Chương 9

Còn một điều cần nói nữa về con người đặc biệt của Hoàng Chủ Nhân: Chàng có một nguồn sinh lực dồi dào dường như vô tận trác táng thâu đêm suốt sáng dù gần đàn bà liên tiếp nhiều đến chừng nào đi chăng nữa, cơ thể của Hoàng có suy giảm tiềm lực đi chút ít, nhưng ngay sau đó chỉ cần vài tiếng đồng hồ ngủ yên, một chầu tắm nước nóng, một ly sữa hột gà và cạo mặt chàng lại trẻ lại, khỏe mạnh và tươi tỉnh yêu đời ngay.
Từ tiệm hớt tóc trên đường về Nguyệt Điện trong làn ánh nắng vừa đủ nóng của buối sáng lúc chín giờ, Hoàng nhanh nhẹn bước những bước ngắn và mau của những người vô tư, mặt ngước lên nhìn mái nhà, nhìn nắng trên những hàng cây, đôi mắt long lanh, miệng chúm lại huýt sáo.
Mỗi lần cắt tóc xong, Hoàng soi gương và tự thấy mình trẻ lại đến năm tuổi. Chàng biết rõ sự quan trọng của việc hớt tóc – cái răng cái tóc là góc con người – nhất là với những người đàn ông ngoài ba mươi tuổi và hơn nữa như chàng nên chàng rất cẩn thận trong việc hớt tóc. Chàng đặt việc cắt tóc lên hàng đầu trong số những việc cần làm để sửa soạn bề ngoài của chàng. Chàng hớt tóc theo kiểu “ công tử Hà Nội” vừa hớt xong mà mái tóc vẫn “xanh bồng” không ai biết là người có mái tóc ấy vừa đi hớt tóc.
Là người có một nguồn sinh lức dồi dào, nghĩa là có “chân thận rất vượng”, Hoàng Chủ Nhân rất tự tin và lạc quan. Tuy đêm qua chàng đã thất bại trong việc đến gần Lan Phi, cô gái trọ xinh đẹp, nhưng sáng hôm nay chàng lại đụng độ với một người tình cũ và chiếm được thắng lợi, Hoàng thấy ngày hôm nay và đêm hôm nay, mới là đêm mà chàng cần hoạt động mạnh và khoảng thời gian sắp tới của ngày hôm nay hứa hẹn với chàng rất nhiều nồng say cũng như êm ái.
Hoàng Chủ Nhân đi như một cậu học trò qua vườn Nguyệt Điện. Chàng thấy cửa phòng Lan Phi mở rộng có tiếng cười nói trong lanh lảnh từ trong vang ra toàn là tiếng con gái.
Chàng nhìn vào và thấy Lan Phi đang đứng giữa nửa tá nữ sinh đồng học và đồng tuổi với nàng. Các cô này rủ nhau đến thị sát nơi ăn chốn ở mới của Lan Phi. Đây là những món “hàng” mà Hoàng thích nhất. Chàng nở một nụ cười thất tươi rồi đến gần cửa gõ nhè nhẹ vài tiếng rất lịch sự lên trên cánh cửa.
Chỉ cần phóng mắt nhìn qua một lượt bảy, tám khuôn mặt cười nói vây quanh khuôn mặt vừa “trái xoan, vừa tròn” của Lan Phi, Hoàng biết ngay rằng không có cô nào “hay hách” bằng cô khách trọ của chàng, nhưng biết đâu đấy rất có thể trong những ngày mưa buồn nào đó, một cô trong số những cô học trò dậy thì kia, sẽ đem lại cho đời chàng những tia nắng ấm. Hoàng Chủ Nhân làm một người yêu đời và lao xa.
Lan Phi giới thiệu Hoàng với các cô bạn. Hoàng Chủ Nhân tươi cười hỏi chuyện mỗi cô một câu. Chàng nhẩm tên từng cô một để nhớ.
Bên ngoài, anh Mười đứng trên chiếc thang gỗ để sửa giàn hoa, nghển cổ nhìn qua cửa sổ vào phòng các cô.
Từ lúc có Hoàng vào phòng, anh Mười lại càng chăm chú nhìn như người mất hồn. Lúc đó, dường như chỉ còn cái thân xác “ linh khố đỏ về hưu” hiền lành và bất lực của anh Mười là còn đứng trên chiếc thang, hồn anh và ngũ quan anh đã bay cả vào phòng các cô nghe tiếng cười đùa của các cô, trò chuyện “đấu hót, khôi hài” với các cô. Như tất cả những ông chồng hiền lành có những bà vợ to béo, dữ dội bắt nạt và đàn áp sống nội tâm và một óc tưởng tượng rất phong phú. Cuộc sống độc thân có nhiều đàn bà đẹp của Hoàng Chủ Nhân lại càng làm cho óc tưởng tượng của anh Mười làm việc mạnh mẽ.
- Ê...
Một tiếng quát dưới chân thang và sự lay động rất mạnh bạo tàn nhẫn dưới chân thang làm cho anh Mười hoảng hồn thiếu chút nữa thì té nhào xuống đất. Mải nhìn và đắm hồn vào giấc mơ đẹp, Mười xao lãng cả sự đề phòng. Vợ anh ta đứng dưới chân thang từ hồi nào mà anh không hay biết. Mười nhìn xuống và thấy cuộc đời – phũ phàng, nặng cân, vô tình – hiện ra thành hình khối qua sự trung gian của chị vợ anh.
- Ê... đồ băm nhăm... nhòm cái gì thế?
Anh Mười líu ríu xuống thang giữa những câu xỉ vả:
- Già rồi mà còn băm lăm... Không làm ăn gì được mà vẫn cứ... ham. Không biết xấu, cứ như... quạ thấy gà con.
Khi anh Mười sửa soạn được câu trả lời thì chị vợ anh – với một vẻ hết tin tưởng ở loài người đến tuyệt vọng – đã thở dài thườn thượt và đi vào bếp, anh Mười định biểu diễn tư tưởng bằng lời nói một hồi cho hả giận rồi muốn ra sao thì ra, nếu chị vợ anh còn đứng đấy anh sẽ hỏi “nàng” – Ờ đấy, tôi nhìn thì sao? Tôi có nhìn cô đâu mà cô làm ầm lên? Cô cần phải biết rằng tôi là người có tâm hồn, tôi cũng biết mơ mộng chứ? Cô phải nhớ rằng trước kia tôi là con nhà giầu, bố tôi làm Chánh Tổng, ruộng nhà tôi thẳng cánh cò bay... Nhưng tôi bỏ tất cả những cái đó để vô đây, vì ở ngoài ấy Cộng Sản nó cấm tôi mơ mộng. Vô đến đây, cô định cấm tôi mơ mộng nữa sao? Cô phải biết mơ mộng là quyến tối thượng của con người. Tóc tôi cô có thể cắt, quần áo tôi cô có thể lột, tiền bạc tôi cô có thể rút, nhưng cô không thể lấy cả những giấc mơ của tôi...! Lúc ấy anh Mười như Qualter Mitty của nhà văn James Thurber khi chàng này hỏi vợ – “cô cũng phải biết rằng có đôi khi tôi mơ mộng chớ?”
Chị Mười chán đời đi mất rồi. Anh Mười vẫn coi như chị vợ còn đứng ở đấy, anh lẩm nhẩm nói một mình và coi như vậy là đã nói với vợ, đã cho chị vợ to béo một bài học. Anh hả giận nên khi chị vợ đi trở ra, đứng chống nạnh, nói trống không: “Không ở cái nhà này lâu hơn được nữa. Mắt 'cần lao nhân vị' lắm. Mai tôi đi làm chỗ khác.” Anh làm lơ coi như không nghe tiếng. Anh không thèm đáp lời vợ vì chị vợ dọa dẫm đưa anh đi làm chỗ khác nhiều lần quá rồi.
Anh dừng tay kéo sửa giàn hoa để nhìn các cô ríu rít đi ngang vườn – “như một bầy chim...”. Mười nghĩ thầm – anh không thể hiểu được rằng tại sao cõi đời này có những cô gái nhỏ nhắn, tay thon chân dài, cả quấn áo, giày dép, cặp sách đồng hồ bút may cân nặng tối đa là bốn, năm ký như thế kia mà vẫn còn có những chị đàn bà nhịn đói mười ngày không xuống cân như vợ anh. Hai mươi năm trước đây, khi anh gặp chị Mười, chị ta cũng nhỏ con thon người, thịt chắc hay đỏ mặt và bẽn lẽn, chạm vào là giật mình như bị điện, chị vợ anh đâu có vẻ gì hứa hẹn là sẽ nặng cân như ngày hôm nay.
Trong phòng Lan Phi: áo sơ mi NylPhrance xám đường chỉ viền cổ trắng, quần jeans xanh, dép quay trắng sửa soạn ra đi. Nàng cười với Hoàng:
- Xin lỗi anh... sáng nay Lan Phi có nhiều chuyện phải làm lắm...
Hoàng vẫn đứng yên:
- Tôi là người được Thượng Đế sai xuống làm giúp em những việc lặt vặt. Sáng nay, tôi không có chuyện gì để làm cả. Lan Phi định đi đâu bây giờ?
- Định đi chợ...
- Tôi đi xách giỏ cho em...
Hoàng rảo bước về phòng chàng để sửa soạn làm một cuộc đi phục vụ người đẹp.
Sự chuẩn bị của Hoàng Chủ Nhân gồm có việc tiếp tế cho dạ dầy và mạch máu một ly whisky. Chàng ngắm bóng chàng trong chiếc gương gắn trên tủ rượu và mỉm cười hài lòng. Lần hớt tóc sáng nay làm chàng trẻ hẳn lại. Tuy vậy, đầu tóc chàng trông vẫn xanh bóng không có vẻ gì là chàng vừa mới đi hớt tóc hết. Hoàng Chủ Nhân “kỵ” nhất là những anh thợ cạo “dùi đục” cứ choàng áo cho khách là xong là cầm “toong đơ” đẩy trắng hếu. Nói tóm lại buổi sáng hôm nay, vào giờ sắp sửa tháp tùng nữ sinh viên Lan Phi đi phố, Hoàng Chủ Nhân rất khỏe mạnh tự tin và yêu đời.
Ba phút sau, cánh cửa căn nhà cuối vườn đước mở ra, anh Mười dừng tay – đứng giữa vườn chan hòa ánh nắng buổi sáng – nhìn Hoàng Chủ Nhân: áo Polo Arroqu thứ thiệt, cổ trái tim tay dài ngồi cầm lái chiếc xe Triumph mui trần, lướt đi êm không một tiếng động.
Xe dừng ngay trước những bậc xi- măng làm giả cẩm thạch của nhà Nguyệt Điện, Hoàng nhấn còi “pin...pin”. Lan Phi – tay cầm chiếc giỏ ni lông lớn – bước ra nhìn chiếc xe Triumph quá hách với Hoàng trên tay lái, nàng ngạc nhiên:
- Xe của anh đấy à?
- Thưa vâng. Xe tôi! Mời cô đi tạm...
Hoàng với tay mở cửa xe:
- Em phải đi xe Cadillac bằng vàng mới xứng đáng – Hoàng tiếp – vàng khối, toàn vàng khối... Nếu anh giàu như Pharouk, như Aga Khan như Hokepheller, anh sẽ đặt làm riêng một chiếc Rolls Royce bằng vàng nạm ngọc kim cương để em đi.
Chiếc xe lướt ra đường. Nhìn vào kín chiếu hậu, Hoàng trông thấy anh Mười. Anh này vòng hai ngón tay trỏ và cái vào thành một vòng giơ lên ra dấu – “Số dách và Bonne chance...!”
Lan Phi nhỏm nhỏm mấy cái để ngồi cho thêm thoải mái, nàng thấy chiếc Triumph này hơn vượt bực chiếc Simca – tuy sport, cũng mui trần nhưng đã cũ, và đã phạm tội nằm đường mấy lần trong khi có sự hiện diện của Lan Phi trên xe – như trời cao hơn vực thẳm. Tableau de bord của xe mới tinh, sáng choang, bao nhiêu cây kim bao nhiêu hộp số hoạt động. Xe sơn màu đỏ cặn rượu, da nệm xe màu xanh ve chai, ống nhún dập đình ngồi êm như nằm trên giường lò so Hồng Kông.
- Anh dấu xe này ở đâu mà kỹ quá vậy?
Hoàng mỉm cười:
- Đâu có dấu. Vì không có ai đi nên để nó nằm một xó. Tại vì không có người đi...
Giọng nói của chàng có những âm thanh buồn ở những tiếng – “không có người đi...”
- Anh giầu lắm phải không anh Hoàng?
- Làm gì mà giầu? Anh chỉ đủ sống...
Con đường khu nhà giầu, toàn vi- la nhà lầu có hai hàng cây cao bao trùm chiếc xe và hai người trong một đường bóng râm dài và loang lổ nắng. Rồi xe chạy ra khỏi con bóng cây rậm đó để qua một dẫy phố dài không bóng cây. Ánh nắng làm cho Lan Phi hồng đôi má.
- Em có thấy anh làm gì đâu?
- Ông già, bà già anh đã làm nhiều. Anh được thừa hưởng một số gia sản... Anh có tòa nhà Nguyệt Điện em và anh ở đó và vài cái nhà khác. Trong xã hội ta, người có tài sản như anh tương đối là khá rồi. Anh thấy anh không có quyền làm gì để lấy thêm tiền nữa. Phải để những số tiền ấy cho người khác, những người không được may mắn bằng anh.
Và chàng quay nhìn nàng, nở nụ cười duyên dáng nhất:
- Riêng với nhà Nguyệt Điện... anh cũng đã có nhiều việc phải làm rồi... Nhiều việc thật đẹp...
Lan Phi hiểu ngay, nàng nhìn lại chàng – nhìn thẳng vào mắt chàng – Đôi mắt chàng nặng những tình tứ:
- Anh phải lo cho các khách trọ? Công việc mệt nhọc quá anh nhỉ? Chắc là anh bận cả ngày lẫn đêm...? Các nữ thân chủ của anh chắc là phải hài lòng lắm? Có ai khiếu nại gì không anh?
Thấy bất lợi, Hoàng lảng chuyện:
- Anh cũng đã làm việc nhiều rồi – Nghĩa là anh cũng đã đóng góp khá nhiều với xã hội. Tuy là con nhà khá anh có thể sang Pháp, ăn chơi ở bên đó suốt đời, đóng vai học giả viết sách lăng nhăng. Nhưng anh không muốn thế... Anh ở lại sống với đồng bào...
Nghe ngôn ngữ của Hoàng Chủ Nhân, nếu nói qua Đài Phát Thanh, người ta có thể tưởng lầm đó là lời tuyên bố của một nhân vật cách mạng “suốt đời hy sinh vì dân, vì nước”:
- Từ năm 1940 anh tham gia Đảng Quốc Gia tranh đấu chống Thực Dân và Phát Xít.
Lan Phi tò mò:
- Anh ở Đảng gì hở anh?
Hoàng Chủ Nhân tỉnh bơ và nghiêm trọng:
- Đảng Việt Nam Quốc Gia Dân Tộc, chủ trương đuổi Pháp, đánh Nhật, diệt Cộng. Đảng anh gồm toàn người thực tâm yêu nước sẵn sàng chết vì nước...
- Đảng Việt Nam Quốc Gia Dân Tộc? Cái tên lạ quá nhỉ? Em chưa nghe ai nói đến cái tên Đảng ấy bao giờ?
- Vì Đảng hoàn toàn bí mật không bao giờ hoạt động công khai. Đảng viên không có quyền khai ra Đảng mình hoặc là nói là có Đảng mình đang hoạt động. Đảng anh cũng bí mật như Đảng Hắc Long của Nhật. Trên công khai, xã hội Nhật không hề có đảng Hắc Long nhưng bên trong. Đảng Hắc Long vẫn có. Đảng viên Đảng anh khi nhập Đảng phải tuyên thệ là không bao giờ được nhận mình là người của Đảng.
Chàng lại lảng chuyện rất nhanh và rất nghệ thuật:
Năm 1946, anh gia nhập kháng chiến chống Pháp.
- Đảng anh diệt Cộng cơ mà? Sao anh lại hợp tác với Việt Minh...?
Hoàng Chủ Nhân đã chờ đợi câu hỏi này từ trước, chàng đã có sẵn câu trả lời. Chàng buồn buồn.
- Đó là một sự khổ tâm của những người Quốc Gia. Phải bắt buột hợp tác với Việt Minh là một sự bất đắc dĩ. Vì trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến, Việt Minh chưa để lộ bộ mặt thực của chúng, bộ mặt nô lệ Cộng Sản Nga – Tầu. Thời đó, có nhiều người yêu nước bị lầm. Anh lầm một cách đau đớn và thiếu chút nữa thì ngày hôm nay cuộc đời này đã chẳng có anh lái xe đưa em đi chơi phây phây như thế này vì sự lầm lẫn ấy. Anh kháng chiến và... không phải là nói để khoe với em đâu, anh lập được khá nhiều công trạng. Năm chúng nó sát hại Nguyễn Bình ở Nam Bộ...
Hoàng ngừng lại, giả vờ như xúc động. Kỳ thực, chàng quên mất không nhớ Nguyễn Bình chết năm nào. Câu chuyện kể tiểu sử này chàng đã kể lể nhiều lần với nhiều người đàn bà, chàng đã nhớ nhập tâm, đã thuộc lòng những chi tiết cần có, vậy mà hôm nay chàng quên mất Nguyễn Bình bị giết – “Không biết là 47 hay 48, hay 49?” chàng nghĩ thầm. Sợ nàng hỏi kỹ, chàng lắc đầu như để xua đuổi dĩ vãng đen tối, rồi tiếp:
- Chúng nó hạ anh ở Việt Bắc – Anh bị bắt đưa về Bắc Kạn xử. Chúng nó vu cha anh tội phản quốc và kết án tử hình... Anh bị chúng nó bịt mắt đem ra xử tử...
Lan Phi trố mắt bồ câu đen láy nhìn “người hùng Hoàng Chủ Nhân”. Nàng rùng mình như khi ngồi xem một phim Suýt Păng Hít Cốc:
- Họ xử tử mà anh không chết?
Hoàng gật đầu:
- Anh không chết, Chúa không cho phép anh chết. Chắc là để ngày hôm nay, cho anh được gặp em. Trong đêm cuối cùng của đời anh, sáng sớm hôm ấy là chúng đưa anh ra bờ sông, cho anh đi “mò tôm”... đấy... – Chàng giơ tay lên chém mạnh vào không khí – bắt quì bên bờ sông hất xác xuống sông luôn, khỏi phải chôn. Nhưng trong đêm ấy các đồng chí của anh tổ chức một cuộc phá khám, cứu sống được anh.
Chàng thở dài:
- Ồ... chiến tranh tàn nhẫn lắm... Anh không muốn nhắc lại những kỷ niệm tàn nhẫn ấy nữa. Chúng ta hãy nói những chuyện gì vui đi Lan Phi... Cuộc đời chúng ta đang đẹp, nói đến những chuyện chết chóc mà làm gì... Sáng nay đẹp quá, trời này mà tắm biển thì tuyệt. Chúng ta nên nói chuyện về em... Lan Phi anh chưa được biết gì về em... Em học Dược phải không nhỉ? Học xong rồi em có định sang Pháp không?
Mãi nghe chuyện “tranh đấu” của Hoàng, Lan Phi không để ý đến ngoại cảnh. Trong lúc đó chiếc Triumph cứ vun vút nuốt đường lao đi. Khi Lan Phi nhìn lại, nàng thấy nàng đang di chuyển trên một con đường ngoại châu thành:
Nàng kêu lên:
- Ơ... em đi chợ cơ mà? Anh đưa em đi đâu thế này?
Hoàng Chủ Nhân giữ cho tốc độ xe chạy không nhanh hơn mà cũng không chậm hơn:
- Sáng nay trời đẹp quá, chúng mình lên trên này chơi. Anh biết chỗ này đẹp lắm, một ngọn núi ven bờ sông. Chắc chắn em sẽ thích lắm. Chỗ đó lại có một hàng ăn. Chúng mình có thể ăn cơm trưa ở đấy.
- Không được. Em phải lên chợ.
Lan Phi không cao giọng, không cau mày, giọng nàng không có một âm thanh giận dữ hay sợ hãi nhưng Hoàng Chủ Nhân – với ba mươi năm kinh nghiệm tán tỉnh đàn bà – biết rằng chàng không thể coi thường những người đàn bà bị hoàn toàn ngạc nhiên mà vẫn thản nhiên như vậy. Lẽ ra Lan Phi phải năn nỉ để được trở về thì lại chính Hoàng năn nỉ:
- Đi chơi với anh một lúc thôi vậy. Sáng nay trời đẹp quá.
Lan Phi yên lặng.
- Chúng mình lên đến bờ sông chơi một lúc, ở đó có hàng dừa thơ mộng lắm. Rồi anh cam đoan đưa em về ngay. Nhà...
- Anh đưa tôi về ngay!
Hoàng lái xe vào bên đường. Chàng nhìn Lan Phi, nhưng mặt nàng vẫn lạnh như tiền. Nàng giơ cổ tay tròn nhìn đồng hồ.
Cảm thấy mình trơ trẽn, vô duyên và bỉ tiện, Hoàng nhún vai, thở dài rồi vòng xe qua đường... về.
Đến lúc đó Lan Phi mới đổi sang kiểu ngồi khác. Sự thực nàng cũng hơi ngán – cơ thể và tâm hồn nàng cũng vừa qua một căng thẳng – nàng chưa biết phải tính sao nếu Hoàng cứ lái xe chạy thẳng bất chấp sự phản đối của nàng.
Thấy Hoàng chịu thua, nàng thấy cần an ủi đôi câu:
- Lan Phi đã nói trước là hôm nay bận. Hôm khác, anh muốn đưa Lan Phi đi chơi, Lan Phi sẽ đi với anh.