Bảy giờ sáng một ngày tươi đẹp ở Thủ Đô Sài gòn... Anh Mười đi sau chị vợ vào Nguyệt Điện. Vợ Mười đi thẳng vào nhà bếp, Mười đứng lại ở giữa nhà vườn. Anh đứng móc chiếc “pip” hiệu Rope to bằng cái chén tống trong túi ra, nhồi thuốc lào Bastos, đứng châm lửa hút và ngửa mặt nhìn lên những cây cao viền hai bên đường. Nắng sớm có nhiều màu trắng hơn màu vàng bắt đầu tô trên ngọn cây. Dù rằng trong buổi sáng nay cuộc đời của anh Mười không có gì lạ, không có một triệu chứng nào báo hiệu sẽ có sự lạ xảy ra, tự dưng anh cũng cảm thấy có một chút tình cảm yêu đời, xuất hiện trong tâm hồn anh. Buổi sáng nào cũng theo sau chị vợ tới đây – đi sau đôi mông đầy, lớn như hai cái thùng đựng cốm mùa thu của dân làng Vòng Bắc Việt – buổi tối nào cũng lẽo đẽo đi theo vợ về nhà, suốt ngày chịu đựng sự chỉ trích, cằn nhằn của chị vợ lắm điều, anh Mười sợ dĩ còn sống được là nhờ có những buổi sáng trời đẹp như thế này. Con phố này là một con phố ngang vắng, tiếng xe cộ di chuyển của người đi làm từ đường lớn ngoài kia chỉ vang nhẹ tới đây. Trong một vòm cây nào đó có tiếng chim ríu rít, Mười đứng ngửa mặt thở khói thuốc khói xanh vào làn không khí hãy còn ẩm ướt, đôi mắt nheo lại, lắng tai nghe tiếng chim ấy. Dưới mái nhà Nguyệt Điện, cánh cửa phòng Lan Phi mở ra lối đi chung. Quang, y phục đàng hoàng, đi giầy mocassin, tay ôm tập sách, trên đường đi đến Đại Học Y Khoa. Lan Phi, đã rửa mặt và chải tóc tạm, búi lên đỉnh đầu, đưa người yêu ra cửa. Nàng đứng nửa trong nửa ngoài cánh cửa: - Cẩn thận nghe anh, Lái xe chậm chậm chứ. Anh đừng chạy xe nhanh, em không chịu đâu... Nàng dặn dò chàng y như một cô vợ trẻ dặn chồng. - Em nhất định “cúp cua” hôm nay hả? - Nhất định! – Nàng đáp – Sáng nay bên em cũng chẳng có gì. Hai giờ thực tập. Em cần thì giờ ở nhà sửa soạn nhà cửa cho thật đàng hoàng. Mình còn thiếu thốn nhiều thứ quá. Nhà đầu tiên của chúng mình mà bị thiếu thốn em chịu không nỗi. Em phải đi chợ sắm các thứ cần dùng. Còn thiếu nhiều lắm anh ạ. Đi được vài bước. Quang quay lại. Lan Phi vẫn nửa người trên nhô ra, nửa người dưới trong phòng, âu yếm nhìn theo chàng: - Anh không muốn em gượng nhẹ cái thằng cha bất lương này nữa... – chàng chỉ tay vào cánh cửa phòng trước mặt nàng – nếu nó còn mò sang bên mình, nói vớ vẩn... Lan Phi giơ ngón tay trỏ lên miệng: - Anh... nói khẽ chứ. Sợ hắn nghe tiếng... - Anh cần cho nó nghe. Nếu nó sang bên mình giở trò ấm ớ hội tề anh sẽ đấm vỡ mặt nó. Em nói cho hắn biết là anh không muốn thấy mặt nó bên phòng mình. Em cũng không được nói chuyện với nó. Nếu em còn nói với nó tức là em khuyến khích nó, em coi thường anh... Lan Phi nở một nụ cười thông cảm và đại lượng. - Biết rồi người hùng... đi học đi, người hùng! Quang đi rồi, Lan Phi trở vào nhà, nàng chưa trải lại xong chiếc niệm giường thì cánh cửa phòng đã mở nhẹ, một thiếu phụ bước vào. Thiếu phụ đó là Minh Nhung. Sáng nay nữ giáo sư Line Em Em bận bộ đồ đầm áo liền với váy mầu lam. Trông nàng sang và lịch sự rõ ra một “first class lady”, nét mặt nàng nghiêm trang, hơi có vẻ lạnh lùng. Nàng đứng lại giữa phòng đảo mắt nhìn quanh như muốn tìm những dấu vết ghi lại một đêm phạm tội của cô cháu, Lan Phi vội vàng xuống phòng chào đón bà dì. Lan Phi chưa kịp nói, nụ cười chào đón chưa tắt trên môi, Minh Nhung đã phủ đầu: - Sáng nay, Dì bận. Dì chắc Lan Phi cũng không có nhiều thì giờ. Chắc Lan Phi đang cần sửa soạn để đi học. Vì vậy, Dì không muốn dài dòng. Chúng ta nói ngay vào chuyện. Dì vừa thấy anh Quang ở đây đi ra? Anh ấy mới đến đón Lan Phi đến trường? - Dì ngồi đây đã nào. Để Lan Phi nói Dì nghe... Lan Phi cũng đang muốn nói rõ với Dì tất cả những chuyện Dì vừa mới hỏi. - Nói đi, Dì nghe... - Lan Phi mời anh Quang đến đây ở chung. Ở chung thôi, Ở chung theo nghĩa đen, không có một chút nào lộn xộn cả. Đêm anh Quang ngủ ơ đây, Lan Phi ngủ trên kia... Minh Nhung mỉa mai: - Lan Phi ngủ mãi tận trên kia? Xa những mười mấy bước. Thấy rõ sự lố bịch và đuối lý của mình, Lan Phi trở thành liều và bướng, nàng nhìn thẳng vào mặt Bà dì với một đôi mắt thách thức: - Vâng, không có một chuyện gì bậy bạ xảy ra cả. Minh Nhung cười xòa: - Honni soit qui mai y pense...! Kẻ nào nghĩ bậy là kẻ đó xấu phải không cháu? - Vâng, cháu với Quang yêu nhau và dự định kết hôn với nhau. Chúng cháu sống chung rất trong sạch, rất “platonique” để tìm hiểu chúng cháu có hợp tính, hợp nết nhau không. Cháu muốn được biết chắc chuyện đó trước khi kết hôn...! Như đầm, Minh Nhung bực dọc giơ hai tay lên, rồi buông xuống, chiếc sắc da cầm tay đập nhẹ vào đùi nàng: - Tìm hiểu tính nết trước khi kết hôn? Nên lắm! Nhưng thiếu gì cách tìmh hiểu. Hai người sống riêng với nhau trong một căn phòng như thế này thì... tìm hiểu cái gì cho nỗi? Lan Phi... Cháu, Dì không muốn sống sượng, cháu biết hơn ai hết là Dì không muốn tỏ ra thô lỗ tục tằn... nhưng mà cháu có còn việc gì phải làm khác không...? Lan Phi giả vờ không hiểu: - Cháu còn phải học để trở thành cô Dược Sư...! - Cuộc tìm hiểu của cháu ở đây, chín tháng nữa... sẽ đem lại cho cháu một kết quả bằng xương bằng thịt... - Nhưng chúng cháu không làm bậy thì... thì... làm sao xẩy ra chuyện ấy cho được? Khi nói câu sau, Lan Phi ngây thơ và chân thành thực tình. Nàng có lý trong cái ngây thơ của nàng “nếu trai gái không nằm với nhau, làm sao người nữ có thai, sinh con cho được?” không thể nói gì hơn. Nữ giáo sư Line Em Em thở dài: - Đêm qua, Quang ngủ ở đây? Với cái dáng điệu của một người tuyệt vọng, Minh Nhung chỉ tay vào chiếc giường vải đã được xếp lại, đặt dựa góc tường. Lan Phi thấy câu hỏi ấy của bà Dì thật là thừa đầy ngớ ngẩn và chẳng có một tí “tiến sĩ”, thạc sĩ văn chương” nào cả. Nhưng nàng cũng phải gật đầu: - Vâng, - Còn cháu, cháu ngủ một mình trên giường kia? Suốt đêm? - Vâng. Nếu Dì muốn cháu phải thề... Dì mới tin... - Quang nó bằng lòng như thế? Nó chịu như thế? Mặt Lan Phi cười tươi lên. Nàng kiêu hãnh: - Vâng. Anh ấy hoàn toàn đồng ý với cháu. Anh ấy sốt sắng cộng tác với cháu để làm cuộc sống chung này. Chúng cháu gọi đây là một cuộc thí nghiệm. Như một kẻ vừa chiến đấu cam go và vừa thất bại, Minh Nhung mệt mỏi buông mình ngồi xuống ghế. - Dì chậm tiến quá mất rồi. Các cô sinh viên đời nay văn minh quá xá. Đến nay, Dì mới biết những tư tưởng, những lý thuyết về tình yêu, về gia đình xã hội mà Dì dạy ở trường đều lạc hậu, đều bị “để pát- xê” tự bao giờ rồi. Dì đến phải xin từ chức dạy học. Lan Phi cũng ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Nàng im lặng chờ đợi các đợt tấn công mới. Vài giây sau, Minh Nhung mới tiếp: - Nếu có thể biết chắc chắn được rằng Quang nó sẽ không đổi ý, nó sẽ giữ được như thế mãi mãi... - Dì đừng lo. Anh ấy đàng hoàng lắm. Khi anh ấy đã quyết định làm một việc gì, anh sẽ làm cho kỳ được. Minh Nhung lại thở dài: - Chỉ sợ nó lại quyết định... không chịu ngủ riêng thì mới là chết: Hai người trẻ tuổi, một nam một nữ, yêu nhau, sống chung trong một căn phòng mà... không có gì xảy ra cả...? Vô lý...! Có hai người đều là gỗ đá thì mới không có gì... Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén... Đôi mắt trong đẹp của Lan Phi mở rộng nhìn Minh Nhung, đôi mắt nặng những trách móc: - Văn minh như Dì mà cũng nói câu ấy ư? Minh Nhung đỏ mặt: - Đôi khi mình không nói được, cháu ạ. Các cụ ngày xưa không phải là nói sai hết cả đâu. Các cụ có kinh nghiệm, các cụ nói theo kinh nghiệm... Hai Dì cháu lại im lặng. Bầu không khí tươi mát của buổi sáng đẹp trời, nắng vàng trở nên nặng nặng. Minh Nhung – một lần nữa – lại thở dài: - Dì không biết cháu có ý dọn lại đây. Nếu biết Dì đã làm hết cách để ngăn cản. Lan Phi muốn ra ở ngoài mà không cho Dì biết trước, thật là bậy. Ở đây, Lan Phi còn phải đề phòng một người nữa... - Ai hả Dì? - Ông chủ nhà này! - Dì nói ông Hoàng à? Ông ấy có gì đâu mà phải đề phòng ạ? Cháu chỉ thấy ông ấy vui vẻ và dễ tính... Line Em Em chợt nở một nụ cười, cay đắng nhiều hơn là mỉa mai: - Hồi nãy, Dì lo sợ về chuyện Quang sống ở đây với cháu, nhưng cũng có thế Quang ở đây, bên cháu suốt ngày, đêm, cũng là một chuyện hay. Quang sẽ bảo vệ cho cháu. Lan Phi nhìn đôi lông mày. Nàng thấy bà Dì – người mà cách đây hai năm. Nàng còn cho là tối tân nhất thế giới và văn minh hoàn toàn – có vẻ khó hiểu quá. Nàng chưa đoán biết là Minh Nhung định áp dụng chiến thuật gì đây với nàng. Vừa vài phút trước, Dì nàng làm như việc Quang ngủ đêm trong căn phòng này là một tội trọng, một hành động thương luân bại lý khủng khiếp, nhưng cũng ngay sau đó bà ta lại cười duyên và tuyên bố rằng việc Quang ở bên nàng lại là hay, hữu ích. Nàng nhận xét đã nhanh, phán đoán, “bắt mạch” đã giỏi, nhưng Dì nàng thay đổi lập trường nhanh quá. Nàng để hết tâm trí vào cuộc đối thoại để đề phòng tránh những ngọn đòn bất ngờ của đối phương. Trong khi chờ đợi đỡ đòn và đánh đòn, nàng thở dài và biểu lộ sự bực dọc: - Không biết bao giờ Dì mới chịu nhận cho là cháu đã lớn rồi cháu không còn nhỏ dại đến nỗi cần người khác nâng đỡ hoặc dắt đi chơi nữa. Cháu có đủ sức tự vệ. Sự ngạc nhiên của Lan Phi càng tăng thêm khi Minh Nhung công nhận ngay: - Có thể cháu nói đúng. Nhưng cũng chính vì thấy Lan Phi đã lớn, lớn... vừa chưa lớn hẳn... nên Dì mới lo, Lan Phi kể lại cho Dì nghe câu chuyện từ đầu coi nào. Vì lý do nào Lan Phi lại có ý định mời Quang về đây sống để thử tính nết? Lan Phi ngồi dựa lưng vào thành ghế, nàng kể tất cả những gì nàng có thể kể được về mối tình, dây liên lạc giữa nàng và người yêu, cho bà Dì nghe. Nàng là sản phẩm của một mối tình tan vỡ, một gia đình ly tán, nơi mà “tình yêu không cần phải có chính trị xách cặp đi vô cùng lững thững đội nón đi ra”. Trước khi cõi đời này có nàng, cha mẹ nàng đã yêu nhau. Vì có yêu nhau cha mẹ nàng mới kết hôn, nhưng tình yêu ấy không bền: hai ông bà xa nhau, cha nàng, theo sự nhận định của nàng, còn tìm thấy một tình yêu khác, có thể là nhỏ hơn và không đẹp bằng mối tình cũ, với một cô vợ bé, nhưng cuộc sống của mẹ nàng thì hoàn toàn ủ dột và u buồn. Nàng không thể biết tại sao cha mẹ nàng hai mươi năm trước yêu nhau, có thể chết vì nhau, có thể không lấy được nhau thì chết mà mười năm sau đó, lại không yêu nhau nữa lại dửng dưng đến cái độ gần như là thù hận nhau? Theo nàng nghĩ, có thế chính cả cha mẹ nàng cũng không hiểu tại sao. Nàng thấy rằng trong dòng họ nàng, họ Mẹ, hình như là có “giớp” ly dị, có mả con gái bỏ chồng... Nói tới đây, Lan Phi giả vờ như bà Dì nàng – bà Dì cũng ly dị chồng như Mẹ nàng – là người ngoại họ, một người hoàn toàn xa lạ với cái “mả con gái bỏ chồng” của họ ngoại nàng. Tuy vậy, nàng cũng bỏ chuyện đó lướt nhanh sang trường hợp riêng của nàng. Từ khi mới biết suy nghĩ, nàng đã thắc mắc nhiều về trường hợp của cha mẹ nàng. Nàng rất sợ sự tình yêu tan vỡ, sợ chuyện yêu nhau rồi dửng dưng lạnh nhạt với nhau. Nàng không muốn sống cô đơn, buồn tủi như mẹ nàng. Khi nàng gặp và yêu Quang, sự ly tán của gia đình nàng càng ám ảnh nàng dữ dội. Nàng muốn biết chắc rằng nàng và người yêu có yêu nhau đến cái độ có thể sống với nhau suốt đời chăng. Nàng kể bà Dì nghe công trình khó khăn của nàng trong việc thuyết phục Quang chấp nhận cuộc thí nghiệm sống chung nhà mà không “yêu” nhau trước ngày cưới này. Họ sống chung với mục đích tìm hiểu xem cho có thật là hợp tính, hợp nết, có thể chịu đựng nhau lâu dài hay không. Có lẽ trước nàng, chứ có một cô gái nào có sáng kiến táo bạo này. Nàng hy vọng và tin chắc là nàng sẽ thành công. Bất cứ cuộc thử thách xoay chiều về hướng nào, nàng cũng có lợi, và Quang cũng có lợi. Nếu họ không chịu nổi nhau, họ sẽ xa nhau kịp thời để khỏi phải hối hận về sau. Chàng và nàng sẽ không phải chịu cảnh góa chồng mà chồng có vợ bé góa vợ mà đi lấy người khác v.v... với tư cách thông tin, nàng báo cho Minh Nhung biết rằng đêm qua, đêm thứ nhất và cũng là đêm nguy hiểm nhất cuộc đời họ hoàn toàn bình thường không có gì gay cấn xảy ra cả. Nghĩa là mọi sự đều tiến theo đúng chương trình dự định. Đến đoạn cuối bài thuyết trình của cô cháu gái nữ sinh viên, nữ giáo sư Em Em đã thấy và đã phải nhìn nhận cô cháu nàng là một cô gái mới có nhiều sáng kiến đáng sợ và có nhiều khả năng dẫn dắt đàn ông làm theo ý mình. Line Em Em cầm chiếc sắc tay, nàng đứng dậy: - Dì thấy Lan Phi có vẻ những chuyện Lan Phi đang làm. Dì chỉ còn có thể hy vọng Lan Phi sẽ không có điều gì hối hận sau này. Dì phải vào trường... – nàng nhìn đồng hồ tay – Dì có lớp chín giờ, Lan Phi nên cẩn thận. Chị Mười đang quét lối đi, chị dừng chổi, cười tươi với Minh Nhung: - Cô giáo... cô giáo dọn về nhà mới được như ý không ạ? Minh Nhung nhớ đến căn phòng nhỏ, hẹp, với một số đồ vật tốt cần, như một căn phòng lính, nơi nàng nằm trằn trọc suốt đêm qua trên chiếc giường sắt kọt kẹt rên xiết mỗi khi nàng trở mình, nàng gượng cười: - Không được bằng ở đây, nhưng cũng tạm được. Ông Hoàng có nhà không chị? - Cậu ấy vừa ra phố, có lẽ cậu ấy đi cắt tóc. Chị Mười “tố” luôn: - Cô còn lạ gì tính cậu Hoàng. Đàn ông gì mà chải chuốt hơn đàn bà. Tôi cứ thấy năm ngày là cậu ấy đi cắt tóc một lần. Đã thế lại còn chọn thợ. Lần nào cũng phải cắt anh thợ đó là mới được. Lão Mười nhà tôi cũng tấp tểnh học cậu ấy, định đi theo lên tận đẩu tận đâu cắt tóc, tôi cấm ngay. Lão nhà tôi hai tháng mới cạo một lần, có sao đâu... Cô có phải vô trường gấp lắm không? Mời cô vô uống một ly cà phê. Để tôi pha cô một ly đặc biệt... cô vẫn thích cà phê của bếp Mười lắm mà...? Minh Nhung lại nhìn đồng hồ, gần đến chín giờ rồi. Giờ này, nàng bắt đầu đi tới trường là vừa. Nhưng người đàn bà – hơn nữa, người đàn bà đa tình – trong Minh Nhung đánh ngay một chưởng làm cho người nữ giáo sư ở chung trong nàng bay ra xa đến năm sáu chục dậm, nàng muốn nghe chuyện Hoàng, muốn nhìn lại nói Hoàng ăn nhiều buổi cơm, ăn thật là ngon, nơi nàng đã ngồi trò chuyện, nói thật ít, cảm thông thật nhiều với chàng. Chỉ mới xa nơi này có một đêm, nàng đã thấy nhơ nhớ. Dường như nàng cảm giác rằng nàng đã xa nơi này lâu lắm rồi. Trong những ngày vào đây, nàng đã dửng dưng, với nơi này lắm rồi. Nhưng nàng chỉ dửng dưng, chỉ tưởng rằng nàng sẽ bỏ đi xa được, khi nàng còn ở đây mà thôi. Đi ra khỏi Nguyệt Điện, nàng thấy một nỗi tiếc thương và nhớ nhung đột ngột đến tràn ngập tâm hồn. Nghĩ rằng lát nữa, nàng có vào lớp chậm vài phút cũng không sao, vì cả năm nay, nàng chưa từng vào lớp trễ phút nào, và buổi học nào nàng cũng ra sau học trò, Minh Nhung đi theo chị Mười vào phòng Hoàng Chủ Nhân. Chị Mười cười khoái chí để lộ hàm răng Phernandel: - Nực cười quá... Thiệt trời hại cậu ấy. Thấy cô sinh viên dọn đến, ông cậu cuống lên, bắt tôi làm gà quay, nem rán để đãi. Có cả rượu “săm banh” đàng hoàng cũng như đêm đầu tiên cô dọn đến đây đó... Bếp Mười cười hì hì trong lúc nữ giáo sư Minh Nhung chết điếng: - Bổn cũ soạn lại mà cô... Ôn cậu chỉ có một cách ấy đem xài lại hoài... không ngờ cô bé ấy đã có chồng rồi. Lúc đầu, mới thấy cô bé đến, tôi ngán quá. Tôi nghĩ đúng là chuột non chui vào bẫy, mỡ để miệng mèo, ông cậu lấm la, lấm lét đúng là quạ thấy gà con. Mãi đến tối qua, ông cậu vẫn còn chưa biết là cô bé có bồ cựa mà! Hì... hì... chắc là ông cậu vỡ mộng cay cú lắm: Minh Nhung là người thứ nhất ngạc nhiên khi nàng thấy nàng lên tiếng bênh vực Hoàng Chủ Nhân: - Theo tôi, Hoàng cũng không đến nỗi nào...! Nàng suy nghĩ vài giây, nét mặt buồn và thương hại – Tôi hiểu anh ấy. Anh ấy là người cần tình yêu, tình thương, một người cô đơn. Anh hy vọng tôi sẽ đem lại cho anh những tình cảm mà anh thiếu thốn. Bếp Mười trợn tròn đôi mắt nhìn Minh Nhung: - Hờ... Hờ... Nữ giáo sư dạy khoa tâm lý như cô mà còn nói thế thì... hơi ngây thơ quá đấy, cô giáo ạ. Minh Nhung không giận, nàng nhìn chị bếp bằng một đôi mắt bao dung: - Tôi nghiên cứu nhiều về tâm lý nhất là tâm lý thiếu nhi. Do đó, tôi rõ tâm lý anh Hoàng. Anh ấy... tâm hồn, tâm lý ảnh... vẫn hoàn toàn là trẻ con. Đúng thế. Có lẽ chị không nhận thấy nhưng có những bằng chứng rõ ràng. Tỷ dụ như anh ấy tặng tôi một con búp bê nhồi bông... chỉ có trẻ con mới tặng bạn gái búp bê... Giận quá, chị Mười nói lắp: - Cậu... cậu... cậu ấy tặng cô... con... con... búp bê... mà... cô... cô Như nhịn không nổi chị ngoắt tay: - Cô... cô... qua đây... Chị Mười dẫn Minh Nhung vào phòng ngủ của Hoàng Chủ Nhân. Chị mở một ngăn tủ, cho Minh Nhung thấy có tới cả tá búp bê nhồi bông – toàn là khỉ mắt trố – ngồi chồm hổm bên trong: - Cậu... cậu... bé con ngây... ngây... thơ của cô đây, cấu ấy có sẵn cả chục món đồ như thế này... có cô trẻ con thì có... Chị hung hăng mở một ngăn kéo: Còn đây là kho dự trữ chìa khóa trái tim. Cô nào đến cũng có một chìa khóa vẽ trái tim... heo rướm máu. Cô nào cũng tưởng chỉ có mình có một chìa khóa tim heo cả lố đây. Mại vô... mại vô... lâu lâu mới có một lần, mua một biếu một... Nữ giáo sư tâm lý Minh Nhung trước dẫy chìa khóa có sơn hình trái tim nằm sắp lớp, chóng mặt mỏi đầu gối như muốn xỉu. Chị Mười thương hại đẩy nàng đến bên một chiếc ghế gần đó: - Để tôi nói cô nghe qua tiểu sử cậu bé con cô đơn đáng thương hại của cô. Cậu bé của cô thích gần đàn bà... Đúng đấy cậu bé con cần tình yêu? Cũng đúng nốt, có điều cậu ấy chỉ khoái gần đàn bà đẹp, và gần ba bốn cô liền tù tì cùng một lúc. Coi nào, năm tôi tới đây là năm 1948. Năm đó, cô Mộng Vân đang an ủi cậu ấy. Đó là năm cô Mộng Vân, cô ấy ở phòng cô... Như người mất hồn, Line Em Em nhắc lại: - Mộng Vân? Chị Mười gật đầu: - Mộng Vân, cô ấy nói là làm nữ thư ký, nhưng có vẻ hành nghề tài tử và dư tiền lắm. Chị Mười bằng một lối kể chuyện rất mạch lạc, có đầu có đuôi nhấn mạnh ở những đoạn cần nhấn mạnh và nói lửng lơ nhũng chi tiết nào cần được kể lửng lơ để người nghe hiểu ngầm. Rồi vanh vách, “nói có sách mách có chứng” chị kể ra cả tá tình duyên gay cấn nồng nàn nhăng nhít giữa Hoàng Chủ Nhân và một lô các cô gái trẻ có, hơi có tuổi có, đã đem thân đến ở căn nhà Nguyệt Điện này. Đôi mắt Minh Nhung mở một lúc một lớn, làn da mặt nàng – dướ làn phấn son – cứ mỗi mẩu “truyện ngắn tình cảm” do bếp Mười kể xong là một thêm xanh đi. Nàng kinh ngạc, rồi xúc động và sau cùng, nàng thốt ra một sự thật: - Thì ra vì thế hắn lấy tiền nhà rẻ rề...! Đó là một sự thất mà người thường gọi là thốt ra tự đáy lòng. Trong tiệm hớt tóc, năm ghế đều có khách ngồi thêm ba bốn khách chờ. Tiếng kéo reo lách tách, đang giờ đông khách, chuyện đang vui. Người ta đang bàn luận đến vấn đề trọng đại như là: những bộ ngực của Marilyn Monroe, Jayne Mansphield, Sophie Loren, Anita Ekberg. Từ đề tài đó họ chuyển sang các cô đào Việt Nam: Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Thanh Thúy, Bạch Yến. Hoàng Chủ Nhân nằm ngửa trên ghế, đôi mắt lim dim. Đây là giây phút khoan khoái nhất trong cuộc cắt tóc của chàng: phút nằm ngửa, đắp khăn mặt tẩm nước nóng vào mặt để cạo mặt. Đêm qua, chàng uống quá nhiều rượu, lại dầm trong đêm quá lâu ở ngoài vườn, sáng nay chàng thấy nặng đầu và đã tưởng là bị cảm. Nhưng đến bây giờ – hai viên thuốc Optalidon uống với nước chè nóng bắt đầu ngấm – chàng đã cảm thấy dễ chịu. Nhân thiên hạ nói về người ngợm, chân tay cùng những món do trời cho thật và chỉ có trời tự tay làm và những món do tay người với sự cộng tác của một thứ cây Caouichouc – Hoàng thấy cao hứng: - Để moi kể các toa nghe một câu chuyện... – Hoàng Chủ Nhân cao giọng -.... trăm phần trăm xẩy ra ở ngay cái... các em nữ ca sởi ở đất này... (sách in không rõ)... “cốt- si- tô” hả? Các bạn có đồng ý là có nhiều em to con, ngực nghiếc trông vĩ đại... trông cũng không đến nỗi nào, tuy không thể so sánh với phụ nữ các nước bạn hả? Bồng...! Có một chàng công tử con nhà giàu nọ mê một em nữ ca sĩ kia... Chàng rất chịu khó chi tiền và em cũng biết chém ra gì... Theo đuổi mãi đến một đêm sau khi tốn một số tiền khá lớn với nhiều món quà tặng cũng lớn không kém, chàng được nàng cho toại nguyện đêm ấy, chàng sung sướng mê ly đúng là một chú rể đêm động phòng. Đêm đến, chàng đón nàng vào một phòng khách sạn lịch sự như Majestic chẳng hạn... Vào phòng, chàng nóng ruột nên... xông trước, phóc lên giường nằm đợi nàng. Phòng vắng, kín đáo ánh sáng mờ ảo, dịu dàng. Nàng sửa soạn... Chàng nằm thoải mái hút thuốc, nhìn ngắm nàng... nữ ca sĩ nhà ta sửa soạn. Trước hết, chàng công tử thấy nàng cởi áo dài rồi nàng tháo bộ tóc giả vắt lên thành ghế... đôi lông mi giả được nàng gỡ ra khỏi mắt để lên mặt bàn ngủ... Tiếp đó, nàng tháo hàm răng giả bỏ vào ly nước lạnh trên mặt bàn... Tiếp tục nàng cởi chiếc Valisère lấy ra đôi vú giả bằng cao su mút... Khi nàng ca sĩ lấy ra đến cặp mông giả cũng bằng cao su thì nàng thấy chàng công tử – người say mê đeo đuổi nàng từ một tháng nay – trở dậy bình tĩnh bận y phục. Ngạc nhiên nàng hỏi: - Sao vậy anh? Có chuyện chi vậy anh? Chàng công tử đáp: - Anh về... - Sao anh lại về? Anh không yêu em sao? Vô lý... – nàng ca sĩ tỏ vẻ không tin - Anh đeo đuổi em từ bao nhiêu ngày nay, anh tốn với em biết bao nhiêu là tiền..., sao bây giờ, đến gần đích, anh lại bỏ về...? Và chàng công tử thở dài: - Anh về nhà tìm trái...... tìm... tìm trái tim giả của anh đến đây để yêu em... Khách mày râu trong tiệm cười phá lên... Những tiếng cười hô hô làm rung chuyển cả những chiếc ghế thợ cạo nổi tiếng là loại ghế vững nhất. Tiếng cười của Hoàng Chủ Nhân lớn, ròn và khoái trá hơn hết. Một chiếc xe tắc xi phóng tới dừng trước một tiệm hớt tóc. Một thiếu phụ bận đầm từ trong xe phóng ra, một tay nàng xách chiếc ví da, tay kia xách chân một con khỉ bằng vải nhồi bông. Thiếu phụ đó là Minh Nhung. Nàng xồng xộc đi vào tiệm hớt tóc. Trong tiệm mọi người đều im tiếng, ngoái cổ lại – những gọng tông đơ, kéo và dao Tây Đức, máy sấy tóc Calor, que móc tai hiệu Việt Nam, đều được ngừng giữa không khí – nhìn người thiếu phụ hầm hầm đi vào. Nàng nhìn vào tận mặt từng anh ngồi ghế để nhận diện. Chợt Hoàng Chủ Nhân, sau vài giây ngừng nghĩ, lại phá lên cười một mình: Này... các toa biết cái tim giả... đó nó dùng để chỉ cái gì rồi chớ? hiểu ngầm mà... Hì... Hì... Moa còn một chuyện này nữa, cũng chuyện nữ ca sĩ... Để moa kể các toa nghe... Ối... cái gì thế...? Bốp! Minh Nhung đập mạnh con khỉ nhồi bông vào mặt Hoàng. Tối tăm cả mặt mũi, lại thêm bị bọt xà bông vào mắt, Hoàng ú ớ đến vài giây mới nhìn ra Minh Nhung. - Hả? Em làm cái chi mà kỳ cục vậy? Lúc đó, nữ giáo sư Minh Nhung không còn là một bà trí thức đã du học ngoại quốc đỗ đạt cao nữa, nàng chỉ còn là một người đàn bà. Không những chỉ là đàn bà không mà thôi, rằng còn là đàn bà đa tình mà thất tình, đàn bà bị đời lừa dối – nàng giơ cao con búp bê khỉ nhồi bông lên định giáng thẳng xuống mấy cái nữa: - Anh là đồ khốn nạn... Đồ đểu... Đồ... đồ... Sở khanh... – Tiếng nàng the thé lạc giọng – Đến bây giờ tôi mới biết anh... Rất nhanh nhẹn và tỉnh trí, Hoàng ngồi dậy hất tung chiếc áo choàng, giựt lấy chiếc khăn mặt mới trong tay anh thợ, chùi mặt... Rồi chàng lại nghiêm giọng: - Biết cái gì? Tại sao lại... - Biết cái gì hả? Mộng Vân này, Ngọc Sương này, Kiều Xuân này... còn bao nhiêu người nữa? - Ô hay... tại sao em lại hỏi vớ vẩn thế... Những người đó đều là trước em... Ngày đó, đời anh chưa có em... Anh sống độc thân, biết làm sao được! - Anh lừa dối tôi...! Bao nhiêu cô như vậy mà anh dám nói với tôi là phòng tôi chưa ai ở hết, tôi là người đầu tiên anh yêu... Anh nói... Ồ anh đểu... đểu... đểu... khốn nạn... khốn nạn... Hoàng Chủ Nhân đàng hoàng giơ hai tay lên ngăn lại: - Xin cô đừng nói quá. Ở đây có nhiều ông tử tế, tôi không muốn nặng lời với cô. Nếu tôi nói ra thì phiền lắm – Xin lỗi... cô làm ơn nghĩ lại giùm xem... ai là kẻ thiệt thòi hơn trong vụ này? Cô hay là tôi? Trận phản công của Hoàng tới đột ngột và chững chạc quá làm cho Minh Nhung ngây mặt ra. Nàng không thể tưởng tượng được rằng sau khi nàng nói đến những tên Mộng Vân, Ngọc Sương, Kiều Xuân v.v... Hoàng còn có đủ can đảm để chất vấn lại nàng. Vì vậy nàng ú ớ: - Anh... anh thiệt hại cái gì? - Sao lại không...? Cô cho tôi là người thế nào? Tôi cũng có tâm hồn... tôi cũng biết buồn phiền đau đớn, tôi cũng biết nhớ thương chứ? Ngày cô thất tình... cô chán đời... cô tìm đến tôi cô đòi hỏi ở tôi một tình yêu, một sự an ủi...! Tôi... tôi ngốc dại tôi yêu cô... Yêu với tất cả mối tình nồng nàn của tôi. Tôi tưởng lầm là cô cũng có đôi chút cảm tình với tôi. Không... tôi không mơ mộng, không đòi hỏi nhiều, tôi nghỉ rằng ít ra... cô cũng yêu tôi đôi chút. Cô để cho tôi lầm là cô yêu tôi, cô nuôi dưỡng cái lầm ấy của tôi, Cho đến một buổi sáng đẹp trời cô thản nhiên báo cho tôi biết là cô không yêu tôi nữa, rằng cô đã tìm được một người khác... Cô thản nhiên cho tôi nghỉ việc như một anh bồi. Anh bồi của cô chắc chắn cũng còn được cô đối xử gượng nhẹ và trọng nể hơn tôi. Cô coi tôi như một món đồ dùng chỉ để gần khi dùng đến, cô liệng tôi đi như một đôi giày rách...? Ai thiệt...? Ai đểu...? Như uất hận vì “nỗi đau thương ngàn đời của giống Đực bị giống Cái khai thác” giọng nói của Hoàng Chủ Nhân chan chứa nghẹn ngào: - Khi bỏ tôi để đi theo một người đàn ông khác có địa vị hơn tôi, giầu tiền bạc hơn tôi, cô có nghĩ rằng tôi sẽ đau khổ, chán đời tuyệt vọng đến là chừng nào không? Tôi không kêu rên, không trách hận cô thì thôi chứ? Cô còn có can đảm trở lại đây làm xấu tôi nữa sao? Tôi chẳng làm gì bậy mà tôi sợ, nhưng nếu tôi nói hôm nay thì các ông bạn đồng hớt tóc với tôi đây sẽ hiểu lầm tôi. Các ông bạn đây toàn là người đứng đắn, sẽ nhổ vào mặt tôi. Nữ giáo sư Minh Nhung há hốc mồm, Hoàng Chủ Nhân bồi thêm một “chưởng” tối hậu: - Cô đã đi thì thôi... cô lại còn giới thiệu tôi cho cô cháu của cô... Một mình cô hành tội tôi chưa đủ hay sao. Tôi đâu có phải là đầy tớ của các cô... hễ các cô cần đến là có ngay... hễ các cô hết cần thì biến...? Nữ giáo sư đỏ bừng mặt, nàng “rút lui có trật tự” ra khỏi tiệm hớt tóc.