Chương 13

Con sói đực ngửa cổ tru một tràng dài khi Lê Nguyên Vũ và Phù Ninh Đa bước lại gần cũi sắt. Phù Ninh Đa lùi lại theo phản ứng tự nhiên, bàn tay nàng bám chặt cánh tay Vũ:
- Sao nó rú lên ghê vậy anh?
Vũ mỉm cười trước vẻ sợ hãi hiện trên mặt cô gái:
- Thì nó bực bội, có thể nó nhớ bầy, thèm tự do...
- Vâng! Đúng là nó thèm tự do.
Ninh Đa mạnh dạn đến sát song cũi, ngó theo con thú đang nôn nóng chạy đi chạy lại. Nàng khe khẽ thở dài, như tự nói với chính mình. Nhưng còn đâu cơ hội tung hoành như trước, rồi cũng phải quen, phải thuần hóa như con cọp, con sư tử bên kia thôi. Giọng nàng xa vời hơn: - Tâm trạng của nó không khác gì em, cái ngày sa chân vào bọn phỉ Tàu và gần mười năm bị giam hãm trong lồng son của Trinquier rồi Coneín. Được gặp anh, em mới thấm thía, mới hiểu thế nào là giá trị của tự do trong cuộc sống...
Vũ xiết chặt bờ vai Ninh Đa:
- Thôi em ạ, nhắc lại quá khứ mà chi? Chúng ta phải nhìn thẳng về tương lai ở phía trước.
- Vâng!... Kìa anh, nhưng con cò, con vạc được sống tự do ngoài trời, chúng mình lại chỗ cù lao đi anh.
Cả hai chậm bước theo nhóm người tắt ngang bãi cỏ. Ninh Đa thì thầm bên tai Vũ:
- Nhưng em thấy thương thương con sói, dù nó là loài thú dữ... Chắc chắn nó bị cầm giữ mãi đến chết mà thôi.
Vũ im lặng. Cảnh con sói cô đơn lồng lộn trong cũi sắt gợi trong anh hình ảnh của tướng Ba Cụt mấy tháng trước đây, bị cầm giữ trong hầm ngầm ở tư dinh tòa tỉnh Cần Thơ. Viên tướng Hòa Hảo bị thất thế sa chân vào bẫy của anh em Diệm, không rõ có gầm rú như con sói vừa rồi không? Nhưng chắc chắn trong lòng hắn phải sục sôi, day dứt. Hắn đã nuôi ảo tưởng, hy vọng tự do, cho mãi khi phải ra trước phiên tòa, rồi cúi đầu trước máy chém vào đêm phán xét cuối cùng: Đêm 13 tháng 7! Thần tiên, Đức Thầy, bùa phép chẳng cứu được mạng hắn, hắn hiểu ra thì đã muộn rồi. Ngô Đình Diệm đã lấy chiếc đầu Ba Cụt làm "lễ khai đao" bằng cỗ máy chém biểu tượng cho quyền uy và sức mạnh nhằm gióng tiếng chuông răn đe những chiếc đầu còn nuôi ý đồ chống đối....
- Anh đang nghĩ gì vậy? Ninh Đa lay nhẹ vai Vũ.
Anh mỉm cười chỉ con cò trắng từ lâu vẫn kiên nhẫn canh mồi bên bờ nước:
- Anh đang nghĩ đến một câu chuyện cổ dân gian. Con cò mẹ rình bắt cá cho con trong một đêm mưa gió. Cò bị lộn cổ xuống ao, ông câu vớ được. Cò mẹ kêu khóc lạy van ông câu, không phải xin tha mạng mình, mà chỉ xin được xáo bằng nước trong, để được chết sạch cho cò con khỏi đau lòng. Đó là hình ảnh của người mẹ Việt Nam, con cái chúng ta lấy đó mà tự hào.
Ninh Đa cúi đầu thở dài, nàng nhìn bóng nước, kéo vạt áo dài lên mắt. Vũ chợt hiểu, câu nói của anh đã làm cô gái chạnh lòng. Nhưng anh vững tin, Ninh Đa chưa một lần tỏ ra tự ái giận hờn người anh nuôi. Dù nhiều lần, Vũ với chủ ý giáo dục cô gái qua cách cư xử chuyện trò, không dè dặt nương lời, thẳng thắn giúp cho Ninh Đa sớm ý thức được thế nào là giá trị của cuộc sống. Sống có ích cho mọi người, cao hơn, có ích cho Tổ quốc thân yêu. Từng lúc cô gái nắm bắt khá nhanh ý tứ trong các câu chuyện, mạnh dạn trao đối sâu sát mọi vấn đề, nhờ đó nàng đã tiến bộ trông thấy. Đến lúc này Ninh Đa đã biết chán ghét, ghê sợ lối sống hưởng thụ thấp hèn, sống sa đọa rập theo kiểu Mỹ và nhận chân được mặt trái của cái xã hội Sài Gòn đầy xảo trá, lừa lọc, con người trở nên tàn ác, sẵn sàng hại nhau, giết nhau vì tiền, vì danh vị.
Những tháng gần đây, mỗi lần đến thăm Vũ, Ninh Đa không còn đòi Vũ đưa đến quán rượu, vũ trường mà đòi đến những nơi có cảnh trí thiên nhiên. Có lẽ, ở những nơi đó, không gian lành mạnh đã ve vuốt tâm hồn nàng, làm sống lại trong nàng cuộc sống cội nguồn, giúp nàng nhớ suối, nhớ đồi, gợi tình yêu quê hương, đất nước. Ninh Đa thay đổi nhiều, nhân sinh quan mới đang hình thành trong tâm hồn cô gái.
Quanh một vòng xem hết các chuồng chim, thú, cả hai chậm bước tiến lại phía đầu cầu.
Chiếc cầu xây cong cong vắt qua con sông nhỏ. Dòng nước vàng quánh vẩn đục, những chiếc xuồng thể thao màu trắng lướt nhanh qua lại. Bên kia là Thị Nghè, dọc bờ ken nhau những căn nhà tôn lá kéo dài sát khu bãi trống. Ninh Đa nhẹ níu Vũ cùng ngồi bên kè đá:
- Anh ạ, Conein đi Thái Lan chuyến này, hắn nói còn lâu mới trở lại Sài Gòn, vì cuối năm hắn sẽ về Mỹ.
- Về Mỹ luôn sao?
- Chưa anh ạ, hắn còn trở lại. Theo em nghĩ, loại như Conein không có kỳ hạn ở Việt Nam vài năm như nhóm quân nhân khác.
Ninh Đa nhặt từng chiếc lá vàng thả xuống nước. Nàng hơi ngửa mặt lên dựa đầu vào vai Vũ như đón những giọt nắng xuyên qua tán cây rớt xuống, trông nàng tươi đẹp hẳn lên.
Hơn một giờ đi quanh sở thú, Vũ kiên nhẫn chờ Ninh Đa vào chuyện. Sáng sớm nay, nàng đến đòi anh đưa đi chơi để kể cho anh nghe câu chuyện quan trọng về Conein. Cũng như mọi lần, anh luôn giữ ý không hề tỏ ra nôn nóng, dù biết rõ những điều nàng nói vè bọn Mỹ đều có ích cho công việc của anh. Nàng kể:
- Chiều hôm qua Conein điện thoại năn nỉ em đến dù hắn đang bận khách, vì sáng nay hắn đã phải bay đi Bangkok, lâu mới trở lại. Hắn cần gặp em để chia tay tạm biệt. Em đến, đúng hắn có ba người bạn cùng chờ. Conein mời em đi ăn, không phải ở vũ trường, mà ở câu lạc bộ dành riêng cho sĩ quan Mỹ trong MAAG. Trong số ba tên Mỹ, em chỉ biết có trung tá Sam Karrich vì tên này thường đến, còn hai tên kia mới từ Đài Loan chuyển sang Sài Gòn. Câu chuyện bọn chúng trao đổi trong bữa ăn, em nghe được hết. Đại ý chúng nói về những người Việt Nam làm việc cho quân đội Pháp ở Việt Nam trước đã tập họp khá đông ở Nam Vang. Có nhóm của ông Bảy Viễn, của ông Phạm Công Tắc, của bà Cao Thị Nguyệt, vợ ông tướng Ba Cụt. Cả ba giáo phái này còn lực lượng quân đội chạy thoát, hiện đóng ở biên giới Miên. Được Pháp giúp đỡ tiền và vũ khí, họ âm mưu tập họp, chờ cơ hội chống lại chính quyền ông Diệm. Cũng như nhà vua Bảo Đại, Thái tử Sihanouk đã che chở cho lực lượng của Pháp chống ông Diệm... Đó là mối lo trực tiếp cho chính phủ ông Diệm ở đây, cho cả kế hoạch của Hoa Kỳ trong khu vực. Họ đánh giá tình hình xấu đối với Mỹ. Cần phải mau hành động, đối phó với chính ông Sihanouk.
Vũ ngắm cảnh bơi thuyền nhộn nhịp trên mặt sông Thị Nghè tràn đầy ánh nắng. Nhưng thực ra, anh để tâm trí lắng nghe không sót một lời của Ninh Đa vừa kể. Anh rất mừng cô gái có trí nhớ khá tốt, lời kể rõ ràng rành mạch, đúng là kiểu nghe gì nói đấy. Nhưng Ninh Đa lại hiểu lầm, nàng ngừng kể, ngó chăm chăm vào mắt Vũ:
- Anh có nghe em nói không đấy?.
Vũ mỉm cười thật tươi, ngó thẳng vào mặt Ninh Đa, gật đầu:
- Anh nghe đấy, thích thú nghe em là đằng khác. Em kể nữa đi.
Ninh Đa nghiêng đầu vuốt nhẹ mái tóc, liếc xéo Vũ nhẹ cười, phấn khích vì được anh quan tâm đến câu chuyện của nàng:
- Anh biết không? Em chỉ muốn kể lại từng chi tiết mọi việc mỗi khi bất buộc phải gãp lại Conein, để anh nghe không khác chi chứng kiến. Em đã giữ đúng giới hạn "bạn bè" - đối với hắn về sau này, kể từ ngày anh dạy em bảo vệ cái giá của cuộc sống....
Vũ xiết mạnh tay Ninh Đa, anh xúc động thật sự, tình thương dâng lên trong anh:
- Anh không một giây nghi ngờ "em gái" của anh. - Vũ nhấn mạnh hai tiếng "em gái" có chủ ý. - Vì anh tin rằng em thể tất phải nhận thấy. Sau khi em xử lý đúng đắn, Conein phải kính nể em, giá trị của em từ đó được đưa lên đúng vị trí của nó. Em nhận thấy chứ?
Ninh Đa gật gật đầu, Vũ hướng vào câu chuyện đang tiếp tục:
- Cho đến giờ phút đó, Conein vẫn tin là em không nghe biết tiếng Mỹ, không hiểu được câu chuyện họ bàn bạc với nhau?
Cô gái khẳng đinh:
- Conein rất tin như thế. Trước khi vào bàn ăn chính Conein đã nói với ba tên bạn là có thể trò chuyện tự nhiên. Nhưng có lẽ theo thói quen, chúng chỉ nói vừa đủ nghe, đôi khi cố ý hạ thấp giọng hơn, phát âm nhanh hơn, vào những đoạn mà chúng cho là quan trọng nhất. Ví dụ lúc bàn việc đối phó với ông Sihanouk, em phải tập trung mới nghe nổi... anh ạ. Theo chúng nói thì hai tên Mỹ vừa ở Đài Loan qua có đem theo ba người Hoa, mà những người Hoa này đã từng sinh sống lâu năm ở Nam Vang rồi. Họ có mưu đồ định giết ông Hoàng. Họ biết ông Hoàng rất thích bộ sưu tập về tượng Phật cổ đáng giá nhiều triệu đô của ông ta. Theo lệnh của đại tá Lansdale, hai tên Mỹ cùng ba người Hoa từ Đài Loan qua Sài Gòn, có mang theo một pho tượng Phật bằng đá hồng rất cổ, nhỏ thôi, khoảng gần một ký. Họ dự định làm quà tặng ông Sihanouk nhân dịp lễ kỷ niệm đăng quang Thái tử. Những người Mỹ không ra mặt tặng, mà giao cho một tổ chức thương nhân Hoa kiều đứng tặng. Để giữ bí mật hơn, đại tá Lansdale giao nhiệm vụ này cho viên đại diện chính phủ ông Diệm là Ngô Trọng Hiếu sắp xếp mọi công việc... Pho tượng được đặt trong chiếc hộp gỗ trầm hương có một mặt kính. Vật tặng lộ ra ai cũng biết, không cần phải mở để kiểm tra. Hộp có khóa, chìa khóa để trong chiếc phong bì cùng tấm thiếp. Họ tính toán rằng, các vật tặng ông Hoàng đều qua tay ông quan hầu cận mở trước rồi mới dâng lên. Đến chỗ này họ cãi nhau om sòm anh Vũ ạ. Tại sao cãi nhau?
Ninh Đa cười rinh rích một lát, mới tiếp:
- Conein nói đến người hầu cận của ông bà Sihanouk là người đàn ông vô dụng, như con gà trống thiến. Vì trong hậu cung của thái tử, của nhà vua, có rất nhiều cung phi thuộc loại gái đẹp nhất nước. Người ta không thể dùng mấy ông quan bình thường, sợ họ làm rắc rối cho các bà. Trung tá Sam Karrich không tin, nói rằng, không có người đàn ông ngu dại đến nỗi để cho người ta giải phẫu cắt đi như thiến gà. Thế là người nói có người nói không, em hiểu ra họ chỉ đùa cợt mà thôi.
Vũ bật cười:
- Thì ra là thế?
- Vâng? Sau đó Conein giải thích rằng, những người Miên rất sùng đạo Phật. Họ sẽ không dám tự mở hộp khi nhìn thấy qua mặt kính pho tượng linh thiêng, chắc phải mang lên ông Hoàng. Ông Sihanouk đang cần tượng cổ cho bộ sưu tập, thấy vật lạ hiếm có, tất tự mở hộp. Đó là điều Conein quan tâm nhất... Câu chuyện của họ đến đó là dừng.
Ninh Đa đã thôi kể, trong khi Vũ vẫn để cho dòng suy nghĩ chảy xuôi, như mải theo tiếng nói của nàng vọng trong tiềm thức... "Ông Hoàng Sihanouk mừng quá quên đi cảnh giác, cầm chìa khóa mở hộp. Nắp hộp vừa bật lên, cái chốt ngòi nổ rời ra, một tiếng nổ... sức mạnh đủ giết một con người..."
Ninh Đa quay mặt ngó Vũ, cao giọng:
- Anh có nghĩ rằng bọn Mỹ âm mưu sát hại ông ông Sihanouk bằng pho tượng đó không?
Vũ gật đầu:
- Có chứ, có nhiều khả năng đấy.
- Nhưng tại sao phải giết? Nếu Mỹ không ưng thì gạt bỏ ông ta như kiểu gạt bỏ vua Bảo Đại vừa rồi?
- Hoàn cảnh hai bên khác nhau em ạ. Không thể so sánh ông Sihanouk với ông Bảo Đại được. Ông Sihanouk có cái thế trung lập, dựa vào cộng sản Bắc Việt và các nước thuộc khối thứ ba, kể cả Nga và Trung cộng. Ở đấy Hoa Kỳ không được phép lộng hành như ở Sài Gòn này, nơi mà chính phủ Pháp đã nhượng lại cho Mỹ. Cách duy nhất của Mỹ lúc này là âm mưu lật đổ chế độ ông Sihanouk dựng "một ông Diệm" nữa ở Nam Vang.
Ninh Đa chớp chớp mắt, gật đầu biểu lộ sự đồng tình:
- Đúng rồi anh Vũ ơi! Tuần trước em có kể cho anh nghe vụ Conein hẹn gặp gỡ một người Miên quan trọng từ Bangkok bí mật đến Sài Gòn, nhớ không nào? Vừa rồi trong câu chuyện họ đã nhắc đến tên người đó... xem nào...
Cô gái đặt ngón tay trỏ lên trán day day, cố nhớ lại cái tên xa lạ, giây lát reo lên nho nhỏ:
- A, em nhớ ra rồi: Sơn Ngọc Thành! Người này làm chủ tịch tổ chức Khmer Tự Do. Lực lượng của ông ta được Mỹ cấp vũ khí, nuôi ăn suốt từ thời kỳ còn đánh nhau với Pháp, và theo lệnh của chính phủ Mỹ, cả chính phủ Thái Lan cũng hỗ trợ. Còn ở biên giới Việt Nam thì Conein tích cực giúp cho tổ chức này phát triển ở những vùng có người gốc Miên tập trung.
Thấy Ninh Đa dừng lại khá lâu, Vũ hỏi:
- Chỉ có vậy thôi sao? Còn gì nữa không?
- Vâng! Sự việc chỉ có thế. Sau cùng thì.. khi về, Conein năn nỉ em chầm chậm hẵng lấy chồng. Hắn ta ước mong được dự ngày cưới của em. Hắn nói, ít ra là sáu tháng nữa hắn mới trở lại Sài gòn, có khi còn lâu hơn. - Ninh Đa cười nhẹ - Em biết là chẳng xảy ra việc em lấy chồng trong thời gian hắn vắng mặt. Để vui lòng hắn, em đã hứa.
Ninh Đa ngước mắt ngó Vũ, niềm vui đột ngột đến với nàng, giọng nàng trở nên tha thiết:
- Em đã có anh là có tất cả rồi, chỉ khi nào anh bắt em lấy chồng em mới vâng lời. Em hứa với Conein chẳng qua để hứa, vậy được chứ anh? Vũ xiết chặt tay cô gái:.
- Em gái của anh giỏi quá đấy, chỉ với lời hứa đó em đã chủ động đối với hắn, không phải chỉ lúc này mà còn cả giai đoạn gặp lại hắn sau này.
Ninh Đa tỏ vẻ hân hoan, ghé đầu vào vai Vũ thì thầm, pha chút nũng nịu:
- Trưa quá rồi, em đói. Anh đưa em đi ăn thôi.
Vũ đỡ cô gái đứng lên, cả hai sóng bước rời khỏi Thảo Cầm Viên. Anh im lặng suy nghĩ về nội dung một bức điện sẽ báo gấp về Trung tâm?

2.

Trời chưa tối hẳn, Sài Gòn đã rực rỡ ánh đèn. Bốn chiếc xe hơi nối đuôi nhau rời đường Bà Lê Chân tiến vào trung tâm thành phố. Phái đoàn Ban chấp hành "Phong trào cách mạng Quốc gia" đô thành Sài Gòn gồm năm đại biểu đi dự họp bất thường do Thủ tướng Ngô Đình Diệm triệu tập.
Chủ tịch phong trào Nguyễn Thiệu mời Vũ cùng đi chung xe. Hắn nói với anh khi xe vừa quẹo ra đường Hai Bà Trưng:
- Kể từ khi ông Cụ về chấp chính, đây là lần thứ hai có cuộc họp đông đủ thành phần chủ chốt Quân, Chính Đảng, để nghe Cụ huấn thị. Có nhiều người anh chưa biết, nhân dịp này anh nên làm quen, nhất là có số đại biểu của đảng ở Trung nguyên Trung phần và Bắc phần cũ. Hiện nay Bắc và Nam phần hợp nhất. Bí thư Bắc phần cũ - anh Trần Trung Dung, được đề cử giữ chức bí thư Đảng ủy Nam phần. Từ ngày củng cố lại tổ chức, ông Nhu nắm vai trò thủ lãnh và cố vấn chính phủ. Ông giao chức Tổng bí thư Đảng cho anh Trần Chánh Thành kiêm Chủ tịch Phong trào Trung ương - Thiệu thấp giọng - Hình thức tổ chức của đảng thì như vậy, nhưng thực tế thì trong này là ông Nhu, ngoài Trung có cậu Cẩn. Cả hai nắm toàn quyền quyết định mọi công việc của đảng. Đi vào đảng, tôi tin là anh chưa hiểu nhiều về tình hình nội bộ. Tôi khuyên anh nên tìm hiểu cho kỹ để còn phải làm việc, giao dịch. Công việc của hai đứa mình lại liên quan chặt chẽ với nhau, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, hỏng bét. Cần làm sao cho công việc thuận buồm xuôi gió, phải được lòng ông Nhu, ông Cụ, lại phải làm vừa lòng cả nhóm ông Thành, ông Dung thì bọn mình mới bốc nổi cái Phong trào đô thành của ta ngóc đầu lên được.
Câu chuyện riêng giữa hai người tạm ngừng khi đoàn xe đã qua cổng dinh Thủ tướng tiến vào trong sân. Vũ theo đoàn đại biểu vào trong hội trường trên lầu, nơi chỉ dành riêng cho các cuộc họp Nội các chính phủ, và các buổi hội kín nội bộ thường được tổ chức vào ban đêm. Từng nhóm đại biểu được bố trí thành khối, mỗi người tự tìm lấy ghế ngồi có tấm giấy ghi tên và chức vị Trong khối "Phong trào". Vũ ngồi cạnh Nguyễn Thiệu, bên trái anh là Võ Văn Trưng, ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương "Phong trào cách mạng quốc gia", dân biểu Quốc hội. Trước mắt là bục gỗ cao trải thảm nâu. Chiếc ghế bọc nệm nhung đó đặt sau chiếc bàn dài chính giữa dành riêng cho thủ tướng Ngô Đình Diệm. Cách xa một khoảng hẹp là dãy ghế đặt cùng hàng, của Ngô Đình Nhu, thủ lãnh đảng "Cần Lao Nhân Vị" cố vấn chính phủ. Trần Chánh Thành, tổng bí thư Đảng, bộ trưởng Thông tin, Trần Trung Dung, bộ trưởng Quốc phòng... Phòng họp sáng rực ánh đèn, nhưng không có khẩu hiệu trên tường, không có bình bông trên bàn chủ tịch, chỉ có hàng mi-crô ba bốn chiếc, trước ghế dành cho thủ tướng Diệm và một chiếc trên bàn tổng bí thư đảng Trần Chánh Thành. Đúng hình thức của buổi họp nội bộ, bất thường.
Vũ chậm rãi lấy thuốc châm lửa hút và chăm chú quan sát, nhận diện những khuôn mặt mũi mà Nguyễn Thiệu mới rỉ tai giới thiệu. Nhiều người trong số họ anh từng nghe tên nhưng đây là lần đầu thấy mặt. Vũ đặc biệt quan tâm đến nhân vật ngồi bên tay trái anh. Đấy là Võ Văn Trưng, một trong bốn người thân cận nhất của Ngô Đình Diệm, người mà anh biết và đang tính toán cơ hội làm quen.
Bẩy giờ thiếu năm phút, các hàng ghế đã kín hết đại biểu. Hội trường lắng xuống khi Trần Chánh Thành từ trong cửa cạnh đó bước ra đến trước mi-crô, hắn khẽ cúi đầu như để chào cử tọa và đưa mắt lướt qua một lượt như để kiểm soát số người đến họp thiếu đủ những ai. Hắn bận bộ đô Âu xanh lợt, thắt cà vạt cùng màu có ba sọc khéo tím đậm, trông hắn trắng trẻo phương phi, khá trẻ đói với tuổi bốn mươi ngoài. Đặc biệt hắn có cặp mắt phần đuôi thấp hơn, xếch xuống, làm cho vùng trán hơi ngắn như được nâng lên, cao hơn với vẻ trí thức của một viên tri huyện cuối cùng triều Nguyễn đã suy vong. Bằng thái độ tự tin, không quá kênh kiệu, Thành tuyên bố khai mạc, cách nói nhấn dễ nghe tuy âm sắc miên Trung còn nặng:
Kính thưa quý "đồng chí" thân mến!
Hôm nay Cụ thủ tướng lãnh tụ kính yêu của chúng ta triệu tập cuộc họp bất thường để ban huấn từ về các vấn đề quốc gia đại sự...
Tràng vỗ tay nổi lên làm hội trường xúc động giây lát. Chờ yên lặng trở lại, Trần Chánh Thành khẽ mỉm cười, long lanh cặp mắt nhìn khắp hội trường, hắn gần như thét lên át tiếng vỗ tay chưa kịp dứt: Xin mời các đồng chí đứng lên...
Chờ cho hai trăm đại biểu nhất loạt đứng hết, giọng hắn đanh hơn:
- Để chào đón Ngô lãnh tụ đến ban huấn từ các đồng chí hãy hô cùng tôi:
"Ngô lãnh tụ muôn năm?
Ngô Tổng thống muôn năm?
Việt Nam Cộng hòa muôn năm?"
Hội trường rầm lên những tiếng hô phối hợp khá đều sau mỗi khẩu hiệu, vừa lúc Ngô Đình Diệm bước vào phòng họp, theo sau đó là Ngô Đình Nhu, Trần Trung Dung, Hồ Đắc Trọng và Hoàng Ngọc Trợ.
Chờ cho số người đi theo vào đúng vị trí, Diệm vẫn giữ bộ mặt nghiêm trang, đưa mắt liếc nhìn hàng ghế đầu, giơ bàn tay vẫy xuống ra hiệu, rồi nhỏ nhẹ:
- Các vị an tọa...
Phòng họp trở về yên lặng tuyệt đối, Diệm mới ngồi xuống ghế, giọng nói cao hơn bình thường:
- Triệu tập các vị về đây để nghe tôi trình bày số công việc quan trọng mà chúng ta phải làm trong những ngày sắp tới. Thứ nhất, tôi đã quyết định lấy ngày 26 tháng 10 tới đây làm ngày ban hành Hiến Pháp của nước Việt Nam Cộng Hòa, và cũng là ngày Quốc Khánh.
Diệm dừng một lát, mới tiếp:
- Tôi cũng đã nghiên cứu hiến pháp của các nước Âu châu. Tình hình đất nước ta còn nhiều khó khăn, còn phải đương đầu với cộng sản Bắc Việt, không thể dân chủ như nước Pháp, nước Thụy Sĩ. Theo tôi, dân chủ là làm cho dân không phải “dân là ông chủ sai bảo tổng thống.” Cảm phục ông Salazar, tổng thống Bồ Đào Nha, tôi noi gương ông ta theo lối tập quyền, buộc dân vào kỷ luật, không thể tự do hoạt động. Điều này người Mỹ lại quá máy móc. Ý kiến của cố vấn Mỹ khuyên tôi nên lập hai Viện dân biểu: Thượng viện và Hạ viện, tôi không chấp thuận. Vì sao? Việt Nam chúng ta dân trí lạc hậu, nước nhỏ lại nghèo. Tình hình còn cam go lắm, chỉ cần một viện dưới khoảng vài ba chục dân biểu là đủ. Mãi khi tổng thống Mỹ đích thân can thiệp, tôi đành chịu con số 123 người...
Có tiếng chép miệng thở dài bên anh, Vũ liếc mắt thấy Võ Văn Trưng đang nhè nhẹ lắc đầu. Thì ra Trưng đã nhột, Vũ nghĩ. Võ Văn Trưng người đồng hương Thanh Hóa với anh, em ruột ông ta lại là thầy dạy Vũ hồi học tiểu học ở trường quê. Đã ngoài sáu mươi, tóc bạc quá nửa đầu, nhưng vóc to ngang, trông Trưng vẫn còn tráng kiện. Thời thực dân Pháp ông ta đã từng làm hiệu trưởng các trường trung học, rồi thanh tra học chánh, bây giờ nghiễm nhiên là nhân vật quan trọng của đảng "Cần lao", ủy viên Trung ương "Phong trào" và vừa đắc cử Dân biểu quốc hội. Vũ đã từng nghe tiếng, tối nay gặp mặt lần đầu. Thấy Vũ nghiêng đầu ngó mình, Trưng quay lại nhìn anh se sẽ gật đầu, thì thầm:
- Ông biết tôi không?
Vũ cười nhẹ, thấp giọng:
- Chào cụ, tôi chỉ nghe tiếng cụ, chưa được hân hạnh diện kiến. Tôi là học trò thầy Mỹ.
Niềm vui rõ lên mặt Trưng:
- Ông là học trò em ruột tôi?
- Thưa vâng.
Vừa giơ tay để Vũ bắt, Trưng giữ tay Vũ lại niềm nở:
- Chú Mỹ không chịu vô đây, lấy cớ ở lại trông nom bà cụ. Ông có biết từ hồi đó chú Mỹ ra sao không? Từ ngày ra đi đầu năm 1947, tôi về quê vợ ở Huế luôn cho đến nay tôi không hề được tin chứ ấy, dù tôi đã tìm cách gửi thư, gửi thiếp, chẳng rõ còn hay bị Việt Cộng sát hại rồi?
- Trước khi rời Thanh Hóa năm 1950, tôi có ghé thăm thầy Mỹ. Thầy được mời làm hiệu trưởng trường huyện ta, ngay từ ngày các trường mở lại. Các anh chị con thày trưởng thành cả, hai anh đã đi bộ đội, chị Thảo làm cán bộ phụ nữ tỉnh, có chồng lúc đó là Chủ tịch ủy ban kháng chiến xã nhà. Thầy Mỹ gần như cuồng tín, quyết sống chết với quê hương. Chính thầy đã hết lời la rầy tôi, vì thực tình tôi đã thú với thầy, bỏ cuộc, trốn chạy...
Trưng vừa thiết tha muốn biết rõ tin tức người em, vừa dè dặt không muốn dấn sâu vào.
Ông ta chắc chắn phải đề phòng cho sự nghiệp của chính mình, nếu nhiều người biết rõ có em theo Việt cộng, nên chuyển câu chuyện sang hướng khác:
- Xin lỗi ông phụ tá nhé - ông ta đã xưng hô theo chức vụ của Vũ ghi tên ở ghế ngồi "Phụ tá Sở nghiên cứu" Ông có thể cho tôi biết cụ thân sinh ra ông là ai vậy? Tuy chúng ta là người cùng xã, nhưng tôi ít về quê. Hơn nữa, hòi đó chắc chắn ông còn ít tuổi, tôi không thể nhớ nổi.
- Thưa vâng, với tuổi tác các cụ làm sao nhớ hết được lớp trẻ chúng tôi. Ông thân sinh của tôi là Lê Nguyên Phong, em bác Giải Phan Thị Lang Bộ Lại thời cụ Diệm.
- Trời đất? Thì ra ông là cháu cụ Lê Nguyên Phan, chỗ quen biết cả. Tôi với ông Lê Nguyên Vân bạn học một thời đấy thôi.
- Vâng, chú Vân từng làm việc tại Huế và thất lộc cũng tại Huế năm 1935.
Cả hai mải chuyện bỏ mất một khoảng thời gian nghe Diệm. Vừa lúc ông ta kết thúc phần giải thích hiến pháp:
- Đây là buổi hội nội bộ, các anh em hiện diện đều là những người tâm huyết, đồng tâm đồng chí hướng, đã tự nguyện quy tụ xung quanh tôi ủng hộ tôi, giúp tôi cầm lái con thuyền Việt Nam, vượt qua được chặng đường đầu đầy phong ba bão táp. Nay thì... con thuyền của chúng ta đã cặp bến tương lai? Phía trước, trên con đường chúng ta phải qua còn nhiều chướng ngại. nhưng tôi tin, rất tin, toàn thắng đã trong tầm tay của chúng ta.
Diệm ngước lên khoảng không, bằng vẻ thành kính đúng mức:
- Xin ơn trên phò hộ chúng tôi?
Tiếng vỗ tay kéo dài, cho mãi lúc này mới thấy Diệm hơi nhếch mép cười, biểu lộ sự hân hoan, thỏa mãn. Phần Ngô Đình Nhu, từ lúc đầu đến giờ vẫn chìm trong suy tư. Hắn hơi ngửa người ra lưng ghế, đầu cúi xuống. Người ta có cảm tưởng hắn chẳng chú ý nghe Diệm nói, không quan tâm đến hai trăm đại biểu có mặt. Rõ ràng hơn, hắn không tham gia những lần vỗ tay tán thưởng. Bây giờ, Nhu mới ngước mặt lên, bộ mặt nghiêm trang, cặp mắt lạnh lùng nhìn xuống cử tọa, trong lúc Trần Chánh Thành đứng lên, nghiêng mình về phía Nhu, trịnh trọng:
- Xin kính mời ngài cố vấn Chính phủ ban lời huấn từ...
Nhu chậm rãi đứng lên, kéo nhẹ mi-crô lại gần:
- Vừa rồi Ngô lãnh tụ đã giải thích quá trình nghiên cứu và chỉ đạo việc soạn thảo hiến pháp đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi lấy làm ngạc nhiên, tại sao không có một ai bản khoăn vấn đề từ cái gốc? Theo tôi, trước hết phải có triết lý của một học thuyết. Đó là cái hồn, hồn thể hiện ra hiến pháp. Phía Cộng sản hơn chúng ta ở chỗ đó. Phần chúng ta ngược lại đã đặt cái cày trước con trâu - Nhu nhếch mép không phải để cười, mà chỉ biểu lộ một nét mỉa mai, cử tọa như nín thở - Rứa đó, chẳng qua chúng ta phải chạy theo cái "mốt" của thời đại, người ta tán dương chế độ tự do dân chủ hết lời, nhưng thực chất thì sao? Chắc các vị quá biết rồi, tôi không phải trả lời nữa. Phần chúng ta trước cái thế sống chết đối đầu với Thực - Cộng không thể khư khư ôm bản hiến pháp với điều khoản tự do nghiệp đoàn... hàng trăm cái tự do.
Nhu dừng lại, nhè nhẹ hất mái tóc đã điểm bạc, cặp mất có quầng đen, má hơi xệ xuống, nét mặt trở nên mệt mỏi chán chường, trông hắn quả là đã già trước tuổi năm mươi.
- Thưa các vị, chúng ta muốn đứng vững, muốn tồn tại, phải dựa vào sức mạnh, phải trông vào chính bản thân của chúng ta! Chính đó là cốt lõi của việc bảo vệ tự do, dân chủ, quyết không cho Thực - Cộng trà trộn đánh lộn sòng. Để giữ vững vận mệnh quốc gia, tôi đã thành lập ủy ban an ninh Quốc gia, với nhiệm vụ bảo vệ sự sống còn của chế độ Cộng hòa này. Tổng thống và tôi dành cho ủy ban có quyền hạn tối đa, cương quyết hành dộng không cho phép tay sai Thực Cộng có chỗ dung thân.
Nhu dừng lại, ánh mắt sắc lạnh nhìn khắp hội trường. Sự im lặng lắng xuống. Ngô Đình
Diệm hơi cúi đầu chăm chú nhìn xuống hai bàn tay máy động. Vẫn với âm sắc giọng nói miền Trung gay gắt, Nhu nhấn mạnh từng lời:
- Trong phạm vi cuộc họp nội bộ, tôi mạnh dạn thông báo với các vị, tôi quyết không chấp nhận ý kiến của người Mỹ. Họ muốn chế độ Cộng hòa có hai đảng như Hoa Kỳ. Họ không hiểu tình hình Việt Nam, tay sai Thực - Cộng còn tràn ngập, lòng dân còn phân tán, chế độ lưỡng đảng sẽ tạo chỗ đung hợp pháp cho kẻ thù. Vì lẽ đó, để dung hòa ý kiến các cố vấn Mỹ, đảng "Cần Lao Nhân Vị" sẽ không hoạt động công khai: Ai hiểu, ai tin có đảng hay không còn đảng mặc họ, kể cả người Mỹ. Chế độ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa không dựa trên cơ sở đảng phái. Rứa thôi? Nous appartenons à une ramille dong le soạt est hé à celui de l'etat.
Nhu gật đầu chào cử tọa với thái độ gia trưởng. Câu tiếng Pháp chấm dứt bài huấn từ càng có hàm ý rõ hơn. Phía dưới, tất cả đại biểu hình như còn chìm trong suy tư không kịp tán thưởng khi Nhu ngồi xuống. Một phút sau, tràng vỗ tay mới nổi lên, kéo dài để bù lại. Trần Chánh Thành đứng lên loan báo, cuộc họp tạm ngừng, đêm sau sẽ tiếp tục.
Đoàn người lặng lẽ nối nhau ra khỏi hội trường, không có tiếng bàn tán, chi có tiếng giày khua trên nền gạch. Võ Văn Trưng đi sát cạnh Vũ. Đến cuối hành làng, Trưng đặt nhẹ vào tay Vũ tấm danh thiếp và dặn:
- Nhớ nghe ông Vũ, chủ nhật này mời lại tôi. Chúng ta phải tâm sự một buổi. Bà nhà tôi sẽ mời ông bữa cơm quê, chúng ta nhớ lại không khí gia đình.

3.

Thanh Tùng, đại úy phòng Nhì quân đội Pháp được cố vấn Nhu tuyển dụng vào cơ quan mật vụ dưới quyền bác sĩ Trần Kim Tuyến, trước khi đơn vị cuối cùng của lực lượng viễn chinh Pháp rút về nước. Để Thanh Tùng có bình phong hoạt động bí mật, Tuyến xuất một triệu đồng giao cho hắn cùng với nhà báo Mặc Thu xuất bản nhật báo "Người Việt Tự Do". Từ đó Thanh Tùng gia nhập làng báo, hắn bộ hắn bộ quân phục, không lái xe Jeep, không dùng cái tên nhà binh đại úy "Đơ Bê " hắn lấy lút hiệu Mão Đen. Đó là đích danh của hắn, Nguyễn Đình Mão.
Cha ruột là nhà tu xuất, không dám thừa nhận con hoang, mẹ đẻ là ai? Thanh Tùng chưa hề biết. Lớn lên hắn đã chịu khó thăm dò tìm mẹ, có người tỏ ra hiểu biết nói mẹ hắn cũng là nữ tu, có kẻ nêu tên cô gái con một gia đình vọng tộc. Nhưng dư luận vẫn là dư luận, mơ hồ vô sở cứ. Chán ngán, hắn bỏ luôn ý định điều tra gốc gác. Hắn được viện mồ côi công giáo nuôi dưỡng. Đến tuổi đi trường, một linh mục người Pháp nhận đỡ đầu cho ăn học. Mười bảy tuổi, hắn thi đậu Brevet Elémentaire cấp bằng dành ưu tiên cho con cái người Pháp làm việc ở thuộc địa. Tuy chưa đủ tuổi trưởng thành, nhưng qua lời giới thiệu của ông linh mục, Thanh Tùng được Sở mật thám Nam Định tuyển làm thông dịch cho Phòng thẩm vấn. Lúc đầu, hắn chứng kiến những cảnh tra tấn dã man những người cách mạng bi bắt. Không lâu hắn say máu, xin tham gia hành hạ tù nhân, hắn căm ghét cộng sản hơn cả mật thám Pháp.
Chưa đầy một năm làm việc, Nhật đảo chính Pháp. Nhờ còn vị thành niên, hắn thoát trở về làm chú giúp lễ cho nhà thờ xứ. Sau ngày quân xâm lược Pháp trở lại, hắn được trọng dụng, được thực dân Pháp gắn quân hàm "quan một" trở thành viên thiếu úy trẻ nhất, 19 tuổi, so với những tên khác, công tác tại Phòng Nhì. Suốt bảy năm tận tụy, hắn lấn sâu vào tội ác mất dần nhân tính, biến thành "Mèo Đen" xứng với biệt danh của hắn. Để biểu lộ lòng trung với Pháp, hắn lén lút trong bóng tối, rình mò bắt bớ, tự tay bắn giết đồng bào vô tội và leo khá mau lên cấp đại úy phó ban sưu tầm Phòng Nhì. Hắn được Salvani, thiếu tá trưởng phòng Nhì đánh giá cao, tin cậy. Trong thời gian quân Pháp rút vào Nam, vài lần được cả trung tá Trinquier trực tiếp giao nhiệm vụ đặc biệt. Từng bước hắn trưởng thành trong nghề, mỗi lúc một ranh ma hơn, để trở thành mối nguy hiểm đối với những người hoạt động cách mạng, ngay cả những loại "quốc gia" đối đầu với Pháp.
Hắn bén nhậy trước thời thế đổi thay, biết đánh giá sớm hơn quyền lực của đồng đô-la, cái thế mới, mạnh, của quan thầy Mỹ. Để không một chút chần chờ, tiếc nuối, hắn dứt khoát khước từ quyết định đi Bắc Phi theo quân đội Pháp, bí mật móc nối với Cố vấn Ngô Đình Nhu xin ở lại Việt Nam. Biết rõ ý đồ của Nhu, hắn dâng công, tình nguyện tìm diệt số gián điệp Pháp cài lại chống chế độ Diệm lâu dài, sau khi quân Pháp phải rút hết về nước. Tất nhiên Mão Đen không thể biết rõ kế hoạch bí mật của Pháp, ngay cả hệ thống gián điệp cài lại, hắn chỉ nhờ một dịp may, biết được một đầu mối mỏng manh, nhưng quan trọng. Hẳn tính toán, từ đầu mối này sẽ giúp hắn lần ra hệ thống tổ chức, đủ lập công đầu mở hướng tương lai cho sự nghiệp.
Đang trong thế đối đầu một lúc với nhiều kẻ thù nguy hiểm, Nhu tiếp nhận sử dụng Mão Đen cùng với kế hoạch của hắn đệ trình, giao bác sĩ Tuyến trực tiếp chỉ đạo. Đúng như Mão Đen dự tính, chỉ trong một tuần mò mẫm, hán đã phát hiện Nguyễn Trọng Bính, giáo sư bác sĩ nha khoa Đại học Sài gòn, đầu mối một. lưới gián điệp cài lại của Pháp. Mão Đen xin lệnh Nhu tổ chức bắt cóc Bính, và chỉ trong một đêm, Bính gặp cả Tuyến lẫn Nhu, xin đầu hàng. Bính hứa hẹn trong ba tháng sẽ nộp danh sách số điệp viên trong lưới do chính hắn ta phụ trách. Theo nguyên tắc, Bính chỉ được phép biết bí số của chúng liên lạc với nhau qua hộp thư chết. Nhưng nhờ Bính được Pháp giao sắp đặt các hộp thư quy định nên có khả năng tìm biết số điệp viên khi chúng đến tiếp xúc hộp thư, từ đó lần ra địa chỉ dễ dàng. Nhu bắt Bính giết tờ cam kết và thả cho về, sau sáu giờ gặp gỡ. Chủ ý của Nhu, khi đã tóm gọn lưới gián điệp của Bính, vẫn còn cơ hội bí mật dùng Bính đi sâu vào hệ thống điệp viên Pháp cài lại ở miền Nam nên các cuộc tiếp xúc giữa Mão Đen với Bính được giữ hoàn toàn kín đáo.
Trên danh nghĩa dân làm báo, Mão Đen đã xóa dần dấu vết sĩ quan "Đơ Bê", có thuận lợi là trước kia hắn chỉ hoạt động trong bóng tối nên ít người biết rõ. Tuổi đời chưa đủ ba mươi, Mão Đen tỏ ra chững chạc, già dặn như hạng trung niên đứng tuổi, có thể nhờ cặp ria mép thời trang công phu cắt tỉa, với vóc dáng tầm thước chắc chắn nhanh nhẹn, khuôn mặt góc cạnh, đen hơn mọi người, bạn bè gán cho hắn cái tên Mão Đen đã thành danh xưng phổ biến.
Tối nay, buổi hẹn cuối cùng giáo sư Bính giao danh sách điệp viên cho Tuyến, Mão Đen lái chiếc xe Dauphine màu cánh chả, biển số dân sự lượn qua vườn hoa trước Tòa thị sảnh, đậu lại ở góc đường Lê Thánh Tôn. Hắn đi bộ theo vỉa hè, vào cửa hàng Passage Eden. Hắn chậm bước ngắm nhìn dãy tủ kính khu hàng mỹ phẩm sáng rực ánh đèn. Lát sau tiến hẳn vào hành lang dẫn đến phía cầu thang, đèn ở đây không đủ sáng. Hắn dừng lại lấy thuốc châm hút, kiểm tra xung quanh theo thói quen nghề nghiệp. Không ai quan tâm, hắn bước lên thang lầu. Lầu một là chung cư cho thuê. Mỗi phòng ở đây có đủ tiện nghi cho một gia đình sinh hoạt. Giá thuê phòng rất cao, vì đây là khu trung tâm Sài Gòn, chỉ dành cho dân giàu, có địa vị xã hội, mới đủ khả năng cư trú.
Hắn đến trước một cửa phòng, có miếng đồng sáng bóng khắc chữ "Giáo sư bác sĩ nha khoa Nguyễn Trọng Bính" ấn chuông hai lần... Hành lang vắng lặng, không có người qua lại, khác hắn với bên dưới, luôn vọng lên tiếng ồn ào hỗn tạp không dứt. Một vài phút trôi qua, Mão Đen sốt ruột ấn lại hai lần chuông cửa, chuông reo văng vẳng bên trong nghe rất rõ.
Cửa phòng vẫn không hề chuyển động sau một hồi chờ đợi. Bực bội hiện rõ trên mặt, hắn xoay nắm cửa đẩy nhẹ vào trong. Cửa mở dễ dàng, không cài khóa. ánh sáng trong nhà hắt ra hành lang, phòng trống không người. Mão Đen nghĩ ngay đến chuyện bất thường theo quán tính nghề nghiệp, hắn thận trọng bước vào, khép trái cửa lại, đưa mắt lướt khắp phòng khách, vẫn bộ sa lông, bộ bàn ăn bốn ghế, bàn làm việc kê ở góc tường... vật dụng... không có gì thay đổi. Hắn moi khẩu súng ngắn trong bụng ra cầm tay, tiến đến phía phòng ngủ, cửa không cài khóa. Hắn bật công tắc, ánh sáng soi rõ căn phòng. Trước mắt hắn, giáo sư Bính nầm ngửa bất động trên giường trải nệm trắng. Chân còn mang giầy da đen, có sơ mi dài tay bỏ trong quần màu xám đậm, cà vạt hai màu xanh nâu lật qua vai, khuôn mặt trắng xanh hơi ngửa lên trên gối. Mão Đen cài súng vào bụng, tiến đến cạnh giường, hắn chăm chú nhìn cặp mắt nạn nhân mở lớn bất động, hai bên mép có vệt máu đã đổi màu đen bẩn, cần cổ lộ rõ vài vết bầm, hai chiếc cúc áo sơ mi bật đứt. Hắn nhủ thầm: "Thuốc độc". Đúng vậy! Mão Đen không lạ gì loại thuốc đặc chế này, chính hắn đã từng cấp cho nhân viên dưới quyền khi cử chúng đi vào vùng địch hậu, để sử dụng trong trường hợp "Thập tử nhất sinh". Nhưng trường hợp này rõ ràng giáo sư Bính không tự nguyện sử dựng, hấn nhợt nhìn thấy mảnh giấy trên mặt tủ nhỏ ở đầu giường, cài dưới cái gạt tàn pha lê hàng chữ đen viết lối in hoa đập vào mắt hắn: "Phản bội! Cái giá phải trả".
Tất cả đã rõ ràng, hắn cảm thấy dội ở lồng ngực, sự hồi hộp đột đến, hẳn lảo đảo quay ra phòng khách, thả mạnh người xuống ghế sa lông. Hắn lấy thuốc châm hút, cố trấn an mình. Hắn từng tự hào chưa một lần biết sợ, nhưng lúc này hắn sợ! Tổ chức "Đơ Bê" đã dằn mặt hắn chăng? Hay chỉ cảnh cáo răn đe bọn điệp viên cài lại? Không lẽ mưu đồ của hắn bị lộ? Hắn cúi đầu, kiểm tra lại thật nhanh các hoạt động của hắn với Tuyến-Nhu. Lời nói, việc làm, sự thận trọng đúng mức, chưa có điều gì tỏ vẻ phản bội chủ cũ, dù hắn tự nguyện thực hiện ý đồ của Nhu: Diệt hết tay chân của Pháp? Mặt công khai, hắn làm báo, hoặc có làm việc trong cơ quan mật vụ của Tuyến, mục tiêu chung của Pháp lẫn Mỹ vẫn là "diệt Cộng". Với cả hai bên, hắn hoạt dộng trên danh chính ngôn thuận.
Hắn đã bình tâm trở lại, quẳng mẩu thuốc hút dở vào gạt tàn, đứng dậy bước đến cạnh bàn giấy chủ nhà, nhấc ổng điện thoại hắn quay số...

4.

Tám giờ sáng chủ nhật, như đã hẹn trước, Vũ lại thăm dân biểu Võ Văn Trưng tại nhà riêng ở hẻm đường Nguyện Thiện Thuật. Ông ta đích thân mở cửa mời Vũ vào nhà, giọng cởi mở:
- Tha hương ngộ đồng hương! Quả là một trong bốn niềm vui nhất, phải không nào. Tôi không dùng hai chữ "cố tri", nhưng tình cảm không thể kém sút được.
Rõ ràng chủ nhân đã có ý chuẩn bị cách riêng để đón khách. Trưng mặc quần áo chỉnh tề trên bàn sa lông bày sẵn bộ đồ trà Giang Tây, hộp thuốc Craven chưa mở, hai bông hồng còn đọng sương, cắm tự nhiên trong bình pha lê. Tất cả toát lên vẻ trang trọng, thanh nhã, biểu lộ nề nếp gia phong nệ cổ của chủ nhân. Vũ nhận thấy có nhiều thuận lợi cho bước đầu mở quan hệ với nhân vật thân cận của Ngô Đình Diệm, mà chính anh đã suy nghĩ nhiều đến cách làm quen. Liền hai đêm ngồi cạnh nhau trong cuộc họp nội bộ đảng, Võ Văn Trưng đã tự ý mở đường cho Vũ, tuy mới là bước sơ giao, nhưng đã hứa hẹn nhiều gắn bó sau này. Trưng mời Vũ ngồi đối diện với mình, tự tay pha trà, bằng giọng nói thân thiết, ông ta chậm rãi:
- Bà con chúng mình ngoài nớ không hình dung nổi ông và tôi gặp nhau ở đây, bất ngờ hơn, tôi và ông là chỗ quen biết xưa. Trông thấy ông, giống chú như hai giọt nước, tôi lại nhớ người bạn học cũ, tiếc là ông Vân đã mất sớm. - Trưng ngước mắt nhìn Vũ, cao giọng - Chú ông đứng đầu cả bốn năm cùng học, thi tốt nghiệp đậu thủ khoa, đúng là cây tốt sinh trái ngọt....
Trưng đưa chén trà tận tay Vũ, hương sen phảng phất:
- Xin mời.
Cả hai cùng nhấp trà, Vũ vẫn giữ im lặng, với vẻ kính trọng trước người cao niên. Trưng chợt thở dài:
- Tôi đang nghĩ đến việc sai lầm vừa qua của tôi. Nếu lúc đó tôi biết rõ ông là cháu ruột ông Vân, và cụ Giải Phan, tôi đã xé bỏ tờ tố giác của tên Nguyễn Gia không đưa cho ông Nhu.
Không để cho Vũ kịp ngạc nhiên, Trưng giải thích:
- Cách đây gần năm, tôi còn làm chủ tịch Phong trào ở Khánh Hòa, tên Nguyễn Gia ở Thanh Hóa mới di cư vào, đến gặp tôi báo ông là cán bộ công an Thanh Hóa, đảng viên Cộng sản, đang được Việt Cộng trọng dụng, tự nhiên mất hút. Vào Sài gòn, hắn thấy ông làm phụ tá cho tổng trưởng Nội vụ, hắn thắc mắc, nghi ông do Việt cộng đưa vào. Thông thường thôi, tôi bắt hắn viết báo cáo, gửi vào cho cố vấn Ngô Đình Nhu. Lúc này nghĩ lại, tôi mới thấy thiếu sót. Tại sao tôi không hỏi kỹ ông là con cháu nhà ai?... Nhưng bây giờ ông đã là phụ tá cho bác sĩ Tuyến, lại là ủy viên "Phong trào đô thành", rõ ràng bản tin của Nguyễn Gia không làm ông Nhu, ông Tuyến thiếu đi sự tin cậy ở ông. Phần tôi, sau này nếu các ông ấy có nhắc đến, tôi sắn sàng bảo lãnh cho ông, ông Vũ ạ.
Vũ giữ thái độ bình tĩnh, chăm chú nghe Trưng kể, tuy trong lòng trước việc bất ngờ đã nôn nao lo lắng. Theo quán tính, anh phân tích ngay, việc tố cáo xảy ra đã gần một năm, nghĩa là trước khi Trần Kim Tuyến mời anh cộng tác, kết nạp vào anh vào đảng "Cần Lao". Cao hơn nữa cử anh qua nắm tổ chức "Phong trào đô thành bộ". Rõ ràng Vũ đã được tín nhiệm. Tình trạng hồi hộp đột xuất bùng lên rồi lắng xuống cũng rất nhanh trong anh. Để rồi Vũ tự hỏi, phải chăng Trưng tự đưa vấn đề này ra để "đánh đổi" câu chuyện về người em ruột của ông ta quyết ở lại sống chết với quê hương...Và hai người cháu ruột hiện là bộ đội Việt Cộng... Vũ tin chắc với nguồn tin này, anh sẽ tạo được sợi dây vô hình buộc chặt Trưng với anh. Vũ yên tâm, mỉm cười:
- Cảm ơn cụ đã dành cho tôi sự tin cậy. Vụ này anh Tuyến có nói lại với tôi ngay từ hồi đó.
Trưng cười giả lả, lúc lắc mái đầu điểm bạc:
- Không tin ông còn tin ai được nhỉ? Tôi hiểu chớ, làm sao Việt Cộng có thể thu nhận được ông vào đảng? Ai nói ông là đảng viên cộng sản tức là không hiểu chi cộng sản. Ông Nhu, ông Tuyến tin cậy ông là đúng. Cũng như em tôi, chú Mỹ đấy, dù chú có ở lại làm việc trong vùng Việt Minh cũng không thể trở thành cộng sản được. Cha đẻ là tri huyện thời thực dân phong kiến, anh ruột là phần tứ quốc gia chống cộng triệt để đúng không ông Vũ?
Trưng cố ý gắn hoàn cảnh của ông ta và của Vũ, cả hai còn gia đình ở lại trong vùng Việt cộng, nhằm thanh minh trước hết với "Phụ tá cơ quan mật vụ" của Trần Kim Tuyến, duy trì cái thế chính trị của ông ta luôn trong sáng, nếu có kẻ xấu nào lợi dụng gây sự nghi ngờ thì chính Vũ trở thành nhân chứng của mình. Vũ hiểu tâm trạng của Trưng, ông già sáu mươi đang ở bực thang danh vọng trên cùng, nhưng tham vọng không phải dừng lại ở đó. Hiện nay, Trưng vừa làm ủy viên Trung ương Cần Lao, Trung ương Phong trào cách mạng quốc gia, dân biểu Quốc hội, vừa là thành viên trong ban tư vấn cận thần tin cậy bậc nhất của Diệm. Là một trong số sáng lập viên Đảng "Cần Lao Nhân Vị" ngang hàng với Tôn Thất Toại, Nguyễn Trác, Huỳnh Văn Chí, Lê Văn Nghiêm, Đỗ Mậu... sát cánh với Ngô Đình Cẩn bí mật hoạt động từ khi Diệm còn là con bài dự tính của Mỹ, nằm trong tu viện ở Hoa Kỳ. Công lao tạo uy tín, quy tụ thực lực, mở đường cho nhà chí sĩ cách mạng quốc gia về chấp chính, không phải là nhỏ. Đối với cá nhân Ngô Đình Diệm là vậy, nhưng với Nhu hiện nay là linh hồn của người anh ruột cầm quyền, ông ta không thể đùng những công thần nắm các chức vụ chủ chốt, ông ta cần loại có khả năng và dễ dạy. Từ đó sự ganh tị phát sinh ngay trong nội bộ. Trưng thấy rõ hơn ai hết, chỉ cần cái cớ liên hệ Việt cộng, vị trí tột đỉnh vinh quang của ông ta có còn giữ vững được không? Thanh minh đã chậm, ích gì!
Lúc đầu Võ Văn Trưng với lối thăm dò dè dặt rồi câu chuyện dẫn dắt đến chỗ thân tình, tin cậy, Trưng bắt đầu tâm sự:
- Ông Vũ nghĩ gì về buổi nói chuyện của ông Nhu trong hai buổi họp vừa rồi?
Vũ không trả lời ngay, anh hỏi ngược lại:
- Cụ quan tâm vấn đề gì qua lời huấn từ của ông Cố vấn chăng?
Trưng trầm ngâm giây lát, mạnh dạn:
- Không lẽ ông không chú ý đến điều mà hiện các vị trong Ban chấp hành Trung ương đảng ta thắc mắc sao? Ông Nhu nói rằng chế độ Việt Nam cộng hòa không dựa đảng phái, đảng Cần Lao Nhân Vị sẽ không ra công khai, có đảng Cần Lao hay không, mặc ai hiểu sao thì hiểu. Ông ta còn nhấn mạnh: "Chúng ta thuộc về một gia đình mà số phận gắn liền với vận mệnh quốc gia". Đó là điều mấu chốt khiến mọi người quan tâm đấy.
Trưng ngước mắt nhìn thẳng vào mặt Vũ, cặp mắt không còn vẻ trong sáng, có vằn đỏ, có hằn những nét chân chim ở phần đuôi, anh nhận rõ ánh mắt của ông ta ẩn hiện một sự giận hờn, một nỗi lo âu. Vũ với vẻ nghiêm túc, chậm rãi:
- Vâng thưa cụ, cũng như các vị có mặt, tôi có chú ý điều đó. Ông Nhu nói với chủ đích rõ ràng không phải do ngẫu hứng. Người ta có thể hiểu lầm, chế độ Việt Nam cộng hòa do một nhà, giống kiểu nhà Nguyễn trước chớ không phải đảng Cần Lao cầm quyền, trong khi hiến pháp dựa trên chủ thuyết nhân vị.
Trưng bật ngửa ra lưng ghế, cười gằn, làm Vũ ngừng lại. Anh lấy thuốc hút cố ý chờ đợi.
Ông quả là sâu sắc:
- Này nhé, chúng ta đã nhận được nhau là "người nhà" cứ nói thực với nhau nhé, ông Vũ?
Vũ nhẹ gật đầu, trả lời có dụng ý bị động:
- Thưa vâng, nếu được cụ cho phép.
- Ông Nhu đã lộ rõ nguyên hình độc tài không hơn không kém. ông ta đã sử dụng lực lượng của đảng Cần Lao như một công cụ làm cầu cho ông Diệm từ Hoa Kỳ về nước, làm thang cho ông Diệm bước lên vị trí nguyên thủ quốc gia. Bao nhiêu đảng viên tận tụy, hy sinh cho sự nghiệp chung, bảo vệ ông Diệm trước sự tấn công của các đảng phái, giáo phái, tay sai của Pháp, kể cả bọn thực dân Pháp, xây dựng uy tín, tập họp lực lượng, đưa ông ta lên tột đỉnh vinh quang. Vậy mà khi công thành danh toại, ông ta trao cho ông Nhu nắm toàn quyền quyết định. Rõ ràng anh em ông Diệm đã phủi công lao của đảng, bất cần đảng, có đảng hay không có đảng lúc này không cần thiết. Tất cả mọi người phụ thuộc vào một gia đình, chỉ có gia đình ông Diệm mới có số phận gắn liền với vận mệnh quốc gia. Hừ phong kiến, đi đúng vết xe nhà Nguyễn rồi, chết thật!
Với lối nói gay gắt, Trưng bộc lộ tâm trạng mình không dè dặt trước mặt Vũ. Con người bộc trực, nóng nảy, Vũ nhận xét. Không bỏ lỡ cơ hội, anh thăm dò sâu hơn:
- Từ lâu nghe nói tổng thống Diệm tín nhiệm và chịu nghe lời bàn bạc của bốn vị được coi là "Tứ trụ": Cụ Tôn Thất Toại, cụ Hà Huy Liêm, cụ và đại tá Đỗ Mậu. Nếu dư luận đúng, tôi thiết nghĩ các cụ cần phải trực tiếp gặp Tổng thống đề đạt lời khuyến cáo có thể sửa lại chỗ sai sót vừa rồi.
Trưng lắc đầu thở dài:
- Ồ! Thời gian đầu quả có thế. Đến giờ tình thế đã thay đổi. Trước đây ông Diệm thường mời chúng tôi đến hỏi ý kiến khi có sự việc khó khăn. Gần đây không những ông Diệm cố ý xa lánh chúng tôi, mỗi lần bọn tôi muốn tiếp kiến phải báo qua văn phòng ông cố vấn, vài ba lần được trả lời "Cụ bận", rõ ràng gặp được Tổng thống không còn là việc dễ. Chính đại tá Đỗ Mậu gặp trường hợp rắc rối này đã nóng nảy nói nặng vài lời, bị ông Nhu đẩy đi Pháp làm tùy viên quân sự cho tòa Đại sứ. Cả ba chúng tôi đã cố gắng vận động, gần một năm rồi ông Diệm mới nhận lời giải quyết. Hôm qua, trung tá Đinh Sơn Thung ở bên bộ Quốc phòng gọi điện báo tin cho chúng tôi hay, đã có quyết định triệu hồi ông Mậu về nước. Được tin ông Diệm dự tính cử đại tá Đỗ Mậu thế tướng Mai Hữu Xuân, giữ chức Tổng giám đốc An Ninh Quân Đội. Nhưng ông Nhu tỏ ra chưa chịu, trong khi ông Diệm cương quyết tự giải quyết. Đối với hàng tướng tá, không ai được ông Diệm tin cậy hơn đại tá Đỗ Mậu, vừa là đồng hương, vừa có ơn cứu giúp ông Diệm trong thời kỳ bị bãi chức Thượng Thư Bộ Lại. Cho đến sau này lại tích cực ủng hộ ông Diệm về chấp chính. Nhưng trớ trêu thay, ông Nhu không ưa đại tá Mậu. Nguyên nhân ông Mậu vốn trực tính, nghĩ sao nói vậy, vài ba lần to tiếng với ông Nhu, lần cuối cùng xây ra, ông Diệm phải dàn hòa, nhưng không cản được ông Nhu đẩy sang Pháp. Ngày rời Việt Nam đi, ông Mậu vào từ giã, ông Diệm tỏ vẻ bùi ngùi thương cảm, ông hứa: "Tạm qua đó chờ chú Nhu nguôi cơn giận, tôi sẽ kéo ông về giao trọng trách cao hơn". Ông Diệm giữ lời hứa, đã thực hiện.
Câu chuyện kéo dài đến trưa, bà Võ Văn Trưng tươi cười bước ra phòng khách, giọng Huế dịu dàng trách móc:
- Hai ông say chuyện quá hỉ? Không lẽ quên đói được ư? Đến giờ rồi, ông mời khách vào bàn thô i.
Trưng cười, ân cần mời Vũ:
- Hôm nay bà nhà tôi đãi chúng ta bữa cơm đặc biệt xứ Thanh, một bữa ăn gia đình để nhớ mãi ngày hội ngộ, ngày chúng ta nhận nhau không chỉ đồng hương mà là đồng chí.