!". Người đàn bà tất tả chạy ra, hay tay còn dính đầy cám heo, nước nhểu ròng ròng theo những ngón tay gầy guộc tím tái. Người đàn bà rụt rè thưa: "Thưa, ông tìm ai?". Viên thư ký nhanh nhẩu: "Ông chủ nhà này, học giả Thế Luân đâu?". Ông Thời đẩy viên thư ký sang một bên bước tới, giọng từ tốn hơn: "Tôi là bạn của nah Ba Luân, muốn ghé thăm ảnh!" Người đàn bà hỏi ông: Phải ông là ông Thời không? Ông gật đầu, người đàn bà mừng rỡ chạy vào trong và trở ra với phong thư. Người đàn bà nói: Ông Luân nhờ tôi, nếu có ông Thời đến thì trao thư này". Cánh cổng khép lại. Ông Thời mở thư ra. Ông lẩm nhẩm đọc, vỏn vẹn có mấy chữ: "Tôi về bưng biền. Vĩnh biệt. Luân". Ông Thời đứng lặng, bức thư vẫn run nhè nhẹ trong tay.