Dịch giả : Thượng Trí
Chương 7
PHẦN MỘT
NHỮNG NGUYÊN LÝ HIỆP KHÍ ĐẠO

 

TINH THẦN THÁNH THIỆN

Chúng tôi đã nói rằng cuộc đời chúng ta là một phần của vũ trụ, rằng cái bản thể cơ bản của ta là cái khí hạo nhiên, rằng đời sống và thân xác chúng ta đều do cái khí hạo nhiên mà ra, và rồi chúng sẽ phải quay trở về đó. Nếu cái bản thể cơ bản của thân xác là khí, thì cái bản thể cơ bản của tinh thần cũng là khí. Tinh thần là một tập hợp những nguyên tử nhỏ nhất. Thể xác là một tập hợp những phân tử lớn hơn. Những cả hai đều do cái khí hạo nhiên mà ra.
Hiệp Khí Ðạo là một phương pháp giúp ta hợp nhất được tinh thần và thể xác và hòa làm một với cái khí hạo nhiên. Nói khác đi, Hiệp Khí Ðạo là con đường đưa tới sự hợp nhất với khí. Tuy nhiên, tại sao lại cần phải hợp nhất những cái đã là một?
Ta có được tinh thần và thể xác đặng tiếp tục cuộc đời trong thế giới này. Tinh thần tách biệt ra khỏi thể xác và làm cản trở sự hợp thành làm một với nó. Vì lẽ đó, một khi ta học cách điều khiển tinh thần, thì ta bị cô lập ra khỏi vũ trụ. Khi chúng tôi nói « tinh thần », chúng tôi muốn cho nó một ý nghĩa rộng hơn thường lệ.
Ðể có thể có mặt trên thế giới này, thì mọi sự vật, trong nghĩa rộng, được cấp cho một thể xác và một tinh thần. Viên đá có hồn của viên đá bảo vệ cái hình thể của nó. Không khí có cái hồn của không khí bảo vệ cái vô hình thể của nó, bảo vệ những chuyển động của nó, và hoàn thành cái sứ mạng của nó. Ðạo Phật giảng nghĩa hiện tượng này nói rằng mọi vật đều có Phật tánh. Cái linh hồn của vật chất chính là cái mà ta gọi là cái đặc tính của vật chất. Ðặc tính chính nó là linh hồn trong cái nghĩa rộng đó vậy.
Con người, ngoài cái mà ta thường gọi là « tinh thần », còn có cái mà ta gọi là phần hồn của mỗi vật. Móng tay có phần hồn của móng tay, sợi tóc có phần hồn của sợi tóc, và mỗi thứ hoàn tất sứ mạng của nó mà ta không hề biết đến. Tất cả những thứ đó ta gọi là « thể xác». Cái thể xác này, theo nghĩa rộng, là tinh thần.
Cây cỏ lấy thực phẩm qua rễ của chúng và hô hấp qua lá của chúng. Cây cỏ có đời sống và linh hồn giúp cho đời sống tiếp nối. Thường thường ta chỉ nghĩ rằng cái hồn thảo mộc đó là sự diễn tiến của cuộc đời thảo mộc mà thôi. Tuy nhiên, trong thân thể chúng ta, hoàn toàn tách biệt khỏi ý thức của ta, thực phẩm đi qua miệng ta, và cơ thể ta mang nó tới chỗ để tiêu hóa, biến nó thành huyết tương (plasma), và mang nó đi nuôi tất cả mọi thành phần cấu tạo cơ thể. Ðây là cái « hồn thảo mộc » của ta vậy.
Loài vật ăn khi đói và la lên khi chúng muốn la lên. Chúng hành động theo những đòi hỏi của sự diễn tiến đời sống chúng. Ta gọi đó là hồn động vật, hoặc nếu ở loài người thì đó là những bản năng cơ bản. Ai cũng biết là con người có những bản năng động vặt cơ bản đó. Con người kết hợp tất cả những linh hồn của sự vật, cây cỏ, động vật, và yếu tố cao siêu hơn thành cái mà ta thường gọi là tinh thần, hay là linh hồn.
Mặc dù mọi loài vật đều có ngần ấy linh hồn, nhưng một người nào mà linh hồn của hắn không đi xa hơn linh hồn loài vật đó, thì ta gọi đó là phi nhân. Ta bảo rằng người ấy thiếu những đặc tính của loài người.
Một người điên khùng thì trở nên một vật, bởi vì trong hắn chỉ có cái vật chất và những hồn cây cỏ là hoạt động mà thôi. Hề ngoài hắn vẫn có cái hình dáng của con người, nhưng bên trong thì hắn đã mất đi những đặc tính của nhân loại. Nhiều thanh thiếu niên ngày nay, chẳng quan tâm gì tới những điều phiền hà chúng gây ra cho người khác hoặc cho trật tự xã hội, đã chỉ cố tình làm thỏa mãn những sở thích của chúng theo cái lối của chúng mà thôi. Trong những người này, chỉ có cái vật chất, phần hồn thảo mộc và phần hồn động vật là hoạt động mà thôi. Nói khác đi,chúng là những con người thú không cao gì hơn nhưng loài vật khác.
Con người tạo ra xã hội, người tạo ra trật tự xã hội. Hắn biết phân biệt thế nào là tốt, là xấu, và hắn biết là không được làm kẻ khác những điều gì mà hắn không muốn người khác cũng làm mình.
Con người có khả năng suy xét ; và chính cái khả năng này đã tách biệt hắn khỏi những loài vật khác.
Chúng ta gọi cái khả năng đó là tinh thần phán đoán. Một vài loài vật có chút ít khả năng phán đoán. Loài chó thường không bao giờ quên người đối xử tốt với nó và loài kiến duy trì được một trật tự xã hội khá mở mang, nhưng chúng không có cái khả năng phán đoán tất cảmọi sự vật của loài người.
Một người thiếu cái tinh thần phán đoán đó, thiếu cái đặc tính của nhân loại đó, thì chẳng hơn gì loài vật.
Cái khả năng suy luận của con người càng phát triển khi con người lớn lên, và nó tiến tới một bình diện cao hơn nữa khi ta được hấp thụ một nền giáo dục. Mới đầu thì cha mẹ ta dạy dỗ ta, rồi thì hoàn cảnh xã hội, và rồi sau đó nhà trường, cho đến khi dần dần ta trở thành những con người đích thực.
Cái khả năng suy luận một người ở lì trong cái trạng thái hoang sơ lúc mới ra đời sẽ chẳng bao giờ phát triển được cao hơn. Thí dụ, có trường hợp một đứa trẻ sinh ra trên núi, và cả cha lẫn mẹ nó đều qua đời. Loài khỉ trên núi cho đứa trẻ bú và nuôi cho nó lớn lên. Lẽ dĩ nhiên nó không hiểu được tiếng nói loài người. Hai cẳng đứa trẻ trở nên cong cong như cẳng loài khỉ, và nó có thể leo cây nhẹ nhàng như hệt loài khỉ vậy. Nó trông thấy dân làng thì nó sợ hãi, và trông giống hệt một con khỉ.
Người ta bảo rằng cái khả năng suy luận và phán đoán của nó gần như là không có gì. Chừng nào mà những bậc cha mẹ ngày nay còn thả lỏng con cái của họ, chừng nào mà xã hội còn không quan tâm đến cái hoàn cảnh chung quanh của thiếu niên, và chừng nào mà nhà trường còn tiếp tục chỉ lưu ý đến việc truyền bá kiến thức mà thôi, thì chừng đó con trẻ sẽ lớn lên giống hệt như loài vật, hành động hoàn toàn theo bản năng của chúng. Hiện tượng thiếu niên phạm pháp (juvenile delinquency), một trong những vấn đề cấp bách nhất trên thế giới hiện nay đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có ý thức về con cái của họ, đòi hỏi xã hội phải cải thiện hoàn cảnh của thanh thiếu nhi, và đòi hỏi nhà trường phải sửa đổi lại hệ thống giáo dục và nhận thức được cái nhu cầu giảng dạy đạo đức luân lý cho con trẻ. Ta chỉ có thể tạo được một xã hội thực sự nếu ta ghi sâu cái tinh thần suy luận vào trí não trẻ con của chúng ta, và dậy dỗ chúng trở thành những người biết tuân theo tinh thần suy luận.
Tuy nhiên, có một vấn đề sẽ được đặt ra nếu chúng ta nghĩ rằng một khi mà óc phán đoán của chúng đã mở mang rồi thì mọi sự sẽ đâu vào đó.
Nếu còn nhiều bậc giáo dục, những bậc được coi là có khả năng phán đoán cao, và những người ngồi ở địa vị cao trong xã hội mà phạm những lỗi nặng và những hành vi đi ngược hẳn với óc phán đoán, suy sét của họ, thì ta chẳng thể nào trách cứ được những thanh thiếu niên phạm phải những điều tệ hơn nữa, mặc dù trong thâm tâm chúng cũng biết làm như vậy là trái với lý thuyết.
Ðôi khi lý trí lại phải nhường bước cho dục vọng ; nghĩa là cái tinh thần loài vật đã cai quản tinh thần lý trí. Dù sao chăng nữa thì lý trí chẳng thế nào hoàn toàn chế ngự được bản năng. Nếu đôi khi lý trí thắng bản năng, thì sớm muộn bản năng cũng sẽ thắng lý trí. Hai yếu tố đó luôn luôn tranh đấu với nhau, và khi thì lý trí thắng, khi thì bản năng thắng. Chính bởi lẽ con người có lý trí mà hắn cảm thấy đau khổ trước sự tranh đấu thường xuyên giữa hai yếu tố đó, một niềm đau khổ mà loài vật vô lương tri không hề biết tới. Tuy có kẻ buồn sầu, ủ rũ, than van rằng được là loài vật thì sướng biết mấy, muốn làm gì thì làm, hoặc được là loài chim hoặc là con ốc dưới đáy biển, nhưng cũng có những người dám can đảm chinh phục được bản năng bằng lý trí và dám làm những điều họ muốn.
Tuy vậy phải nhận là lý trí chẳng thể lúc nào cũng chinh phục được bản năng. Lý trí là một thứ được đào luyện sau khi ra đời ; bản năng đã có từ lúc ta mới ra đời. Ta không hy vọng hoàn toàn lấy một đặc tánh tiêm nhiễm được để điều khiển một đặc tính bẩm sinh. Nếu con người sinh ra đời chỉ để đau khổ vì sự tranh chấp giữa lý trí và bản năng, thì quả đây là một thế giới đau thương hết sức.
Tuy nhiên chẳng có gì đáng để ta phiền muộn, bởi lẽ con người được phú bẩm một tinh thần còn tinh tế hơn cả lý trí, một tinh thần bẩm sinh và cơ bản. Ta sinh ra từ cái khí của vũ trụ và khí đó với ta là một. Ta có một liên hệ trực tiếp với tinh thần của vũ trụ, và chính cái tinh thần đó nó đã soi sáng cho ta biết rằng ta với vũ trụ là một. Ðây không phải là vấn đề phán đoán bằng lý trí ; đây là một sự lãnh hội bằng toàn thể thân xác và linh hồn ta.
Cái quan năng cho phép ta lãnh hội được như thế, ta gọi là linh hồn thần linh. Bởi vì linh hồn trực tiếp liên hệ đến vũ trụ, cho nên nó có năng lực điều khiển cả lý trí lẫn những bản năng động vật bẩm sinh. Một khi cái linh hồn thần linh đó đã hiện ra, thì mọi nhầm lẫn của lý trí sẽ thôi không còn nữa, và mọi bản năng cũng sẽ thôi không hỗn loạn nữa.
Ðôi khi có trường hợp một kẻ vô lại tàn ác nhất bỗng trở nên hoàn toàn thiện hảo, đó là bởi vì linh hồn thần linh đã mở mắt cho hắn, và kẻ đó sẽ thôi không còn nghĩ tới, chứ đừng nói là phạm phải, một hành vi gian ác nữa.
Những người có một đức tin sâu xa thường có một tinh thần vị tha và từ thiện kinh khủng đến độ họ sẵn sàng quên họ đi và hiến dâng thể xác và con tim họ vào một việc tốt lành cho kẻ khác hoặc cho xã hội. Ðối với những người thường, thì đó có vẻ như một sự đau đớn, một cái gì đòi hỏi một cố gắng vượt bực để tự thắng mình, nhưng thực ra đó chỉ là một biểu lộ của linh hồn thần linh trong một kẻ tin tưởng thực sự. Người có đức tin thì hành động theo những mệnh lệnh của linh hồn thần linh đó. Thay vì là một sự đau đớn hay một nỗi lo âu phiền muộn, đó là một niềm vui không bờ bến.
Một nhà sư đạo Thiền có lần nói rằng cứ mỗi sáng ngủ dậy thì người lại tự hỏi: « Chủ nhà ngươi đã dậy chưa » Vị sư đó lại tự trả lời rằng: « Ðã dậy rồi! » Vị sư đó trong ngày thỉnh thoảng lại lặp lại câu trả lời đó. Trong đạo Thiền, thường thường ta kêu ta bằng tiểu ngã (shoga), hay là cái tôi nhỏ và kêu cái bản thể căn bản của ta bằng đại ngã (daiga), hay là cái tôi lớn. Ðạo Thiền cũng dạy rằng gạt bỏ tiểu ngã đi tức là tạo sinh được đại ngã.
Ðiều này cũng như là khuyên ta đừng nên làm nô lệ cho cái tôi nhỏ của ta, nhưng phải mở mắt ra mà đón nhận cái bản thể căn bản nó hòa làm một với vũ trụ. Cái tinh thần nó thoát ra từ cái tôi lớn đó chính là cái linh hồn thần linh. Khi tự hỏi mình rằng chủ đã dậy chưa, nhà sư Thiền đó đã tự hỏi mình xem cái linh hồn thần linh của người, cái tôi lớn của người, có hoạt động không. Hỏi như thế để biết chắc là linh hồn thần linh luôn luôn được biểu lộ ra.
Nếu vị sư đó cảm thấy linh hồn đó hầu như đang bị một đám mây mù che phủ, thì người có thể kêu gọi nó về bằng cách hỏi rằng: « Chủ nhà ngươi đã dậy chưa? »
Mục đích tối hậu của sự tập luyện hô hấp và ngồi tham thiền nhập định trong đạo Thiền và đạo Yoga là để lãnh hội cái bản thể căn bản của ta, nó với vũ trụ là một, và để phát biểu cái linh hồn thần linh. Dù ta có ý thức được nó hay không, thường thường một sự kết hợp của tinh thần động vật, chất thể và lý trí chuyển động qua chúng ta như những đợt sóng bị gió làm lay động trên mặt hồ. Cũng như là khi ánh trăng tròn bị những đợt sóng làm tan tành thành trăm ngàn tia sáng vụn trên mặt nước không thể cho ta thấy được cái hình ảnh thật sự của mặt trăng, nếu tinh thần ta bị khuấy động thì nó cũng không thể phản ảnh được vũ trụ thật sự. Sự khuấy động chỉ có thể đưa đến kết quả cuối cùng là ta không còn biết thế nào là phải, là trái nữa, và rồi ta lại bị bản năng chế ngự.
Ta phải hợp nhất thể xác và tinh thần ta, phải làm cho những đợt sóng tinh thần được yên tĩnh, và phải làm cho chính ta trở thành một tấm gương sáng trong đó cái phản ảnh đích thực của vũ trụ có thể làm cho sự suy xét của ta minh mẫn và làm cho ta khỏi nhầm lẫn thiện với ác. Khi ta làm một điều gì ác, tiếng nói của cái ta thường gọi là lương tâm sẽ bảo ta rằng ta không được làm như thế! Lương tâm đó là do linh hồn thần linh mà ra, nhưng khi tinh thần bị khuấy động, thì tiếng gọi của hướng tâm sẽ mất đi trong tiếng náo động những đợt sóng. Khi tinh thần ta bình yên, tuy nhiên, thì tiếng gọi của lương tâm ta sẽ vang rền lên như sấm, với một uy quyền tuyệt đối. Con người chỉ là vị lãnh chúa của tạo hóa khi nào hắn biểu lộ được cái linh hồn thần linh của hắn.
Trong Hiệp Khí Ðạo, ta luôn luôn tập luyện cả trong lúc yên tĩnh lẫn trong lúc khuấy động để hợp nhất thể xác và tinh thần, để hòa làm một với cái khí hạo nhiên, và để giữ cho tinh thần ta sáng láng và óng mướt như một tấm gương. Vì lẽ đó ta luôn luôn phải ở trong một trạng thái có thể phát lộ được cái linh hồn thần linh của ta, và phải luôn luôn có nghị lực để tự phán xét xem cái gì ở trên thế giới này là thiện và cái gì là ác.
Người nào tập luyện và tiến tới trong những kỹ thuật và trở nên có sức mạnh mà không nắm được cái khả năng phán xét cái thiện và cái ác, thì không phải là một đệ tử thực sự của Hiệp Khí Ðạo. Một kẻ có sức mạnh, có võ thuật, mà lại có một ác tính trong con người hắn thì lại càng làm ác, chứ không thiện, trong thế giới. Muốn học tập và thực hành Hiệp Khí Ðạo cho đúng đường đòi hỏi phải biểu lộ được linh hồn thần linh. Tinh thần Hiệp Khí Ðạo là một biểu lộ của cái linh hồn đó. Cái ý nghĩa đích thực của Hiệp khí Ðạo nằm trong sự trở thành một con người đích thực, có thể phán xét mọi sự vật chung quanh mình mà không hề sai lầm. Muốn đạt tới môn Hiệp Khí Ðạo tuyệt vời và vĩ đại đó, ta phải luôn luôn tiếp tục làm chủ được từng qui luật, từng trật tự một.