Về đến Petersburg, Piotr không báo tin cho ai biết mình đã về, chàng không đi đâu cả và luôn mấy ngày chỉ đọc quyển sách của Thomas a Kempit (1) mà không hiết ai đã gửi cho chàng. Chàng chỉ hiểu một điều, và một điều duy nhất khi đọc quyển sách này đó là một niềm vui xưa nay chưa hề biết: tin tưởng rằng người ta có thể đạt đến chỗ chí thiện, và có thể thực hiện tình hữu ái tích cực giữa người với người như Ioxif Alekxeyevich đã giác ngộ cho chàng. Chàng về được một tuần thì một buổi chiều bá tước Villarxki, một người Ba Lan trẻ tuổi mà Piotr có quen biết qua loa trong giới giao tế ở Petersburg, đến phòng chàng, vẻ mặt trang trọng như người làm nhân chứng cho Dolokhov trước đây khi đến nhà chàng. Sau khi đóng cửa và yên chí rằng ngoài mình và Piotr ra trong phòng không còn ai nữa, ông ta nói với chàng:- Thưa bá tước, tôi đến tìm bá tước để làm tròn một nhiệm vụ uỷ thác và bàn với bá tước một điều - Ông ta nói với chàng, không ngồi xuống ghế - Có một người ở địa vị rất cao ở trong hội chúng tôi yêu cầu cho phép ông được gia nhập hội sớm hơn thời hạn quy định và đề nghị tôi làm người bảo lãnh cho ông. Tôi xem việc thực hiện ý muốn của người ấy là một bổn phận thiêng liêng. Vậy ông có muốn gia nhập Hội Tam điểm với sự bảo lãnh của tôi không? Giọng nói lạnh lùng và nghiêm nghị của con người mà hầu như bao giờ chàng cũng gặp trong những buổi khiêu vũ với vẻ mặt tươi tắn ân cần, giữa những người đàn bà kiều diễm và sang trọng nhất, làm Piotr ngạc nhiên. Chàng nói:- Vâng, tôi muốn vào.Villarxki gật đầu.- Còn một câu hỏi nữa mà tôi yêu cầu bá tước trả lời tôi hết sức thành thực, không phải với tư cách một hội viên tương lai của hội Tam điểm mà là tư cách một chính nhân quân tử (galant homme): Ông đã từ bỏ những quan niệm trước đây của ông chưa? Ông có tin Thượng đế không?Piotr trầm ngâm.- Vâng… vâng… Tôi tin Thượng đế - chàng nói.- Nếu vậy - Villarxki bắt đầu nói, nhưng Piotr đã ngắt lời ông ta, nhắc lại một lần nữa:- Vâng, tôi tin Thượng đế.- Nếu vậy thì chúng ta có thể ra đi, - Villarxki nói. Ông cứ dùng xe ngựa của tôi. Trên suốt đoạn đường, Villarxki vẫn nằm im. Khi Piotr hỏi chàng sẽ phải làm gì và phải trả lời như thế nào thì Villarxki chỉ đáp lại rằng những hội hữu có tư cách hơn ông ta sẽ thử thách chàng và chàng chỉ cần nói thật là được. Sau khi đã đi qua cổng lớn của ngôi nhà dùng làm hội hộ sở và bước lên một cầu thang gác tối om, họ vào một căn phòng ngoài nhỏ có thắp đèn sáng, và tự cởi áo khoác, không có người hầu nào cởi hộ. Họ rời khỏi phòng áo và bước vào một phòng khác. Một người phục sức kỳ dị xuất hiện ở cửa. Villarxki đến nói thầm thì bằng mấy câu bằng tiếng Pháp với người đó rồi đến gần một cái tủ nhỏ, Piotr nhận thấy trong tủ có những thứ quần áo mà chàng chưa bao giờ trông thấy. Villarxki lấy ở trong tủ ra một cái khăn tay, bịt mắt Piotr và thắt nút ở sau gáy, tóc của chàng cũng bị buộc vào trong nút khiến chàng thấy đau nhói. Rồi ông ta kéo chàng về phía mình, hôn chàng và nắm tay chàng dắt đi. Tóc chàng bị cái nút thắt lại rất đau, chàng nhăn mặt và đồng thời mỉm cười vì cảm thấy xấu hổ thế nào ấy. Thân hình to lớn, hai tay buông thõng, khuôn mặt nhăn nhó và tươi cười Piotr rụt rè lần bước theo Villarxki. Sau khi đưa chàng đi được mươi bước, Villarxki dừng lại nói:- Dù có gặp điều gì ông cũng phải dũng cảm chịu đựng, nếu quả ông đã quyết tâm vào hội chúng tôi.Piotr gật đầu ưng thuận.Villarxki nói thêm:- Khi nghe có tiếng gõ ngoài cửa, ông hãy cất khăn bịt mặt đi. Tôi chúc ông can đảm và may mắn. Rồi Villarxki bắt tay Piotr và đi ra. Piotr ở lại một mình, vẫn mỉm cười như lúc nẫy. Đã hai lần chàng nhún vai, giơ tay lên sờ cái khăn như muốn cất nó đi, nhưng rồi lại buông tay xuống. Năm phút chàng trải qua trong khi bị bịt mắt đối với chàng dài như cả một tiếng đồng hồ. Tay chàng tê đi, chân chàng không đứng vững; Chàng có cảm tưởng như mình mệt mỏi lắm. Chàng có cảm giác hết sức phức tạp và khác nhau. Chàng sợ những việc sắp xảy ra, nhưng còn có một điều chàng sợ hơn nữa là để cho người ta thấy mình sợ hãi. Chàng tò mò muốn biết những việc mình sắp chứng kiến và những điều người ta sẽ cho chàng biết, nhưng điều làm cho chàng hào hứng hơn cả là giờ phút bước lên con đường hồi sinh, sống cuộc đời lương thiện, tích cực đã đến, điều mà chàng vẫn mơ ước từ khi gặp Ioxif Alekxeyevich. Có tiếng gõ mạnh ở ngoài cửa, Piotr cất khăn và đưa mắt nhìn quanh. Trong phòng tối om, ở một góc phòng chỉ có một ngọn đèn nhỏ leo lét cháy trong một vật gì trăng trắng. Piotr đến gần hơn và thấy ngọn đèn đặt trên một cái bàn đen, trên bàn có một quyển sách mở rộng: đó là quyển Phúc âm, còn cái vật trăng trắng trong đó ngọn đèn cháy leo lét là một cái sọ người, hốc mắt sâu hoắm và răng nhe ra. Sau khi đọc dòng chữ đầu tiên trong quyển Phúc âm: "Thoạt kỳ thuỷ là Đạo và Đạo là Thượng đế", Piotr đi quanh cái bàn và thấy một cái hòm gỗ lớn mở nắp đựng đầy một thứ gì không rõ. Đó là một cỗ quan tài đựng xương người. Những thứ chàng trông thấy không làm cho chàng ngạc nhiên. Hy vọng bước vào một cuộc đời hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn khác cuộc sống cũ, chàng sẵn sàng đón chờ những việc kỳ lạ, còn kỳ lạ hơn những cái chàng vừa trông thấy. Chiếc sọ người, cỗ quan tài, quyển Phúc âm đối với chàng hầu như là những thứ chàng đã chờ đợi từ trước, và chàng còn chờ đợi những việc kỳ dị hơn nữa. Cố sức làm cho tình cảm sùng đạo nảy sinh trong lòng mình, chàng đưa mắt nhìn quanh, "Thượng đế, cái chết, tình yêu, tình hữu ái huynh đệ giữa người với người" - Chàng vừa tự nhủ vừa liên hệ những chữ này với những hình ảnh mơ hồ nhưng phấn khởi. Cánh cửa bỗng mở ra và một người bước vào. Dưới ánh sáng leo lét mà Piotr đã quen nhìn, chàng trông thấy một người thâm thấp. Hình như người này vừa từ một nơi có ánh sáng bước vào chỗ tối nén phải dừng lại một lát; rồi người đó thận trọng bước tới cạnh bàn và đặt lên đó đôi bàn tay nhỏ đeo găng da. Người thấp nhỏ này mặc một cái áo tạp dề bằng da trắng, che cả ngực và một phần chân, ở cổ đeo một thứ vòng, ở dưới chiếc vòng nổi bật lên một cái nềm viền cổ trắng, cao đóng khung khuôn mặt dài được chiếu sáng từ phía dưới lên. Nghe tiếng động khẽ của Piotr, người mới vào liền quay về phía chàng, hỏi:- Anh đến đây làm gì? Tại sao một người không tin vào ánh sáng của chân lý và không nhìn thấy ánh sáng ấy như anh lại đến đây làm gì? Anh muốn gì ở chúng tôi? Có phải anh muốn sự thông tuệ đạo đức và ánh sáng không? Ngay từ khi cánh cửa lớn mở ra và người lạ mặt kia bước vào, Piotr có một cảm giác sợ hãi và tôn kính giống như cảm giác hồi còn nhỏ mỗi lần đi xưng tội. Chàng cảm thấy mình đang mặt giáp mặt với một người hoàn toàn xa lạ trong đời sống hàng ngày, nhưng gần gũi vì tình hữu ái của nhân loại. Tim đập mạnh đến nỗi không thở được nữa, chàng đến gần thuyết sư (trong hội Tam điểm, người hội hữu chuẩn bị cho người đi tìm(2) gia nhập hội được gọi là thuyết sư).Khi đến gần hơn, Piotr nhận ra người thuyết sư là một người chàng có quen, tên là Xmiliamkov, nhưng chàng cảm thấy khó chịu khi nghĩ rằng người vừa bước vào là một người quen: chàng chỉ muốn coi người ấy như một hội hữu và một thuyết sư có đạo đức. Piotr một hồi lâu không nói được một lời nào, khiến người thuyết sư phải nhắc lại câu hỏi hồi nãy. Chàng ấp úng:- Vâng, tôi… tôi… tôi muốn tự đổi mới.- Tốt lắm - Xmôlianikov nói.- Tôi muốn quan niệm rằng hội "Tam điểm" là tình huynh đệ và bình đẳng giữa mọi người nhằm những mục đích đạo đức - Piotr nói và thấy xấu hổ vì cho rằng những lời nói của mình không ăn khớp với tính chất trang trọng của giờ phút này - tôi cho rằng…- Tốt lắm - người thuyết sư vội vã nói, hẳn là ông ta hoàn toàn hài lòng về câu trả, lời, - trước đây anh có tìm ở trong tôn giáo những biện pháp để đạt đến mục đích của mình không?- Không. Trước đây tôi cho rằng tôn giáo là một sai lầm, và tôi không theo, - Piotr nói khẽ đến nỗi người thuyết sư không nghe ra, phải hỏi lại xem chàng nói gì. Piotr đáp - Trước đây tôi là người vô thần…- Anh tìm chân lý để sống theo những quy tắc của chân lý; cho nên anh tìm thông tuệ và đạo đức, có phải thế không? - Người thuyết sư nói sau một lát im lặng.- Vâng, vâng. - Piotr xác nhận. Người thuyết sư đằng hắng một tiếng, đặt hai bàn tay đeo găng lên ngực và bắt đầu nói:- Bây giờ tôi phải tuyên bố cho anh biết mục đích chính của hội chúng tôi, và nếu mục đích ấy trùng với mục đích của anh thì anh vào hội chúng tôi là có lợi. Mục đích đầu tiên, chủ yếu nhất, đồng thời là cơ sở của hội chúng tôi, trên đó hội chúng tôi được xây dựng, và không một lực lượng nào của loài người có thể lật đổ được, đó là bảo vệ và lưu truyền cho hậu thế một điều bí mật quan trọng… được truyền tới ngày nay từ thời xa xăm nhất, mãi từ thời con người đầu tiên cho đến chúng ta, và có lẽ vận mệnh của nhân loại cũng lệ thuộc vào điều bí mật đó. Nhưng vì điều bí mật đó không ai có thể biết được và sử dụng được nếu như bản thân mình không được chuẩn bị từ trước bằng cách tu thân lâu dài và kiên nhẫn; cho nên không phải người nào cũng có thể hy vọng nắm được nó một cách nhanh chóng. Vì vậy, chúng tôi có một mục đích thứ hai là chuẩn bị các hội viên chúng tôi cho thật chu đáo để đổi mới tâm hồn họ, làm cho lòng họ trong sạch và soi sáng lý trí của họ bằng những biện pháp mà những con người đã nỗ lực tìm hiểu điều bí mật ấy đã truyền lại cho chúng tôi, và chính những biện pháp này sẽ khiến họ nám được điều bí mật mà tôi đã nói. Thứ ba, trong khi tu sửa và làm cho các hội viên chúng tôi được trong sạch, chúng tôi cố gắng cải tạo tất cả loài người bằng những tấm gương sùng tín và đạo đức trong các hội viên chúng tôi và cố hết sức dùng cách đó để chống lại cái ác đang thống trị thế giới. Anh hãy suy nghĩ kỹ về việc đó đi và tôi sẽ gặp lại anh - Ông ta nói đoạn bước ra khỏi phòng.- Chống lại cái ác đang thống trì thế giới… - Piotr nhắc lại và hình dung hoạt động sau này của mình trong lĩnh vực này. Chàng hình dung những con người như chàng cách đây hai tuần lễ, và trong trí tưởng tượng chàng nói với họ những lời dạy dỗ khuyên răn. Chàng hình dung những con người hư hỏng và bất hạnh mà chàng sẽ giúp đỡ bằng lời nói và việc làm, chàng tưởng tượng mình đang cứu những người khốn khổ thoát khỏi bàn tay những kẻ áp bức họ. Trong ba mục đích mà người thuyết sư kể cho chàng nghe thì mục đích cuối cùng, mục đích cải tạo nhân loại là đặc biệt gần gũi với chàng. Điều bí mật quan trọng gì đấy mà người thuyết sư nhắc đến tuy có khêu gợi trí tò mò của chàng, nhưng đối với chàng không phải là điều chủ yếu; còn mục đích thứ hai là tu sửa mình và làm cho mình trong sạch thì chàng ít quan tâm đến, bởi vì trong giờ phút này chàng khoan khoái cảm thấy mình đã hoàn toàn từ bỏ được những tật xấu ngày trước và sẵn sàng chỉ làm điều thiện mà thôi. Nửa giờ sau, người thuyết sư quay lại nói cho người tìm hiểu biết bảy đức tính tương ứng với bảy bậc thềm của thần miếu Salomon(3), mà mỗi người Tam điểm đều phải trau dồi cho mình.Những đức tính ấy là:1. Kín đáo, tôn trọng những bí mật của hội.2. Phục tùng các hội viên thượng cấp của hội,3. Sống đạo đức,4. Yêu nhân loại,5. Dũng cảm,6. Đại lượng7. Yêu cái chết. Thứ bảy, - người thuyết sư nói - Anh phải cố gắng thường nghĩ đến cái chết để tiến tới chỗ không coi nó là một kẻ thù ghê sợ nữa, mà là một người bạn… giải thoát linh hồn đã mệt mỏi vì những việc hiện ra khỏi cuộc sống này và đưa nó lên nơi cực lạc, nghỉ ngơi. "Phải rồi, phải như thế mới được - Piotr ngẫm nghĩ khi người thuyết sư lại lui ra sau những lời này và để chàng ngồi một mình trầm ngâm suy nghĩ. - Phải rồi, phải như vậy mới được, nhưng ta còn yếu đuối đến nỗi vẫn ham chuộng cuộc sống của ta mà mãi đến nay ý nghĩa mới dần dần hiện rõ trước mắt ta". Còn năm đức tính kia, - chàng tính đốt ngón tay nhớ lại, chàng cảm thấy mình đều có: (dũng cảm, đại lượng, sống đạo đức, tình yêu nhân loại, và đặc biệt là sự phục tùng), cái này đối với chàng thậm chí không phải là một đức tính mà là một nguồn hạnh phúc (chàng vui sướng làm sao khi được thoát khỏi cái tự do phán đoán của mình và ý chí mình phải phục tùng những người nắm được cái chân lý hiển nhiên). Còn về đức tính thứ bảy thì Piotr đã quên khuấy đi mất, không tài nào nhớ lại được. Lần thứ ba người thuyết sư quay trở lại nhanh hơn những lần trước và hỏi Piotr xem chàng có giữ vững ý định không và có quyết tâm tuân theo tất cả những điều người ta đòi hỏi ở chàng không.- Tôi sẵn sàng làm tất cả - Piotr nói.- Tôi còn phải nói cho anh biết một điều - người thuyết sư nói - Hội chúng tôi truyền đạt giáo lý của mình không phải chỉ bằng lời nói mà còn bằng những biện pháp khác có tác dụng đến con người đi tìm sự thông tuệ và đạo đức có lẽ còn mạnh hơn những lời đã giải thích. Ngôi đền này, với cách trần thiết mà anh đã nhìn thấy, chắc đã nói được với lòng anh nhiều hơn là những lời nói, nếu lòng anh thành thực; và có lẽ trong nghi thức nhập hội sắp đến anh sẽ thấy một phương thức truyền đạt tương tự. Hội chúng tôi bắt chước những hội thời cổ đại, biểu hiện học thuyết của mình bằng những chữ tượng hình. Chữ tượng hình - người thuyết sư nói - là sự biểu hiện một cái gì không cảm giác được và cái này có những tính chất tương tự với vật được biểu hiện. Piotr biết rất rõ chữ tượng hình là gì nhưng chàng không dám nói. Chàng im lặng lắng nghe người thuyết sư: Qua tất cả những điều đã thấy được, chàng cảm thấy cuộc thử thách sắp sửa bắt đầu.- Nếu anh quyết tâm, thì tôi phải làm lễ nhập hội cho anh - người hướng dẫn nói trong khi đến gần Piotr hơn. - Để biểu lộ lòng đại lượng của anh, tôi xin anh đưa cho tôi tất cả những vật quý mà anh có.- Nhưng tôi có mang gì trong người đâu - Piotr nói, vì chàng tưởng người ta bảo chàng trao lại tất cả của cải hiện có của chàng. Nghĩa là những thứ anh hiện có trên người: đồng hồ, tiền bạc, nhẫn… Piotr vội vã đưa túi tiền, đồng hồ và một hồi lâu loay hoay mãi mới rút được chiếc nhẫn cưới ra khỏi ngón tay múp míp. Khi chàng đã làm xong, người thuyết sư nói:- Để tỏ lòng phục tùng của anh, tôi yêu cầu anh cởi quần áo. Piotr cởi áo gi-lê và tháo giày ở chân trái theo lời chỉ dẫn của người thuyết sư. Người Tam điểm cởi khuy áo sơ mi của chàng, phanh hở phía bên trái ngực và cúi xuống kéo ống quần bên trái của chàng lên quá đầu gối. Piotr vội vã toan tháo luôn cả chiếc giày bên chân phải và xắn ống quần bên phải lên để cho người lạ mặt đỡ mất công, nhưng người Tam điểm bảo chàng không cần phải làm như thế và đưa cho chàng một chiếc giày vải để xỏ vào chân trái. Với một nụ cười trẻ con thẹn thùng, ngờ vực và tư thế nhạo hiện rõ trên môi mặc dầu chàng không muốn, hai tay buông thõng, hai chân chạng ra, Piotr đứng trước mặt người hội hữu thuyết sư đợi những mệnh lệnh mới, và cuối cùng để biểu lộ lòng thành thực: tôi yêu cầu anh cho biết dục vọng chính của anh.- Dục vọng của tôi ư! Trước kia tôi có nhiều lắm - Piotr nói.- Dục vọng nào làm cho anh vấp ngã nhiều nhất trên con đường đạo đức? - người Tam điểm nói.Piotr im lặng, bắn khoăn. "Rượu? Ăn phàm? Nhàn rỗi? Lười biếng? Nóng nảy? Thù hằn? Gái?" - Chàng nhẩm điểm lại trong tâm trí những tật xấu của mình cân nhắc mình không biết nên dành ưu tiên cho tật xấu nào.- Gái - chàng nói rất khẽ, chỉ thoáng nghe được mà thôi. Sau câu trả lời ấy, người Tam điểm đứng yên không nói một hồi lâu.Cuối cùng ông ta đến gần Piotr, lấy cái khăn tay ở trên bàn rồi lại bịt mắt chàng.- Lần cuối cùng tôi nói với anh: Anh phải tập trung tất cả tâm trí vào bản thân mình, phải kiềm chế các cảm giác và tìm hạnh phúc không phải ở những dục vọng mà ở trong tim mình. Nguồn gốc của hạnh phúc không phải ở ngoài ta mà ở trong ta. Piotr đã bắt đầu cảm thấy nguồn hạnh phúc mát mẻ kia tuôn chảy trong lòng chàng, làm cho tâm hồn chàng giờ đây tràn dầy một niềm vui và một nỗi xúc động êm dịu khác thường.Chú thích:(1) Thomas Kempit (1379 - 1471): Tu sĩ Cơ đốc giáo, người Đức, nhà văn tôn giáo. Quyển sách nói đây là quyển bắt chước Giê - su Cơ đốc.(2) Tức người muốn vào hội Tam điểm để đi tìm chân lý.(3) Salomon, vua nước Israel và là người đã dựng lên ngôi đền Jerusalem. Salomon được các dân tộc Cận Đông cho là một bậc anh quân và là một nhà hiền triết.