Chương 8

1.

Được tin linh mục Dưỡng đã về Sài Gòn, Vũ cấp tốc lại tìm gặp. Anh biết rõ Dưỡng đã cận kề với giám mục Ngô Đình Thục và nhóm CIA ngày từ ngày ở Hà Nội vào. Đầu mối quan trọng này có thể giúp Vũ xác định lại các nguồn tin đã thu thập được và đủ khả năng cung cấp những vấn đề anh cần tìm hiểu.
Thấy Vũ, cha Dưỡng mừng rỡ nắm chặt tay anh kéo vào nhà, vừa đi vừa kể lể:
- Tôi ở Vĩnh Long về được hai hôm. Tôi tạm ở đây với cha Đinh Văn Thuẫn. Khu chung cư này dành cho các sĩ quan cao cấp Bộ tổng tham mưu của trung tướng Lê Văn Tỵ.
Trong phòng khách đã có hai người, một người Mỹ trung niên, một hình mục áo đen cổ có viền trắng. Cha Dưỡng vui vẻ giới thiệu:
- Đây là trung tá Ed Kơ-rô, cố vấn trong phái bộ Hoa Kỳ, còn đây là linh mục Thuần, trung tá Tổng tuyên úy quân đội quốc gia - ông ta quay lại chỉ Vũ - Thày Lê Nguyên Vũ, bạn vong niên của tôi, đã cộng tác với tôi trong Chi hội hòa bình thế giới trong những năm ở Hà Nội.
Vũ lịch sự bắt tay hai người. Linh mục Thuần giữ vai chủ nhân, mời Vũ ngồi. Ông ta vẫy tay, một trung sĩ khép nép bước vào.
- Đem thêm ly và bia.
Chỉ một thoáng, tên trung sĩ đã mang vào chai bia ướp lạnh. Hắn thận trọng rót ra ly, cung kính đặt ly xuống trước mặt Vũ. Cha Dưỡng vẫn tự nhiên nói với Vũ:
- Đức giám mục Thục đích thân đến tìm tôi ở Thủ Đức. Ngài nhờ tôi soạn đại cương thần học, rồi mời luôn tôi đi giảng cho lớp huấn luyện chính trị tại Vĩnh Long. Bây giờ ngài lại đưa tôi về giảng cho lớp đào tạo các cha tuyên úy ở đây. Trung tá Ed Kơ-rô là cố vấn của ngành này. Vừa rồi tôi có gặp Trần Kim Tuyến, nói là đã gặp thày, và thày đã tham gia làm việc trong Bộ Nội vụ, tôi mừng lắm.
Linh mục Thuẫn còn khá trẻ, chắc chưa tới bốn mươi. Vóc cao lớn, mập mạp, luôn có nụ cười trên môi. Qua cử chỉ, thái độ, không có vẻ câu thúc, kênh kiệu Vũ đoán ông ta thuộc trào lưu mới, trong số những tu sĩ được đào tạo từ ngoại quốc trở về.
- Xin mời ông Vũ - Thuẫn nâng ly mời anh kèm theo ánh mắt thân thiện. Vì có tên cố vấn Mỹ, nên Thuẫn dùng tiếng Pháp - Cha bề trên hôm qua đã nói chuyện với tôi về thày, một thanh niên trẻ tuổi có nhiều năng khiếu chính trị, tôi hân hạnh được làm quen. Tôi vừa mới ở Phi Luật Tân về nước, còn rất ít bạn, tôi mong kết bạn với thày đây. Trong những năm ở bên Phi, tôi đã giúp việc trong trường các Cha tuyên úy thuộc lực lượng Phi, nên Trung tá Ed Kơ-rô mới đưa tôi về cử làm Tổng giám đốc Nha tuyên úy quân đội quốc gia Việt Nam, một Nha mới thành lập trực thuộc Bộ tổng tham mưu.
Vũ đưa đẩy:
- Như vậy cha đã thu nhập được khá nhiều kinh nghiệm rồi. Tôi được đọc một số sách báo "Thái Bình Dương" có nhiều bài nói về thành tích của ngành tuyên úy công giáo. Các cha tuyên úy không những lo về tinh thần chiến đấu của binh sĩ, mà còn thuyết phục được cả những nhóm người Phi theo cộng sản trở về với chính phủ.
Thuẫn cười với vẻ tự hào:
- Đúng thế. Có một cha tuyên úy bi bọn phiến loạn bắt, khi chúng giao cho một tốp lính đem vào núi xử bắn, cha đã thuyết phục được bọn này theo cha trở về với chính phủ. Ngành tuyên úy trong quân đội Phi đã đóng vai trò rất quan trọng, nhưng được vậy là do công lao của phái bộ Hoa Kỳ, trong đó có ngài Ed Kơ-rô đây!
Trong khi Thuẫn đưa bàn tay chỉ vào phía tên cố vấn Mỹ, hắn nghiêng đầu nhè nhẹ, và mau mắn góp chuyện:
- Vâng, trong hàng ngũ quân đội các nước phương Tây, từ lâu đã có linh mục, nhưng chỉ có nhiệm vụ làm việc đạo, làm lễ mi-sa và xức dầu cho binh sĩ hấp hối...Còn về phía các nước cộng sản, trong hàng ngũ quân đội lại có số cán bộ chính trị được coi như linh hồn của đơn vị. Riêng với khoa tâm lý chiến Hoa Kỳ, qua nhiều năm nghiên cứu, biết kết hợp cả hai: một linh mục, một chính trị viên, đúc thành một cha tuyên úy quân đội. Trong những năm thực nghiệm tại Philippine, chúng tôi đã xác nhận tác dụng và hiệu quả của ngành này. Bây giờ chúng ta đem áp dụng ngay từ bước đầu xây dựng lực lượng quân đội quốc gia Việt Nam. Tôi đã hình dung, một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, trong những căn cứ quân đội quốc gia, không thiếu tên lính nào quì rước lễ trước mặt cha tuyên úy. Quân đội ấy chỉ có chiến thắng!
Tên cố vấn chấm câu bằng cái hất hàm về phía hai linh mục, mặt hắn vênh lên tự đắc. Vũ cố kềm giữ không để phát lộ lòng căm thù trên nét mặt. Tuy nhiên, anh không giữ nổi nụ cười mỉa mai về cái ảo tưởng của hắn, chẳng khác gì ảo tưởng của những tên tướng thực dân Pháp trước đây. Trong lúc đó, Ed Kơ- rô coi đồng hồ, đứng lên:
- Tôi có hẹn, xin tạm biệt quý vỉ.
Cha Thuẫn đi ra tiễn tên cố vấn Mỹ. Cha Dưỡng quay lại với Vũ:
- Tình hình Sài Gòn coi mòi căng thẳng lắm rồi, khó tránh khỏi đụng độ, phải không thày Vũ?
- Vâng, thưa tha, đúng là nóng bỏng rồi đấy Nếu cụ Diệm quyết tâm diệt Bảy Viễn, không mở đường cho ông ta về hàng, với mười ngàn lính trong tay buộc ông ta phải chống lại.
- Ông Tuyến có nói với tôi, chính cụ Diệm đã khuyên Bảy Viễn về hợp tác, nhưng ông ta không chịu, chứ không phải cụ chủ trương diệt ông ta.
- Vâng, đúng là gọi hàng, nhưng với điều kiện Viễn không thể chấp nhận được. Nào dẹp hết các sòng bạc, đóng cửa các khu gái điếm, trả lại quyền chỉ huy ngành công an, giải tán năm ngàn lính cảnh sát. Coi như cùng một lúc ông ta bị tước đoạt hết quyền lợi, nguồn sống chính của ông ta!
Linh mục Thuẫn đã trở vào ngồi cạnh cha Dưỡng, góp ý:
- Cụ Diệm nghĩ vậy đúng thôi. Theo tôi, có thể đổi cho Bảy Viễn một số quyền lợi khác, nhất định không thể để cho thủ đô tương lai này lộn xộn, quá tệ như thế. Nhưng tình hình cũng chưa đến nỗi nào? Các cố vấn Mỹ họ nói đang tìm cách lôi kéo những tay em và binh sĩ của Bảy Viễn. Lực lượng của hắn sẽ bị tan rã, số còn lại dẫu có phải nổ súng cũng sẽ bị thanh toán ngay thôi!
Cha Dưỡng xác nhận:
- Sáng nay ông Tuyến cũng nói với tôi là phái bộ Hoa Kỳ đã chấp thuận cho ông Diệm dùng vũ lực, chỉ còn chờ lệnh của Nhà Trắng. Vì trước khi nổ súng. Nhà Trắng phải đặt vấn đề với chính phủ Pháp, không để cho Bộ tư lệnh Pháp lấy cớ can thiệp.
Vũ tỏ ra băn khoăn, gợi ý thăm dò:
- Pháp đã không làm nên trò trống gì trong chín năm qua, trái lại phải giao phần nửa Việt Nam cho Việt Minh cộng sản. Nay Mỹ trực tiếp bắt tay vào giúp cho chúng ta giữ lấy miền Nam này, trước hiểm họa chung, đáng lý Pháp phải tiếp tục đóng góp vào, trái lại họ đã dửng dưng trước những hành động phá hoại của các lực lượng tay chân. Nghe đâu, được chính phủ Pháp xúi giục, các phe phái đã công khai lập mặt trận, tập hợp nhau lại tuyên bố lập chính phủ mới, đòi giải tán nội các, đòi cụ Diệm từ chức... Nhưng dù cho chúng có quy tụ lại được chăng nứa, thì thực lực của chúng làm gì nổi trước sức mạnh của cụ Diệm lúc này? Pháp thừa hiểu điều đó vậy mà sao cứ đầy số tay chân đi vào con đường chống phá? Pháp trông mong gì ở bọn này?
Cha Dưỡng trầm ngâm gật gù như đồng tình với điều Vũ thắc mắc, trong khi cha Thuần tỏ ra hiểu biết giải thích:
- Bộ tư lệnh Pháp ở đây và ngay cả chính phủ Pháp đâu có trông mong gì ở bọn lính ô hợp loại bổ sung bản xứ này. Điều chắc chắn là chính phủ Pháp biết mình không còn khả năng trở lại nắm quyền ở Việt Nam như xưa, nên đã mau mắn chấp nhận giao miền Nam Việt Nam cho Mỹ để được viện trợ. Việc xúi giục bọn tay chân, đầy chúng vào con đường chết như thày Vũ nói, coi như Pháp đã tận dụng bọn này để đòi Hoa Kỳ phải chấp thuận món tiền chi phí rút quân không nhỏ, trong khi Nhà Trắng đang còn cứu xét. Chính phủ Mỹ buộc Pháp phải rút quân trước kỳ hạn qui định, để vô hiệu hóa vụ tổng tuyển cử thống nhất hai miền, chỉ còn hơn một năm ngắn ngủi. Trong khi Mỹ chạy đua với thời gian thì Pháp tìm mọi cách cản đường để bắt chẹt Mỹ chấp nhận yêu sách của mình. Vậy thôi. Các cố vấn Mỹ đã tiết lộ với tôi Nhà Trắng đã mạnh dạn ký duyệt bản dự trù ngân sách chi phí cho Pháp rút quân rồi. Không lâu nữa họ sẽ về lần lần, cho tới hết trước kỳ hạn hiệp định quy định. Và tất nhiên Pháp sẵn sàng bỏ mặc bọn tay sai ngu xuẩn, sống chết mặc bay.
Linh mục Thuần đã giải thích cho Vũ cái đáp số anh đang cần. Trong lúc đó cha Dưỡng lắc đầu thở dài như chán ngán cho chính sách của Pháp. Câu chuyện đến đó bị gián đoạn vì tên trung sĩ mời đi ăn cơm. Cha Thuẫn vui vẻ với Vũ:
- Chúng tôi có bếp riêng do Bộ tổng tham mưu phục vụ, ăn theo chế độ nhà binh. Mời thày Vũ cùng xơi một bữa đạm bạc.
Vũ chẳng chút câu nệ, nhận lời cùng đi theo. Trong bữa ăn, cha Dượng hỏi thêm Vũ về anh Trọng. Cha Thuẫn hỏi ngay:
- Có phải ông Trọng cùng học với cha bề trên hồi ở Philippine không?
- Ông ta đấy - Cha Dưỡng gật đâu, nói thêm với linh mục Thuẫn - Ở Hà Nội vào, ông Trọng được mời làm Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ. Nhưng nay thì số Bộ Trưởng giáo phái đã từ chức hết rồi.
Cha Thuẫn quay lại phía Vũ:
- Ông Trọng vào hàng đàn anh tôi đấy. Hồi cùng học tu ở bên Phi, tôi học dưới cha bề trên và cả ông Trọng hai lớp. Tôi chợt có ý nghĩ, mời ông Trọng cộng tác với tôi, giúp cho tập san "Tinh thần" thì hay biết bao!
Cha Dưỡng tán thành:
- Đúng đấy cha giám đốc ạ. Để nhờ thầy Vũ nhắn giùm, được tin chúng tôi ở cả đây chắc ông ta sẽ tới ngay. Khi gặp, chúng ta sẽ bàn lại.
Vũ mừng thầm, đây là cơ hội để anh đặt Huỳnh Văn Trọng ngồi cạnh cha Thuẫn, một nguồn tin tức rất quan trọng, vừa là chỗ dựa cho chính anh sau này. Thêm một giờ chuyện vãn, cởi mở và thân mật, Vũ từ giã ra về. Cả hai cha đưa tiễn anh ra tận cửa, anh mục Thuẫn không quên căn dặn:
- Thầy Vũ đừng quên đóng góp cho tờ tập san của chúng tôi đấy nhé.
Vẫn với chiếc xe Peugeot của Bộ Nội vụ Nhiệm đã dành riêng cho Vũ, anh chạy chầm chậm, dự tính sẽ không qua cầu chứ Y đến hành dinh của Viễn, mà sẽ vòng qua cầu Khánh Hội, dọc theo ngã Vân Đồn, tránh sự nhòm ngó của nhóm binh sĩ Diệm đã đóng chốt bên này cầu. Anh tập trung suy nghĩ để hoàn chỉnh bản báo cáo ngày mai về Trung tâm theo kỳ hạn đã định. Anh đã xác định được: Quân đội viễn chinh Pháp sẽ rút hết về nước trước cuối năm 1956 sau khi được thỏa mãn về món tiên chi phí rút quân và sẽ giao trọn miền Nam này cho đế quốc Mỹ. Thay thế những con bài cũ của Pháp mà Bảo Đại là đại diện, Mỹ dùng tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm. Chúng cấp tốc xây dựng một quân đội đủ sức thay quân đội Pháp, vũ trang hiện đại, coi đó là nhân tố quyết định cho âm mưu công khai chống phá tổng tuyển cử thống nhất hai miền, vào cuối năm 1956...
Nghĩ đến đây, Vũ băn khoăn tự hỏi: "Trước sự tan rã từng mảng, nào Phương, Thế của Cao Đài, nào Nguyễn Giác Ngộ, Hai Ngoan của Hòa Hảo, rồi Thái Hoàng Minh, hay tên nào nữa của Bảy Viễn, tập đoàn tay sai của Pháp còn khả nàng cầm chân Mỹ - Diệm được bao lâu?" Anh nhấn ga, chiếc xe vọt lên dốc cầu Khánh Hội. Chiều Sài Gòn, ánh nắng gay gắt. Phía Vân Đồn, những mái nhà tôn, ngói chen nhau cùng mặt sông, tất cả ửng hồng như rực lửa.

2.

Trần Văn Soái chậm rãi châm đầy ly rượu nhỏ, trịnh trọng hai tay đưa cho Viễn với nét mặt nghiêm trang:
- Đây là ly rượu tiễn tráng sĩ Kinh Kha qua Tần. Tôi kính trọng tinh thần dũng cảm của Thiếu tướng đã đảm nhận trọng trách vào hang cọp, thay cho anh em.
Viễn ưỡn ngực đỡ ly rượu, uống cạn một hơi, rồi nói với mọi người:
- Lúc này đến với Diệm, đúng là vào hang cọp. Với trái lựu đạn nhỏ này - hắn moi túi quần giơ ra một trái nổ nho nhỏ, rồi bỏ vào chỗ cũ - nếu xảy ra chuyện không hay tôi sẵn sàng đổi mạng với lão ta, quí vị cứ an tâm.
Nguyễn Văn Hinh đứng gần dó cất tiếng cười ha hả:
- Không có gì xảy ra đâu, xin ông Năm, ông Bảy đừng quá bi quan mất sáng suốt đấy. Diệm chấp nhận tiếp xúc với đại diện của Mặt trận chúng ta là do sự ưng thuận của người Mỹ. Mà người Mỹ chỉ mong sao ổn định được tình hình, họ không muốn có đụng độ vì rất sợ chết, uổng mạng. Một nhóm ba bốn trăm người, ai là người lo bảo vệ cho họ khi lộn xộn xảy ra?
Hắn đến gần vỗ vai Viễn nói tiếp:
- Mười mấy khẩu bích kích pháo của tôi đã cho lệnh lấy cự ly: Dinh Norodom, căn cứ phái bộ Mỹ. Nếu đúng giờ, ông không trở về, tám giờ nhé, tôi sẽ cho đập nát bọn chúng, Mạnh dạn đi đi.
Viễn cười:
- Sợ chết, tôi đã không nhận lời gặp Diệm, mà đã thay mặt anh em tình nguyện đi, tôi đâu sợ hừ?
Mọi người tiễn Viễn ra xe, không khí trở nên vui vẻ ồn ào. Đi cùng Viễn có hai cố vấn Trần Văn Ân và Nguyễn Hữu Thuần, ba cận vệ có vũ khí phòng thân. Diệm tiếp Viễn trong phòng khách lớn, cạnh hắn có Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ, mới được thay thế Vỹ, và Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị. Rõ ràng Diệm đã cố ý lựa chọn hai cộng sự viên đó để đánh đòn tâm lý vào bọn Viễn. Hắn rất niềm nở, thân mật:
- Xin mời ông Bảy dùng trà.
Hắn không thèm để ý đến hai tên cùng đi với Viễn:
- Tôi đang mong được trực tiếp nghe ý kiến xây dựng của ông Bảy đây.
Viễn nghiêm trọng:
- Tôi đến đây không nhân danh cá nhân, mà là đại diện của Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia, với nhiệm vụ truyền đạt đến ông - Viễn chú ý không dùng hai tiếng Thủ tướng - một tối hậu thư của Mặt trận.
Trần Văn Ân trịnh trọng đưa cặp bìa màu xanh cho Viễn. Viễn cầm đưa lại Diệm, nhưng Diệm không thèm nhận lấy, buộc Viễn phải đặt xuống mặt bàn. Diệm cười khẩy vẻ khinh thường và mỉa mai, nhường mắt nhìn Viễn:
- Tối hậu thư hỉ? Chắc là phải có nhiều điều đòi hỏi? Phải chăng các ông đòi tôi cùng cúi đầu xin Pháp ở lại, để dâng miền Nam này cho Việt Minh?
Hai bên hàm tức thời co giật, biểu hiện sự giận dữ cực độ, mắt Viễn trợn trừng:
- Đức Quốc trưởng Bảo Đại đã sai lầm đưa ông về làm Thủ tướng, nên ngài phải ký quyết định bãi chức ông. Nội các do ông thành lập đã giải tán. Sài Gòn hiện vô chính phủ. Mặt.
trận thống nhất toàn lực quốc gia buộc ông phải trao lại quyền hành cho Hội đồng tối cao cử người ra thay thế.
Diệm giận sôi lên, nhưng vẫn ráng giữ bình tĩnh. Hắn lấy tập bìa trước mặt Nhu, đưa cho Viễn và nhỏ nhẹ:
- Của Đức Quốc trưởng của ông đấy, ông xem đi.
Viễn không hiểu Diệm muốn hắn coi cái gì, thư riêng của Bảo Đại chăng, đành nhận mở ra. Ba tấm hình màu dán chung trên tờ giấy cứng, với Bảo Đại và một cô gái Pháp đang làm trò con heo. Trần Văn Ân liếc thấy, thở dài.
Viễn gấp vội tập hình đặt xuống bàn. Hắn ngồi im cố lấy lại bình tĩnh để suy nghĩ, càng thấy thêm căm thù con người đang ngồi trước mặt. Căm thù vẻ thắng thế, mỉa mai, và cặp mắt lạnh lùng của Diệm. Hắn quá giận đến không còn biết nói thế nào, người run lên, choáng váng. Diệm không dành cơ hội cho Viễn lấy lại bình tĩnh, bồi tiếp:
- Những ai có lương tri, liêm sỉ, chắc phải đồng tình với tôi hạ bệ hôn quân xuống, sớm được giờ nào là phúc cho chúng ta giờ đó. Trăm ngàn quân đội quốc gia, triệu dân miền Bắc di cư vào đây, các bà con Thiên Chúa giáo, đã không thừa nhận ông Bảo Đại làm Quốc trưởng, đòi tôi nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Tất cả buộc tôi phải thẳng tay với những kẻ âm mưu tiếp tay với thực dân, cộng sản.
Diệm chấm dứt câu nói bằng cái hoa tay như xua đuổi. Hắn đứng lên, cả Nhu, cả Tỵ tủm tỉm cười đứng lên theo, quay lưng lại, bỏ mặc Viễn, Ân, và Thuẫn ngơ ngác kéo nhau lủi thủi bước ra khỏi phòng.
°
Xe chở Viễn vừa ngừng trước cửa hành dinh, hắn bước vội xuống không chờ tên cận vệ ra mở cửa như mọi lần. Hắn lại chỗ đặt hai khẩu bích kích pháo 81, nòng súng đã lấy sẵn cự ly dinh của Diệm, hắn gầm lên ra lệnh cho tên chỉ huy khẩu đội:
- Mày đập nát đầu thằng Diệm cho tao?
- Tuân lệnh.
Hai trái đạn xé gió tung về phía dinh Norodom. Trời sẩm tối, nháng lửa bừng lên, hai tiếng nổ rất gần, khoảng cách đường chim bay giữa hai nơi không quá hai ngàn mét.
Salvani hớt hải từ trong phòng khách của Viễn phóng ra, sau hắn, lũ lượt khá đông người. Tên trưởng phòng nhì ra lệnh ngừng bắn và ôm lấy Viễn dìu vào trong. Hai trái pháo phóng đi làm cho Viễn vơi nỗi uất hờn, hắn ngoan ngoãn bước theo Salvaní như người vừa bị một trận đòn nhừ tử. Trần Văn Ân thay Viễn kể lại tỷ mỹ đầu đuôi cuộc tiếp xúc với Diệm và nhận định:
- Ngô Đình Diệm đã ra mặt lì lợm, bất cần phải trái âm mưu soán đoạt - Hắn nhấn mạnh hai tiếng "soán đoạt" không chút hài hước - Diệm đưa thế Hoa Kỳ quay lưng về phía Pháp, phản bội Đức quốc trưởng, thách thức đe dọa chúng ta.
Sau câu nói với vẻ hằn học của Ân là sự im lặng nghe rõ tiếng thở của nhiều người.
Nhưng hai tiếng nổ vừa rồi lại làm rung lên những đường dây điện thoại, trong tòa đại sứ Mỹ, Cao ủy Pháp, phái bộ TRIM, Bộ tư lệnh Pháp, cả cái ổ CIA ở đường Garcier và Chasseloup Laubat. Tướng tá Mỹ vặn hỏi tướng tá Pháp. Bộ tư lệnh Pháp trả lời nước đôi chưa rõ tình hình còn cần coi lại. Tại dinh Norodom, Diệm cùng bọn thân tín tuy bớt xanh mặt, nhưng vẫn tập trung trong căn phòng trệt dưới gầm cầu thang. Một mái dinh bị sạt góc, một số lính gác chết và bị thương. Sự nhốn nháo đã làm cho Diệm lo âu, bất ổn.
Đại tá Lansdale cùng với hai sĩ quan tùy tòng, súng tiểu liên cực nhanh đeo trước ngực phóng xe vào chỗ Diệm. Hắn mừng rỡ khi thấy con chủ bài vẫn còn nguyên vẹn:
- Thủ tướng vô sự?
Diệm cười gượng eầm tay tên cố vấn:
- Ơn trên đã che chở tôi. Lúc đó tôi đang ở trong phòng trên lầu, hơi gió đẩy tôi té xuống, và tiếng nổ váng đầu...
- Pháo từ hành dinh của Viễn bắn sang, chắc là do cuộc tiếp xúc vừa rồi ngài đã làm cho Viễn điên lên làm bậy. Tướng Ely sẽ chửi hắn vì Ely biết Viễn sẽ tạo cớ cho chúng ta có lý do dùng vũ lực.
- Không lẽ để cho chúng mỗi lần tức lên lại bắn sang nữa sao?
Lansdale cười cái vẻ ngây thơ của Diệm:
- Bộ tư lệnh Pháp có trách nhiệm với phái bộ Mỹ. Họ có nhiệm vụ ngăn hành động xáo trộn của bọn tay sai. Ngài cứ yên tâm.
Giọng điệu của Lansdale làm cho Diệm tin. Lão mỉm cười:
- Bửu bối của đại tá đã giúp tôi đánh gục Bảy Viễn khiến hắn chỉ còn biết gào lên hai tiếng nổ vừa rồi..
Diệm cười lên rinh rích. Lansdale cũng cười theo ha hả. Hai giọng cười trầm bổng quấn vào nhau, khiến bọn thân cận đứng gần đó ngước nhìn ngơ ngác.
Sáng hôm sau, khi thành phố Sài Gòn thức dậy, từng đoàn người từ các trái di cư tạm trú ở ngoại ô kéo tới trước dinh Norodom mít-tinh. Họ la lối ầm ĩ, đòi hạ bệ Bảo Đại, đòi "nhà chí sĩ Ngô Đình Diệm" phải ở lại chấp chính, để "cứu dân, cứu nước". Họ mang theo những con bù nhìn mặt giống Bảo Đại, cắm tại các ngã tư đường rồi đốt cháy. Chưa thôi, một số xông vào các cơ quan, công sở vốn từ lâu treo những tấm hình Đức Quốc trưởng, họ kéo xuống, chất từng đống lớn, đạp lên xé bỏ. Tiếp đó, họ ùa về trước tòa đô sảnh dự buổi ra mắt của "Hội đồng cách mạng", chẳng cần biết Hội đồng đó có những ai, họ hoan hô và ủng hộ. Đại diện "Hội đòng cách mạng" ra tuyên bố không tín nhiệm Bảo Đại với các tội đã kể ra, trao quyền lãnh đạo quốc gia cho "nhà chí sĩ Ngô Đình Diệm" với các công lao như thật, ròi những khẩu hiệu, vỗ tay, hò, reo náo loạn.
Tham mưu trưởng quân đội quốc gia trung tướng Lê Văn Tỵ, với bộ quân phục Pháp, từ cặp lon trên vai đến thiếc bội tinh trước ngực đều của Pháp, tuyên bố đại diện quân đội quốc gia Việt Nam, ủng hộ Thủ tướng Diệm, đòi Pháp rút lui quân! Hai tên tướng Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế, cũng võ phục Pháp ban, lên trịnh trọng tuyên thệ vĩnh viễn ly khai hàng ngũ Cao Đài, một lòng phò Diệm. Ngô Đình Diêm chít khăn xếp, mặc áo dài the, mặt tươi cười bước lên đài, giơ tay lúc lắc chào, rồi đọc một bài diễn văn khá dài, chỉ cốt nhấn mạnh mấy câu, là thể theo ý dân là ý trời, hắn chịu ở lại nắm chính quyền, thể theo sự tín nhiệm của "Hội đồng cách mạng", hắn nhận lãnh đạo quốc gia. Cuối cùng, hắn hứa hẹn với những danh từ lớn lối: cách mạng, độc lập, tự do, no ấm, phồn vinh, hạnh phúc...
Trên hai ngàn lính chân không, áo quần màu đen, quân của Trình Minh Thế, diễu hành trước khán đài, quỳ gối thét ba lời thề trước Diệm, rồi kéo đi biểu dương trên ba con đường chính tại trung tâm thành phố.
Tại hành dinh của Viễn, hai hàng người ngồi dọc một dãy bàn dài có đủ thành viên Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia, ngoài ra còn có Salvani, Nguyễn Văn Hinh, Le Roy. Tất cả như mặc nhiên xác nhận thế chủ động tấn công của những hành động chính trị của Diệm. Phạm Công Tắc đau buồn trước việc Phương công khai ra đầu hàng kéo theo tám ngàn lính dưới quyền. Trần Văn Soái hốt hoảng vừa nhận được tin chắc chắn: hai tướng dưới quyền Nguyễn Giác Ngộ và Lâm Thành Nguyên đã chính thức hợp tác với Diệm.
Sau mấy giờ bàn đi tính lại, Hinh lên tiếng:
- Rõ ràng Diệm đã công khai tấn công, sẽ không loại trừ dùng vũ lực. Chúng ta không thể khoanh tay ngồi chờ trọng pháo của địch dập nát đầu chúng ta, khi Diệm đã lôi kéo được từng nhóm người đầu hàng. Đã mất thế chủ động chính trị, chúng ta phải giành thế chủ động quân sự.
Đồng lúc cả Viễn lẫn Ba Cụt vung tay:
- Phải đánh trước!
Im lặng lại kéo dài. Một số người chăm chú ngó Salvani. Có thể họ đang nghĩ, đánh hay không, ý kiến của người Pháp vẫn là quyết định. Tên trưởng Phòng nhì Pháp hiểu câu hỏi ngầm đó. Hắn vốn căm Diệm thấu xương. Riêng bản thân hắn cũng muốn dùng bọn này trả mối thù cho đứa em bị chính hắn vô tình sát hại. Sau giây lát ngẫm nghĩ, Salvani lựa lời:
- Tôi đến với quí vị, sát cánh với quí vị trong lúc khó khăn này. Cả trung tướng Hinh cũng từ Pháp trở về với quí vị, chứng tỏ lòng chân thành trước sau như một của Bộ tư lệnh Pháp đối với quí vị. Đây đúng là giai đoạn Diệm đang đẩy quí vị vào bước đường cùng, buộc quí vị phải chống lại để tự vệ. Bộ tư lệnh Pháp cũng đã dự kiến trước, nên đã dành cho quí vị sự yểm trợ trong điều kiện cho phép.
Salvani đã thổi một luồng sinh khí vào cuộc họp tạo thành một tràng vỗ tay rôm rả. Ba Cụt càng năng nổ hơn:
- Chúng ta đã được Bộ tư lệnh Pháp yểm trợ, tất cả đã đồng lòng quyết đánh. Được Mặt Trận cử tôi làm Tham mưu trưởng liên quân, lại có trung tướng Hinh ở sát bên làm cố vấn, dựa vào tình hình thực tế, tôi đã dự kiến đề nghị cả ba mặt phát động tấn công, buộc đối phương phải phân tán, làm nhẹ áp lực ở đây. Lực lượng Hòa Hảo phá cầu An Hữu, giữ vững quốc lộ 4, tập kích chiếm tỉnh ly Cần Thơ. Phía Tây Ninh cũng đánh thị xã, chiếm vùng núi Bà Đen làm căn cứ lâu dài.
Hinh và Ba Cụt tương đối có khả năng hơn trong số tướng lãnh có mặt. Kế hoạch do cả hai vạch ra có sức thuyết phục, khiến mọi người im lặng coi như tán thành. Bảy Viễn không kém phần hăng hái, lên tiếng:
- Tôi tán thành về đại thể kế hoạch ba hướng tấn công đồng một lúc. Phần tôi, trước hết tôi phá tan các sào huyệt đầu não của Mỹ và Diệm bằng vài tấn thuốc nổ đã chuẩn bị trước rồi. Tiếp đó là tấn công dinh Norodom, đài phát thanh, tổng ngân khố, các ngân hàng. Tuy nhiên, tôi cũng phải tính đến tình hình không thành công, lực lượng của tôi sẽ rút vào rừng Sát dể cầm cự lâu dài. Thưa quý vị - Viễn đứng lên hướng vào Phạm Công Tắc và Trần Văn Soái - Theo thiển ý của tôi chúng ta càng hành động sớm càng hy vọng cướp được thời cơ chắc thắng. Tôi đê nghị đúng sáu giờ sáng ngày 28-4 tới, tức là ba ngày nữa, chúng ta sẽ mở đầu trận đánh. Ba ngày, đủ cho chúng ta chuẩn bi, kể ra hơi chậm, nhưng chuẩn bị cho thật chu đáo vẫn hơn.
Hinh biểu đồng tình, nhìn về phía Ba Cụt:
- Tôi tình nguyện đi cùng thiếu tướng Lê Quang Vinh về Cái Vồn, hợp lực với ông Nam. Chúng tôi quyết tung hoành ở Cần Thơ mở rộng đường xâm nhập chiến khu Đồng Tháp, một căn cứ lý tưởng giúp chúng ta eo đường lui khi phải cầm cự lâu dài.
Phạm Công Tắc thảo luận nhỏ với Tư lệnh trưởng Nguyễn Thành, lát sau trịnh trong tuyên bố:
- Phía chúng tôi đồng ý ngày giờ tấn công do quý vị đã định..- Ông ta quay sang phía Salvani - Chúng tôi xin thiếu tá trưởng Phòng nhì cho ý kiến. Chúng tôi cần phải về gấp để lo chuẩn bị.
Salvani đứng lên, nói giọng nghiêm túc:
- Thời điểm, hành động, do tin vào điều kiện và khả năng chuẩn bị, quý vi đã nhất trí, tôi chỉ biết tán thành. Theo yêu cầu của ông Ba, Tham mưu trưởng liên quân, tôi đã nhận lo chi viện súng đạn. Ở mặt trận miền Tây phải chuyển bằng đường thủy, tọa độ đón tàu tôi đã mật ước với ông Ba. Ngoài ra tôi sẽ xin Bộ tư lệnh chúng tôi chi viện pháo binh khi ông Bảy mở trận đánh Sài Gòn đây. Nhưng pháo chỉ có thể bắn yểm trọn lúc đầu còn lộn xộn. Khi phái bộ Mỹ phát hiện rồi, chắc chúng tôi không thể tiếp tục thêm. Chi có lực lượng xe tăng hiện đã bố trí ở các ngã tư đường, khi xảy ra trận đánh, sẽ chặn các ngả, không cho binh sĩ Diệm cứu viện các mục tiêu tấn công của ông Bảy. Tôi tin Bộ tư lệnh chúng tôi sẽ hết lòng trợ lực quý vị với khả năng của mình. Khi tình hình diễn biến tốt, quí vị chiếm được ưu thế, phía chúng tôi sẽ có kế hoạch kịp thời ủng hộ Mặt trận giành chính quyền. Đó là điều chúng tôi mong đợi ở khả năng của quý vị.
Tên trưởng Phòng nhì vừa chấm dứt, niềm hy vọng lại bùng lên bằng nhưng tràng pháo tay tán thưởng.
Buổi chia tay diễn ra ngay sau đó, nhóm Phạm Công Tắc về Tây Ninh, Trần Văn Soái, Ba Cụt và Nguyễn Văn Hinh về Cái Vồn. Họ cam kết sống chết bên nhau, chúc nhau thành công, thắng lợi. Phạm Công Tắc để đại tá Lê Văn Tất ở lại làm đại diện. Trần Văn Soái cử bí thư Thành Nam thay mặt. Trần Văn Soái bịn rịn khi từ giã Vũ:
- Tôi đinh mời ông về với tôi, nhưng ông Bảy cố tình giữ ông lại bên ổng. Tôi không biết làm sao khác, bỏ ông Bảy lúc này càng không nên. Ông cố gắng nán ở lại bên ổng ít ngày, giúp cả cho Thành Nam. Tình hình ở dưới ổn định rồi, đích thân tôi sẽ lên đón ông về. Còn nếu ở đây quá gay go, tôi đã có người sắn sàng chờ, tìm cách đón ông và Thành Nam rút lui về bằng đường sông.
Để Soái được yên tâm, Vũ tỏ ra hăng hái:
- Ông Tổng cứ về dưới, tôi ở lại trợ lực cho ông Bảy và Thành Nam. Hẹn gặp lại.

3.

Bốn giờ chiều ngày 26 tháng 4 năm 1955, Bảy Viễn mời mọi người vào phòng riêng ở hành dinh, dự cuộc họp khẩn cấp. Vũ đi cùng Thành Nam vào sau cùng, thấy Salvani và tên đại tá lai Pháp Le Roy đã ngồi bên cạnh Viễn. Cặp mắt có quầng đen vì thiếu ngủ, Bảy Viễn tỏ ra sa sút cả thể chất lẫn tinh thần. Với vẻ khẩn trương, hắn cất giọng khàn khàn:
- Báo cáo với quí ông một tin buồn: lực lượng Tây Ninh đã bi đánh tan. Tòa thánh bị chiếm. Đức hộ pháp được thiếu tướng Nguyễn Thành cứu thoát, vượt vòng vây đào tẩu qua Nam Vang.
Nguồn tin đúng là tiếng sét dội mạnh trong lòng bọn chúng. Tên đại tá Lê Văn Tất và thiếu tá tùy tòng ngồi bên cạnh ngơ ngác như đang trong giấc mộng du, nhìn sững vào mặt Viễn. Bảy Viễn buồn buồn kể tiếp:
- Thằng Phương đã giúp Diệm tập kích Tổng hành dinh của Đức hộ pháp đêm hôm qua bằng tám ngàn lính của hắn. Cuộc tấn công bất ngờ từ trong nội bộ trợ lực cho bên ngoài, tướng Thành không kịp trở tay. Tham mưu phó Hồ Hán Sơn, hàng chục sĩ quan tham mưu bị bắt ngay trong cuộc họp. Tất cả bị Phương chôn sống dưới giếng. Chỉ trong hai giờ, toàn bộ lực lượng bố phòng và quân dự bị, lớp bị tiêu diệt, lớp phải ra hàng. Cho đến trưa nay, các đơn vị đóng quân ở xa đã về đầu hết!
Phòng họp yên lặng đến nghẹt thở, tất cả đêu cúi đầu thở dài không muốn nhìn mặt nhau. Viễn tiếp:
- Trình Minh Thế vừa đưa lực lượng của hắn chặn cửa Nhà Bè và sát cầu Tân Thuận.
Diệm quyết đón đường rút của chúng ta. Để chắc ăn hơn, có thể Diệm còn sai đại tá Trần Vãn Đôn cho hai tiểu đoàn chặn đường về Cần Giờ, đẩy chúng ta vào thế duy nhất: phải chiếm cho được mục tiêu trong thành phố, dựa lưng vào Pháp, cầm cự lâu dài, nếu không chuyển được thế chính tri thì ít ra cũng buộc Diệm phải tạm thời thỏa hiệp, không dám kéo dài nội chiến trong thành phố, không có lợi cho hắn.
Không khí trong phòng vẫn nặng nề, căng thẳng. Tình hình diễn biến đột ngột đá làm giảm lòng tin trong chúng. Salvani tỏ ra bình tĩnh, hắn an ủi:
- Tuy tổn thất ở Tây Ninh là nghiêm trọng, nhưng nếu chúng ta quyết tâm đánh chiếm được các mục tiêu dự tính trong Sài Gòn, cùng lúc với cuộc tấn công của trung tướng Soái ở miền Tây, Bộ tư lệnh Pháp có điều kiện đòi hỏi Diệm, thúc hắn phải nhượng bộ, tình hình chính trị sẽ có lợi về phía ta.
Bỗng Tư Hiểu, Tham mưu trưởng lực lượng của Viễn, đẩy cửa bước vào. Với màu xam xám, vài nét chém nhỏ đã thành sẹo ở trên mặt, cặp mắt lờ đờ hừng đỏ, trông Hiếu đúng là một tên hiếu sát. Hắn bận bộ đồ nhà binh Pháp còn thẳng nếp, đôi giày da cao cổ bóng lộn, mỗi bước đi có tiếng rít vang lên. Hắn cúi đầu chào mọi người, rồi đến bên Viễn, nói giọng hằn học:
- Thưa anh Bảy, đã có đủ bằng cớ thằng Minh phản bội, đầu Diệm.
Viễn tái mặt, quay lại nhìn sửng tên Tham mưu trưởng:
- Chú cứ nói cho mọi người cùng nghe. Lúc này không còn là chuyện riêng trong nội bộ ta, mà là việc chung của tất cả quí ông có mặt.
- Hệ thống thuốc nổ đặt ngầm tại các mục tiêu qui định, chỉ có anh, tôi và Minh làm. Ngày giờ tấn công cũng chỉ ba chúng ta biết. Vậy mà thuốc nổ đã bị tháo gỡ hết, Diệm đã biết tin ngày ta mở trận đánh để chuẩn bị tập kích ta trước ba giờ sớm hơn. Bốn tiểu đoàn anh giao cho Minh đã rời vị trí, rút theo quân đại tá Đôn đóng bên kia cầu Nhị Thiên Đường. Bốn tên không chịu, bỏ trốn về báo với tôi là việc rút quân của bốn tiểu đoàn đó do lệnh của Minh, và Minh đã bí mật đầu hàng từ trước.
Đối với giới anh chị giang hồ không gì nhục nhã hơn là có kẻ dưới tay phản bội mình.
Viễn vừa căm giận, lại vừa lo sợ, xanh mặt, cười gằn:
- Khi đã biết rõ rồi, chú đã làm gì chưa?
- Tôi sẽ bắt được hắn nội trong đêm nay thôi.
- Được? Chú để cái đầu hắn nguyên, giao về cho tôi.
Tư Hiếu lạnh lùng nhếch môi, nhưng đó không phải là một nụ cười:
- Thì dạo nào tới giờ tôi vẫn giữ luật lệ của anh Bảy.
Viễn gật đầu bằng lòng. Hắn đứng lên quay lại phía sau, lấy tay chỉ lên chiếc bản đồ Sài Gòn treo trên tường:
- Tôi biết rõ hệ thống cống ngầm trong thành phố, nhất là khu vực này, nên ba chúng tôi đã đích thân mang chất nổ đặt bên dưới dinh Norodom, góc Pasteur và Chasseloup, Laubat, sào huyệt của bọn CIA, đài phát thanh, tòa đại sứ Mỹ và tổng ngân khố, gần hai ngàn ký. Tôi quyết ăn thua đủ với chúng, hoặc được gì hoặc cùng chết - Viễn ngó Salvani, hơi nhếch môi cười - Xin lỗi Bộ tư lệnh Pháp, và thiếu tá nhé, tôi đã cãi lời dặn: "Đừng cố ý sát hại người Mỹ, sẽ làm khó cho các ông" nhưng bây giờ thì không còn cơ hội tốt nữa!
Viễn ngồi xuống, vài tiếng xuýt xoa bật lên tiếc rẻ. Tất cả nhìn Viễn đầy vẻ thương hại.
Tên đại tá Le Roy cất tiếng với vẻ cộc cằn vốn có:
- Tụi nó đã biết, định đánh phủ đầu ta trước. Anh Bảy tính đi để tôi phá phách cho hả, ăn hay thua làm quái gì, quá lắm rút vào rừng Sác. Ở đó anh Bảy thuộc như trong bàn tay mình, còn đối với tụi nó lại là bát quái trận. Ta nhử chúng vào diệt bằng thích. Tình thế này mình không đánh trước đi, chúng cũng chẳng buông tha mình rồi.
Tên Tây lại chấm câu bằng một tiếng chửi thề quen miệng. Viễn dương cặp mắt sắc lạnh, nhưng vẫn giữ giọng từ tốn:
- Đã vậy tôi sẽ nổ súng trước một ngày. Năm giờ sáng mai! Các mục tiêu tấn công không thay đổi. Ngay đêm nay chúng tôi sẽ bí mật rút quân ra khỏi căn cứ cố định, tản ra áp sát gần khu vực mục tiêu. Xin thiếu tá Salvani cho pháo yểm trợ. Chú Hiểu phải lo khai thông đường sông, dẹp bọn Thế. Quí ông từ bây giờ xin xuống hết giang hạm, cùng với tôi hợp tác chỉ huy chung. Tôi sẽ điện khẩn cấp xuống Cái Vồn báo đổi giờ tấn công, để phối hợp tác chiến.
Viễn đứng lên giọng thành trang trọng:
- Viễn tôi thành thực biết ơn quí ông, đã vì sự sống còn của lực lượng chúng tôi và vì sự nghiệp chung của ba lực lượng, của các chính đảng, mà xáp lại bên nhau, đồng tâm diệt bọn Diệm. Để đáp lại, chúng tôi quyết xả thân đánh một trận thắng lợi. Bây giờ xin mời quý ông đâu về đó để chuẩn bị.
Trong phòng chỉ còn Tư Hiểu và Ba Búa. Viễn hỏi Hiểu:
- Chú cho tôi biết kế bắt thằng Minh có chắc ăn không?
- Tôi đã lấy mười tám sinh mạng trong đó có vợ con hắn và toàn gia đình Triệu Vĩnh Kỳ làm con tin. Tôi bắt Kỳ phải dụ nó về nhà nội trong đêm nay. Dù hắn đã lủi vào ồ của CIA, Kỳ cũng phải gọi được hắn như lời Kỳ cam kết. Anh Lại Văn Sang đã bố trí đón nhận đưa hắn về bót Catinat chờ tôi.
Viễn trầm ngâm giây lát:
- Triệu Vĩnh Kỳ có thể moi hắn ra khỏi sào huyệt CIA không? Không riêng gì Minh tinh ranh, bọn Mỹ có thể không cho hắn ra ngoài.
Hiếu khẳng định:
- Anh yên tâm. Kỳ phải lừa hắn, dụ hắn, để đổi lấy mười tám mạng sống của những người thân nhất và của chính Kỳ. Ngoài ra, tôi đã chuyển đại đội cảm tử quân của tôi. Chúng thề lấy trăm mạng để đổi lấy thằng Minh cho anh. Đưa khẩu cối 81 tới phía trước sào huyệt của bọn CIA, tôi sẽ cho lệnh bắn cối và xung phong vào đúng giờ G, không để cho một tên nào sống sót?
- Được! Chú có thể đi chuẩn bị. Nếu không có thay đổi, đúng giờ chú cho lệnh nổ súng - Hắn ra lệnh cho Ba Búa - Mày đi theo chú Tư, cùng xử lý thằng Minh, tao không muốn thấy nó sống nhìn tao. Đưa nó về với chiếc đầu nguyên vẹn.
- Tuân lệnh ông Bảy.
Nét lo buồn lộ rõ trên khuôn mặt Viễn khi hai đứa đàn em ra khỏi phòng. Hắn biết hơn ai hết, chỉ còn mươi giờ nữa, tất cả sự nghiệp của hắn sẽ ra tro, trong cuộc chiến mà sự chênh lệch giữa lực lượng hắn và kẻ địch quá xa, cả về thế và lực. Hắn già hẳn đi trong vài tháng lo âu, uất hận, khi hắn hết hy vọng trông Diệm "mời về hợp tác" như Phương, Thế. Hắn đã tính đến việc đầu hàng bọn Mỹ, khi đánh hơi được Pháp đã chuẩn bị rút đi, khi Trinquier, người thày của hắn báo trước, Sài Gòn sẽ thuộc quyền của Mỹ. Hắn ôm vừng trán đã nhăn nhiều, gục đầu rên rỉ, tự thán một mình:
- Biết làm sao hơn, CIA và cả Diệm đã không chịu mở cho ta đường sống.
Viễn từ chối không ăn tối, ngồi im như bất động trong phòng. Chín giờ mười phút, Salvani tới, đem theo một tiểu đội lính Pháp. Hắn tự động mở cửa vào phòng gặp Viễn:
- Đại tướng Ely chuẩn y đề nghị của chúng ta - Hắn nói to như reo lên - Đúng ba giờ sáng mai các khu vực Phập sẽ thiết quân luật, dứt khoát không cho quân Diệm di chuyển qua lại. Tăng đã chặn các ngả đường tiến tới các mục tiêu tấn công của ta. Pháo 105 ly đã vào vị trí, sẽ khai hỏa yểm trợ quân ta cho tới khi nào phái bộ Mỹ yêu cầu ngừng lại. Đại tướng còn phái một trung đoàn phân tán nhỏ tiếp tay bí mật cho quân ta. Đơn vị đóng lại kho cảng sẽ trợ giúp anh đánh bọn Trình Minh Thế tại cầu Tân Thuận. Thông đường, các anh cứ cho giang hạm tiến dần ra xóm Tíu nhà Bè, coi như vô sự.
Viễn ngước mắt lắng nghe, một nụ cười nở trên cặp môi xám ngắt:
- Như vậy đủ rồi thiếu tá ạ! Rất cám ơn anh đã lo cho chúng tôi - Hắn đứng lên - Tôi cần phải đi kiểm tra lại việc chuyển quân và công việc chuẩn bị lần cuối. Anh đi với tôi và góp ý nhé.
Cả hai ra ngoài. Ba chiếc xe Jeep lướt nhanh vào bóng tối. Dãy đèn trên cầu chữ Y vạch một đường vòng cung trên khoảng trời không trăng nhưng sao treo dày đặc.

4.

Tại bến kinh Cây Khô, chiếc tàu du lịch của Viễn đậu cạnh hai giang hạm sơn màu xám nhạt. Tàu khá lớn, đẹp và đủ tiện nghi, được dự trữ nhiều lương thực và có lực lượng bảo vệ mạnh, đang là đài phát thanh lưu động của "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia". Trong khoang Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân, Nguyễn Hữu Lượng cắm cúi soạn những tài liệu cho chương trình phát thanh. Ngồi vây quanh là những tên cố vấn Nguyễn Hữu Thuần, Lại Hữu Tài, Nguyễn Văn Đồng, cũng là thành viên của Mặt trận bình dân Việt Nam. Xướng ngôn viên của đài là Trịnh Khánh Vàng, luôn sẵn sàng ngồi trước mắt khuếch âm.
Vũ ngồi uống cà phê với Thành Nam ở cửa khoang ngoài. Anh chăm chú nhìn những khuôn mặt dưới ánh đèn huỳnh quang. Trên từng bộ mặt cửa chúng đều mang vẻ lo âu, lòng tự tin lúc đầu của cả bọn đã tan biến từ lâu rồi. Hơn lúc nào hết, tất cả đều ý thức rằng cuộc chiến không cân sức sắp diễn ra phần bại đã nghiêng về phía Mặt trận. Anh nghĩ tới giai đoạn nguy hiểm nhất sẽ đến với tất cả và riêng anh, khi toàn khu vực này chìm trong lưới đạn của hàng chục ngàn quân vây quanh, siết chặt.
- Người ta sẽ đón mình vào lúc nào? Vũ hích nhẹ.
Thành Nam đang mải lơ đãng suy nghĩ gì đó. Hắn giật mình:
- Tôi đã căn dặn kỹ rồi, chúng ta sẽ được đón sộm ở ngay tóm Tíu nhà Bè, hoặc tại rừng Sác
Thành Nam cũng phải biết sợ chết chứ? Vũ nghĩ. Nếu tàu du lịch này và cả hai giang hạm không thoát được, chắc chắn tất cả sẽ lọt vào lưới của Diệm. Thành Nam phải tính làm sao khi tình trạng xấu nhất đó xảy đến? Bản thân hắn phải tự liệu con đường đào thoát. Ở bên cạnh hắn, Vũ thấy có phần an tâm. Anh đứng lên bước ra boong tàu, tựa lưng vào lan can, ngước mắt nhìn vòm trời đầy sao. Con kinh lượn vòng và bị khuất sau rừng bầu lúp xúp.
Hai giang hạm gần bên, đèn từ các cửa hắt ánh vàng xuống mặt nước, vạch những đường ngoằn ngoèo, lóng lánh lay động. Tiếng rì rầm của động cơ cả ba chiếc tàu vẫn nổ đều, rung động một khoảng không im vắng. Nơi đây chỉ cách hành dinh của Viễn khoảng hai cây số đường chim bay, với hàng ngàn mái nhà lá, tôn lẫn lộn, lác đác đột ngột vươn lên những căn nhà, còn nhấp nháy ánh đèn xanh.
Bỗng một đoàn xe hơi sáu bảy chiếc, pha đèn rọi sáng mặt đường, nối đuôi lao thẳng vào cầu tàu, từng chiếc dừng sát bờ đá, tiếng động cơ, tiếng rít vỏ xe, náo động. Viễn, Salvani, Tư Hiếu, Le Roy và cả chục tên sĩ quan tham mưu tiến lên giang hạm chỉ huy, hành dinh lưu động. Ngay sau đó, có lệnh mời tất cả qua giang hạm. Đồng hồ chỉ mười hai giờ bốn mươi phút..
Cạnh cửa vào khoang lớn văn phòng Bộ chỉ huy, Vũ nhìn thấy một xác người đặt trên băng ca, mặt mũi còn nguyên, nhưng bộ quân phục nhừ nát lẫn vào da thịt toàn thân. Chiếc xích xe mô tô có đoạn cầm lót da, còn đặt ngay trên xác chết. Vũ Hiểu, với phương tiện giết người này, nạn nhân phải chịu đựng sự đau đớn tột độ. Mỗi cái đánh, từng phân tấc thịt xương vụn nát, tuần tự cho hết cả người. Vũ chưa từng biết hình phạt tùng xẻo cổ xưa, đánh một tiếng trống, đao phủ cắt một miếng thịt nạn nhân ra sao, nhưng trước mắt trông cảnh này, quả là rùng rợn. Thì ra chủ ý của Viễn giữ chiếc đầu kẻ phản bội còn nguyên vẹn theo kiểu này, gây được ấn tượng khủng khiếp hơn nhiều so với lối bêu đầu thị chúng. Chưa từng gặp nạn nhân. Vũ cũng đoán ra xác chết nằm đó chính là Thái Hoàng Minh.
Trong phòng họp, Tư Hiếu báo cáo tình hình rút quân và ém sát các mục tiêu tấn công đã hoàn tất, đã tổ chức xong các vị trí tiếp đạn, rời các kho vũ khí vào các cứ điểm an toàn, chỉ còn chờ phát lệnh khai hỏa. Thấy không có việc gì liên can đến mình, Thành Nam kéo Vũ về tàu du lịch, ngồi tựa lan can hút thuốc, bàn chuyện rút lui.
Thời gian lặng lẽ trôi, sự chờ đợi tạo một cảm tưởng kéo dài, chậm chạp. Nhưng rồi giờ G cũng phải tới... Vừng đông vừa rạng, hàng chục khẩu cối đủ cỡ tại hành dinh của Viễn gầm lên. Những đốm đạn nháng lửa tung vào các mục tiêu định trước, những tiếng nổ vang rền, Sài Gòn bừng dậy và rực lửa. Vũ nghe rõ, tiếp theo đó là những tiếng đại bác rền hơn, từng chùm trùm xuống dinh Norodom. Pháp đã giữ lời yểm trợ. Chỉ năm phút sau, pháo của Diệm cũng thi nhau dập xuống bên này cầu chữ Y. Hành dinh Viễn chìm ngay trong khói. Một góc Sài Gòn về phía Chợ Lớn, những cột khói bốc lên cao, kéo theo những ánh lửa chập chờn, từng đám bụi tro rực đỏ. Đồng lúc, tiếng súng các loại râm ran khắp chỗ. Vũ nghe văng vẳng tiếng la thét của quân lính Viễn từ đầu cầu chứ Y tràn xuống đơn vị nhỏ của Diệm đóng phía bên kia đường.
Máy bộ đàm rộ lên trong khoang giang hạm chỉ huy, từ các cánh quân báo về tin chiến thắng bước đầu, vẫn tạo được thế bất ngờ, chiếm được vài vị trí, nhưng lại là những vị trí không người, bọn Mỹ khôn hơn đã bí mật rời đi từ trước. Chiến xa Pháp tung ra ở các ngả đường lấy cớ để tự bảo vệ, giúp cho lính của Viễn ngăn quân tiếp viện của Diệm. Vài mục tiêu bị tràn ngập, lính của Diệm bị tàn sát chẳng nương tay, như để trả mối thù truyền kiếp. Tin báo về, những đại đội lính quốc gia bị tiêu diệt, và ba đơn vị của quân Diệm ở Đồng Khánh, ở Nancy, ̣Đa-kao, Pétrus Ký... bỏ chạy. Tin thắng lợi như thổi về sở chỉ huy trên giang hạm những luồng sinh khí.
Buổi trưa, nắng lửa bốc lên hừng hực. Tiếng súng nhỏ đã bớt rộ lên như trong những giờ đầu chỉ còn trọng pháo của phía Diệm không ngớt rải đạn đi khắp nơi trong thành phố. Những dãy nhà hiền lành của dân thi nhau sụp đổ và bùng cháy. Khu vực cửa Viễn bên này cầu chữ Y đã thành bình địa, nhưng trái nổ vẫn chưa ngừng rơi. Cầu tàu bến Cây Khô bắt đầu nhận những trái pháo 105 mãnh liệt. Ba chiếc tàu được lệnh xả máy chạy vào chỗ có những vườn cây trái để ẩn mình.
Đến chiều, một nguồn tin bay đến làm cho Viễn và toàn bọn giận buồn lẫn lộn. Soái không hợp đồng tấn công, án binh bất động. Tiếp đó, tin Diệm đã lấy lại được bình tĩnh, chuẩn bị phản công. Cơn giận như kích thích Viễn. Hắn bật lên tiếng cười gằn, tràng cười lạnh sắc như dao. Hắn nhìn và tất cả cùng nhìn theo hắn chiếc đầu còn nguyên trên cổ nối với thân thể vụn nát của tên đàn em phản bội, vẫn còn bất động ngoài cửa khoang tàu. Có lẽ hắn đang nghĩ đến Soái đang phản hắn. Thành Nam run lên trước cử chỉ và cặp mắt long lên của Viễn. Vũ hiểu, anh nắm chặt cánh tay Thành Nam trấn an bảo hắn hãy yên tâm, nếu Viễn có cật vấn thì trả lời là ngày giờ tấn công đã định, thay đổi gấp quá như vừa rồi đâu có dễ dàng thực hiện!
Thành Nam liếc nhìn Vũ gật đầu, thầm cám ơn. Quả vậy, mười ngàn lính của Soái, năm ngàn lính của Ba Cụt, rải rác đóng xa nhau hàng chục cây số, lệnh tấn công đã báo rồi, thay đổi đột ngột khó mà thi hành. Thành Nam không còn run sợ nữa, nhưng Viễn không ngó ngàng tới hắn.
Trời xẩm tối, cả ba chiếc tàu vẫn còn trong vùng phong tỏa. Súng lại nổ mạnh hơn lên, báo hiệu địch đá bắt đầu mở đợt phản công quyết liệt. Đúng vào lúc đó, tên sĩ quan cận vệ của Soái, thiếu tá Phan Thành Vọng, lái chiếc bo-bo tới cặp sát mạn tàu, bước lên báo cáo với Viễn là Soái xin cho đưa Thành Nam và Vũ về gấp Cái Vồn để chuẩn bi mở trận đánh Cần Thơ. Viễn tin ngay, hắn lưu luyến bắt tay Vũ:
- Tôi biết trung tướng rất trọng ông. Có ông bên cạnh ổng, tôi không còn lo bị một mình chịu trận. Nếu miền Tây nổ súng đúng sáng mai, Diệm phải phân binh, tôi sẽ được giải tỏa.
Chiếc xuồng máy thể thao như bay trên mặt nước lao vào bóng tối. Tiếng máy nổ chìm trong tiếng rền hối hả của mọi loại súng. Thành Nam nói gì đó, gió tạt đi, Vũ chẳng nghe thấy nhưng đoán là hắn không kềm được để thốt lên nhưng lời vui mừng thoát nạn!

5.

Thì ra Thành Nam đã chuẩn bị con đường rút lui khá chu đáo. Đường sông thật là bảo đảm, không bao lâu chiếc bo-bo đã cặp vào một bến nhỏ trong Thảo cầm viên. Lần đầu Vũ được giới thiệu với kỹ sư Quan Hữu Kim, Giám đốc Sở nuôi thú này, là người thân tín của bọn Soái. Hắn đón tiếp rất niềm nở cả ba người.
Thành Nam không còn tâm trí để nhận bữa ăn chiều, hắn cùng Vọng lên xe đi tới dinh Cao ủy Pháp. Hắn bàn với Vũ:
- Tôi phải tìm gặp Bộ tư lệnh Pháp trước khi đi Cái Vồn, và để bảo đảm cho chúng ta, tôi sẽ xin xe riêng của Cao ủy Pháp đưa chúng ta đi. Sáng ngày mốt lên đường, anh cứ về chuẩn bị, rồi gặp nhau tại đây, cùng đi.
Vũ biết hắn vốn là sĩ quan Phòng nhì Pháp, được cài vào cạnh Soái với chức Bí thư.
Nhất cử nhất động của Soái đều không qua được mắt hắn. Hắn có nhiệm vụ báo cáo hay nhận chỉ thị của tình báo Pháp trước khi trở lại Cái Vồn. Phần Vũ, anh cũng có nhiệm vụ báo cáo khẩn cấp xin chỉ thị của Trung tâm. Đề nghị của Thành Nam rất trùng hợp với công việc riêng của Vũ lúc này. Anh bắt tay tạm biệt bọn chúng.
Anh về nhà Trần Đình, vừa bước vào cửa, câ hai vợ chồng bạn rú lên mừng rỡ:
- Người ta hay là hồn ma đây?
Bạch Hường nhào tới nắm chặt tay Vũ:
- Có đau không?
Cái véo nhẹ vào cánh tay làm Vũ buồn cười nhưng không khỏi cảm động trước mối thân tình của người bạn gái. Anh vờ nhăn mặt:
- Ái đau, đau rồi đó chỉ hai?
Đình cất tiếng cười thật lớn:
- Đúng người ta rồi? Bọn này đã tưởng cậu bị vùi dưới đạn đại bác. Sáng, trưa, hai đứa chằng nuốt nổi cơm, lo cho cậu. Đã dặn tình hình găng quá đừng sang đó nữa là xong.
Bạch Hường vui ra mặt:
- Anh Vũ phải nhịn suốt là cái chắc. Tắm rửa thay đồ đi, tôi đi lo chuẩn bị bữa ăn.
Bữa cơm gia đình thật ấm cúng. Vừa ăn, Vũ vừa kể cho vợ chồng bạn nghe tình hình phía Bảy Viễn. Bạch Hường lè lưỡi, rụt cổ, khi nghe Vũ kể chuyện Viễn trừng trị tội phản bội của Thái Hoàng Minh và tỏ vẻ lo âu:
- Bên đó đã vậy, bên này nhà cháy, người chết. Họ lo đánh giết nhau, chẳng kể đến dân, cư kéo dài còn bao nhiêu người phải chết thêm nữa?
Vũ trấn an:
- Không thể kéo dài đâu. Phía ông Diệm thì quá mạnh, bên này quân số đã ra hàng phần nửa rồi, số còn lại bị sa sút tinh thần, nội đêm nay dám bị bật ra khỏi thành phố, cầm cự sao nổi!
Đình bật hỏi:
- Chạy đi đâu?
- Viễn dự tính rút tàn quân vào rừng Sác.
- Đánh đám vậy thì còn được bao nhiêu? - Đình chép miệng thở dài - Lực lượng của Viễn đến đây coi như xóa sổ.
Bạch Hường không chịu thái độ có vẻ tiếc rẻ của chồng:
- Xóa sổ là vừa, anh không thấy dân Sài Gòn đã phải chịu đựng bao năm rồi không?
Bạch Hường quay lại phía Vũ:
- Sáng nay tôi đi chợ, dân chúng tản cư từ bên kia sang, thấy họ chẳng sợ, mà cũng chẳng buồn. Họ nói thế nào anh biết khỏng? Họ bảo để cho chúng giết bớt nhau đi cho bà con bớt khổ. Nếu chúng bắt tay nhau được, hè nhau giết người cướp của, dân còn khổ gấp vạn dân. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao trước đây người dân thường la reo mừng mỗi khi lính ông Diệm và công an Bình Xuyên đánh lộn, bắn lộn ở các tiệm ăn, rạp hát. Tưởng họ tò mò, vô tư, nhưng không, họ căm ghét cả hai phía đấy.
- Thì ra là vậy?
Thấy Vũ tỏ ra bàng quan, vợ Trần Đình còn nhấn thêm:
- Đúng chứ anh! Rõ là phía nào cũng chỉ reo rắc tai họa cho dân chứ có đem lại cho ai lợi ích gì?
Đình cười ha hả:
- Tôi có cảm tưởng mình đã trở thành nhà chính trị xã hội đấy!
Bạch Hường nguýt chồng:
- Chỉ là người dân thôi, nhưng cũng phải biết thấy biết nghe và suy nghĩ chứ? Không lẽ chỉ vùi vào cuộc sống vô tư, đến đây hay đó mãi sao?
Bên kia sông, phía bến Vân Đồn, trận chiến đã có phần ác liệt, đại bác nổ dồn dập, làm rung chuyển các cửa kính trong nhà. Ăn xong, Đình rủ Vũ đi một vòng thành phố coi tình hình. Anh lấy cớ mệt, về phòng chờ đón bản tin trên đài bán dẫn. Hôm nay là ngày dự bị rồi, anh cần nhận chỉ thị của Trung tâm và báo cáo tình hình mới để sáng mai kịp chuyển.
Sáng sớm hôm sau, Sài Gòn lại trở về yên tĩnh. Tiếng đại bác đã chuyển hướng về nẻo xa. Bọn Viễn sống còn ra sao chưa rõ, nhưng chắn chắn là lực lượng "ông Bảy", đúng như lời Trần Đình nói, kể từ đây không còn tồn tại. Khu Trung tâm thành phố vẫn đông người đi lại, với những khuôn mặt bình thản, những bước chân vội vàng, những chiếc xe xuôi ngược - cuộc sống trở lại bình thường. Vũ đi taxi lại nhà anh Trọng. Sau hôm gặp linh mục Dưỡng, anh đã báo cho Trọng lời mời của cha Thuận. Trọng nhận lời cộng tác. Trọng ở bên cạnh cha Dưỡng và cha Thuẫn, Vũ rất hy vọng Trọng có được nhiều tin tức của bọn Mỹ ở đây, và đó cũng là chỗ dựa cho chính anh trong giai đoạn sau này.
Thấy Vũ đến, Trọng mừng rỡ:
- Tôi đang lo, chỉ sợ chú qua bên Viễn bị kẹt thì rắc rối. Mới nghe đài phát thanh, Viễn và số quân còn lại rút hết ra rừng Sác rồi.
- Chị và mấy cháu đâu?
Trọng cười:
- Sáng hôm qua cả bốn mẹ con tản cư lên Thủ Đức ở với người em. Bả sợ đến nỗi bước đi không vững.
- Còn anh? Đã nhận cộng tác với cha Thuẫn rồi chứ?
- Từ hổm lận. Sau khi chú bảo tôi, tôi đi gặp ngay và ổng giữ chịt tôi luôn. Công việc tuy bận, vừa lo quản lý khóa học, vừa phụ trách tập san "Tinh thần", nhưng không mệt óc như những tháng ở Bộ Nội vụ. Cả ngày hôm qua và suốt đêm rồi, ông Thuẫn và cha Dưỡng bắt tôi ở lại trên đó, mãi mờ sáng nay tôi mới ghé coi qua nhà, lát nữa lại lên.
- Có tin gì về bọn Viễn không?
- Tối hôm qua tôi được nghe các cha cho biết ông Diệm đang tập trung phản công Viễn.
Ông ta quyết đánh mạnh, giải quyết mau. Khoảng mười một giờ thì được tin Viễn phá vòng vây qua cầu Tân Thuận, phóng xuống Nhà Bè. Lực lượng của Trình Minh Thế chặn ở Tân Thuận bị thiệt hại nặng vì có quân Pháp ở kho 11 gần đó trợ lực. Mãi đến năm giờ sáng mới được tin Thế đã bị bắn chết ngay trên chiếc xe chỉ huy giữa trận đánh. - Trọng thấp giọng gần như thì thầm - Thế không phải chết trận mà bị ám sát từ phía sau.
- Chắc Viễn bố trí người giết Thế?
Trọng lắc đầu:
- Không phải Viễn mà là anh em ông Diệm.
- Kỳ nhỉ?
- Có gì kỳ? Chú biết không, sau khi Nguyễn Thanh Phương phản phé đánh tan lực lượng của Đức hộ Pháp tại Tây Ninh, ông Diệm nhờ người Mỹ bố trí đưa Phương đi tham quan Hoa Kỳ nói là để tưởng thưởng, nhưng thực ra là tách Phương ra để phiên chế lại các lực lượng dưới quyền của hắn. Sau này nếu không bị chết như Thế thì Phương cũng chỉ là tên "tướng không quân". Tờ mờ sáng nay trung tá cố vấn Ed Kơ-rô ghé lại nói cho cha Thuẫn biết vụ ông Diệm cho giết Thế, nhưng phàn nàn ông Diệm đã dùng một tên giết người ngu xuẩn, dù ngồi chung xe đã không dám bắn Thế từ phía trước. Chủ trương của ông Diệm là quyết không dùng số tướng loại "bổ sung" của Pháp, phản trắc và bất tài, nếu buộc phải để chúng sống thì cũng không cho ra sống. Ed Kơ-rô còn cho biết, Thế bị giết bằng súng Côn 12, đoạn xuyên ra từ sau ót tạo nên chuyện xàm xì. Nhu hoảng hốt cho lệnh bắt tên sĩ quan được giao việc ám sát để nếu có gì xảy ra thì lấy tên này làm vật đỡ. Nhưng xong rồi, rất ít người biết chuyện, tên sĩ quan giết Thế đã bị Nhu bắn chết khi hắn trả lời Nhu rằng, nhìn vào mắt Thế, hắn thấy như có uy lực gì khiến hắn không sao lẩy cò được, hắn đành nhắm mắt bắn từ sau lưng ông. Diệm sẽ cho tổ chức một tang lễ rầm rộ để che giấu hành động này, và cũng để câu nhử nhưng người khác nữa.
Vũ mừng thầm, đúng là anh Trọng đã nắm được một đầu mối tin tức khá quan trọng. Qua nhưng lần gợi ý của anh, Trọng đã bắt đầu quan tâm đến những vấn đề thời cuộc. Anh dò hỏi thêm:
- Còn ông Năm Lửa của chúng ta, anh có nghe tin gì không?
- Như chú cho tôi biết đó, đáng lẽ tướng Soái cùng với Viễn tấn công, nhưng đến ngày giờ này ổng đã án binh không thấy cục cựa. Nghe nói Nguyễn Ngọc Thơ đã liên lạc với vợ ổng, đang trong giai đoạn điều đình, mặc cả với nhau. Nhưng theo cha Thuẫn thì ông Diệm đã cho chuẩn bị chiến dịch diệt lực lượng của Soái và Ba Cụt từ lâu rồi. Chỉ có người Mỹ còn đắn đo chưa chịu để ông ta mở màn. Mỹ tin là sẽ kéo được một phần quân của Soái ra hàng, rồi còn chờ Bộ tư lệnh Pháp giao mấy chục xe lội nước mà Pháp cứ nêu cớ này cớ khác chưa giao. Người Mỹ sợ, bị đẩy vào thế cùng, Soái sẽ kéo lực lượng chạy vào chiến khu Đồng Tháp theo Việt Minh. Việt Minh sẽ lợi dụng danh nghĩa Hòa Hảo cùng với Soái đánh lại, thì vập vào vết xe của Pháp. Mỹ sợ nhất điều đó, nên họ buộc ông Diệm phải hết sức thận trọng và phải diệt Soái cho thật gọn, có chắc ăn mới cho khởi sự. - Số phận của Soái, đánh hay đầu, cũng sẽ như Phương và Thế?
- Vậy thôi. Có điều đối với Soái ý đồ của ông Diệm lộ liễu hơn. Rõ ràng Nguyễn Ngọc Thơ, hay là ông Diệm không nói thẳng với Soái mà cứ loanh quanh với vợ Soái là cái lý gì? Chính là vì ông Diệm đã có ý không chịu cho Soái hàng mà phải giết đi. Chần chừ là để phân hóa, lôi kéo bọn tay em, số còn lại chỉ cần một trận là tan rã. Mấy hôm nay Mỹ đang đòi Pháp bàn giao mấy chục xe lội nước cho quân đội quốc gia. Họ quyết chặn Soái không cho lọt vào Đồng Tháp. Chiến dịch có tên là "Thoại Ngọc Hầư' nghe đâu sắp mở màn rồi. Sớm muộn Soái và Cụt cũng thất bại. Nghe họ nói chuyện với nhau, tôi càng phục chú. Đúng như chú nói trước đáy, bọn sứ quân đã đến ngày tận số.
Vũ mỉm cười nghe Trọng khen. Anh chú ý đến lối nói của Trọng: "Nghe họ nói..." tức là những người có điều kiện nhận tin từ nơi xuất phát chủ trương: bọn Mỹ. Anh khuyến khích Trọng:
- Anh nói có vẻ sáng ra nhiều rồi đấy. Phải hiểu biết cho được tình hình, thời cuộc, vì cuộc sống của chúng ta luôn gắn liền vào đãy. Anh thấy không, nếu không thấy trước, chúng mình đã sa vào với Soái rồi.
Trọng cười dễ dãi:
- Thì tôi nghe lời chú đấy, mới chú ý đến chuyện xung quanh họ, nếu không tôi đã chẳng cần biết để làm gì. Còn bây giờ, chú định làm gì? Cha Dưỡng và cả cha Thuẫn dặn tôi nhắc chú đóng góp bài cho tạp chí "Tinh thần" đấy.
- Tôi sẽ lo viết bài, nhưng ít ra cũng coi qua một vài tập xem họ viết ra sao mới tính được. Công việc thì thiếu gì, nhưng bây giờ phải thận trọng hơn. Chờ tình thế ổn định anh em mình tính lại, vội gì. Anh cứ giữ lấy chỗ này, sau đỡ tôi cũng tốt thôi. Có thể tôi đi Đà Lạt chơi với người bà con ít tháng, nghỉ ngơi cho khỏe. Cha Dượng có hỏi, anh xin lỗi giùm tôi.
- Được rồi, chúng tôi chờ chú - Trọng đứng dậy - Tôi cũng phải đến chỗ cha Thuận đây.
Cần đi đâu tôi đưa chú đi, sẵn xe đây.
Vũ chờ Trọng khóa cửa lại, cả hai bước ra đường phố. Chiếc xe Dauphin của Trọng đậu sát I.ề đường. Vũ bảo Trọng:
- Anh cứ đi đi, tôi đi tắc-xi được rồi.
Trọng vẫn đứng cạnh Vũ, chỉ hai tên cảnh sát mặc sắc phục trắng đi ngang. Anh thấp giọng:
- Toàn bộ ngành công an đã thay đổi. Nguyễn Ngọc Lễ được cử ra làm Tổng giám đốc.
Năm trăm công an cảnh sát do Mỹ đào tạo cấp tốc ở Philippine đã về để thế công an mũ nồi xanh của Viễn. Ngoài ra còn cả ngàn cựu chiến binh Bắc Việt được tuyển lựa thêm vào. Ông Nhu trực tiếp chỉ đạo việc truy lùng bắt hết tay chân của Viễn với lệnh làm cỏ và cào tận gốc bất cứ những ai có quan hệ với Viễn.
Vũ vừa nghe vừa nhìn theo bóng hai tên cảnh sát sắc phục quả là lạ mắt. Chứng tích cuộc đụng độ giữa hai bên vẫn còn đây đó. Những tốp lính quốc gia còn ôm súng trên các nóc bằng cao ốc, vài bựng khói còn bốc cao quá ngọn cây hai bên đường. Những đống vỏ dạn hai bên hè phố và rác rưởi tràn lan. Chiếc xe cứu thương rú còi hối hả, vài chiếc xe Jeep lao vùn vụt. Chỉ có người dân là không thấy nét thay đổi trên mặt họ. Tất cả tỏ ra bình thản đến lạ kỳ sau cuộc chém giết lẫn nhau vừa chấm dứt!
Trọng bắt tay từ giã Vũ lên xe. Vũ đi bộ dọc theo hè phố. Anh nghĩ, không lâu nữa, thành phố này sẽ không còn cảnh xô bồ mặc ai nấy sống như thời kỳ còn đầy rẫy những lính công an của Viễn, mà sẽ ở dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng tay sai của CIA, khó khăn không ít. Ngày mai Vũ phải rời Sài Gòn, lao xuống Cái Vồn, quyết đi vào giai đoạn quyết liệt của nhiệm vụ, cũng có thể là giai đoạn kết thúc công tác trước mắt. Sớm muộn chưa thể tính trước được, nên Vũ chỉ nói với Trọng là đi Đà Lạt nghỉ ngơi vài ba tháng. Đã đến lúc anh phải thận trọng tối đa để giữ thế an toàn lâu dài, phái giấu được Trọng và vợ chồng Đình, phải chuyển vào bí mật hoạt động. Lực lượng công an, mật vụ Diệm đã nắm quyền, chúng được huấn luyện nghiệp vụ, tai mắt chúng đã bắt đâu rải khắp đó đây. Vũ lại nghĩ, Phạm Công Tắc đã đào vong. Tây Ninh và miền Đông đã ổn định. Viễn với nhóm tàn quân chui sâu vào rừng Sác, để rồi sớm muộn cũng bị tiêu diệt. Sự sôi động của hai tập đoàn tay sai đã xệp hẳn rồi, còn lại Soái Cụt thì tư tưởng chủ bại đã biểu lộ rõ ràng. Chúng án binh bất động khi Viễn tấn công, có thể là đang mà cả với Thơ để nhận về hợp tác? Diệm sẽ ổn định miền Tây, sẽ tung quốc sách "tố cộng, diệt cộng", tấn công vào lực lượng cách mạng sớm hơn, dù đã bị nửa năm bận tâm đối phó lẫn nhau không kém phán quyết liệt.
Dừng lại ở ngã tư đường. Vũ chợt nghe tiếng súng và tiếng còi cảnh sát rít lên. Bọn công an sắc phục trắng đang bố ráp, soát xe người qua lại. Hỏi giấy tờ, khám xét, cảnh này hầu như xa lạ với dân Sài Gòn. Một năm rồi, kể từ khi Pháp thất trận Điện Biên nay mới lại diễn ra. Từng tốp người bị bắt dồn lên xe "Đốt cát" sơn xanh. Giận dữ, sợ sệt và cả những ánh mắt căm thù ném lại trên những kẻ bắt mình khi chiếc xe vụt chạy.
Vũ rẽ vào con hẻm trước mặt. Anh có đầy đủ giấy tờ tùy thân, tránh đi chỉ vì không muốn chúng làm phiền. Dòng suy tư trở lại với anh. Đi Cái Vồn, ngồi bên Soái, Cụt trong giai đoạn này thật nguy hiểm! Có thể an toàn thoát ra như tình trạng ở bên cạnh Viễn vừa rồi không? Hoàn cảnh xấu nhất, bị Diệm bắt cùng với nhóm Soái tất nhiên là chết? Là hết?... Hay dừng lại ở Sài Gòn đây chăng, để đi vào với Trần Kim Tuyến, tức là đi thẳng vào Mỹ, kẻ thù chính. Ở đây Vũ có thể giữ thế an toàn cho mình và lập công dễ hơn. Nếu mình nêu ra hàng trăm trở ngại để không xuống Cái Vồn với Soái, chắc Trung tâm cũng sắn sàng chấp thuận cho mình ở lại Sài Gòn...
Vũ bước vào quán cà phê bên đường. Anh kêu món điểm tâm và một ly sữa đá, ánh nắng nhiệt đới rực lên trên bức tường vôi trắng của căn nhà trước mặt. Bóng người bóng xe qua lại chiểu lên loáng thoáng những hình thù kỳ dị... Vũ chăm chú nhìn, chợt nhớ đến Hà Nội những ngày này chắc đang rất tưng bừng. Anh nhớ lại những ngày mình sắp từ giã thủ đô vào đây. Nhớ lại thủ trưởng trong lần gặp gỡ trước khi mình ra đi, những lời căn dặn, và lòng tin cậy của ông đối với mình. Đó cũng chính là lòng tin cậy của Đảng, của Bác Hồ, của quê hương trên miền Bắc đã đặt nơi mình. Vũ lắc đâu, không, không thể phụ lòng tin cậy đó! Không thể dễ làm, khó bỏ, cầu an, không dám hy sinh. Phải tính toán lại hai mặt tấn công và an toàn!
Vũ gọi trả tiền, bước vội ra khỏi quán, đi nhanh về hướng trước mặt. Cần đi Cái Vồn, đến với Soái ngăn Soái về đầu Diệm, kéo dài xáo trộn ở một phần miền Tây, không cho Mỹ - Diệm vung bàn tay đẫm máu về phía lực lượng cách mạng. Vũ sẽ xin chỉ thị khẩn cấp, chờ Trung tâm quyết định trong đêm nay.
Sáu giờ sáng Vũ tới Thảo cầm viên, vào nhà riêng của giám đốc, vừa kịp cùng ăn sáng với Thành Nam, Quan Hữu Kim và thiếu tá Phan Thành Vọng. Thành Nam báo cáo với Vũ:
- Đúng tám giờ, Cao ủy Pháp sẽ đưa xe đến đón chúng ta đi Cái Vồn. Công lệnh, giấy tờ là của họ, rất bảo đảm. Tôi cũng đã nhờ Bộ tư lệnh Pháp đánh điện về cho ông Tổng báo chiều nay chúng ta sẽ có mặt tại Cái Vồn.
Vũ thăm dò:
- Bộ tư lệnh Pháp có thắc mắc vụ Cái Vồn không động binh không?
- Cả Bộ tư lệnh thì tôi không biết họ nghĩ gì về vụ này, tôi chỉ gặp được thiếu tướng Gam-bi-ê. Ông ta báo cho tôi hay ông Tổng không cùng lúc mở trận đánh tiếp tay ông Bảy là do bà Tổng cản trở. Bà Tổng đã gặp gỡ với Nguyễn Ngọc Thơ, tính chuyện về hợp tác với Diệm, chỉ còn chờ giải quyết cho xong các điều kiện mà cả hai bên có thể chấp nhận.
- Buồn thật, như vậy là ông Tổng đã để ông Viễn một mình đi vào chỗ chết.
- Đúng vậy. Tôi biết rõ cá tính ông Tổng lâu rồi, không biết tôn trọng lời hứa, sợ bả!
Rõ ràng Thành Nam đã ấm ức về thái độ của Soái. Những lời hắn phê phán Soái càng chứng tỏ hắn là tay chân của người Pháp, đâu có coi Soái ra gì.
- Thiếu tá Salvani đã trở về Bộ tư lệnh chưa?
- Còn bị kẹt với ông Bảy trong rừng Sác. Tướng Gam-bi-ê đang lo. Có thể họ sẽ dùng thủy phi cơ đi đón ông Salvani vì hôm qua thấy họ lao xao về việc đó.
- Anh Thành Nam này, nếu như ông Tổng đã có ý về hợp tác với Diệm, tôi sẽ không đi Cái Vồn nữa. Xuống đó đã không ích gì, lại thêm bị kẹt..
Thành Nam tỏ vẻ hoảng hốt:
- Chính chúng tôi đang hy vọng nhiều ở anh đấy. Chúng tôi biết ông Tổng rất trọng anh. Nếu có anh lúc này còn cứu vãn được tình thế. Chúng ta cố gắng can ngăn, quyết không để ông Tổng đầu hàng. Anh biết không? Trình Minh Thế bị Diệm giết rồi, còn Nguyễn Thành Phương sau khi trở mặt phản thầy, phản đạo Diệm đẩy tuốt qua Mỹ. Lực lượng của hắn và số quân Tây Ninh quy hàng bị phân tán, lớp cho đi học lại ở các quân trường, lớp đuổi vè làng hoặc rải đi các đơn vị bảo an, bị lính Diệm quản lý rất chặt. Sĩ quan phải thi cử lại có trình độ nào đó mới cho mang lon mới. Ít ra xuống hai ba cấp là may, còn thì giáng xuống lính trơn ráo trọi. Âm mưu của Diệm rõ quá rồi nhất định chúng ta không để cho anh em khốn khổ vì hắn. Hàng Diệm cũng chỉ là đi đến chỗ chết, mà lại chết nhục như Thế vừa rồi!
Câu chuyện đến đó thì cũng vừa lúc xe của Cao ủy Pháp, xe có cắm cờ Pháp và tài xế là một trung sĩ người Pháp, tới đậu trước thềm. Thành Nam nắm tay Vũ khẩn khoản:
- Anh hãy cứu ông Tổng, cũng là cứu cả bọn chúng tôi nữa. Thiếu tướng Gam-bi-ê hứa sẽ tận tình chi viện. Có thể chúng ta rút kinh nghiệm cánh ông Bảy, sẽ chuẩn bị chu đáo. Dù yếu hơn địch, ta vẫn tìm cách đánh theo lối yếu của chúng ta, bảo tồn sinh lực để cầm cự lâu dài, chờ thời cơ, hoặc là Pháp có khả năng sẽ tính lại, hoặc là ta nắm lấy làm chủ một vùng...
Thành Nam còn khá trẻ so với tuổi bốn mươi, vẻ hoạt bát, khá lanh. Cặp kính đen ngày đêm như gắn liền trên mắt, hắn cố che giấu một con mắt lé có hột cườm. Nhưng cũng vì cặp kính đó mà vẻ mặt hắn lại như công khai xác nhận nghề làm lính kín, chỉ điểm cho thực dân. Thành Nam lâu nay được coi là bộ não của Soái lại là một chân tay tin cậy của Bộ tư lệnh Pháp. Hắn có thế lực, chỉ đứng dưới Soái trong nội bộ lực lượng này. Tuy nhiên không phải chỉ vì lời chân thành thiết tha của hắn mà Vũ nhận đi Cái Vồn. Chính là vì đêm qua anh đã nhận được chỉ thị khẩn cấp của Trung tâm: "Ngăn Soái về đầu. Vận động Soái tiếp tục chống Mỹ Diệm là cần thiết trong giai đoạn này, nhưng phải bảo vệ được an toàn để công tác lâu dài.'' Trung tâm có ý dành cho Vũ tự xét hoàn cảnh của mình để quyết định. Vũ quay lại nhìn thẳng vào mặt Thành Nam:
- Như vậy là chúng ta nhất trí chống Diệm đến cùng. Chúng ta thử cố gắng lần cuối, cùng nhau khuyên ông Tổng.
Bắt tay từ giã Quan Hữu Kim, Vũ theo Thành Nam và Phan Thành Vọng ra xe.